Tiến sĩ Lê Phước Hùng:
Trường chúng tôi là trường Việt Nam
“Tôi có thể quên ngôi nhà nơi tôi được sinh ra, tôi có thể quên ít nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng dù đi bất cứ nơi đâu, ở bất cứ quốc gia nào, mang bất kỳ quốc tịch nào, tôi không bao giờ quên tôi là người VN. Tôi muốn nói với các em học sinh của tôi rằng: hãy sống cuộc sống của người VN, gìn giữ bản sắc văn hoá VN và hành xử theo những phẩm chất tốt đẹp của người VN…”
Là một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, từng giữ chức Hiệu phó và Giám đốc điều hành Chương trình Việt Nam của Trường Cao học Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học St. John’s New York, Hoa Kỳ, TS Lê Phước Hùng đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy trao đổi giáo dục Việt - Mỹ. Hiện nay, với tư cách là Giám đốc điều hành Trường Phổ thông Olympia Dream House Việt Nam (Olympia), ông bày tỏ mong muốn tạo ra một môi trường giáo dục năng động, hiện đại, nhân văn, mang bản sắc VN và mang tầm quốc tế; một môi trường mà ở đó, mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển và toả sáng.
PV: Ông có thể cho biết sự khác biệt giữa Olympia với các trường quốc tế khác tại VN?
TS Lê Phước Hùng: Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng Olympia không phải là trường quốc tế, mặc dù cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của chúng tôi đều đạt chuẩn quốc tế. Đây là trường VN, được Bộ Giáo dục & Đào tạo VN cấp phép hoạt động. Olympia là sự tiếp nối và kế thừa những thành công mà chúng tôi đã gây dựng ở Trường Phổ thông Dream House Trí Việt. Điểm mới và cũng là điểm khác biệt của Olympia so với các trường VN khác là chúng tôi đào tạo học sinh theo hai chương trình: chương trình VN của Bộ GD-ĐT và chương trình quốc tế.
Chương trình quốc tế được cung cấp bởi hai đối tác của chúng tôi ở Hoa Kỳ: Trường PTTH Winchendon, bang Massachusetts và Trường Phổ thông đa cấp North Shore, bang New York. Chúng tôi không sử dụng 100% chương trình quốc tế của hai trường đối tác, mà cùng với chuyên gia của họ thiết kế lại chương trình sao cho phù hợp với học sinh VN. Là một chuyên gia về giáo dục, tôi muốn kết hợp những gì ưu việt nhất của hai chương trình VN và quốc tế khi đào tạo học sinh. Mục tiêu của chúng tôi là giúp cho học sinh có thể dễ dàng hội nhập trong môi trường quốc tế và có thể chuyển tiếp đi du học ở nước ngoài.
PV: Phương pháp giảng dạy nào sẽ được áp dụng ở Olympia, thưa ông? Có vẻ như người ta đang lạm dụng cụm từ “dạy/ học tích cực” (active learning/teaching) khi nói về những đổi mới trong phương pháp giảng dạy?
TS. Lê Phước Hùng: Trước hết, cần phải hiểu rõ thế nào là “dạy/ học tích cực”. Tôi không cho rằng một trường học được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi với một chương trình nhập ngoại thì trường đó đương nhiên có phương pháp giảng dạy tích cực. Quan trọng là nhà trường và các thầy cô phải tạo được một môi trường năng động, thân thiện, giúp cho học sinh phát huy được tối đa khả năng của bản thân.
Điểm mấu chốt của “dạy/ học tích cực” là đội ngũ giáo viên, ngoài việc vững vàng về chuyên môn, phải lĩnh hội được kỹ thuật giảng dạy mới, có khả năng tương tác cao, hiểu rõ năng lực nổi trội của từng học sinh, thấu hiểu tâm lý học sinh, để giúp các em tìm ra thế mạnh của mình và tạo cơ hội cho các em thể hiện bản thân một cách tốt nhất.
Các giáo viên của chúng tôi đến từ các nơi khác nhau, có những kinh nghiệm khác nhau về việc giảng dạy, nhưng khi đến đây, họ sẽ được đào tạo giống nhau về cách kết nối với học sinh, cách lắng nghe ý kiến của trẻ, cách soạn giáo án sao cho hấp dẫn để kích thích trẻ hăng say học tập… Một trong những lý do chúng tôi hợp tác với các trường nước ngoài, chính là để học hỏi và nắm bắt được kỹ thuật giảng dạy của họ, qua đó đào tạo tất cả các giáo viên của chúng tôi theo một chuẩn tương tự.
PV: Đã có nhiều ý kiến cho rằng chương trình học của Bộ GD-ĐT là quá tải so với học sinh. Phải học cùng một lúc cả hai chương trìnheơr Olympia liệu có phải là áp lực cho trẻ?
TS Lê Phước Hùng: Chúng tôi sử dụng chương trình VN làm nền tảng, còn chương trình quốc tế là bổ trợ. Hai chương trình đấy luôn song hành, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Một bên là có được nền tảng lý thuyết vững chắc, một bên là có được những trải nghiệm thực tế. Học sinh cần phải được trang bị cả hai thứ: kiến thức và kỹ năng hội nhập. Ở đây tôi không nói đến chuyện học nhiều hay học ít, mà nói về cách ta lựa chọn để truyền tải kiến thức ra sao. Quan trọng là cách thiết kế bài giảng, sao cho với cùng một thời gian học sinh có thể lĩnh hội được nhiều hơn.
Phương pháp giảng dạy của chúng tôi là không gò ép học sinh trong việc ghi nhớ vì nó sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo của trẻ. Học sinh đang ở lứa tuổi tràn đầy năng lượng và nhiệm vụ của nhà trường là phải hỗ trợ học sinh chủ động tham gia vào việc học, biết tư duy, biết cách đặt vấn đề và biết tổ chức óc phê phán, chứ không phải chỉ dạy những thứ có sẵn trong sách. Chúng tôi không áp đặt kiến thức cho học sinh, mà chỉ là cầu nối, là công cụ hỗ trợ, giúp các em chủ động tìm đến với kiến thức.
PV: Ông nghĩ sao về việc có nhiều phụ huynh gửi con đi học nước ngoài từ rất sớm, ở lứa tuổi THPT? Phải chăng những mô hình giáo dục hiện thời ở VN vẫn không thể đáp ứng nhu cầu về một môi trường giáo dục tốt?
TS. Lê Phước Hùng: Theo tôi thì số lượng phụ huynh gửi con ra nước ngoài học không nhiều nếu xét trên số đông. Có một thực tế mà chúng ta nên biết, là trong số những du học sinh ở Mỹ thì tỉ lệ người châu Á thành công cao hơn hơn người châu Âu. Điều đấy chứng tỏ giáo dục châu Á có những ưu điểm riêng mà chính người Mỹ cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu. Chúng ta chỉ có một nhược điểm, là học sinh của chúng ta còn thụ động và thiếu tính sáng tạo. Nhược điểm này là do phương pháp giảng dạy chỉ chú trọng đến lý thuyết. Chúng ta cần thấy rằng lý thuyết phải đi liền với thực tế. Cái chúng ta cần thay đổi ở đây là phải đưa lý thuyết vào thực hành, cho học sinh được nhìn thấy, được trải nghiệm những cái đã học.
PV: Ông có nghĩ rằng mô hình của Olympia sẽ khắc phục được nhược điểm trên?
TS Lê Phước Hùng: Tôi không nói rằng mô hình của chúng tôi là hoàn thiện nhất. Cũng còn những hạn chế mà chúng tôi phải tìm cách khắc phục. Nhưng chúng tôi luôn nỗ lực hết sức mình vì sự phát triển của trẻ. Chúng tôi hiểu rằng từ cấp 1 đến cấp 3 là giai đoạn để trẻ hình thành cơ sở nền tảng và phát triển nhân cách. Khi mà tốt nghiệp THPT mới chỉ là sự khởi đầu của tương lai, thì chúng tôi cung cấp tài nguyên, động lực, năng lượng, môi trường, cùng với những trải nghiệm thực tế, với mong muốn mang đến cho trẻ niềm say mê để tiếp tục chặng đường trước mắt.
PV: Cuối cùng, sau tất cả những nỗ lực trên, “sản phẩm đầu ra” của Olympia sẽ là như thế nào?
TS Lê Phước Hùng: Điều đó phụ thuộc vào cả phương pháp giáo dục của gia đình, nhà trường và tố chất của trẻ. Mỗi đứa trẻ là duy nhất. Quan trọng là phải giải mã được học sinh, mở toang cánh cửa nội lực của trẻ, khơi dậy trong trẻ khát vọng sáng tạo và sự say mê tri thức. Chúng tôi chỉ là bệ phóng, chính các em sẽ quyết định mình đi đâu và đi như thế nào.
Về phần mình, tôi mong muốn các em sẽ trở thành những người Việt trẻ tự tin, hiện đại, năng động, sáng tạo, độc lập, biết trọng lễ nghĩa, hiểu rõ văn hoá, ngôn ngữ và lịch sử VN. Chúng ta là người VN, bởi vì chúng ta đã được sinh ra như thế. Hãy trở thành những công dân VN có ích cho cộng đồng. Đó là thông điệp mà tôi muốn gửi đến tất cả các học sinh của tôi.