[News] ..:::[Vụ việc Hết yêu bị ăn cắp bản quyền - Sự thật đang dần sáng tỏ]:::..[
Một chi tiết rất đáng lưu tâm trong sự kiện tranh chấp bản quyền ca khúc Hết Yêu là phần nhạc nền của ca khúc. Nữ sinh Nguyễn Thúy Hằng cho biết nhạc nền Hết Yêu được download từ website SoundClick, nghĩa là nhạc nền thuộc nhóm underground - nhạc nền miễn phí.
Câu hỏi được đặt ra là từ một bản nhạc nền miễn phí chúng ta có thể biến nó thành sản phẩm thương mại được hay không? Nếu được thì được như thế nào và nếu không thì vì sao? Kỳ này, chúng tôi mời quý độc giả cùng trò chuyện với ông Phạm Mai Quân (pmquan), một chuyên gia tin học của công ty HPT và là thành viên của cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam - VNOSS cũng là một trong ba người Việt Nam từng chiến thắng trong cuộc thi bảo mật máy tính tổ chức trên hệ thống Astalavista.
- Nhạc underground là gì và phần mềm Opensource là gì?
Phạm Mai Quân: Về cơ bản, nhạc underground hay phần mềm opensource (mã nguồn mở) đều giống nhau ở chỗ đó là sản phẩm phát hành miễn phí và người sử dụng hoàn toàn có quyền thay đổi, tuỳ biến, phát triển thêm... theo nhu cầu của mình cho đến khi nào các thông tin về tác quyền của sản phẩm vẫn được giữ nguyên. Tôi ví dụ phần mềm diễn đàn phpBB là một phần mềm mã nguồn mở. Như vậy, bạn có quyền download, sử dụng, viết thêm hoặc loại bỏ bớt một số mã lệnh theo ý mình, để thích hợp nhất cho nhu cầu sử dụng của mình. Cái duy nhất bạn được yêu cầu là giữ nguyên dòng thông tin "Powered by phpBB" hiển thị trên website và các ghi chú tác quyền trong mã nguồn chương trình.
- Có trường hợp nào chúng ta được phép thay đổi tên sản phẩm không thưa ông?
Có. Đó là khi bạn viết thêm hoặc sửa đổi trên 80% mã lệnh của chương trình. Ví dụ tôi viết phần mềm A, công bố nó dưới dạng mã nguồn mở. Nếu bạn thay đổi mã lệnh của tôi hoặc viết thêm vào đó trên 80%, bạn hoàn toàn có quyền gọi tên phần mềm đó là gì tùy bạn và lúc đó, phần mềm trở thành sản phẩm của bạn chứ không còn là của tôi. Dù vậy, trong trường hợp này, bạn vẫn phải ghi chú rõ 20% mã lệnh còn lại là của tôi.
- Ai đã quy định như thế, thưa ông? Hay là chúng ta chỉ nói theo cảm tính?
Những điều tôi nói dựa theo giấy phép GPL, một trong nhiều loại giấy phép về mã nguồn mở được thế giới công nhận. Ngoài giấy phép GPL còn nhiều loại giấy phép khác. Tuy nhiên GPL là cái được nhiều người chọn nhất. Bạn có thể xem giấy phép GPL này trên website GNU.org.
- Cũng theo luật của mã nguồn mở, cũng là "luật chơi" của underground thì phải chăng một sản phẩm phát triển từ một nguồn mở cũng phải là một nguồn mở?
Đúng là như vậy. Tôi lấy phần mềm của anh, viết thêm mã lệnh vào để tăng cường tính năng, sửa đổi mã lệnh để phần mềm chạy tốt hơn, an toàn hơn... thì khi phát hành lại phần mềm đó, đó cũng phải là một phần mềm nguồn mở. Nghĩa là không có thu phí gì cả. Nếu có thu phí thì khoản phí duy nhất mà tôi được phép thu là khoản phí "phát hành" phần mềm đó. Chẳng hạn nếu tôi ghi phần mềm này lên đĩa CD để đưa ra thị trường thì khoản phí mà tôi được phép thu là phí của... chiếc CD, tiền điện, tiền hao mòn máy móc khi ghi phần mềm lên đĩa. Vài nghìn đồng thôi.
- Từ một thành phần nguồn mở, chúng ta có thể biến thành phẩm sau cùng thành một sản phẩm thương mại không?
Được. Miễn là chúng ta theo đúng luật chơi.
- Nghĩa là...?
Nghĩa là anh phải xin phép tác giả thành phần mà anh đã sử dụng trong phần mềm của mình. Nếu người ta đồng ý, anh có thể biến thành phẩm sau cùng đó thành sản phẩm thương mại. Nếu người ta đồng ý nhưng yêu cầu anh phải trả tiền thì anh phải trả tiền trước khi biến thành phẩm ấy thành thành phẩm thương mại. Nếu người ta không đồng ý thì hoặc anh phải loại bỏ thành phần của người ta ra khỏi phần mềm của mình trước khi công bố phần mềm như một sản phẩm thương mại hoặc phải công bố sản phẩm đó dưới dạng sản phẩm nguồn mở. Đó chính là luật chơi.
- Giả thiết chúng tôi sử dụng một số mã lệnh nguồn mở của anh để phát triển thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chúng tôi có thể đăng ký bản quyền cho sản phẩm ấy hay không?
Được chứ. Tại sao không? Tuy nhiên, khi đăng ký bản quyền, anh phải ghi nhận tên tôi với tư cách là đồng tác giả chứ không thể chỉ ghi tên của anh được vì rõ ràng là trong tác phẩm đó có công sức của tôi kia mà.
- Thế nếu như tôi chỉ ghi tên mình thì sao?
Thì anh là kẻ cắp.
- Nếu tôi chẳng những chỉ ghi tên mình trong giấy đăng ký bản quyền mà còn đem bán sản phẩm ấy thì sao?
Thì anh là kẻ cắp trắng trợn nhất mà tôi biết đấy.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất thú vị này.
____________________________________________________________
Nhạc sĩ Lương Bằng Quang: "Tôi tin Lil'Kani"
Ngay sau bài thứ 2 của loạt bài Tiếp diễn chuyện đạo nhạc - tranh chấp tác quyền ca khúc Hết Yêu, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả. Mong mỏi lớn nhất của độc giả là sự thực được làm rõ bởi giờ đây công chúng chỉ còn có thể tin vào Giai Điệu Xanh mà thôi. Như lời tâm sự của một độc giả ở Quận 1, Tp.HCM thì: "Sau các vụ án đạo nhạc năm 2004, không cơ quan chức năng nào lên tiếng, các cơ quan truyền thông giờ đã tịt ngòi. Nếu cả Giai Điệu Xanh cũng không lên tiếng, chúng tôi còn biết kêu ai khi miệng đã bé, cổ lại không cao?"
Bên cạnh thư từ và các cuộc gọi của độc giả, chúng tôi còn nhận được thư chia sẻ của giới nghệ sĩ, các luật sư bàn về những khía cạnh pháp lý của vụ việc. Hàng ngàn người cho biết sẵn sàng làm nhân chứng bảo vệ Lil'Kani. Một số thành viên của RapClub ở nước ngoài cũng đã bay về Việt Nam tìm đến chúng tôi với mong mỏi đưa sự việc ra ánh sáng. Tất cả có cùng một quan điểm: "Sự thực mới là chân lý." Mới đây, nhạc sĩ, ca sĩ Lương Bằng Quang đã bức xúc gọi điện cho chúng tôi với lời tuyên bố chắc nịch: "Tôi tin Lil'Kani."
Song vấn đề ở đây không phải là tin hay không tin mà là làm sao để chứng minh tác phẩm Hết Yêu thuộc về ai. Trước câu hỏi này, nhạc sĩ Lương Bằng Quang khẳng định: "Không hề khó tìm câu trả lời, nếu chúng ta nhiệt tình làm rõ sự việc." Vậy, chúng ta hãy cùng xem xét giải pháp của anh.
Nhạc sĩ Lương Bằng Quang: Rap không giống như các thể loại âm nhạc khác mà có những đặc tính của riêng nó. Người ta có thể dễ dàng bắt chước giai điệu, chế biến ca từ những ca khúc nhẹ nhàng như nhạc của tôi chẳng hạn, nhưng không thể bắt chước giai điệu và ca từ của rap theo cách đó. Nhạc rap có một điểm rất đặc biệt là "ai sáng tác, người đó hát" bởi chỉ người sáng tác mới thể hiện được đúng cái hồn ca khúc mình viết ra. Cùng là một bản nhạc rap nhưng nếu người hát không phải là chính tác giả ta sẽ thấy "phô" ngay. Vì thế mà các rapper trên thế giới không bao giờ sử dụng lời thoại của nhau mà sẽ đặt lời khác cho riêng mình nếu họ dùng chung một nền nhạc.
Tôi đã theo dõi cả hai bài viết trên Giai Điệu Xanh và thực sự rất bức xúc. Đỗ Hà nhận mình chính là người sáng tác và đã đăng ký bản quyền. Vậy thì mời cô ta hát Hết Yêu xem. Hãy chú ý là các ca khúc rap hầu hết đều không có bản phối (Ít nhất là theo sự hiểu biết của tôi) mà chỉ có nền nhạc. Vậy thì làm sao Đỗ Hà có thể "dạy" cho Lọ Lem hát nếu cô ta không hát lên, không đọc rap?
GĐX: Tuy nhiên những điều bạn nói chưa đủ để chứng minh rằng Đỗ Thị Thanh Hà không phải là tác giả, càng chưa đủ để chứng minh rằng Nguyễn Thúy Hằng là tác giả Hết Yêu. Chúng ta hoàn toàn có thể giả thiết rằng vì không biết hát hay đọc rap nên Đỗ Hà đã ký âm ca khúc ra chứ.
Vậy thì hãy hỏi Lọ Lem xem Võ Trí đã đưa cho họ bản ký âm hay là toàn bộ tác phẩm đã có người hát. Một điểm rất quan trọng mà chúng ta cần phải lưu ý là hầu hết nhạc cho rap đều là nhạc thu âm. Nhạc công chơi nhạc nền, rapper đọc rap. Hãy tra lại ngày file Hết Yêu được tạo ra trên máy tính. Chúng ta sẽ có kết quả. Huống chi nhạc nền, ca khúc Hết Yêu đã được post lên mạng thì việc kiểm tra ngày tháng cập nhật không phải là điều khó khăn về mặt kỹ thuật.
- Đúng. Về mặt kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra được ngày tháng ca khúc Hết Yêu được cập nhật lên internet. Song cũng từ góc độ kỹ thuật, chúng ta biết rằng ngày tháng cập nhật dữ liệu lên internet hoàn toàn có thể điều chỉnh được bằng cách thay đổi cơ sở dữ liệu. Điều này hiếm khi xảy ra, nhưng không phải là không làm được.
Ngày tháng hiển thị trên trang web có thể thay đổi, nhưng ngày tháng file được ghi lên đĩa cứng của máy chủ thì sao. Bài Hết Yêu được post lên không chỉ một website mà trên nhiều site khác nhau. Chẳng lẽ tất cả các site ấy đều đồng loạt thay đổi ngày tháng cập nhật một file để vu khống cho người khác khi mà quản trị các site không hề biết nhau và thường cũng chẳng biết người cập nhật ca khúc lên mạng.
- Một câu hỏi hơi riêng tư. Bạn nói mình tin Lil'Kani sau khi đọc hai bài viết trên hay là vì gì khác?
Tôi hiểu ý câu hỏi này. Mọi người có thể nghĩ rằng tôi là "đồng bọn" của Lil'Kani cũng được. Tôi có biết Lil'Kani thông qua những tác phẩm của em ấy mà tôi đã được đồng nghiệp cho nghe. Và chính vì tôi biết Lil'Kani nên tôi biết rõ khả năng sáng tác và ca hát của em ấy. Một người có thừa khả năng sáng tác, biểu diễn các sáng tác của mình mà vẫn nói rõ rằng sáng tác này không hoàn toàn là của tôi mà phần A là của người này, phần B của người kia... thì chắc chắn không phải là kẻ đạo nhạc.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ Lương Bằng Quang. Và hẹn gặp lại các bạn trong các bài sau với ý kiến của các chuyên gia và của các nhà tư vấn pháp luật.
____________________________________________________________
Sự thực là đâu?
Nghi án đạo nhạc của ca khúc Hết Yêu vẫn chưa ngã ngũ khi các cơ quan chức năng vẫn chưa bắt tay vào giải quyết vấn đề. Nghĩa là chúng ta vẫn còn thiếu một chút "nhiệt tình" mà nhạc sĩ, ca sĩ Lương Bằng Quang chờ đợi.
Diễn biến mới nhất xoay quanh sự việc là tuyên bố của Võ Trí - sẽ khởi kiện tất cả những ai cho rằng mình đạo nhạc nhằm "bảo vệ danh dự và uy tín của mình" Song cũng như Đỗ Thị Thanh Hà, Võ Trí không hề đưa ra được bằng chứng nào chứng minh ca khúc Hết Yêu là tác phẩm của mình ngoài việc nhấn mạnh rằng mình đã có giấy chứng nhận bản quyền ca khúc. Về phía nữ sinh Nguyễn Thúy Hằng, đại diện diễn đàn daRapClub (Nay là RC Entertainment - đơn vị được Thúy Hằng cho phép độc quyền ca khúc Hết Yêu) đã hứa giúp em theo đuổi vụ việc.
Ông Dương Quốc Thái, người đại diện RC Entertainment cho biết: "Trước đây, chúng tôi chỉ là một diễn đàn, không có pháp nhân để kiện cáo gì ai thì nay với tư cách là RC Entertainment, chúng tôi quyết tâm theo đuổi sự việc này để giúp bạn Thúy Hằng đòi lại sự công bằng, đòi lại tác phẩm của em." Khi được hỏi việc làm đó nhằm mục đích gì? Tiếng, hay tiền? Ông Thái khẳng định: "Diễn đàn daRapClub có hơn 40 nghìn thành viên và đã rất nổi tiếng trong giới rap, hip-hop, freestyle Việt Nam. Chúng tôi không cần sự kiện này để tạo tiếng cho mình. Còn tiền thì cũng không phải bởi Hết Yêu là ca khúc viết trên nhạc nền underground - miễn phí và để theo đuổi sự việc này, chắc chắn chúng tôi cũng phải tốn tiền. Cái duy nhất chúng tôi chờ đợi ở đây là sự thực phải được công nhận."
Vâng. Ai ai cũng mong muốn sự thực. Vậy thì, trong sự việc này, sự thực là đâu?
1. Màn hình screenshot site daRapClub ghi nhận ca khúc Hết Yêu được công bố lúc 9 giờ 55 phút 30 giây, ngày 01.07.2005 (GMT+0 - tức 4 giờ 55 phút chiều ngày 01.07.2005 theo giờ Việt Nam) Tại thời điểm screenshot được cắt, đã có 5699 lượt người nghe ca khúc này và trong số đó đã có 12 người đưa Hết Yêu vào danh mục các ca khúc mình thích. Ngoài ra, đến thời điểm đó, Hết Yêu cũng đã được gởi tặng cho 19 người. 1 người đã chấm điểm tối đa cho ca khúc và 74 người đã viết nhận xét về Hết Yêu. Bên cạnh Hết Yêu, 6 ca khúc khác của Lil'Kani cũng đã được công bố trên site daRapClub.
2. Lời giải thích của Võ Trí về việc đã chuyển ca khúc Hết Yêu sang Mỹ để mix và bị hacker đánh cắp đã bị các chuyên gia về tin học bác bỏ bởi hacker không thể tấn công vào một phòng thu, lấy đi một ca khúc khi mà các máy tính tại phòng thu không nối mạng internet, trừ khi ca khúc bị đánh cắp ngay trên đường truyền.
3. Giải thích của Đỗ Thị Thanh Hà và ca sĩ Bích Du đã "choảng" nhau ở chi tiết: nhóm Lọ Lem đã yêu cầu Võ Trí đăng ký bản quyền ca khúc mới mua độc quyền và Võ Trí đã thực hiện yêu cầu này. Trong khi đó Đỗ Thị Thanh Hà lại cho rằng vì hiện nay xảy ra nhiều vụ ”cầm nhầm” ca khúc quá nên rút kinh nghiệm và đã đi đăng ký bản quyền ca khúc Hết Yêu
4. Hết Yêu không chỉ được công bố trên website daRapClub mà còn được nhiều nơi khác công bố lại. Xét về thời điểm, những phiên bản công bố lại Hết Yêu trên internet đều ghi nhận trước tháng 03.2006 tức thời điểm Hết Yêu được KC Production đăng ký bản quyền. Cụ thể trên diễn đàn của VinaGames, thành viên vui_la_chinh đã đưa ca từ Hết Yêu vào bài viết của mình. Bài viết được xác định thời điểm cập nhật là ngày 22.09.2005.
5. Ngày 16.07.2005, ca khúc Hết Yêu đã được thành viên Mr_Romeo thuộc diễn đàn VietRapper công bố với lời nhận xét: "Bài này hay đấy. Các bạn nghe và cho nhận xét nhé. Em nó mới 16 tuổi, rap cũng được lắm."
6. Ngày 01.09.2005 lúc 9 giờ 30 sáng, Hết Yêu được công bố trên website Trường Tồn. Tên tác giả được ghi nhận là Lil'Kani.
7. Tuy Lil'Kani không công bố ca khúc của mình trên website SoundClick, nơi cô đã download nhạc nền cho Hết Yêu, tuy nhiên với từ khóa "Het yeu", hệ thống truy tìm của SoundClick đã cho kết quả 4 bản Hết Yêu đã được các thành viên SoundClick công bố lại trên trang cá nhân của mình. Ngoài ra còn có 9 phiên bản Hết Yêu được các thành viên website SoundClick remix lại. Tất cả đều ghi nhận Hết Yêu là sáng tác của Lil'Kani.
8. Nhạc nền ca khúc Hết Yêu được biết là của một DJ người Nhật và từ beat nhạc này đã sản sinh ra nhiều ca khúc khác nhau. Theo "luật chơi" của SoundClick cũng như của các site nhạc underground và cũng là luật của cộng đồng mã nguồn mở, khi một thành tố âm nhạc, phần mềm được công bố dưới mác miễn phí hay "opensource", tất cả các thành phẩm phát triển từ nó đều phải miễn phí hoặc opensource .Nghĩa là với phần beat miễn phí mà ta đã dựa vào nó để phát triển thành Hết Yêu thì Hết Yêu cũng phải là một sản phẩm miễn phí. Trong trường hợp tác giả Hết Yêu muốn biến thành phẩm này thành sản phẩm thương mại thì việc bắt buộc phải làm là liên hệ với tác giả đoạn nhạc nền để xin phép và trả phí nếu có yêu cầu. Như vậy, dù Hết Yêu được xác nhận là của ai thì người đó cũng không thể bán toàn bộ tác phẩm cho nhóm Lọ Lem nếu chưa được sự đồng ý của tác giả nhạc nền.
9. Với phần beat của Hết Yêu được ghi nhận là của DJ Kenji, Cục Bản quyền không thể cấp giấy chứng nhận bản quyền cho toàn bộ tác phẩm Hết Yêu mà chỉ có thể cấp chứng nhận bản quyền cho ca từ của Hết Yêu mà thôi.
Với 9 điểm được nêu trên đây, chúng tôi xin chuyển sự việc này sang Sở VH-TT Tp.HCM (Cụ thể: Bà Nguyễn Thế Thanh, PGĐ Sở), Cục Bản quyền (Kính chuyển đồng chí Cục trưởng, tiến sĩ Vũ Mạnh Chu) để xem xét, giải quyết. Chúng tôi thiết tha mong mỏi các cơ quan hữu quan quan tâm đúng mức đến sự việc này nhằm trả lại sự công bằng cho các bên liên quan. Sự thờ ơ của chúng ta đối với sự việc, dù với lý do nào, cũng sẽ đánh mất niềm tin của công chúng vào công lý, nhất là niềm tin của tuổi trẻ đối với cha anh.
NGUỒN ĐÂU HẢ EM???...cho 1 điểm đừng kêu nhá, vào sửa nhanh lên..
ZorroX