Trận chợ Đồng Xuân

Phan Trường Sơn
(PTS)

New Member
Trận chợ Đồng Xuân-biểu tượng bất hủ cho tinh thần quyết tử của người H

TRẬN CHỢ ĐỒNG XUÂN-BIỂU TƯỢNG BẤT HỦ CHO TINH THẦN QUYẾT TỬ CỦA NGƯỜI HÀ NỘI


Chợ Đồng Xuân, khu chợ lớn và khá lâu đời ở Hà Nội từ lâu đã là một địa điểm nổi tiếng của Thủ đô. Khi đến chợ, mọi người có lẽ đều nhận ra trước cửa chợ có một bức phù điêu thể hiện hình tượng các chiến sĩ và nhân dân trong tư thế chiến đấu. Đó chính là hình ảnh của trận chiến giữa lòng Hà Nội cách đây tròn 55 năm. Đây là trận đánh lừng danh ở Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, niềm tự hào của các thế hệ quân và dân Thủ đô.

*
* *

Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết được rằng, sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, thực dân Pháp đã tìm cách quay trở lại xâm lược nước ta. Để có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, ta chấp nhận kí hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 cho quân Pháp vào đóng ở Hà Nội và một số thành phố. Bọn Pháp đã trắng trợn gây hấn, cuối cùng ngày 18-12-1946 chúng đưa tối hậu thư đòi tước vũ khí tự vệ, công an ta và giao quyền trị an cho chúng, đồng nghĩa với việc chúng bắt ta đầu hàng và nộp Thủ đô. Đương nhiên, ta không chấp nhận và đêm 19-12-1946 cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ.

Sau những ngày đầu tiến công địch trên khắp thành phố, với mục đích cầm chân địch để hậu phương có thời gian chuẩn bị chiến tranh, một bộ phận bộ đội, công an, tự vệ Hà Nội rút vào Liên khu 1 (khu vực quận Hoàn Kiếm bây giờ) cố thủ còn các lực lượng khác giãn ra xung quanh, tạo thành thế trận "trong đánh, ngoài vây" làm cho địch lúng túng. Các chiến lũy được dựng lên. Cọc sắt, ụ đất, đồ đạc, cây cối, bao cát, cột đèn... lấp kín các đường phố. Nhà gác, ngã ba, ngã tư... biến thành vị trí. Ngày 6-1-1947, các lực lượng Liên khu 1 hợp nhất thành trung đoàn Thủ đô, khu vực Đồng Xuân án ngữ mặt bắc do tiểu đoàn 101 phụ trách. Với thế trận đó ta đã cầm cự được hơn 1 tháng trong những điều kiện hết sức chênh lệch về lực lượng và vũ khí, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Tháng 2-1947, địch có thêm viện binh và cũng đã đẩy được lực lượng khu ngoài ra ngoại ô, chúng tập trung quân dự định tiêu diệt Liên khu 1, xóa sổ một trung đoàn Việt Minh.

Ngày 6-2 và 7-2-1947 quân Pháp bắt đầu mở các trận tấn công. Sau những thất bại trên hướng đông và tây nam, quân Pháp chuyển hướng đánh vào khu Đồng Xuân, cửa ngõ quan trọng của Liên khu.

5 giờ sáng 14-2-1947, máy bay, pháo binh địch bắn phá dữ dội và xe tăng, bộ binh tiến công chợ từ nhiều hướng. Chúng bị chặn lại trước bãi cọc sắt và bao cát. Riêng sau chợ, địch cho 400 quân chủ yếu là lính lê dương mũ đỏ nổi tiếng hung hãn và liều lĩnh với 4 xe tăng dẫn đầu. Bộ đội ta bắn trả và từ trong chợ ném lựu đạn, chai cháy ra. Địch phải ngừng tấn công.

9 giờ, chúng mở đợt tấn công thứ hai. Máy bay "bà già" lượn vòng chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh. Các cỡ súng thi nhau trút đạn vào chợ. Bộ đội ta giao chiến với địch qua từng căn nhà, trên những mái nhà. Hết đợt tấn công này, địch chưa vào được chợ nhưng đã chiếm được một số nhà cao đặt trung liên uy hiếp ta.

12 giờ, địch mở đợt tấn công thứ ba. Nhờ xe tăng mở đường, quân Pháp vào được chợ. Bên trong ta chỉ có 2 tiểu đội với một số ít trung liên, tiểu liên, súng trường và lựu đạn. Mặc dù ít hơn địch cả về quân số và vũ khí nhưng chiến sĩ ta đã dũng cảm xông vào đánh giáp lá cà với địch. Quân hai bên xen vào nhau. Bộ đội ta dùng dao găm, dao bầu, lưỡi lê, kiếm, mã tấu, chai đựng xăng, sỏi và vôi bột, gạch đá... quần nhau, vật lộn với lính Pháp quanh những phản thịt. Trận giáp chiến không cân sức diễn ra quyết liệt qua từng quầy hàng. Một số chiến sĩ hi sinh, một số rút ra ngoài chiếm những nhà cao bắn vào quân địch.

Trận đánh kéo dài đến chiều hôm đó. Lực lượng ta yếu dần, phần vì đạn đã cạn, phần vì bộ đội trong chợ hầu hết đã hi sinh trong khi địch còn đông, có xe tăng, đại bác, máy bay lại tiếp tục đưa quân đến tiếp viện. Để bảo toàn lực lượng, chiều tối ngày 14-2-1947, ta rút khỏi chợ Đồng Xuân. Kết thúc trận đánh, quân Pháp chiếm được "pháo đài chợ Đồng Xuân" nhưng phải trả giá đắt : 3 thiết giáp bị phá hủy, trên 100 tên chết và bị thương. Bên ta hi sinh 15 người, trong đó có một nữ liên lạc viên mới 14 tuổi, 10 chiến sĩ bị thương.

Sau trận Đồng Xuân, trung đoàn Thủ đô lâm vào một tình thế hiểm nghèo. Lương thực và vũ khí đạn dược đều đã cạn. Trung bình mỗi khẩu súng chỉ còn 8 viên đạn, lương thực chỉ đủ cho 5 ngày ăn dè sẻn. Liên khu 1 đã bị quân Pháp vây chặt. Thực hiện chỉ thị bảo tồn chủ lực cho cuộc kháng chiến lâu dài, đêm 17-2-1947, trung đoàn bí mật vượt sông Hồng lui quân khỏi Liên khu 1. Kết thúc 60 ngày đêm chiến đấu hào hùng, trung đoàn và các lực lượng vũ trang Thủ đô đã lập thành tích xuất sắc diệt 2.200 tên địch, phá 22 xe tăng, xe bọc thép, 31 xe vận tải, xe jeep, bắn rơi và phá hủy 7 máy bay, bắn chìm 2 canô. Chúng ta đã cầm chân và tiêu hao một bộ phận quan trọng quân đội Pháp ở Hà Nội với trên 100 trận đánh mà trận chợ Đồng Xuân là điển hình.

*
* *

Trận chợ Đồng Xuân đã nêu cao tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của quân dân Thủ đô. Hình ảnh các chiến sĩ cảm tử chỉ với vũ khí thô sơ đã giành giật với những tên lính Pháp có xe tăng, đại bác, máy bay từng quầy hàng trong chợ là biểu tượng bất hủ cho quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Và chợ Đồng Xuân cũng không chỉ là nơi nổi tiếng về buôn bán mà còn là một chiến địa, chứng tích của một trận đánh bảo vệ Thủ đô đã được ghi vào những trang sử vàng kháng chiến của dân tộc Việt Nam.



Tài liệu tham khảo :

Đại tướng Võ Nguyên Giáp : Chiến đấu trong vòng vây, NXB QĐND, Hà Nội, 2001


__________________
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên