Re: Tin moi nhat ve MANU !!!!
Dấu hiệu kết thúc một triều đại?
Trước hết, đứng ở góc độ những nhà lãnh đạo, CĐV CLB Manchester United hay CĐV của đảo quốc sương mù Anh, cần phải cảm ơn Sir Alex Ferguson về những đóng góp của ông trong 18 năm dẫn dắt “những con quỷ đỏ”. Bảng thành tích vàng mà Ferguson giành được cùng M.U đã nói lên tất cả.
Tuy nhiên, nếu bình tĩnh suy xét kỹ hơn một chút, HLV trưởng đội bóng thành Manchester cũng có không ít nhược điểm. Đối với các CĐV thì những nhược điểm này khó có thể nhận biết. Đối với các nhà đầu tư, số tiền họ rót vào đội bóng phải được sinh lợi. Xét về khía cạnh này, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu và đồng cảm với hai cổ đông John Magnier và JP McManus, nhất là sau những “scandal” liên quan đến ông Ferguson và M.U xảy ra trong thời gian qua.
Trong kinh doanh, mọi toan tính đầu tư đều nhắm đến mục tiêu là lợi nhuận, đầu tư trong bóng đá cũng không nằm ngoài quy luật đó. Với tỷ lệ cổ phiếu áp đảo, hai tỷ phú John Magnier và JP McManus là những người có tiếng nói rất nặng ký tại United plc. nói chung và CLB M.U nói riêng. Quả thực, tài năng của vị HLV khả kính người Scotland đã đưa M.U lên một vị thế mới. Những khoản lợi nhuận kếch sù cũng từ đó chảy vào túi các cổ đông. Tuy nhiên, bản chất của mọi hoạt động là sự phát triển không ngừng. Vậy nhưng thời gian qua, nhiều diễn biến cho thấy M.U đang đi chệch hướng mà lỗi lớn thuộc về Ferguson.
Những lục đục nội bộ giữa HLV trưởng và chàng cầu thủ David Beckham, đỉnh điểm là vụ “chiếc giày bay” và bản hợp đồng “rẻ mạt” của tiền vệ tài hoa sang Real Madrid hồi mùa hè 2003. Vụ “chiếc giày bay” khiến hình ảnh của Alex Ferguson trong con mắt giới hâm mộ phai nhạt ít nhiều. Kéo theo nó, hình ảnh của M.U cũng có phần hoen ố. Sự thù nghịch trong quan hệ giữa hai nhân vật nổi tiếng nhất CLB đã buộc David Beckham phải rời khỏi M.U không kèn không trống. Đội trưởng đội tuyển Anh ra đi đồng nghĩa với việc các nhà tài trợ, một số lượng lớn CĐV của cầu thủ này rời bỏ M.U. Lối chơi của CLB giờ không còn quyến rũ như trước. Sự thán phục mà giới chuyên môn và người hâm mộ toàn cầu dành cho những chiến binh thành Manchester đã giảm sút. Như vậy cũng có nghĩa công việc kinh doanh của M.U sẽ kém phần hiệu quả. Đó là chưa kể số tiền chuyển nhượng David Beckham mà M.U nhận được chẳng bõ bèn gì so với giá trị thực của anh trong cùng thời điểm.
Thời gian gần đây, một số tờ báo uy tín đã đăng tải loạt bài điều tra về những khuất tất trong các vụ chuyển nhượng cầu thủ của M.U. Khỏi phải nói các cổ đông đã tức giận đến nhường nào. Tiền của họ đã bị “xà xẻo” trong những thương vụ mua bán cầu thủ, chảy vào túi những nhà môi giới, trong đó có công ty do Jason Ferguson, con trai của Alex Ferguson làm chủ. Đã vậy, số lượng những vụ chuyển nhượng của M.U trong mấy năm qua lại rất lớn. Với hàng loạt các cầu thủ đến và đi như R.Ferdinand, J.Veron, D.Bellion, T.Howard, C.Ronaldo… và mới đây nhất là Louis Saha, số tiền M.U thất thoát cũng theo đó mà tịnh tiến lên hàng triệu bảng - một con số không nhỏ.
Thuần túy về chuyên môn, Alex Ferguson là người đáng được kính nể và trọng vọng. Thế nhưng đặt vào hoàn cảnh hiện tại ở M.U thì vai trò của ông không còn quá lớn. Biết đâu, đây là điềm báo triều đại Ferguson tại sân Old Trafford đã bắt đầu đến hồi chấm dứt? Những nhà lãnh đạo M.U thừa biết rằng với lực lượng hiện tại, M.U vẫn sẽ thành công dù có hay không HLV Alex. Giọt nước đã tràn ly, các cổ đông không còn chịu đựng được những hành động của Ferguson, vì vậy những diễn biến gần đây là điều dễ hiểu.
Cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ nhưng rõ ràng Alex Ferguson đang ở vào thế cực kỳ bất lợi. Phải chăng ông đã gián tiếp thừa nhận mình có lỗi trong những vụ việc vừa qua? Không phải tự nhiên một HLV có vị thế như ông lại chấp nhận ký kết bản hợp đồng có thời hạn một năm, khi mà chỉ cách đây không lâu, ban lãnh đạo M.U đã phải ra sức năn nỉ ông ở lại với bản hợp đồng dài hạn và mức lương hậu hĩnh.