Nobel Văn Chương 2000 Dành Cho Cao Hành Kiện

Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Linh Sơn, tiểu thuyết, Trần Đĩnh dịch từ bản tiếng Pháp, NXB Phụ Nữ, 2002; 2003.

- Núi thiêng, tiểu thuyết, Ông Văn Tùng dịch từ bản tiếng Trung, NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2003.

- Linh Sơn, tiểu thuyết, Hồ Quang Du dịch từ bản tiếng Trung, NXB Văn Học, 2003

- Truyện ngắn Cao Hành Kiện, Trinh Bảo - Sơn Hải dịch, NXB Công An Nhân Dân, 2004.

- Người thợ giày và cô con gái (truyện ngắn), Trinh Bảo dịch, in trong Truyện ngắn hay thế giới, NXB Thanh Hóa, 2004.

- Mua cần câu cho ông, Chuột rút, Trong công viên, Nguyễn Hồi Thủ dịch, in trong Truyện dịch Đông Tây, NXB Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2004.

- Các truyện: Ông thợ giầy và con gái, Bạn, Tai nạn, in trong Tập truyện của Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Cao Hành Kiện, Lê Bầu dịch, NXB Văn Học, 2004.

- Các vở kịch Trạm xe, Bờ bên kia, Người đi đêm, Trú mưa, Giữa sống và chết, Như Hạnh dịch, đăng trên Tienve.org.

- Cao Hành Kiện. Tác phẩm (gồm tiểu thuyết Kinh thánh cho một người, các truyện ngắn, kịch, tiểu luận của Cao Hành Kiện và các bài viết về Cao Hành Kiện), nhiều người dịch, Nhà xuất bản Công an Nhân dân - Trung Tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.
 
Thông cáo của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Ngày 12/10/2000​

Giải văn chương Nobel năm 2000 tặng thưởng nhà văn Hoa ngữ Cao Hành Kiện cho một trước tác có tầm cỡ thế giới, mang dấu ấn đắng cay trong nhận thức và nét tinh tế của ngôn từ, mở ra nhiều nẻo đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và sân khấu Trung Quốc.

Tác phẩm của Cao Hành Kiện đã hồi sinh văn chương, từ cuộc tranh đấu của con người cá thể để tồn tại, vượt qua lịch sử những quần thể. Ông đóng vai một khán giả hoài nghi và sáng suốt, không mang tham vọng lý giải cuộc đời. Và cho rằng chỉ gặp tự do trong sáng tác văn học.

Tác phẩm tầm cỡ nhất của Cao Hành Kiện, tiểu thuyết Linh Sơn là một trong những sáng tạo văn học hiếm hoi tự lấy mình làm tham chiếu, chứ không thể đem so sánh với một tác phẩm nào khác. Tác phẩm được kiến trúc trên cảm nghĩ từ những cuộc du hành vào các miền đất sơn cùng thuỷ tận, phía nam và tây nam Trung Quốc, nơi phong tục saman vẫn còn tồn tại dai dẳng cùng với chuyện sơn thuỷ giang hồ, lục lâm thảo khấu, được truyền tụng như sự thật, với những đạo sĩ còn sinh hoạt theo nếp sống hiền triết của tiền nhân. Linh Sơn là xâu chuỗi nhiều chuyện kể, với nhiều nhân vật chính, phản chiếu vào nhau như một mặt kính, gợi ra nhiều diện mạo khác nhau của cùng một cái tôi thống nhất.

Tác giả sử dụng linh động đại danh từ, tạo ra được nhiều biến chuyển linh hoạt trong cách nhìn, buộc độc giả phải thường xuyên lật ngược lật xuôi các lời tâm sự. Phương pháp tiếp cận này bắt nguồn từ những vở tuồng buộc diễn viên, một mặt phải nhập vai, mặt khác phải miêu tả từ ngoại cảnh. Đại từ mày, tao, nóằ biến thành danh từ, được ném vào nội tâm trong những cách ly không ngừng co giãn.

Linh Sơn là câu chuyện hành hương, nhân vật chính lên đường tìm về nguồn cội bản thân, dọc theo mặt phẳng long lanh, phân ranh giữa dự tưởng và đời sống, giữa ảo tượng và hồi ức. Cuộc thảo luận về bản chất kiến thức càng đào sâu càng trở thành một nghi thức luyện tập giải thoát đối tượng và ý nghĩa. Linh Sơn là bản giao hưởng, đan chéo nhiều thể loại, truy tích cội nguồn của thao tác hành văn, nhắc lại niềm mơ ước lớn lao trong tư trào lãng mạn Đức, về một nền thi ca hoàn vũ.

Tiểu thuyết thứ hai của Cao hành Kiện, Nhất cá nhân đích Thánh kinh (Kinh Thánh của một người), vẫn đeo đuổi chủ đề của Linh Sơn, trong lối tiếp cận dễ cảm nhận hơn. Trung tâm tác phẩm là cuộc thanh toán oán thù với những cuồng điên khủng khiếp đã trải qua, dưới bảng hiệu Cách Mạng Văn Hoá tại Trung Quốc. Thành thật, không khoan nhượng, nhà văn đã lần lượt kể lại kinh nghiệm bản thân, trong tư thế một tác nhân chính trị, nạn nhân thời cuộc và chứng nhân ngoại cảnh. Câu chuyện có thể kết luận bằng mô hình đạo lý của kẻ phản kháng, nhưng tác giả đã gạt bỏ quan điểm này và không nhận cứu rỗi bất cứ một ai. Tác phẩm họ Cao tự do, không quỵ lụy quyền lực mà cũng không phục tùng một thiện chí nào.

Vở kịch Đào Vong (chạy trốn) làm phật ý cả phong trào dân chủ lẫn kẻ cầm quyền. Cao Hành Kiện nhấn mạnh vào ảnh hưởng quan trọng của phong trào phản tự nhiên chủ nghĩa từ sân khấu phương tây đến kịch nghệ của ông. Ông trích dẫn Artaud, Brecht, Beckett và Kantor. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời xem trọng việc khơi nguồn sân khấu dân gian. Trong khi sáng tác kịch nói bằng Trung ngữ, ông đã tiếp nối truyền thống lâu đời, sử dụng mặt nạ, kịch bóng, múa hát và nhạc trống. Ông quy nạp kỹ thuật di chuyển tự do trong không gian, thời gian sân khấu, bằng một điệu bộ, hay một từ ngữ, như trong tuồng cổ. Sự hoá thân phóng túng của mộng ảo và ngôn ngữ biểu tượng thô tháp của nó, đột nhập vào thế giới hình ảnh xác thực của con người hiện đại. Trong một số văn bản, dục tính tạo không khí căng thẳng cuồng nhiệt, trong khi vũ điệu làm biên đạo cho một số vở kịch khác. ở đó, ông là một trong những nhà văn nam hiếm hoi đặt chân lý người phụ nữ ngang tầm với nam giới.

Viện Hàn Lâm Thụy Điển - Ban thư ký thường trực

  • Đặng Tiến dịch từ bản tiếng Pháp


Theo Vietnamnet
 
Back
Bên trên