Baudelaire - Nhà thơ vĩ đại của văn học "hậu" Lãng mạn Pháp (Thế kỷ XIX) đã viết: "Hãy say đi - lúc nào cũng phải say. Tất cả là ở đấy, đấy là vấn đề duy nhất. Để không cảm thấy gánh nặng khủng khiếp của thời gian... Bạn phải say, lúc nào cũng say. Nhưng say gì? Rượu, thơ, đạo đức... tuỳ bạn. Nhưng hãy say đi!... "
Và tôi đã say theo lời khuyên của Baudelaire...
Cũng theo Baudelaire thì :“Thi sỹ có một đặc quyền vô song, vừa là mình, vừa là người khác tùy theo ý thích của bản thân.”
Tôi không biết làm thơ (chỉ đang tương tư một người biết làm thơ thôi) song cũng tự cho mình cái quyền ấy.
Thế là :
Lúc thì tôi là một “họa sỹ bé xíu vẽ chân dung” theo trường phái hội họa của Jacques Prévert (mấy họa sỹ trẻ mà tôi có dịp nói chuyện chả biết gì về trường phái này)
Để vẽ chân dung một con chim
Thơ : Jacques Prévert
Dịch thơ : Khải Hoàn
Đầu tiên vẽ chiếc lồng
Với cửa lồng để ngỏ
Tiếp theo vẽ gì đó
Giản dị và xinh xinh
Tốt và ích cho chim.
Rồi dựa toan vào cây
Trong vườn hoặc trong rừng
Ẩn mình sau cái cây
Không nói năng động đậy...
Đôi khi chim nhanh tới
Nhưng cũng có thể là
Mất nhiều năm dằng dặc.
Trước khi ra quyết định
Đừng nản chí chờ mong.
Chờ, nếu phải nhiều năm
Chim tới nhanh hay chậm
Điều đó không câu nệ
Với chuyện vẽ thành công.
Nếu có lúc chim tới
Hãy hết sức lặng thinh
Chờ cho chim vào trong
Khi chim đã vào lồng
Đóng cửa lồng khe khẽ
Bằng một cây cọ vẽ.
Sau đó xoá nan lồng
Từng thanh từng thanh một
Cố gắng tránh có chạm
Vào những chiếc lông chim.
Rồi vẽ cây cho chim
Lựa chọn cành đẹp nhất
Vẽ lá xanh, gió mát
Vẽ bụi nắng, thanh âm
Của cỏ cây muông thú
Trong cái nóng mùa hè.
Rồi chờ chim tự hót.
Nếu chim mà không hót
Là dấu hiệu xấu rồi
Báo bức tranh vẽ tồi.
Nhưng nếu chim mà hót
Dấu hiệu tốt báo rằng
Bạn có thể ký vào
Thì hãy thật se sẽ
Bứt lấy một lông chim
Tên mình bạn hãy viết
Vào một góc bức tranh. (KKH)
Lúc thì tôi là một người cha yêu thương con hết mực
Các tháng của năm
Thơ : Alain Bosquet
Dịch thơ : Khải Hoàn
Tháng Giêng để nói : “chào năm”
Tháng Hai để nói : “phải cần tuyết tan”
Tháng Ba : “chim lại theo đàn”
Tháng Tư nói với hoa : “nàng nở ra”
Tháng Năm : “công nhân - bạn ta”
Tháng Sáu bảo biển : “mang mình thật xa” ( Bravo Tháng Sáu, Chèo Thuyền, Đò Đưa, tôi cũng thích tháng Sáu nhất ! )
Tháng Bẩy : “mùa nắng đây mà”
Tháng Tám : “hạnh phúc vì ta là người”
Tháng Chín : “lúa hãy chín vàng”
“Tự do, đồng chí” – Tháng Mười nói đây
Mười Một : “hãy trút lá cây”
Mười Hai : “tạm biệt năm nay, an lành”
Mười hai tháng cộng lại bằng
Một năm để bảo con rằng : “Yêu con.”
Và dạy các con mình bài học hội họa đầu tiên
Trường mỹ thuật
Thơ : Jacques Prévert
Dịch thơ : Khải Hoàn
Trong một cái hộp bện bằng rơm
Người cha chọn một viên giấy nhỏ
Và ông quăng nó
Vào trong chậu thau
Trước những đứa con tò mò của ông
Bấy giờ hiện ra
Bao nhiêu mầu sắc
Bông hoa lớn giống Nhật Bản
Bông hoa súng trong chốc lát
Và những đứa con nín thinh
Kinh ngạc
Trong ký ức chúng mãi về sau
Bông hoa này không thể tàn phai
Bông hoa bất chợt này
Được tạo ra vì chúng
Trong phút giây
Trước mắt chúng.
Và hôm nay, lần thứ n tôi đọc lại tác phẩm “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Éxupery :
Bởi vì tôi không muốn người ta đọc cuốn sách của tôi một cách hời hợt. Khi kể lại các kỉ niệm này, tôi buồn tủi biết bao nhiêu. Sáu năm đã qua, từ khi cậu bạn tôi đi mất với con cừu của em. Nếu như tôi cố gắng tả lại em ở đây, chính là để tôi không quên em. Thật là buồn nếu ta quên một người bạn.
...
Ôi ! Ông hoàng bé nhỏ ơi, dần dà, như vậy đó, tôi hiểu ra cuộc đời nhỏ nhoi buồn bã của em. Bao lâu nay em chỉ nhờ sự êm đềm của hoàng hôn để mà khuây khỏa.
...
- Có một ngày, tôi nhìn mặt trời lặn bốn mươi ba lần !
Một chốc sau, em nói thêm
- Ông biết đấy... khi người ta buồn quá, người ta thích cảnh mặt trời lặn...
- Thế cái ngày bốn mươn ba lần mặt trời lặn ấy, có phải em buồn quá không ?
Nhưng ông hoàng bé nhỏ không trả lời.
...
Ngày ấy tôi chẳng biết cách hiểu, Đáng lẽ tôi phải xét đoán nàng trên việc làm chứ không phải bằng lời nói. Nàng tỏa thơm tôi, làm cho tôi sáng rực lên. Đáng lẽ tôi không bao giờ nên bỏ đi cả. Đáng lẽ tôi phải thấy được cái dịu hiền của nàng đằng sau mọi đòi hỏi đáng thương ấy. Loài hoa thường hay mâu thuẫn ! Nhưng bấy giờ tôi còn quá trẻ để mà biết yêu nàng.
...
Nhà doanh nghiệp biết không hi vọng gì được yên thân :
- Triệu những vật nho nhỏ đôi khi ta nhìn thấy trên trời ấy.
- Những con ruồi ?
- Không phải, những vật nhỏ lấp lánh ấy.
- Những con ong ?
- Không mà...những vật nho nhỏ vàng óng vẫn làm cho bọn người vô tích sự chúng nó mơ màng ấy. Ta, ta là một người đứng đắn ! Ta không có thì giờ đâu mà mơ màng.
...
Rồi em lại tự bảo : “Ta tưởng ta đã giàu có lắm với một đóa hoa duy nhất, nhưng ta chỉ có một đóa hoa thường thôi. Cái đó cộng với ba quả núi lửa cao ngang đầu gối của ta, mà một quả có lẽ, đã tắt mãi mãi, chẳng làm cho ta thành một ông hoàng lớn lắm đâu...” Và, nằm dài trong cỏ, em khóc.
...
Thế là ông hoàng nhỏ cảm hóa con cáo. Và khi giờ ra đi đã đến :
- A ! - cáo nói - tớ sắp khóc lên đây.
- Đó là lỗi tại cậu – ông hoàng nhỏ nói – mình tuyệt chẳng muốn cậu khổ, cậu lại cứ muốn mình cảm hóa cậu.
Có nguy cơ là ta có thể khóc một tí nếu ta lỡ để cho ai cảm hóa mình...
...
Và giờ đây, đúng vậy, sáu năm đã trôi qua...tôi chưa bao giờ kể lại câu chuyện này. Những bạn bè gặp lại tôi rất lấy làm hài lòng thấy tôi còn sống. Tôi đã rất buồn, nhưng tôi nói với họ : đó là vì mệt...
Bây giờ tôi đã nguôi nguôi. Nghĩa là...không hẳn là như thế.
...
Cảnh ấy đối với tôi là cảnh đẹp nhất và buồn nhất trên thế gian. Nó cũng là cái cảnh ở trang trước, nhưng tôi đã vẽ lại để bạn nhìn rõ hơn. Chính tại nơi đây, ông hoàng bé nhỏ đã xuất hiện trên Trái Đất rồi lại biến đi.
Hãy nhìn chăm chú cảnh này cho đến khi bạn chắc rằng bạn có thể nhận ra nó, nếu ngày kia bạn du hành sang châu Phi, trong sa mạc. Và nếu bạn tình cờ đi ngang qua đó, tôi xin bạn, xin bạn đừng vội, hãy nán lại một chút ngay dưới ngôi sao ! Nếu bấy giờ có một đứa bé đến bên bạn, nếu em cười, nếu em có mái tóc vàng óng, nếu em không trả lời khi người ta hỏi, bạn sẽ đoán ra đấy là ai. Bấy giờ bạn hãy thương tôi ! Đừng để tôi buồn quá thế này : Hãy viết thư cho tôi báo rằng em đã trở lại...
Đúng lúc tôi đọc đến trang cuối cùng thì bỗng có một quả na rơi xuống trúng đầu, thế là tôi phát hiện ra mình còn có thể chép tranh phong cảnh ( việc chép chính xác đến từng chi tiết bức tranh minh họa cuối cùng trong cuốn sách này với tôi dễ như trở bàn tay ) Quá sung sướng vì phát hiện đó, tôi hăm hở chép lại, scan rồi gửi lên đây mời các bạn thưởng lãm. Xem xong, nếu ai đó vui lòng...xin vẽ hộ tôi một con cừu !
P/s : Con cừu thực sự cơ, không chơi cái trò vẽ cái thùng đâu, vì buồn thay, tôi không biết cách nhìn thấy con cừu xuyên qua cái thùng. Có lẽ tôi hơi giống những người lớn rồi. Tôi đã già rồi.
KKH