Hanoi
Gần một tháng rồi chưa viết một cái blog nào. Cũng muốn viết lắm chứ nhưng chút ít thời gian rảnh rỗi eo hẹp của mình trong một tuần không thể đủ làm tất cả những gì mình muốn. Một tháng - quá đủ để một loạt những "biến cố" xảy ra. Cảm xúc đến nhẹ nhàng, không báo trước một cái kết. Nhưng có lẽ như vậy là đủ. Không hơn! Đành tự trách mình, trách đời, thở dài như kẻ hành khất cõi tạm vậy thôi! Và có lẽ cũng nhờ vậy mà mình tìm lại được những khoảnh khắc riêng cho mình, để chợt nhận ra những điều tưởng chừng như đơn giản nhất. Phần lớn thời gian mình sử dụng trong gần một tháng, nhất là 2 tuần gần đây, là rong ruổi trên những đường phố Hà Nội. Từ những con phố trung tâm sầm uất cho tới vùng ngoại ô, chỉ toàn những con đường đất đá, hai bên trải dài một màu xanh non của lúa. Và bỗng chợt nhận ra một điều giản dị: "Hà Nội thật hiền!" Ta yêu Hà Nội bởi: ... Hồ Gươm chiều nắng nhạt, nét rêu phong cổ kính của tháp Rùa làm mềm đi những nét cứng cáp, xô bồ tấp nập của một Hà Nội đang thay đổi. ... Ánh nắng lách mình qua kẽ lá, tạo thành những vệt nắng trên mái ngói những ngôi nhà san sát nhau nơi phố cổ. ... Những khi thời tiết đỏng đảnh trở mình không báo trước, mang cái se lạnh đến một cách bất ngờ. ... Những cơn mưa rào mùa hạ. Mưa như trút nước, để rồi tạnh, dìm đi một cách tạm thời cái ngột ngạt oi bức của tiết trời. ... Hà Nội có hoa sữa - thứ hoa chỉ riêng Hà Nội mới có. Hoa xông hương cho những đêm thu Hà Nội. Người vô tình nhất khi đi qua những rặng sữa mùa thu cũng phải nhận ra hương thơm đặc biệt ấy. Người ta không thể không nhắm mắt, hít vào một hơi thật sâu để lưu lại trong mình chút hương thu Hà Nội. Cái cảm giác ấy thật dễ chịu, vừa thoải mái lại vừa xao xuyến bồi hồi. Và phải chăng, vì thế mà mình sẽ không ngần ngại khi nói: "Tôi yêu mùa thu nhất!" ** *Anh thấy mùa thu vẫn hững hờQuyện vào mắt biếc nét ngây thơTrôi trong làn tóc mùi hoa sữaNgây ngất Hồ Gươm đứng thẫn thờ Anh thấy mưa phùn lất phất bayChiều thu Hà Nội dáng hao gầyXin em cứ để mưa rơi rớtTrên dáng trang đài ngây ngất say -Hoàng Thy- Chợt nhớ đến câu văn của Băng Sơn:"Như là thu gõ vào cánh liếp lúc nửa đêm về sáng khiến ta thức giấc, phải kéo vội chiếc chăn mỏng mà choàng qua bụng. Hay là đấy, tiếng gà gọi những giọt sương khuya. Sáng mai này, mái cây rơm chắc ẩm hoặc sũng những tiếng chưa thành lời của vợ chồng Ngâu còn cách nhau một đoạn đường đầy sóng chia ly đòi đoạn nhưng tháng năm dài." Ta yêu cái heo may của thu Hà Nội. Ta như cảm nhận được sự thay đổi khung cảnh của không gian và vạn vật xung quanh đang chênh vênh biến tấu khúc giao mùa. Có bao giờ bạn nhắm mắt lại và cảm nhận mình đang đứng giữa Hà Nội chớm thu? Có người đã viết:"Ở bờ Hồ Hoàn Kiếm có hai cây lộc vừng. Một cây quằn quẽi với cái thế vươn lên tránh bóng cớm của cây "mõ". Còn cây kia cứ ngả la đà chín gốc soi xuống mặt sóng hồ và xuân thu hai kỳ, thả hoa đỏ xuống mặt nước mà chơi. Đó là hai cây quí hiếm của Hà Nội. Mùa sương, thành phố gần nghìn năm còn một loài hoa khác khá đặc biệt, nó lấy hương của mình khắc vào hồn người như vết khắc không phai mờ. Vừa lạ mà cũng là thông thường, có người như bị dị ứng, không chịu được mùi hương ấy nên ghét cay, ghét đắng, mỗi mùa hoa nở chỉ mong cho thu chóng tàn để rời xa nó. Nhưng phần lớn người Hà Nội lại say nó như mối tình đầy chờ đợi, đợi cứ sang thu được đắm mình vào một thứ hương tình không nơi nào có được. Có người cứ thắc thỏm từ khi con trăng đầu tháng thu sơ, nhẩm tính xem bao giờ hoa sữa nở như hôm nào có cốm Vòng, chim ngói. Có người đặt tên nó là Hương tình yêu, là Hoa Hà Nội. Người khác nữa cho nó là hồn, là mộng của sum họp, chia lá, gần thì bâng khuâng, xa thì day dứt. Không ai lấy cây xà cừ, cây nhội, cây đa... làm cây Hà Nội, kể cả bằng lăng tím rực trời hay hoa phượng cháy đỏ mùa hè. Cứ phải là khắc khoải một mùi hương hoa sữa. Hàng cây cao vút, thân có vè có bạnh, cành đâm ngang thưa thớt, lá mọc thành chùm thành tia như hoa thị biếc xanh. Từ lòng hoa thị ấy, khi sương lam bảng lảng, lại bùng ra những ngọn lửa xanh màu lá mạ non, thả làn hương vô hình như "hữu xạ" vào đêm phường phố cho người phải tìm nhau, cho ai dùng dằng bước chân, cho ngập ngừng bánh xe quay, cho giấc ngủ thao thức đầy mộng mị như ở đâu đây quanh quất một tà áo mờ xanh của hồn ma, hồn tiên khi sống thì mang cái xác là hoa, khi tan tác hình hài thì vương vấn cợt trêu người đa tình của đất ngàn năm văn hiến...
Mùa thu thường không có hoàng hôn mà chỉ có những buổi chiều trắng đục. Đèn đường còn đứng sững, im lìm, nhắm mắt. Đó là lúc hoa sữa như một nhà thơ, ngồi trầm tư tìm ý thơ còn mông lung chưa định, như cô gái còn mải điểm trang chưa vội đến chỗ hẹn hò, như bữa cỗ cưới mới kê bàn ghế mà bát đũa còn nằm trong rổ. Đấy là lúc những "bé em" hoa sữa cũng đang sửa soạn hành trang từ trong sâu thẳm lòng hoa để chuẩn bị lên đường, đựng đầy hương trong tà áo dệt bằng cánh hoa và sương mỏng se se cảm giác, một lần này đi, sẽ không bao giờ trở lại lòng hoa, nên hương chẳng vội vàng. Lát nữa thôi, những ngọn cỏ ven hồ chưa kịp ẩm ướt hơi thu, lá cây vàng anh đã khép rèm mi, người thợ vừa vào ca đêm, quán rượu thuốc, ốc luộc nóng bắt đầu ngả ghế ra bên hè... là lúc hương sữa đan tay, chị bên em, thả gót, đu tà áo dài nhẹ tênh của mình vào đôi vai thầm thì tâm sự và còn dư sức, thì lang thang dạo đây đó mơ hồ. Dọc con phố to rộng Trần Hưng Đạo, mướt mát tán sấu tròn xoe, theo đường Nguyễn Du bên hồ Thuyền Quang êm ả, lao xao sóng hồ, giữa phố Bà Triệu và lẻ tẻ dăm ba nơi khác... những hàng cây sữa thẳng vút, tuổi khoảng gần trăm đã thành kho nước hoa vô tận xức cho Hà Nội..." Không biết ai khéo chọn loài cây đặc biệt đến vậy để trồng ở mảnh đất "ngàn năm văn hiến", làm nên một nét thu độc đáo ở Hà Nội. Khánh li hương xa Hà Nội vẫn cứ bị hương hoa sữa hăng hắc, ngòn ngọt của mùa thu ám ảnh. Dường như hương hoa sữa nhẹ nhàng quyện vào hương thu Hà Nội, tạo thành một hương thơm riêng biệt, không nơi nào có. Mùa thu - mùa của những chiều nắng nhạt, mùa của những chiếc lá vàng rơi khắp mọi nẻo đường, mùa của những cơn gió heo may làm tung bay những vạt áo dài dễ thương đến kì lạ. Và còn gì lãng mạn hơn, khi sánh vai cùng người ấy rảo bước trên con phố đầy lá vàng trong một chiều thu hửng chút nắng, chơm chớm chút heo may se lạnh đầu mùa, với hương hoa sữa man mác ướp cả lòng người. Bước nhịp nhàng cùng ánh nắng mùa Thu, hoà mình cùng dòng người tấp nập rồi bỗng mỉm cười khi chợt nhận thấy, khung cảnh nơi đây đã làm mình bị thu hút, một sự thu hút đầy trìu mến mà trước kia do sự sắp đặt vô hình của cuộc sống, ta không thể cảm nhận được. Thu Hà Nội nhẹ nhàng vậy đấy, chả trách ai xa Hà Nội, luôn nhớ nhất vị ngọt pha chút hắc kia, thèm được sống trong khung cảnh Thu đầy quyến rũ. Họ cố nhặt những chùm hoa vương trên lòng phố để ép vào trang giấy, cố lưu giữ hương thu quê nhà. Và chẳng biết từ khi nào, hoa sữa vào mỗi thu "đã tạo nên một nét đan thanh trong bức tranh kì vĩ muôn đời Hà Nội, đã vẽ và còn đang vẽ tiếp..." "Ta không đợi mà thu cứ về đúng hẹn, đúng hương đúng màu, đúng chất như ngón tay nghệ sĩ tài hoa gõ đúng vào phím ngà cần thiết của cây dương cầm lòng ta... Và ta đợi đấy thu ơi... Ta ôm thu vào lòng như giấc mộng." ** * Đang chập chờn giấc ngủ chưa tròn, bỗng nhiên ta cảm thấy hơi lạnh từ cửa sổ ùa vào. Khùa khoạng xung quanh, cố kiếm cho được cái chăn kéo chùm kín đầu rồi ngủ tiếp. Những cơn gió đầu đông mang theo hơi nước lành lạnh thổi vào mơn man khắp da thịt làm cho con người ta cảm thấy rùng mình. Vào những lúc giao mùa như vậy, cái rùng mình đấy dễ làm cho người ta quên đi những cái vụn vặt của đời thường. Cái giá làm cho người Hà Nội tự cho phép mình ngủ dậy muộn hơn thường ngày. Tinh mơ, Có tiếng bước chân ai đi trong phố cổ, giữa hai bên phố là nhà cửa đã đóng then cài, chỉ có ánh sáng lọt qua khe cửa, nằm chéo mặt đường như sợi chỉ dệt bằng kim tuyến. Mùa đông đất bắc, gió lang thang trên những cánh đồng gốc rạ, mang theo chút hương đồng nội rồi ùa vào chốn đô thành. "Gió luẩn quẩn trên những tầng mái cổ, ra đến Hồ Gươm thì mới có liễu đón, sóng chào. Mặt hồ xao động trong lặng lẽ, tóc xanh cây mềm đung đưa như vạn cổ đã thường xanh và gió nghìn đời rong chơi không mệt mỏi làm một đối cực còn cực kia là nồng ấm đôi bàn tay xoắn xuýt vào nhau, đan cài muôn đời không thành tiếng". Bước ra đường với chiếc áo khoác mỏng, mặc kệ những cơn gió lạnh thổi vào người, chợt giật mình khi nhận ra Hà Nội hiện lên trước mắt với một vẻ đẹp khác hẳn. Chút gió mùa về sớm không báo trước là dịp tốt để người Hà Nội hãnh diện bước ra đường khoe áo ấm. Bạn có thấy Hà Nội lúc đó đẹp như một bức tranh động? Xà vào quán nước bên đường quen thuộc, cầm chén trà nóng giữa hai lòng bàn tay, vừa uống từng hớp nhỏ vừa xuýt xoa, một phần vì cái giá, một phần vì cái cảm giác ran rát nơi đầu lưỡi do cái nóng của ngụm trà sen. Đông về dường như làm thay đổi cả con người nơi đây, bà bán hàng nước mọi hôm cáu kỉnh là thế, nay trông lại hiền dịu hơn với chiếc khăn quấn cổ... "Mùa đông Hà Nội, đến một cột đèn cũng thành kỷ niệm đời người, một tiếng rao khuya cũng rền vang tâm tưởng... Người bạn phía trời Nam chắc đang nhớ về gió liễu và sương hồ Hà Nội, nhớ một ấm trà thơm quây quần trên sàn nhà dải chiếc thảm cói đơn sơ, không cầu kỳ. Và ta xếp mùa đông lại như xếp từng lá thư tình một thuở chẳng thể mờ phai, còn bây giờ ta đi đến với muôn lòng đón đợi tiếng tri âm từ xung quanh toả ra và từ phương trời xa tít gửi về... và ta xin nói với người: Mùa đông Hà Nội là của riêng ta và cũng của cả người đấy, tình ơi." ** * "Sau bao tháng ngày hanh héo khô xác, cây bàng chút lá đỏ, cây liệu lơ xơ, cây đề gầy guộc, những mặt ao bèo cạn đến đáy, con đường xa mù bụi... bỗng có một điều gì lướt qua và đọng lại cho mọi vật chợt tưng bừng, hồ hởi tươi vui, nõn nà, yểu điệu... Thì ra là mùa xuân đã về, đem đến mái tóc mình, bả vai mình những làn mưa bụi giăng giăng, không thể gọi là cơn mưa được, mà chỉ là mưa, là mưa thôi. Đột nhiên mình cũng nhớ đến câu thơ hình như đã bật ra từ mấy chục năm cũng trong một mùa mưa bay đầy phấn thông xanh như thế: Mùa xuân phép lạ, mưa không nước
Cây sắp hoa rồi, em đợi ai...? Hoa không còn là danh từ mà đã theo mưa tự mình thoát xác thành động từ đầy thúc giục yêu nhau. Không hiểu có nhà ngôn ngữ nào giương cái thước kẻ khổng lồ lên mà phê bình rằng chữ ấy dùng sai ngữ pháp. Nếu có, thì xin chịu, nhưng từ thuở hồng hoang, từ chiếc cây một lá mầm hai lá mầm sinh ra và con người được sinh nở, tình yêu có theo một "văn phạm" nào không nhỉ? Những đường cây hoa sữa phố Nguyễn Du treo bao nhiêu là mành xanh dệt bằng quả sữa, hương thơm đã ngủ trong lặng tờ. Hàng cây sấu tròn xoe trên phố Trần Hưng Đạo ai đem những mảnh vải xa tanh bóng biếc che từng chiếc lá cỏn con? Hoa sữa (không phải hoa sữa) sắp mang trời cực Bắc về đây trong màu trắng muốt, trắng phau, trắng tinh khôi, mà mưa bay làm cho nó càng lộng lẫy phố Hàng Dầu, phố Phan Chu Trinh, phố Hoàng Hoa Thám, cạnh Nhà hát lớn.... Cây đề độc nhất ở đài phun nước Bờ Hồ tức Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đang tự làm người thợ rèn, rèn đồng điếu trong lửa lò thành những chiếc lá đề màu đỏ tím, màu tím đỏ treo lên la liệt bằng những chiếc cuống nhỏ như tăm không ai nhìn thấy, nên những tám lá đề đỏ tím ấy khẽ gió cũng reo reo. Phải cuối giêng, trời mới cho chúng một màu xanh như rau xà lách ngon lành, như những cây nến bằng diệp lục cắm trên những tán bàng bay mưa, và loé nắng... Ai người để ý đến loài cây me khiêm tốn, ẩn mình trong dải rác phố Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, đường Lê Thái Tổ? Lá me hay cốm Vòng treo trên đó? Lậy trời gió đừng bứt nó vì nếu trên mặt đường có lá me bay thì ta cứ tưởng như có ai đó vừa gánh cốm đi qua, lỡ trượt chân làm đổ những viên ngọc lưu ly vào đất, khiến ta muốn ngồi nhặt cốm cho khỏi phí của trời. Mùa xuân phép lạ, mưa không nước.... Mình cũng không ngờ là có một câu thơ đầy phi lý nhưng rất có lý và chan chứa nỗi tình như thế. Mưa không nước thì mưa ra gì? Mưa ra thơ đấy, mưa ra tình đấy... mưa mùa xuân đấy, mưa ra mộng mơ đấy... và nó cũng đích thực là mưa xuân Hà Nội, mưa như không mưa, mưa như trêu cợt, mưa như để riêng người dùng rằng những bước chân, không thể chia tay về mỗi nguời một ngả đường đèn lấp loá trong mưa..." - Băng Sơn - ** * Mùa hạ - mùa thi, mùa của những trang lưu bút tình cảm, pha chút dễ thương, buồn vui lẫn lộn của tuổi học trò. Mùa hạ - mùa chia tay của những cô cậu cuối cấp... Rồi sẽ có những giọt nước mắt rơi, thấp thoáng đâu đây là lời thổ lộ còn vương trên môi của một cậu học trò nhút nhát... Nhiều, nhiều lắm... Tất cả rồi sẽ chỉ còn là dĩ vãng, trở thành những kỉ niệm đẹp của những buổi cắp sách tới trường, để rồi sau này lại dâng trào một cảm xúc về một thời đi học nhất quỉ nhì ma; để rồi một mai, khi đứng nhìn những bóng áo trắng đồng phục trên phố, cùng những nét mặt hồn nhiên, ngây thơi cười đùa mà đứng ngẩn ngơ, bồi hồi, lòng như thắt lại, cố kìm nén những giọt nước mắt khi nghĩ về tuổi học trò của mình sao trôi nhanh quá vậy... Những cơn mưa rào mùa hạ bất chợt đến rồi bất chợt đi xoá tan cái oi ả, hừng hực của tiết trời đương độ giữa hè. Chợt nhớ lại tuổi học trò nghịch ngợm với những buổi trốn thầy tắm mưa, rồi lại sợ sệt đứng trước mặt thầy, ướt nhẹp, đứa nào đứa nấy run cầm cập, không dám nhúc nhích chỉ để chờ thầy cười hiền từ: "Lũ quỉ chúng bay!..." "Hè đến, ta đã thấp thoáng nghe trong mình thèm một bát canh cua rau mùng tơi, kèm quả cà pháo ròn tan. Những nghệ sĩ vĩ cầm còn đang tìm đường trở lại dương gian trên những gốc cây một mùa lặng lẽ. Đôi cánh mỏng có những đường gân như cánh chuồn chuồn, giây lát thành hình từ cái bụng nứt đôi của một loài sâu giống hệt con dế chũi. Mấy hôm nữa thôi, một tiếng cất lên, một dàn âm thanh âm vang cứ như mọi chiếc lá xanh mới sinh ra từ hôm xuân đến, đều biết hát lên tiếng nói của màu xanh diệp lục, màu đỏ hoa phượng, màu tím bằng lăng mà loài người dù thông minh đến đâu cũng không thể hoá thân, không thể tàng hình như thế. Ta gối đầu lên mùa hè khi trong chiếc gối kia ẩn kín một nhánh nhài khiêm nhường suốt đêm phảng phất." ** * Hà Nội bốn mùa - Một bức tứ bình thật đẹp của thiên nhiên. Và vào bất kì một mùa nào, ta đều thả thân vào một ngày thường... "hạnh phúc khi dược hoà vào Hà Nội ngoài kia nghìn vẻ". "Nơi tôi sinh Hà NộiNgày tôi sinh,Một ngày bỏng cháyNgõ nhỏ, phố nhỏNhà tôi ở đóĐêm lặng nghe trong gióTiếng sông HồngThở than..."