http://bongda.com.vn/VDQG-V-League/Tin-tuc-V-League/30546.aspx
Cảm ơn nhé, Thể Công!
Sau một Sea Games thất bát và tủi hổ, làm tốn biết bao nhiêu tiền của, công sức, tình yêu và nước mắt, bóng đá Việt Nam đã trở lại trong sự hoài nghi của tất cả những người hâm mộ. Người ta đã chờ đợi quá nhiều, đã thất vọng quá nhiều và cần một làn gió mới.
Giữa lúc ấy, trận đại phá Bình Dương của Thể Công ngay trên sân Gò Đậu thực sự đã làm sống lại không khí buồn tẻ của giải VĐQG ngay ở vòng đấu đầu tiên. Trên khắp các trang báo, trong những câu chuyện bên hè phố, người ta lại râm ran cười nói và bàn tán về đội bóng áo lính, câu lạc bộ đã in sâu hình ảnh trong trái tim của hàng triệu con người.
Có phải vì màu áo đỏ của Thể Công cũng là màu cờ Việt Nam, có phải Thể Công là đội bóng giàu truyền thống nhất đất nước? Phải, mà không phải.
Nhắc đến hai chữ truyền thống, bây giờ và cả sau này có lẽ không ai vượt qua được các chàng trai quân đội. Một bề dày lịch sử hàng chục năm trời, hiện thân của đất nước đau thương nhưng anh dũng, đã từng đả bại nhiều đội sừng sỏ của châu lục và quốc tế, Thể Công xuất thân từ nhân dân và được nhân dân nuôi dưỡng mà thành.
Cũng giống như nước Việt Nam thời mở cửa, Thể Công đã phải trải qua nhiều khúc quanh co mà 3 năm ngụp lặn ở giải Hạng Nhất thực sự là những ngày tháng buồn tủi. Đã có những ánh mắt thất vọng nơi người hâm mộ trên các khán đài trống vắng ở sân Hàng Đẫy, sân Mỹ Đình. Cho đến một ngày mà Thể Công của họ trở lại.
Sự thay đổi cơ chế đúng lúc của Thể Công là hợp với thời cuộc và không thể cưỡng lại. Trong bối cảnh chuyên nghiệp hoá, việc thuê cầu thủ ngoại hay mời chuyên gia là tất nhiên. Đã qua rồi, cái thời Athletic Bilbao chỉ dùng người xứ Basque mà trụ vững cả trăm năm ở La Liga.
Con đường trở lại bóng đá đỉnh cao của Thể Công thật gian truân, ngay ở trận đấu đầu tiên “lên chuyên”, đội bóng áo lính đã chạm trán ngay với nhà ĐKVĐ Bình Dương. Vào thời điểm này, Thể Công mới nhỏ bé và yếu thế làm sao.
Bình Dương như một gã khổng lồ thực sự, với lực lượng vào loại “khủng” nhất V-League ở thời hiện tại, 10 tuyển thủ quốc gia, 5 ngoại binh chất lượng cao và một ông thầy xuất sắc Lê Thụy Hải. Họ vừa có trận “ra oai” để nẫng nốt chiếc Siêu Cúp quốc gia một cách thuyết phục.
Còn Thể Công? Trong tay HLV Galdihi chỉ có một vài ngoại binh hạng tầm tầm, ba lão tướng đã qua thời đỉnh cao từ lâu: Bảo Khanh, Phương Nam, Thanh Hải. Còn lại, toàn những gương mặt măng non búng ra sữa. Cho đến giờ, hẳn rất nhiều fan hâm mộ vẫn chưa biết Quang Vinh, Ngọc Duy, Tuấn Anh, Duy Linh ... là ai. Sau trận đấu, tất cả đã biết họ là người Thể Công.
Trên sân Gò Đậu là một Thể Công quyết tử. Trẻ trung, lăn xả và quyết tâm từng đường bóng. Các chàng trai mới đôi mươi đã ăn tập cùng nhau 2 tháng qua dường như vụt lớn, trước đối thủ vượt trội về mọi mặt. Hãy khoan nói về những chiến thuật, những toan tính, chính sức trẻ và lòng quyết tâm đã giúp đôi áo lính chơi một trận ra trò.
Xét toàn cục, thế trận là của Bình Dương, những pha bóng nguy hiểm của đội ĐKVĐ cũng nhiều hơn, nhưng họ đã thua xứng đáng. Bình Dương không có gì phải nuối tiếc, khi trong khung thành Thể Công có một thủ thành Sihavy tuyệt vời, còn trên sân là 10 cầu thủ Thể Công “chết vì nhau.”
Sức trẻ của Thể Công đã thắng, như một làn gió tươi mới và mát lành thổi tan đi không khí u ám sau những ngày bóng đá Việt Nam chìm trong buồn thảm. Có thể đây chỉ là một trận thắng đầu tiên, Thể Công sẽ còn gặp vô vàn gian khó khi trước mặt họ là các đội bóng kinh nghiệm và già rơ hơn rất nhiều, nhưng hãy chính họ đã giúp V-League và bóng đá Việt Nam tìm lại niềm tin vào lúc này.
Cảm ơn nhé, Thể Công!