SV 'sống thử'
Nhà nghỉ tư nhân, cà phê vườn, hồ câu, phòng trọ và ký túc xá là những địa điểm sống thử đang thu hút giới sinh viên thiếu đất thể hiện tình yêu.
Quanh khu vực các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội, các khu nhà trọ, quán cà phê, mà đặc biệt là các nhà nghỉ tư nhân xuất hiện như nấm sau mưa. Tiếng tăm nhất phải kể đến dãy nhà nghỉ trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn đối diện ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội).
Mới mẻ hơn có thể kể đến 2 khu nhà nghỉ cùng nằm trên đường Hoàng Quốc Việt, một đối diện các trường ĐHDL Phương Đông, Trung cấp Du lịch, Học viện Kỹ thuật Quân sự, một nằm ngay cạnh Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo TW I…
Hình mang tính minh họa.
Nhà nghỉ tư nhân là sự lựa chọn số một. Lý do: Kín đáo, điều kiện cơ sở vật chất tốt, phục vụ tận tình và đặc biệt, giá cả rất sinh viên, 20.000 đồng/giờ hoặc 50.000 đồng/hai, ba tiếng đồng hồ; 100.000 - 150.000 đồng/ngày đêm. Vào dịp cuối tuần thường có các cặp thuê qua đêm hoặc ở hẳn 2-3 ngày. Thời gian vào thuê tập trung chủ yếu vào giữa buổi trưa hoặc chiều tối, thời điểm giờ tan học của các trường ĐH, CĐ, khi những người trong cuộc chưa phải “trình diện” tại nơi ở.
Cảnh các cô cậu vai còn đeo cặp sách cứ thản nhiên phóng xe vù một cái vào trong các nhà nghỉ, hỏi số phòng rồi tay trong tay đưa nhau “động phòng hoa chúc” không còn xa lạ. Có cặp vào đến nơi, chẳng nói chẳng rằng, cứ thẳng một lèo lên cầu thang như tìm về một tổ ấm đã quá quen thuộc.
Các nhà nghỉ đón tiếp nhiệt tình bất kỳ đôi trai gái nào, dù vô tình đi ngang qua là y rằng một đám “tiếp thị” gọi với theo: “Nhà nghỉ, anh chị ơi!”. Khu vực nhiều đối thủ cạnh tranh thì những biển hiệu X, Y, Z nào đó được xướng tên rất cụ thể. Vào đến trong, xe cộ được nhân viên đón ngay, số vé được xác định theo số của căn phòng thuê. Đặc biệt, đâu cũng thế, một nguyên tắc bất thành văn là tất cả xe của khách đều được dựng quay biển số vào phía trong tường nên khách khỏi lo bị “đụng hàng”.
Không ít ông bà chủ nhạy bén đến mức bố trí sẵn trong một ngăn kéo bàn tủ, ở vị trí dễ thấy nhất là những chiếc bao cao su đủ loại phục vụ khách miễn phí.
Dùng cụm từ “tuần trăng mật” quả cũng không quá bởi sự nồng nàn khiến các đôi vào trong phòng, chẳng mấy khi thấy thò đầu ra. Có đôi cả hai ngày nghỉ cuối tuần không bước ra đường một phút nào. Điện thoại nội bộ là con đường liên lạc duy nhất khi có nhu cầu về tiếp tế lương thực…
Mặc dù không tiện nghi bằng các nhà nghỉ nhưng những nơi này cũng vẫn hội đủ những yếu tố cơ bản cho những cuộc mây mưa kiểu “tàu nhanh”. “Chốn tang bồng” loại này có khi chỉ rộng khoảng 4 mét vuông là cùng, thậm chí chưa bằng 1/4 diện tích đó. Cái diện tích siêu nhỏ chỉ có thể đứng hay ngồi kia thuộc về những ô ngăn trong các quán cà phê vườn. Chúng xuất hiện ở khắp các ngóc ngách trong thành phố, tiêu biểu phải kể đến dãy quán trên đường Hoàng Hoa Thám, Yên Phụ. Nguyên vật liệu được sử dụng để quây và che chắn chủ yếu là cót ép hoặc mành tre, bên trong chỉ vẻn vẹn một cái ghế băng dài và một chiếc bàn nhỏ xíu. Không có điều kiện về thời gian, kinh phí nên nhiều đôi không ngần ngại chọn những “chuồng cọp” như vậy để thể hiện tình yêu. Vì chật chội như vậy nên không ít hoạt động riêng tư của cặp này lại trở thành câu chuyện của “chuồng” bên cạnh.
Một vài quán, với ưu thế về diện tích, đã nâng cấp thành những căn phòng tường gạch đàng hoàng (khu vực đối diện ĐH Thủy Lợi, gần HV Ngân hàng). Vào những ngày cuối tuần, nếu không đến sớm, những kẻ chậm chân đừng mong tìm được chỗ, dù là những góc tồi tàn nhất trong những quán cà phê vườn kể trên. Lãng mạn và thú vị hơn là những cuộc picnic trong ngày đến các hồ câu ở ngoại ô, bên bờ bắc cầu Thăng Long hoặc cầu Chương Dương. Chỉ mất khoảng nửa tiếng đồng hồ là các đôi đã được hòa mình vào không khí mát mẻ và trong lành của cảnh đồng quê.
Ngoài một vài lán rộng dùng cho những nhóm dã ngoại tập thể, đa số còn lại là các chòi câu chỉ thích hợp cho các nhóm nhỏ dưới 5 người. Chỉ mất khoảng 20.000-30.000 đồng là có thể sở hữu những căn chòi xinh xinh đó cả ngày trời. Đến hồ câu những ngày cuối tuần, quá nửa chòi câu biến thành những “lô cốt” bất khả xâm phạm.
Cái cảnh cầm tay, ôm ấp, thủ thỉ với nhau dưới tán cây, trên ghế đá, trong khuôn viên các trường ĐH, CĐ đã quá cũ. Chuyện mới ngày nay là việc cả gan “hành sự” ngay trong phòng KTX. Thường là khi bạn bè lên giảng đường, không biết vô tình hay hữu ý, một số người ở lại rất hay được người yêu đến thăm. Rồi chẳng hiểu sự tình ra sao mà cứ dần thấy khép cửa, cài chốt và cuối cùng là… đèn tắt.
Theo Tiền Phong, đôi khi, chuyện riêng tư này được ngầm thỏa hiệp giữa các sinh viên cùng phòng. Cứ hễ thấy đối tác của ai đến, những người còn lại có “bổn phận” tự giác ra ngoài. Công chuyện tự kết thúc sau một vài tiếng, khi cửa phòng đã mở toang. Đáng lưu ý là tình trạng này không cứ chỉ diễn ra ở phòng sinh viên nữ…
Dường như ánh mắt hay sự đàm tiếu của người khác không làm những người trong cuộc ngượng ngùng hay hoang mang. Có sinh viên còn quả quyết được chứng kiến những cảnh “khủng khiếp” ngay ở khu thể thao, trong phòng học, hay khu vệ sinh…
Đối với sinh viên ngoại trú, dĩ nhiên, mức độ còn phổ biến và nóng bỏng hơn nhiều! Việc góp gạo thổi cơm chung của các đôi hầu như trường nào cũng có. Những khu nhà trọ chỉ toàn “hộ” sinh viên ở với nhau đã dần xuất hiện. Sống kiểu này vừa tiết kiệm, vừa tha hồ chăm sóc nhau. Những kẻ hơi nhát gan thì chọn giải pháp thuê 2 nhưng chỉ ở 1 phòng, đề phòng trường hợp thầy u ở dưới quê lên thăm.
Việc này, các ông bà chủ nhà trọ hầu như biết nhưng vì lợi nhuận nên nhiều người làm ngơ. Hãn hữu lắm mới có trường hợp: ông chủ phục kích, bắt quả tang để đuổi một cô sinh viên, mà ngày nào cũng thấy bạn trai đến chơi và cửa lúc nào cũng đóng im ỉm… để khỏi ảnh hưởng đến sự “trong sáng” của phòng bên cạnh. Lại còn chuyện, có cô sinh viên bị đuổi khỏi nơi trọ vì quá nhiệt tình cho một cô bạn cùng lớp mượn phòng để “vui vầy” với bạn trai.