Trên những cung đường

Ký ức Lệ Giang - Ngọc Long Tuyết Sơn - phần 2

Như đã nói, 3 chúng tôi, gồm tôi, cậu em Sờ và Bác Voitapchat, 3 bác cháu đã lên tới điểm cao 3556m, một điểm cao nhất mà lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân tới. Cảm giác thật lạ, trời xanh thẳm, ngọn núi tuyết trắng xóa phía trên, và xung quanh là cánh rừng với đủ sắc màu. Nhà chờ vào khu cáp không dài, khá quy củ với hàng cột và mái ngói, bọn Tàu cũng khá văn minh, xếp hàng ngay ngắn, cái này thì VN mình còn phải học dài. Ấn tượng nhất là màu áo đỏ, chả là lên núi thì lạnh, các cửa hàng dưới chân núi cho thuê áo rét đồng phục đỏ, nên cả 1 hàng dài rực 1 màu. 3 bác cháu Vnese đã chuẩn bị trước ở nhà, dứt khoát là hội nhập chứ không hòa tan, ta mặc áo ta. Trông hàng xếp thì ngắn, nhưng hóa ra bọn Tàu ăn gian, làm những thanh chắn vòng vèo, cứ quanh đi quanh lại, nên xếp hàng mãi chưa đến lượt. Tôi cũng định tranh thủ bắt quen với mấy đứa xung quanh, hóa ra tòan bọn bất đồng ngôn ngữ, nên lại thôi. Mãi rồi cũng đến lượt, nhìn đồng hồ, 1h chiều. Hóa ra bọn này cũng văn minh, vé của mình 1h chiều thì nó đã tính cả giờ xe buýt, để mình vào cáp treo đúng 1h. Nhẩm tính giờ hẹn với hội " Ngựa" quay về lúc 3h, như vậy mình còn 2 tiếng để chơi. Trước khi đi hội ngựa có dặn rằng: lên cáp treo chán lắm, lên rồi lại xuống ngay, chẳng có tuyết, chẳng có gì chơi, chắc chỉ mất khoảng 1 tiếng là cùng. Xông xênh cho hẳn 1 tiếng 30 phút, hẹn 3 giờ chiều gặp lại ở bãi ngựa. Tôi nghĩ, chắc cũng đúng, ngựa mới mất thời gian chứ, cáp treo hiện đại hóa, vèo cái lên đến nơi, chắc là về nhanh. Nhưng hóa ra mọi chuyện lại không phải như thế. Phần này xin xem hồi sau sẽ rõ.

Dông dài mãi, đang nói chuyện chúng tôi vào cáp treo. Cáp treo TQ cũng đem lại cảm giác yên tâm, vì khá chắc chắn và hiện đại. 6 người một khoang, cũng đủ rộng cho 6 con gấu trong áo xống thùng thình và dày cộp, nhất là mình là VNese, người cũng không to lớn như bọn Tàu. Đến ruỳnh một cái, chiếc cabin của chúng tôi lao ra khoảng không, bắt đầu lên dốc. Cảm giác cáp treo lên Ngọc Long cũng khá ấn tượng, vì độ dốc lớn, có những lúc tôi có cảm giác phải trên 75 độ. Gần như dốc ngược. Bên ngoài cabin là khoảng không gian mênh mông, những ngọn núi thấp chập chùng, những sườn núi của NLTS với những ngọn cây đỏ và vàng sậm, những mảng cỏ khô vàng rơm, những ngọn thông thì xanh thẫm, và những dòng suối đá ngoằn nghoèo chảy về mãi tít những thung lũng khuất sau những cánh rừng xa. Chúng tôi nhìn về khu du lịch, không xa lắm, có thể nhìn rõ những mái nhà, hồ nước, cũng phải, vì chỉ có 6km đường chim đi ô tô, nếu theo đường chim bay thì chắc khoảng 2 km là nhiều. Và sau lưng chúng tôi, đang dần gần lại là NLTS, những mảng đá màu xám lẫn với những mảng đá trắng. Một màu trắng nếu trông xa có thể nhầm với tuyết, nhưng không trắng bằng, những sườn núi đá trắng có lẽ do thời gian và nước bào mòn dần, tạo nên những khe, những lạch trông khá lạ mắt, giống những nhũ đá lộ thiên trên sườn núi. Nhưng không thể lẫn với màu trắng tinh khiết của tuyết, một sườn núi tuyết đang dần hiện ra to lớn và hùng vĩ phía trên cao...

Nói thêm về sườn núi cáp treo này, đây là sườn núi mà theo suy đoán của chúng tôi, là sườn bên kia so với sườn của hội ngựa đang theo đuổi. Để đến được đây, chúng tôi gần như đi dọc theo NLTS, vòng một hình vòng cung khá lớn, dài khoảng 15km. Bên này không có những núi đất thoai thoải như bên kia, mà gần như là đổ thẳng xuống của 1 sườn dốc đứng. Nhưng không xuống ngay đồng bằng, mà được nối tiếp bởi những ngọn núi khác, chạy dài tít tắp phía chân trời. Đang nói về độ dốc của cáp treo, có những chỗ gần như dốc ngược, tạo nên một cảm giác khá chông chênh cho những người yếu tim. Bỗng, ù ù, gió thổi qua khe núi ào ào làm cho cabin chao đảo. Gió kinh khủng. Cabin kín bưng nhưng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng gió rít bên ngoài, cảm nhận được sự lắc lư khá thú vị. Chúng tôi thi nhau chụp ảnh, cũng hơi khó chụp vì cabin chật, vướng bận lung tung cả, 3 bác cháu nói chuyện linh tinh, trong khi 3 đứa Tàu cùng khoang ngồi im thin thít, thế là mồm Tàu không thắng được mồm VN. Hehe

Cáp treo đi được khoảng 15 phút thì đến nơi. Chuyện bắt đầu xảy ra. Trong bến cuối này khá tiện nghi, với quầy cafe khá đẹp và lịch sự, cả phòng cấp cứu, rồi toa lét, chỗ bán đồ lưu niệm. Đáng kể nhất là phòng cấp cứu. Lại lan man 1 tý, chúng tôi đã được nghe kể nhiều về vấn đề độ cao và không khí loãng, ngay từ ở bến đầu đã có nhiều cảnh báo cho người sợ độ cao và có vấn đề hô hấp. Nhiều người cũng kể rằng trên độ cao và thiếu dưỡng khí này dễ sinh ra choáng và ảo giác, tất nhiên là mệt mỏi vì thiếu không khí rồi. Cảnh giác cao độ, chúng tôi đã ép bố già phải mua 1 bình ôxy cầm tay, dặn dò kỹ, nếu bố già thấy bất thường thì phải hít ngay, cách hít ôxy như thế nào...Các đoàn LG trước cũng đều mua bình oxy, nhưng đều không sử dụng, nên cũng làm chúng tôi chủ quan, chỉ lo cho bố già. Hóa ra là ở dưới độ cao của ngựa, bình ôxy cũng chẳng để làm gì, nhưng trên này mọi chuyện hoàn toàn khác hẳn...Hix. Chuyện bắt đầu từ đây...

Vừa nói về vấn đề sức khỏe trên núi, cáp treo đã đưa chúng tôi đến điểm cuối cùng. Một khu nhà khá to và hiện đại, cửa kính nhìn rộng ra bãi núi trước mặt. Chúng tôi nhanh chân ra trước, bố già cất bước theo sau. Bỗng bố già giở chứng, bố đi WC. Uh, cũng được, 2 anh em mình cứ đi trước ra ngoài đợi cụ. Phía gần cửa có mấy quầy hàng, người tranh nhau trả tiền, mua bán cái gì đó, hình như có 1 quyển sổ có đóng dấu, mấy cái tranh tàu nhỏ nhỏ như kiểu đánh dấu trang vậy. Chúng mày mua à, thế thì tao cũng mua, chẳng biếy cái gì, cũng chẳng cần biết để làm gì. 10Y một cái nho nhỏ, còn quyển sách thì hình như là 25Y. Mua rồi mới giở ngược giở xuôi xem, đánh vần luận chữ, cũng may còn nhớ ít chữ hồi học Hán - Nôm đại học, thì hóa ra là cái chứng nhận vớ vẩn là mình đã lên tới điểm cao NLTS, độ cao 4500 mét. Thế mà còn bày đặt ký tên, lại có 1 tay lạt ma đứng cầm cái triện to đùng, đóng dấu cộp 1 phát rất to. Mà bọn Tàu củ chuối, thế mà tranh nhau mua, làm ông mày cũng cố bon chen vào mua lấy được, mua xong chẳng hiểu cái chứng nhận này để làm gì.

2 anh em mua xong, đi ra ngoài cửa. Một cảm giác khác hẳn, cái lạnh ùa đến rất nhanh. Không khí khô và rõ ràng có 1 điều gì đó rất khác, mà sau này tôi lý giải là không khí loãng, làm anh em thở lấy thở để. Có 1 cột đá to, đề 4506. À, thì ra đây là điểm cao 4506 mét. Như vậy cáp treo đã đưa chúng tôi đi một quãng đường dài, lên cao thêm gần 1000 mét nữa. Lại nhớ quê nhà, chúng tôi đang cao hơn Fanxipang 1400 mét rồi. Xung quanh một màu trắng xóa, trắng của đá, và trắng của băng tuyết xếp từng lớp mỏng trên đá. Nắng chói chang, nhưng cái nóng của ánh mặt trời trên này không đủ để tan đi băng tuyết. những mảng rêu khô vì lạnh, những tảng đá khô cằn , những bãi đá vụn, ở độ cao này chẳng có nhiều điều thú vị, ngoại trừ khung cảnh thì khá ấn tượng, từ đây, chúng tôi thả tầm mắt đến hết chân trời. Mênh mông...
Leo xa được chừng 200 mét, chợt nhớ, bố già đâu rồi. Tinh thần trách nhiệm nổi lên ầm ầm. 2 anh em rủ nhau quay lại tìm. Nhỡ bố sốc độ cao mà lăn ra thì phiền to. Chúng tôi nhớn nhác tìm, không thấy, pỏ mẹ rồi. Dòng người đông như nước lũ, đang đi ngược dòng chúng tôi, vẫn không. Ngó qua restaurant, cũng không. Bố già đâu rồi. Khéo có chuyện gì xảy ra với cụ thì biết làm thế nào đây, mải chơi quá, bỏ bố già trong toa lét rồi. Bao nhiêu mối lo ập về, tôi phân công cậu Sờ tìm trong dòng người, còn mình thì nhận phần nặng nhọc hơn, lao vào toa lét. Dại miệng, cụ mà ngất ở đấy thì tèo anh em. Vào, toa lét có khoảng 20 buồng biệt lập, có cửa đóng, như kiểu buồng của xe toa lét lưu động ở VN ta. Tất nhiên là toa lét Tàu thì đặc trưng rồi, Chu văn mùi kinh hoàng. Mà ở đây không phân biệt Nam nữ, cứ ai vào biết người ấy. Khoảng 20 ô, biết bố già còn ở ô nào. Thôi, đành vậy, cứ gọi thật to tên bố, rồi đợi có thằng nào ra thì nhìn, lần lượt người ra, cả nam cả nữ. Tất cả dần mở ra cả, chẳng thấy bố già đâu. Thế là loại được yếu tố bố ngất trên giàn quất rồi. Nhưng bố già ở đâu, tôi nghĩ đến phương án 2, hay là bố được dìu vào phòng cấp cứu rồi. Đang loay hoay chạy ra tìm, thì chợt thấy bố già đang quay lại. Ối trời, bố già thế này thì giết chúng con, chưa yếu tim vì độ cao thì bố cũng cho chúng con yếu tim vì tìm bố đấy. Hóa ra là thế này, bố già đang... thì cơn choáng đầu tiên do thiếu ôxy ập tới, bố vội sơ cứu bản thân bằng bình khí, rồi bố ngồi thở. Thở một lúc bố đi ra ngoài, lẫn vào đám đông, làm chúng con hết hơi tìm. Con thì thay được hit ôxy lại phải chịu đựng cái khí chết người. Thôi, tìm thấy người là may rồi. Tý thì con cũng ngất theo bố già.

Lại nói chuyện tìm thấy bố già, 3 bác cháu lên đường theo con đường bằng gỗ lên trên tiếp. Con đường được làm khá công phu, bằng khung sắt, bậc thang gỗ, có đóng thêm những thanh ngang để chống trơn trượt, vì trên này thường xuyên có tuyết. Chủ quan, mấy lần tôi cũng tý ngã vì tuyết khá trơn, càng mỏng càng trơn. Thành tay vịn được cuộn bằng dây thừng để tăng độ bám. Hai bên là những dây móc khóa. Bọn Khựa này hình như có trò, chỗ nào đáng nhớ là chúng nó lấy khóa con khóa lại, hình như để thề bồi chung thuỷ hay khóa tình duyên gì đó. Dây khóa chạy dài, cùng với những sợi dây vải xanh xanh đỏ đỏ trông khá vui mắt.

Tôi leo lên, vừa đi vừa tranh thủ chụp ảnh. Đúng là củ chuối. Vì ham hố, tôi mang theo túi đựng máy ảnh, khá cồng kềnh với 2 ống kính, rồi chân máy khá to và nặng, nhưng đèn flash lại quên ở nhà. Không có đèn, khi chụp lấy back ground là nền tuyết trắng, mặt cứ tối thui. Các bạn chụp ảnh cần nhớ có đèn flash nhé. Đèn cóc không ăn thua đâu, phải đèn to mới đủ để đánh chống lóa sau. 2 cái túi vừa vướng vừa nặng, nhưng không thể bỏ đi được, đành tha lên núi. Bình thường thì nhẹ, nhưng càng lên cao, định luật về trọng lực càng phát huy tác dụng. Mấy cái túi dần trở thành cái cùm trên vai. Lúc đầu còn hăng hái, rồi leo chậm dần, rồi thở. Thở như chưa bao giờ được thở. Nghĩ thầm, quái, sao mà mình thở lắm thế.Rồi há cả mồm ra mà thở. Thở khô hết cả mồm miêng. Sờ cái chai nước, bỏ mẹ rồi, tặng bác tài rồi. Không có nước, mồm miệng khô cháy, thở càng lúc càng khó khăn. Mà trời thì lạnh, càng leo lại càng thấy lạnh, lạnh như chưa lạnh thế bao giờ. Gió thổi vù vù trên sườn núi mang theo hơi lạnh. Nhưng bù lại, cảnh đẹp sững sờ. Đúng là ấn tượng mạnh nhất trong cuộc đời đến lúc này. Những bãi đá lớn, những mỏm núi tuyết phủ bây giờ như vươn tay với được, những đồi núi lô nhô, bao la đến tít tắp chân trời. Mà trời thì như gần hơn, xanh hơn. Leo lên đến điểm cao 4570 mét, bố già hổn hển: thôi, bác dừng lại thôi, bác không leo tiếp được nữa đâu, bác chờ ở dưới này nhé. Chia tay bác già, tôi tiếp tục hành trình. Cu Sờ bây giờ mất dạng rồi, nó thanh niên, trẻ khỏe nhất LG3, leo núi như chảo chớp, không hiểu còn leo gì khỏe nữa. Hồi mình bằng tuổi nó, hình như mình cũng được thế thì phải. Nhưng mà nó để mình leo 1 mình thế này cũng hơi củ chuối. Leo tiếp...
 
Vũ ơi, ngưỡng mộ văn Vũ từ mấy hốm nọ nhưng hôm nay mới rỗi rãi vào vỗ tay hưởng ứng được. Cứ tiếp tục phát huy gửi tiếp nhé.

Cũng xin nhắc nhở kiểu quan tâm đến Vũ là lần sau trèo núi nhớ mang theo nước nhé. Kẻo núi cao mất nước chóng mặt rức đầu không đủ sức chụp ảnh về thì chị em lại chẳng có gì để mà xem nhé.
 
Kiều ơi sắp về à?

Nga ơi, trước hết mày cứ sang Sing thăm tao đi đã xem nào ;)
 
Được được, vụ đấy từ bây giờ đến cuối năm bố trí nhé. Túm lại sao cho không phải thời vụ chồng mày sang cùng lúc là được, kẻo tao thành kỳ đà cản mũi.
 
Minh ơi, lúc nào chồng mày không sang thăm mày, báo cho tao sang thăm mày nhé!!! Mày yên tâm, có khi lại có kết quả, hehehee
 
TM ơi, tớ tính xa, cố gắng năm sau hội trường Am về. Nói trước thế chả biết có bước qua được không. Từ giờ tới năm sau vẫn còn xa xôi lắm. Thôi thì cứ hy vọng.
 
Tớ thì không văn hay chữ tốt được như Vũ chuột, nên chỉ đóng góp dưới dạng thông tin. Copy lại từ blog tớ cho các bạn quan tâm.

Siem Reap Trip:

Ghi lại một số kinh nghiệm đi Siem Reap cho các bạn quan tâm.

1. How long to stay?

Đợt vừa rồi bọn tớ ở 2 ngày (tối thứ Sáu đến nơi, tối CN về). Thực ra 2 ngày là đủ để thăm các địa điểm tiêu biểu nhất nhưng nếu có nhiều thời gian hơn thì cũng tốt, có thể thuê xe đạp để đi dạo giữa các đền thờ. Rất thư giãn.

2. How to get there?

-Bằng đường hàng không: Có chuyến bay trực tiếp của VN Airlines từ HN và HCMC đến Siem Reap. Đi từ HN giá dao động trên dưới $400 (chưa có thuế). Chuyến HCMC-Siem Reap thì tớ không biết giá.

-Bằng đường bộ: Đi từ HCM đến Pnompenh bằng xe bus (giá $10), rồi từ Pnompenh đi máy bay hoặc thuyền hoặc xe bus đến Siem Reap, tớ không rõ giá.

Theo tớ các bạn nên mua tour thì sẽ rẻ hơn. 1 tour HN-Pnompenh-Siem Reap chỉ có $429 (bao gồm khách sạn, ăn uống, đưa đón giữa các điểm thăm quan và vé vào cửa). Tour HCM-Pnompenh-Siem Seap nếu đi đường bộ thì còn rẻ nữa, trên dưới $100.

3. What to see?

Nếu không có thời gian thì nên đi chọn lọc thôi. Có 3 địa điểm must-see là Angkor Wat, Angkor Thom và biển hồ Tonle Sap. Angkor Thom thì rộng lớn lắm (khoảng 10km2), 1 ngày không đi hết được nên chỉ cần đi những đền thờ nổi tiếng thôi, VD Bayon (Đền thờ có 4 mặt cười), Pra Thom (nơi dùng làm trường quay của bộ phim Tomb Raider). Ngoài ra buổi tối có thể đi Night market.

Đợt vừa rồi lịch trình của bọn tớ trong 2 ngày 2 đêm là:

Đêm 1: Chợ đêm
Ngày 2: Angkor Wat (chỉ cần 2 tiếng là xem tương đối đầy đủ) - Angkor Thom (South Gate - Bayon - Ta Keo - Pra Thom - Terrace of Elephants - Terrace of Lepen King, tất cả cần 3 tiếng) - Tonle Sap (2 tiếng đi thuyền). Tối thăm quan và ăn uống ở Pub Street.
Ngày 3: Sáng đi Làng văn hoá Campuchia (làng này chẳng có gì, mà vé vào cửa hơi đắt - $11/ pax nên tớ không recommend các bạn).

4. What/ where to eat?

Pub street là nơi có nhiều restaurants nhất. Có đầy đủ các món ăn Âu-Á. Nếu bạn fancy đồ Tây thì Lonely Planet recommends bạn vào Red Piano, Blue Pumpkin. Còn nếu muốn ăn đồ Khmer (tớ recommend) thì nên vào các nhà hàng chuyên đồ Khmer. Các món Khmer nên ăn cho biết là Amok (một dạng như green curry nấu với herb, coconut milk và thịt hoặc cá, tuỳ mình chọn) và Lok Lak (thịt bò/ gà/ lợn xào với sốt tiêu). Ăn khá ngon mà giá không đắt so với đồ Tây ($3-4/ xuất).

5. Costs

-Chi phí vào cửa các điểm thăm quan:

Ankor Wat - Angkor Thom: $20/ pax đi tất cả các địa điểm trong Ankor Thom và Angkor Wat (highly recommended)

Boat cruise on Tonle Sap: $20/ pax/ chuyến (highly recommended)

Làng văn hoá: $11/ pax (not recommended)

Chợ đêm: free entry (Ở chợ đêm có bán nhiều hàng lưu niệm và có dance show của các em bé Khmer)

-Chi phí đi lại:

Đi từ sân bay về khách sạn: vé đồng hạng taxi là $7/ chuyến, tuktuk là $5/ chuyến, xe ôm là $2/ pax

Đi lại trong thành phố: nên thuê xe theo ngày. Taxi là $25/ ngày, tuktuk là $15/ ngày. Theo tớ nên đi tuktuk, dễ ngắm đường phố hơn và merge với local people dễ hơn.

-Ăn uống: giá cả muôn hình vạn trạng, nhưng nhìn chung tầm $3-4 là được một dish rồi.

6. What currency to bring?

-Nếu mang tiền Việt thì có thể đổi thành tiền Riel (tiền Campuchia) ở sân bay hoặc các chợ (rate ở sân bay rất thấp)

-Nên mang USD đặc biệt đô lẻ ($1, $5, $10, $20) vì ở đây toàn tiêu bằng đô, giá cả cũng niêm yết bằng đô

7. What clothes to bring?

-Siem Reap vào mùa mưa (từ tháng 11 đến tháng 1) khá mát mẻ, có thể mang quần áo mùa hè, kèm theo cái khăn mỏng và ao len mỏng vì khi đi vào khu đền khá lạnh

8. Communication:

Người Siem Reap nói tiếng Anh khá tốt, 1 số nói được bập bẹ tiếng Việt. Tớ có cảm giác ng Campuchia nói tiếng Pháp nhiều hơn ng Việt. Ở sân bay và các địa điểm thăm quan đều có sign bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Ở sân bay có nhân viên an ninh nói với tớ bằng tiếng Pháp :p.

9. Các chú ý khác:

-Internet rất đắt, $3/ hour

-Các toilet trong Làng văn hoá đều không có giấy mà dùng vòi xịt :D

-An ninh ở Siem Reap khá ok, thấy bảo không loạn như Pnompenh

-Người dân khá thân thiện và không có hiện tượng nài kéo khách du lịch như ở VN

-Khi đi thăm quan biển hồ, hướng dẫn viên thường dẫn đi xem làng chài VN và gợi ý khách mua sách bút tặng cho trẻ em VN. Thường thì họ sẽ dẫn đến các quán quen để ăn hoa hồng nên giá rất đắt (VG Gấu nhà tớ mua 1 bộ vở và bút hết $12). Nếu bạn muốn giúp đỡ cho cuộc sống của những người bán hàng thì bỏ tiền mua giúp họ cũng được. Còn nếu bạn chỉ muốn giúp trẻ em thì nên quyên tiền trực tiếp cho nhà trường. Có 1 trường học VN dạy tiếng Việt cho trẻ em VN do một ng VN ở SG tài trợ, thầy giáo cũng từ VN qua dạy tình nguyện. Các bạn cũng có thể mang sách vở từ VN qua tặng các em.
 
Ký ức Lệ Giang- Ngọc Long Tuyết Sơn - phần 3

Lại nói chuyện tôi leo núi tiếp 1 mình. Con đường phía trước dốc thoai thoải, một số đoạn dốc ngược, nhưng mà không dài. Xa xa, có thể nhìn thấy điểm cắm cờ ,có lẽ là điểm cuối cùng. Nhưng mà mệt quá rồi, không leo nổi nữa, cũng may dọc đường đi, bọn Tàu tế nhị đã bố trí những ghế băng dài cho người nghỉ chân. Rất nhiều người bỏ cuộc không leo lên nổi điểm cao. Rất nhiều vị phải dìu xuống, nhiều vị cầm bình ôxy hít lấy hít để, cả nam và nữ, ai cũng thở phì phò. Có lẽ thiếu không khí nên dễ mệt hơn dưới đất. Tôi vừa khát vừa mệt, có những lúc cổ tắc lại, tưởng không còn thở được, khéo ngất đây thì bỏ mẹ. Định xin con mẹ tàu ở gần mấy ngụm ô xy, mình nói mấy câu tiếng Anh, thế mà nó cứ lờ đi, coi như không nghe thấy, hết thuốc chữa rồi...
Nhưng tính tự ái và điểm cao trước mắt quả là vô cùng hấp dẫn. Gác cái mệt 1 bên, quyết tâm lên đến đỉnh. Mình mà không lên đến nơi thì ân hận cả chuyến đi này. Cốt lên NLTS tới đỉnh thôi đấy. Thế là vừa đi vừa nghỉ, bám vào thành tay vịn mà lên. Những lúc mệt quá ko đi nổi lại trả vờ ngồi bệt xuống, lấy máy ảnh ra kiểu như đang tác nghiệp. Cũng may có mấy tấm ảnh gỡ lại. Ngồi 1 tý tự nhiên thấy tỉnh như sáo, hăm hở lên đường được vài chục mét tư nhiên lại thấy mệt phờ. Cứ thế mà lên, giá mà có chai nước, may ra sức mới hồi nhanh được. Nhưng mà giờ biết xin ai...Thôi, tự nhủ cố lên vậy...
Thế rồi cũng lên đến nơi, khi chỉ còn mấy bậc thang cuối cùng, khoảng 50 bậc dốc đứng lên đến điểm cao cuối cùng của hành trình, tôi gần như hết sức. Yếu quá, gay nhỉ, chắc là do thiếu nước và dưỡng khí, an ủi mình như vậy, chứ yếu thế này thì còn nước non *** gì nữa... Nhưng cũng phải lên đến cùng, chứ không pà con cười chết. Thế là cố nốt. Điểm cao nhất của con đường đi bộ đây rồi. Biển đề 4680 mét.Như vậy còn 1000 mét nữa mới lên tới đỉnh núi, nhưng đây là điểm cao nhất có thể cho người đi bộ. Mình đã ở trên điểm cao nhất của cuộc đời cho đến phút này, cao hơn Fan hơn 1500 mét. Mình cách mặt biển bằng chiều dài 4,68 km, xa phết đấy Và bỗng dưng mọi mệt mỏi, kiệt sức bay biến, lại cảm thấy mình như thanh niên...
Cũng may cu Sờ cung cấp cho 1 chút nước uống, như được sống lại. Cu Sờ đã định xuống, thấy tôi lên thì ở lại cùng anh em. Tôi trách nó đi chẳng quan tâm tới anh em tý chết khát ở lưng chừng núi. Thôi, lên tới nơi rồi, bỏ qua, làm vài kiểu ảnh kỷ niệm điểm cao 4680 đã. Trên đây có 1 bọn khắc huy chương vàng, 30Y một chiếc, 2 anh em ra tự thưởng cho mình mỗi đứa 1 chiếc, khắc tên tuổi đàng hoàng, cậu em khắc tên Việt, mình oai hơn vì biết vài chữ, làm hẳn tên chữ tàu, mấy thằng khắc chữ nó cứ nhìn nhìn, chắc không phải mình viết sai tên mình. Hai anh em giương cao 2 tấm huy chương vàng tự phong để chụp ảnh. Oai chưa, kỷ niệm chương trên đỉnh Ngọc Long, vàng chóe. Ơ, thế cái bằng ghi danh độ cao 4500 mét giờ vứt đi à, có cái huy chương này rồi. Thôi, không tiếc, kỷ niệm ấy mà, vài chục tệ đáng gì. Chúng tôi mê mải chụp ảnh, ghi lại những hình ảnh về Ngọc Long, không lại có cái nhìn lệch lạc về Ngọc Long Tuyết Sơn giống Phù Linh Sóc Sơn thì buồn lắm. Có đám tuyết ai vun vào, cố bon chen chụp bên cạnh đám tuyết mấy cái ảnh.
Trên đỉnh núi, bỗng nhớ hội ngựa. Giở bộ đàm ra, dù biết là cách xa hàng chục km, làm sao mà liên hệ được, mỗi bên lại một đầu sườn núi. Nhưng vẫn lôi ra, gọi thử, có cảm giác có tiếng xoẹt xoẹt, hự hự, huỵch huỵch, chắc là âm thanh trên lưng ngựa nó thế
Chụp ảnh chán chê, trời lạnh cắt da cắt thịt, chỉ tháo găng thay ống kính máy ảnh mấy phút mà tay thâm đen lại, mũ len, khăn len, rồi mũ của áo trùm hết lên cả mà vẫn cảm giác gió lạnh tràn vào người. Thế mà có mấy thằng Khựa, cởi hết áo xuống tấn chụp ảnh, chắc là quả này về mấy bệnh viện dưới xuôi có việc làm rồi. Đúng là hão thật.
Lạnh run người, chúng tôi bắt đầu hành trình đi xuống. Đường đi xuống nhàn tênh, hầu như không mất sức, sức khỏe gần như hồi phục đến 90%. Leo xuống được chục bước, bỗng có những hạt nhỏ như hạt đỗ xanh, màu trắng tinh rơi lên áo, rơi lên máy ảnh...Chúng tôi đã từng đọc bài của anh Tabalo, viết về đỉnh núi Ngọc Long được phủ một lớp bụi đá trắng, trông giống như tuyết, nhưng không phải tuyết, và chúng tôi vẫn đang nghi ngờ về lớp trắng mênh mông phủ trên sườn núi. Nên nhìn những hạt này, đầu tiên tôi nghĩ là bụi đá. Tôi gọi cậu em Sờ, thì hóa ra cậu em cũng đang thử xem là bụi gì. Tôi bảo " bụi đá to không này", cậu em thử, tôi cũng miết thử, chợt thấy tan ra, thấm vào áo, ôi trời ơi, tuyết rơi...
Bao nhiêu cảm xúc ùa đến, nhìn lên, một đám mây đen đang trườn qua sườn núi, mang đến hơi nước và tuyết rơi. Những bông tuyết nhỏ như hạt đỗ rơi mỗi lúc một mau, như những hạt mưa mùa xuân lất phất. Cảm giác lần đầu tiên thấy tuyết rơi thật là kỳ diệu, những bông tuyết trắng một màu tinh khiết, trắng như không có gì trắng hơn được nữa, khi rơi xuống nền tuyết cũ cũng nổi bật một màu trắng tin khôi. Chúng tôi giơ tay đón tuyết, chỉ muốn hét thật to, và muốn chia xẻ với những người bạn giờ đang ở tít đâu đó dưới kia. Cảm giác được chia xẻ, được cùng khám phá thật không trọn vẹn, chỉ có 2 anh em, cùng một số khách Tàu đứng đón tuyết rơi...Trên đỉnh núi, những bông tuyết cứ rơi, và tôi chợt cảm thấy, như đó là món quà mà trời đất, mà Ngọn núi thiêng Ngọc Long này đã dành cho mình, vì những cố gắng của mình, đó như là cái duyên vậy, và tôi, trong giờ phút ấy, tự nhủ với lòng mình, rằng tôi sẽ còn có dịp quay trở lại đây, trở lại với Lệ Giang, với núi tuyết Ngọc Long, có thể chưa phải năm sau, chưa biết lúc nào, nhưng chắc chắn tôi sẽ có dịp quay trở lại...
 
Tiếp tục chủ đề về Ngọc Long Tuyết Sơn. Leo đến điểm cao 4680 mét đã là một sự cố gắng rất lớn. Quên không mang nước uống, không có bình ôxy, có những lúc cổ khát cháy, gần như ngạt thở. Nghỉ rồi lại leo, lại nghỉ. Thực sự lần đầu tiên cảm thấy leo núi khó khăn thế, dù tôi cũng hay có dịp leo núi. Chắc do không khí loãng (an ủi thế). Mệt mỏi cộng với đồ đạc lỉnh kỉnh, tôi quên mất sở thích là chụp ảnh. Cảm giác được thử thách, được chứng kiến những cảnh tượng kỳ vĩ và hành trình chinh phục thích hơn là cảm giác khi đứng trên điểm cao 4680 mét. Trời rét cắt da, gió thổi vù vù, lạnh như chưa bao giờ được lạnh, không cởi nổi găng chụp ảnh nữa. Những bức ảnh về Ngọc Long Tuyết Sơn có được là cả một sự chịu đựng gian khổ......

Thêm những hình ảnh về con đường gỗ để chinh phục điểm cao 4680 mét, chắc là con số đẹp...

IMG_0332.jpg


IMG_0341.jpg


Nơi có ngọn cờ đỏ là điểm cao 4680 mét, niềm vui của những người chinh phục Ngọc Long Tuyết Sơn

IMG_0410.jpg



Niềm vui trên điểm cao 4680 mét...

IMG_0354.jpg


Thêm những hình ảnh về ngọn núi Ngọc Long Tuyết Sơn trùng điệp...

IMG_0374.jpg


IMG_0443.jpg


IMG_0376.jpg


Bình minh trên đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn...

IMG_0622.jpg


Và hình ảnh lãng mạn cuối cùng về Ngọc Long Tuyết Sơn.... Bóng núi...chiều...

IMG_0457.jpg
 
Núi non hùng vĩ thật!!! Ảnh trông cứ như là hình trên postcard ấy. Lên tới đỉnh núi, lại lần đầu tiên thấy tuyết, chắc nhiều cảm xúc lắm nhỉ. Nhưng nếu phải leo vậy, là tớ chắc tớ chả dám đi, đợi bao giờ nó phục vụ cáp treo... thẳng tới độ cao 4680m nhể.
 
Tiếp tục chủ đề về Ngọc Long Tuyết Sơn.


Tao thích mấy cái làng cổ ở Lệ Giang. Còn núi non thì ko đặc biệt mấy. Khi nào có dịp mày đi New Zealand đi, núi non cực kỳ hùng vĩ, không gian phóng khoáng, thích lắm. Mày tưởng tượng, núi thì trắng tuyết trên cao, dưới chân hồ nước vẫn xanh biếc in bóng núi tuyêt, chen chân giữa đám cây khẳng khiu úa màu quanh hồ thi thoảng lại có một cây tùng xanh ngắt, thảo nguyên thì vàng úa cỏ mênh mông phía xa xa.Tao tin nếu đến đó mày sẽ có những bức ảnh đẹp. Tiếc là tao ko biết chụp ảnh nên ko share được với chúng mày những cảnh tượng kỳ vĩ như vậy.
 
Ký ức Lệ Giang- Ngọc Long tuyết sơn - phần 4

Lại nói về cảm giác đón những bông tuyết trắng tinh khôi nhẹ bay trong không gian. Đất trời bao la, những bông tuyết li ti nhỏ nhoi có lẽ không lên được trên ảnh, nên tôi cũng không có ý định chụp, và tôi cũng không còn tâm trí đâu để chụp ảnh. Phần này được gọi là tự hưởng sướng, không có chia xẻ...Chúng tôi giơ tay đón những bông tuyết bay lửng lơ, bầu trời vẫn sáng, phía sau lưng nắng vẫn vàng, mây vẫn xanh thẫm, chỉ có một khoảng không gian trước mặt ven sườn núi, tuyết lặng lẽ rơi...như một lời tri ngộ...


Nhưng niềm vui không thể kéo dài lâu, nhìn đồng hồ, đã gần 4h chiều. Thôi chết rồi, hẹn với hội " Ngựa" ở bãi ngựa 3 giờ, thế là mình muộn mất rồi. Chúng tôi đã dành hơn 3 tiếng đồng hồ trên Ngọc Long Tuyết Sơn, thời gian trôi vùn vụt, làm quên mất cả những lời hẹn khi lên đường. Phải về thôi, đó là mệnh lệnh, có thể hội ngựa đang chờ chúng tôi quay trở lại...Một chút luyến tiếc, nhưng dù sao, cảm giác cũng đã đủ đầy, chúng tôi đã trải hết các cung bậc của một hành trình khám phá, đã cảm nhận rất nhiều những cảm giác lần đầu tiên trong cuộc đời, đã biết được rất nhiều những gì muốn biết...Rời đỉnh núi, tuyết vẫn rơi lặng lẽ sau lưng...


Hành trình đi xuống đơn giản hơn nhiều, không mệt mỏi, không mất sức, và một tâm trạng thoải mái, 2 anh em xuống khá nhanh. Gặp bố già ở điểm cao 4500 mét, cụ trông có vẻ cũng phấn khởi, cụ khoe đã chụp được nhiều bức ảnh với tuyết, khoe đã leo qua hàng rào cấm để chụp ảnh, và cụ sung sướng vì đã lựa chọn đúng đắn khi xuống dưới trước chứ không đua theo đám thanh niên. 3 bác cháu nhanh chóng đi vào cáp treo. Lại xếp hàng. Hàng về vắng hơn hàng lên, nên thời gian chờ đợi không nhiều. Trong lúc chờ cáp treo, chúng tôi tranh thủ bắt quen với 1 hội TQ đến từ Hồng Kông, bọn này nói được tiếng Anh, nên trò chuyện cũng dễ. Rất nhiều người tưởng chúng tôi là dân Taiwan, khi biết chúng tôi đến từ VN, đi chơi không hề có hướng dẫn viên du lịch như thế này, bọn Tàu phục sát đất, nhìn VN như nhìn sinh vật ngoài trái đất. Tự hào dân tộc nổi lên ầm ầm, đúng là xa quê mới thấy yêu quê hương.

Lại nói, chúng tôi lên xe về lại điểm bắt đầu của hành trình cáp treo, công viên dưới chân núi, hành trình về rất nhanh, chỉ khoảng 10 phút, giảm một nửa thời gian so với lúc đi. Tuy nhiên, điều này không khiến cho chúng tôi đỡ bồn chồn lo lắng cho phần còn lại của LG3, vì chúng tôi đã quá hơn 1 giờ đồng hồ so với giờ hẹn của mọi người. Về đến nhà chờ, xuống xe, câu đầu tiên của cậu em Sờ là " Mọi người đã chờ ở đây rồi này". Tôi thấy vui mừng khôn xiết khi được gặp lại mọi người, biết bao nhiêu ấn tượng trên đỉnh núi giờ có thể chia xẻ với mọi người, và được nhìn lại mọi người sau 1 chuyến đi ngựa vất vả và căng thẳng, theo như lời LG trước. Chạy ra, nhìn quanh quẩn, chẳng thấy ai cả, hỏi lại cu SỜ, hóa ra là cậu ấy nói bác tài của chúng tôi đã chờ ngay ở cửa bến xe buýt. Chưng hửng mất một lúc. Lần đầu tiên kể từ đầu hành trình, tôi bỗng thấy sự gắn bó và thân thiết với những người bạn mới quen, cảm giác thiếu vắng thật sự, có lẽ ở nơi đất khách quê người nên dễ gây cảm giác này. Lên xe, câu đầu tiên chúng tôi nói " Đi gặp những người bạn của tôi"...
Bác tài nghe chúng tôi nói ( tất nhiên bằng tiếng Anh) gật gù ra vẻ hiểu biết, bác rút điện thoại ra nói 1 hồi, chẳng hiểu nói gì, nhưng xem điệu bộ, có vẻ là bác liên hệ với xe bên kia để hỏi vị trí. Xe chuyển bánh, để lại sau lưng những kỷ niệm vừa nóng hổi, khi chúng tôi bỡ ngỡ đứng trước cổng công viên mà không hiểu vào để làm gì. Bác tài quay ra nói với chúng tôi 1 hồi, nói cũng bằng thừa, vì có ai hiểu đâu. Nhưng xem ra trình độ tiếng Anh của bác sau có mấy tiếng mà lên ầm ầm, ít nhất cũng là hiểu chúng tôi muốn gì. Về với những người bạn, chúng tôi chỉ có 1 mong muốn duy nhất lúc ấy, càng nhanh càng tốt...
Cảnh quan bên đường đẹp tuyệt vời, nắng chiều chếch 1 bên sườn núi, nhưng nóng lòng lắm, hầu như chúng tôi không dừng lại chụp ảnh. Xe bon bon chạy, bổng quặt vào 1 con đường rải đá. Chúng tôi ngơ ngác, đi đâu thế này, bảo về chỗ hẹn buổi sáng cơ mà, sao lại đi đâu thế. Hỏi bác tài: đây là chỗ bạn tao đang ở đây à( tiếng Anh), bác tài gật gật đầu, rồi lại rút điện thoại ra nói một hồi, rồi lại gật, chỉ về phía trước. Chắc là hội "ngựa" đã về đây trước rồi, chúng tôi càng sốt ruột. Con đường xấu như không thể xấu hơn, xóc long cả óc. Chiếc xe kiểu như suzuki 7 chỗ của mình long sòng sọc, đá lổn nhổn, thậm chí tôi còn cảm tưởng đá có thể chọc thủng lốp xe. Con đường không hề ngắn, dài tầm 2 km, 2 cây số khổ ải của chúng tôi, nhưng không sao, các bạn tôi đang chờ phía ấy.
Đến nơi, tôi lại một lần nữa hoang mang, không hiểu đang ở đâu đây, chỉ có 1 cái barie, 1 cái biển giới thiệu và 1 quầy bán vé. Bác tài chỉ vào mua vé, lại chẳng ai hiểu nhau. Đại loại đây là 1 làng văn hóa gì đó, Baisan hay là cái gì đó, vé vào cửa 10 Y. Chúng tôi chưa thấy làng đâu, chỉ thấy con đường đi vào hun hút. Tôi hơi nghi ngờ hỏi lại, bạn tao có ở trong đó không?? Nhấn đi nhấn lại từ bạn, bác tài có vẻ suy nghĩ 1 lúc, rồi chỉ chỉ tay về phía bãi ngựa. Chắc là không có hội ngựa rồi. Thế thì vào làm gì. Quay lại, bực hết cả mình...
Con đường về cứ dài hun hút, mãi chẳng tới nơi, chắc là chúng nó chờ hội cáp treo lâu lắm. Rồi cũng đến nơi... Bãi ngựa vắng tanh, tĩnh lặng. Chẳng còn ai, chỉ có ánh nắng vàng bắt đầu ngả màu vàng sậm cuối chiều, gió núi vi vu thổi. Căn nhà chính ở bãi ngựa khóa cửa im lìm. Đâu rồi, chẳng còn ai cả. Muốn phát điên với bác tài này, tưởng hiểu mình nói gì, hóa ra chẳng hiểu cái gì hết. Hóa ra từ nãy bao nhiêu lời mình nói, rồi bao cuộc điện thoại chẳng có ý nghĩa gì. Bí quá, tôi chợt nghĩ ra 1 cách, lấy tờ giấy, viết số 12, số 9, số 3. Chỉ vào số 3, chỉ vào 3 người hội Cáp. Rồi khoanh vòng số 9, vẽ dấu chẩm hỏi to tướng, friends, hiểu chưa, đầu đất thế ko biết. À, lần này thì gật đầu thật, rồi rất ngơ ngác, chỉ tay về Lijiang. Thế họ về Lệ Giang rồi à, gật gật đầu. Đến điên mất thôi, hóa ra là ông tài này đã biết hội Ngựa về LG từ đầu, nhưng vẫn muốn đưa chúng tôi cho trọn vòng các điểm du lịch xung quanh NLTS. Ai cần đâu. Thôi, về Lijiang. Bác tài đi lên núi, thế là voytapchat lại nổi xung lên, sao lại đi đâu thế này, khó khăn mãi, chúng tôi mới hiểu là bác giải thích đường ở đây 1 chiều, vào 1 đường, ra 1 đường. Đường về khá đẹp, qua 1 vài khu nhà cổ, vài khu di tích, bác tài còn cố chỉ chỏ và giải thích. Ai hiểu, mà ai quan tâm, mối quan tâm duy nhất của chúng tôi bây giờ là gặp lại hội bạn của mình. Nhưng dù sao tôi cũng tranh thủ làm 1 vài kiểu ảnh khá ưng ý.
Xe về đến LG đã là 5h30 chiều. Mặt trời đã xế bóng. Mệt, nhưng mà đầy ấn tượng về 1 ngày tham quan NLTS. Cảm ơn bác tài rất tốt bụng, chỉ hơi chậm hiểu 1 tý. CHúng tôi tặng thêm 25 Y cho bác ngoài tiền xe, thậm chí còn xin cả số điện thoại đề phòng hỏi xe đi Shangrila ngày mai, vì thấy bác quá nhiệt tình. Lại vòng về theo con đường đá, giờ này đã trở nên quen thuộc. Chúng tôi đi thật nhanh về nhà trọ, ở đấy có LG3, có những người bạn, chỉ 1 ngày tách đoàn, tôi mới hiểu những người bạn đồng hành có ý nghĩa như thế nào...
Về nhà trọ, gặp lại mọi người, nỗi vui mừng và những câu chuyện kìm nén, bây giờ mới kể. Quên cả mệt, cả hội lại lên đường leo đồi, chụp ảnh Lệ Giang chiều. Nhưng đây lại là những câu chuyện khác mà chúng tôi sẽ còn quay lại trong những chủ đề sau./....
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Khoảng lặng trên tu viện Shongzalin

Đó cũng là 1 khoảng lặng đáng nhớ trong hành trình LG3 - lần này không phải tôi đơn độc một mình, bên cạnh là những người bạn, nhưng tôi vẫn dành riêng một khoảng lặng...

Buổi sớm Shongzalin, trời lạnh khô, cái lạnh giòn tan. Gần 7 giờ sáng, khi những áng mây sớm chuyển sang màu bạc, chúng tôi đã đến tu viện. Trời đất vẫn còn mờ mờ, chỉ có những ánh sáng buổi sớm lóe trên mái nhà dát màu vàng của tu viện cổ. Từng bước, từng bước nặng nhọc, chúng tôi leo lên tu viện. Mấy hôm leo Ngọc Long Tuyết Sơn, rồi leo trèo khắp nơi, rồi 2 đêm gần như không ngủ cũng làm tôi cảm thấy xuống sức khi leo những bậc thang ở đây. Thang thì dốc, bậc thì cao, có lẽ tôi phải nghỉ đến 2 lần... Nhưng bức tường tu viện cao sừng sững như có 1 mãnh lực thu hút lạ kỳ, nó tạo cho tôi thêm khao khát để lên nhanh hơn. Các bạn tôi vòng bên trái, riêng tôi vòng bên phải, lối vào ngổn ngang gạch đá, một công trình mới của tu viện đang tiếp tục được xây lên. Nhưng dù sao, đối với tôi, đó cũng là một quần thể kiến trúc đầy ấn tượng, có lẽ, lần đầu tiên, tôi được tiếp xúc với một công trình tôn giáo của người Tây Tạng như thế này, nên đầy một cảm giác mới mẻ. Ấn tượng đầu tiên đó là vị lạt ma đang bổ củi trong căn bếp trước sân, căn bếp tồi tàn, nhuốm đen bồ hóng, vị lạt ma lam lũ, loay hoay với chiếc rìu to tướng. Khói bếp buổi sớm bay lên cay nồng...Một dáng vẻ trần tục ngay trước cửa chùa Tây Tạng...

Loanh quanh, rồi tôi quyết định gạt tấm vải rèm màu đen che cửa, bước vào trong gian chính. Lại một cánh cửa nữa, che bằng một tấm vải dày, đã bạc màu vì thời gian và mồ hôi của biết bao người, trước đây có lẽ nó màu trắng, giờ đã chuyển thành màu ngà. Gạt tấm vải, khom người, tôi chui qua khe, tấm vải cũng đượm cả mùi mồ hôi người, mùi trà sữa đặc trưng của người Tạng... và tôi ngạc nhiên vì sao lại không có người chăm chút nơi này...Và bây giờ, trước mặt tôi, là một gian phòng lớn, chiều ngang chừng 50 mét, chiều sâu chừng 30 mét, với những hàng cột vuông, sơn đỏ. Không khí u uẩn, không gian ảm đạm và nặng màu xưa cũ. Những bức tường đã lâu chắc không có ai quét sơn hay ve, cũ kỹ, im lặng và cô tịch. Dọc theo phòng là những bậc ngồi cao chừng 15 cm, rộng gần 2 mét, chạy song song gần kín diện tích, có lẽ đây là chỗ ngồi của các vị lạt ma trong giờ hành lễ. Nghe nói nơi đây có gần 700 lạt ma, một con số cũng đáng để ngạc nhiên. Chúng tôi vừa đi loanh quanh, thì một vị lạt ma ra dấu, mời chúng tôi đi quanh 1 vòng trong tu viện. Ven theo những bức tường, là những hình vẽ cổ kính, có phần cẩu thả và nghuệch ngọac, nhưng cũng đã mờ theo thời gian. Những hàng cột sơn đỏ cũng cũ lắm rồi, thiếu bàn tay chăm chút nên có cảm giác mạng nhện đã bám đen. Mái nhà cao, có cảm giác rất cao, chừng trên 25 mét, với những hàng cửa sổ kính chạy xung quanh, hắt vào trong nhà một thứ ánh sáng buổi sớm còn chưa sáng hẳn, qua lớp cửa kính cũ, nên hầu như chẳng thêm được nhiều ánh sáng. Không gian được thắp sáng bằng những ngọn đèn điện nhỏ, mờ tỏ, cô quạnh. Dù đã cố tình để ISO 800 để chụp ảnh trộm, nhưng hầu như tôi không thể chụp đựơc do thiếu sáng. Tu viện có quy định, không được chụp ảnh bên trong, nên đành chịu...

Những gian thờ phật bên trong còn tối tăm, cô tịch hơn, chỉ có những ánh nến leo lét, không đủ tỏa sáng những không gian mênh mông, lạnh lẽo. Những bức tượng phật Tây Tạng cũng mang dáng vẻ khác với tượng Phật theo phái Đại Thừa ở nhà, với nhiều dáng vẻ của những bức tượng Phật mà bạn đã gặp ở Lào, Thái, tươi tắn hơn, nhiều sức sống hơn, và tất nhiên, xa lạ hơn...

Đi vòng 1 vòng thăm quan Tu viện, thăm 3 bức tượng lớn ở gian trong, chúng tôi lại trở về gian chính điện. Bắt đầu đến giờ cầu kinh sớm...Trong suy nghĩ của chúng tôi, đó là buổi cầu kinh với 700 vị lạt ma, cùng đồng thanh đọc kinh, gõ mõ, và sau đó sẽ đi thành 1 hàng dài...Nhưng không phải như vậy, chỉ có 4 người, 2 vị già, 1 vị trẻ, và 1 cậu bé con. Nhưng tiếng rì rầm trong buổi sáng thanh tịnh trên cao nguyên Shangrila mênh mông, tiếng rì rầm đọc kinh, tiếng gõ mõ lốc cốc dần như hút hồn, như thôi miên chúng tôi. Chọn một chỗ ngồi yên tĩnh, tôi ngồi xếp bằng, lặng nghe âm thanh buổi sớm. Những người bạn của tôi cũng vậy, có người theo đuổi những suy nghĩ riêng, có người ngồi thiền, mắt nhắm, tay bắt quyết...Chẳng ai nghĩ vừa đêm qua, họ đã nhảy múa hết mình trong 1 đêm nhạc tưng bừng của Shangrila. Không khí trầm mặc bao phủ lấy mọi người, rồi lan dần, lan dần, rộng ra hết cả bầu không khí trong gian phòng rộng lớn, rồi lan nữa, có cảm giác như mở rộng đến toàn tu viện, rồi lên tới cả bầu trời bắt đầu le lói những ánh nắng đầu tiên, trải dài đến những dãy núi sương còn phủ phía chân trời...

Những âm thanh lầm rầm không ai hiểu nghĩa cứ bao bọc chúng tôi, đó là lời cầu kinh của 1 vị lạt ma già nhất. Ông đội một cái mũ mào gà rất to, như những nhân vật lạt ma trong phim chưởng Kim Dung, khoác chiếc áo choàng vàng cũ kỹ và lem màu đen, gương mặt nhăm nhúm vì thời gian và tuổi tác. Tất cả đều chăm chú, chỉ riêng 1 cậu bé là ngọ nguậy, nhìn chúng tôi với ánh mắt biết cười... Tôi vẩn vơ với tiếng kinh cầu, thử lắng tai nghe tiếng chim trời nào nhưng không thấy, và cảm nhận gánh nặng thời gian đè lên mái nhà tu viện, cảm nhận cái sự hữu hạn của con người...Không hiểu đã bao người đã trải qua cuộc sống nơi đây...Chỉ có tiếng cầu kinh trả lời, đều đều, không cảm xúc, không suy nghĩ...Như là hư vô...

Rồi lễ cầu kinh sáng cũng xong, chúng tôi thóat ra khỏi cái cô tịch ấy, bắt đầu đi tìm những góc chụp ảnh. Loanh quanh, tôi đi vào gian bên cạnh, có lẽ là thư phòng của tu viện. Chợt thấy 1 ánh nắng sớm chiếu xiên qua cửa sổ, hắt 1 ánh vàng rực rỡ lên khuôn mặt tượng, tạo nên 1 cảnh đẹp sững sờ. Cúi xuống thành kính xin phép, và cũng không dám ngắm nhìn vi sơ, tôi chếch máy lấy 1 góc hình hú họa, cầu mong đức Phật tha thứ...

IMG_0904.jpg


Bức ảnh cũng làm tôi hài lòng, và có lẽ, đấy cũng là niềm vui nhất của tôi. Nhưng không hiểu có phải vì duy tâm không, một lúc sau, ra đến ngoài cửa tiếp tục chụp ảnh, máy ảnh bỗng bị treo, đơ ra, không sao điều khiển được nữa. Tôi lo lắng khởi động lại máy ảnh mấy lần không được, tự động lấy nét của máy ảnh cũng đơ ra. Lại hướng về tòa thư phòng ấy, cầu xin tha thứ, và như một sự kỳ diệu, mọi chuyện lại trở lại bình thường. Có lẽ trên cuộc đời vẫn có những điều thiêng liêng thật, như khoảng lặng mà tôi đã có ở tu viện Shongzalin, trên 1 hành trình bên đường chân trời... Những khoảng lặng mà tôi sẽ nhớ mãi, chắc không thể nào quên...
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Như vậy là chúng ta đã vượt qua Lệ Giang, đã thăm Ngọc Long Tuyết Sơn, đã qua Tiger Jumping. Điểm đến tiếp theo của hành trình là Shangrila - được biết đến với 1 cái tên lãng mạn " Chân trời đã mất". Từ Hà Nội, hành trình đến Nanning dài gần 450 km, từ Nanning đến Kunming dài trên 900km, Kunming - Lệ Giang dài 560 km, Lệ Giang - Shangrila dài 250 km. Như vậy chúng tôi đã hành trình trên 2150 km. Shangrila chỉ là 1 thị trấn trên suốt hành trình, và trước mắt, chặng đường không còn xa lắm. Ấn tượng về Shangrila với tôi có lẽ chỉ có tu viện Songzalin, ( chẳng hiểu viết như thế nào!), một tu viện cổ kính và trầm mặc...Đây sẽ là chủ đề của ngày hôm nay...
Buổi sớm trên cao nguyên Shangrila...Bình yên, nhưng mà rất lạnh...

IMG_0860.jpg


Và tu viện Shongzalin trong nắng sớm...


IMG_0852.jpg


IMG_0894.jpg


Những chi tiết trên mái tu viện, rực rỡ sắc vàng trong ánh bình minh...

IMG_0864.jpg


IMG_0883.jpg


IMG_0884.jpg


Và điều kỳ diệu là sắc trời xanh sớm mùa thu trên tu viện, một màu xanh thăm thẳm diệu kỳ...

IMG_0889.jpg


Ô cửa sổ của tu viện - dáng dấp riêng mà bạn có thể gặp ở bất kỳ đâu trên cao nguyên này...

IMG_0914.jpg


Những mái nhà bên ngoài tu viện, khi sương sớm chưa tan...


IMG_0921.jpg


IMG_0937.jpg


Toàn cảnh Shangrila - khi post những dòng này, bên tai tôi vẫn như văng vẳng điệu hát của vùng đất linh thiêng và huyền diệu...Những điệu nhạc cao vút, du dương và tươi sáng...

IMG_0943.jpg
 
tao thích mấy cái ảnh chụp tu viện. đúng là như lạc vào 1 thế giới khác hẳn. ngày xưa xem "7 years in Tibet" có anh Brad Pitt đẹp giai hoành tráng đóng, cảnh tượng cũng như thế này. mày post thêm ảnh shangrila nhé!
 
Những con đường Vân Nam - phần 1


Thế là chúng tôi lại lên đường, hành trình đang mở ra trước mắt. Những dãy núi xa mờ phía trước đang thúc giục. Ấn tượng về Lệ Giang, về con đường trèo Ngọc Long còn đang nóng hổi trong lòng, biết rất nhiều điều lần đầu tiên trong đời, cảm giác mới mẻ và khoáng đạt. Mong muốn được lên cao hơn, cao hơn nữa cứ thúc giục trong lòng. Tôi thích núi, thích cảm giác được lên cao vợi, nhìn xuống dưới, thấy trời bao la, và đất xa vời, thấy lòng nhẹ tênh. Chính vì thế, tôi đã chọn hành trình Lệ Giang cho mình, để được cảm nhận về độ cao mà mình chưa bao giờ lên tới. Lần đầu tiên, được biết về những con đèo Vân Nam qua bài viết của nhóm Tây Bắc, tôi như đã bị mê hoặc, và thay đổi hành trình của mình từ Fanxipang sang miền đất xa xôi hơn, vùng đất mà tôi chưa hề tới, Vân Nam. Độ cao trên 5000 mét quả thật là điều quyến rũ và mê hoặc... Và bây giờ, con đường mở ước ấy đang mở ra trước mắt.


Chúng tôi bắt đầu khởi hành từ Shangrila vào buổi trưa, nắng ấm. Sở dĩ tôi bắt đầu câu chuyện của mình từ Shangrila, bởi cũng từ đây, con đường đèo bắt đầu ngoạn mục. Những con đường Vân Nam không lúc nào không hấp dẫn, bởi sự mới mẻ với những người lần đầu tiên đặt chân tới nơi này. Chúng tôi đã đi hơn 2000 km để đến Shangrila, đoạn đường Nam Ninh - Kunming, với tuyến đường sắt ngoạn mục với trên 99 con hầm lên núi, chúng tôi đi trong đêm, nên không có điều kiện được chứng kiến. Ấn tượng sâu sắc nhất là bình minh, khi ánh mặt trời lên chiếu xuyên ngang cửa sổ 2 bên thành tàu, cảnh tượng mặt trời mọc ngang bầu trời mà lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến, ánh nắng chói chang, và một màu mây xanh ngắt. Chúng tôi đi trên mặt đất mà như đang bay trên bầu trời. Phía ngoài cửa sổ tàu là hồ nước lớn mênh mông bên ngoài Kunmning, ánh nắng phản chiếu thành muôn nghìn tia rực rỡ... Đó là ấn tượng đầu tiên về Vân Nam...Ấn tượng thứ hai về con đường Vân Nam, đó cũng là một hồ nước lớn ở Đại Lý. Khi đó chiều đã chạng vạng, con đường chúng tôi đi một bên là dãy núi, nơi có thành cổ Đại Lý nổi tiếng mà chúng tôi không có điều kiện ghé qua, chỉ thấy những tường thành, những mái ngói và rất nhiều tưởng tượng, và một bên là hồ nước lớn bên ngoài thành cổ. Nhỏ hơn hồ nước ở Kunming, nhưng có lẽ chạy xe hơn nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi vẫn thấy mình ven theo hồ nước. Nhìn từ xa, mùa này nước cạn, những cánh đồng cỏ vươn rộng ra phía hồ, cảnh tượng mênh mông và yên bình, xa nữa, là những dãy núi thấp, với những đền đài, miếu mạo, với làn khói chiều mỏng tang nhè nhẹ vương lên...Nhìn từ cửa sổ ô tô, cảnh tượng bao la và quyến rũ...Chúng tôi đi, những ngọn núi, những hồ nước, những cánh đồng thảo nguyên bát ngát giờ đã no nê tầm mắt. Chúng tôi đã trèo lên Ngọc Long, nhìn những con đường xa xa ngoằn nghèo chân núi, và lại mơ tưởng đến con đường ven đường chân trời, muốn đến tiếp những vùng đất lạ. Mùa thu Vân Nam, đất trời chuyển dần sang màu vàng úa, những cánh rừng đổi màu, tuy phía dưới này lác đác. Chị Fundy, người bạn đồng hành ngắn ngủi của chúng tôi an ủi: lên đến Deqin, cảnh sắc sẽ còn đẹp hơn rất nhiều, mọi người sẽ nhìn thấy những cánh rừng mênh mang lá vàng, lá đỏ. Và chỉ có núi, có đèo, có độ cao, có rừng thay lá đổi màu, thế là tạo cái cớ để tôi lên đường, và thôi thúc tôi lên đường. Nhớ trước khi khởi hành, nhóm chúng tôi đã có 2 luồng ý kiến, thậm chí có khi còn hơi căng thẳng. Đó là ở lại Lệ Giang hay đi tiếp đến Deqin. Nhiều ý kiến muốn dành nhiều thời gian cho thành cổ Lệ Giang và phụ cận, và Đại Lý... nhiều ý kiến thì lửng lơ, chưa biết xuôi về đâu. Riêng tôi, tôi hiểu đích của mình không phải là Lệ Giang, mà phải xa hơn, cao hơn, xa nhất có thể của Vân Nam. Vì với tôi, điều thu hút không phải là cổ thành, mà là những ngọn núi cao tuyết trắng, là những chặng đường đèo hun hút, là con đường trên mây. Chẳng biết có phải vì sự nhiệt tình của tôi không, rồi mọi người cũng đều thuận theo cả, dù có người còn hơi miễn cưỡng...Hy vọng đến lúc này, không còn ai trách cứ tôi về hành trình trên đường đèo Vân Nam, con đường từ Shangrila đến Deqin...


Chúng tôi bắt đầu rời Shangrila vào buổi trưa. Cảm giác trầm mặc của tu viện dường như tan biến, với những con đèo đầu tiên. Đầu tiên phải nói rằng những con đường đèo của Vân Nam thật yên bình, vì hầu như xe cộ lác đác, thi thoảng mới thấy có chiếc xe đi ngược lại. Đường làm khá đẹp, mặt đường phẳng, dù không có vỉa chắn an toàn bên mép vực. Hai bên đường, cảnh quan quen thuộc bắt đầu lùi lại phía sau, và những khung cảnh mới mở ra, hấp dẫn. Một hành trình không xa, từ Shangrila đến Deqin chỉ có 200 km, từ Deqin đến Fali View là 14 km, nhưng bác tài cảnh báo trước, sẽ không đi nhanh được, vì đường ngoằn nghèo và dốc. Những cánh rừng lá vàng, lá đỏ bắt đầu xuất hiện với tần xuất ngày mỗi nhiều, đôi khi vàng rực một bên triền núi. Những hàng dương trơ trụi bên đường, gốc cây được sơn trắng đôi khi làm chúng tôi sững sờ vì vẻ đẹp hoang tàn mùa thu. Con đường ngày một lên dốc, những ngọn núi xa mờ phía trước dần hiện ra, gần ngay trước mặt, rồi lùi lại sau lưng, rồi lẫn vào đâu đó trong dãy núi trùng điệp dưới chân mình. Bao giờ cũng vậy, trên những con đường đèo, tôi bỗng thấy lòng phấn khích. Những dòng sông, ngọn núi, làng mạc như những sa bàn thu nhỏ, như những món đồ chơi của tạo hóa, xếp nên những hình thù lạ mắt. Thấy thế giới thật nhỏ bé, và cả minh nữa, cũng như 1 chấm nhỏ của đất trời. Và ngước mắt lên, trên cao là bầu trời mây xanh ngắt, bị che khuất một phần bởi những đỉnh núi, những cánh rừng cây ngả mầu vàng cuối thu. Dưới này, độ cao vẫn chưa thực sự cao, chưa có tuyết phủ trên những đỉnh núi, chỉ tầm trên 3000m. Rồi hết lên đèo, con đường lại men theo chân dốc, xuống những khe núi vòng vèo, nơi có những dòng sông nhỏ chảy chầm chậm, quanh co, những dòng sông đôi khi xuất hiện bất ngờ mà chẳng nhìn rõ nơi xuất phát. Nếu nói về núi, về rừng, về sông, về suối, dường như chẳng có nhiều khác biệt với những miền rừng núi quê hương mà tôi đã từng qua, chỉ có một điều mới lạ, đó là sự xuất hiện của những ngọn núi đá trọc, trơ đá gốc. Tôi đã từng được nghe về miền đất Tây Tạng, nơi có những ngọn núi mà không có cỏ cây nào mọc được, nơi đá trơ trọi dưới ánh nắng mặt trời, và đây là lần đầu tiên, tôi tận mặt được nhìn ngọn núi như thế. Cũng lạ, một bên là những ngọn núi cây cỏ xanh tươi, những cánh rừng mênh mông, thế mà chỉ cách 1 con sông, mọi vật đã trở nên trái ngược. Dòng sông hiền hòa dường như không biết điều đó, cứ lặng lẽ bào mòn chân núi đá, tạo nên những triền cát xanh, những tầng đá cuội phong phú màu sắc và kiểu dáng. Chúng tôi cứ đi ngược dòng sông, càng đi lên nữa, những ngọn núi đá khô chết ngày càng nhiều, đôi khi, cả một triền núi xa tít, đều trơ trọi. Một cảm giác khô lạnh, hoang vắng và dữ dằn, một cảm giác về miền đất không sức sống. Có đôi khi, trên con đường tiến sâu vào miền đất hoang vu này, chúng tôi gặp những con người. Những lạt ma thì đúng hơn. Dường như cả vùng núi hoang vu, gặp lạt ma còn dễ hơn gặp thổ dân. Những chàng trai trẻ, thậm chí còn rất trẻ, khoác lên mình tấm áo đỏ, tóc cắt trọc, và thế là trở thành những vị lạtma, dù trên nét mặt còn chưa hết vẻ tinh nghịch. Họ đi trên đường, họ ngồi chơi từng nhóm nhỏ trên mặt đường, nheo mắt cười khi thấy chúng tôi đi qua, để lại những cái vẫy tay thân thiện và trìu mến. Cuộc sống nghèo khó, giữa cái khô cằn của núi, màu đỏ của những chiếc áo tu hành càng trở nên chói gắt. Chúng tôi ấn tượng mãi về hình ảnh của những tu viện, nằm chênh vênh bên mép vực. Có cảm tưởng như những ngôi nhà đang lựa chọn, giữa cuộc sống bình yên bên núi này, và cái hoang tàn bên núi bên kia, khe núi vì thế cũng không rộng, đôi khi nhìn từ xa, khe núi chỉ mỏng như một sợi chỉ, cái khoang cách giữa đời và đạo, giữa sự lựa chọn mà không có nhiều lựa chọn. Những tu viện nằm chênh vênh bên bờ vực, như là hình ảnh đặc trưng cho vùng đất này...


Nhưng thực ra cuộc sống không hẳn như vậy, có lẽ đó chỉ là cảm nhận rất cá nhân. Nhìn sang bên kia, nơi những bờ đất khô cằn, trơ trụi, tưởng như không có sự sống, nhưng cuộc sống vẫn vươn lên. Những ngôi nhà của người Tạng, những ngôi nhà tường sơn trắng, tường rất dày, mái ngói dốc, thường là cao 2-3 tầng, thậm chí cao hơn, những ngôi nhà cầu kỳ và vững chãi vẫn mọc lên trên những triền núi đá. Tôi băn khoăn mãi, cuộc sống của những con người này như thế nào, xung quanh không có nhiều cây cối, những ngôi nhà trơ trọi trên những triền núi mênh mông, không giao lưu với thế giới bên ngoài, chỉ có núi rừng. Nhưng sự tồn tại của những ngôi nhà như minh chứng cho sự có mặt của con người, dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu. Chỉ riêng công sức xây dựng nên những ngôi nhà như thế trên triền núi dốc đã là một sự khó tưởng tượng rồi, và cuộc sống, và sự sinh tồn, và giao lưu...Chợt nghĩ đến cuộc sống của mình, đầy đủ tiện nghi, đầy đủ vật chất, thậm chí bây giờ đã ỷ lại vào máy móc gần hết rồi, thế mà con người tưởng như thảnh thơi mà chẳng thảnh thơi chút nào, lúc nào cũng tất bật, lo toan, cũng vướng víu về một điều gì đó. Những suy nghĩ về văn minh, những thói quen vật chất đã làm cho mình không hiểu được cuộc sống của những người dân nơi đây, giữa hoang vu của núi rừng như thế này...
 
Những con đường Vân Nam - phần 1

Nhưng sự tồn tại của những ngôi nhà như minh chứng cho sự có mặt của con người, dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu. Chỉ riêng công sức xây dựng nên những ngôi nhà như thế trên triền núi dốc đã là một sự khó tưởng tượng rồi, và cuộc sống, và sự sinh tồn, và giao lưu...Chợt nghĩ đến cuộc sống của mình, đầy đủ tiện nghi, đầy đủ vật chất, thậm chí bây giờ đã ỷ lại vào máy móc gần hết rồi, thế mà con người tưởng như thảnh thơi mà chẳng thảnh thơi chút nào, lúc nào cũng tất bật, lo toan, cũng vướng víu về một điều gì đó. Những suy nghĩ về văn minh, những thói quen vật chất đã làm cho mình không hiểu được cuộc sống của những người dân nơi đây, giữa hoang vu của núi rừng như thế này...

Vũ ơi, rất hay!
Tiếp tục nhé.
 
Back
Bên trên