Rap Việt – Bao giờ bước ra ánh sáng?
Không biết từ bao giờ, dường như khái niệm về Rap/Hiphop Việt không hề tồn tại trong đại bộ phận những người trẻ Việt yêu nhạc. Dù rằng họ biết và đang từng ngày nghe Eminem, Nelly, B2K hay Missy Elliott. Chúng ta đã từng có những đại biểu xứng đáng cho pop Việt, rock Việt hay thậm chí là cả jazz Việt. Vậy chẳng có lý do gì để không thể có 1 style riêng cho dòng Rap/Hiphop Việt!
Suốt một thời gian dài, chúng ta đã “anti” Rap Việt bởi 1 lý do duy nhất. Nó không phù hợp với những suy nghĩ và tư tưởng á đông. Hầu hết những ca khúc rap Việt trước đây đều xuất xứ từ hải ngoại, bị xem là có nội dung và ý nghĩa không phù hợp văn hoá VN. Và nhiều người đã lầm tưởng, Rap là phải chửi. Điều đó hoàn toàn sai lầm! Chửi hay không là do người hát Rap. Nếu cố gượng ép, mang những từ ngữ cục cằn, thô thiển vào cho ra vẻ Rap thì sẽ hoàn toàn phản tác dụng. Chửi, ai chửi cũng được, nhưng viết Rap thì phải có tâm hồn, có cảm xúc mới viết được! Chính vì thế, hãy nhìn nhận Rap như 1 dòng nhạc thực sự!
Trong 1 vài năm trở lại đây, khi dòng RnB & Hiphop lên ngôi, thống trị các bảng xếp hạng trên toàn thế giới, thì khái niệm về 1 dòng Rap/Hiphop phù hợp với văn hoá Việt cũng đã bắt đầu hình thành. Và theo 2 hướng hoàn toàn đối lập!
Showbiz Việt và cơn sốt Hiphop
Đó chính là điểm dễ nhận thấy nhất ở showbiz Việt thời điểm hiện nay. Tràn ngập phong cách Hiphop trong các ca khúc nhạc trẻ, trong các chương trình biểu diễn, từ trang phục cho đến tóc tai… Những ca sĩ mạnh miệng tuyên bố hát RnB, những ca khúc xen lẫn vài đoạn đọc – “gọi là Rap”. Thế nhưng, như 1 tỷ lệ nghịch về sự phát triển mất cân đối. Cái gì phát triển càng nhanh chỉ trong 1 thời gian ngắn thì chất lượng sẽ không bao giờ đi kèm. Nhất là với 1 dòng nhạc mà không còn đơn thuần là nhạc nữa - nó đã trở thành 1 nét văn hoá: Urban culture (Văn hoá đường phố). Trong đó, những ca khúc tưởng chừng hời hợt nhưng lại chứa dựng những triết lý rất sâu sắc của MC/Rapper. Những tiếng beat đều đều tưởng nhàm chán lại chứa đựng sự sáng tạo của DJ.
Tất cả những gì nền showbiz Việt đang tiếp thu và thể hiện trong thể loại mới mẻ này chỉ chứng tỏ 3 không: không hiểu, không biết và không sáng tạo.
Không hiểu: gần như tất cả những người đang theo đuổi dòng nhạc này đều không hiểu mình đang làm gì? Họ thường xuyên xuất hiện với quần thụng, tóc tết, mũ lưới… Họ thường xuyên hát những ca khúc xen lẫn 1 vài đoạn đọc, thỉnh thoảng lại chêm vào những tiếng đệm: yeah, yo, com’on… Nhưng tất cả chỉ gây nên 1 cảm giác lố bịch. Họ muốn Rap, muốn hát RnB nhưng không hiểu bản chất của những dòng nhạc đó.
- Một ca khúc dù được đọc từ đầu đến cuối vẫn chẳng bao giờ trở thành Rap/Hiphop, nếu không có và không phù hợp với beat.
- Vài đoạn phiêu vớ vẩn không thể tạo nên 1 ca khúc RnB.
Bởi thực chất RnB cũng như Rap/Hiphop luôn là những thể loại khó nhất của âm nhạc. Trong khi RnB đòi hỏi 1 chất giọng bẩm sinh thật sự tốt thì Rap/Hiphop lại đặt khả năng cảm nhận beat và sáng tạo trong cách flow lên hàng đầu. Và cũng không hề có 1 trường lớp nào đào tạo rapper cả. Nơi duy nhất để họ trưởng thành là những battle với bạn bè. Bạn đồng hành của rapper là cây bút và quyển sổ để ghi lại những đoạn flow bất chợt đầy ngẫu hứng, rồi từ đó sẽ phát triển thành 1 ca khúc hoàn chỉnh. Các rapper đã dần hoàn thiện mình như thế!
Không biết: chính xác là các ca sĩ Việt không biết thể hiện như thế nào. Một ca sĩ không bao giờ là rapper nếu không biết sáng tác và không biết cách flow, chứ chưa nói đến việc tìm ra 1 phong cách flow cho riêng mình… Bởi cảm và viết lyric trên beat chính là tố chất tối thiểu của 1 rappa. Nó cũng như trò chơi với những con chữ vậy. Không phải cứ viết, cứ đọc ào ào là xong. Viết lyric cho Hiphop, cho Rap cần có 1 giai điệu riêng, lyric dựa trên giai điệu đó. Và cuối cùng, rapper sẽ điều khiển nhịp đọc, cách flow của mình sao cho phù hợp. Hơn nữa, một ca sĩ muốn trở thành rapper phải hội tụ rất nhiều yếu tố vì 2 trường phái khác xa nhau. Rap - đâu cần phải méo giọng, gào thét, sử dụng nhiều kỹ thuật. Mà cái hay của Rap là hãy rap thật tự nhiên, với tất cả những cảm xúc khi viết nên những lời đó.
Có thể thấy trong showbiz Việt hiện nay, phần lớn ca sĩ đều không-biết-cách-flow cũng như điều khiển nhịp thở. Đọc 1 câu dài tuồn tuột, về cuối lại hụt hơi. Chính những điều đó biến 1 ca khúc Rap Việt trở thành R.a.p (tức Read a poem = đọc thơ) hay 1 bài vè hài hước.
Không sáng tạo: rất dễ để thấy rằng cái mác Rap/Hiphop Việt được rập khuôn theo các phong cách ngoại đang đầy rẫy. Phần lớn các ca sĩ/nhạc sĩ đều mang nhạc ngoại ra mà phang lời Việt. Thế nhưng, chính vì tiếng Việt vốn đã khác nên không thể cứ cover bài nào thì bắt chước y hệt bài gốc. Nhất là trong Rap, bởi bắt chước giống hệt sẽ làm cho lyric trở nên gượng ép, khô khan và mất hết tính giai điệu. Vì vậy, điều chúng ta cần làm là phải học hỏi, nghiền ngẫm để hoà cái hồn Việt vào nhạc Rap, để dòng Rap mang 1 style riêng của chúng ta chứ không phải dành hàng giờ nghe nhạc ngoại rồi bắt chước như vẹt.
… và thế giới “Underground”
Chữ “Undergound” ở đây hoàn toàn không có nghĩa xấu. Bởi đơn giản nó chỉ có ý nghĩa không-ai-biết-đến. Những tác phẩm ra đời chỉ được biết đến bởi những cái nick như: Eddyviet, Xlim, Lil’ Knight, Onelarge, Young Uno, Ca Chep, Fantasy_xy… Rap Việt “Underground” chính là đại diện cho 1 bộ phận những người Việt trẻ đến với Rap bằng niềm đam mê, bằng chính cái tâm của mình! Họ trẻ, còn rất trẻ!
Và thật trớ trêu khi tất cả những gì showbiz chuyên nghiệp thiếu thì “Underground” lại hội tụ đầy đủ. Họ biết và hiểu mình đang làm gì. Khởi đầu chỉ từ ý tưởng 1 vài người bạn cùng niềm đam mê với “Urban culture” tập hợp nhau lại, chia sẻ kiến thức, những ca khúc hay. Nghe, cảm nhận rồi, tại sao lại không thử? Họ mày mò mix beat dù chỉ bằng computer, tự viết lời cho beat, rồi rap và cùng nhau rút kinh nghiệm. Thời gian qua, 1 quãng đường không dài nhưng cũng làm những người trẻ này trưởng thành hơn. Những ca khúc thể loại Gangsta, “rap bẩn” ít dần và được thay thế bởi “rap sạch”. “Hồi nhỏ thì còn hăng tiết vịt lắm. Bây giờ lớn rồi, chửi ít thôi, để dành thời giờ làm chuyện khác” – Eddyviet
Những ca khúc được viết lên bởi chính tâm hồn và cảm xúc người viết. Không xúc động sao được khi “Phiêu sinh” của Onelarge feat cùng Young Uno dành tặng cho những nạn nhân của sóng thần Tsunami:
“… Ngàn vạn nỗi đau nhân gian ngập trong lụt lội
Hay nước mắt dâng lũ nguồn
Ôi bao tai ương bệnh tật cùng trăm lo âu
Còn nữa đâu nương xanh ruộng xưa phủ trong mờ nước
Tanh hơi oan nghiệt sinh linh điêu linh, van vật phiêu sinh
Sẽ chỉ là những giấc mơ xưa, ngôi nhà xinh núp dưới bóng dừa
Ôi nhưng sau 1 trận mưa, cuồng phong gột rửa
Chỉ còn lại mặt nước mênh mông, tanh mùi máu hồng
Ôi những người vợ đã mất chồng, những đứa con mất cha, những ông già mất cháu
Xác người trôi theo cơn lũ
Trời vẫn mưa đậm đặc mây mù, đàn em nhỏ vắng tiếng mẹ ru…
… Gió đang rú, mưa đang rơi, lệ đắng bờ môi nghẹn ngào nói không nên lời
Chim mất tổ lượn bay chới với, người mất nhau lòng sầu chơi vơi
Bao mảnh đời, đang chờ đợi những tình thương sẻ chia san nhường
Vạn trái tim đập chung 1 hướng
Còn tất cả chúng ta ở nơi xa, đều là những kẻ may mắn
Hãy cùng sẻ chia miếng ăn, tấm chăn
Gánh bới chút khổ đau nhọc nhằn…”
Hay như “Thùy Anh 4ever” mà cô bé Lil Kani viết tặng 1 người bạn đã mất.
“Tôi biết đâu cuộc đời bao ngang trái, và biết đâu bạn rời xa tôi mãi
Khi tôi tròn 15 thì bạn đã không còn tồn tại
Khi cuộc sống vẫn trôi thì bạn đã dừng lại
Bạn có biết không? Rằng tôi đã ngóng trông ngày mà bạn trở về
để chúng mình lại được sống những năm tháng bên nhau
cùng với nhau chia sẻ vui sầu
Tôi đã chờ rất lâu, và giờ đây chỉ biết nguyện cầu
Sống trong nước mắt và mong nỗi đau này sẽ qua
Những năm tháng về sau, dù không còn ở bên nhau
Thì ta mãi là bạn, tình bạn đó không bao giờ cạn…”
Không hay, không ý nghĩa hơn những ca khúc sáo rỗng đang đầy rẫy trên thị trường hay sao. Họ viết về cuộc sống, về niềm vui nỗi buồn, về tình yêu hay chỉ đơn giản là những gì bản thân đã trải qua. Có suy nghĩ ngây ngô của những người trẻ, có nỗi buồn khi tình yêu ra đi, thỉnh thoảng có 1 vài bài ghetto chán nản… nhưng tất cả đều xuất phát từ niềm đam mê kinh khủng đối với Rap/Hiphop. Mà 1 khi đã đam mê cái gì thì sẽ dày công sưu tập, tìm hiểu nó. Và ngọn lửa nhiệt huyết trong bạn sẽ thôi thúc bạn muốn thể hiện nó bằng chính cảm nhận và những kỹ năng tích lũy được. Ngoài ra, chuyện có người ủng hộ hay không, không quan trọng. Đó chính là Rap Việt “Underground”!
Kết: 2 con đường, 2 trường phái hoàn toàn đối lập nhau. Với những gì showbiz đang thể hiện thì không thể gọi là đại diện cho dòng Rap/Hiphop Việt được. Còn những bạn trẻ “Undergrond” thì vẫn cứ là “Underground”. Thế nhưng họ vẫn mong có 1 ngày được chấp nhận, được bước ra ánh sáng!