Ngoại tình - bi kịch của xã hội
(sưu tầm trên net)
Câu chuyện bắt đầu như sau. Một người phụ nữ có chồng, hoàng hậu Hy Lạp, có mối quan hệ tình ái với hoàng tử thành Troy. Nàng quyết định từ bỏ người chồng của mình là vua Menelaus để đi theo hoàng tử Paris. "Mụ đàn bà xấu xa", vua Menelaus gào lên và khơi dậy cuộc chiến thành Troy. Rất nhiều cảnh tang thương chết chóc đã diễn ra. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của thế giới, do nhà thơ danh tiếng Homer tạo ra. Từ đó, sự phản bội và hậu quả ghê gớm của nó đã châm ngòi cho nhiều kiệt tác, như Anna Karenina của Tolstoy, Chữ A màu đỏ của Hawthorne, Chiếc bát vàng của Henry James...
Đó mới chỉ là tiểu thuyết? Còn có các tác phẩm điện ảnh như Fatal Attraction, The Postman Only Rings Twice, Eyes Wide Shut. Chưa kể tới Desperate Housewives.
Những câu chuyện này đều có một điểm chung, tất nhiên trừ việc nói về sự ngoại tình. Tất cả đều có một kết cục xấu cho những người phản bội bạn đời. Bài học của câu chuyện dường như luôn là "sự phản bội là một hành động trái với luân thường đạo lý". Chuẩn mực tự nhiên của người hiện đại luôn là chế độ một vợ một chồng - sự chung thuỷ.
Nhưng có thực sự là như vậy? Không, theo các tác giả David Barash và Judith Lipton của cuốn sách The Myth of Monogamy: Fidelity and Infidelity. Thực tế, sự chung thủy bất di bất dịch là vô cùng hiếm ở các loài động vật, trong đó có linh trưởng.
Các tác giả cho rằng, chuyện thú và chim có bạn đời lâu năm là điều bình thường, nhưng chuyện con đực tìm kiếm bạn tình bên ngoài mối quan hệ cũng hoàn toàn thường tình. Tuyên bố của họ dựa trên kết quả nghiên cứu ADN của cha mẹ và con, theo đó 9/10 loài chim và thú có bạn đời lâu năm đều không chung thuỷ.
Lý do có thể ở chỗ con đực có một thôi thúc bản năng muốn phát tán bộ gene của mình ở nhiều con cái càng tốt - đặc biệt những cô nàng hấp dẫn và đang độ tuổi sinh nở. Trong khi đó, con cái muốn có bộ gene tốt nhất cho con mình sẽ tìm kiếm những anh chàng khoẻ mạnh và hấp dẫn.
Điều đó cũng tương tự trong những bậc cao hơn của nấc thang tiến hoá. Trong số các loài linh trưởng, chỉ có 2 loài khỉ nâu, khỉ đuôi sóc và khỉ tamarin là thực sự chung tình. Còn các loài khác đều quan hệ bất chính.
Còn con người? Các cuộc nghiên cứu gene cho thấy ở 10% dân số, người cha sinh học không phải là người đàn ông đang sống với người mẹ trong thời điểm thụ thai.
Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu quan điểm quốc gia thuộc Đại học Chicago (Mỹ) thực hiện, khoảng 15% phụ nữ và 22% đàn ông cho biết đã từng quan hệ tình dục với người không phải là vợ/chồng mình. Khoảng 2% đàn bà và 4% đàn ông đã làm vậy ngay trong năm ngoái.
Vậy tại sao lại phải sống chung với nhau? Câu trả lời có thể là bởi những đứa trẻ.
Barash và Lipton đã phân biệt giữa sự chung thuỷ xã hội và chung thuỷ tình dục. Trong các mối quan hệ vợ chồng, về mặt xã hội, họ chung sống với nhau, nhưng về mặt thể xác, chưa chắc họ đã chung thuỷ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng việc sống chung bắt nguồn từ các loài bởi điều đó mang lại cho con cái cơ hội sống sót tốt nhất. Người mẹ ở nhà và chăm sóc con, trong khi người cha ra ngoài kiếm ăn. Ở những loài không sống chung, khi con đực bỏ đi, con non sẽ có nguy cơ bị giết bởi kẻ thù hoặc bởi con đực khác muốn thay thế con non bằng chính con của mình.
Con người đặc biệt chung thuỷ về mặt xã hội, bởi những đứa con phải mất một thời gian dài để trưởng thành. Để đầu tư và bảo vệ, người cha và mẹ chấp thuận chung thuỷ về mặt xã hội với nhau. Qua thời gian khi mà xã hội con người ngày càng có tổ chức, chế độ một vợ một chồng đi vào luật pháp và tôn giáo như một thể chế hôn nhân. Ai coi thường nó, công khai ngoại tình, sẽ trở thành tội phạm, bị xã hội tẩy chay, mất tài sản, bị đi tù hoặc thậm chí là chết.
Và từ đó bắt đầu nghịch cảnh trớ trêu giữa bản năng nguyên thuỷ với những cấm đoán nghiêm khắc của xã hội.
Theo Robert White, trong quyển sách The Moral Animal: Evolutionary Psychology and Everyday Life ra đời năm 1994, một số xã hội sơ khai đã cố gắng vượt qua trở ngại đó bằng cách cho phép chế độ đa thê. White cho biết gần 1.000 trên 1.154 cộng đồng con người từng được nghiên cứu - trong đó hầu hết là những xã hội thời hái lượm săn bắt - đã cho phép người đàn ông có hơn 1 vợ.
Trường hợp ngược lại, ở đó người phụ nữ được lấy hơn một chồng thì hiếm hơn, chủ yếu có ở các bộ lạc trên dãy núi Himalaya ở Nam Á, ở châu Phi, châu Đại Dương và một số bộ tộc da đỏ châu Mỹ.
Theo sách kỷ lục Guiness, người cha có nhiều con nhất lịch sử là Moulay Ismail, hoàng đế cuối cùng của Morocco, chết năm 1727. Ông có hơn 1.000 người con.
Nhưng đa thê lại là sự nguyền rủa trong thế giới Do Thái - Thiên chúa giáo (trừ nhà thờ Mormon ở Utah vào những năm 1900) và bị coi là tội thông dâm. Chỉ nghĩ đến thôi cũng là điều nghiêm cấm. Chính Jesus đã bảo rằng thèm khát một ai đó cũng là ngoại tình trong tim. Và không phải là ngẫu nhiên khi từ "infidelity" (ngoại tình) bắt nguồn từ "infidel", có nghĩa là ngoại đạo.
Từ đó kéo theo muôn vàn cảm giác tội lỗi của người phản bội và cảm giác đắng cay của người bị phản bội.
Tất nhiên các cặp vợ chồng hoàn toàn có thể chung thuỷ về mặt xã hội và cả tình dục, hầu hết vẫn là như vậy, Barash nói. Sống chung thuỷ sẽ giúp bảo tồn cuộc hôn nhân và những lợi ích đi kèm. Nó cũng là cách tốt để tạo sự công bằng nam nữ trong xã hội. Nhưng chung tình lại là một vấn đề khó, và một số người đã thất bại, đặc biệt là kiểu người luôn muốn chinh phục hay ở những đôi nam nữ cam kết quá sớm.
Robert White lại cho rằng trong xã hội Do Thái - Thiên chúa giáo hiện đại, chúng ta đã xoay sở để sống trong sự cấm đoán đó bằng cách thực hiện chế độ một vợ một chồng luân phiên - hôn nhân kéo theo ly dị rồi lại kết hôn và rồi ly dị. Khi người phụ nữ vượt quá tuổi chăm con, người đàn ông sẽ ly hôn để cưới một cô gái trẻ hơn. Còn người đàn bà sẽ rời bỏ chồng mình nếu cô ấy cảm thấy anh ta không còn vị thế, để kiếm một người giàu có và quyền lực hơn.