Truyện rẻ tiền
Truyện dài kỳ câu khách li bì
Hành trình của thuyền trưởng
Jack Parrot
Tập 1: Không nhan đề
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, cuộc sống lại lắm chông gai, nhiều tai ương khó lường. Năm tôi hai tuổi, công ty của em họ anh vợ bố cháu ngoại của bà nội tôi phá sản, vốn liếng chỉ còn vài chục căn biệt thự. Năm tôi tám tuổi, người hầu của thư ký đầu bếp phó của gia đình cũng bị bệnh mà qua nhà chồng, nghe đâu là bệnh "cả tin". Năm mười tám tuổi, cả nhà tôi bị kẻ xấu hãm hại, phải ra hầu tòa án, bị mất nhiều thời gian, mà tiền đền bù thì lại ít. Lúc này, tự cảm thấy mình có trách nhiệm, vả lại cũng chán ghét cuộc sống bần hàn nơi quê nhà, vùng đất mang tiếng là "chó ăn cá hồi, gà ăn gỏi mực", tôi tự học nghề hàng hải, tổ chức một hạm đội một tàu lên đường hành nghề cướp biển. Mặc dù hiểm nguy cũng nhiều, gian truân không ít, tôi cũng cảm thấy vui vẻ, phấn khởi và chờ đợi; bản tính thông minh và mưu mẹo, tôi quen ngay với cuộc hành trình, vừa cướp bóc, vừa khám phá đại dương.
Chương I: Vùng đất văn nhân trên đảo Bất Hủ.
Ngày 20 tháng July năm trị vì thứ hai của hoàng đế Êtô Đinh-vít đệ Thập Tam, tàu Snack Pearl của chúng tôi đi qua vùng biển nam Thái Lan Dương. Trước đó, hạm đội của tôi đã cướp được một con tàu buôn Tây Ba Lô có tên: Mỹ Đen. Hàng hóa trên tàu toàn sản vật quý hiếm: sừng gà, cựa lợn, tay rắn, đuôi muỗi... Ngoài ra, chiến lợi phẩm còn rất nhiều rượu rum, thứ mà cướp biển mê nhất. Cái đấy nướng khô mực ăn ngon phải biết!
Đứng trên boong tàu, nhìn ra xa xôi, tôi cầm con dao đâm đi đâm lại thành tàu cho đỡ buồn. Thôi thì cũng vừa mới chiến đấu, tội gì không cho anh em xả hơi? Nghĩ vậy, tôi vớ lấy một sợ dây chuyền vàng 9999 vứt xuống biển.
"Hỡi anh em, ta biết anh em nhớ không khí đất liền, ghiền hơi phụ nữ, nhớ bữa cơm gà. Vậy, hãy trụy lạc một phen ở cảng Tortuna."
"Yeah, alalalalalai!"
Khi tiếng la hét vừa kịp dịu đi để tôi hét lên "Giương buồm!", mặt biển chợt gào rú, sóng thần cao vài trăm thước tung bọt trắng xóa con chim hải âu đen bay qua. Một con bạch tuộc khổng lồ, có hai xúc tu cầm tấm biển đề "Cảm ơn sợi dây chuyền vàng!", và "Đánh để cảm ơn!". Tôi nhổ toẹt miếng kẹo cao su đang nhai, ra lệnh hạ buồm khẩn cấp, quay về phía quái vật, thổi "Phù!" Tàu chúng tôi lao nhanh khỏi tầm chiến đấu của con bạch tuộc. Không có cách nào dừng lại, tôi để cho tàu phóng tới khi mắc cạn gần một hòn đảo to có 93 người ở.
Đang kéo quân lên bờ thì người dân lao ra đón tiếp nồng hậu. Đảo này thực sự không khác gì tất cả những đảo nhiệt đới với rừng cây ôn đới khác. Thế nhưng, nơi đây, nhân dân có một đời sống tinh thần cực kỳ phát triển. Điều đó được thể hiện qua những tác phẩm, mà nhờ chúng đảo được gọi là Đảo Bất Hủ. Dù đã cố gắng, chúng tôi cũng chỉ có thể ghi chép lại một phần, lưu trữ để giới thiệu cho công chúng nơi quê hương.
Sau đây là những đoạn trích từ những tác phẩm mà tôi yêu thích nhất:
"Mị có sắc đẹp hết sức khêu gợi; nhiều nhà thơ nhà văn mê phụ nữ, Tô Hoài cũng giống họ, cũng mê Mị..."
"Xuân Diệu sinh ra sau ngày giải phóng, chứng kiến nhiều cảnh trái tai nên không chịu được. Một hôm Xuân Quỳnh sáng tác bài thơ một từ sóng. Đó là sự giải thoát phụ nữ của ông."
"Mị đẹp hơn ai hết nên rất nhiều bồ. Một hôm trời đẹp ơi là đẹp, Mị được một cậu ấm họ Lí tên là Phá Sa con ông tá điền giàu có đeo được chiếc nhẫn kim cương vào tai và cuối cùng Mị đành vui vẻ nhận và theo về nhà làm vợ luôn. Từ đó Mị sống khổ lắm như là con ngựa nuôi trong xóa bếp không ai thèm dòm tới nữa Mị đã tàn đời..."
"Sóng nghĩa là tình yêu. Em đang bước vào yêu nhưng em sẽ yêu lãng mạng khi em đã hoàn thành ước nguyện bước vào ngưỡng cửa trường đại học, sẽ yêu và giữ lòng chung thủy như sóng dù em còn gặp nhiều chông gai trong yêu đương lắm lắm..."
"Hiện nay, nạn chặt phá rừng tràn lan trên khắp mọi miền của đất nước. Trước tai nạn đó, Nguyễn Trung Thành viết Rừng xà nu để cảnh báo mọi người, kêu gọi đừng chặt phá rừng nữa."
“... sau Nguyễn Du, Xuân Quỳnh là nhà thơ nam hiểu rõ về phụ nữ khi viết bài thơ Sóng...”.
"Tiếng hát con tàu: Chế Lan Viên muốn ngày càng có nhiều đoàn tàu chạy từ miền Nam ra miền Bắc để phục vụ hành khách, không còn xảy ra tình trạng chen lấn khi mua vé, lên tàu như hiện nay... Ông đã mơ ước thay cho nhiều người..."
"bố của Mị vay tiền nặng lãi để cưới vợ giàu sang mà không lo làm ăn nên mắc nợ, Mị phải đi chăn ngựa để trả; A Phủ đi chăn trâu để ăn lúa nhà bá hộ nên bị bắt trói vào vũng lầy đầy đỉa"
Thấy chúng tôi say mê, người dân Đảo Bất Hủ không muốn rời xa. Họ tổ chức lực lượng vây kín vòng ngoài, đốt lửa vòng trong, chĩa giáo mác tua tủa. Họ bảo, muốn rời khỏi nơi đấy còn nguyên các bộ phận thì phải làm được bài thơ hay hơn bài này:
Làm sao định nghĩa được chữ “mi”.
Có khó gì đâu mà hỏi kỳ.
Hai đứa gần nhau rồi sát lại.
Môi kề, mắt nhắm, thế là “mi”.
May sao, trước khi thành cướp biển, tôi cũng từng đọc qua nhiều sách vở, liền ứng tác ngay bài thơ sau:
Tôi thích thơ văn trên đảo này
Tôi thích vì chúng nó rất hay
Giữa hai chữ cái không có dấu
Để lâu nên là dấu nó bay
Tuy nhiên, người dân lại quá sùng kính bài thơ mà quyết tâm ăn thịt chúng tôi để giữ chân. TÌnh hình quả có bất lợi, tôi liên đứng phắt dậy chống nạnh hét to:
"Muốn cho chúng ta đi hay là ta đòi nợ tiền bản quyền bài thơ trên?"
Lập tức, họ thả chúng tôi ra, đưa thêm nhiều hoa quả và đồ ăn, nhiều đồ trang sức vàng bạc quý hiếm, tân trang lại con tàu và vẫy chào hãi hùng khi chúng tôi rời xa...
___Hết chương I___