Vấn đề cải cách giáo dục đang là đề tài thời sự nóng bỏng ở Việt nam. Đây là một dấu hiệu tốt, lành mạnh, đáng mừng.
Cuộc đối thoại bổ ích
Công luận xã hội đang bàn sôi nổi. Báo chí, phát thanh, truyền hình truyền đi nhiều tin tức, điều tra, góp ý, tranh luận. Quốc hội nhiều lần thảo luận, chất vấn chính phủ và bộ trưởng giáo dục – đào tạo mới nhận chức vài tháng nay Nguyễn Thiện Nhân.
Những tệ nạn dai dẳng gian dối, chạy theo thành tích, bằng cấp dỏm, giả, chạy trường, chạy lớp…, cùng những hiện tượng cô giáo bắt học trò liếm ghế, thầy giáo gạ nữ sinh làm tình rồi cho điểm cao, 50 em học sinh chết đuối khi qua đò, 4 em nữ sinh buộc tay vào nhau tự trẫm mình vì chán đời… đang báo động về hiệu quả xã hội của nền giáo dục nước ta.
Các vần đề cơ bản đã và đang được luận bàn khá sôi nổi, một cuộc khám bệnh tỷ mỷ và gọi bệnh, bốc thuốc trên các lĩnh vực: hiện tình nền giáo dục, thành tích, khuyết điểm, nhược điểm và bổ cứu về quan điểm sư phạm, chiến lược đào tạo, tuyển sinh và thi cử, chương trình và đội ngũ giảng dạy, ngân sách và chi phí, biên tập và phát hành sách giáo khoa, học tập quốc tế, phân cấp và lãnh đạo quản lý, đường đi và nước bước.
Cuộc nhìn lại toàn bộ sự nghiệp giáo dục để đổi mới sâu sắc đang được sự tham gia nhiệt thành của mọi tầng lớp: trí thức các ngành, các thầy cô giáo, nhà nghiên cứu giáo dục, nhà biên soạn sách giáo khoa, cha mẹ học sinh, nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà báo. Trong đó đáng chú nhất là các ông Hoàng Tụy, Nguyên Ngọc, Văn Như Cương, Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, Trần Hoàng Quân, Phạm Vũ Hạc, Phạm Chi Lan, Nguyễn Trung, Phan Đình Diệu, Trần Văn Hà, Hồ Ngọc Đại… theo sự hiểu biết không đầy đủ của tôi.
Tôi là nhà báo tự do, tò mò mọi chuyện trong xã hội, đi đâu đó hơn 40 nước, thuộc đủ các châu Á, Âu, Bắc và Nam Mỹ, Úc, thường quan hệ với giới báo chí, các trường đại học, giáo sư, sinh viên, du sinh việt nam… suy nghĩ khá nhiều về đề tài giáo dục của nước ta, xin góp vài ý nghiền ngẫm của mình, may ra có ích chút nào chăng.
Tư thế người học như một con người tự do
Một công dân nước dân chủ đích thật ở Pháp, Đức, Anh, hay Thuỵ Điển, Na Uy, Thụy Sỹ… có quyền suy nghĩ, viết báo, đi lại xuất nhập tự do từ nước mình đi mọi nơi. Họ có nếp sống, nếp nghĩ ung dung, thư thái khác hẳn người Việt ta. Từ tấm hộ chiếu, visa xuất ngoại, mua vé máy bay, đi lại sao mà nhẹ nhàng, không ai hạch sách tra hỏi, phiền hà, trở ngại. Từ khi còn bé, trong gia đình, các em bé đã được quyền tự do một cách tự nhiên. Chọn thức ăn nào, đồ chơi nào, giải trí ra sao, rồi lớn lên, chơi thể thao, chơi nhạc, chọn bạn, đi du lịch, học ngành nào… các em đều tự mình có nếp nghĩ tự quyết cao, tự chọn cho mình, không có ai áp đặt, bắt buộc. Bố mẹ anh chị em chỉ góp ý, khêu gợi, giới thiệu… Cho đến tuổi yêu đương, lập gia đình, ra xã hội, lập nghiệp, các bạn đều tự chủ, tự lập, tự do.
Tất cả bắt nguồn từ nếp nghĩ và một nền pháp luật được ngấm sâu vào từng tế bào xã hội từ vài trăm năm trước. Quyền tư hữu cá nhân – cũng nằm trong quyền tự do rộng lớn – và quyền tự do cá nhân – cũng nằm trong quyền tư hữu rộng lớn – đã quyện chặt vào nhau tạo nên một nếp sống dễ chịu, hài hòa, công bằng, bình đẳng, ổn định. Tóm lại là một cuộc sống xã hội văn minh và đáng sống, mở đường cho phát triển kiến thức bền vững trong tương lai.
Dựa vào quyền tư hữu và quyền tự do vốn có không cần phải xin phép ai, con người ở những xã hội tự do được làm mọi thứ, trừ những gì bị pháp luật hạn chế hay cấm, cũng để bảo vệ quyền sống của xã hội, cũng là của chính mình.
Phải chăng đây là mục tiêu và chủ thể đầu tiên cần nghĩ đến khi bắt tay vào việc đổi mới giáo dục ở nước ta.
Con người tự do cũng bình đẳng với bất cứ ai
Mỗi công dân khi đủ 18 tuổi là hoàn toàn tự do nên thật sự bình đẳng với mọi tổ chức và cá nhân khác, dù đó là ông bà, cha mẹ, anh chị, thầy cô giáo, thủ trưởng cơ quan, các vị chính quyền xã, huyện, tỉnh cho đến thủ tướng hay tổng thống.
Trong ngôn ngữ bình thường ông bà cha mẹ anh chị nói với hàng con cháu, em… thường chỉ “tutoyer” (tiếng Pháp), tạm dịch là “mày tao” với nhau, không phân biệt ngôi thứ trên dưới, cũng chẳng mấy khi thưa, bẩm. Các bạn trố mắt ngạc nhiên khi nghe kể ở Việt nam trong gia đình nhiều vợ đông con, con bà cả có khi kém con bà hai đến 20, 30 tuổi vẫn được là anh hay là chị, với sự kính trọng, thưa dạ theo ngôi thứ chặt chẽ.
Các nhà báo Pháp cười ngặt nghẽo khi nghe tôi kể chuyện làng tôi, phong tục thuần cổ, họ tôi có nhiều chi, chi trưởng và các chi thứ, chi dưới phát triển nhanh hơn chi trên, con cháu liên tiếp đẻ sớm hơn, dẫn đến cụ ông hay cụ bà mới 3 hay 4 tuổi mà có đứa cháu và chắt đã hơn 70, 80 tuổi, để khi lễ Tết, các cụ già lão mặc áo thụng vái lạy mừng tuổi các “cụ”, các “ông”, “bà” còn thò lò mũi xanh. Phong tục, lễ giáo, gia phong là vậy.
Việc ngôi thứ trong chế độ phong kiến ở làng xã, trong xã hội ta thật rối rắm phức tạp. Làm sao dịch ra tiếng nước ngoài những thứ bậc xưng hô như: ngài toàn quyền, cụ lớn tuần phủ, quan quản, bác đội, thầy cai, chú lính, thằng mõ, đứa ở, tên kẻ trộm… Nạn ham danh hão và tệ áp đặt trong giáo dục sinh ra từ nền văn hóa xã hội chuộng ngôi thứ như thế.
Trong các nước dân chủ lâu năm, mọi sự dạy dỗ, giáo dục, huấn luyện, đào tạo trong gia đình và xã hội đều không qua con đường nhồi nhét, cưỡng bức, áp đặt, bó buộc, mệnh lệnh, không được chống lại, không được cãi lại, không được hoài nghi, phủ định và bác bỏ, thậm chí không cần giải thích, lý giải…; mọi sự chỉ có thể qua con đường thuyết phục, khêu gợi, đối thoại, tranh luận, đưa ra nhiều giả thuyết, phương án, khả năng để mỗi người cân nhắc, lựa chọn theo nguyên lý đa nguyên.
Cuộc sống về bản chất là đa nguyên, mỗi con người có nguồn gốc, cấu tạo, tư chất, môi trường, trí tuệ, tình cảm, chính kiến khác nhau, không thể bắt buộc phải giống y hệt nhau như trong một khuôn đúc. Tôn trọng tính đa nguyên, tôn trọng cái riêng của mỗi con người là một nguyên tắc của thái độ sống.
Trong một xã hội phong kiến theo luân lý khổng giáo truyền thống, con người bị bó buộc, ý vua là ý trời, ông bà chú bác bố mẹ anh chị là bề trên, bảo gì bề dưới phải vâng dạ, nghe lời, dựng vợ gả chồng cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, thầy cô dạy gì đều là chân lý phải đón nhận tuyệt đối.
Trái lại, môi trường xã hội – pháp lý – tập quán – đạo lý trong một thể chế dân chủ đích thật tạo nên quan niệm tự nhiên của người học sinh sinh viên nhìn nhận nhà trường, thầy cô giáo như những người thầy hướng dẫn, chỉ vẽ, lại cũng như người bạn thân tình có hiểu biết và thiện chí, bình đẳng về nhân cách, cùng chung sức nâng cao trí tuệ bản thân mình, vì lợi ích của mình, của toàn xã hội.
Từ đó không cần đến cái roi của cụ đồ, không cần lễ nhập học của môn sinh với đạo sư, không còn cái quỳ lạy hay vái dài của anh học trò, cúi rạp đầu khi qua mặt thầy – người giữ trọn cái túi khôn, nhất tự vi sư, bán tự vi sư, để suốt đời nặng nợ mang ơn dạy dỗ thành người quân tử của thầy đồ.
Tắm mình từ tuổi thơ trong môi trường tự do phóng khoáng đa nguyên của xã hội tự do, người học sinh, sinh viên luôn động não chủ động tiếp thu kiến thức theo con mắt hoài nghi và phê phán, qua sự sàng lọc của bộ não tỉnh táo, không bị động, thụ động chấp nhận nguyên si theo lối ăn sống nuốt tươi, không học thuộc lòng như vẹt, sao y bản chính, cóp nguyên si như cái máy, cũng không theo kiểu ghi lòng tạc dạ mỗi dòng chữ thánh hiền như kinh Thánh, không suy xuyển đến một dấu phẩy. Tỉnh táo, chủ động, luôn hoài nghi (một cách khoa học), lật đi lật lại, sáng tạo lại nội dung kiến thức, nói cho cùng đó là tự mình dạy mình, mình là chủ thể của giáo dục… là phương pháp tu học hiện đại.
Tư thế của học sinh sinh viên thời đại mới là ham học, coi trọng kiến thức đồ sộ của loài người, nhưng không ngợp, không sợ, không tự thấy ngu dốt, hèn kém trước thầy giáo và sách vở, mà tự tin, ngẩng cao đầu, tham gia vào quá trình xây dựng kiến thức cho mình và cho nhân loại. Anh ta quý thầy nhưng cũng lại coi thầy bình đẳng với mình trên nhân cách công dân, dám tranh luận tay đôi đến cùng với các ông thầy theo cách phản biện thịnh hành, để rồi phục thiện công nhận kết luận công khai và công bằng.
Các du sinh người Việt ta sang Pháp, Anh, Mỹ, Úc buổi đầu thường ngỡ ngàng trước cảnh sinh viên trẻ măng chống nạnh, ngồi trên bàn chân đung đưa, tranh luận cứ như ngang hàng, phải lứa, có khi lớn tiếng như cãi cọ tay đôi về lý luận, học thuật với thầy cô giáo, “mày tao’’ chi tớ. Theo quan điểm phong kiến thế là thiếu lễ độ, dân chủ quá trớn, trái đạo lý, kém văn hóa. Thật ra đây là chuyện bình thường. Các thầy cô giáo giỏi, có tâm huyết chỉ mong có những sinh viên như thế, tự tin, bình đẳng, luôn động não, luôn tìm tòi phản biện, không e ngại khi chưa thông, khi còn vướng mắc.
Có thể dùng hình ảnh tượng trưng theo kiểu phóng đại để gây ấn tượng: nền văn minh quân chủ phong kiến Nho giáo tạo nên một quần chúng im lặng thụ động nhạt nhẽo như những hạt cát trên bãi cát mênh mông dưới chân họ, trong khi nên văn minh thời đại coi học sinh sinh viên là vô vàn ngôi sao, mỗi ngôi có thể bừng dậy bằng những ánh khác nhau, nền giáo dục chỉ kích thích việc phát sáng, làm cho cả bầu trời rực rỡ sinh động.
Ở 2 tầng văn hóa văn minh khác nhau, sự đối xử khác hẳn nhau. Một bên là “ơn Trời, Phật”, “ơn Chúa, ơn Bề Trên”, hoặc là “ơn Đảng, ơn Bác”, một bên là tự tin ở chính mình, “tự giúp mình trước, rồi trời sẽ giúp sau”. Trong xã hội tầng cao, “cám ơn” và “xin lỗi” luôn ở cửa miệng. Đấy không phải là xã giao hình thức mà bắt rễ sâu từ lòng tự trọng và tôn trọng tha nhân, tôn trọng con người cá thể trong xã hội với quyền tư hữu tư nhân và quyền tự do cá nhân bất khả xâm phạm, động lực lớn nhất của nền văn minh. Khi hưởng được chút phần sở hữu từ người khác san sẻ cho, hay khi động chạm dù chỉ chút ít đến phần sở hữu và tự do của người khác, việc cám ơn và xin lỗi là điều bắt buộc theo lối sống văn minh đã thành nền nếp chặt chẽ.
Cá nhân và chủ nghĩa cá nhân: Sống hơn 15 năm giữa thế giới dân chủ luôn hoàn thiện, tôi mới “ngộ” dần ra là các nước bị nền văn hóa phong kiến châu Á chi phối đã ở một tầng văn minh văn hóa thấp hơn các nước dân chủ phát triển phương Tây. Những người từng tự hào về giá trị văn hóa Á châu nên dẹp lòng tự ái nhận ra sự thật này.
Mấu chốt của sự thua kém này là ở chỗ công nhận hay không công nhận giá trị của cá nhân mỗi con người trong xã hội: individu, individualité, con người cá thể.
Nền văn minh của loài người, những tiến bộ vượt bậc của thế giới về chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, văn hóa, thể thao giải trí… từ mấy trăm năm nay đều bắt nguồn từ cuộc cách mạng tư sản nhân quyền, lật nhào các chính quyền vua quan chuyên chế, mang lại mọi quyền tự do cho công dân, cho mỗi con người cá thể, giải phóng mọi con người khỏi mọi sự áp bức, đè nén, bó buộc.
Phần lớn các nước dân chủ trên thế giới đang nằm chung trên một mặt bằng văn minh văn hóa của cuộc cách mạng tư sản nhân quyền, với chế độ dân chủ đang được bổ sung, kiện toàn, hoàn thiện không ngừng, qua các đảng có thực chất dân chủ, thường ở phái tả, tiêu biểu ở các đảng xã hội (không theo chủ nghĩa Mác – Lênin), hoặc các đảng xã hội – dân chủ ở các nước Bắc Âu: Đan Mạch (Denmark), Na Uy (Norway), Thụy Điển (Sweden), Phần Lan (Finland)…
Sự kiện toàn nền dân chủ đang diễn ra rộng khắp theo hướng hạn chế dần sự bóc lột và chênh lệch trong thu nhập, mở rộng các quyền lợi xã hội cho mọi người lao động, phổ cập giáo dục các cấp miễn phí và y tế miễn phí với chất lượng cao, làm cho nhiều quyền lợi của người lao động (mức lương, nhà ở, chữa bệnh, phụ cấp thất nghiệp, tai nạn, đông con, góa bụa, tàn tật…) đều vượt rất xa cái gọi là “thiên đường cộng sản” trong các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình Stalin và Mao. Tiêu chuẩn cơ bản của dân chủ đích thực là nềp dân chủ đa nguyên đa đảng với 3 quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) phân lập, với tự do ứng cử và bầu cử, tự do báo chí (coi như quyền lực thứ tư).
Dưới chế độ dân chủ đang hoàn thiện, người lao động trung bình cũng là ông chủ có cổ phần, nhà tư bản cũng là người lao động trong đua tài kinh doanh hợp pháp, nhiều tỷ phú đua nhau tham gia công cuộc từ thiện công cộng quy mô toàn cầu. Gia đình giàu thường giáo dục con cái tự lập nghiệp từ tuổi 18, không ỷ lại vào tài sản kế thừa, dựa vào uy quyền hay tài sản không do mình làm ra mà thành đạt là bất lương đáng hổ thẹn.
Chủ nghĩa xã hội kiểu Mác–xít không có sức sống, bị sụp đổ hàng loạt ở gốc gác Liên Xô, ở Đông Âu, còn rớt lại ở vài nước châu Á, buộc phải thay hình đổi dạng dần để tồn tại chính là vì cái kiểu chủ nghĩa xã hội ấy phủ định giá trị của con người cá thể – individu/individual, phủ định giá trị của người công dân – citoyen/citizen, phủ định xã hội công dân – société civile/civil society, chủ trương xóa bỏ quyền tư hữu tư nhân và các quyền tự do công dân, thay vào đó những cái gọi là sở hữu toàn dân, doanh nghiệp quốc doanh, sở hữu tập thể, lao động tập thể, hợp tác xã. Các nhà lý luận Mác–xít xỉ vả, lên án, kết tội quyền tư hữu tư nhân và các quyền tự do cá nhân. Họ gọi đó là chủ nghĩa cá nhân, nguồn gốc của muôn ngàn tội ác và bất công. Đồng thời họ coi đảng CS với chế độ công hữu cùng doanh nghiệp quốc doanh là ưu việt và thiêng liêng, là chìa khóa xây dựng thiên đường trên trái đất. Cái lầm lẫn chết người, cái sai lầm khổng lồ, gốc gác là ở đó.
Tại các nước Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn… vừa ra khỏi chế độ nông nô, phong kiến lạc hậu hay thuộc địa, người dân mới thoát khỏi ách thống trị của vua quan, chủ nô, thực dân, chưa hề được hưởng quyền tư hữu và quyền tự do cá nhân, đã bị cai trị bởi một chế độ độc đoán hơn: nền chuyên chính vô sản. Trong đó, con người chưa kịp được hưởng chút quyền tư hữu và quyền tự do nào đã bắt buộc phải coi các quyền đó là xấu xa, là tội ác, là quả cấm.
Họ đã dùng sở hữu toàn dân, lao động tập thể, tự do tập thể (với ý nghĩa là độc lập dân tộc) để đối lập với tư hữu và tự do công dân. Trên thực tế, họ muốn chặn đứng cuộc giải phóng con người cá thể, duy trì xã hội ở một tầm văn hóa văn minh lạc hậu, thấp kém với một hình ảnh ngụy biện dối trá là chủ nghĩa xã hội tốt đẹp và cao quý!
Tôi nhớ suốt đời cuộc tranh luận ở Học viện Chính trị quân đội nhân dân ở Quần Ngựa (Hà Nội) năm 1961, cậu đại úy Nam dám đứng dậy ngay tại hội trường cãi lại Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sau khi ông lên lớp suốt 2 ngày về Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc muôn ngàn tội ác. Nam cho rằng tinh thần cá nhân thường cao hơn tinh thần tập thể, dẫn chứng 4 chiếc xe đạp công ở tiểu đoàn anh chỉ sau 4 tháng là tan nát còn xe đạp riêng thì dùng 2 năm vẫn còn gần như mới. Nam bị loại về đơn vị rồi bị giải ngũ vì cứng đầu (!), chậm tiến (!). (Cũng như anh Kim Ngọc bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú bị lên án vì dám khẳng định hợp tác hóa không ưu việt. Bằng chứng là người nông dân sống bằng 5% đất chia riêng hơn là bằng 95% ruộng đất đưa vào hợp tác vì cha chung không ai khóc, lao động đủng đỉnh, nhìn nhau, ra đồng theo tiếng kẻng!)
Phải chăng chính vì chưa có một thời gian sống trong môi trường tự do, con người cá thể – individu – có đầy đủ quyền tư hữu, có mọi quyền tự do suy nghĩ, ăn nói, tín ngưỡng, đi lại, làm ăn, kinh doanh, sáng tạo, được bảo vệ bằng một nền luật pháp công minh, bình đẳng, mà nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa còn tồn tại dễ hài lòng với một vài đổi mới bộ phận về kinh tế, một kiểu đổi mới miễn cưỡng, từ từ, nửa vời, chồng chéo nhau, chân kinh tế tiến lên đôi chút, chân chính trị ngập ngừng rồi dừng lại, có khi lui bước. Phải chăng vì đổi mới bước đầu mà nông dân đã có chút lúa thừa để bán, đất nước có 5 – 6 triệu tấn lúa xuất cảng, người buôn bán đã dễ chịu, nên họ dễ dàng thỏa mãn. Sao không suy nghĩ tích cực hơn là nếu tự do đầy đủ về mọi mặt thì đất nước ta đã cất cánh bay nhanh, bay cao đến đâu. Quyền tư hữu và quyền công dân đầy đủ của người công dân cá thể là đôi cánh cần thiết cho mỗi cá nhân nảy nở tài năng đến tuyệt đỉnh, và từ đó đất nước tung bay. Cho đến nay đôi cánh ấy vẫn còn bị thiến cụt. Việt Nam ta hiện nay chỉ là bầy chim cánh cụt, lặc lè đi nhanh hơn bầy vịt đồng, chưa thể cất cánh để bay vì tư hữu và tự do đều bị hạn chế nặng nề do nạn độc quyền đảng trị.
Sự nghiệp chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục trong Đổi Mới hiện nay cần có một cách nhìn thấu đáo tận gốc, từ ngọn nguồn của tình hình như thế để có giải đáp đầy đủ, trúng phắp, nhằm tiến lên thật sự kịp thiên hạ, không loanh quanh, tốn thời gian, phí sức, hao của mà hiệu quả thấp.
Quyền tư hữu thiêng liêng hay tội lỗi
Từ thực tế nước ta, nền giáo dục hiện tại có sứ mạng rất nặng nề là phát huy những truyền thống tốt của dân tộc như đức tính hiếu học, lòng nhân ái, đùm bọc nhau trong trẻ em học sinh, trong công dân sinh viên, đồng thời phải lấp đầy những lỗ hổng kiến thức về những giá trị mà các học sinh sinh viên các nước khác vốn đã sẵn có khi vào đời.
Vẫn cần nói thêm về quyền tư hữu. Ở Việt Nam ta đã thành nếp chưa, khi mọi người coi việc xé phong bì đề tên người khác để lấy thư ra đọc là một việc không nên làm, không thể làm, không được phép làm, không cho phép bất kỳ ai làm, dù người có thư là bạn thân, là anh chị em, là con mình, kể cả là vợ hay chồng mình, nếu không có sự thỏa thuận trước.
Đã thành nếp, bước vào ngưỡng cửa nhà ai phải được sự đồng ý, lời mời của chủ nhà cho dù khách đến là bạn thân, là bậc trên trong dòng họ, là quan chức, là viên chức công an trừ khi có lệnh khám nhà có đóng dấu hợp theo luật.
Ngay cả việc nhòm trộm vào trong nhà người khác, vào buồng khách hay buồng ngủ cũng là việc tối kỵ, đáng chê trách, lương tâm không thể yên.
Cả trong quan hệ vợ chồng, không phải người chồng hay vợ muốn làm gì thì làm đâu, kể cả chuyện làm tình, nếu 2 bên không tự do đồng thuận thì 1 bên có thể bị kết tội cưỡng hiếp, phạm pháp. Sự bình đẳng và nhân cách trong xã hội ấy cao hơn hẳn một tầng cao so với xã hội ta hiện tại.
Ở một nước mà người công dân trung bình có ý thức lơ mơ về quyền tư hữu và các quyền tự do vốn có của mình và của mọi công dân khác thì các quyền ấy mặc nhiên bị xâm phạm vô hạn độ, pháp luật vô can, người có quyền mặc sức lộng hành, không ai ngăn cản, tố cáo, tội lỗi bị bỏ mặc buông xuôi… Từ đó tham nhũng lãng phí thành quốc nạn; “địa tặc", “lâm tặc” như rươi, bất trị; bằng thật, bằng giả, bằng dỏm, bằng mua, bằng hữu nghị lẫn lộn; kẻ gian người ngay như nhau, người lương thiện còng lưng làm cho kẻ gian ăn, xã hội làm sao mà ổn định được. Người ta đua nhau làm quan và làm giàu tắt bằng mánh mung, bằng các kiểu quan hệ đổi chác, qua cửa sau, chẳng ai dại gì mà phấn đấu tốn công nhọc sức mà lại không chắc chắn. Xã hội sa sút, luân thường đảo lộn, giáo dục bế tắc là lẽ đương nhiên.
Do quyền tư hữu chân chính không được đề cao và bảo vệ vững chắc bằng pháp luật nghiêm minh, nên quyền xâm phạm tư hữu kiểu rừng rú lan tràn thành quốc nạn. Quyền tư hữu cá nhân không được bảo đảm thì của công còn có ai quan tâm đến nữa. Thế là người ta tha hồ làm thịt công quỹ, làm thịt ngân sách, cấu véo, chia chác, đua nhau “múc” tiền, vật liệu của công vào túi riêng, biển thủ cả tiền cứu đói, cứu lụt bão, làm giả nghĩa trang liệt sỹ, cầu chưa đi đã gãy, đường chưa khai thông đã lún. Ít ai nghĩ rằng móc túi nhà nước chính là móc túi người dân, móc túi mỗi người công dân đóng thuế, và hàng mấy chục tỷ đô la tan biến vào túi quan tham, hầu hết là các quan cộng sản tiền phong trong tham nhũng. Các thế hệ con và cháu sẽ phải nai lưng ra trả đủ, thêm cả lãi.
...