Nguyễn Thị Kiều Minh
(kieuminh)
Active Member
Từ Vietnamnet http://www.vnn.vn/thuhanoi/2008/08/796985/
Từ vietnamnet: http://vietnamnet.vn/thuhanoi/2008/09/803677/
Ý kiến mọi người thế nào? Có nên không? :-??
KTS Trần Thanh Vân: Nên lấy lại tên Thăng Long?
Ngay sau ngày Hà Nội sáp nhập để trở thành Thủ đô (mở rộng), Thư Thăng Long - Hà Nội nhận được bài viết của một kiến trúc sư lâu năm, có tên tuổi. Những ý tưởng và kiến giải của bài là suy nghĩ của một nhà chuyên môn, rất đáng để chúng ta suy ngẫm, trao đổi và biết đâu, có thể trở thành hiện thực không xa?
Mùa thu năm 1010, ba tháng sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã ban Thiên Đô chiếu và Ngài đã hỏi quần thần: “Ý các khanh ra sao?”. Sự kiện đó diễn ra vào thời kỳ đất nước Đại Việt còn rất lạc hậu nghèo nàn, 1000 năm trước. Quan quân trong triều lúc đó, chắc không mấy ai đã hiểu hết ý nghĩa của 214 chữ do nhà vua ban ra, nhưng họ có niềm tin tưởng tuyệt đối vào đấng minh quân, nên quần thần đã nhất tề hưởng ứng, thông qua và làm theo.
Vào lúc đó, dưới sự dìu dắt của Thiền sư Vạn Hạnh, dày công tự tìm tòi, nghiền ngẫm và nghiên cứu cấu trúc NÚI CHẦU SÔNG TỤ, sự linh thiêng và thế bay lêncủa phong thủy Thăng Long dường như đã ngấm sâu vào tâm thức của nhà vua trẻ Lý Công Uẩn nên vừa lên ngôi, Ngài đã cấp tập ra lệnh khởi hành ngay công việc hệ trọng bậc nhất liên quan đến vận mệnh đất nước.
Lịch sử ngót 1000 năm qua đã chứng minh Đức vua Lý Thái Tổ đã có tầm nhìn xa, có hành động vô cùng thông minh và chuẩn xác!
Ảnh: Trần Thanh Vân
Trung tâm Thăng Long xưa là Hồ Tây và sông Hồng.
Chiếu dời đô ngắn gọn nhưng chứa đựng trí tuệ, hoài bão của bậc minh quân, lại mang hơi thở của một thời đại mới, đã miêu tả địa thế Thăng Long “… Ở giữa khu vực Trời Đất, được thế Rồng cuộn Hổ ngồi, chính giữa nam - bắc, đông - tây, tiện nghi núi sông, sau trước…”
Ngày đó, cả nước Đại Việt chỉ có sáu triệu dân. Hoàng thành Thăng Long chỉ rộng chưa đến 10km2, ở phía nam hồ Dâm Đàm là nơi giành cho nhà vua và triều đình cư ngụ, nhưng ở phía bắc hồ là nơi quân lính đồn trú để bảo vệ kinh thành. Như vậy, cung điện nhà vua và trại lính đồn trú là hai thành phần quan trọng nhất của kinh đô xưa đều ôm trọn Hồ Tây.
Trong suốt thời Lý sang thời Trần, phường Nhật Chiêu bên bờ sông Hồng luôn luôn là nơi tụ hội quân lính, nơi xuất quân ra đi đánh giặc, nơi dân chúng gánh lương thực đi tiếp tế và đón đoàn quân chiến thắng trở về để mở tiệc khao quân. Đình Nhật Tân, đình Yên Phụ và đình Thủ Lệ ngày nay vẫn thờ Đức Linh Lang bảo vệ hồ Tây, vị Thánh được gọi là Uy Đô Vương, con Vua Hồng Bàng. Tương truyền mỗi khi có giặc giã là Ngài nhập thế, dẫn đầu đoàn quân xông ra đánh giặc, giặc tan, Ngài lại bay về trời.
Lễ hội và tiệc khao quân - Ảnh: Trần Thanh Vân
Trung tâm Thăng Long nay vẫn là Hồ Tây và sông Hồng
Ngày nay chúng ta phát triển Thủ đô sang hướng tây và chọn Hồ Tây là trung tâm. Núi vẫn vậy. Sông vẫn vậy. Và bầu trời vẫn vậy, thiên thanh tựa ngàn xưa. Nhưng ngày nay dân số nước ta đã hơn 80 triệu (gấp 13 lần khi xưa), riêng Thủ đô có hơn sáu triệu dân. Thủ đô phải to rộng hơn nhưng vẫn phải bám sát trục phong thủy NÚI CHẦU SÔNG TỤ.
Thủ đô Hà Nội nay như một ngôi nhà lớn, tựa lưng vào vòng cung từ núi Tản Ba Vì đến Xuân Mai Hòa Bình, nhìn ra Hồ Tây mênh mông, là một đại minh đường hình bán nguyệt, trước nữa có sông Hồng chảy theo hướng Thìn, hướng của chòm sao Cang Kim Long là một đại long mạch.
Hà Nội cũ đáng trân trọng và cần bảo tồn.
Năm 1831, Vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội gồm bốn phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân. Riêng phủ Hoài Đức đã được người Pháp xây nên thành phố Hà Nội, thủ phủ của liên bang Đông Dương, ba phủ còn lại vẫn thuộc Hà Đông và Hà Nam.
Hà Nội là một thành phố đẹp, nhưng chỉ là một đô thị hành chính của chính quyền bảo hộ, lấy hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm. Khu vực đồn trú của quân lính đóng ngay trong khu Hoàng thành cũ, còn hồ Tây và phường Nhật Chiêu xưa thuộc huyện Từ Liêm, mãi đến năm 1995 mới được lập thành quận Tây Hồ.
Từ năm 1955 đến nay, dân số Hà Nội gia tăng từ 30 vạn lên đến hơn ba triệu người, nhà cửa, công trình… bị xen cấy, chen lấn, cơi nới, lại thêm cách quản lý yếu kém, cục bộ, thiếu tầm và thiếu cả tâm… khiến bộ mặt Hà Nội cũ bị biến dạng, trở nên chật chội, nham nhở, kỳ dị và xấu xí đi rất nhiều.
Ngày 29/5/2008, Quốc hội nước ta đã thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, vẫn theo đúng trục phong thủy Thăng Long. Theo tôi, đó là cơ hội cho chúng ta xây dựng một Thủ đô văn minh hiện đại nhưng đắm mình trong thiên nhiên. Đó cũng là cơ hội để chúng ta bảo tồn Hà Nội cũ với trung tâm Hồ Gươm trở về đúng với sắc thái khi xưa.
Khu Mỹ Đình - Ảnh: vietbao.vn
Với diện tích là thủ đô lớn thứ 16-17 trên thế giới, bao gồm ba thành phố là Hà Nội (cũ), Hà Đông và Sơn Tây, ba thành phố này phải bảo toàn sao cho vẫn giữ được những sắc thái riêng biệt, trong đó Hà Nội cũ là đô thị hạt nhân. Chính vì Thủ đô mở rộng không còn là “thành phố trong sông” nữa, nên Thủ đô ở thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập quốc tế này, nên mang tên Thăng Long, và sẽ là nơi nắm giữ điểm huyệt của nền kinh tế mũi nhọn.
Thủ đô mở rộng sẽ là nơi tập trung các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu khoa học, nơi có thành công bước đầu về xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, để xây dựng một đô thị xanh hoàn hảo với môi trường trong lành, phát huy tối đa tài năng trí tuệ của giới khoa học trẻ tuổi, để có doanh thu nhiều tỷ USD hàng năm và phát triển kinh tế du lịch sinh thái và dịch vụ.
Ngày nay, trái đất đang ngày càng nóng lên và cả thế giới đang bị uy hiếp bởi thiên tai, động đất và ô nhiễm môi trường… Bởi vậy xu thế đô thị hóa trên thế giới đã bước sang giai đoạn thứ ba là xây dựng những đô thị xanh để đưa con người về với thiên nhiên, từ bỏ việc xây dựng tập trung nhà bê tông cao tầng và tấm kính lớn.
Địa giới hành chính Thủ đô mở rộng tới 3.344km2, trong đó có 2.500km2 và ba triệu người là nông dân vẫn ở trên khu đất xanh, cài răng lược với khu đô thị và đan xen giữa các trục giao thông là các hồ chứa nước và các kênh dẫn nước. Giải pháp phong thủy này tạo ra các hành lang dẫn gió đưa luồng sinh khí đến vùng trung tâm Hồ Tây. Giải pháp đó đưa mầu xanh thiên nhiên tiếp cận mọi người dân đô thị, đồng thời đóng góp vào việc xóa bớt ranh giới giữa người giàu và người nghèo.
Làng đô thị vườn có thể tiến thẳng lên thành một đô thị xanh, không phải qua giai đoạn là một đô thị xám, khi đã có nguồn nước từ sông Đà về, có hồ chứa nước để điều hòa khí hậu, có giải pháp thu năng lượng mặt trời và năng lượng lòng đất để sưởi ấm mùa đông và làm mát mùa hè, có mọi giải pháp thu gom, xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường.
Nhưng đây phải là một sự nỗ lực rất lớn không phải chỉ riêng chính quyền và nhân dân Thủ đô, mà còn đòi hỏi sự chung vai, chung sức, chia sẻ lớn của cả nước. Trong vị thế một thủ đô mới, với chức năng, nhiệm vụ mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội, Thủ đô mở rộng của chúng ta nên lấy lại tên Thăng Long, cái tên thể hiện thế đất, thế lực, và thế phát triển mới - Rồng bay. Còn Hà Nội, khu đô thị bảo tồn nên giữ lại tên cũ, là một phần quan trọng của Thăng Long.
- KTS Trần Thanh Vân
Từ vietnamnet: http://vietnamnet.vn/thuhanoi/2008/09/803677/
KTS Trần Thanh Vân: Vì sao nên lấy tên Thăng Long?
Trước những ý kiến đa chiều của bạn đọc về ý tưởng nên đổi tên Thủ đô Hà Nội là Thăng Long, mới đây, KTS Trần Thanh Vân lại gửi cho Thư TL- HN chúng tôi bài viết, lý giải vì sao nên đổi tên. Thư TL- HN một lần nữa xin trân trọng đăng tải về chủ đề này.
Cách đây hai năm, ngay sau khi chương trình truyền hình VTV4 chiếu hết bộ phim “Đèn vàng" dài 12 tập của nhà văn Trần Chiến và đạo diễn Mai Hồng Phong, thì bài viết “Đèn vàng và nỗi niềm người Hà Nội" của Trần Thanh Thanh xuất hiện trên báo “Người Hà Nội". Bài báo như một lời cảm thán của bộ phim, phản ánh tâm tư sâu kín của người Hà Nội, muốn thoát ra khỏi số phận của những nhân vật trong phim “Đèn vàng". Những con người thông minh, tế nhị, đầy tự trọng, đầy kiêu hãnh nhưng luôn luôn phải sống kìm nén, luôn luôn mặc cảm và luôn luôn phải giấu kín lòng mình.
Ô Quan Chưởng (ảnh tư liệu) - Nguồn ảnh: farm2.static.flickr.com
Gần đây, phim “Đèn vàng” lại được chiếu lại trên VTV4, vẫn thu hút người xem. Có người xem lại lần thứ hai, thứ ba, có người mới xem lần đầu. Bộ phim đầy cảm xúc của “Người Hà Nội" được trình chiếu đúng vào lúc chúng ta đang có nhiều ý kiến trái chiều, có nên phục hồi tên Thăng Long cho Thủ đô chúng ta?
Hãy tự “cởi trói ”
Cuối năm 2006, lần đầu tiên tôi đến thăm giáo sư Vũ Khiêu tại nhà riêng, trao đổi với giáo sư về những cuộc thảo luận của nhiều trí thức, nhà khoa học, và của các kiến trúc sư ý nguyện muốn phục hồi tên Thăng Long thay cho tên Hà Nội, và xin ý kiến giáo sư về tổ chức một hội thảo khoa học chủ đề này. Giáo sư Vũ Khiêu tỏ ra hoan hỷ, khích lệ ước nguyện của chúng tôi. Khi tôi chào giáo sư ra về, ông còn ân cần dặn thêm: “Chị phải nhớ rằng ông vua Gia Long đã trói con Rồng lại rồi đấy, phải thả Rồng ra thôi".
Chỉ một câu nhắc nhở của vị giáo sư già, tôi đã phải đi mầy mò tìm kiếm mất hơn nửa năm. Cuối cùng tại nhà riêng của nhà thư pháp Trần Quốc Chí, tôi tìm ra bí mật của sợi dây vô hình đã trói con Rồng Thăng Long. Sau cuộc trò chuyện, nhà thư pháp cầm bút lông, viết tặng tôi ba chữ Hán.
Thứ nhất, chữ LONG nghĩa là THỊNH, là GIẦU SANG, đó là tên hiệu của vua Càn Long và vua Gia Long. Năm 1802, ông Nguyễn Ánh đã dựa vào người nước ngoài, diệt nhà Tây Sơn để lên ngôi, lập Kinh Đô ở Phú Xuân- Huế, và đặt niên hiệu cho mình là GIA LONG nghĩa là GIẦU SANG. (xem chữ Long - Thịnh)
Mô tả ảnh.
Thứ hai, năm 1803 vua Gia Long cho đập HOÀNG THÀNH THĂNG LONG, vì nó cao to và đầy hào khí, nhà vua không muốn Hoàng Thành mới xây ở Phú Xuân (Huế) sẽ bị lép vế so với khu thành cũ rêu phong này. Vậy là Hoàng Thành xưa có tên là RỒNG BAY không còn nữa, nhưng mảnh đất nơi Hoàng Thành đã tồn tại 800 năm vẫn còn và đã trở thành trại lính.
Năm 1831, vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội, vậy thì trong 29 năm, từ năm 1803 đến 1831, nơi đây được gọi là gì? Một số người gọi vùng đất này là Bắc thành như thời Nguyễn Quang Trung, một số nữa vẫn lưu luyến hình ảnh con Rồng xưa, nhưng không được phát âm chữ LONG, sợ bị phạm húy tên nhà vua, họ buộc phải nói chệch LONG THÀNH ra LUNG THÀNH.
Theo chiết tự chữ Hán, Lung là chữ Long có thêm bộ trúc, nghĩa là lao tù, là con Rồng bị nhốt trong cũi tre (xem chữ Long Rồng và chữ Lung). Vậy là con Rồng bay vút lên trời cao của chúng ta không còn nữa, ai nuối tiếc lắm cũng chỉ được nhìn thấy một con Rồng khác đang bị nhốt trong cũi tre mà thôi.
Câu chuyện phi lý này đã làm nhức nhối bao nhiêu văn thân nho sĩ nước ta thời bấy giờ, tác động đến cả cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh ra ở làng Kim Liên (Nam Đàn- Nghệ An) cuối thế kỷ thứ 19, rời đất nước ra đi từ bến Nhà Rồng năm 1911, nhưng đến năm 1922 khi vua Khải Định sang Pháp, vở kịch “Con Rồng tre" của Nguyễn Ái Quốc đã ra đời.
Đến năm 1942 ở nhà tù Hồng Kông, bài thơ chiết tự chữ “ngục" của Nguyễn Ái Quốc lại một lần nữa nói về tâm trạng bị ám ảnh của con Rồng nằm trong cũi và ước muốn được tháo cũi sổ lồng :“Nhà lao mở cửa ắt Rồng bay".
Phố Hàng Đào (ảnh tư liệu) - Nguồn ảnh: i238.photobucket.com
Từ khi người Pháp xây dựng thành phố Hà Nội, hai chữ Thăng Long không còn được ai nhắc đến một cách công khai nữa, nó âm thầm đi vào các ngõ hẻm, các căn gác xép, nó xuất hiện trên những vần thơ u hoài của những trí thức thất thế. Lâu dần nó tạo nên một nếp sống khép kín của giới trí thức Hà thành: Kiêu hãnh nhưng cam chịu, nghe thấy hết, nhìn thấy hết, nhưng chỉ bày tỏ chính kiến bên bàn trà cùng một vài người bạn tâm giao mà thôi.
Hà Nội đúng là một thành phố trong sông, đẹp một cách êm đềm, thanh lịch, nhưng không sao dấu kín được nỗi bứt rứt của những con người đầy hoài bão, đầy ước mơ nhưng không dám nói thật lòng mình và không bao giờ dám đứng thẳng dậy để biến những ước mơ đó trở thành hiện thực.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bao nhiêu nam nữ thanh niên của Hà Nội đã ra đi, không ít người trong số đó đã bỏ mình nơi chiến trường xa, còn những người được trở về trong niềm hân hoan của bạn bè, của người thân...thì chỉ một thời gian sau họ lại lặng lẽ leo từng bước lên căn gác xép của ngôi nhà cổ, lặng lẽ nhâm nhi tách trà...Rất ít người trong số đó làm nên nghiệp lớn và rất ít người trong số đó mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ và thay đổi cách sống để tạo dựng cho gia đình mình và con cái mình một tương lai tốt đẹp hơn.
Giờ đây, chiến tranh qua đi đã lâu rồi, xã hội đã thay đổi nhiều rồi, cửa đã rộng mở để cho con cháu chúng ta vươn tới những ước mong cao hơn, xa hơn. Nhưng vẫn còn ai đó mang nặng nỗi ám ảnh về sự mất mát của hai trăm năm qua, họ không hài lòng với hiện tại, nhưng họ đang cố níu kéo, họ sợ bị biến động, họ sợ bị mất hết.
Không đâu bạn ơi, nhân danh là một người dân Hà Nội gốc Thăng Long (nghĩa là có cụ tổ sáu đời đã theo tướng Trần Quang Diệu từ thời vua Quang Trung), tôi muốn gửi bạn lời khuyên chân thành rằng: “Bạn hãy mạnh dạn tự tháo chiếc vòng kim cô trên đầu mình, hãy tự cởi trói và đứng thẳng dậy để làm những việc nên làm ”.
Khu đô thị Mỹ Đình I - Nguồn ảnh: i208.photobucket.com
Đường còn dài
Sai lầm nào cũng phải trả giá và cuộc chiến nào cũng đầy gian nan. Tôi không hy vọng sau thủ tục đổi tên Thủ đô thì mọi việc sẽ tốt đẹp ngay và “không phải làm mà vẫn có ăn". Không đâu, đây sẽ là hiệu quả cộng hưởng của nhiều yếu tố gộp lại. Cùng với việc Thủ đô phát triển theo trục phong thủy Thăng Long, tên Thăng Long được phục hồi, thì hào khí Thăng Long sẽ được tỏa sáng. Lúc đó ta sẽ làm việc nhiều hơn và việc làm của ta mang lại hiệu quả hơn. Lúc đó tinh thần của ta thông suốt hơn và trí tuệ của ta minh mẫn hơn.
Tôi chỉ muốn giãi bày một chút, những năm qua, tôi đã từng lên tiếng phản đối rất nhiều dự án ở Hà Nội, không ít người còn nghĩ rằng do tôi tư duy trì trệ, bảo thủ lạc hậu nên cản trở xã hội phát triển...Xin thưa: Tôi phản đối những thứ đó chính bởi vì tôi không muốn người ta băm nát Hà Nội ra, vì ủng hộ việc Thủ đô mở rộng và phục hồi tên Thăng Long hôm nay.
Tôi còn nghĩ rằng “ủng hộ không chỉ nên giơ tay biểu quyết mà còn phải hành động”. Còn ai đó trong một phút vội vã đã lỡ nói rằng: “Thôi thôi đừng bày vẽ nữa, xin hãy để cho Hà Nội yên vì cái tên không quan trọng" thì cũng chính là bạn không dám nói thật lòng mình, bạn rất coi trọng cái tên, bạn thấy Hà Nội đã từng bị phá nhiều rồi, bạn sợ cái tên bị phá nữa là hết.
Tôi rất trân trọng Hà Nội cũ và cũng như bạn, phải có mọi giải pháp gìn giữ từng góc phố hàng cây của Hà Nội cũ. Hà Đông, Sơn Tây không bao giờ là Hà Nội, còn Hà Nội là một phần quan trọng của Thăng Long nhưng không phải Thăng Long.
Trần Thanh Vân
Ý kiến mọi người thế nào? Có nên không? :-??
Chỉnh sửa lần cuối: