Lịch sử bóng đá \:D/

Bài 3: Thể Công trong chiến tranh chống Mỹ

(Baobongda.com.vn) - Tướng Bằng Giang vốn là người Kinh, song vì hoạt động ở miền núi nhiều, vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh như người dân tộc nên nhiều người lầm tưởng ông thuộc dân tộc thiểu số. Thời còn trẻ, do tiếp xúc nhiều với giới thanh niên chơi thể thao, bóng đá nên ông rất hiểu và yêu môn thể thao này...


13194207126774479TheCong.JPG

Các cầu thủ đội bóng đá Thể Công thời chiến tranh chống Mỹ

Tướng Nguyễn Chí Thanh và tướng Bằng Giang nhiều lần dặn dò các cầu thủ Thể Công: “Không có hình thức nào tuyên truyền vận động quần chúng thuận lợi bằng thể thao, đặc biệt là bóng đá. Các cậu cứ đá cho hay, cho giỏi thì việc tập hợp quần chúng thật dễ dàng…”.

Trở lại câu chuyện Tướng Bằng Giang sau khi gặp Phó Tổng Tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ về gặp chúng tôi (Lãnh đạo Đoàn Thể Công) thật phấn khởi, ông kể thêm:

- Nghe tôi mạnh dạn hứa “Lục Quân sau đánh Mỹ sẽ “nộp” về Bộ một Thể Công ở tầm cao mới!”, ông Vũ cười: “Thôi đi ông! Chẳng ai mê bóng đá như ông, tôi biết rồi, nhưng phải suy nghĩ thêm và xin ý kiến cấp trên đã”. Tớ liền tấn công: “Tôi với ông hồi cùng trong Bộ Tư lệnh, chưa bao giờ có ý kiến khác nhau. Ông tin tôi đi, cấp trên có hỏi, ông cứ nói: “Bằng Giang xin nhận đấy !”. Đã sống, chiến đấu và làm việc với nhau từ lâu, ông Vũ rất ủng hộ ý kiến của chúng mình. Lúc chia tay nhau, có vẻ Phó Tổng Tham mưu trưởng rất phấn chấn. Ông ít khi cười nhưng lần này mình thấy ông cười rất vui, chắc có thể “xuôi” đấy. Bây giờ là việc nội bộ. Tôi sẽ về Lục quân để thuyết phục các đồng chí Hiệu ủy, trước tiên là bàn với đại tá Chính ủy Lê Tự Đồng. Trước tình hình mới, Nhà trường cũng nhận nhiều nhiệm vụ nặng nề lắm! Thôi chào, tớ đi đây!”

Ông tạm biệt chúng tôi sôi nổi như khi gặp. Tôi hiểu, Thiếu tướng đang quyết tâm giúp Thể Công với tinh thần trách nhiệm của một cán bộ cao cấp yêu thể thao và sẵn sàng đóng góp tất cả mọi khả năng mình có cho nền Thể thao Quân đội và đất nước!

Một tuần lễ sau, Thiếu tướng Hiệu trưởng Trường SQLQ Việt Nam Bằng Giang cho trợ lý đưa thư tới Ban lãnh đạo Đoàn Thể Công. Bức thư vắn tắt “Chính ủy Lê Tự Đồng và toàn thể Hiệu ủy đã ủng hộ phương án nhận Thể Công. Tôi sẽ lên xin ý kiến anh Vương Thừa Vũ lần cuối. Chắc chắn có kết quả. Các đồng chí chuẩn bị các bước tiếp theo”…

Đầu tháng 5/1965, Thượng tá Hồ Quang Hóa, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn thay mặt Bộ Tổng Tham mưu phổ biến mệnh lệnh: “Đoàn Thể Công chuẩn bị sau 5 ngày toàn đoàn hành quân bộ lên Công trường 50 (Biệt danh thời chiến của Trường SQLQ) chỉ để lại một bộ phận nhỏ trông nom doanh trại (sân VĐ Cột Cờ)”.

Đúng thời gian quy định, toàn thể cán bộ, chiến sỹ Thể Công tổ chức thành đội hình từng đội, xếp hàng hành quân bộ. Một số cán bộ dắt theo xe đạp để thồ quân trang quân dụng. Không theo đường quốc lộ, chúng tôi đi theo hướng Cầu Giấy - Trạm Trôi - Yên Sở qua Sông Đáy - Thạch Thất - Công trường 50 (Tùng Thiện) Sơn Tây. Hành quân bộ giữa mùa Hè nóng bỏng, đường xa với gần 50km, mặc dù chỉ quen tập luyện trên sân bãi nhưng tất cả các chiến sỹ Thể Công đã đi đến nơi về đến chốn. Gần 10 tiếng đồng hồ sau, tất cả đều có mặt tại doanh trại. Thể Công đã bắt nhịp với cuộc sống thời chiến… Ngay ngày hôm sau các đội đã bắt đầu tập luyện. Các đội bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ có sân bãi tập luyện thuận lợi ngay vì Trường SQLQ có cơ sở vật chất sân bãi tập luyện khá tốt. Riêng Thể dục dụng cụ phải củng cố ít nhiều…

Cuối tháng 6/1965, Thượng tá Hồ Quang Hóa mang quyết định chính thức chuyển giao Thể Công cho Trường SQLQ bắt đầu từ tháng 7/1965. Về tổ chức, Bộ đồng ý cho Đoàn Thể Công được thu gọn lại. Các đội điền kinh, xe đạp, khung cán bộ tập huấn, bắn súng giải thể, chỉ giữ lại: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ và Thể dục dụng cụ. Cấp trên điều động một số cán bộ ra đơn vị chiến đấu, giải thể đội bóng đá 2 để chuẩn bị cho đợt tuyển quân mới. Bổ nhiệm Ban chỉ huy Đoàn Thể Công mới gồm: Đoàn trưởng Đại úy Hô Quang Quới (người Nam Bộ), Phó Đoàn trưởng Thượng úy Phạm Tất Thắng, Phó chính trị viên Trung úy Ngô Xuân Quýnh.

Thượng tá Hồ Quang Hóa nói lời tạm biệt: “Từ nay, Đoàn Thể Công sẽ trực thuộc Trường SQLQ, nhưng Cục Quân Huấn luôn luôn coi Đoàn như máu thịt của mình. Chúc các đồng chí yên tâm xây dựng đơn vị tiến lên… Hẹn gặp lại!”
Kể từ những ngày ấy, Đoàn TDTT Quân đội (Thể Công) chính thức mang phiên hiệu “Đoàn TDTT Trường SQLQ” trên mọi giấy tờ giao dịch. Toàn thể cán bộ, HLV, chiến sỹ, VĐV của Đoàn được bố trí ăn nghỉ, tập luyện trong doanh trại Nhà trường, trong sự đón tiếp thân tình chu đáo đầy ngưỡng mộ của lãnh đạo trường cùng toàn thể giáo viên, học viên Trường SQLQ Việt Nam.

*Trích Hồi ký của Đại tá Ngô Xuân Quýnh

http://www.baobongda.com.vn/?bbd=show&ArtID=5345
 
Chỉnh sửa lần cuối:
series về the kong lại tiếp tục à
được
series này anh bo tất cả các bài
 
Bài 4: Trong gian khổ, bom đạn vẫn lớn mạnh

(Baobongda.com.vn) - Thiếu tướng Hiệu trưởng Bằng Giang, Đại tá Chính Ủy Lê Tự Đồng tuy bận rất nhiều việc song vẫn luôn quan tâm chăm lo tới Đoàn. Nghiêm túc nhưng thân tình và chu đáo, lãnh đạo nhà trường luôn lắng nghe, bám sát tình hình, trao đổi với các nhà chuyên môn và đã có những quyết định mang tính chiến lược cho sự phát triển của Đoàn TDTTQĐ trong chiến tranh.

10533967544701098a6.jpg

Trung tướng Bằng Giang

Tướng Bằng Giang với Thể Công
Đặc biệt những suy nghĩ chiến lược, luôn nhìn về tương lai của Tướng Bằng Giang khiến các nhà chuyên môn cảm phục. Cho đến hôm nay, nhìn lại và đánh giá những ngày Thể Công trở lại Trường SQLQ, chỉ có thể nói rằng: Nếu không có những quyết sách đúng đắn, chính xác của Tướng Bằng Giang năm 1965, Thể Công không thể có được những thành tích lẫy lừng sau chống Mỹ! Và càng không thể có được một Thể Công – CLBQĐ- Trung tâm TDTTQĐ hùng mạnh những ngày đất nước thống nhất!

Tướng Bằng Giang sinh năm 1915 tại Hải Dương. Mê say bóng đá từ nhỏ, lại sớm giác ngộ Cách mạng từ những năm đầu thập kỷ 40, trong vận động quần chúng, anh thanh niên Bằng Giang luôn coi bóng đá và các cầu thủ là những đối tượng trọng điểm. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, tiếp đến là những ngày kháng chiến chống Pháp, mặc dù bận rộn công việc trong cương vị một cán bộ cao cấp, nhưng hễ cứ có điều kiện là Ông tổ chức thi đấu bóng đá rèn luyện thân thể, tạo không khí lành mạnh trong quần chúng nhân dân và các đơn vị bộ đội. Hòa bình lập lại, trên một vùng đồi núi xa xôi hẻo lánh … “Qua miền Tây Bắc vui vút ngàn trùng xa…” có một đội bóng đá QK Tây Bắc của Tướng Bằng Giang thi đấu ngang ngửa với các đội QK3, QK4 trong giải toàn quân khi ấy rất mạnh và có nhiều đội bóng nổi tiếng bao gồm nhiều cầu thủ miền Nam ra Bắc tập kết như Cửu Long, Đồng Nai, Ba Tơ, Bông Lau, Hữu Nghị (đội của Trường SQLQ)…. Không những thế, ông còn luôn có ý thức đóng góp những nhân tài cho Quân Đội và Quốc Gia. Những năm 1959, 1960 Thể Công có thêm những tiền đạo Văn Sỹ Chi, Nguyễn Bính, hậu vệ Đỗ Hải Bình…từ QK Tây Bắc trở về.

Nhận Thể Công về với Nhà trường do mình chỉ huy, vị Tướng yêu thể thao đã dành tâm huyết của mình cùng với Hiệu ủy lãnh đạo Thể Công tiến bộ vượt bậc trong chiến tranh. Năm 1965, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường SQLQ có đoạn “Lấy nhiệm vụ xây dựng lực lượng lâu dài là chính, kết hợp hoàn thành nhiệm vụ trước mắt khi có điều kiện…”. Đó là phương châm hoạt động của Đoàn TDTTQD trong chiến tranh. Nhiều việc khó để thực hiện chủ trương ấy mà nếu không có Tướng Bằng Giang, nhất định không thể làm được. Một trong những vấn đề nan giải là đào tạo trẻ. Do chiến tranh, Thể Công tinh giảm lực lượng đến mức tối thiểu: Đội bóng đá 1 chỉ có 18 cầu thủ, trong khi đội 2 chỉ được hạn chế trong khoảng 22 cầu thủ mà thôi! Làm gì để có thể có 30 VĐV cho bóng đá trên 70 VĐV trẻ cho 3 môn còn lại: bóng chuyền, bóng rổ và TDDC ? Tướng Bằng Giang đã giải quyết bằng cách điều cán bộ của Trường xuống làm nhiệm vụ hậu cần, văn thư, anh nuôi, lái xe…để dồn quân số cho các đội bóng. Một vấn đề khác nảy sinh: Phải làm gì khi Luật Nghĩa Vụ QS quy định 18 tuổi mới được nhập ngũ, trong khi Thể Công cần tuyển chọn các em từ 13 tuổi cho TDDC và 15 đến 17 tuổi cho bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ? Tướng Bằng Giang lại phải “xuất tướng” thuyết phục cơ quan tuyển quân cho phép được đặc cách như dạng các “thiếu sinh quân”…Nhờ thế, đến cuối năm 1965, Thể công đã tuyển chọn được hơn 100 “chiến sỹ tý hon” đủ cho 4 đội chuẩn bị đào tạo dài hạn! Không chỉ lo đào tạo trong nước, Ông kiên quyết thuyết phục Bộ Tổng Tham mưu ủng hộ phương án đưa cầu thủ tập luyện dài hạn ở nước ngoài, tạo đòn bẩy cho sự phát triển tài năng thể thao. Nhờ đó lớp VĐV trẻ Thể Công mới có những chuyến tập huấn tại CHDCND Triều Tiên, Hungary…

Và từ chiến tranh ác liệt, một thế hệ Thể Công đông đảo, tài năng nhất từ trước đến nay đã “ra lò”. Bóng đá là những Giáp, Mỵ, Thế Anh, Hải, Hoàng Gia, Nhật, Dũng, Phú, Bội, Chi, Cầu, Thêu…; Bóng chuyền là Thư, Cần, Giông, Tỵ, Năng…; Bóng rổ là Thắng, Tuấn, Bút, Châu, Sùng…; TDDC là những Tiến, Vượng, Toàn…Phần lớn họ đều là những kiện tướng Thể thao, là những tuyển thủ Quốc Gia giàu thành tích! Như vậy, Tướng Bằng Giang đã làm đúng lời hứa trước Bộ Tổng Tham mưu là “Sau chiến tranh chống Mỹ sẽ “nộp” về Bộ một Thể Công có tầm vóc cao hơn!”

Sau khi thắng Mỹ, về làm Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, tướng Bằng Giang xây dựng đội bóng đá của QK này thi đấu khá hay. Những năm cuối đời binh nghiệp, ông là Trung tướng - Phó Tổng Thanh tra Quân đội rồi nghỉ hưu.

Tháng 11/1990, Tướng Bằng Giang qua đời thọ 75 tuổi, tới viếng ông ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, sau các Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quân đội và các cơ quan Trung Ương, địa phương, thì đoàn viếng Ông đông nhất là các VĐV Thể thao Quân đội. Ai cũng muốn được nghiêng mình trước linh cữu vị Tướng anh minh, có những đóng góp lớn lao cho thể thao Quân đội và tiễn Ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Lịch sử phát triển của Thể Công luôn gắn bó với tên tuổi Tướng Bằng Giang!

* Xuân Quýnh - Mạnh Hải

http://www.baobongda.com.vn/?bbd=show&ArtID=5413

Serie này có chục bài đấy anh Tuấn :D
Vả lại em định hôm nay giải quyết nốt để chuyển sang dự án mới :D
 
Chỉnh sửa lần cuối:
có chục bài thì anh bo chú chục bo
có gì đâu
anh cũng đang làm cái dự án "3 giải vô hàng quốc gia hàng đầu Châu Âu" mà mới viết xong cái Premiership
còn La liga đang viết dở với Serie A chưa viết gì
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bài 5: Máu đã đổ nhưng Thể Công vẫn tiến lên!

(Baobongda.com.vn) - “Về Trường SQLQVN như về nhà”, đó là câu cửa miệng của các cán bộ chiến sỹ Thể Công những ngày trở lại “Công trường 50”. Không chỉ là xã giao mà điều đó là thật sự nghiêm túc. Bởi trước đấy 11 năm, phần lớn trong số 23 chiến sỹ đầu tiên của Đoàn TDTTQD là những cán bộ, giáo viên ưu tú nhất trong hoạt động thể thao của Trường SQLQ ở 3 môn Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền.

9385532611544308TheCong.JPG

Một trận đấu của Thể Công ở vùng nông thôn trong thời kỳ chiến tranh

Với tinh thần ấy, tất cả các cán bộ, HLV, VĐV các môn không ngại khó khăn gian khó, sẵn sàng hòa nhập với nếp sống quân sự chính quy của Trường. Những ngày đầu tiên, các cơ quan của Nhà trường lần lượt xuống làm việc với Đoàn TDTT, cùng tháo gỡ những khó khăn không chỉ về tổ chức, nhân sự mà còn cả về hậu cần, hành chính…để Thể Công luyện tập chuyên môn có hiệu quả Trong sự đùm bọc, thương yêu của Tướng Bằng Giang, Hiệu uỷ và cán bộ, giáo viên chiến sỹ Nhà trường, Thể Công yên tâm phấn đấu rèn luyện mong ngày đất nước chiến thắng để trở lại Cột Cờ và háo hức mong chờ ngày được vào thi đấu trên sân Vườn ông Thượng giữa Sài Gòn giải phóng!

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ Trường SQLQ, Đoàn TDTT tiến hành củng cố tổ chức và lực lượng. Các VĐV lớn tuổi được đi học bổ túc SQLQ, xếp lại đội hình lực lượng các đội vừa đủ để làm nhiệm vụ trước mắt. Một số VĐV được giải quyết theo nguyện vọng: Người đi chiến đấu, người xin giải ngũ. Đoàn tập trung tinh thần vào thực hiện công tác tuyển chọn lực lượng đào tạo dài hạn cho 4 đội Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền và TDDC.

Máu đã đổ ngay khi tuyển chọn
Để chuẩn bị kiểm tra thể lực và chuyên môn, các HLV các môn của Thể Công đã đi khắp các nơi tìm nhân tài. Cho đến trước tháng 9/1965 đã có trên 300 em tuổi từ 13 đến 17 dự tuyển sơ loại để chuẩn bị tập trung tuyển chọn chính thức. Ngày 9/9/1965 tại doanh trại Trường SQLQ, hơn 100 VĐV trẻ từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… bắt đầu kế hoạch kiểm tra cụ thể các môn. Tại SVĐ chính của Trường, các cầu thủ bóng đá tương lai phải trải qua các môn thi chạy tốc độ 30m và 100m, kiểm tra kỹ thuật với bóng và thi đấu 2 bên. Ở các sân bóng chuyền, bóng rổ và TDDC cũng thế. Sau đó lần lượt đến khu vực Quân y để kiểm tra sức khỏe. Theo quy định về việc phòng không của Nhà trường, mọi hoạt động phải kết thúc lúc 9h00 sáng - giờ máy bay Mỹ thường xuất hiện - để chuyển về nơi sơ tán. Song đúng thời điểm kết thúc công việc buổi sáng, bất thình lình máy bay Mỹ xuất hiện ném bom vào khu vực Quân y. Đây là khu vực được bao bọc bởi những rừng cây rậm rạp, nhưng những trái bom vô tình quăng bừa bãi vào đây đã gây nên thảm họa: Bác sỹ Lê Thế Tôn - Chủ nhiệm Quân y và 3 nhân viên y tế bị trúng bom và hy sinh tại chỗ. Em Tân, chú bé Hà Nội 13 tuổi, đang kiểm tra sức khỏe chuẩn bị vào đội TDDC đã chết vì mảnh bom! Không những thế, một trái bom nữa của giặc Mỹ đã rơi đúng giữa phòng truyền thống và kho vật chất dụng cụ chuyên môn của Đoàn TDTTQD khiến rất nhiều đồ vật quý giá bị hỏng! Thiệt hại về người và của là rất lớn! Để tránh sự hoang mang lo sợ trong đơn vị, Trường đã chỉ đạo Thể Công làm gấp mấy việc sau: Làm thủ tục chôn cất tử sỹ và lo chính sách với những người bị nạn, hiến máu tập thể (mỗi người 200ml để cứu giúp thương binh). Tổ chức các chuyến ôtô an toàn ngay tối hôm ấy trả các VĐV dự tuyển về tận nhà ở các địa phương hẹn ngày kiểm tra tiếp các nội dung còn thiếu. Thu dọn và ngay trong đêm đưa anh em trong Đoàn ra sơ tán các làng lân cận ngoài khu vực Nhà trường. Khẩn trương và tích cực với tác phong thời chiến, các chiến sỹ VĐV Thể Công đã bỏ ra 3 ngày đêm thực hiện các công việc và đã hoàn thành nhiệm vụ. Thử thách đầu tiên trong chiến tranh của các chiến sỹ Đoàn TDTTQD là như thế. Không ai nao núng, tất cả đã sẵn sàng chiến đấu nếu tình huống Mỹ tiếp tục ném bom khu vực Trường. Kiểm điểm lại ngày bị ném bom, một tổ trực chiến của Đ/C Nhật (VĐV bóng chuyền đội 1) báo cáo đã kịp thời bắn 1 băng đạn trung liên theo hướng máy bay Mỹ, tiếc là không trúng song như vậy cũng rất đáng biểu dương bởi sự cảnh giác của các cầu thủ.

Chiến tranh đã thực sự đến với Thể Công như thế đó!

*Xuân Quýnh - Mạnh Hải

http://www.baobongda.com.vn/?bbd=show&ArtID=5443
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bài 6: Trưởng thành từ “ruộng lúa ao bèo”

(Baobongda.com.vn) - Vậy là chiến tranh đã đe doạ sự tồn tại của binh chủng Thể thao QĐNDVN ngay từ những ngày đầu tiên Đoàn TDTT Thể Công bắt đầu giai đoạn mới. Ngày 9/9/1965 đau thương có máu và nước mắt rơi như sự kiện đầu tiên thử thách tinh thần các nhà lãnh đạo và chính các chiến sỹ VĐV.

13315390337582639a4.jpg

Trọng tài Huy Khôi điều khiển hai đội Thể Công (áo sẫm) và CAHN thi đấu năm 1970 trên sân Hàng Đẫy

P1:Chuẩn bị ra “ở riêng”
Vậy là để duy trì sự tồn tại, tiếp tục phát triển chuẩn bị cho tương lai không hề đơn giản. Một câu hỏi được đặt ra: Trước sự phá hoại bằng máy bay ngày càng ác liệt, duy trì việc tập luyện, sinh hoạt thể thao như thế nào đây?

Ban Chỉ huy Thể Công đang thảo luận với nhau đề tài trên thì đầu tuần được lệnh lên gặp lãnh đạo nhà trường. Thiếu tướng Hiệu trưởng Bằng Giang và Đại tá Chính uỷ Lê Tự Đồng thông báo chỉ thị của Hiệu uỷ: “Đoàn TDTT lập phương án tổ chức lực lượng cụ thể, tìm địa điểm thích hợp bảo đảm đơn vị sinh hoạt, học tập, rèn luyện thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đảng bộ Nhà trường. Dù trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm xây dựng Thể Công vững mạnh. Yêu cầu Ban chỉ huy Thể Công triển khai gấp, cuối tuần báo cáo Thường vụ Hiệu uỷ. Chúng ta cần ổn định tình hình gấp và bắt tay vào công việc, thời gian không chờ đợi!” Ngắn gọn và rõ ràng, nhà trường đã tìm ra hướng đi cho Thể Công. Ngay đêm ấy, tại Đồi Vàng thôn Cổ Liễn, xã Cổ Đông huyện Tùng Thiện Sơn Tây (gần doanh trại nhà trường) nơi Thể Công sơ tán sau trận bom ngày 9/9, Ban chỉ huy Đoàn (Đại uý Trưởng đoàn Hồ Quang Quới, Thượng uý phó TĐ Phạm Tất Thắng và chính trị viên Ngô Xuân Quýnh) họp tới 5 giờ sáng, phân công kế hoạch thực hiện lệnh cấp trên. Ngay sáng hôm sau, hội nghị cán bộ chủ chốt Đoàn TDTT được tiến hành nhằm phổ biến chủ trương cấp trên, thảo luận và tìm các giải pháp. Rất nhiều ý kiến quý giá bổ sung đề án của Ban Chỉ huy. Tóm tắt nội dung cơ bản như sau:

- Xác định quyết tâm về tư tưởng, dù chiến tranh ác liệt hơn nữa vẫn một lòng quyết tâm xây dựng đơn vị thành công.

- Xác định việc sơ tán trong dân vùng nông thôn là lâu dài. Giáo dục VĐV thích nghi cách sống cách tập luyện trong điều kiện khó khăn: Đèn dầu, tắm nước ao bèo, giúp dân sản xuất, phòng không, tôn trọng và bảo vệ tín ngưỡng của dân… đồng thời quyết tâm rèn luyện nâng cao thành tích

- Tìm một khu vực nông thôn kín đáo, xa đường quốc lộ, nhà máy, đô thị… nhưng lại dễ di chuyển, cơ động theo nhiều hướng, không cách xa Hà Nội để tiện tổ chức và có thể tham gia thi đấu khi có điều kiện (vì phần lớn các đội thể thao vẫn ở xung quanh Hà Nội).

- Tổ chức lấy quân ngay (sau khi đã kiểm tra đợt ngày 9/9), hình thành lực lượng chuẩn bị kế hoạch huấn luyện lâu dài.

Kế hoạch được Hiệu uỷ nhà trường thông qua ngay. Điều mừng là trong buổi báo cáo hôm ấy, có đầy đủ các đồng chí lãnh đạo cơ quan đầu mối của nhà trường, và Thiếu tướng Bằng Giang đã chỉ thị cho các Phòng Chính trị, Huấn luyện, Hậu cần.. cử cán bộ, giáo viên, cấp ôtô, môtô và các trang thiết bị, vật dụng cần thiết để Thể Công xây dựng nơi ăn ở tốt nhất., bảo đảm “ăn no, đánh thắng”. Các cán bộ nhà trường đều vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ Thể Công ra “ở riêng”. Ban Chỉ huy Thể Công mừng hết chỗ nói!

Làng Đại Tự – doanh trại mới của Thể Công.
Sau một tuần “xắn móng lợn” sục sạo vùng huyện Hoài Đức, Đoàn phó Phạm Tất Thắng và các HLV đã chọn được nơi đóng quân: Làng Đại Tự (Thìa), xã Kim Chung. Nơi đây hội tụ được những vấn đề cơ bản: Xa trục đường QL, kín đáo, xa trận địa phòng không, có đình, chùa với sân rộng, cây cối rậm rạp, giếng nước sạch sẽ… rìa làng có thể xin đất làm sân tập bóng đá… cách Trường HLKTTDTT (Nhổn) chỉ khoảng 30 phút đi bộ, lúc này đang duy trì các đội bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh… (năm 1970 mới giải thể). Làng Thìa Đại Tự cách Hà Nội 15km rất thuận lợi cho việc quan hệ với Tổng cục TDTT và các cơ quan, đơn vị thể thao… Không chỉ thế, nơi đóng quân này chỉ cách Hiệu uỷ Trường SQLQ 20km theo đường chim bay rất tiện cho việc xin ý kiến chỉ đạo của nhà trường.

Đích thân Tướng Bằng Giang và lãnh đạo nhà trường xuống kiểm tra. Và chỉ 10 ngày sau, các chiến sỹ Thể Công lại bùi ngùi tạm biệt Công trường 50 hành quân về nơi đóng quân mới.

Một chương mới của Thể Công thời đánh Mỹ thực sự bắt đầu.

P2:Đại Tự - nơi mở đầu
Vậy là chỉ vẻn vẹn có 10 ngày, mệnh lệnh của Tướng Bằng Giang đã được cán bộ, chiến sỹ Đoàn TDTTQĐ chấp hành nghiêm túc: hành quân về Đại Tự và gắn bó với mảnh đất nông thôn ấy những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất …

8412395473006497TheCong.JPG

Đội Thể Công vô địch miền Bắc năm 1973

Thực hiện chỉ thị vừa tuyển quân, vừa xây dựng cơ sở vật chất để luyện tập, ngày 8/11/1965, gần 100 chú bé lứa tuổi 13 đến 17 của 4 môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, TDDC từ mọi miền đất nước đã được tập trung tại Làng Thìa bắt đầu thực hiện kế hoạch đào tạo VĐV dài hạn.

Những ngày cuối năm ấy, cả làng Đại Tự náo nhiệt, sôi động không khí trẻ trung khi các chú thiếu sinh quân đeo sao, đội mũ, mang quân hàm binh Nhì đầu trọc lốc bắt đầu “bài ca người lính”. Các đội chia nhau từng khu vực về ở nhà dân, mỗi nhà một tổ, nhà nào rộng thì 5 người, nhà chật thì chỉ 2, 3. Nhà ăn tập thể có sức chứa tới 120 người được làm trên mảnh sân sau của vườn Chùa Đại Tự cổ kính. Xác định là lính thời chiến, tất cả mọi công việc không ai được từ nan, kể từ việc giúp dân gặt lúa, gánh nước đến giúp dân sửa sang nhà cửa. Từ việc làm anh nuôi, nấu cơm, đi bắt lợn, thịt lợn… cho đến dạy các em thiếu nhi học hát, học múa… Trong gian khó, hòa đồng với người nông dân, tài năng của nhiều chiến sỹ Thể Công tưởng như chỉ biết đá bóng hay đánh bóng đã được bộc lộ. Ban ngày, nhiệm vụ chính của những anh lính mới là vừa học văn hóa, vừa tập luyện chuyên môn, đồng thời xây dựng sân bãi, nhà cửa, doanh trại. Ban đêm, từng khu vực các đội, các VĐV chia nhau canh gác bảo vệ sự yên bình của đơn vị và nhân dân. Gian khổ, vất vả nhưng không lúc nào làng Đại Tự vắng tiếng hò hát, tiếng vui đùa của các chiến sỹ Thể công “nhí”.

Nhờ tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, chỉ trong vòng 1 tháng, sân bãi tập luyện của các đội, các khu vực công cộng như nhà ăn, hội trường… đã hoàn tất. Đội bóng rổ tự làm sân đủ kích thước ngay trong làng có cây cối bao phủ. Đội bóng chuyền có tới 2 sân bằng đất nện - công trình của các VĐV bóng chuyền. Đội TDDC tập tại sân đình ngay cạnh đền thờ Lý Bí, một nơi tập ngoài trời lý tưởng nấp dưới bóng cây si cổ thụ có vài trăm năm tuổi. Các cầu thủ bóng đá là vất vả nhất. Hợp tác xã đồng ý cho mảnh đất rìa làng, các cầu thủ cả lớp cũ và lớp mới tuyển ngày đêm cày lên, bừa xuống, nhặt đá sỏi, diệt giun đất, san lấp, bừa đất, trồng cỏ, lu sân… hình thành sân bóng đá kích thước 90m x 50m! Không những thế, để ngụy trang, các cầu thủ còn đi đến từng vườn cây của các cụ lão nông xin về những cây phi lao trồng xung quanh sân vừa để có bóng mát. Mương nước bên cạnh sân cũng được tận dụng để làm hầm tránh máy bay. Các cầu thủ bóng đá phải vừa tập, vừa sẵn sàng sơ tán ra xung quanh mỗi khi có máy bay Mỹ.

Với 4 chỉ tiêu đặt ra: 1- Về chính trị: Phấn đấu trở thành Đảng viên. 2- Về quân sự: Học tập để có thể phong quân hàm sỹ quan. 3- Về học vấn: Tốt nghiệp phổ thông. 4- Về chuyên môn: Kiện tướng TT hoặc VĐV cấp I QG. Cho dù sinh hoạt, tập luyện trong những điều kiện hết sức khó khăn, bom rơi, đạn lạc… thậm chí có những người không chịu nổi đã xin loại ngũ, có người trúng tuyển nhưng thấy các VĐV Thể Công sinh họat như những người lính chuẩn bị ra chiến trường nên đã đảo ngũ ngay lập tức… nhưng đại đa số VĐV lớp 1965 ấy đã đứng vững, trưởng thành.

Chỉ sau 5 năm rèn luyện, Thể Công đã vươn lên tầm cao mới. Cho đến những ngày dất nước liền một giải (1975) lúc nào các VĐV Thể Công lớp đào tạo trong chiến tranh cũng là lực lượng nòng cốt của các đội thể thao Quân đội và Quốc gia. Họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối nội, đối ngoại của đất nước trong những thập kỷ 70-80 của thế kỷ XX. Không chỉ là các VĐV ưu tú, họ còn là những HLV, cán bộ, các nhà quản lý TDTT có trình độ, có những đóng góp tích cực trong phong trào chung, được nhiều địa phương ưu ái. Đó là những Nguyễn Đăng Cần (GĐ Trung tâm Thể thao QĐ hiện nay), Nguyễn Hữu Giông, Trần Văn Thư, Nguyễn Văn Tỵ, Cao văn Dũng… (bóng chuyền), Nguyễn Tất Thắng, Cung Quang Sùng, Hoàng Việt Châu, Đỗ Thư Bút… (Bóng rổ), Hoàng Minh Tiến, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Thịnh Vượng… (TDDC), Nguyễn Trọng Giáp, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Văn Nhật, Phan Văn Mỵ, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Duy Phú, Vũ Mạnh Hải… (bóng đá)…

Vì sao lời hứa “Sau chiến tranh chống Mỹ sẽ có một Thể Công ở tầm cao hơn” của Tướng Bằng Giang đã trở thành hiện thực trong chiến tranh ác liệt, gian khổ đủ điều? Vì sao khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, hoạt động thể thao thuận lợi hơn rất nhiều, cuộc sống thêm no ấm nhưng các đội thể thao của Đoàn TDTTQD - Thể Công - sa sút?

* Xuân Quýnh - Mạnh Hải

http://www.baobongda.com.vn/?bbd=show&ArtID=5509
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bài 7: Tầm cao mới

(Baobongda.com.vn) - Hòa đồng với những người nông dân
Kể từ tháng 10/1965, từ Trường SQLQ Sơn Tây, Đoàn TDTT ra “ở riêng” tại làng Đại Tự và từ đây bắt đầu là cuộc rèn luyện gian khổ để trưởng thành trong điều kiện khắc nghiệt của thời chiến. Làm những công việc bình thường đã khó khăn, làm thể thao lại càng gian nan hơn.

6806624785896944TheCong.JPG

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người đứng giữa), Trung tướng Vương Thừa Vũ (đứng sau đại tướng), Thiếu tướng Cao văn Khánh (người thứ 4 hàng đứng bên phải

Để tập luyện tốt cần phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện phải bảo đảm… nhưng tất cả đều thiếu thốn. Một vấn đề luôn gây áp lực với Ban Chỉ huy Đoàn là việc bảo đảm chế độ ăn uống, dinh dưỡng và điều kiện sinh hoạt sau khi tập luyện để có thể hồi phục, tiếp tục tích lũy năng lượng không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Trong điều kiện đất nước tập trung cho việc đánh Mỹ và giải phóng Miền Nam, mặc dù Quân Đội, Nhà trường và các anh chị nuôi trong đơn vị đã làm việc hết mình, dành ưu tiên cho Thể Công, cố gắng cung cấp thực phẩm thiết yếu, giàu calo cho các VĐV, nhưng chắc chắn không thể như thời bình. Trong điều kiện sống ở một làng quê nông thôn, thiếu thốn phải khắc phục, đôi khi bằng cả ý chí và tinh thần. Hòa đồng với cuộc sống của những người nông dân, các VĐV tự giác giúp dân gặt hái, làm ruộng, tăng gia sản xuất. Bất kể là mùa Hè oi bức hay mùa Đông giá buốt, việc tắm nước ao bèo, ăn nước giếng, đồng cam cộng khổ với dân đòi hỏi các chiến sỹ thể thao đa phần vốn quen cuốc sống đô thị phải vượt qua. Các cán bộ, Đoàn, những HLV, VĐV đi trước luôn là những tấm gương mẫu mực giúp các VĐV trẻ noi theo. Thể Công đã sống hòa đồng với những người nông dân để tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp của mình. Các đội 1 vẫn tiếp tục duy trì nâng cao thành tích thể thao đồng thời tham gia các giải đấu do Tổng cục TDTT tổ chức. Trong khi đó, các VĐV thuộc 4 đội trẻ tiến hành chương trình năm thứ nhất với kết quả rất khả quan. Việc đóng quân ở gần Trường HLKT (Nhổn) đã có những tác động rất tích cực khi 2 đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc thi đấu tập luyện nâng cao trình độ…

Một năm sau
Sau 1 năm rèn luyện, các VĐV trẻ Thể Công đang tuổi ăn tuổi lớn không chỉ phát triển mạnh mẽ về thể chất, mà còn vững vàng về tư tưởng, yên tâm, phấn đấu rèn luyện mặc dù chiến tranh tiếp tục ngày càng ác liệt. Về chuyên môn, do tuyển chọn (đầu vào) kỹ lưỡng, chu đáo nên đa số các VĐV tiến bộ vượt bậc về thể lực, trình độ kỹ chiến thuật. Có VĐV bóng đá cao lên 15 cm, nặng thêm 9-10 kg, các tố chất thể lực có bước tiến nhảy vọt so với lúc mới vào. Thực hiện kế hoạch chuyên môn bài bản thường xuyên kiểm tra và có chỉ tiêu cụ thể về kỹ chiến thuật và tư duy bóng đá, sau 1 năm cả 4 bộ môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, TDDC đã phát hiện nhiều VĐV tỏ rõ năng khiếu đặc biệt, có khả năng trở thành những VĐV xuất sắc nếu tiếp tục được rèn luyện tốt. Từ thực tiễn ấy, qua những cuộc thi đấu giao lưu với các đội thể thao của Trường HLKTTDTTT, Hệ Văn hóa Đại học TDTT Từ Sơn, Hà Nội và một số tỉnh thành… tiếng lành đồn xa, Lãnh đạo Tổng Cục TDTT đã tới kiểm tra, công nhận thành tích và sau đó tổ chức “Hội nghị xây dựng lực lượng” điển hình ngay tại làng Đại Tự, rút kinh nghiệm để chỉ đạo các địa phương khác cách làm thể thao thời chiến. Tổng cục TDTT đã biểu dương những thành công nổi bật của Thể Công. Đ/C Tạ Quang Chiến, Tổng cục trưởng TC TDTT cho rằng: “Những thành tích Đoàn Thể Công đạt dược sau 1 năm rèn luyện trong điều kiện khó khăn của chiến tranh thực sự quý giá, nó chứng minh sức sống mãnh liệt của thể thao Việt Nam!” Đúng như thế! Chiến tranh dù gian khổ ác liệt đến đâu, nhưng nếu có quyết tâm, có chủ trương, định hướng đúng, nhất định mọi việc sẽ làm được!

Tập huấn nước ngoài, sự bứt phá ngoạn mục
Vui mừng về những kết quả đạt được sau 1 năm rèn luyện nhưng những nhà hoạch định chiến lược phát triển của Thể Công không thỏa mãn. Một vấn đề đặt ra: Trong điều kiện hiện tại, nếu chỉ tiến với tốc độ như vừa qua thì lớp trẻ hiện nay dù rất nhiều tiềm năng cũng không thể có sự bứt phá mạnh mẽ, khó vượt qua lớp đàn anh. Và giải pháp tất cả đều nhất trí là: Đề nghị Hiệu ủy Nhà trường cho đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Vừa nghe Ban chỉ huy Đoàn trình bày, Hiệu ủy Trường SQLQ và Thiếu tướng Bằng Giang đồng ý ngay và lập tức báo cáo Bộ. Rất khẩn trương, một cuộc họp bàn về chuyên đề gửi các VĐV trẻ Thể Công đi tập huấn dài hạn nước ngoài được Phó Tổng Tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ tổ chức với sự tham dự của những tướng lĩnh cao cấp phụ trách những đơn vị liên quan. Rất may là họ đều hiểu và ủng hộ Thể Công. Đó là các tướng Trịnh Đình Cửu (Cục Cán bộ), Đỗ Đức (Cục Quân lực), Nguyễn Đồng (Cục Đối ngoại)… Chủ trương “tập huấn nước ngoài” được nhất trí thông qua nhanh chóng. Vấn đề còn lại là: Chọn địa điểm tập huấn…

*Ngô Xuân Quýnh - Vũ Mạnh Hải

http://www.baobongda.com.vn/?bbd=show&ArtID=5643

Về chuyên gia Ngô Xuân Quýnh

images858985_NgoXuanQuynh.jpg


Ông sinh ngày sinh ngày 16/3/1933 tại Hưng Nguyên, Nghệ An từng là một cầu thủ và HLV của Thể Công nhưng sự nghiệp của ông gắn liền với chức danh Trưởng đoàn của đội bóng quân đội.

Bằng tâm huyết cùng năng lực tổ chức, chuyên gia Ngô Xuân Quýnh góp công đầu trong việc duy trì sự tồn tại (trong đầu những năm 1960, nếu không có sự thuyết phục của ông với cấp trên thì thậm chí Thể Công có nguy cơ giải tán) cũng như xây dựng lực lượng (điển hình nhất là lứa trẻ Thể Công đi tập huấn tại Triều Tiên năm 1967) cho đội bóng số một Việt Nam trong suốt một thời gian dài.

Chuyên gia Ngô Xuân Quýnh không chỉ là ''công thần'' với đoàn bóng đá Thể Công mà còn cả với bóng đá Việt Nam nói chung. Từng đảm nhiệm nhiều trọng trách trong LĐBĐVN (Phó Chủ tịch khoá I, Uỷ viên BCH khoá 1,2,3, Chánh văn phòng khoá 3, Phó ban bóng đá phong trào và phát triển tổ chức LĐ khoá 4 ...), ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong những năm đầu của thập niên, đặc biệt là việc tổ chức các giải trẻ.

Chuyên gia Ngô Xuân Quýnh còn là một ''cuốn sử'' cả bóng đá Việt Nam với những câu chuyện, tài liệu có thể trở thành những bài học lớn cho các thế hệ những người làm bóng đá sau này.

Với những đóng góp của mình cho ngành thể thao, chuyên gia Ngô Xuân Quýnh nhận được Huy chương vì sự nghiệp TDTT và huy chương Vì sự nghiệp trẻ. Ông cũng được trao Huy hiệu 50 năm tuôỉ đảng, Huân chương quân công hạng 3, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và Huy chương chiến công hạng nhất.

Ông qua đời lúc 6h10' ngày 25-12-2006, hưởng thọ 73 tuổi

TB: khi search tên ông trên Wiki Tiếng Việt thì không thấy, nhưng lại thấy trên Wiki Indonesia :D
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Tạm thời lịch sử Thể Công đến đây là khoảng năm 1965 sau đó còn đi tập huấn nước ngoài rồi còn SKDA nhưng mấy bài trên báo bóng đá em thấy đến đây là hết. Có gì em tìm rồi đưa lên sau.

Ngày 5-8 tới sẽ là trận Community Shield giữa MU và Chelsea nên em làm một bài về lịch sử cái này.

Lịch sử FA Community Shield

CS_ManULiverpool_share_L.jpg

Năm 1990, MU và Liv cùng chia nhau danh hiệu sau trận hòa 1-1.

FA Community Shield, còn được biết đến với cái tên Charity Shield hay siêu cúp nước Anh được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1908. Nó là sự kế thừa từ “Sheriff of London Shield”- một sự kiện bóng đá được tổ chức thường niên từ 1898 đến 1907 dành cho đội đứng đầu giải chuyên nghiệp và đội đứng đầu giải nghiệp dư.

Điển hình là năm 1904, Corinthians- một đội bóng nghiệp dư đã đánh bại nhà đương kim giữ cúp FA là Bury với tỉ số 10-3.

Năm 1908, trong lần đầu tiên trận đấu được tổ chức dưới danh nghĩa FA Charity Sheild (cái tên tồn tại từ năm 1908 đến năm 2002), Manchester United, lúc đó vừa mới vô địch nước anh lần đầu tiên trong lịch sử của mình, đã đánh bại đội vô địch giải miền Nam Queens Park Rangers để trở thành đội giữ khiên vô địch đầu tiên trong lịch sử. United đã thắng 4-0 trong trận đấu lại trên sân Stamford Bridge sau khi hai đội đã hòa nhau 1-1 trước đó tại cùng sân vận động này. Cũng kể từ đó, một trận đấu tranh khiên vô địch chỉ được tổ chức một lần và không có thi đấu lại trong trường hợp hai đội hòa nhau trong thời gian chính thức.

Vào năm 1974, thư ký của FA là Ted Croker đã đề nghị FA Charity Shield nên được tổ chức ở Wembley như một trận đấu mở màn cho một mùa giải mới giữa đội đương kim vô địch quốc gia và đội đương kim đoạt cúp FA. Khác với trước đó khi mà trận đấu còn chưa được coi trọng và được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau và thường thu hút cả những đội không đoạt danh hiệu gì cả.
Từ đó, FA Charity Shield đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất của bóng đá anh mà điển hình là trận tranh khiên vào tháng 8 năm 2004 giữa MU và Arsenal diễn ra trên sân thiên niên kỷ ở Cardiff trước sự chứng kiến của 63,317 khán giả và được truyền hình trực tiếp đến hơn 270 triệu người trên toàn thế giới.

Trong thời gian được tổ chức ở Wembley từ năm 1974 đến 2000, hơn 5 triệu bảng thu được từ trận đấu đã được FA phân phối tới các tổ chức từ thiện (cái tên Charity hay Community cũng bắt nguồn từ hoạt động này), phần lớn trong số đó đến từ các CLB tham gia vào trận đấu.

Nhà tài trợ hiện nay của FA Community Shield là McDonald.

Con số và sự kiện:
-Trận đấu có tỉ số đậm nhất là trận thắng 8-4 của MU trước Swindon Town và năm 1911. Một phần số tiền của trận đấu đã được đóng góp cho quĩ của thị trưởng London dành cho các nạn nhân của thảm họa Titanic.

-Trận đấu duy nhất không có các CLB tham dự là vào năm 1950 giữa đội hình tuyển Anh tham dự World Cup 1950 với một đội bóng của Canada. Ở trận đấu đó, tuyển Anh đã giành chiến thắng 4-2 trên sân Stamford Bridge.

-Năm 1967, thủ thành của Spurs là Pat Jennings đã ghi một bàn thắng từ khu cấm địa đội nhà vào lưới của MU trên sân Old Trafford. Trận đấu cuối cùng kết thúc với tỉ số 3-3.

-Trong trận đấu đầu tiên trên sân Wembley vào năm 1974, 67,000 khán giả đã chứng kiến Liverpool đánh bại Leeds với tỉ số 6-5 trong một buổi chiều nóng bức, khi mà Billy Bremner và Kevin Keegan đã bị đuổi khỏi sân.

-Đã có những thời điểm (nhất là những năm 80, đầu 90), cả hai đội tham dự đã phải chia sẻ danh hiệu cho nhau và mỗi đội giữ khiên 6 tháng. Đến năm 1993, khi mà luật Penalty được áp dụng trở lại thì tình trạng này không còn xảy ra.

-Cantona là cầu thủ đã ghi một Hat-trick vào lưới Liverpool trong trận thắng 4-3 của Leeds. Nhưng ngay mùa giải bắt đầu sau đó, anh đã trở thành người của MU.

-MU đã xuất hiện không ít hơn 7 lần trong trận đấu này trong những năm 90, thắng 4, hòa 1 và thua 2. Lần gần đấy nhất là vào năm 2003 trong trận đấu thứ 22 của họ trong lịch sử.

-Các đội giành khiên nhiều nhất là: MU (11 lần riêng, 4 lần chia sẻ); Arsenal (11 lần riêng, 1 lần chia sẻ); Liverpool(10 lần riêng, 5 lần chia sẻ).

Quang quác :D, dịch từ thefa.com
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Lập topic mà để nó chìm thì cũng chán :D
Hôm nay động lòng phù phiếm thì lại nhớ ra anh Tuấn :D
Đào tung khắp nơi mới lại ra 1 bài về the Kong giai đoạn đi tập huấn Triều Tiên và những năm 70
Đây có thể coi là một thế hệ vàng của the Kong

Thế hệ của những chiến công

Không đi SEA Games, cũng chẳng dự ASIAD, Olympic hay World Cup, hẳn đó là thiệt thòi của các thế hệ cầu thủ miền Bắc trước đây. Và có thể là thiệt thòi lớn nhất của thế hệ cầu thủ Thể Công những năm 70 này, vì họ đã tạo lập một bảng thành tích vang dội nhất trong các thế hệ cầu thủ VN trên đấu trường quốc tế, thông qua các trận giao hữu với các nền bóng đá mạnh. Học cũng không có may mắn được ghi danh nhiều vào bảng thành tích quốc gia chính thức, bởi chỉ còn một vài cầu thủ của thế hệ ấy tham dự vào danh hiệu VĐQG lần 2 của nước VN thống nhất (lần 1 CLBQĐ-TC không tham dự), trong đó có đội trưởng Phan Văn Mỵ.

Nhưng tưởng rằng nhắc lại những chiến công của họ cũng giúp độc giả hình dung được phần nào sức mạnh của một thế hệ và trong so sánh quốc tế, ĐTVN hiện tại có nằm mơ cũng không thấy.

Chuyến viễn du nổi tiếng nhất của những Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Trọng Giáp, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Trần Văn Khánh..., là chuyến đi thăm Trung Quốc năm 1974. Những người theo dõi lịch sử BĐVN kể lại rằng đây mới là thế hệ thứ hai của BĐVN khi đá với các cầu thủ Trung Quốc mà không phải "chạy theo đuôi". Thế hệ thứ nhất là của những Lê Thế Thọ, Trần Duy Long. Trái lại, những người Hoa lại phải "chạy theo đuôi" Ba Đẻn, ngơ ngác trước những cú xoạc bóng của Vương Tiến Dũng, và chịu lép vế trước những "ông chủ" của khu vực giữa sân Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải. Thể Công chơi 11 trận trong chuyến đi ấy, thắng 8, hoà 2 và chỉ thua 1, trong đó có trận "đại phá" đội Bát Nhất 4-1 ngay trên sân Công Nhân, và cầm hoà với đội VĐQG Bắc Kinh. Tiền vệ Phan Văn Mỵ kể lại: "Lúc mới sang, phía Trung Quốc khá coi thường chúng tôi, nhưng sau vài trận đầu bị thua tơi tả, các đội bóng của họ chuẩn bị rất chu đáo trước khi tiếp chúng tôi, và luôn luôn bổ sung các tuyển thủ quốc gia từ các đội bóng khác". Niềm tự hào của người Trung Quốc, đội Bát Nhất, sau đó có sang Việt Nam "đáp lễ", với ý định đòi lại món nợ trên sân Công Nhân, nhưng món nợ lại được chất thêm ở sân Cột Cờ (thua 0-1). Thế hệ cầu thủ ấy của Bát Nhất sau này có nhiều người trở thành lãnh đạo của đội bóng này, trong chuyến sang VN dự Cup Độc lập vào những năm 94, 95 đã không giấu diếm sự ngưỡng mộ đối với các cầu thủ Thể Công hồi đó, và tỏ ra ngạc nhiên vì BĐVN giờ đây đã không nối tiếp được thế hệ đó.

Hành trình của chuyến tập huấn nước ngoài


Tháng 10/1997, 26 cầu thủ trẻ được tuyển lựa kỹ càng nhất và đã qua một thời gian huấn luyện cơ bản tốt của Thể Công ở tuổi 18, 19 được đưa sang CHDCND Triều Tiên tập huấn đúng 1 năm, với người thầy là HLV Nguyễn Văn Tiền. Ông Vũ Mạnh Hải kể lại rằng đó là một HLV nghiêm khắc- xuất thân từ Mỹ Tho- với triết lý bóng đá đơn giản: bóng đá là nghệ thuật của thể lực. Phía Triều Tiên tạo điều kiện cho đội tập luyện, cả về điều kiện vật chất, thu xếp đối tượng cọ xát, nhưng không hề hỗ trợ về mặt chuyên môn, coi đó như là bí quyết của họ. Việc huấn luyện độc lập không cản trở HLV Nguyễn Văn Tiến đưa các cầu thủ của mình tiến bộ nhanh chóng. Khi mới sang, các cầu thủ trẻ Thể Công thua đội 3 của đội Quân đội Triều Tiên, nhưng ở trận đấu cuối cùng với đội 1 của đội này, trong đội hình có 3 tuyển thủ quốc gia Triều Tiên thành công rực rỡ ở Anh 2 năm trước đó (vào tứ kết World Cup 66), các cầu thủ Thể Công làm đối phương chật vật phải nổi xung lên, chỉ thắng được 1 bàn cách biệt (theo ông Phan Văn Mỵ thì Thể Công thua 2-3, còn ông Vũ Mạnh Hải nhớ rằng Thể Công thua 0-1).

Mặc dù không có chuyên gia nước ngoài giúp sức, nhưng ông Vũ Mạnh Hải- hiện nay là Trưởng Tiểu ban thông tin tuyên truyền của LĐBĐVN- nhận định rằng việc tập huấn ở Triều Tiên như vậy đã tạo điều kiện cho các cầu thủ tập trung sâu sắc vào bóng đá, cùng với điều kiện tập luyện thuận lợi hơn ở quê hương lúc đó, đối tượng cọ xát trình độ cao, và một HLV xứng đáng đã giúp cho các cầu thủ Thể Công khi ấy đạt được một sự tiến bộ nhanh chóng.

Tháng 10/1968 đội trở về VN, và năm sau thì sang Hungari trong một đợt tập huấn 6 tháng. Hungari khi ấy thuộc vào một trong những nền bóng đá mạnh nhất châu Âu và thế giới. Các cầu thủ Thể Công đến đó với một sự ngưỡng mộ và tinh thần cầu thị lớn. Đấu tập với các đội hạng nhất của Hungari, đội của Thể Công đều thua cách biệt từ 3 bàn trở lên, nhưng chuyến tập huấn ấy đã dạy cho các cầu thủ Thể Công biết cách đối đầu có hiệu quả với những cầu thủ có thể hình vượt trội, hơn nữa lại có kỹ thuật vào bậc nhất châu Âu. Nó cũng mang lại một điều không kém phần quan trọng: sự tự tin trước các cầu thủ có đẳng cấp quốc tế. Nhờ đó, các cầu thủ Thể Công sau này đã giành được những kết quả khả quan trước đội tuyển Cuba, các đội tuyển ngoại hạng của CHDC Đức, và nhất là các đội bóng hàng đầu Trung Quốc.

Bí quyết của thành công: tập luyện, tập luyện, và tập luyện.

Cả ông Phan Văn Mỵ và ông Vũ Mạnh Hải đều khẳng định chắc như đinh đóng cột: điều cốt yếu dẫn đến sự thành công là tập luyện không ngơi nghỉ và có phương pháp. Điều đó tạo nên sự ổn định trong kỹ thuật, định hình và phát triển tư duy chiến thuật, đánh thức những tiềm năng của các cá nhân cầu thủ.

Trong đợt tập huấn tại CHDCND Triều Tiên, các cầu thủ Thể Công tập luyện miệt mài. Mỗi ngày tập hai buổi chính và một buổi phụ. Tập không trừ ngày Chủ nhật, ngày lễ. Nhiều cầu thủ trong suốt một năm ở Triều Tiên không biết đến 1 ngày nghỉ. Ngay cả chuyện ốm cũng khó xảy ra, bởi việc tập luyện đều đặn và có phương pháp đã tạo ra cho họ một sức đề kháng và khả năng chịu đựng khác thường. Các cầu thủ đạt được sự tiến triển mạnh mẽ về sức mạnh cho phép họ tranh đua sòng phẳng với các đối thủ Châu Âu trong so đọ, tranh chấp thế lực. Ông Vũ Mạnh Hải nhớ lại: "Nhờ thể lực sung mãn và nhiều sức mạnh, lúc ấy chúng tôi không thua kém gì trong bất kỳ các cuộc tranh chấp nào phải dùng đến thể lực. Ngay cả các pha bóng bổng chúng tôi cũng hiếm khi bị thua, một phần vì ngăn chặn tốt các cú tạt bóng, nhưng quan trọng là sức mạnh thể lực đã giúp các hậu vệ Thể Công ngăn cản được đối phương khi tranh chấp ở tầm cao, dù các cầu thủ Thể Công khi ấy còn có chiều cao hạn chế hơn nhiều so với các cầu thủ Việt Nam hiện nay; chỉ có hai người (trừ thủ môn) cao trên 1m70, còn lại đều rất thấp: Anh Mỵ cao 1m64, tôi 1m65, anh Thêu 1m63, anh Đẻn 1m62... Thế nhưng hầu hết đều có cơ thể rất dày và tất cả đều săn chắc nhờ tập luyện. Chứ mảnh khảnh như Triệu Quang Hà bây giờ làm sao tranh chấp với các cầu thủ châu Âu".

HLV Nguyễn Văn Tiền cũng quan niệm bóng đá là một môn chơi mang tính tập thể, vì vậy các cầu thủ phải đặt việc phối hợp đồng đội lên hàng đầu. Trong tập luyện, ông chỉ cho phép các cầu thủ sử dụng tối đa 2 lần chạm bóng trong mỗi pha xử lý. Ông Vũ Mạnh Hải kể: "Điều đó làm anh Cầu và anh Đẻn (hai tiền đạo có kỹ thuật thượng hạng của Thể Công khi ấy- TT&VH) rất khó chịu. Nhưng họ bị buộc phải tuân theo lại tạo ra một hệ quả tích cực và về sau: khi có đồng đội trợ giúp các anh có thể phối hợp, còn không thì họ có thể tự cầm bóng tấn công". Đội Thể Công đi đến gần một khuôn mẫu điển hình của "lối chơi Việt Nam", dựa trên sự phối hợp đồng đội gắn bó bằng lối chơi nhanh, nhỏ và khả năng luồn lách linh hoạt của các cầu thủ tuyến trên.

Việc tập luyện đều đặn và có phương pháp đã phát triển những khả năng tiềm tàng của từng cầu thủ, cũng như biết được giới hạn của họ. Ông Vũ Mạnh Hải nói rõ thêm: "Có nhiều người bộc lộ năng khiếu từ rất sớm, và tỏ ra vượt trội so với đồng đội từ khi còn rất trẻ, nhưng lại sớm dừng lại. Chỉ có anh Mỵ và anh Đẻn vẫn chứng tỏ được năng khiếu của mình khi đã trưởng thành, và vị trí của họ là không thể thay thế. Trái lại, nhiều người tỏ ra rất bình thường ở giai đoạn đầu nhưng khả năng của họ lại phát triển liên tục và vững chắc cho đến khi trưởng thành. Kinh nghiệm này giờ đây vẫn còn là một bài học đối với chúng tôi trong vấn đề tuyển chọn năng khiếu".

Vậy đâu là sự khác biệt giữa thế hệ cầu thủ của Thể Công khi ấy với cầu thủ Thể Công hiện nay nói riêng và cầu thủ Việt Nam nói chung khiến cho thế hệ ấy tập luyện miệt mài và được sàng lọc hợp lý, còn thế hệ hiện nay thường bị phân tán và đôi khi được sàng lọc không thích đáng?

Thứ nhất là khâu tuyển chọn. Thế hệ cầu thủ Thể Công khi ấy được lựa chọn kỹ càng và công phu, nằm trong một chiến lược đầy tham vọng của lãnh đạo ngành Quân đội và thể thao Quân đội. Họ từ khắp nơi ở miền Bắc. Chẳng hạn ông Vũ Mạnh Hải từ Hà Tây, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Văn Nhật từ Hải Phòng, Nguyễn Trọng Giáp từ Quảng Ninh... Những cuộc tuyển chọn cũng không bị cản trở bởi những nhận xét cảm tính, như trường hợp của Ba Đẻn chẳng hạn, khi đó là một anh chàng không được khôi ngô cho lắm, và một thể hình còi cọc- những lý do mà sau này Thể Công đã không tuyển Văn Sỹ Hùng. Trái lại, một số rất lớn các cầu thủ Thể Công hiện nay là con em trong ngành, điều đó vừa không thúc đẩy ngành TDTT Quân đội đi tìm kiếm tài năng trẻ ở những nơi xa xôi, "hẻo lánh", đôi khi lại trở thành gánh nặng cho đội, như Nguyễn Mạnh Dũng hay Nguyễn Mạnh Tú chẳng hạn.

Thứ hai là yếu tố tinh thần. Ông Phan Văn Mỵ giải thích: "Trước đây cầu thủ chỉ có bóng đá, bây giờ nhiều cái chi phối nên các cầu thủ thiếu tập trung vào bóng đá, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi hơn". Ông Vũ Mạnh Hải nói rõ hơn: "Trước đây mỗi cầu thủ chúng tôi khi được tuyển vào Thể Công đều nuôi một tâm niệm thành tài với bóng đá, không có gì khác ngoài bóng đá. Khi sang Triều Tiên, sinh hoạt lại tốt hẳn ở nhà, dù thức ăn ở đó không ngon- nhiều khi chỉ là cá biển, cá khô, nhưng nói chung là không thiếu về khẩu phần-nên càng hăng say tập luyện. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi, nhiều nhu cầu mới nảy sinh, những cầu thủ không giàu ý chí sẽ khó mà tập trung hoàn toàn vào bóng đá, nhưng tiếc là số đó lại quá nhiều".

Thay lời kết

BĐVN đã từng có một thế hệ cầu thủ được đào tạo tốt và dù chưa được kiểm chứng hoàn toàn thông qua thành tích quốc tế ở giải chính thức thì chúng ta cũng có thể khẳng định trình độ của họ đạt ngang tầm châu lục- đó là thế hệ cầu thủ Thể Công những năm 70. Họ có được trình độ ấy nhờ họ được đặt vào một quỹ đạo đúng trong một kế hoạch giàu tham vọng, và bản thân họ cũng giàu nghị lực, được huấn luyện có phương pháp.

Liệu BĐVN sẽ lại có những "thế hệ vàng", vào thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba?
Hồng Ngọc.



Đây ko phải là bài tiếp theo loạt bài phía trên của báo bóng đá, nó chỉ tiếp diễn về mặt thời gian trong lịch sử của the Kong thôi, bài này dài nên cứ cách một đoạn lại để một quote cho thuận mắt
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Năm 1967, Thể Công từng đưa cầu thủ đi đào tạo nước ngoài

Kế hoạch đưa cầu thủ trẻ đi đào tạo dài hạn ở Hungary năm nay không phải là lần đầu tiên Thể Công gửi cầu thủ đi nước ngoài đào tạo. Thế hệ cầu thủ áo lính như Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Trọng Giáp cũng từng được đưa đi Triều Tiên tập huấn gần một năm.

V1.jpg

Trưởng đoàn Ngô Xuân Quýnh (trái) cùng ông Vương Tiến Dũng (khi đó là cầu thủ) tại Triều Tiên.

Đầu tháng 10/1967, trưởng đoàn Ngô Xuân Quýnh cùng 26 cầu thủ Thể Công ở độ tuổi 17, 18, em út của đội là Hoàng Văn Gia (hiện là HLV phó ở ĐTQG) lên tàu đi xuyên qua Trung Quốc sang Triều Tiên. Các HLV là Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Minh Cảnh, Nguyễn Công Hùng. Trong danh sách hồi ấy, có rất nhiều cầu thủ đã nổi danh trên sân cỏ và tiếp tục gắn bó với bóng đá tới bây giờ. Đó là Vương Tiến Dũng (hiện là HLV Bình Dương), Nguyễn Trọng Giáp (Phó ban các ĐTQG), Vũ Mạnh Hải (Phó tổng biên tập báo Bóng đá), Nguyễn Văn Nhật (cựu trưởng đoàn Thể Công)...

Khi tới Triều Tiên, đoàn Thể Công ở tại trung tâm của một đội bóng quân đội thường xuyên có nhiều cầu thủ được gọi lên tuyển. Điều kiện ăn ở tại đây tốt, nhất là khi ở nhà, Việt Nam hồi đó vẫn đang trong hoàn cảnh chiến tranh. Thể Công đề nghị các HLV của đội bạn làm thày giúp cho, nhưng phía bạn từ chối vì theo họ tự làm lấy thì sẽ tốt hơn ỷ lại người khác.

Mang tiếng đi nước ngoài, nhưng những ngày tháng tập luyện bên đất bạn cũng gian khổ không kém, khi điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt. Mùa đông, nhiệt độ xuống -17 độ C, khi tập chạy việt dã xong, tay cứng lại rút găng ra khó khăn, đã có anh em khóc. Nhưng rồi, những tin vui thắng trận từ quê nhà báo sang, ước mơ được đá giao hữu với các đội bóng trong Nam ngày càng gần, ý chí cầu thủ tăng cao. Nhiều buổi chạy tốc độ, cầu thủ xin chạy kiểm tra lại nhiều lần. BHL cũng rất quan tâm tới việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cầu thủ.

Chính những ngày ở Triều Tiên, BHL cũng nghĩ ra nhiều mẹo để bồi dưỡng thể lực cho cầu thủ. Thế Anh (Ba đẻn) chỉ nặng 50 kg, nhưng nhờ ăn một củ sâm hầm gà cách thuỷ nhạt muối sau đó nghỉ tập 10 ngày để ít ra mồ hôi. Kết quả, Thế Anh tăng thêm 3 kg.

Trong đợt tập huấn, đội có 40 trận đấu tập với bạn. Các đội bạn mạnh, những vẫn thích đá với các cầu thủ Thể Công nhỏ người nhưng nhanh nhẹn, kỹ thuật nhỏ khá, đá biến hoá. Tháng 5/1968, Thể Công dự giải trẻ Quân đội nhân dân Triều Tiên có 8 đội tham gia, đá mỗi ngày một trận. Thể Công thắng 4 trận, thua 2. Sau đó, Thể Công tiếp tục dự hai giải trẻ toàn quân, thắng 3 trận, thua 2 trận. Sau đó, Thể Công còn đá thêm một số trận. Trong số 40 trận, người đá nhiều nhất là Phan Văn Mỵ (14 trận).

Sau gần một năm tập luyện bên Triều Tiên, đoàn Thể Công lên đường về nước sau một bữa đãi các bạn Triều Tiên món thịt cầy dân tộc. BHL nhận định, trong 26 cầu thủ hồi đó có 15 người có triển vọng, trong đó 7-10 cầu thủ có thể đá ở đội một Thể Công và cả cho ĐTQG. Tiền đạo có Vũ Đình Bội, Thế Anh, Ngọc Chí..., tiền vệ có Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải,... hậu vệ là Duy Phú, Trọng Giáp, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Văn Nhật... Về sau, những cầu thủ này đã nhanh chóng trở thành trụ cột của Thể Công và cả đội tuyển quốc gia trong những năm 70.

Khi về nước, đội đã thi đấu báo cáo với Công an Hà Nội 2 trận lần lượt với tỷ số thua 0-1 và thắng 4-2, thua đội một Thể Công 1-2, thắng Phòng không 4-0.

http://vnexpress.net/Vietnam/The-thao/2005/05/3B9DE2E9/
 
Lập topic mà để nó chìm thì cũng chán :D
Hôm nay động lòng phù phiếm thì lại nhớ ra anh Tuấn :D
Đào tung khắp nơi mới lại ra 1 bài về the Kong giai đoạn đi tập huấn Triều Tiên và những năm 70
Đây có thể coi là một thế hệ vàng của the Kong

ừ thì "phù phiếm"

còn chuyện lập topic xong nó chìm thì... cứ nhìn anh chú đây này :((
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên