Hip-Hop - Nói với giới trẻ như cách họ đang sống :
Sự tái bùng nổ của Hip-hop trong những năm gần đây đã làm cho bức tranh âm nhạc thế giới trở nên đa sắc và cá tính hơn. Thâm nhập vào Việt Nam với nhiều nét phá cách độc đáo, Hip-hop đang dần trở thành làn sóng mới trong giới thanh thiếu niên hiện nay. Bài viết dưới đây mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về Hip-hop, "một đứa trẻ hoang dã mà mỗi hành vi, cử chỉ đều khiến ta bất ngờ…"
Khu Bronx sau Thế chiến II đã từng là miền đất hứa của những gia đình Mỹ gốc Phi châu, Puerto Rico, Italy, Ireland và Do Thái. Nhưng khi các ngành công nghiệp chuyển dịch lên vùng ngoại ô phía Bắc, giá trị bất động sản giảm sút, người da trắng cũng bỏ chạy theo, để lại một khối cư dân mà đại bộ phận là nghèo khổ và da màu. Giới chủ sở hữu những khu nhà ổ chuột đã mướn bọn lưu mạnh châm lửa đốt sạch những dãy nhà đã bị mất giá, nhằm xua đuổi những người đang ở thuê và để nhận được hàng triệu đô la tiền bảo hiểm. Hip-hop, như người ta có thể nói, đã được sinh ra trong khói lửa. Như nhóm nhạc rap Grandmaster Flash và The Furious Five đã giải thích trong tờ The Message, những khu ổ chuột ở New York từng mang lại sức sống cho Hip-hop là những không gian mà Nhà nước không hề ngó ngàng tới, ở đó giấc mơ tự do đang lụi tàn. Nhưng chính những khu dân cư ấy đã trở thành trung tâm của sự đổi mới tinh thần đầy sức sáng tạo.
Trước đây, vào những năm 1920-1930, thanh niên có thể trông cậy vào một mạng lưới bạn bè, những bảo trợ, dàn nhạc và các phòng họp công cộng để học chơi một thứ nhạc cụ và tìm cách hướng nghiệp. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1970, nạn thất nghiệp đã lan rộng và giáo dục âm nhạc kiểu này trở thành một thứ xa xỉ đối với phần lớn các gia đình. Thế hệ mới tìm thấy trong trò chơi một hình thức thay thế cho lao động, như nhà văn Mỹ gốc Phi châu Robin D.G.Kelly đã ghi nhận. Theo tập quán của Jamaica tổ chức các buổi khiêu vũ ngoài trời, những thanh niên da đen và Puerto Rico đã lén nối các dàn stereo của họ vào một mạng điện đèn đường của thành phố, và cuộc vui bắt đầu.
Sử dụng những đĩa nhựa làm dàn bè, hai đế xoay đĩa, một bộ phối âm và một bộ tăng âm làm công cụ, nhóm Black Art đã lấy lại phong độ vào năm 1974-1975. Vào thời kỳ đó, Kool Herc, một nhà giới thiệu nhạc dân gian từ Jamaica di cư đến, đã dần dần nổi danh ở khu Bronx nhờ những break anh ta không ngừng đưa vào bầu không khí ám khói: đó là những trích đoạn một bài hát đôi khi chỉ dài chừng hai giây mà anh ta cho "treo lại", để mặc cho dàn nhạc chìm ngập trong nhịp điệu. Bằng cách sử dụng những break kép (thực hiện với cùng một đĩa chạy qua hai đế xoay đĩa) rồi tăng sức ép khiến sự kích động thêm mãnh liệt, các DJ (disc jockey) như Herc hay Afrika Bambaataa đã tạo ra một thẩm mỹ học mới vừa làm thỏa mãn công chúng lại vừa làm cho họ phải luôn mong ngóng chờ đợi.
Những vòng xoáy nhịp điệu đã trở thành biểu tượng của tự do. Trong thời gian được "khắc lại" bởi break, các vũ công vươn rộng ra. Một thể loại âm nhạc mới – bắt nguồn từ Funk, Disco, Rock, Jazz Afrobeat, hay từ Reggae – đã đưa tới những hình thức mới lạ về nhảy nhào lộn mà người ta gọi là breakdance hay b-boy. Không còn thụ động nữa, khán giả cũng tham dự vào một cuộc đối thoại thực sự với các DJ.
Các DJ ở New York đã bắt đầu sử dụng các chủ trò – MC (Master of ceremony) để "hâm nóng" công chúng. Với thời gian, các MC tự họ cũng trở thành những nhân vật rất hấp dẫn. Ngâm nga những bài thơ quen biết hoặc ứng tấu những bài khác, MC tự biến thành người đại diện của khán giả trên sân khấu. Công chúng hưởng ứng các bài phát biểu thao thao bất tuyệt của họ, cười rộ lên trước những đoạn tếu hóm hỉnh, cổ vũ những chuyện khoác lác và cùng chia sẻ nỗi buồn chán của họ trong khi họ tô điểm nhịp điệu bằng những từ ngữ mà họ nhấn giọng bằng tiếng Anh.
Trong khoảng ba thập niên qua, rất nhiều doanh thương môi giới đã làm giàu nhờ phát hiện được xu hướng thời thượng của các khu dân nghèo da đen và lai đen. Vào cuối những năm 1970, chủ nhân các hãng đĩa hát da đen và Do Thái ở khu Harlem nhận thấy hip-hop rất được dân chúng hâm mộ nên đã đổ xô ghi âm các nghệ sĩ nổi tiếng nhất. Những nhà doanh nghiệp ấy, về mặt cá nhân và địa lý, rất gần gũi với loại âm nhạc này. Khi một album của Sugar Hill Gang nhan đề Rapper’s Delight (Niềm vui của ca sĩ Rap) tạo ra sự bất ngờ trở thành đĩa hát nổi tiếng nhất trên thế giới thì những hãng sản xuất lớn đã bắt đầu đánh hơi quanh khu dân cư New York để tìm ra một album nổi tiếng mới. Năm 1980, Kurtis Blow cho ra đời một album Rap cực dài đầu tiên mang nhãn hiệu một nhà sản xuất đĩa nổi tiếng. Nền văn hoá Hip-hop đã xuất hiện và sẽ trở thành nột nền văn hoá mạnh mẽ nhất của thanh niên thế giới vào cuối thế kỷ 20.
Những quan điểm cao cả của chủ nghĩa dân tộc cách mạng và chủ nghĩa duy linh Hardrock đã đột ngột quay trở về với đường phố vào năm 1989. Một nhóm thanh niên chừng 20 tuổi, tự xưng là Niggas with Attitude (Tư thế người da đen) đã phát hành cái sẽ trở thành một bản thánh ca của thế hệ mới: Gangsta Gangsta. Trong vòng chưa đầy 6 tuần, album này giành được giải "đĩa vàng" với trên 500.000 đĩa được bán ra. Hip-hop đã được đưa vào trung tâm của nền văn hoá thế giới.
Với album Straight out of Compton, trung tâm của Hip-hop đã chuyển từ New York sang Los Angeles. Vào giữa nhiệm kỳ của Reagan, Compton là một trong ngày càng nhiều khu dân cư chịu thiệt thòi nhất ngay giữa lòng thành phố, ở đó công nghiệp kiệt quệ, sự phi tập trung hoá, nạn buôn bán ma tuý, cuộc tranh chấp giữa các băng đảng, nạn trục lợi bằng mua bán vũ khí và hành vi tàn bạo của cảnh sát, tất cả những cái đó đã kết hợp với nhau để phá vỡ sự ổn định của các cộng đồng nghèo khổ. Hỗn loạn đã bắt đầu và còn tồn tại lâu dài. Rap Gangsta là băng nhạc của tình trạng hỗn loạn đó. Những chuyện kể từ Compton, kết hợp huyền thoại với địa điểm, có thể được áp dụng ở bất cứ khu dân nghèo nào. Từ Portland đến Paris, mỗi khu đều có một câu chuyện để kể lại.
Những câu chuyện về Gangsta, với đầy rẫy những người "da đen" say rượu, nghiện ma tuý, hay gây gổ, vô trách nhiệm, tội phạm hay giết người (mà người ta ví như những phóng sự báo chí khi gọi chúng là "thực tế Rap"), dường như đã đáp ứng những mong đợi của các vùng ngoại ô. Khi số học sinh càng lai tạp (đa dạng hoá) thì đám thanh niên càng không quan tâm đến nền văn hoá của người da trắng. Năm 1988, việc phát trên Đài truyền hình MTV chương trình Yo MTV Rap đã làm cho phong cách đô thị Mỹ gốc Phi châu, Chicano và Latino ngay tức khắc có thể đến được toàn thế giới. Với những yêu sách nảy sinh từ đường phố, cuộc nổi loạn của đám thiếu niên, những khuôn mẫu đô thị và quan điểm cá nhân chủ nghĩa của nó (Tôi muốn có phần bánh ngọt của tôi), Gangsta Rap đặc biệt thích hợp với giới thanh niên đã lớn lên cùng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chính quyền Reagan. Nó không còn là những dân ca tôn giáo của người da đen về cuộc đấu tranh đòi quyền công dân. Vần điệu của nó mộc mạc, dữ dội, vô kỷ luật, thô lỗ, "da đen hóa", thường có xu hướng chống đồng tính luyến ái và ghét phụ nữ.
Một số nhà quan sát tiến bộ rất ngạc nhiên khi thấy loại âm nhạc này lại do những nhà sản xuất băng đĩa nhạc phản động phát hành. Tuy nhiên, sự phát triển không cưỡng nổi của nó đã vượt ra ngoài mọi hình thức kiểm soát. Trong những năm 1990, các nhà sản xuấn xuất băng đĩa nhạc lớn chưa có một ý niệm nào về thị trường Hip-hop sẽ phát triển ra sao. Khác với nhạc Rock đã "ổn định" từ lâu, nền văn hóa này như một đứa trẻ hoang dã mà mỗi hành vi, cử chỉ đều khiến ta bất ngờ…
Hiện tượng tập trung trong ngành công nghiệp âm nhạc cũng làm biến đổi bối cảnh của Hip-hop. Từ đầu cho đến những năm 1990, nhiều nhà sản xuất băng đĩa độc lập từng góp phần phổ biến rộng rãi loại nhạc này đã bị các hãng lớn mua lại. Kết quả là những nhóm nhạc cơ sở trên đường phố không còn đạt tới những đỉnh cao trong danh sách các băng đĩa nhạc bán chạy nhất. Các công ty quản lý nghệ sĩ bắt đầu "bán" ra các ngôi sao ngày càng tao nhã hơn nhằm chuẩn bị cho một cuộc chấn hưng Hip-hop kiểu mới, sử dụng kỹ thuật số và được sáng tác cho đài phát thanh, đã trở thành thứ nhạc Pop của đại chúng.
Được sự hậu thuẫn của những trùm phát hành băng đĩa, các ngôi sao Hip-hop thường bán được 500.000 đĩa nhạc hoặc hơn nữa ngay từ album đầu tiên của họ. Một nửa tá tạp chí đã được tung ra thị trường để tận dụng khoản đô la chi cho quảng cáo. Các doanh nghiệp lớn ở Hollywood cũng không thua kém, đã biến ca sỹ Rap như LL.Cool J và Ice Cube thành những ngôi sao đa truyền thông. Những nghệ sỹ hạng hai cũng được đề nghị ký hợp đồng quảng cáo cho những sản phẩm như nước ngọt Sprite và quần áo Gap. Nhà sản xuất Russel Simmons đã gọi thế hệ Hip-hop là những người xây dựng nhãn hiệu lớn chưa từng thấy trên thế giới, như tác giả Mỹ Don Dellilo đã viết: "Tư bản đang tiêu hủy những sắc thái của một nền văn hóa".
Dù thế nào, ngày càng có nhiều người cho rằng nền văn hóa này mang tính giải phóng. Trong các đô thị trên thế giới, giới trẻ đang sử dụng Hip-hop để tổ chức đấu tranh chống chủ nghĩa chủng tộc, chống bạo hành của cảnh sát và các khu liên hợp công nghiệp chẳng khác gì nhà tù. Đối với họ, văn hóa và chính trị không hề tách rời nhau. Và đó chính là chiếc chìa khóa của lịch sử: Hip-hop sinh ra từ các đám cháy tàn khốc của những năm 1960-70 đã khơi gợi ngọn lửa hi vọng mới trong lòng thế hệ mới. Ngọn lửa làm trong sạch cuộc sống rồi sẽ đến.