Phong trào Đông Du

Đoàn Trang
(Ms_Independent)

Điều hành viên
Bài học Đông Du: Bản lĩnh và năng lực chọn lựa


(VietNamNet) - Chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội chọn lựa, phải có đủ bản lĩnh có đủ năng lực để chọn lựa cái tốt nhất trong một bối cảnh thông tin đa chiều và rộng mở như ngày hôm nay.

Kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du, VietNamNet rất hân hạnh được đón tiếp 2 vị khách mời ông Onishi Kazuhiko - đại diện của Hội giao lưu văn hóa Nhật - Việt tại Việt Nam và nhà sử học Dương Trung Quốc - người rất quen thuộc với các chương trình bàn tròn trực tuyến của chúng tôi. Hôm nay chúng ta cùng nhau trao đổi cảm nhận về những bài học, những giá trị của phong trào Đông Du và nhìn nó trong một bối cảnh mới. Mỗi hoàn cảnh lịch sử có những vấn đề đặt ra với đất nước với dân tộc một cách cụ thể. Thời cụ Phan Bội Châu 100 năm trước đây đi Đông Du để tìm đường cứu nước, tìm con đường để dành độc lập cho dân tộc. Còn ngày hôm nay chúng ta đang có một đất nước Việt Nam trong tay của dân tộc Việt Nam, chúng ta đang ngày càng có vị thế tốt hơn, từng bước từng bước nâng cao hình ảnh vị thế của mình trên trường quốc tế. Những con người Việt Nam ngày hôm nay cũng đã bước ra thế giới rất nhiều và ngày càng tự hào hơn về đất nước của mình và cũng có những bức xúc, những trăn trở để Việt Nam vượt lên tiếp trong ngày hôm nay.

Đông Du sau 100 năm nhìn lại

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Từ những bài học và những kinh nghiệm lịch sử của phong trào Đông Du, nhà sử học Dương Trung Quốc có ý kiến gì khi chúng ta nhìn nhận nó trong bối cảnh lịch sử của ngày hôm nay?

Ông Dương Trung Quốc: - Chủ đề ngày hôm nay chúng ta đang bàn đến một sự kiện diễn ra cách đây đúng một thế kỷ. Gọi đúng một thế kỷ bởi hiện tượng phong trào Đông Du này người ta hay lấy mốc là với cuộc ra đi đầu tiên của Phan Bội Châu sang Nhật vào tháng 3/1905 (sau thất bại ở những giai đoạn trước) để tìm ra một hướng mới cho công cuộc cứu nước. Cuộc ra đi này đã dẫn đến một chủ trương mà chúng ta gọi chung là Đông Du: muốn hướng một hi vọng có thể tìm được một con đường cứu nước từ một mẫu hình từ nước Nhật đã tự cường và thứ hai nữa là muốn tìm ngoại viện để có thể thực hiện giải phóng đất nước khỏi ách thực dân của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Đi cùng với chủ trương chính trị này, trước hết phải gọi đây là chủ trương chính trị, thì có một hiện tượng là đưa những thanh niên trẻ Việt Nam, kể các thiếu niên nữa bởi vì trong số những học sinh có những người mươi mười hai tuổi và cả những người đã trưởng thành đi sang để học hỏi nước Nhật. Bởi vì nước Nhật lúc đó xuất hiện trên chính trường thế giới, với các dân tộc châu Á, đặc biệt là Việt Nam như một tấm gương lớn khi mà đến cuối thế kỷ 19 thì có thể nói cả châu Á da vàng đã trở thành thuộc địa, hoặc những miếng mồi đang bị xâu xé bởi các quốc gia Phương Tây thì nước Nhật Bản đã chiến thắng trong một cuộc chiến tranh với nước Nga. Đặc biệt là chiến thắng eo biển Đông Mã - eo biển Tusima mà Nhật Bản đã đánh đắm toàn bộ hạm đội của Nga Hoàng. Từ đó, nó dấy lên một câu hỏi lớn: Nếu nước Nhật da vàng kia đánh thắng nước Nga da trắng thì tại sao châu Á da vàng lại chịu làm nô lệ cho châu Âu da trắng? Tại sao Việt Nam da vàng lại chấp nhận là thuộc địa của thực dân Pháp da trắng? Ở đây, tinh thần đồng chủng, đồng văn đã được dấy lên, khơi dậy lên như một niềm hi vọng. Phong trào Đông Du ra đời vào thời điểm đó với mục tiêu chính trị hàng đầu, nhưng đi cùng mục tiêu chính trị là một hướng đi học hỏi và đặc biệt lúc đó là phong trào Đông Du sang Nhật .

Giờ đây chúng ta đang ở một thời đại rất khác 100 năm trước. Chúng ta đã là một đất nước độc lập, mục tiêu chúng ta hội nhập với thế giới, tìm những nguồn lực để mà cứu nước hiểu theo một nghĩa khác. Tức là đưa đất nước thoát khỏi sự nghèo nàn và lạc hậu. Việc chúng ta nhớ lại một bài học lịch sử, chúng tôi nghĩ rằng nó nhấn mạnh đến một sự thay đổi rất lớn của thời đại. Nước Nhật Bản giờ đây không còn là nước Nhật Bản cách đây một thế kỷ nữa mà rõ ràng chúng ta đang chứng kiến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai chính phủ, trong khi 100 năm trước, nếu nhìn thẳng vào sự thật lịch sử thì chúng ta đã có bài học đầu tiên về cái sự phản bội, là nước Nhật đã vì lợi ích đế quốc của mình mà quay lưng lại với phong trào giải phóng dân tộc của chúng ta, thì chúng tôi nghĩ là luôn luôn phải nhìn lại lịch sử nhưng trong thời đại mới mà ở đây chúng ta hướng tới những việc hội nhập, học hỏi và đặc biệt hướng tới những bài học thành công của những quốc gia khác, nhất là những quốc gia rất gần gũi với chúng ta về lịch sử về văn hóa như Nhật Bản.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Xin hỏi ông Kazuhiko, nước Nhật sở dĩ có được những thành quả đó xuất phát từ Minh Trị duy tân, cũng là một phong trào mở cửa, đổi mới, tiếp nhận những luồng gió kiến thức, công nghệ mới, tư tưởng mới, thông tin mới vào cho nước Nhật? Ông có thể nói qua về những giá trị của nó đối với Nhật Bản?

T.S Kazuhiko: - Minh Trị duy tân của Nhật Bản bắt đầu từ năm 1868 nhưng phải nói rằng sự phát triển của Nhật Bản là có trước từ thời Minh Trị duy tân. Tôi xin nêu một ví dụ là năm 1823 khi ông Terry của Mỹ sang Nhật Bản thì ông đã rất ngạc nhiên với những chiếc thuyền do người Nhật đóng và những chiếc thuyền này đều do những người dân rất bình thường, thậm chí họ không biết cả chữ viết nhưng họ đã học những kỹ thuật này từ thực tế. Có thể nói rằng, ngay từ trước thời Minh Trị duy tân thì Nhật Bản đã có bước phát triển tức là bước phát triển này qua quá trình lịch sử từ thời Ô - đô từ cách đó 300 năm. Vào thời điểm đó thì Nhật Bản vừa chịu ảnh hưởng của nho giáo đồng thời có một tầng lớp có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của xã hội thời điểm đó là tầng lớp võ sĩ đạo. Người dân Nhật Bản, ngay từ thời trước Minh Trị duy tân họ đã tìm cách học hỏi các kỹ thuật mới và Nhật Bản đã có những nhà máy cỡ nhỏ để sản xuất.

Đối với Việt Nam của các bạn, chúng tôi biết rằng từ năm 1840, Việt Nam cũng đã đóng thuyền đi biển và cũng đã mở cửa cảng để tiếp xúc với thế giới nhưng mà thời điểm này sự phát triển của Việt Nam so với Nhật Bản thì vẫn còn chưa mở rộng cửa được như Nhật Bản.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tất nhiên, vào thời điểm đó Nhật Bản cũng đã phát triển, cũng đã bắt đầu có bước đi của mình, nhưng giá trị thực sự của Minh Trị duy tân như đem đến một yếu tố mới tạo sức mạnh vượt trội so với các nước khác là gì?

T.S Kazuhiko: - Tôi nghĩ rằng một trong những nguyên nhân lớn nhất có lẽ là việc loại bỏ sự phân biệt giai cấp. Ở thời điểm đó về mặt quân sự và cũng như mặt chính trị thì giới võ sĩ đạo nắm quyền lực nhiều nhất. Tuy nhiên, những người nông dân và những người dân bình thường thì họ cũng được tiếp xúc nhiều với các thông tin về mặt chính trị, về mặt quân sự. Đa số người dân đều hướng đến một mục tiêu tập trung sức mạnh để chấn hưng đất nước, người nào có tiền thì góp tiền, người nào có sức thì góp sức, người nào có kỹ thuật thì góp kỹ thuật. Chính vì vậy, nhờ sức mạnh có thể nói là sức mạnh của toàn dân như vậy nên đã tạo ra sức mạnh chung của thời Minh Trị duy tân. Năm 1668, Nhật Bản thực hiện phong trào duy tân mở cửa ra nước ngoài nhưng sau đó chỉ trong 5 năm Nhật Bản đã chiến thắng nước Nga. Chiến thắng này đã thể hiện sức mạnh về mặt kỹ thuật, về mặt tư bản nhưng đồng thời nó thể hiện sức mạnh của tất cả mọi người đều đồng lòng với một mục tiêu chung, đấy có thể là điểm lớn nhất.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi muốn nói đến nhân tố tạo nên sức mạnh khiến Minh Trị duy tân đạt được tiến bộ về công nghệ cũng như khoa học kỹ thuật, những kiến thức mới của loài người. Nhân tố đó là gì, nó có gì đặc biệt để tạo ra sự khác biệt về chất mà dân tộc Nhật Bản khác với các dân tộc khác?

T.S Kazuhiko: Trước thời Minh Trị duy tân thì trong thời Ô- đô thì Nhật Bản đã tích lũy được rất nhiều về mặt khoa học kỹ thuật cũng như mặt tư bản. Tuy nhiên, thời Ô- đô này vẫn là thời kỳ phong kiến và xã hội và thế giới cầm quyền của phong kiến rất là sợ sự hiểu biết của người dân nên đã tìm mọi cách để ngăn chặn, không cho người dân hiểu biết. Trong thời Minh Trị duy tân họ đã tập trung được tất cả những điểm tốt và sức mạnh đã có từ thời Ô- đô về mặt kỹ thuật. Hơn nữa họ phá bỏ sự phân biệt giai cấp và người dân được tự do trong việc tìm hiểu, hiểu biết.

Ví dụ qua tờ báo Kawaraban thì người dân đã biết được rất nhiều thông tin và có những thông tin, hoặc có suy nghĩ mà theo quan điểm của thời Ô đô cũ thì chỉ có những người giai cấp trên mới được phép làm, hoặc mới được phép suy nghĩ, mới được phép hiểu thì những người dân Nhật ở giai tầng dưới đã được tham gia. Ví dụ tôi nói về việc đóng tàu chẳng hạn, những người dân rất bình thường đã nắm được kỹ thuật và họ đã làm trong thực tế.

Cũng vào thời điểm đó, nhìn các nước xung quanh, ví như ở bán đảo Triều Tiên hoặc ở Trung Quốc có thể nói người dân ở các làng mạc vẫn bị theo hình thức phong kiến tập quyền tức là người dân chưa có sự đồng lòng nhất trí nhưng ở Nhật Bản thời kỳ đó mặc dù chưa hề có bị nguy cơ sự xâm lược nhưng người Nhật rất lo một khi các chiến thuyền có khả năng tiến vào nước Nhật. Nên thời Minh Trị duy tân đã mở cửa nước Nhật để cho người dân Nhật biết rõ những gì sẽ xảy ra và đồng lòng nhất trí . Thì đó có thể nói là bài học lớn nhất.

'Ngoại lực" cần tiếp thu trên cơ sở "nội lực"

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Có thể nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã nhận thấy điểm mạnh này của Nhật Bản nên mới có phong trào Đông Du. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, bài học Đông Du đã soi rọi điều gì trong khi chúng ta, hôm nay, đã vươn ra thế giới, đã mở cửa với thế giới để học hỏi, để tiếp nhận làn gió mới, văn minh tiến bộ?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Như trình bày của các bạn Nhật thì chúng ta thấy rõ hoàn cảnh của Nhật Bản và Việt Nam trong cùng một thời đại với nhau nhưng ở hai trình độ khác nhau. Tôi không nói đến trình độ tuyệt đối mà ở chỗ điều kiện cho phép. Rõ ràng Nhật Bản phát triển có một điều kiện tạo ra tầng lớp hữu xạ từ rất sớm. Cái thứ hai là cái ưu thế của Minh Trị duy tân là ở chỗ nó vẫn giữ được thể chế quân chủ, nhưng đồng thời lại giải phóng được dân chủ, lại chấp nhận dân chủ. Chính vì thế nó tạo ra một sức mạnh của nước Nhật vừa giữ truyền thống vừa có thể có yếu tố hiện đại trong bối cảnh như thế.

Điều này cũng đặt ra cho chúng ta một suy nghĩ về con đường phát triển của đất nước mình là rõ ràng yếu tố dân chủ đang trở thành nguồn lực rất mạnh mẽ và nếu giải phóng nó thì nó sẽ tạo ra những năng lượng hết sức là tác động vào con đường phát triển của đất nước. Đương nhiên vào thời điểm đó, mối nguy cơ từ bên ngoài đối với Nhật Bản mới là nguy cơ thôi, nhưng đối Việt Nam lúc đó đã là một thể chế thuộc địa rồi. Năm 1868, những bộ phận đầu tiên của nước ta đã rơi vào thực dân Pháp và cho đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thì có thể nước Việt Nam đã hoàn chỉnh trong một thể chế thuộc địa của thực dân rồi. Cho nên nếu mục tiêu ở Nhật Bản tự cường để bảo vệ nền độc lập của mình thì ở Việt Nam là tự cường giành nền độc lập cho mình.

Tôi nghĩ đến thời điểm này chúng ta lại ở một vị thế là đất nước chúng ta đã là một quốc gia độc lập, đang lựa chọn con đường phát triển của mình phù hợp với thời đại. Tôi nghĩ rằng một yếu tố, một bài học lớn ở trước, cũng là sự lặp lại của lịch sử là chúng ta bước vào cuộc hội nhập lớn, nếu trước kia cánh cửa chỉ mở hé, các cụ nhà ta nhìn xung quanh toàn thấy kẻ thù cả, nhìn sang Phương Tây là kẻ thù trực tiếp của mình rồi. Và chỉ nhìn sang một đất nước Phương Đông gần gũi với mình là Nhật Bản với hi vọng họ rất gần với chúng ta về đồng chủng đồng văn nhưng ngay cả niềm hi vọng ấy cũng bị tắt ngóm khi mà để lại bài học rất lớn, mà Phan Bội Châu đã than rằng: ''Than ôi, cuộc đời tôi là cuộc đời 100 thất bại, không một thành công'' thì chính là để nhấn mạnh yếu tố nguồn ngoại lực thì phải được tiếp thu trên cơ sở nội lực...

Giờ đây Việt Nam đã là một quốc gia độc lập, tôi nghĩ giờ chúng ta đứng trước một vận hội mới và chúng ta có thể thu hút rất nhiều nguồn lực từ bên ngoài. Nhưng chính tại thời điểm này chúng ta lại càng thấy cái ý nghĩa rằng chúng ta phải đặt trên cơ sở nền tảng một tinh thần tự chủ cao bao nhiêu thì năng lực tiếp nhận nguồn lực bên ngoài càng lớn bấy nhiêu.
 
Năng lực chọn lựa đúng cơ hội

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi nghĩ có lẽ cái đầu tiên và cũng là cái chúng ta đang làm, là làm sao giải phóng được các nguồn lực sản xuất của xã hội, ít nhất trong lĩnh vực kinh tế. Nó phải có nền tảng, nếu không có hạ tầng tốt thì chưa chắc thượng tầng đã tốt. Bây giờ nên chăng việc đầu tiên là chúng ta phải tập trung giải phóng mọi sức mạnh về nguồn lực sản xuất của chúng ta?

Ông Dương Trung Quốc: - Tôi nghĩ điều đó là hoàn toàn đúng và chính chúng ta đang chứng kiến quá trình đó. Đấy là tôi chưa nói đến chúng ta còn phải trả giá cho lịch sử hay nói cách khác chúng ta phải đi một con đường bù lại cho lịch sử. Tức là chúng ta đã xây dựng sớm một tầng lớp vô sản, một nguồn động lực bên trong của xã hội. Xã hội VN truyền thống là xã hội dựa trên chủ nghĩa bình quân rất lớn, hạn chế kinh tế thị trường rồi sau đó là cả một chế độ thuộc địa chèn ép rồi sau đó nữa là cả một thời kỳ mà chúng ta không phải không có những lầm lẫn dẫn đến cái sự tự bóp nghẹt nguồn lực của chính mình. Thì giờ đây chính là cuộc đổi mới, một công cuộc làm giàu. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử làm giàu trở thành một cương lĩnh của một xã hội. Và chính vì thế nó mau chóng tạo ra hạ tầng cơ sở vững, hạ tầng xã hội vững sẽ là môi trường tốt cho các nguồn lực phát huy.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi nghĩ, tạo môi trường phát huy mọi năng lực của mọi con người trong xã hội thì có lẽ là hợp lý nhất. Nói vậy dễ hiểu hơn, mọi người đều có cơ hội bình đẳng để phát huy cao nhất khả năng của mình, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Ông nghĩ thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: - Tôi nghĩ đó là mục tiêu thôi, muốn có cái đó thì người dân cần có quyền định đoạt trước lợi ích của cộng đồng và lợi ích của quốc gia, dân tộc.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Trở lại với bài học Đông Du thì chúng ta cũng thấy rằng trước đây chúng ta thiếu thông tin do bị đóng cửa. Thời của cụ Phan Bội Châu, muốn tiếp cận với những trào lưu mới, tư tưởng mới, kiến thức mới là rất khó khăn. Bây giờ chúng ta lại mở cửa hoàn toàn, không chỉ có vậy, nhờ Internet chúng ta ngồi ở nhà chúng ta cũng có thể có đầy đủ thông tin trên toàn cầu. Bây giờ chúng ta không chỉ là Đông Du nữa mà có thể là bốn phương du. Bắc du cũng có, đi học ở Trung Quốc, Triếu Tiên; đi học ở phía Nam từ Singapore cho đến Úc, Đông du vẫn tiếp tục là hướng Nhật Bản; Tây du thì rất nhiều, sang Anh, Mỹ, Tây Âu, châu Âu. Vấn đề đặt ra bây giờ không phải là việc thiếu thông tin nữa mà là chúng ta cần tiếp nhận cái gì. Theo hai vị khách mời, kinh nghiệm lịch sử từ Đông Du sẽ gợi ý cho chúng ta những gì?

Ông Dương Trung Quốc: - Thực ra mà nói ngay tại thời điểm đó cũng có Tây du chứ chứ không phải không. Cụ Hồ là một trong những người Mỹ du đầu tiên, sớm nhất. Và bản thân rất nhiều người sang Pháp thời kỳ đó học có thể có một bộ phận rất lớn là những người mưu sinh thân vì gia như các cụ Đông du như các cụ phê phán. Nhưng con đường sang Pháp cũng là con đường chống Pháp như kết luận của một viên toàn quyền nổi tiếng ở Đông Dương thời đó. Nhưng tại sao lúc đó chúng ta hướng về Đông Du là vì những vấn đề có tính chất lịch sử và cũng là những hạn chế trong quan điểm của các cụ lúc bấy giờ. Chính vì thế phong trào Đông Du trên thực tế lúc đó không thành công.

Còn chính trong thời điểm hiện nay, việc mở cửa ra thế giới là việc tất yếu, là vấn đề sống còn thì vấn đề chính là năng lực lựa chọn và cách tiếp nhận như thế nào. Đấy là cái thử thách mà tôi cho còn lớn hơn cả việc tìm kiếm. Chính trong cái tự do lựa chọn đó mới khó khẳng định mình. Tôi cho bây giờ chúng ta tiếp nhận rất nhiều luồng đến với chúng ta sẽ lựa chọn cái gì phù hợp với chúng ta trong số đó?Llựa chọn ấy không chỉ gắn với quyền lợi của từng cá nhân mà phải gắn với lợi ích của cộng đồng. Điều này rất gần với phong trào Đông du. Bây giờ chúng ta thấy người đi du học rất đông nhưng mà có thể vì những mục đích hết sức chính đáng thôi, có người cần mưu sinh, có người cần tìm mục đích phát triển của mình nhưng cuối cùng sự lựa chọn, cái mục tiêu là cái gì tôi cho cũng lại từ vấn đề như một thế kỷ trước đặt ra. Sang đó học để làm gì? để về cứu nước, chấn hưng đất nước!
 
Tạo môi trường cho phong trào "Việt du"

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Nhưng mà vấn đề bây giờ thế này, quay trở lại nói về phong trào Đông Du nhiều bạn lưu học sinh cũng tâm tư, đi học rồi về hay ở? Họ cũng có những cơ hội làm việc bên đó chẳng hạn ở Mỹ, ở châu Âu, ở Anh chẳng hạn. Nhưng có thể các bạn cũng tâm tư rằng ở lại, không về nước làm việc là không phục vụ cho đất nước. Anh đánh giá thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: - Tôi nghĩ điều đó không hoàn toàn phù hợp với thời đại bây giờ vì thế giới bây giờ khác với thế giới của 100 năm trước. Tôi nghĩ cái quan trọng là chúng ta có thể tạo ra những điều kiện để nhân tài nghĩ đến phong trào Việt du nữa cơ. Đưa các nước đến với mình không chỉ những người VN ở nước ngoài đến với mình mà kể cả các quốc gia khác họ cũng đến với mình vì những lợi ích chung. Tìm được những lợi ích chung tôi cho là vấn đề hết sức quan trọng bây giờ.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Trong bối cảnh công nghệ thông tin hiện nay thì đúng là như vậy, Internet, mọi giao dịch rất tiện dụng, ngồi ở đâu cũng được. Có cơ hội làm việc ở nước ngoài có khi còn phục vụ đất nước tốt hơn ở trong nước. Ví dụ, khi các bạn học xong rồi làm việc ngay ở nước ngoài thì đó cũng là một quá trình để tiếp tục được học, được tiếp nhận thêm kiến thức, kinh nghiệm, khả năng, thậm chí tích luỹ về tài chính tốt. Lúc ấy nếu cái tâm của các bạn phục vụ cho đất nước, gắn bó với đất nước thì vẫn là tốt.

Ông Dương Trung Quốc: - Tôi muốn nói là tôi quan niệm về nước không theo quan điểm địa lý, về nước thì là anh đóng góp gì cho đất nước, cho sự phát triển của đất nước. Hiện nay có rất nhiều anh chị em đi học ở nước ngoài và họ chỉ băn khoăn một điều, về nước họ có phát huy được không hay về nước lại là một sự lãng phí, lãng phí nguồn lực cho đất nước. Chúng ta phải cải thiện tình hình trong nước, phải mở ra những phương thức để người ta đóng góp cho đất nuớc, không nhất thiết là về mặt địa lý để đóng góp cho đất nước.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Theo ông, còn điều gì khiến họ ngần ngại chưa thực hiện phong trào Việt du hoặc chưa đóng góp hết mình cho đất nước?

Ông Dương Trung Quốc: - Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân nhưng sẽ có một nguyên nhân là, nó như một cái truyền thống, truyền thống hiểu theo nghĩa xấu của nó là tâm lý, không biết có phải của người VN hay không, là tâm lý mà... gọi là gì nhỉ? đố kỵ, dễ ganh ghét nhau. Khi lợi ích của quốc gia hết sức cụ thể với việc sống còn của đất nước thì họ có thể bỏ qua được nhưng mục tiêu bây giờ là làm giàu, làm giàu cho đất nước phải làm giàu cho mỗi cá thể, mỗi công dân. Thì cái chỗ đó là ranh giới hết sức không rõ ràng và chính vì thế nó là cái khó cho sự lựa chọn.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Nhưng chúng tôi cũng đánh giá nếu thực sự có tài, có tâm thực sự thì anh phải vượt qua tất cả. Môi trường nào cũng có sự khó khăn vất vả của nó, ở nước ngoài cũng có sự cạnh tranh, thậm chí cũng có sự đố kỵ chứ không riêng gì ở chúng ta, tất nhiên có thể đố kỵ ở những mức độ khác nhau. Nhưng người ta bảo nếu có năng lực thực sự thì anh sẽ vượt qua tất cả để khẳng định mình, ông nghĩ sao?

Ông Dương Trung Quốc: - Tôi muốn nói sự đố kỵ không phải trong ứng xử cá nhân, đố kỵ phản ảnh trong nếp sống đặc biệt đối với chúng ta là trong chính sách để làm sao cho chúng ta cải thiện môi trường trong nước để có sức hút thực sự. Nếu không, tôi nghĩ khả năng cải thiện là sẽ hết sức chậm. Xu thế hiện nay là xu thế ly chứ chưa phải là xu thế hợp.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi thì tôi thấy lại khác. Xu thế hợp thì có lẽ nhiều hơn. Cơ chế của chúng ta hiện nay là cơ chế cạnh tranh. Thực ra, không biết ở môi trường khác thế nào còn môi trường doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân thì cũng đều phải cạnh tranh, cạnh tranh thì cần mọi nguồn lực thực sự. Nếu các bạn học ở nước ngoài về, các bạn có kiến thức đáp ứng tốt trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hoá hiện nay thì càng đòi hỏi kiến thức từ phía ngoài. Các bạn học hỏi được về thì sẽ có chỗ đứng, chỗ phát huy.

Ông Dương Trung Quốc: - Đấy là lý thuyết nhưng tôi đang nói trên thực tế là nó chưa tạo ra môi trường phù hợp, vẫn còn quá nhiều những rào cản.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Ông có thể trình bày một vài rào cản cụ thể trong cuộc sống hàng ngày?

Ông Dương Trung Quốc: - Tôi nói rất rõ đấy thôi. Tại sao trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc có những trí thức rất lớn có thể bỏ những môi trường, tôi không muốn nói đến cuộc sống vật chất, kể cả môi trường để hoạt động nghề nghiệp của mình, họ trở về với đất nước. Đó là thực tế chúng ta đã chứng kiến rồi. Bây giờ chúng ta không phải không đưa ra những chính sách mà họ vẫn chưa về thì phải xem lại chính sách ấy có thực là mang tính khả thi hay không và có điều kiện để tổ chức thực hiện hay không hay chính sách nó vẫn nằm trên giấy mà thôi. Tôi nghĩ phải nhìn vào thực tế ấy để ta cải thiện từng bước.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi nghĩ không hẳn là chính sách, chính sách hiện nay rất thông thoáng, Những người tôi đã gặp trong chuyến đi với Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Vũ Khoan sang trong chuyến công tác ở Mỹ, đa phần đều có tấm lòng vì đất nước.. Chúng ta cũng đã thấy tấm lòng, sự khát khao, mong mỏi của các vị lãnh đạo khi kêu gọi bà con về hợp lực với đất nước.

Ông Dương Trung Quốc: - Nhưng cơ chế nó không theo kịp với mong muốn ấy.
Về điểm này tôi xin nói thêm về góc độ của người Nhật về hoàn cảnh chính trị của Nhật Bản thời Minh Trị duy tân. Thời Minh Trị Duy Tân phát triển trong khoảng thời gian khoảng 20 năm bắt đầu từ năm 1868 đến năm 1887. Trong thời điểm chính quyền Minh Trị đã thu hút rất nhiều các học giả, nhà giáo của nước ngoài vào Nhật Bản giảng dạy để truyền bá các thông tin, kiến thức cho người Nhật. Thậm chí lương của những người nước ngoài này còn cao hơn cả Thủ tướng Nhật Bản thời đó. Đồng thời với việc thu hút trí thức nước ngoài vào giảng dạy cho người Nhật, chính phủ của Minh Trị duy tân còn thực hiện một chính sách khác đó là cử học sinh của Nhật Bản sang học ở rất nhiều nước trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức.

Mục tiêu của việc cử học sinh sang nước ngoài học cũng là tìm kiếm kiến thức về phục vụ cho đất nước. Tất nhiên trong số những người đi học này cũng có những người vì mục đích tư lợi cá nhân nhưng mục đích chủ yếu vẫn là phục vụ cho đất nước. Tôi xin nêu một ví dụ có một số người du học ở Pháp trong đó có những học sinh học về toán học. Một người học toán 5 năm sau đó ông ấy trở về Nhật Bản. Trong thời gian học ông đã ở trọ một gia đình người Pháp và họ rất ngạc nhiên vì hầu như không bao giờ thấy ông ấy ngủ, chỉ có học mà thôi. Bà chủ hỏi "Vì sao anh không ngủ, nếu không anh sẽ không lấy đâu ra sức mà học tiếp". Ông ấy trả lời "Nếu tôi ngừng học một phút thì nước Nhật sẽ chậm phát triển đi một phút. Tôi nghĩ cái tôi học được không chỉ phục vụ cho cá nhân tôi mà phục vụ cho nước Nhật nên tôi không bao giờ được ngừng nghỉ trong việc học tập cả". Tinh thần đó thấm nhuần trong tất cả các lưu học sinh của Nhật Bản.

Nếu những người đó không học, không trở về để phục vụ đất nước thì nước Nhật sẽ có nguy cơ bị xâm lược và chậm phát triển hơn so với nhữung nước khác. Ông Tổng tham mưu trưởng của Quân đội Nhật Bản có nói Chính phủ Nhật Bản bỏ tiền cho các anh học là để phục vụ đất nước thì tất cả các quân nhân đều rất khó chịu, họ nói đó là chuyện đương nhiên và họ hiểu điều đó, không cần thiết phải nói. Như vậy một trong những lý do khiến nước Nhật rất phát triển thời đó là sau khi các lưu học sinh học tập và trở về nước Nhật, họ đều được đưa vào những vị trí hết sức quan trọng và nhà nước sử dụng hết khả năng, kinh nghiệm, kiến thức của họ. Và chính những lưu học sinh này đã tạo cho đất nước Nhật Bản một tinh thần mới, những suy nghĩ mới để phát triển.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Rõ ràng lúc ấy nước Nhật cũng phải đối mặt với những kẻ thù bên ngoài. Thế thì lưu học sinh của Nhật đi học về thậm chí có bị xét nét, bị nghi ngờ rằng không cẩn thận đã bị kẻ thù lợi dụng để vào nước Nhật và làm thay đổi nước Nhật không?

TS Kazuhiko Onishi: - Vào thời điểm đó nước Nhật rất là tự tin đối với những lưu học sinh mà mình gửi đi. Tôi xin nói một ví dụ là ông Thủ tướng của thời kỳ Minh Trị, sau đó là ông Ito Hirôfumi thì đều học các giáo viên người nước (Anh) nhưng tinh thần của ông vẫn là tinh thần của người Nhật, chỉ có kiến thức là kiến thức của người nước ngoài mà thôi. Và những người được cử đi nước ngoài học vào thời điểm đó thì khi họ đi học thì mục tiêu của họ là để thu nhận các kiến thức của người nước ngoài, thu nhận về để phục vụ cho đất nước và để, thậm chí là để đánh lại nước ngoài và để vượt lên nước ngoài. Còn cái tinh thần thì vẫn là tinh thần của người Nhật, mặc dù họ có thể mặc Âu phục, ăn món ăn của Châu Âu nhưng cái suy nghĩ của họ vẫn là suy nghĩ của người Nhật Bản và tinh thần của người Nhật Bản. Cho nên kể cả người đi lẫn người cử đi đều không bao giờ có một cái gì gọi là nghi ngờ lẫn nhau rằng là những cái người đấy đi ra nước ngoài thì sẽ bị ảnh hưởng bởi người nước ngoài và khi trở về thì sẽ có những hành động không tốt cho Nhật thì điều đó là không bao giờ có. Và ngay vào thời điểm đó là nước Nhật đã rất tự tin với những người con mà mình cử đi

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Không chỉ tự tin mà đó là có một sự tin cậy, tin tưởng trong một cộng đồng dân tộc, một niềm tin thống nhất trong dân tộc, tin tưởng lẫn nhau.

TS Kazuhiko Onishi: - Thời điểm đó là thời điểm mà cuộc chiến tranh thuốc phiện nổ ra, Nhật Bản khi đó cũng rất lo sợ khi bị vướng vào cuộc chiến tranh này. Điểm mạnh nhất của thời Minh Trị và cũng là kết quả của cuộc Minh Trị duy tân là họ vượt qua được cuộc chiến tranh thuốc phiện và giúp cho nước Nhật có một tinh thần phát triển và tự cường.
 
Biến hoàn cảnh thành lợi thế

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Chúng tôi cũng hiểu nước Nhật có một tinh thần dân tộc rất cao. Thế nhưng mà tinh thần đó sâu xa bắt rễ từ cái gì? Việt Nam chúng tôi cũng là một đất nước có tinh thần dân tộc rất cao, thời điểm tôi nghĩ là năm 1945, đất nước chúng tôi, dân tộc chúng tôi cũng có một niềm tin, cũng có một khí thế hừng hực không kém gì người Nhật. Tôi muốn hỏi bây giờ người Nhật có còn được cái tinh thần đó hay không?

TS Kazuhiko Onishi: - Cái này thì có thể nói là một câu chuyện dài về lịch sử. Ngay từ năm 1092, thời phát triển tinh thần võ sỹ đạo. Tầng lớp võ sỹ đạo này xuất thân từ nông dân nên họ coi tất cả những gì do họ khai khẩn, khai thác được chính là những cái của riêng họ và họ phải làm việc hết mình bảo vệ những cái đã có đó. Nhờ có tinh thần võ sỹ đạo này cho nên từ thế kỷ 14, thế kỷ 16, thế kỷ18, sự phát triển của Nhật Bản cũng như là việc trồng lúa của Nhật Bản thì năng suất tăng gần như gấp đôi so với các thời kỳ trước. Cái tinh thần này nó còn được thể hiện ở chỗ là những nông dân - mà rất nhiều trí thức xuất phát từ tầng lớp nông dân - khi họ phát minh hoặc họ tìm ra những kỹ thuật mới, phát triển những kỹ thuật mới thì đều được tầng lớp thống trị tức là những nhà cầm quyền rất coi trọng và được thưởng những huân chương. Những người làm kỹ thuật mà được thưởng huân chương của Nhà nước thì họ cảm thấy rất tự hào và khi càng tự hào thì họ càng muốn cống hiến, càng muốn phát triển hơn nữa. Và như vậy có thể thấy sự phát triển hợp lý về mặt khoa học kỹ thuật cũng như là có sự điều chỉnh từ trên của tầng lớp lãnh đạo từ trên xuống dưới đối với các chính sách đối với những người này thì rất là hợp lý và coi trọng những gì mà mình làm ra và phát triển tiếp lên. Như vậy thì có thể nói rằng tinh thần tự tôn cũng như tinh thần dân tộc của người Nhật nó không phải là có ngày một ngày hai mà nó đã được phát triển qua một cái lịch sử 800 năm rồi.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Bây giờ, trong bối cảnh toàn cầu hoá, lối sống, nếp sống của con người cũng thay đổi... Thông tin khác, thì cái cốt cách, cái tinh thần dân tộc hừng hực của người Nhật có còn giữ được hay không?

TS Kazuhiko Onishi: - Trong thời đại ngày nay thì xã hội của Nhật Bản đã phát triển và đời sống ấm no hơn hẳn ngày xưa; cho nên cũng xuất hiện nhiều những thanh niên không làm việc. Họ không làm những công việc cụ thể và thậm chí là không có nghề nghiệp. Mặc dù có những tầng lớp thanh niên như vậy nhưng mà Nhật Bản ngày nay vẫn có một vị trí trong trường quốc tế, vẫn là một nước được đánh giá là một cường quốc là do bởi vì do các tầng lớp khác. Các công ty, các doanh nghiệp lớn và sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như một trụ đỡ vững chắc giúp cho sự phát triển của kinh tế Nhật Bản.

Và các doanh nghiệp vừa và nhỏ này tiếp thu được các kinh nghiệm, kiến thức và kỹ thuật mà của các cha ông thời đại trước và các nhà kỹ thuật mà vốn sinh trưởng từ tầng lớp nông dân. Có thể nói đó là một sự thể hiện của cái tinh thần của người Nhật vẫn còn giữ được đến ngày nay. Thứ hai nữa là nước Nhật rất tự hào về bản thân mình nhưng đồng thời cũng có cái khả năng tự kiềm chế rất là lớn. Ví dụ như nước Nhật không có quân đội trong 50 năm vừa rồi, mà chỉ có Cục Phòng vệ Nhật Bản. Những người làm trong Cục này nói một cách nào đó thì họ vẫn là quân nhân, thế nhưng tinh thần của họ chỉ để bảo vệ đất nước mình, giúp cho sự phát triển của đất nước. Đấy cũng thể hiện tinh thần ái quốc của người Nhật. Như vậy là sự tự kiềm chế và tinh thần phục vụ đất nước có thể nói là nó vẫn còn được tiếp tục cho đến ngày nay.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Có một bạn đọc gửi câu hỏi cho ông Dương Trung Quốc: " nhìn nhận qua chiều lịch sử từ phong trào Đông Du cụ thể đó, theo ông hiện nay chính sách giáo dục của ta đang có những điểm nào cần học tập từ những tư tưởng tiến bộ từ phong trào Đông Du? Và còn những gì tồn tại? Và chắc chắn còn nhiều tồn tại phải không, chứ không thì nền giáo dục của chúng ta không đến nỗi tụt hậu như thế này". Đây là một câu hỏi của bạn đọc.

Ông Dương Trung Quốc: Trước khi trả lời câu hỏi của bạn đọc này thì tôi cũng muốn nói là nhìn nhận mọi vấn đề, nhất là về lịch sử, thì phải gắn với hoàn cảnh cụ thể. Ngay cả nói đến nền quốc phòng của Nhật bây giờ thì nó cũng gắn với hoàn cảnh cụ thể. Người Nhật khôn ngoan ở chỗ: biến hoàn cảnh thành cái lợi thế. Thực ra cái việc mà nước Nhật không được tái vũ trang là kết quả sau Đại chiến thế giới thứ 2, nhưng người Nhật biết biến cái hoàn cảnh như thế thành một cái lợi thế, để chỉ phải chi phí 1% GDP, tạo nguồn lực cho sự phát triển khác. Cũng như vậy nhìn bất kì vấn đề nào của lịch sử cũng phải đặt trong những hoàn cảnh.

Nói đến cái phong trào Đông Du thì chúng ta đừng quên rằng Đông Du chỉ là một phong trào; cùng thời với nó còn có phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, cũng có cái gì đó rất gần với các bạn Nhật là học hỏi để giữ cái bản sắc Việt Nam nhưng mà chấp nhận tất cả, kể cả tiếp nhận văn hoá ở bên ngoài để tìm cái nguồn lực. Cho nên là nếu nói về tinh thần dân tộc thì có lẽ chả dân tộc nào thua dân tộc nào cả, chỉ có ở mỗi thời kỳ có một ngọn cờ có khả năng tập hợp hay không, phát huy nó hay không mà thôi.

Thế trở lại câu hỏi của các bạn về vấn đề giáo dục thì tôi nghĩ rằng là, như chúng tôi nhắc lại là cái hoàn cảnh nó rất khác. Nhưng cái có thể học hỏi ở phong trào Đông Du là gì? Là phải luôn luôn hướng ra bên ngoài, tìm những nguồn lực để phục vụ cho mục tiêu của dân tộc mình. Lúc đó nó là mục tiêu cứu nước là chính; lúc đó nó là một phong trào thuần tuý chính trị, là đưa người Việt Nam sang học hỏi nước Nhật, coi và hy vọng đó là cái mẫu để quay về giành độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân Pháp.

Giờ đây cái mục tiêu ấy có thể hiểu theo nghĩa khác là gì? Là chúng ta vươn ra học hỏi nước ngoài để trở về làm giàu cho đất nước. Thì tôi cho rằng là trên thực tế nó là một thôi, mục tiêu của nó là giành độc lập và giờ đây là làm giàu và phát triển đất nước thôi. Cho nên có thể tìm ngay câu trả lời là tại sao mà giờ đây vấn đề giáo dục của chúng ta, trong những hoàn cảnh không phải không có thuận lợi hơn rất nhiều, chúng ta có cả một nền giáo dục dân tộc, chúng ta có cả một đường hướng phát triển và mở cửa – có lẽ chưa bao giờ cánh cửa mở rộng như bây giờ…

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhất là từ khi có Internet…

Ông Dương Trung Quốc: - Vậy thì tại sao bây giờ chúng ta nếu không nói là giậm chân tại chỗ thì cũng có thể nói là tụt hậu, không theo kịp với nhu cầu phát triển của đất nước? Tôi có một cái liên tưởng không biết là có chính xác không, là chúng ta chưa có triết học, chưa có triết lý giáo dục. Nếu như cách đây đúng một thế kỷ, chúng ta đứng trước một cuộc hội nhập lớn, đầu tiên, sau cả ngàn năm có một thế giới duy nhất là thế giới Trung Hoa.

Đầu thế kỷ XX chúng ta đứng trước một cuộc hội nhập là với thế giới ngoài Trung Hoa, mà chính những người yêu nước lúc đó, những nhà trí thức Việt Nam lúc đó, những nhà Duy Tân lúc đó đặt ra một tiêu chí hết sức quan trọng, là phải xem lại cái di sản của mình: cái ngày hôm qua có thể là những vũ khí rất sắc bén để chúng ta xây dựng một nền văn hiến dân tộc, chúng ta đánh thắng giặc ngoại xâm, xây dựng một nền văn hoá dân tộc… Thì giờ đây nó đã bắt đầu không còn phù hợp nữa rồi. Và phải tìm nó, phải mài lại cái thanh kiếm ấy, phải làm mạnh hơn cái nguồn lực ấy. Thì chính là cái cuộc hội nhập đầu tiên. Cho nên lúc đó có cụ cắt củ búi tó, nếu như trước đây đó là một cái đặc trưng trong tập quán… Cắt củ búi tó, cởi cái bộ áo cũ, mặc bộ Âu phục vào. Như cụ Phan Châu Trinh chẳng hạn. Là để làm gì? Là để tìm một nguồn lực mới.

Ở đây có một cái triết lý rất quan trọng mà tôi cho là chúng ta có thể suy ngẫm được: thực học và thực nghiệm. Tinh thần phong trào Duy Tân hồi xưa là thực học và thực nghiệm, học cái gì cho đích đáng và làm cái gì cho đích đáng. Chứ không phải học theo lối cũ nữa và làm theo lối cũ nữa. Tức là thay đổi hàng loạt những giá trị nhưng không thay đổi mục tiêu chính là làm vì dân tộc. Tôi nghĩ đến thời điểm này có lẽ giáo dục của chúng ta cũng đang đứng trước một vấn nạn. Là gì? Chúng ta chưa tìm được ra một triết lí phát triển cho nó!

Giữa thời đại phát triển mạnh mẽ như thế này, mở cửa rộng lớn như thế này thì tôi cho hình như chúng ta phải trở lại với cái triết lý thực học và thực nghiệm. Học cái gì và làm cái gì để đất nước theo kịp được với sự phát triển chung của thế giới! Mà cuộc hội nhập này lớn hơn trước rất nhiều. Cơ hội cũng lớn mà thử thách cũng lớn hơn rất nhiều. Thì tôi cho là nếu mà giải thích cái tình trạng giáo dục hiện nay thì tôi cho là chính ở chúng ta là vẫn chưa thay đổi các giá trị và chúng ta vẫn chỉ gọi là cải cách nhưng thật ra chỉ cải tiến chỗ này chỗ kia thôi mà chưa có được một cái nhìn hoàn toàn phù hợp với một cái thời đại đã đổi mới khác xưa rất nhiều rồi.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có lẽ thời gian cũng đã dài. Giá trị của cuộc duy tân, giá trị của phong trào Đông Du, ngày hôm nay qua các vị khách mời, chúng ta vẫn thấy nóng hổi. Chúng ta đang ở một giai đoạn mới, có những cơ hội mới và vận hội mới và đồng thời những thách thức mới; và cách làm, cách suy nghĩ của chúng ta chắc cũng phải mới… Nhưng tựu chung, tôi cảm nhận như các vị khách mời đã nói, đó là chúng ta phải chọn lọc, phải có đủ bản lĩnh có đủ năng lực để chọn lọc cái tốt nhất trong một bối cảnh thông tin đa chiều và rộng mở như ngày hôm nay.

Và chúng ta sẽ chọn lựa cho dân tộc chúng ta những cái gì đúng đắn, hay nhất, tốt nhất và trong đó thì cái tinh thần cuối cùng vẫn là tinh thần dân tộc. Làm sao chúng ta đoàn kết, phát huy được cao nhất cái tinh thần của mọi con người mà ở dân tộc nào thời nào cũng có. Tôi nghĩ rằng dân tộc Việt Nam chúng ta ngày nay vẫn còn nguyên tinh thần dân tộc.

Các bạn lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài, những người Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc rồi, vẫn đau đáu một tinh thần làm sao dân tộc Việt Nam, đất nước chúng ta, hình ảnh chúng ta đi ra thế giới có một niềm tự hào riêng. Tinh thần đó vẫn còn, chẳng qua chúng ta làm thế nào để phát huy, tập hợp lại, hun đúc nó lên. SEA GAMES vừa rồi tại Việt Nam cũng là một ví dụ minh chứng rằng lớp trẻ hôm nay vẫn còn sôi sục một tinh thần, một nhuệ khí dân tộc, và nước Nhật Bản ngày hôm nay cũng vậy. Và cuối cùng, vẫn là yếu tố tinh thần, tất cả cốt cách có thể thay đổi, từ ăn mặc đi đứng, nhưng cái bản sắc cần giữ nhất vẫn là tinh thần dân tộc. Chúng ta tin rằng đó là những bài học lớn nhất.


VietNamNet
 
Bình luận của Hải Âu:


Trong bài có lỗi nhỏ mà người viết dường như không biết, đó là từ "thời Ô Đô", ở Nhật Bản làm gì có từ "thời Ô Đô" mà tên chính xác là thời Ê Đô (tên tiếng Nhật là Edo 江戸 = Giang Hộ). Edo cũng là tên cũ của thủ đô Tokyo (東京 Đông Kinh). Thời kì Edo này cũng có thể gọi là thời kì Tokugawa (徳川 Đức Xuyên), bắt đầu từ thế kỉ thứ 17, tức khoảng vào năm 1615, cho tới năm 1867. Từ 1868 tới 1912 là thời Minh Trị.

Đúng như ông người Nhật Kazuhiko nói chuyện thì Nhật Bản phát triển từ trước thời Minh Trị. Nhiều người Việt Nam ngày nay thường vẫn hiểu và nghĩ rằng Nhật Bản phát triển từ thời Minh Trị (1868-1912), thời này cũng gọi là Minh Trị Duy Tân (Meiji Ishin 明治維新), nhưng thực ra Nhật Bản phát triển từ trước đó rất nhiều, tức là đã phát triển trong thời kì Edo. Thời kì Minh Trị là thời kì kế tiếp thời Edo mà thôi. Thực sự chúng ta rất cần những người nghiên cứu Nhật Bản để làm rõ lại những quan niệm lỗi thời và chưa chính xác về Nhật Bản. Trước thế kỉ 19 đã có những hoạt động thương mại với các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Hà Lan (ở cảng Nagasaki). Những chính sách mở cửa của chính phủ Tokugawa đã mở đường cho Nhật Bản tiếp tục phát triển trong thời Minh Trị sau này rất nhiều, ví dụ:

1404: Hiệp ước thương mại với Trung Quốc
1758: Làm từ điển Hòa-Nhật (Hà Lan - Nhật Bản) đầu tiên, phong trào Hà Lan học, đặc biệt học về lĩnh vực hàng hải, đóng tàu thuyền và làm vũ khí của người Hà Lan. Năm 2001 kỉ niệm 400 năm quan hệ Hòa Nhật chứng tỏ là phong trào tiếp xúc với người Hà Lan có từ đầu thế kỉ 17, ngay từ đầu thời kì Edo.
1811: Thiết lập Phòng dịch thuật (Translation Bureau, cấp chính phủ) để dịch thuật các sách tiếng nước ngoài
1854: Kí hiệp ước Kanagawa với Mĩ
1858: Kí hiệp ước thương mại với Mĩ
1859: Thiết lập cộng đồng thương mại ở Yokohama
1860: Trao đổi ngoại giao, lập Đại sứ quán đầu tiên tới Mĩ
1862: Đại sứ quán đầu tiên tại Châu Âu

Trong bài ông Nhật nêu hai ý hay và chính xác: quyền sở hữu tài sản của công dân và sự tin cậy của chính phủ Nhật giao trọng trách cho những người trí thức Nhật đồng thời tạo ra môi trường làm việc đã thu hút được đông đảo trí thức Nhật tham gia vào quá trình phát triển Nhật Bản. Theo tôi, sự bảo đảm tuyệt đối quyền sở hữu tài sản (tư hữu) của người dân cũng là một giải pháp giữa chân những người giỏi & những người có tài sản ở lại VN làm việc. Trong nông nghiệp, quyền sở hữu ruộng đất cũng mang lại hiệu quả cao vì người nông dân có sở hửu farm của chính họ, họ sẽ sẵn sàng chủ động phát triển theo hướng của họ và theo nhu cầu của thị trường. Sau 1975 những chính sách tịch thu và quốc hữu hóa tài sản công dân cũng như việc phân chia lại bất động sản cho những người có thế lực đã nảy sinh nhiều vấn đề trầm trọng về quyền lợi.

Riêng về phong trào Đông Du, tôi nghĩ ngày nay cần phải có người nghiên cứu kĩ lại diễn biến của phong trào Đông Du: động cơ ban đầu, quá trình thực hiện, nguyên nhân tại sao thất bại. Thực ra phong trào Đông Du có lẽ rất ngắn ngủi, và có thể diễn biến của nó không giống hoàn toàn như những gì chúng ta được biết qua các sách vở ở Việt Nam.

Đọc bài này thấy bác N.A. Tuấn có vẻ né tránh những vấn đề "nhạy cảm". Có thể nhận định chính phủ Tokugawa (Đức Xuyên) vào giai đoạn cuối rất giống như chính phủ VN bây giờ (so sánh hơi khập khễnh chút vì hai chính phủ cách nhau trên 150 năm!), chấp nhận mở cửa về phát triển kinh tế khoa học công nghệ nhưng về mặt chính trị & thông tin thì có phần thiết chặt vì sợ sự hiểu biết của dân chúng. Đến thời Minh Trị, chính phủ Nhật tiếp tục mở cửa hơn và có những tiến bộ trong cải cách chính trị cũng như thông tin & báo chí. Đặc biệt sau khi Nhật kí xong các hiệp ước với các nước (Anh, Mĩ...), Nhật chịu sức ép lớn của Anh và Mĩ nên buộc phải tìm cách phát triển theo, và có lẽ chính điểm này làm cho Nhật trở thành một nước nằm trong khối liên hiệp các nước phát triển Châu Âu, gồm cả Pháp. Chính vì lý do này mà động cơ ban đầu của ông Phan Bội Châu là sang Nhật tìm kiếm sự giúp đỡ về vũ khí (quân sự), là một trong những sức mạnh của các nước Châu Âu thời bấy giờ do vậy mà chính phủ Nhật không giúp đỡ được (có lẽ theo các hiệp ước kí kết). Sau khi không nhận được sự giúp đỡ về vũ khí, ông Phan Bội Châu có thể đã chuyển hướng đưa học sinh qua học về việc chế tạo vũ khí và quân sự, và sự thực thì những thanh niên theo phong trào Đông Du vào học những trường quân sự của Nhật thời đó. Có lẽ cũng chính vì lý do này mà phía Pháp đã yêu cầu Nhật đàn áp phong trào này. Đọc thêm cuốn sách về kĩ sư Trần Đại Nghĩa (du học Pháp về ngành chế tạo vũ khí) thì còn thấy thêm rằng công nghệ chế tạo vũ khí ngay ở Pháp cũng đã được quản lý rất chặt chẽ, việc các du học sinh VN học được kĩ thuật đó như trường hợp của ông Trần Đại Nghĩa cực kì khó khăn. Nếu động cơ ban đầu của ông Phan Bội Châu là tìm kiếm sự giúp đỡ về vũ khí thì hoàn toàn khác với động cơ đưa thanh niên đi du học để học hỏi kiến thức khoa học công nghệ, văn minh khai sáng, những giá trị tiến bộ của nền giáo dục thực học, tư tưởng độc lập, thể chế dân chủ, những tư tưởng triết học tiến bộ phương tây và những thứ khác (phi quân sự). Theo tôi nếu giả sử những thanh niên VN trong phong trào Đông Du của ông Phan B.C. qua Nhật học về khoa học công nghệ (không phải kĩ thuật quân sự) tôi nghĩ chắc Pháp có thể sẽ không đàn áp vì lúc đó Pháp cũng đã chấp nhận nhiều người VN (cả tư phí lẫn nhận học bổng của Pháp) qua Pháp du học cơ mà.

Hải Âu
 
Trần Ngọc Vương
Nhân quả Đông du


1. Đông du, tại sao?

Ai là người dù chỉ sơ bộ tìm hiểu lịch sử Việt Nam cũng đều có thể biết về phong trào Đông du, vậy nên miễn phải trả lời câu hỏi “Đông du là gì?”. Nhưng cứ như những gì tôi tri kiến được, thì với câu hỏi “Đông du, tại sao?”, những câu trả lời cho đến nay chưa hẳn đã làm các bậc thức giả hoàn toàn yên tâm. Vậy, bài viết này chủ yếu xin được dành cho việc làm sâu sắc thêm, dù chỉ là đôi chút, sức thuyết phục của những câu trả lời ấy.


1.1. Phong trào Đông du trước hết là sự tiếp tục tinh thần chống thực dân Pháp bằng bạo lực, một sự nối tiếp của phong trào Cần Vương.

Tình hình tư liệu cho tới nay cho phép mô tả một bức tranh nhận thức của tầng lớp trí thức nhà Nho, đội ngũ quan lại và triều đình nhà Nguyễn về tình hình đất nước ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược, không còn đơn giản như những gì vài chục năm trước đây thường thấy trong các tài liệu lịch sử. Không đơn giản rằng trong triều đình chỉ tồn tại hai phái chủ chiến hay chủ hòa, và phái chủ hòa cũng không dễ dàng đồng nhất với phái chủ hàng. Quả thực, giữa những người thuộc phái chủ hòa không ít người bạc nhược, vô trách nhiệm hay táng tận lương tâm, và trong số những người ủng hộ hoặc tự mình duy trì tinh thần và hành động chủ chiến cũng không ít người có tư tưởng ngu trung, hoặc ít ra là thiếu tầm nhìn viễn kiến về mặt chính trị, lạc hậu quá mức đối với những gì đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên, phân tích sâu vào tiểu sử của các đại diện cả hai phái thường được chỉ ra trong lịch sử, lại có thể nhìn ra những sắc thái thật sự phức tạp. Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Trần Tiễn Thành... dần hiện lên trong mắt chúng ta như những số phận bi kịch chứ không đơn giản là những kẻ hèn nhát “chủ hòa mà thực chất là chủ hàng”, và Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích... cũng không thể nào chỉ được nhìn như những thần tử trung thành, mẫn cán chỉ biết quyết tử đến cùng mà không thể nào lại không phải là những người trong khi kiên trì một sự lựa chọn, vẫn ý thức rõ ràng về tính vô vọng của tình huống lịch sử mà đất nước đã lâm vào.

Trong lịch sử của một quốc gia, một dân tộc hay một xã hội vẫn thường hiện hữu những thời điểm mà ở đó, lúc đó cả những người sáng suốt nhất, thậm chí có thể là vĩ nhân trong những hoàn cảnh khác, những thời điểm khác, cũng không thể nào đưa ra những phương án khả dĩ làm cho quốc gia hay xã hội ấy thoát khỏi bế tắc hay khủng hoảng. Chính vì vậy mà các bậc minh triết Đông lẫn Tây xưa nay vẫn là các bậc minh triết của chữ “thời”.

Bởi hiểu được niềm bi thống trong lời than thở của Mi Sơn Tô Lão Tuyền: “Thiên hạ sắp bị tai họa mà ta được tiếng là tiên tri, đáng buồn thay!” mà Nguyễn Lộ Trạch, một trong những triết nhân như thế vào buổi bĩ cực của quốc gia vẫn phải tự nhủ mình và lay gọi người, rằng “Có trách nhiệm với đời một ngày thì cũng có việc làm của một ngày. Người quân tử rất ghét những kẻ lấy cớ thời vận để thoái thác trách nhiệm” (Nguyễn Lộ Trạch – Thiên hạ đại thế luận). Nhưng một khi tất cả những gì diễn ra trên đất Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XIX nhìn từ góc độ vận mệnh quốc gia có thể tóm tắt là “chiến không nổi, thủ không xong, hòa không được, hàng thì mất hết!’’ thì những người sáng suốt tâm huyết với vận nước sau bao phen vật vã tinh thần đã không thể khác được phải tiến gần tới một đáp án có tầm viễn kiến chính trị: kêu gọi tập hợp quốc dân nỗ lực duy tân để tự cường, một cuộc lột xác đòi hỏi đức kiên nhẫn lâu dài của các cá nhân lẫn các phong trào.

Khi không tồn tại những đại diện đầy đủ thẩm quyền của một triều đình kháng chiến, tiếng súng Cần Vương trên phạm vi cả nước yên ắng dần. Với cái chết của Phan Đình Phùng, vị “sơn trung tể tướng” cuối cùng, phong trào Cần Vương đã chính thức trở thành sự kiện lịch sử được khép lại. Nhưng chính từ hai địa bàn mà phong trào Cần Vương từng bùng lên mãnh liệt nhất và được duy trì lâu dài nhất là Nghệ-Tĩnh và Nam-Ngãi lại đã xuất hiện hai nhân vật mới, nhanh chóng trở thành lãnh tụ của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Như mọi người đều biết, Phan Châu Trinh được coi là lãnh tụ của phong trào Duy tân và cũng là lãnh tụ của những hoạt động yêu nước được tổ chức theo tinh thần công khai, về danh nghĩa là hợp pháp, đương thời gọi đó là “minh xã”, còn Phan Bội Châu là lãnh tụ của phong trào chủ trương tiếp tục con đường vũ trang bạo động, đấu tranh vũ trang lật đổ chính quyền thực dân, vì thế mà ngay từ đầu bị chính quyền thực dân và Nam triều coi là bất hợp pháp, dĩ nhiên là “ám xã”. Cả hai người đều có uy tín và ảnh hưởng lớn đến tinh thần yêu nước của quốc dân trên phạm vi cả nước nói chung, Nghệ-Tĩnh và Nam-Ngãi nói riêng, nhưng điều dễ nhận thấy là ảnh hưởng của mỗi người trước hết mạnh mẽ nhất ở vùng quê của họ. Cả “minh xã” lẫn “ám xã” đều có cơ sở sâu rộng ở Nghệ-Tĩnh lẫn ở Nam-Ngãi, nhưng như vừa nói, phong trào Duy tân sôi nổi nhất là ở Nam-Ngãi mà phong trào Đông du thì được sĩ phu và quần chúng yêu nước Nghệ-Tĩnh hưởng ứng tâm huyết nhất.

Điều dễ nhận thấy là nhìn chung và trong suốt cả một thời gian khá dài, Phan Bội Châu về cơ bản chấp nhận những hoạt động của phong trào Duy tân, tuy ít nhiều miễn cưỡng và bất đồng cục bộ. (Các sử gia trong các bộ sử chính thức khẳng định rằng hội mà Phan Bội Châu cùng Nguyễn Hàm, Cường Để, Lê Võ, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân... lập nên tại nhà Nguyễn Hàm đầu năm 1904 có tên là Duy tân hội, tuy nhiên căn cứ vào tư liệu lịch sử còn lại đến nay thì việc xác định tên của hội này còn nhiều tình tiết phức tạp, vẫn có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tên của hội không phải là Duy tân, và nếu căn cứ vào những hoạt động thực tế của hội những năm kế tiếp ngay sau đó thì đường lối cơ bản của nó không phải là Duy tân, cho dù tên hội có là thế!). Đối với việc sáng lập và tổ chức hoạt động của trường Đông Kinh nghĩa thục (mà tinh thần cơ bản, tôn chỉ của nhà trường là gần gũi hơn với “minh xã”, tức với phong trào Duy tân), thậm chí Phan Bội Châu còn có vai trò chủ động, tích cực. Nhưng Phan Châu Trinh đối với hoạt động của “ám xã” nói chung, của phong trào Đông du nói riêng, lại giữ một lập trường nhất quán: kiên quyết phản đối. Những người hoạt động cứu nước đương thời không mấy ai không biết đến câu nói nổi tiếng phản ánh lập trường quyết liệt của ông: “Bất bạo động, bạo động tắc tử; bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu” (Chớ bạo động, bạo động thì chết; chớ vọng ngoại, vọng ngoại là ngu).

Người đề nghị con đường Đông du sang Nhật và cũng là người “tác thành” cho Phan Bội Châu trở thành lãnh tụ Đông du là Nguyễn Thành (tự Tiểu La, còn có tên khác là Nguyễn Hàm), một “đảng nhân” tích cực của phong trào Cần Vương mươi năm trước. Có đủ chứng cớ lịch sử để khẳng định phong trào Đông du là sự toan tính của những người yêu nước tiếp tục theo đuổi việc giành lại độc lập dân tộc bằng phương pháp bạo lực, bằng đấu tranh vũ trang. Khi trong phạm vi “quốc nội” không thể tìm ra biện pháp nào để tái vũ trang có hiệu quả nhưng khối “quần chúng” của chủ trương đó thì còn rất đông đảo, mà tầng lớp sĩ phu Nghệ-Tĩnh, vì nhiều lý do lịch sử khác nhau, đã từng làm thành hạt nhân trung kiên nhất của tinh thần “bình Tây sát tả” giờ đây vẫn kiên định với lập trường “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. Khi việc cầu ngoại viện hướng tới “Thiên triều” Trung Hoa qua chuyến đi sứ bất thành đến mức tan nát cả sứ bộ và bản thân chánh sứ (Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết) trở thành “đả thạch lão nhân” vất vưởng rồi mất ở xứ người, thì Nhật Bản hiện lên như “niềm hy vọng cuối cùng”. Tạm gác lại những lý do và động cơ cá nhân, việc Cường Để dễ dàng đồng ý đóng vai trò “tân minh chủ” để “dựng lại ngọn cờ” Cần Vương trong một hoàn cảnh mới cũng góp thêm một bằng chứng về một lối mòn trong tư duy chính trị của sự lựa chọn ấy.


1.2. Nhật Bản trong trí tưởng của các yếu nhân phái “ám xã” và Nhật Bản như quốc gia ấy là thế vào đầu thế kỷ XX.

Một khi Trung Quốc còn không thể tự định đoạt quốc vận thì sao còn có thể lo liệu hộ được số phận của cái tiểu quốc phía Nam mà vốn hàng ngàn năm nay tuy bên ngoài luôn tỏ ra “kính cẩn run sợ” thực hiện bổn phận “tiểu quốc sự đại quốc” nhưng trên thực tế đã bao phen khiến Thiên triều lâm vào tình cảnh “bầm gan tím ruột” vì phải nuốt ngược trở về mưu đồ thôn tính? Mà cũng thực lạ, cho đến tận lúc đó, đã bao giờ trong lịch sử các triều đại chuyên chế ở Trung Quốc dù chỉ một lần giúp một vương triều nào đó ở Việt Nam “dựng nước và giữ nước” thành công? Vậy nhưng “dựa uy nước lớn láng giềng”, khổ nỗi, trót trở thành một công thức toan tính ở tầm quốc sách của một bộ phận không thể nói là nhỏ trong lịch đại giới cầm quyền hoặc tự coi là có bổn phận “tu, tề, trị, bình” ở Việt Nam. Tín niệm về tình hữu hảo của những người “anh em” “đồng chủng đồng văn” đã tiếp tục hướng dẫn cái nhìn của những người yêu nước phái “ám xã” mà Phan Bội Châu là người đứng đầu, “đảng trưởng”, sang chỗ người hàng xóm nhà giàu mới phất với một niềm hy vọng lớn lao.

Chắc chắn rằng khi còn ở trong nước, Phan Bội Châu vì cũng đã đọc Tân thư, Tân văn, giao tiếp với các nhà nho chí sĩ thức thời và chủ trương Duy tân, với những người từng có cơ hội đi ra hải ngoại nên cũng đã có một vốn liếng hiểu biết không quá đơn sơ về Nhật Bản. Nhưng một cái nhìn sâu sát và toàn cảnh liên quan đến việc đánh giá thực lực cũng như bản chất chế độ chính trị-xã hội của quốc gia này thì chỉ sau khi tới và nếm trải “tại chỗ” những thăng trầm (diễn ra khá dồn dập và khốc liệt) ông và các đồng chí - cũng đồng thời là tín đồ và đệ tử của ông - mới có thể có được. Họ từng bước vỡ lẽ dần, từng bước đi từ thất vọng đến tuyệt vọng. Việc Nhật Bản là quốc gia “đồng văn đồng chủng” với Việt Nam, tức việc cùng chia sẻ những giá trị truyền thống chung trong “thế giới Hán hóa” trước khi gia nhập vào quỹ đạo của thế giới hiện đại, cùng thuộc đại chủng da vàng là những sự thật hiển nhiên không cần mất nhiều thời giờ để bàn cãi. Nhưng dần dà Phan và các đồng sự mới nhận thấy một/ những sự thật khác: còn có nhiều nữa những lý do làm những con người hay những cộng đồng xích lại gần nhau mà cái sự “đồng văn đồng chủng” chỉ tồn tại như là những lý lẽ thứ yếu. Cả Phan Bội Châu, cả các yếu nhân khác của phong trào Đông du đã không thể hình dung, không thể hiểu rằng trong khi Nhật Bản nhờ Minh trị Duy Tân mà nhanh chóng trở nên hùng cường, thành “anh cả da vàng”, thành niềm tự hào của những người và những quốc gia đồng chủng nhưng yếu đuối, trong khi những người anh em, những “bà con nghèo gặp hạn” đang hướng tới Nhật Bản, kỳ vọng vào một tấm tình trắc ẩn, vào một sự hào hiệp giúp đỡ và ban phát tài lực, kinh nghiệm, tri thức, thì cũng là lúc Nhật Bản góp thêm vào đội ngũ những quốc gia tiên tiến một khuôn mặt đế quốc mới bằng cách tự trình diện, với những tham vọng và mưu đồ thôn tính nhắm trước hết vào những “người anh em” “đồng văn đồng chủng” do có sự thuận lợi, gần gũi về mặt địa lý và sự hiểu biết về thực lực của các “bào huynh đệ” - con mồi! Cần lưu ý rằng vào năm Phan Bội Châu sang Nhật cũng chính là thời điểm Nhật Bản xâm lược và chiếm đóng Triều Tiên. Và như đã biết, “miếng mồi” tiếp theo sẽ là “người láng giềng từng là vĩ đại” ở phía mặt trời lặn so với xứ sở Phù Tang! Xa hơn nữa và muộn hơn chút nữa, sẽ là các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Sự toan tính dùng tài năng, trí lực của một biện sĩ, một thuyết khách ở Phan Bội Châu - điều hiện lên mồn một trong các tài liệu, thư từ mà ông giao dịch với các nhà cầm quyền, các chính trị gia của Trung Quốc và Nhật Bản - cộng hưởng với một nhân cách cá nhân phi phàm và một tấm lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng da diết đủ khiến cảm động đến cả những kẻ vô tình, ở ông, rốt cuộc, đã không giúp gì nhiều cho việc đạt tới những mục tiêu cao cả mà ông và các đồng chí của mình đã đề ra trên lộ trình cứu nước.

Đáng lưu ý là trên đường sang Nhật, Phan Bội Châu cũng từng lưu lại Quảng Châu, và ở đó, Ông đã thử, thông qua một bức thư mà lời lẽ rất gần với văn khí của các biện giả thời Xuân Thu-Chiến quốc nhưng với tâm huyết của một Thân Bao Tư rỏ máu mắt sân Tần, thuyết phục Tổng đốc Quảng Đông Sầm Xuân Huyên, hy vọng ông này có thể hoặc bàn bạc với Thiên triều hoặc tự mình ứng cứu cho nước Việt đang sa cơ lỡ vận. Nỗi niềm da diết của Phan Bội Châu thể hiện qua bức thư thật chân thành; dễ dàng gây nên sự đồng cảm to lớn, nhưng không cần ngẫm ngợi quá kỹ cũng đã có thể nhận ra bên trong hàm một mưu mẹo ngây thơ và, thẳng thắn mà nói, là lỗi thời. Thử cảm nhận lại một phiến tâm tư ông bày tỏ:

“Trộm nghĩ, một cõi Việt Nam từ khi bị quỷ Pháp nuốt, rốt cuộc bị Thiên triều bỏ rơi, để cho cái nước vốn trăm năm cùng làm con đỏ mà không được thờ mẹ cha kia đến nay cả hai kỳ đều rơi vào tay bọn bạch nô. Chúng coi nhân dân như cỏ rác, lúc đầu thì dồn ép đuổi bắt, cuối cùng lùa vào cạm bẫy, kẻ vô tội thì bắt làm nô lệ, kẻ huyết khí thì buộc vào tù đày, kẻ khỏe mạnh thì xua ra làm lính, người già yếu thì để cho chết! Ngoài thì lấy hai chữ “bảo hộ” che mắt liệt cường, trong thì dùng mọi thứ tàn bạo, khơi máu mỡ trăm họ cho đầy vạc. Dân đen thì như cá thịt, trông dao thớt mà chí khí tiêu tan, đất đỏ những máu xương, thấy non sông một màu thê thảm...

“Cũng có người muốn cắp ngọn dao Kinh Kha, vung mũi dùi Tử Phòng, nhưng thời cơ lại chưa có, động làm là bị hỏng; con rồng thần thất thế đã rõ ràng, trời kia tranh với ai? Con hổ dữ đành thu nanh giấu vuốt, đất đâu còn chỗ mà dụng võ? Than ôi! Lối trời muốn dứt, mở đất không đường. Hồn Phan La Sơn (tức Phan Đình Phùng - TNV) không thể gọi về, khí thiêng Nguyễn Tráng Liệt (tức Nguyễn Thiện Thuật - TNV) e đành tắt mất. Chim hạc hoa biển lại trở về, thành quách thương tâm, bánh xe châu Phi đã đi rồi, bể sâu đằm lệ (nói việc Hàm Nghi bị đày đi châu Phi - TNV); bồi hồi muôn dặm, uất kết bao năm, muốn tay không khảng khái quyên sinh, được cái tiếng mà thành vô bổ, chi bằng thung dung xem biến, đợi tái tạo sẽ có ngày. Không dám tiếc thân, chỉ mong rình hổ” (Phan Bội Châu toàn tập, Chương Thâu sưu tầm và biên soạn, T. 2, NXB Thuận Hóa, Huế, 1990, tr. 13 - 14).

Bên cạnh những sắc thái khác, toàn bộ đoạn văn toát lên tinh thần “Hoặc đánh bằng lưỡi, hoặc đánh bằng bút, khăng khăng đòi đánh bằng súng”. Ý niệm “bạo lực bằng mọi giá” thực sự vẫn chi phối mọi hành vi, mọi suy tưởng và biện pháp tổ chức của những nhà yêu nước thuộc phong trào này!

Nhật Bản là đích đến của một ý đồ, cũng có thể coi là một chủ trương, hình thành nên trong tình cảnh “lửa đốt lông mày”, không quá xa lối quyết đoán bằng ý chí và mẹo mực của truyền thống nhưng còn lâu nữa mới trở thành khuôn mẫu cần có cho một tư duy chính trị của thời kỳ tư bản chủ nghĩa hóa như vậy! Không đáng ngạc nhiên nếu xuất phát điểm ấy ngầm định những thất bại và thất vọng vị lai, một khi Phan Bội Châu tới được Nhật Bản, dù gặp gỡ, luận đàm và nhận được sự kính trọng cá nhân của hàng loạt chính trị gia, cách mạng gia Trung Quốc, Nhật Bản, trong số đó có những tên tuổi từng, đang hoặc sẽ lẫy lừng như Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên, Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu), Tiểu Thôn Thị Thái Lang...

Nhật Bản đã thành cường quốc, cường quốc duy nhất lúc bấy giờ ở châu Á, đó cũng là điều khi chưa tới đất Nhật Phan Bội Châu và các đồng chí của mình đã biết. Không cần tới cũng biết. Nhưng điều mà cả khi đã tới Nhật Bản, giao thiệp, quan hệ với người Nhật không ít nữa, ông còn chưa thể nhận thấy rõ ràng: Nhật Bản, với tư cách một quốc gia đang đế quốc hóa, không tự thấy có lý do chính trị hay lý do tình cảm chính đáng nào để giúp các cá nhân và các tổ chức cách mạng Việt Nam, dù là giúp ngay trên đất Nhật, dù với mức độ trợ giúp được yêu cầu chỉ tương đương với công việc từ thiện! Ngược lại, chính quyền Nhật Bản sẽ liên thủ tích cực với chính quyền Pháp ở Việt Nam, đáp ứng khá nhanh chóng những yêu cầu gây khó khăn, hạn chế các hoạt động và thậm chí trục xuất những người Việt Nam, mà tuyệt đại đa số là những thanh niên có mặt ở đó theo tiếng gọi cứu nước của các lãnh tụ phong trào Đông du. Tất cả các chính khách Nhật Bản đều từ chối giúp Phan Bội Châu công việc mà ông tha thiết yêu cầu nhất: đặt vấn đề với Thiên hoàng và Chính phủ Nhật giúp Việt Nam đánh Pháp.

Tình hình nhanh chóng trở nên bi đát. Một số nhà cách mạng Trung Quốc và cả những người Nhật Bản (như Thiển Vũ, Cung Kỳ Thao Thiên) đã báo trước cho Phan Bội Châu về khả năng chính giới Nhật Bản không những không giúp được gì mà còn rất có thể có những biện pháp mang tính chất gây khó khăn, thậm chí bắt bớ, trục xuất những người yêu nước Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền Pháp, và sự cảnh báo đó chẳng bao lâu sau trở thành hiện thực.

Lý do chủ yếu khiến Phan Bội Châu và các “đảng hữu” chọn Nhật Bản làm điểm đến nương tựa và cầu viện được chính ông thổ lộ: “Bỉ nhân này từ miền Nam Hải xa xôi, nghe rõ thanh thế oai hùng, vời trông đất nước Phù Tang ba vạn Thần Sơn, khí phách hừng hực như mặt trời mới mọc, mà thấy trong lòng vui mừng phấn khởi, nghĩ rằng châu Á vẫn còn nước lớn, biển Đông vẫn còn khí thế đàn anh, ắt không đến nỗi để cho giống hùm beo Âu Mỹ giày xéo giống da vàng chúng ta.

“Vốn từ khi Đại Nhật Bản chiến thắng nước Nga đến nay, nỗi lòng riêng mong ước được gặp ngài (tức Tiểu Thôn Thị Thái Lang, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật lúc đó - TNV). Chân thành nhận thấy một đất nước ngăn chặn dị chủng, không nước nào bằng Nhật Bản, nêu cao quốc thể không nước nào bằng Nhật Bản, coi trọng nhân quyền cũng không nước nào bằng Nhật Bản, tôi muốn cùng với con người luận bàn công lý văn minh, không đến nơi đây thì còn đến nơi nào nữa?” (Phan Bội Châu, “Thư gửi ngài Tiểu Thôn Thái Thị Lang”, Sđd., T. 2, tr. 25).

Phan Bội Châu sang Nhật vào giữa năm 1905 (tháng 6, theo chính lời Phan Bội Châu: “tháng 5 ra đi, tháng 6 mới tới nơi”), thoạt đầu, vẫn nhận thấy đó là “một đất nước yên vui, thấy những phường nhân sĩ ở kinh đô, thấy trên từ công hầu, dưới đến đàn bà con trẻ, về tinh thần yêu nước mà nói, thì đốt lòng nhiệt thành lên, bể có thể khô; về tinh thần lo việc công mà nói, thì kết đoàn thể lại có thể vá được trời, lùa muôn hồn Đại Hòa thì thánh thần hiện ra giữa ban ngày, dạo một đạo võ sĩ thì uy thế mạnh hơn gang thép” (Phan Bội Châu “Khuyến quốc dân tư trợ du học văn”, Sđd., T. 2, tr. 35). Ở đất Nhật, Phan Bội Châu tiếp tục hiểu rõ thêm rằng sở dĩ có nước Nhật ngày nay, là bởi họ đã kinh qua một quá trình duy tân chủ động, toàn diện và tích cực. “Bắt mạch” cho quốc dân ta, ông chỉ ra hai trọng bệnh: “ngu dại và hèn yếu”, nên ít nhiều ông đã nghe theo lời khuyên của Lương Khải Siêu, chuyển từ mục tiêu cầu viện sang mục tiêu cầu học. Nhưng theo dõi lịch trình tư tưởng của Phan Bội Châu, có thể khẳng định rằng cho tới sau thất bại của Việt Nam Quang phục Hội (1913), Phan Bội Châu mới thật nguôi hy vọng về một cuộc “thiết huyết” cận kề! Mục tiêu học tập của thanh niên trong phong trào Đông du, về nguyên tắc, là hoặc học “phổ thông” (tức kiến thức chung), hoặc học võ bị. Phan tin tưởng hồn nhiên: “Nếu học đại học thì phải mất tám chín năm, trung học thì cũng năm ba năm. Tốt nghiệp đại học sẽ thành một vị danh tướng vô địch. Tốt nghiệp trung học cũng trở thành một người giúp việc đủ tài.” (Sđd., tr. 38).

Không một người nào là thành viên của phong trào Đông du hoàn thành được bậc học mà mình chọn hay được chọn. Không một ai. Bởi nếu xác định rằng những người là du học sinh đúng nghĩa chỉ đến học ở Nhật Bản vào đầu năm 1906, mà chính phủ Nhật Bản chính thức giải tán phong trào này vào mùa thu năm 1908, thì người được học nhiều nhất cũng không được tới 3 năm, trong khi chương trình trung học ở Nhật lúc bấy giờ đối với người thông thạo tiếng Nhật cũng phải mất từ 4-5 năm. Sự thẳng tay của chính phủ Nhật Bản đối với phong trào Đông du trở thành một cú sốc lớn trong toàn thể số du học sinh, cũng gây nên dư chấn nặng nề đối với phong trào trong nước.
 
2. Đông du, hậu quả và hệ quả


2.1. Thế là chỉ trong một khoảng thời gian không tới 5 năm (1905-1909), trong mắt của những người yêu nước Việt Nam - dù có hay không tham gia vào phong trào Đông du - Nhật Bản từ chỗ là niềm hy vọng to lớn biến đổi nhanh thành niềm tuyệt vọng khổng lồ. Kể từ sau năm 1909, không có một tổ chức, một chính đảng cách mạng đích thực nào của Việt Nam còn lấy Nhật Bản làm địa bàn hoạt động hay dù chỉ làm nơi nương náu tạm thời. Chỉ một số ít những phần tử thuộc phong trào Đông du tiếp tục ở lại Nhật Bản, trở thành “người đời”, tuy có thể một vài kẻ trong họ về sau trở thành cầu nối cho việc Nhật Bản xâm lược Đông Dương, tạo “nền” cho việc xuất hiện đảng Đại Việt thân Nhật vào những năm 40, nhưng nhìn chung không có những hoạt động mang tính phong trào xã hội nào nổi bật của người Việt Nam trên đất Nhật Bản từ đó cho đến tận khi Việt Nam thống nhất (1975).


2.2. Dĩ nhiên, về cơ bản, có thể đồng tình với đánh giá của các nhà sử học, rằng phong trào Đông du nói riêng, “Duy tân hội”(?) trong suốt thời kỳ 1904 đến 1911 nói chung đã có những đóng góp lớn lao, mà lớn lao nhất là đã “phát động mạnh mẽ phong trào yêu nước rầm rộ trong toàn quốc, tập hợp được một lực lượng kháng Pháp khá hùng hậu, chuẩn bị đầy đủ về mặt tinh thần cho các cuộc đấu tranh sắp tới” (Đinh Xuân Lâm, Đại cương Lịch sử Việt Nam - toàn tập NXB Giáo dục, H., tái bản lần thứ 5, 2002, tr. 613). Nhưng dù sao, cũng không thể né tránh không nói đến những tổn thất, những thất bại và hệ lụy của phong trào này, chủ yếu do lối suy nghĩ và tầm nhìn mang tính chiến lược và tính thời đại còn nhiều hạn chế của các lãnh tụ phong trào. Bản thân Phan Bội Châu về sau rất nhiều lần trong đời đã tự dằn vặt mình một cách thống thiết, chưa cần tới sự phê phán không khoan nhượng của những nhà cách mạng khác, trong đó phải nhắc tới “người phản biện, cũng là người đồng chí vĩ đại” đương thời của ông là Phan Châu Trinh. Đường lối bạo động cách mạng mà Phan Bội Châu là người thể hiện nổi bật, sôi sục và kiên trì nhất vào hai thập niên đầu của thế kỷ XX, dẫu có kinh qua nhiều sóng gió thử thách, dẫu được lịch sử dân tộc ở những thập kỷ sau nối tiếp bằng những trang vàng, thì vẫn cần khẳng định rằng chủ trương bạo động cấp khích liền ngay sau phong trào Cần Vương là điều không thể được đánh giá là sáng suốt. Không thể tiến hành đấu tranh vũ trang khi chưa có thời cơ lịch sử, và để có được những thời cơ lịch sử như vậy, cần có nhiều biện pháp, nhiều chủ trương và cách thức hoat động cách mạng theo nhiều quỹ đạo khác nữa. Bạo lực cách mạng chỉ có thể là “khâu dứt điểm cuối cùng” của cả một tiến trình đấu tranh cách mạng lâu dài, trong đó những biện pháp, chủ trương, cách thức không hoặc chưa thể mang tính bạo lực phải trở thành tiền đề không thể thiếu được cho những chủ trương, biện pháp, cách thức mang tính bạo lực ở (những) thời điểm thích hợp.

Không chỉ Phan Bội Châu, mà rất nhiều nhà cách mạng, nhà ái quốc lớn khác vào thời kỳ này đều bộc lộ chung một hạn chế: bị ý chí, nghị lực, khí phách và nhiệt tình chi phối khiến lý trí lôgic phần nào bị lu mờ, nói khác đi, trái tim lớn và bầu máu nóng đã gây cản trở cho việc giữ “cái đầu lạnh”.


2.3. Nhìn nhận lại phong trào Đông du cũng là dịp để rút ra những bài học lịch sử về lý luận và kinh nghiệm xác lập, duy trì và phát triển quan hệ giữa các quốc gia - dân tộc. Đứng trước nhiệm vụ này, việc nhận thức chính xác, sâu sắc và toàn diện về đối tác là một yêu cầu bắt buộc, bởi điều đó tiên định những thành công hay thất bại của những quan hệ sẽ diễn ra tiếp tục trong tương lai. Không thể chối bỏ một sự thật là chính qua phong trào Đông du mà người Việt Nam lần đầu tiên đã biết tới và có được nhiều người bạn lớn từ phía Nhật Bản. Tiếc rằng, ở thời điểm lúc bấy giờ, điều tốt đẹp trong quan hệ giữa hai dân tộc cũng chỉ mới dừng lại trong khuôn khổ đó, khuôn khổ của hành vi “ngoại giao nhân dân phi chính phủ”. Chưa thể nói rằng qua phong trào đó mà các quan hệ mang tính liên quốc gia giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được xác lập hay dù chỉ là “đặt những viên gạch đầu tiên” cho việc xây móng đắp nền. Lẫn lộn quy mô và tính chất của những loại hình quan hệ khác nhau về bản chất này là điều không được phép.

Đó cũng là bài học thấm đẫm tính thời sự ngày hôm nay.

Hà Nội, tháng Mạnh Đông năm Ất Dậu, kỷ niệm trọn vòng hoa giáp nạn đói lịch sử.

PGS, TS. Trần Ngọc Vương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

© 2005 talawas
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bình luận của Hải Âu:


Xin đọc một bài viết sơ lược bằng tiếng Anh về Phong trào Đông Du có những điểm hơi khác với những bài viết về phong trào Đông Du ở Việt Nam. Bài này tôi sưu tầm được từ khá lâu, nên không còn nhớ nguồn. Từ bài viết này và qua các diễn biến của Phong trào Đông Du, chúng ta có lẽ cần phải đánh giá lại trung thực những sự kiện lịch sử và từ đó rút ra những bài học thiết thực hơn. Có thể phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Chu Trinh và các học giả khác có nhiều ý nghĩa hơn so với phong trào Đông Du vì các phong trào đó gần giống với phong trào Duy Tân ở Nhật có liên quan đến làn sóng phong trào Khai sáng ở Châu Âu.
 

Đính kèm

  • index.pdf
    45.2 KB · Xem: 1
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên