Trường Sơn-Con đường huyền thoại - Phan Trường Sơn

Phan Trường Sơn
(PTS)

New Member


TRƯỜNG SƠN-CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI



Đường Hồ Chí Minh là một chiến công chói lọi trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta. Đường Hồ Chí Minh là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam-Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương. Quang vinh thay bộ đội trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Những lời trên là của cố tổng Bí thư Lê Duẩn ghi trong sổ vàng truyền thống của bộ đội Trường Sơn. Đó cũng là những đánh giá đúng đắn nhất, đầy đủ nhất về một con đường đã trở thành một huyền thoại của thế kỉ XX : đường mòn Hồ Chí Minh.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, nước ta tạm bị chia cắt thành 2 miền. Để thực hiện chủ trương chi viện cho miền Nam tiếp tục đấu tranh vũ trang, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Ngày 19-5-1959, Tổng quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" mở đường qua Trường Sơn vận chuyển hàng quân sự cho miền Nam, đưa người và công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Và từ đó ngày 19-5-1959 đã trở thành ngày truyền thống của "Đoàn 559"-"Đường Trường Sơn"-" Đường Hồ Chí Minh".

Trường Sơn là một dãy núi lớn, chạy dài từ tây bắc xuống đông nam trên bán đảo Đông Dương. Trên lãnh thổ Việt Nam, Trường Sơn bắt đầu từ hữu ngạn sông Mã (Thanh Hoá) qua Nghệ An, Hà Tĩnh tới địa đầu Quảng Bình thì một nhánh rẽ ngang ra đến biển (mũi Ròn) là Hoành Sơn. Băng qua Hoành Sơn là đèo Ngang cao 120 mét, Trường Sơn chạy tiếp vào phía nam, qua đèo Lao Bảo (250 mét) ở Quảng Trị, đến điểm tiếp giáp giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, chia làm hai nhánh: dãy Bà Na ở phía tây và dãy Bạch Mã chạy ra đến mũi Chân Mây giáp liền với biển. Quốc lộ số 1 vượt qua núi Chân Mây nhờ đèo Hải Vân cao 470 mét. Từ đèo Hải Vân vào đến các tỉnh Cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ đây xuôi xuống là miền Đông Nam Bộ. Như vậy Trường Sơn có vị trí rất quan trọng, nối liền hai miền Nam, Bắc nước ta.

Đoàn 559 đã chọn Khe Hó (Tây Nam Vĩnh Linh) làm điểm xuất phát cho tuyến đường lịch sử này. Lực lượng ban đầu của đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức thành tiểu đoàn giao liên vận tải và các bộ phận hậu cần.

Ngày 13-8-1959 chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt núi băng rừng, 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát và 10 hòm đạn đã được bàn giao cho chiến trường Trị-Thiên.

Trước sự đòi hỏi của chiến trường, Đoàn 559 đã phát triển nhanh chóng cả về lực lượng và phương thức vận chuyển. Từ vận chuyển bằng gùi hàng đã phát triển lên vận tải cơ giới, từ chỉ có một đơn vị nhỏ bé hoạt động bí mật, Trường Sơn đã trở thành một chiến trường hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Cho đến cuối cuộc kháng chiến, lực lượng Đoàn 559 có 2 sư đoàn ô tô vận tải, 4 sư đoàn công binh, 1 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn phòng không cùng các đơn vị trực thuộc gồm 6 trung đoàn cao xạ, 1 trung đoàn bộ binh, 4 trung đoàn đường ống, 2 trung đoàn cầu, 2 trung đoàn thông tin, 1 trung đoàn vận tải sông, 1 trung đoàn giao liên cơ giới, 1 trung đoàn kho, 1 trung đoàn huấn luyện, an dưỡng, 4 đoàn thanh niên xung phong (10.000 người) và 6.000 y, bác sĩ, tổng quân số 120.000 người.

Sự chi viện của Đoàn 559 đã góp phần quan trọng vào những chiến thắng lớn của quân và dân ta. Năm 1968, Đoàn 559 đưa được 124.000 quân và một số lớn hàng phục vụ cho "Tết Mậu Thân", trong đó xe tăng được bí mật đưa vào xuất trận lần đầu ở Khe Sanh, gây bất ngờ lớn cho địch. Năm 1972, Đoàn 559 lại vận chuyển một khối lượng lớn nguời và vũ khí gồm 1 sư đoàn và 3 trung đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo, 5 tiểu đoàn cao xạ, 2 tiểu đoàn xe tăng, 2 đại đội tên lửa chống tăng cho Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tăng cường sức mạnh cho bộ đội ta bước vào cuộc tiến công chiến lược. Riêng trên mặt trận Quảng Trị, Đoàn 559 còn không quản ngại hi sinh chi viện cho bộ đội bảo vệ vùng giải phóng, nhất là trung đoàn 48 (sư đoàn 320B) đang quyết tử giữ Thành Cổ. "Mùa xuân toàn thắng" 1975, Đoàn 559 đã dốc toàn lực đảm bảo giao thông trên 2.577km, bắc lại 88 cầu, vận chuyển 115.000 quân, các đơn vị binh khí kĩ thuật, 90.000 tấn hàng (37.000 tấn vũ khí, 9.000 tấn xăng dầu) phục vụ cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Bên cạnh việc vận chuyển, bộ đội Trường Sơn còn phải đối phó với máy bay và những cuộc hành quân biệt kích, lấn chiếm của địch, phối hợp với các đơn vị khác của Việt Nam và Lào. Tính chung cả cuộc kháng chiến, Trường Sơn đã đánh 2.500 trận diệt 20.000 tên, phá gần 150 xe quân sự, bắn rơi 2.450 máy bay. Riêng trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào (3-1971), bộ đội Trường Sơn bắn rơi 365 máy bay, diệt 8.105, bắt sống 1.160, phá 136 xe, 86 pháo.

Kẻ địch biết rõ vai trò của "Đường Hồ Chí Minh", vì vậy chúng đã dùng đủ mọi cách để cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của ta. Chúng dùng máy bay (kể cả B52 và AC130*), tàu chiến ngày đêm bắn phá, ném bom, trút xuống Trường Sơn đủ loại bom phá, bom bi, bom napan, bom từ trường, mìn, chất độc hoá học... cùng các thiết bị điện tử tối tân như "cây nhiệt đới" (thiết bị thu tiếng động), máy đánh hơi người, máy tìm kho dưới đất... Nhưng bằng ý chí và sự sáng tạo ta đã vô hiệu hóa các thủ đoạn của chúng. Để chống máy bay AC130 ta làm những mạng "đường kín" náu dưới tán rừng rậm, để chống bom từ trường ta sử dụng xe phóng từ, cải tiến từ xe bọc thép của Liên Xô, để chống "cây nhiệt đới" ta cho xe nổ máy nghi binh,... Cứ thế, Trường Sơn đã đứng vững trong lửa đạn. Cuối cùng, tháng 3-1971, Mĩ-ngụy đã thực hiện nỗ lực lớn nhất là dùng 40.000 quân ngụy, 6.000 quân Mĩ, 600 xe tăng thiết giáp, 300 pháo, 1.000 máy bay nhằm cắt đứt "đường Hồ Chí Minh" trên bộ. Không ngờ, những đơn vị tinh nhuệ nhất của chúng nhanh chóng bị nghiền nát bởi các sư đoàn chủ lực miền Bắc, số còn lại phải vứt bỏ toàn bộ xe tăng, pháo lớn chạy bộ về Quảng Trị... Đến lúc đó, đối với kẻ thù, "đường Hồ Chí Minh" đã trở thành một vùng đất bất khả xâm phạm.

Trong suốt 16 năm hoạt động, Trường Sơn đã phải chịu những tổn thất to lớn về người, vật chất và môi trường sinh thái, đặc biệt là ở các trọng điểm ATP, Xiêng Phan, ngã ba Đồng Lộc... Chỉ tính từ năm 1965 trở đi, Mĩ đã dùng 733.000 lần chiếc máy bay, đánh phá 152.000 trận, ném xuống 4 triệu tấn bom và chất độc hoá học. 30.000 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, 20.000 người bị thương và hàng vạn người nhiễm chất độc hóa học, 14.500 xe, máy, 703 súng pháo và 90.000 tấn hàng bị phá hỏng. Tuy nhiên Trường Sơn đã vượt lên trên bom đạn của kẻ thù. Trong 16 năm đó, bất chấp sự đánh phá ác liệt của địch, Đoàn 559 đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ : đào đắp, san lấp 29 triệu mét khối đất đá; xây dựng hệ thống đường gồm 5 hệ thống trục dọc, 21 hệ thống trục ngang với tổng chiều dài 20.000km chạy qua 9 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Lào, 4 tỉnh của Campuchia, tuyến đường kín dài 3.140km, hệ thống đường ống xăng dầu dài 1.400km, hệ thống đường sông dài 500km; san lấp 78.000 hố bom, phá 12.600 bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 quả mìn, làm cho kẻ thù kinh ngạc, lập nên một kì tích được cả thế giới biết đến, xứng đáng nhận huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, con đường đi đến độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, con đường nối liền hai miền đất nước thực sự đã trở thành một huyền thoại của thế kỉ XX, một biểu tượng về tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam. Nó sẽ mãi mãi đi vào lịch sử cùng với những con người đã chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Có lẽ lời nhận xét của nhà báo Jacques Despuech, người từng ở Việt Nam trong chiến tranh đã nói lên tất cả điều đó :"...Con đường mòn ấy, con đường ra tiền tuyến dài hàng chục ngàn kilômét bị trọng pháo, bom phá tạo thành các túi lửa khổng lồ suốt ngày đêm. Vậy mà con đường ấy vẫn như mạng nhện muôn ngả, thực sự trở thành công cụ trọng yếu duy nhất trong lịch sử tiếp vận quân sự Việt Nam. Nếu con đường voi đi vượt dãy núi Alpes của danh tướng Anibal, con đường chuyển trọng pháo qua đèo Saint Bernard của Bonaparte đặt bên đường mòn Hồ Chí Minh thì chúng đều tụt lại quá xa vì con đường ấy không chỉ là vật thể mà còn là con đường dân tộc, con đường của tâm linh nên có sức bền vững diệu kì..."

* : Máy bay AC130 được trang bị tia hồng ngoại, thiết bị phát hiện tia lửa điện của động cơ xe, máy khuếch đại ánh sáng yếu để phát hiện mục tiêu trong đêm... và có tầm hoạt động cao nên gần như vô hiệu hóa được cao xạ 37mm của ta. Loại máy bay này rất lợi hại khi tấn công các đoàn vận tải bằng đại liên và tên lửa.



Tài liệu tham khảo :

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên : Đường xuyên Trường Sơn. NXB QĐND, Hà Nội, 2001.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên