Công ty kem đứng
18g ngày 12-6, trời Hà Nội sau mưa mát dịu, nhưng vỉa hè đoạn “Kem đặc biệt Tràng Tiền” vẫn vun vút xe máy leo lên. Trên bàn hai quầy kem, một tấm bảng bằng bìa trắng viết chữ đỏ: “Hết ốc quế”.
Thỉnh thoảng, chẳng biết từ đâu có tiếng đàn ông ồm ồm vọng ra qua loa, nghe như tiếng gọi xuống... hầm trú ẩn trong thời chiến: “Quí khách đưa xe vào trong nhà”; “Quí khách vào mua kem không để xe dưới lòng đường”...
Trong tiệm kem, nền nhà gạch đỏ đã chuyển thành đen, hơi dính, chắc do giọt kem rơi xuống lâu ngày. Giữa sàn, một que kem sữa ai đánh rơi đã chảy nước thành vũng, mấy cái sọt nhựa to đựng que và giấy gói kem (loại giấy xấu cứng gần như bìa) đều đã gần đầy. Tôi cũng chen vào mua kem. Huých phải, huých trái, rồi cũng chen vào được. Bên cạnh, hàng loạt cánh tay chìa tiền, một chị sồn sồn gọi ầm ĩ: “Tôi mua 20 que sôcôla”. Rồi chị quay sang tôi, giải thích: “Tôi mua về để tủ lạnh ăn dần”.
Người Hà Nội ăn kem đứng
Trời Hà Nội hôm nay khá dịu, nhưng trong nhà mái tôn, không khí vẫn có vẻ bức bối. Lại còn xe máy. Tràn hai bên lối đi, cạnh xe nào cũng có một, hai, thậm chí ba người đứng, mỗi người đều cầm một, hai que kem vui vẻ... đứng ăn. Đủ loại quan hệ: người yêu, bạn, bà cháu, bố con... Nhiều người váy, áo lòe xòe rất “sành điệu”. Nguyễn Thúy Nga, đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Gia Đình & Xã Hội, một người sinh ra ở Hà Nội, bảo: “Người Hà Nội sành điệu phải ăn kem Tràng Tiền”.
Ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc Công ty cổ phần Tràng Tiền, người nhỏ xíu, trông không có vẻ gì là “giám đốc”. Hỏi sao không để ghế cho khách ngồi, ông nói năm 2005, khi mở rộng diện tích cửa hàng, công ty cũng đã chuẩn bị ghế, quạt... để bán hàng kiểu “lịch sự”, nhưng phong cách người Hà Nội là thích... đứng ăn kem. Diện tích cửa hàng lại quá chật, nếu bày bàn, ghế thì không có chỗ để xe, có bàn ghế lại sợ khách ngồi lâu..., lại thôi (!).
Theo ông Hải, hàng kem Tràng Tiền thành lập từ năm 1958. “Menu” lúc ấy gồm có kem sữa, kem vani. Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), “menu” được bổ sung kem sôcôla, kem cốm, kem đậu xanh, sau đó có thêm ốc quế, kem ly (cũng chỉ có hai mùi sôcôla, sữa) và... giữ từ đấy đến nay. Cách đây vài năm, cả công ty chỉ có một máy làm kem công suất 800 que/mẻ, sau thấy khách ăn nhiều quá mà kem không đủ bán, công ty đầu tư thêm một máy công suất 1.200 que/mẻ. Vẫn không đủ bán, nhưng diện tích cửa hàng chỉ... có thế, nên thôi. Từ trước đến nay, kem Tràng Tiền chưa bao giờ có đại lý. Cũng mới chỉ quảng cáo trên báo 4-5 lần, công ty cũng không có “nhu cầu”, nhưng vẫn quảng cáo vì “xã giao”...
5% thị phần?
Đến Hà Nội đã hai năm học ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, cứ 2-3 tuần một lần, Hoàng Thị Hòa lại cùng cô bạn gái thân đang là sinh viên Học viện Ngân hàng lượn một vòng “bờ hồ”. “Vòng” này gồm có các mục: xem sách giá rẻ trên phố Nguyễn Xí và sau đó là ăn kem Tràng Tiền.
Gặp chúng tôi khi đang đứng mút kem ngay trên vỉa hè trước cửa hàng kem, Hòa nói: “Em đã biết tiếng kem Tràng Tiền từ khi là học sinh THPT. Các anh chị cùng quê lên Hà Nội học về kể lại. Em thích ăn kem, nhưng là ăn ở đây (kem Tràng Tiền), vừa ăn vừa như giải trí, đi chơi”.
“Thú vui” của Hòa hình như không khác gì mấy so với lứa sinh viên cách đây hàng chục năm. Hồi ấy phố Tràng Tiền cũng có ba “đặc sản”: bách hóa tổng hợp, nhà sách ngoại văn và... kem Tràng Tiền (giống hệt bây giờ là kem Tràng Tiền, phố sách giá rẻ Nguyễn Xí và Tràng Tiền Plaza). Một đồng nghiệp mê sách của chúng tôi từng mỗi chiều thứ bảy chở em gái đi hàng chục cây số bằng xe đạp lên Tràng Tiền, mua kem cho em ăn. Còn chị, sang đọc sách “chùa”. Mớ kiến thức khổng lồ hiện có, chị thú nhận, một phần rất lớn có từ những buổi chiều chở em đi ăn kem ấy.
Cách đây một vài năm, khi Kinh Đô mua nhãn hiệu kem Wall, trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn đã có một tổng kết: Kem Tràng Tiền chiếm được 5% thị phần kem ăn ở VN. Chả biết tôi nhớ có đúng không. Nếu đúng, đây quả là một điều kỳ lạ. Kỳ lạ bởi người bán hoàn toàn trông chờ vào sự “hữu xạ tự nhiên hương”, giống hệt như thời bao cấp cách đây đã hơn 20 năm: không quảng cáo, không nhân viên marketing, toàn thể mặt bằng chỉ có 1.256m2 và hoàn toàn không có đại lý.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, cao điểm “làm ăn” của kem Tràng Tiền là từ tháng tư đến tháng mười, còn lại bán theo nhu cầu “mùa đông”. Ngày hè nóng, mỗi ngày có 1-2 vạn que kem Tràng Tiền vào bụng người ăn. Ngày lễ trong mùa hè (như 1-6), kem bán ra phải hơn hai vạn que. Nhưng hỏi ông “sao lại làm ít kem ốc quế thế?”, ông nói: Ít người ta mới thèm, mới muốn ăn (!). Hỏi ông Kim Thắng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty, các ông có biết các “đối thủ” như kem Thủy Tạ, kem Kinh Đô... bán bao nhiêu que kem mỗi ngày không, ông Thắng lắc đầu: “Tôi chỉ biết công ty chúng tôi” (!).
Trên bức tường trước mỗi quầy kem là tấm bảng đỏ to sù sụ: “Quí khách tự bảo quản tài sản của mình”. Trước đây công ty còn thu băng và... phát liên tục qua loa “bài”: “Quí khách vào ăn kem đề nghị vào trong nhà, giữ vệ sinh chung, không để xe trên vỉa hè, tự bảo quản tài sản cá nhân”. Nhưng khách ăn kem vẫn mất đồ liên tục, nhất là điện thoại di động (!). Rồi dân quanh phố cũng kêu vì tiếng ồn làm người dân mất ngủ. Phường lại yêu cầu sử dụng loa mini, phát “tại chỗ”. Chỉ riêng lực lượng đọc loa này đã mất 4-5 nam giới giọng khỏe mỗi ca. Quét que kem hai phụ nữ/ca. Lực lượng “tự phát” là 5-6 người bán giấy ăn, nước uống, phục vụ khách ăn kem.
Bà Phạm Thị Thân, một trong số nhân viên chuyên quét... que kem, kể: “Cứ từ 9g sáng đến 23g đêm không lúc nào ngớt tay quét que. Tối đến, người ăn kem đứng kín vỉa hè trước cửa rạp Công Nhân, tràn sang cả ngã tư Tràng Tiền - Ngô Quyền, trong hàng - ngoài vỉa hè của tiệm kem thì chật những xe - người”. Từ tháng 2-2005 trở về trước, khi công ty kem chưa phá dãy phòng ngủ làm chỗ để xe, tháng nào lãnh đạo công ty cũng phải lên... công an phường, quận giải trình, cam kết... Lý do: người ăn kem tràn xuống lòng đường, gây kẹt xe.
“Ước mơ đổi mới”?
Một dạo, Công ty Tràng Tiền đã nghiên cứu sản xuất kem hoa quả nhiệt đới: kem dừa, kem sầu riêng, kem xoài, kem chuối..., có cả kem dừa đựng trong quả dừa như kem Bạch Đằng trong TP.HCM. Nhưng rồi mặt bằng hạn chế, nguyên việc phục vụ... như cũ đã không đủ, lại thôi. Nhưng chuyển sang vị trí khác, mặt bằng rộng hơn lại ngại. Vậy là 48 năm chỉ một vị trí, một cửa hàng, một cung cách phục vụ (đặc biệt là thái độ nhân viên lúc nào cũng khó đăm đăm), vẫn có... một thương hiệu, thậm chí là thương hiệu mạnh (!). Nhưng phát triển lên nữa thì chưa thể.
Nhưng lần này thì những người bán kem đã muốn phát triển lên nữa thật. Giám đốc Hải nói sang năm sẽ có Nhà máy kem Tràng Tiền ở Phố Nối, Hưng Yên. Đất đai đã có rồi. Rồi sẽ có đại lý kem Tràng Tiền ở các tỉnh khắp nước, trước hết là các tỉnh miền Bắc. Nhưng làm sao thì làm, kem vẫn phải nguyên hương vị tự nhiên, đậu xanh là đậu xanh nguyên chất, cốm là cốm hạt, trứng là trứng gà ta..., vị phải hơi ngọt đúng kiểu người Hà Nội, hạt cốm tan trong miệng thật thơm ngon, tuyệt nhiên không được thêm thắt hương liệu tổng hợp. Rồi người bán kem, dù kem nổi tiếng, cũng phải có cách ứng xử của người làm dịch vụ...
Tôi rời cửa hàng kem, người ăn kem vẫn đứng chật quầy hàng, có trang trí giàn hoa nhựa xanh đỏ, xấu như cửa hàng ở một phố huyện nghèo nào đó, trông thật đối lập với khách sạn Metropole, Tràng Tiền Plaza... ngay gần đấy. Có hai bà cháu đứng ăn kem rất vui. Hỏi bà ăn kem ở đây đã lâu chưa, bà nói từ lâu lắm rồi, lý do là kem ngon, giá rẻ. Nhưng còn việc người mua hàng phải đứng?
Việc hết kem bất thình lình lúc người ta đang muốn ăn kem? Nền nhà thì bẩn lại không có ghế ngồi, vừa ăn vừa phải trông xe? Ăn kem giữa Hà Nội lại tưởng là ăn kem phố huyện... Người ta gọi kem Tràng Tiền là “kem của ngày xưa”. Ký ức “ngày xưa” đẹp đẽ lắm. Nhưng muốn tồn tại giữa ngày nay, dù đã có một thương hiệu mạnh, cũng không phải dễ dàng gì.
(Lan Anh, TTCN)