Giới trí thức với vận hội của dân tộc

Cao Xuân Hiếu
(vietbio)

New Member
Dưới đây là nội dung buổi thảo luận trực tuyến giữa nhóm PhD student với TS. Vũ Minh Khương (tác giả bài viết Cơ hội của thánh gióng trên Tuổi trẻ online).

Bạn có tán đồng với quan điểm của TS. Khương hay k?

Tường thuật buổi giao lưu trực tuyến với TS Vũ Minh Khương,
sáng 28/01/2006.

Trước thềm bước sang năm mới 2006, TS Vũ Minh Khương đã có buổi giao lưu trực tuyến với các thành viên Diễn đàn NCS Việt Nam. cuộc trò chuyện với 35 thành viên tham dự đã diễn ra sôi nổi và kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Nhiều vấn đề xoay quanh những phân tích về các cơ hội phát triển của Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới đã được thảo luận.

Để tiện cho các bạn quan tâm tham khảo, nhóm Thư ký đã ghi lại những nội dung chính của buổi giao lưu và các câu trả lời đã được anh Khương biên tập lại. Do điều kiện kỹ thuật cho giao lưu trực tuyến còn nhiều hạn chế, một số câu hỏi và trả lời không khớp được lược giản, mong các bạn thông cảm.

dutran_ut: Tôi là Dự Trần, năm cuối chương trình PhD về kinh tế học. Tôi có đọc bài về đổi mới tư duy của anh viết do anh Nguyễn Nam ở Harvard-Yenching gửi cho các fellows. Sau này có đọc thêm vài bài về cơ hội thánh gióng và tầm vóc dân tộc của anh. Nhân dịp đầu năm, chúc anh và gia quyến an khang - thịnh vượng.
Tôi có vài câu hỏi: 1. Sau bài cơ hội thánh gióng của anh, có nhiều bài của các anh chị DHS khắp nơi hưởng ứng (đăng ở phần dưới bài của anh trên Tuổi Trẻ online). Họ rất hứng khởi với tinh thần Thánh Gióng, đồng thời tỏ ý tha thiết xin nhà nước đổi mới và tạo cơ chế để họ đóng góp sức mình. Anh có nghĩ rằng hiện tượng có nhiều người lên tiếng XIN ĐỔI MỚI là một việc tốt? (xem thêm: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=89142&ChannelID=7)
2. Nếu đổi mới là một việc ích nước lợi dân, tại sao những bạn trẻ viết trên bài báo kia lại “xin” nhà nước đổi mới, chứ không phải ĐÒI nhà nước đổi mới? Là một người cổ vũ cho đổi mới tư duy, anh có nghĩ rằng tâm lý xin-cho này theo anh có nên được loại bỏ?

TS Vũ Minh Khương: Bạn đã nhận xét rất đúng là nhiều người Việt Nam chúng ta, trong đó có các bạn trẻ đang du học đã bày tỏ sự hứng khởi và tinh thần trách nhiệm về vận hội để đất nước ta vượt lên với sức mạnh Phù Đổng. Đây chỉ là một trong muôn vàn tín hiệu cho thấy khát vọng và bức xúc của người dân Việt Nam ta được thấy và được đóng góp vào sự nghiệp làm cho dân tộc mình có ngày được ngửng cao đầu.

Tôi không nghĩ là các bạn trẻ, trong những ý kiến rất tâm huyết của mình, chỉ “xin” chứ không “đòi” nhà nước đổi mới. Theo tôi, cách tiếp cận sâu sắc và có tính xây dựng là rất quan trọng và có hiệu lực rất cao trong nỗ lực đổi thay ở nước mình. Cách nói “xin” hay “đòi” ở đây không quan trọng bằng sự sâu sắc và chí lý trong kiến nghị của bạn. Người Nhật mềm mại như vậy nhưng họ luôn đạt được những điều họ mong muốn; đó là điều rất đáng suy ngẫm và học tập.

damquangminh: Là một người trí thức, anh đánh giá thế nào về những hạn chế của trí thức Việt Nam. Theo anh làm thế nào để trí thức có thể nói lên được tiếng nói tiến bộ, những đòi hỏi chính đáng của dân tộc?

TS Vũ Minh Khương: Tôi mới đang bước những bước chập chững đầu tiên để trở thành một người trí thức. Vì vậy nhận xét của tôi dưới đây về người trí thức chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết và hạn chế, chỉ đưa ra để các bạn tham khảo.

Tôi tin vào thuyết của Michael Porter là sự tinh tế và khe khắt của “Demand” ảnh hưởng đến chất lượng và sức sống động của “Supply”.

Trong lịch sử nước ta, “demand” với giới trí thức không cao, bởi lẽ:
+ Đất nước không chịu sự khắc nghiệt của thời tiết, có thể kiếm đủ ăn mà không phải có sự sáng tạo đặc biệt.
+ Đất nước là phong kiến tập quyền nên về cơ bản, không có sự cạnh tranh, đấu trí, đấu lực giữa các vùng cát cứ. Vì vậy, những người nắm quyền lực không thực sự có đòi hỏi bức xúc phải cầu hiền tài.
+ Nước ta hay chịu nạn ngoại xâm từ phương Bắc nên không có điều kiện thuận lợi để chuyển giao và kế thừa tinh hoa tri thức qua các thế hệ.
+ Các công cuộc giành độc lập đều thông qua các khởi nghĩa nông dân, trong đó, vai trò của trí thức chỉ là thứ yếu. Một khi khởi nghĩa thắng lợi, tính công thần và khát khao hưởng thủ vật chất của những người mới có quyền lực thường lấn át nhu cầu thực sự khai thác và sử dụng trí thức.
+ Người trí thức, khi sinh thời, có được “vẻ vang” là nhờ chức quan chứ không phải vì công trình. Ai được vua biết đến thì thường hay có lộc, mặc dù có thể không giỏi bằng người khác.

Vì vậy trí thức của ta có thể mắc phải một số hạn chế sau:
1) Thích có chức quyền
2) Không có nhu cầu học hỏi và hợp tác để tạo ra một lực lượng có sức đổi thay xã hội.
3) Không khát khao có một năng lực thực sự, mà thiên về đánh bóng tên tuổi bằng bằng cấp hoặc “lăng xê” để được “vua” biết đến và sẽ có lộc chức quyền. Cũng do điều này, mà tính nghi hoặc lẫn nhau và sự ghen tị thường rất cao.

Đổi thay của giới trí thức có ý nghĩa đặc biệt với đổi thay xã hội. Tuy nhiên, ở các nước Đông Á, nơi mà vận hành xã hội phụ thuộc rất lớn vào bộ máy quản lý nhà nước, ảnh hưởng của giới trí thức chỉ được phát huy cao độ khi nó đồng bộ với sự đổi thay về tầm nhìn, tư duy, và ý chí chiến lược của giới lãnh đạo. Nhật bản với cuộc cải cách Minh Trị, Trung quốc từ Mao Trạch Đông sang Đặng Tiểu Bình, Hàn quốc so với Bắc Triều tiên là những ví dụ điển hình.

Tôi nghĩ là bối cảnh hiện nay ở nước ta khá thuận lợi cho giới trí thức đóng góp vào sự đổi thay của dân tộc. Nhà nước đã có những đổi mới rất ấn tượng trong 20 năm qua. Để giới trí thức thực sự phát huy được vai trò của mình, chúng ta cần:
1) Nghiền ngẫm thật sâu sắc, căng tầm mắt học hỏi, để rồi thật mạnh dạn nói ra chính kiến của mình. Cách tiếp cận phải rất xây dựng và rất thực tế.
2) Phải tuyệt đối tránh vụ lợi, tham chức tham quyền.
3) Phải gắn bó hợp tác với nhau thật chân thành, tạo nên sức mạnh cộng hưởng của một công đồng có tâm huyết sâu sắc với dân tộc và sức mạnh ngày càng tăng về thực lực trí tuệ.

Ở điểm thứ (3), chúng ta có thể suy ngẫm về nhận xét của một học giả đầu thế kỷ về sự nghèo nàn của nhiều làng quê Việt Nam: ông kinh ngạc nhận ra rằng họ qua nghèo vì có nhiều người có năng lực, trong đó, nhiều người chỉ muốn chứng minh năng lực của mình bằng cách phủ định năng lực của người khác hoặc khẳng định họ có khả năng cản trợ mọi đề xuất của người khác.

dutran_ut: 4. Nhiều người cho rằng dân tộc ta là một dân tộc duy cảm. Quần chúng dễ được kích động để nhanh chóng yêu/ghét một khuynh hướng/xu thế nào đó. Theo anh, nếu quả thật có tính duy cảm trong tâm thức người Việt, thì có nên hạn chế để bồi đắp tinh thần duy lý?

TS Vũ Minh Khương : Tôi cũng chia xẻ với bạn nhận xét này. Người dân Việt ta trải qua bao chu kỳ thăng trầm: mất nước, làm nô lệ rồi vùng lên, giành độc lập. Vì vậy duy cảm có lẽ đã trở thành một thuộc tính đậm nét của người Việt ta. Một khi đã duy cảm thì phán xét thiếu sáng suốt; dễ dẫn đến kỳ vọng quá cao hoặc kỳ vọng qua thấp. Kỳ vọng quá cao nghĩ rằng ai yêu nước cũng phải quên hết cá nhân mình và chỉ lo cho nước; kỳ vọng thấp, nghĩ rằng, ai đã dính đến chức quyền đều tham danh, vụ lợi. Sự thái quá như vậy, dù theo hướng nào, đều ảnh hưởng rất tai hại đến quá trình hợp tác, phát triển.

Vì vậy tôi rất đồng ý với bạn là phải bồi đắp tính duy lý của người Việt ta, theo tôi, bằng các cách sau đây:
+ Tạo nên thể chế xã hội trong đó người dân thực sự cảm thấy tự tin vào năng lực bản thân và tự do cá nhân.
+ Nỗ lực hoàn thiện cơ chế thị trường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, không chỉ trong lĩnh vực hàng hóa, vốn, mà cả trong lao động, giáo dục, và tài năng.
+ Khích lệ tính phê phán khoa học của các phương tiện truyền thong đại chúng, đặc biệt là báo chí.

dutran_ut: 5. Tôi coi dụng ý các bài báo của anh là nhằm khơi dậy tinh thần của quần chúng. Tạo cho họ một điểm nhấn tâm lý để sẵn sàng hành động. Vậy theo anh bước kế tiếp là gì? Chúng ta sẽ cùng lên tiếng yêu cầu đổi mới, hay quay về cuộc sống thường nhật và vùi nén những xúc cảm cải cách ấy đi, hoặc chọn giải pháp an toàn là tạm thời “đàn áp” ở nước ngoài?

TS Vũ Minh Khương : Tôi nghĩ là mỗi người chúng ta phải có tiếng nói từ tấm lòng, tự sự tâm huyết của mình. Hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào thời thế, tùy thuộc vào sự hiệp đồng của đông đảo anh em trí thức chúng ta. Người Việt Nam thường gặp phải là the coordination problem, bài toán trong hợp tác. Mà nguyên nhân như tôi nói trước đây là assumption, khi gặp prisoner dillemma, anh này thường giả định là anh kia sẽ vụ lợi cá nhân, quên đi lợi ích cộng đồng, dẫn đến poor outcome.

Chúng ta đều chung một khát vọng là đất nước mình được phồn vinh, dân tộc mình được ngẩng đầu và tôi tin là mỗi chúng ta đều có cách đi riêng của mình. Hãy tôn trọng cách đi riêng của mỗi người và đóng góp của họ như một giọt nước tạo nên một dòng thác lớn; đừng kì vọng là người đó nói được hết hay đúng hết. Cách phê phán hay nhất về một khiếm khuyết không phải là sự vùi dập, bôi bác, mà là sự chỉ ra một cái mới hay hơn; có như vậy mới tạo nên giá trị mới cho xã hội và sự đổi thay không ngừng. Một ví dụ nôm na, nếu bạn đưa ra một sản phẩm, mặc dù chất lượng chưa cao, nhưng đáp ứng được phần nào nhu cầu xã hội. Tôi thấy đươc nhu cầu này và sẽ tìm cách đưa ra sản phẩm mới tốt hơn chứ không chỉ dồn sức bài bác sản phẩm của bạn mà quên đi nhu cầu bức thiết của người dân.

Tôi nghĩ bước kế tiếp là chúng ta cần hợp sức để đưa ra những đề xuất cụ thể có ảnh hưởng thiết thực đến tầm nhìn và cách nghĩ của người dân và công cuộc phát triển của nước mình. Chẳng hạn, đi sâu nghiên cứu đề xuất các dự án sau:
1) Nâng cao hiểu biết của người dân về thế giới (chẳng hạn xây dựng một trang web tổng hợp những kinh nghiệm hay nhất của thế giới về mọi lĩnh vực, từ việc cấp giấy phép mở doanh nghiệp đến thủ tục làm công chứng, từ việc lắng nghe dân đến tuyển chọn cán bộ…
2) Thí điểm lựa chọn người tài qua cơ chế dân chủ.
3) Thí điểm mô hình một đất nước hai cơ chế: một số địa phương (ít nhất là đảo Phú Quốc) được áp dụng cơ chế như Singapore để đi trước cả nước trong tiến kịp thế giới.
4) Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế
5) Cải cách giáo dục
6) Đánh giá chất lượng quản lý của các bộ và các địa phương bằng phương pháp định lượng.
7) Cải tổ ngành công nghiệp đóng tàu……

vnd_won: Ở bên nước em đang học tập, sinh viên thường ngồi cùng nhau để cùng bàn luận về nhiều vấn đề, mọi người nhận xét rằng: các trí thức, đặc biệt là PhD khá nhiều, xét mỗi cá nhân thì mọi người có năng lực nhất định nhưng cả trí thức nói chung thì lại không tạo ra sự phối hợp, gắn kết để làm việc lớn… vì thế khó lòng làm cho Rồng vỗ cánh được. Anh nghĩ thế nào về nhận xét này, và theo anh nguyên nhân từ đâu? Một người lãnh đạo đất nước cần có chiến lược gì để tăng khối đoàn kết này.

TS Vũ Minh Khương: câu hỏi của bạn rất chí lí và ai trong chúng ta cũng trăn trở tìm câu trả lời.
Từ góc nhìn hẹp của cá nhân, tôi xin nêu suy ngẫm của mình như sau:
Mỗi người, khi đạt được mức tri thức nhất định thường đứng trước hai lựa chọn: vươn lên làm học giả thực sự hoặc tìm kiếm một chức vụ chính quyền. Với bối cảnh kinh tế-xã hội nước ta hiện nay, dùng Cost-Benefit để phân tích thì ta có thể thấy ngay là có được một chức vụ có lợi hơn rất nhiều so với vươn lên làm học giả chân chính. Vì vậy, mỗi người thường đều có giả định là đồng nghiệp của mình đang mưu toan kiếm một chức vụ. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, để có một chức vụ, người trí thức thường phải chạy chọt, luồn cúi, và tìm mọi cách đánh bóng tên tuổi của mình. Vị vậy, trong trí thức có sự nghi kỵ rất lớn: người muốn kiếm chức vụ phải né tránh các thảo luận minh bạch và thẳng thắn; người không thiết chức vụ khinh thường người muốn có chức nên cố tìm các khuyết tật của người đó để vùi dập. Kết quả là, trong cộng đồng mất đi sự tin cậy và kỳ vọng vào nhau; hơn nữa mọi người chưa cảm nhận hết yêu cầu bức xúc của nhân dân về đổi thay đất nước nên sức ép hợp tác gắn bó chưa đủ vượt qua những nghị kỵ thường tình.

Theo tôi, người lãnh đạo đất nước có thể giải được bài toán này bằng các biện pháp sau:
+ Tao nên nền tảng xã hội mà người trí thức có thể vinh quang ở bất kỳ cương vị nào: học giả hoặc quan chức.
+ Người muốn là quan chức phải chấp nhận đòi hỏi khác nghiệt của nhân dân: phải được lựa chọn dân chủ, phải có phương án quản lý với sức đổi thay mạnh mẽ, phải được giám sát và đánh giá nghiêm khắc bởi đại diện của dân. Làm sao để người không có tài quản lý và khát khao phục vụ cộng đồng phải sợ không dám làm quan.
+ Các lãnh đạo phải thực sự nghe trí thức trước khi đưa ra bất kỳ một quyết sách quan trong nào. Nhờ vây, các học giả chân chính có quyền lực lớn với xã hội, thậm chí cao hơn cả quan chức, thông qua các ý kiến khoa học thấu đáo và uyên thâm của mình.

damquangminh: 2. Theo anh mức độ quan trọng của dân trí là thế nào? Anh đánh giá thế nào về phong trào khai sang ở châu Âu và cuộc cải cách Minh Trị và vai trò của Fukuzawa Yuchini. Theo anh ở VN đã có một cuộc cách mạng tư tưởng nào chưa và VN có cần có một cuộc cách mạng tư tưởng ko. Cá nhân anh sẽ làm gì ?

TS Vũ Minh Khương: câu hỏi về Fukuzawa tôi thấy rất quan trọng, nếu như người Việt Nam chưa thực sự khai sáng thì chưa cải cách. Tôi mong Việt Nam có sự chuyển đổi căn bản từ đổi mới sang đổi thay. Đổi mới là chuyển từ đi không đúng qui luật sang đi theo quy luật. Đổi thay là nắm bắt vận hội do thời đại mang lại, dũng cảm và mạnh mẽ nâng cao tầm vóc của dân tộc.

Tôi nghĩ rằng phong trào khai sáng ở châu Âu và vai trò của Fukuzawa Yuchini trong cuộc cải cách Minh Trị có đóng góp đặc biệt quan trọng cho quá trình đổi thay ở châu âu và nước Nhật. Nguyên tắc cốt lõi của những nỗ lực này là sự giải phóng cá nhân về mặt tư tưởng.

Theo nhận xét của Fukuzawa, bồi đắp tinh thần độc lập cho mỗi người dân là biện pháp then chốt tạo nên ý thức trách nhiệm của người dân với công việc đất nước và là nền tảng cho nền độc lập của nước Nhật.

Công cuộc đổi mới đã tạo nên nhiều thay đổi quan trọng, nhưng người dân Việt ta vẫn chưa thực sự có được sự độc lập về tư tưởng. Ngay cả giới trí thức, bộ phận đi trước về giải phóng tư tưởng, cũng vẫn tự thấy là mình đeo một vòng kim cô. Tự mình trói buộc suy nghĩ và ước mơ của mình bới những nề thói và qui đinh của quá khứ.
Việt nam ta rất cần một cuộc cách mạng tư tưởng nhằm tạo nên sự khái sáng và phấn khích cho mọi người dân. Tuy nhiên, khởi đầu cho công cuộc này phải là nỗ lực tạo cho người dân niềm tin vào đạo lý xã hội. Với người Việt Nam ta, hành động cụ thể có hiệu lực cao hơn lý thuyết rất nhiều.

Mặc dù khả năng rất hạn chế, bản thân tôi cũng thấy có trách nhiệm trong công cuộc này. Vì vậy, tôi thường dành những thời gian dỗi rất ít ỏi của mình để viết bài cho các báo bày tỏ suy nghĩ của mình, cho dù các bài viết có thể còn rất nhiều khiêm khuyết. Tinh thần là mỗi người đôt lên một ngọn nến thay vi chê trách bóng tối.

songphamvan: Trong một số bài báo anh đưa ra một số khái niệm là « Tầm vóc dân tộc »… Tôi cùng một số độc giả đồng ý với anh « tầm vóc dân tộc ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển của quốc gia », tuy nhiên đây là vấn đề thứ yếu, thậm trí rất thứ yếu. Anh suy nghĩ vấn đề này thế nào?

TS Vũ Minh Khương: Tôi tin “tầm vóc dân tộc” bao gồm năm định tố, khát vọng dân tộc, tầm nhìn và tư duy, tinh thần học hỏi, phẩm chất của ba đội ngũ trụ cột, và văn hóa là nền tảng cho một công cuộc phát triển. Theo điều kiện của từng thời đại và công lao của mỗi thế hệ, tầm vóc dân tộc có thể lên cao hoặc xuống thấp. Người Nhật, lúc khởi đầu cải cách Minh Trị, rất thiếu tinh thần tự chủ và ý thức hợp tác; người Hàn quốc, trước năm 1960, thường bị phê phán là cổ hủ, vũ phu, và hay đõ kỵ; Người Tàu dưới thời Mãn Thanh rất bạc nhược và dưới thời Mao thì vô cùng tăm tối. Thế nhưng họ đều có bước phát triển ngoạn mục, nhờ sự đột phá trong nỗ lực nâng cao tầm vóc dân tộc.

Chất lượng của thể chế và các điều kiện hạ tầng mà chúng ta se xây dựng đều được quyết định bởi các yếu tố của tầm vóc dân tộc.

nghiemhong_son: Xin lỗi anh Khương. Xin được chen ngang một chút. Vậy thì việc có người tài tốt hay có cơ chế để người tài phát huy hết. Năng lực của mình tốt . Cá nhân tôi thì thấy người tài chỗ nào cũng có, cá nhân chúng ta hầu như ai cũng có thể phát triển thành người tài. Chỉ có thiếu động lực và môi trường để phát triển tài năng? Có nghe nói con người ta chỉ phát huy tôi đa 20% khả năng của mình?

vnd_won: Như vậy, theo anh Khương là gắng kết mối đoàn kết, tức là Nhà nước ta cần có chiến lược nhân sự?

nghiemhong_son: Tôi nghĩ chiến lược nhân sự chỉ là cái ngọn, cái cách thể chế mới là cái lớn

TS Vũ Minh Khương: Tôi rất đồng ý với ý kiến của các bạn là thể chế là nền tảng, nhưng chúng ta không thể có được một thể chế tốt nếu không có con người có tầm vóc lớn đặt nền móng và xây dựng nên nó. Do vậy, tôi nghĩ rằng con người là khâu đột phá và thể chế là nền tảng phải xây dựng với tầm chiến lược.

Qua tìm hiểu, tôi thấy các nước thành công trong phát triển từ cảnh nghèo nàn đều coi chiến lược nhân sự là đặc biệt sống còn. Hiện nay, Trung Quốc đang xúc tiến tạo nên một liên minh tay ba với Nhật bản và Hàn quốc trong chia sẻ kinh nghiệm phát hiện, đào tạo, và sử dụng nhân sự cao cấp. Trung quốc hiểu rất rõ kinh nghiệm thành công của Nhật bản và Hàn quốc trong lĩnh vực này và có lẽ họ it muốn chia sẻ với mình.

hao_hth: Tôi là Hảo đang làm PhD năm thứ nhất tại Australia, tôi xin có 1 đề nghị: Liệu rằng chúng ta có có một tiếng nói chung để làm thay đổi phương pháp giáo dục của chúng ta không nhỉ ? Hay ít nhất là cách nhìn nhận thế nào là Research ở Việt Nam ?

TS Vũ Minh Khương: Trong việc này, tôi thấy là chúng ta phải tự đổi thay mình để gặt hái được những kết quả nhất định trong nghiên cứu rồi mới có cơ sở đưa ra những kiến nghị có giá trị.

songphamvan: Thế theo anh tầm vóc dân tộc Mỹ là gì? Tầm vóc Singapore là thế nào? Tầm vóc dân tộc họ lớn nên họ giàu à? Theo logic cua anh tầm vóc dân tộc của Việt Nam sẽ thế nào?

n2t1976: Cái tầm vóc anh Khương nói theo tôi là sức mạnh văn hóa.

thang_vn10: Nếu tầm vóc của mình vẫn nhỏ, làm thế nào để cho lớn lên nhanh nhất ?

TS Vũ Minh Khương: Như tôi đã nói ở trên, chiến lược nhân sự có thể tạo nên sức bật cho tầm vóc dân tộc.

Nếu do một tình thế phát triển nào đó, trong đội ngũ lãnh đạo của nước ta có được bộ phận tinh hoa nhất của dân tộc về khát vọng, tầm nhìn và tư duy, tinh thần học hỏi, phẩm chất và tài năng; chúng ta sẽ có được những cải cải đặc biệt sâu rộng trong toàn xã hội và chúng ta sẽ tiến rất nhanh.

Tôi tin là công cuộc đổi mới với sự hội nhập nhanh chóng của nước ta với thế giới và những thay đổi vũ bão ở Trung quốc và ân độ đang tạo nên sức ép rất thuận lợi để dẫn đến một tình thế đổi thay như tôi nói ở trên.

chauhonglinh: Anh Khương phát biểu là "Tầm vóc của Dân Tộc ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước." Vậy anh nghĩ thế nào về tầm vóc của dân tộc Việt nam? Hiện nay tầm vóc dân tộc Việt nam đứng vào khoảng bao nhiêu (về mặt tầm vóc) so với thế giới?

TS Vũ Minh Khương: Tôi không có đủ thông tin để xếp hạng Việt Nam trong chỉ số này. Tuy nhiên, tôi có suy nghĩ là:

+ Khát vọng phát triển của dân tộc ta là rất lớn, chắc chắn là hang đầu ở Đông Nam á, và không thua kém so với các nước đông á. Về văn hóa, tính trọng đạo lý và long trung trực chúng ta cũng không phải là qua yếu nếu nhìn sâu về lịch sử.

+ Về bà yếu tố khác: tầm nhìn và tư duy, tinh thần học hỏi, phẩm chất của ba đội ngũ trụ cột. Hiện nay, chúng ta còn rất yếu. Tuy nhiên, ba yếu tố có tính động rất cao, nghĩa là, nếu tình thế tạo nên một chiến lược nhân sự đặc sắc, chúng ta se có bước tiến nhẩy vọt trong cả ba yểu tố này; giống như khi Park Chung-Hee lên nắm chính quyền ở Hàn quốc năm 1961.

hn_bear: nick hn_bear, NCS tại Pháp, xin hỏi anh Khương: Nhiều người trong nước kỳ vọng tiến sỹ ở nước ngoài về Việt Nam phải làm được rất nhiều việc lớn. Nhưng thực tế chuyên ngành nghiên cứu hẹp của PhD và cơ hội để triển khai kiến thức học học bị hạn chế ở Việt Nam đã làm cho nhiều người đi học về cảm thấy « vô dụng” vì không phát huy được. Anh sẽ khuyên họ làm gì ? 1. chấp nhận hiện tại làm việc ở Việt Nam ; 2. chấp nhận làm trái nghề để chờ đợi một cơ hội tốt hơn ; 3. tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài để được làm đúng chuyên môn ? Theo anh có giải pháp nào tốt hơn với tình trạng này không ? về phía Chính phủ ? về phía bản thân người đi học về?

nghiemhong_son: Xin có ý kiến: Nghĩ xong PhD sẽ làm được điều gì to lớn có thể là sai lầm? Làm được cái gì to lớn không nhất thiết phải có PhD và ngược lại? Người ta chết vì cái mình không biết nhiều hơn là cái mình biết? Và PhD xong mới chỉ là biết một chút về hàn lâm, chưa chắc đã biết nhiều về cuộc đời?

TS Vũ Minh Khương : Đúng là tốt nghiệp TS ở nước ngoài về Việt Nam là cả một thách thức lớn, vì TS phải làm ở trường đại học hoặc thinktank nào đó. Ở mình cả hai cơ sở này đều hạn chế về điều kiện làm việc. Nhưng rõ ràng nếu ta tìm được cơ quan tốt trong điều kiện Việt Nam thì cũng có thể phát huy được. Nếu như ta làm ở các trung tâm hợp tác với nước ngoài, điều kiện cơ sở vật chất có thể đảm bảo tương đối. Làm công tác nghiên cứu song song với giảng dạy. Nhưng học ở nước ngoài thôi thì chưa đủ, phải cập nhật sâu sắc tình hình Việt Nam và thế giới. Cái khó của người Việt Nam là phải hiểu được cả hai, nước mình ra sao và thế giới thế nào. Và phải hiểu về Việt Nam thì việc giảng dạy mới có ý nghĩa. Nên việc anh em PhD tọa đàm và giao lưu là rất tốt, gắn kết với nhau, tìm ra giá trị chung, mọi người sẽ thấy có ích trong tương lai. Vì không có gì tốt hơn là học từ người đi trước, một cách thực tâm từ người khác. Tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam, nếu network tốt, sẽ có cơ hội ngày càng nhiều, không chỉ ở Việt Nam. Chúng ta cố gắng giải bài toán hợp tác, người đi trước trân trọng lớp trẻ. Tôi đề nghị những người đi trước như chúng tôi phải thực sự tôn trọng, đánh giá các bạn trẻ thực tâm. Người trẻ thì cần open mind và trân trọng những người đi trước. Nên có thái độ tích cực, nếu chấp nhặt sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác quí báu. Chúng ta đều có cùng chung khát vọng và cùng chia sẻ nỗi xót sa về sự nghèo và kém của nước mình. Chúng ta rất cần một nền tảng vững chắc để cất cánh. Muốn vượt lên phải có sự thay đổi có tính nền tảng và những con người trong ba đội ngũ trụ cột phải vươn lên rất mạnh mẽ thì đất nước mới vượt lên được.

Để chuẩn bị tốt cho tương lai các bạn học PhD có lẽ nêu lưu ý mấy điểm sau:
+ Cần rèn cho mình chuyên sâu thực sự về một lĩnh vực, đồng thời rèn kỹ năng phân tích tổng hợp.
+ Chỉ nên chọn nghề mà mình thực sự hứng thú để có thể tiến bộ không ngừng theo thời gian.
+ Cùng đề xuất với Nhà nước một cơ chế tuyển dụng minh bạch, chặt chẽ, và đặc biệt coi trọng tài năng và tâm huyết.

thachtungphd: Nước Mỹ ra đời rất muộn, nhưng ngày nay nó là cường quốc, là ông chủ của thế giới, phải chăng vì nó có đủ 5 yếu tố mà anh đã đưa ra?

nghiemhong_son: Không chỉ Mỹ, Úc cũng ra đời muộn nhưng thành công do là nơi hẫp dẫn để mọi người tự do thi thố tài năng?

TS Vũ Minh Khương : Nếu nhìn tầm vóc nước Mỹ từ khi ra đời đã rất lớn. Họ đến Mỹ với khát vọng được tự do và phồn vinh, tạo ra ước mơ Mỹ. Bản thân họ đã là một dân tộc khai sáng, không ảo tưởng. Thể chế nước Mỹ ngay từ đầu chỉ chấp nhận những gì đáp ứng được khát vọng này. Hơn nữa, Những người đi đầu là những người có tầm vóc đặc biệt nên nước Mỹ có nền tảng tốt, coi trọng tự do cá nhân, giải phóng cá nhân, nên nước Mỹ có sự khởi đầu rất tốt, nó là sức mạnh căn bản.

ducbk84: theo em, Mỹ hưởng lợi chủ yếu qua chiến tranh thế giới. Đó là key.

Dai Sy: "Nước Mỹ" là ai? Anh Khương nói sai ở chỗ anh nhìn nước Mỹ như một tập hợp thống nhất; như thế là sai.

TS Vũ Minh Khương : Nước Mỹ không thống nhất về sắc tộc nhưng họ thống nhất ở khát khao tự do và họ tư duy thực tế.

Dai Sy: dân Mỹ hiện nay người nghèo 25%
nghiemhong_son: Cá nhân tôi nghĩ Marx vẫn là vĩ đại. chỉ có những người max"xịt" là không vĩ đại. Có mẫy ai đọc hết và hiểu được Marx?
chauhonglinh: pháp luật cũng không thống nhất, mỗi bang một khác

songphamvan: Đã là loài người thì ai ai cũng khao khát hạnh phúc, phồn vinh, tự do không chỉ 1 người Mỹ hay nước Mỹ

chauhonglinh: Theo anh Khương làm thế nào để rèn luyện và phát triển Tư duy và Tầm nhìn ?
nghiemhong_son: Theo tôi tầm vóc của người Mỹ đáng kinh nhất là việc ghét thất bại, đề cao thành công cá nhân

TS Vũ Minh Khương: Để rèn luyện tư duy và tầm nhìn, theo tôi, chúng ta chú trọng các vấn đề sau:
1) Chúng ta cần đặc biệt cổ vũ tinh thần học hỏi trong mọi tầng lớp nhân dân, từ học sinh trong các trường phổ thông đến các quan chức. Chẳng hạn ta có thể dùng mấy biện pháp sau :
+ Giáo dục các em học sinh, từ khi còn ở trường phổ thông tinh thần học hỏi và hợp tác. Các em nên học thói quen tìm hiểu cái gì đáng học hỏi nhất ở trên thế giới và có sự so sánh cọ sát với nhau. Các em cuãng cần được yêu cầu tìm ra được những phẩm chất đáng quí, hoặc đặc sắc nhất của cha mẹ mình và của các bạn mình (ở ta hay có thói quen tìm kiếm điểm xấu của bố mẹ, gười quen, hoặc bè bạn để phê phán. Điều này rất hại cho học hỏi và hợp tác.
+ Yêu cầu tất cả các ngành phải có đươc hiểu biết về những kinh nghiệm hay nhất mà những nước hàng đầu thế giới áp dụng, từ cách cấp phép đầu tư đến cấp giấy phép xây dựng, từ báo cáo thống kê kinh tế đến làm tổng kết cuối năm.
+ Yêu cầu tất cả các đoàn đi công tác nước ngoài phải có báo cáo trình bày sâu sắc những điều mình học hỏi được và các báo cáo này được đưa vào một trang web để mọi người tham khảo.

2) Tổng thống Hàn quốc trong diễn văn kỷ niệm ngày độc lập, hầu như không nhắc đến thành tích phát triển mà giành phần lớn thời gian ôn lại những bài học mà người Hàn quốc phải rút ra từ sự mất nước vào tay Nhật. Tôi nghĩ cách tiếp cận này rất hiệu quả. Người ta học được nhiều từ thất bại hơn là từ thành công.

nghiemhong_son : Ngay việc dân tộc đi trước hay cá nhân đi trước cũng chưa tỏ lắm. Việc xây dựng hình tượng cá nhân thành biểu tượng dân tộc để mọi người đi theo đã thu được khá nhiều thành công đó sao? VN thắng Mỹ là mọi người là nhờ hình ảnh thành công của Toyoda, Honda? Mỹ có thành công của các doanh nhân Rockerfeller, Ray Kroc, Bill Gates khiến nhiều người học theo? Vậy có phải vấn đề ở chỗ Mỹ có nhiều người giàu vì sách dạy làm giàu và mô hình các cá nhân giàu có tran lan. Việt Nam thì sao? Những người giàu nhất hiện nay đều đi theo cách có thể khiến người khác học theo? Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân ai cũng muốn có một chân trong nhà nước, lên chức để rồi giàu nhanh như Mai văn Dâu?

chauhonglinh: Giả sử anh được làm Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ môi trường hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo hoặc Viện trưởng Viện khoa học Việt nam, thì anh sẽ có những chương trình, kế hoạch việc làm cụ thể gì để nâng cao vai trò của giới trí thức Việt nam, và giúp vào công cuộc phát triển Việt nam?

TS Vũ Minh Khương: Nếu như tôi có chức vụ cao sẽ sẵn sàng từ chức và đề nghị mọi người tự ứng cử, nếu ai có plan hay nhất sẽ là người lãnh đạo.

ducbk84: theo anh lãnh đạo Việt Nam nên làm gì để thay đổi suy nghĩ của cả 1 dân tộc?

TS Vũ Minh Khương : tôi nghĩ là mỗi chúng ta phải tự đổi thay chính mình để tạo nên sự đổi thay trong tư duy của toàn dân tộc. Lãnh đạo, trí thức, và doanh nhân phải thấy hết sứ mệnh đặc biệt của mình trong nỗ lực đổi thay đất nước. Cùng ngồi lại và bàn bạc sâu sắc và ý thức trách nhiệm rất cao về vận nước chúng ta sẽ tìm ra lời giải.

dutran_ut: Chúng tôi đang có một sáng kiến vận động, nhân tiện đây xin trao đổi cùng anh Khương và các bạn. Đó là Mùa Xuân Đối Thoại: Biến Mùa xuân thành một Mùa Đối thoại, để đoàn kết, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ; mở con đường trí tuệ và khai sáng của dân tộc, vì một tương lai phát triển và hoà bình cho mọi người Việt Nam.
Tầm nhìn: Tạo ra một không khí đối thoại rộng lớn trong mọi thành phần xã hội về tương lai của đất nước- dân tộc, với hàng nghìn cuộc bàn tròn nhỏ về mọi vấn đề của đất nước, tạo ra một sự kiện truyền thông độc đáo, các tranh luận có ảnh hưởng rộng khắp trong xã hội và tới chính trị. Là bức tranh về tâm thế người Việt Nam đầu thế kỉ 21. Cuối cùng phát triển thành một bàn tròn dân tộc bàn về các vấn đề của tương lai đất nước. 3. Là một nguồn dữ kiện phong phú để nghiên cứu xã hội học, dân tộc học, tâm lý học: Lắng nghe các nhóm xã hội giúp khám phá ra các xu hướng, hiện tượng mới trong xã hội. 4. Đoàn kết dân tộc thông qua tăng cường đối thoại: thế kỉ 20 là thế kỉ của chia rẽ: ngoại xâm, nội chiến, chia cắt về giai cấp, ý thức hệ, hải ngoại và trong nước v.v. Muốn đoàn kết dân tộc thì phải hiểu người mình nghĩ gì, có những điểm chung cơ bản nào. 5. Dân chủ minh biện (deliberative democracy). Chúng tôi rất muốn được anh Khương và các bạn quan tâm, nếu được chúng tôi xin gửi dự thảo đề cương cuộc đối thoại này tới các bạn. Xin cảm ơn anh Khương đã dành thời gian trao đổi với anh em ngày hôm nay.

TS Vũ Minh Khương: Tôi rất cảm ơn các bạn đã tham gia tọa đàm.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Ờ, tớ khoái quả chí của anh Khương, nên ủng hộ tinh thần của anh.

Có vấn đề này, tớ xin góp thêm chút ý kiến ý kò:

dutran_ut: 5. Tôi coi dụng ý các bài báo của anh là nhằm khơi dậy tinh thần của quần chúng. Tạo cho họ một điểm nhấn tâm lý để sẵn sàng hành động. Vậy theo anh bước kế tiếp là gì? Chúng ta sẽ cùng lên tiếng yêu cầu đổi mới, hay quay về cuộc sống thường nhật và vùi nén những xúc cảm cải cách ấy đi, hoặc chọn giải pháp an toàn là tạm thời “đàn áp” ở nước ngoài?

TS Vũ Minh Khương : Tôi nghĩ là mỗi người chúng ta phải có tiếng nói từ tấm lòng, tự sự tâm huyết của mình. Hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào thời thế, tùy thuộc vào sự hiệp đồng của đông đảo anh em trí thức chúng ta. Người Việt Nam thường gặp phải là the coordination problem, bài toán trong hợp tác. Mà nguyên nhân như tôi nói trước đây là assumption, khi gặp prisoner dillemma, anh này thường giả định là anh kia sẽ vụ lợi cá nhân, quên đi lợi ích cộng đồng, dẫn đến poor outcome.

Để có nhu cầu hợp tác, thì trước hết các bên đối tác cần có một mục đích chung. Xưa, thời chiến, đất nước và con người Việt Nam ta sở dĩ đồng lòng đồng sức vì mục đích chung lúc bấy giờ là bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc và nhân dân mình. Nay, thời bình, mục đích chung của tập thể dường như bị lu mờ, và lãng quên giữa lòng những mục đích riêng mang tính cá thể - dấu hiệu cần một đích ngắm mới cho dân tộc để người dân ta cùng hòa sức lực, trí tuệ chắp cánh bay cho nước nhà vươn tới một tầm mới, cao và xa hơn. Có thể nói cái mục đích chung đó vẫn không ngừng đặt ra và ngắm tới đó là làm sao cho 'Dân tộc Việt Nam ta sánh vai được với các cường quốc năm châu, bốn biển' như lời răn dạy của Cụ Hồ. Tuy nhiên, nhìn vào điều kiện thực lực và tiềm năng của nước ta, dân ta ngày nay, cá nhân tôi cho rằng tầm ngắm ấy là viễn tưởng, và phi thực tế, khiến không ít người trong giới trí thức nản chí, ôm đồm tư tưởng cam tâm phó mặc và chấp nhận. Có nên chăng quần chúng và lãnh đạo ta hãy can đảm nhìn ra, và dám trực diện với thực tế, để từ đó đặt một mục tiêu phấn đấu cụ thể, khả thi phù hợp với sức bật của mình - cường quốc của Châu Á, thay vì của Thế Giới?
 
Đọc qua một số bài viết phát biểu nữa cùng của TS. Khương. Thì nhận định của mình thấy là cách thức biểu đạt, đối thoại của TS hao hao giống với của tổng thống Mỹ Ronald Reagan- mà có thể tóm gọn lại trong 10 chữ đơn giản, đó là: 'Thuyết phục bằng lý trí. Thúc đẩy bằng xúc cảm.'
 
Đoàn Trang đã viết:
Đọc qua một số bài viết phát biểu nữa cùng của TS. Khương. Thì nhận định của mình thấy là cách thức biểu đạt, đối thoại của TS hao hao giống với của tổng thống Mỹ Ronald Reagan- mà có thể tóm gọn lại trong 10 chữ đơn giản, đó là: 'Thuyết phục bằng lý trí. Thúc đẩy bằng xúc cảm.'

trong cuộc thảo luận, một số PhD cho rằng TS. Khương sử dụng khái niệm "tầm vóc dân tộc" (tôi ko biết cái này có phải phát kiến của TS hay k) là 1 cách tiếp cận vấn đề gián tiếp dường như TS đã né tránh xác định căn nguyên của vấn đề.
 
trong cuộc thảo luận, một số PhD cho rằng TS. Khương sử dụng khái niệm "tầm vóc dân tộc" (tôi ko biết cái này có phải phát kiến của TS hay k) là 1 cách tiếp cận vấn đề gián tiếp dường như TS đã né tránh xác định căn nguyên của vấn đề.

Vậy theo ý kiến của anh Hiếu, nguyên căn của vấn đề này là gì?
 
Vấn đề trước tiên là phải hỏi những điều TS Khương nói đại diện cho cái gì. Nếu chỉ là một trí thức thôi thì là cái nhìn cá nhân, có khi đúng sai không đáng kể. Anh Hiếu có thể nói rõ thêm một chút về vị trí hoặc là tư cách của TS Khương không. Ông này làm gì, cho ai v.v... Khi biết rồi thì sẽ dễ nói chuyện hơn. Chứ nếu chỉ là một cái nhìn cá nhân không có tác động gì đến ai thì có lẽ tranh cãi quá sâu vào là điều không đáng.
 
TS. Khương chỉ lấy tư cách là "Với tư cách là một công dân, một đảng viên đồng thời là một nhà khoa học trẻ; Tiến sĩ của Đại học Harvard (Mỹ) Vũ Minh Khương - một chàng trai không ngừng sục sôi dòng máu Việt - tâm sự với Tuổi Trẻ:" . Hiện giờ trước thềm đại hội Đảng, giới trí thức (thậm chí ngoài trí thức) có vẻ sục sôi ý kiến ý cò nên tôi nghĩ cũng là topic hay có thể thảo luận ở box này.

http://vietnamnet.vn/chinhtri/daihoidangX/2006/02/540013/

http://vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2006/02/539205/

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/02/060210_siphubacha_imlang.shtml
 
Back
Bên trên