Cái chuyến này không liên quan chuyến thứ 7 của Ly nhé.
Thứ 5 tuần này đi chùa Tây Phương.Đi 1 ngày, bằng xe đạp.Tự trang bị: Xe đạp, áo ấm, money...Ai đi thì nhắn tin cho tớ(0947163062) hoặc cho Khánh(5112023;0986318310).
Chùa Tây Phương
Cách Hà Nội khoảng 40km , về phía Tây Bắc , xuôi theo đường cao tốc là một chuỗi đô thị Sơn Tây , Hòa Lạc , Miếu Môn , Xuân Mai có một quần thể các di tích , cảnh quan đa dạng , phong phú và thơ mộng thuộc tỉnh Hà Tây . Tỉnh Hà Tây hiện nay đang được xếp hạng là nơi có nhiều di tích ngang với Huế và Hội An . Có khoảng 2700 di tích tại tỉnh này, trong đó đa số là chùa cổ , ngôi chùa xây muộn nhất cũng ở thế kỷ thứ XII. Và Chùa Tây Phương là một trong những di tích đã được xếp hạng .
Chùa Tây Phương tên chữ là Sùng Phúc tự . Chùa nằm trên đỉnh đồi Tây phương cao khoảng 50 mét , hình cong như lưỡi câu (câu lậu) thuộc núi Ngưu Lĩnh Sơn (núi Con Trâu) , Yên thôn , xã Thạch Xá , huyện Thạch Thất , tỉnh Hà Tây , cách thị xã Sơn Tây 18 km về phía Ðông Nam .
Từ dưới chân núi theo con đường dốc dài khoảng 162 mét , có 238 bậc cấp xây bằng đá ong thì đến sân tam quan chùa. Khởi thủy , chùa Tây phương chỉ là một ngôi chùa nhỏ được xây dựng vào thế kỷ thứ III , đến thế kỷ thứ IX chùa được xây dựng lại nhưng vẫn chỉ là một ngôi chùa nhỏ . Người ta kể chuyện rằng , đời nhà Tấn có một người tên là Cát Hồng , nghe tin nước Giao Chỉ có thứ cây đan sa để luyện thuốc trường sinh , ông ta bèn xin sang đây làm quan huyện Câu Lậu . Núi Câu Lậu nằm bên dòng sông Tích có cảnh trí đẹp , yên tĩnh , trên núi có một ngôi quán thờ do người dân Giao Chỉ dựng nên. Cát Hồng lên đây luyện thuốc đan sa và tu tiên .
Ðến đời nhà Ðường , Cao Biền sang làm Ðô hộ sứ (864 – 868) cho xây chùa trên núi Câu Lậu để yểm long mạch đất đã thốt lên : “Sinh khí ở phương Nam không thể lường được , ta ở lâu ắt chuốc lấy tai vạ , phải mau mua trở về Bắc” .
Năm Giáp dần (1554) , đời vua Mạc Phúc Nguyên niên hiệu Quang Bảo nguyên niên chùa được xây dựng lại quy mô như ngày nay . Ðến năm Canh Tý (1660) đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Thọ , chúa Tây Vương Trịnh Tạc qua đây , thấy cảnh đẹp cho trùng tu lại và làm thêm Tam quan . Lúc này toàn bộ cảnh trí kiến trúc chùa Tây Phương gồm có: chùa Thượng , chùa Trung , chùa Hạ và Tam quan. Sau đó chùa bị phá.
Ðến đời Nguyễn Tây Sơn , vua Quang Toản niên hiệu là Cảnh Thịnh (1793-1801) chùa được xây lại trên nền cũ , dựng lại Tam quan , đặt tên là Tây Phương cổ tự. Riêng chiếc chuông đồng đúc năm Bính Thìn (1796) , là năm Cảnh Thịnh thứ tư và bài Minh do Phan Huy Ðích soạn và khắc vào chuông năm Mậu Ngọ (Cảnh Thịnh thứ 6) .
Chùa Tây Phương được làm theo một kiến trúc cổ kính đặc biệt , có ba lớp nhà chính làm cách nhau thành hình chữ tam ( ) của nền kiến trúc cổ Việt Nam . Thềm tòa nhà nọ cách thềm tòa nhà kia 1,6m . Cả ba toà nhà đều làm cổ diêm tám mái , lợp ngói mũi hài , 8 đầu đao cong vút, bờ nóc , bò dải đều gắn hoa chanh đắp chỉ nổi , trên đắp con kìm , rồng , phượng , sô (sư tử) theo cách gọi: “rồng quài , phượng mớm , sô đùa, rất sinh động . Nội thất bên trong được chiếu sáng tự nhiên . Các tòa nhà xây gạch trần theo hình chữ công . Chùa mang dáng dấp “thượng lưu sơn lâu đài, hạ sơn lưu thủy” , thấp thoáng trong những tán lá cây rừng tạo nên một cảnh trí thiên nhiên sơn kỳ thủy tú tuyệt đẹp.
Bên trong chùa , có kiến trúc , bố cục đơn giản mà bao quát , chỗ nào cũng có đường soi cạnh trau chuốt và trang trí hình hoa lá rồng phượng rất mỹ thuật và hài hòa. Ðặc biệt trên mái nhà rui mè đều có mộng ô vuông , lót ngói xanh đỏ vàng. Trang trí theo kiểu áo cà sa nhà Phật . Các chân cột đều đứng trên tảng đá xanh đục hoa sen nở rộ , mà chân cột tưởng như những đài sen . Có những ô cửa sổ tròn trang trí theo kiểu “bán âm , bán dương” hay cửa “sắc sắc không không” thuộc triết lý nhà Phật . Phía trong các vì chùa dựng theo lối chồng giừơng thống nhất , chồng cột có xà đỡ . Nghệ thuật trang trí theo kiểu rồng phượng hoa lá ở trên các vì xà , vân nong ... với kỹ thuật chạm bẹt (chạm nông) . Ngôi chùa thứ nhất và ngôi chùa thứ ba được chạm đục hoa lá rất mềm mại và hài hòa với cảnh vật cây núi bên ngoài . Ngôi chùa giữa thì được nghệ nhân đục chạm tứ linh . Các đầu rồng được thể hiện sống động như đang vờn mây cuốn gió. Các con phượng, con lân cũng như đang đùa giỡn với thời gian.
Chùa thờ tam bảo ở ba tòa nhà , có 62 pho tượng lớn nhỏ phần nhiều bằng gỗ mít , trong đó có tượng của 18 vị Phật tổ được các nghệ nhân tạo tác một cách tinh vi và sinh động . Ðặc biệt là tượng Tuyết Sơn (thờ giữa tam bảo chùa giữa) , các pho tượng La Hán (thờ ở chùa Thượng) , bát bộ Kim Cương (thờ ở chùa Hạ) với những đường nét điêu khắc kỹ thuật điêu luyện tuyệt mỹ của nghệ nhân đương thời đã tạo nên những vi La Hán vui , buồn , khắc khổ , suy nghĩ , trầm tư. Nhà thơ Huy Cận đã diễn tả các vị La Hán chùa Thây Phương : “Mỗi người một vẻ mặt con người”.
Tượng bát bộ Kim cương là những vị thần tướng oai phong trong tư thế tiến công, toát lên vẻ đẹp nội tâm , ngoại hình để diễn tả nên ý nghĩa : “Côn quyền dư sức lược thao gồm tài”.
Những năm 1949 – 1954 , chùa Tây Phương bị địch tạm chiếm , Pháp biến chùa thành bốt gác . Trải qua bao dâu bể thăng trầm , chùa Tây Phương vẫn tồn tại vững vàng theo thời gian với những pho tượng như toát lên vẻ dũng mãnh chống lại sự tàn phá của giặc .
Năm 1962 chùa Tây phương được Bộ Văn Hóa xếp hạng là di tích lịch sử. Từ năm 1995 - 1997 chùa Tây Phương được trùng tu lại và hoàn chỉnh như hiện nay . Ðến chùa Tây Phương hôm nay , theo con đường bậc cấp lên núi du khách sẽ thấy người dân ở đây ngồi đan những cái quạt , có dòng chữ kỷ niệm một lần đến chùa , đặc biệt chỉ có ở chùa Tây Phương mới có . Nếu muốn bạn cũng có thể mua một cái quạt đan dở về làm kỷ niệm, nhưng xin nhơ một điều , quạt đan hoàn chỉnh rẻ hơn quạt dang dở . Lên đến chùa , cảnh vật đẹp và yên tĩnh sẽ làm lòng người nhẹ nhõm , như đã bỏ lại dưới kia cõi nhân gian ồn ào, đầy bụi bặm , danh lợi bon chen .