Trong khi đó những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" thì cho rằng cách lí luận như trên là thiếu cơ sở vì IPA là để biểu thị cách phát âm chứ không phải biểu thị cách viết do đó không thể dùng để quyết định là cách bỏ dấu kiểu "mới" là đúng hơn. Thêm vào đó, IPA mới chỉ được phát triển vào cuối thế kỉ 19, trong khi chữ Quốc Ngữ đã được phát triển hoàn toàn độc lập và không ngừng thay đổi từ thế kỉ 17. Do đó, theo những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" việc dùng IPA để quyết định xem tiếng Việt phải bỏ dấu thế nào là bất hợp lí. Những người này còn cho rằng mặc dù IPA là phương pháp biểu thị cách phát âm phổ dụng nhất nhưng không có nghĩa là cách biểu thị cách phát âm duy nhất cũng như không phải là cách biểu thị cách phát âm chính xác nhất vì vậy không có lí gì lại sử dụng nó làm chuẩn để quyết định cách bỏ dấu tiếng Việt mà không phải là một trong các phương pháp biểu thị cách phát âm khác.
Hơn nữa, theo như những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" thì việc dùng IPA để quyết định cách tiếng Việt bỏ dấu là thiếu thống nhất vì lẽ IPA là phương pháp phiên âm quốc tế do đó nếu nó có thể áp dụng trong tiếng Việt để làm chuẩn mực cho vị trí bỏ dấu theo cách lí luận của những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "mới" thì cũng phải áp dụng được cho toàn bộ các ngôn ngữ khác trên thế giới. Tuy nhiên, cách lí luận đó lại không thể giải thích thỏa đáng việc tại sao chữ C trong
tiếng Catalan (phiên âm IPA là /k/ hoặc /s/) lại có thể được bỏ dấu để trở thành Ç (phiên âm IPA là /s/). Những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" còn cho rằng lí luận như những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "mới" là sử dụng một số ngôn ngữ nhất định để làm chuẩn mực cho toàn bộ các ngôn ngữ khác bởi vì đúng là ở một số ngôn ngữ thì không thể bỏ dấu trên chữ w, nhưng ở một số ngôn ngữ (ví dụ như
tiếng Wales thì chữ w hoàn toàn có thể được bỏ dấu), do đó, bỏ dấu kiểu "cũ" vẫn dựa chính xác theo cách phát âm.
Trên quan điểm ngôn ngữ là do con người tạo nên và luôn biến đổi theo nhu cầu của con người, những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" còn chỉ trích những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "mới" là đang cố phức tạp hóa tiếng Việt, gây khó khăn không cần thiết nhất là trong giảng dạy học sinh tiểu học cũng như trong việc phát triển
thuật toán và xử lí tiếng Việt trên
máy vi tính. Họ còn cho rằng, thêm một quy tắc như trên không đem lại gì cho tiếng Việt nói chung và chữ Quốc Ngữ nói riêng do đó là hoàn toàn không cần thiết. Họ lấy dẫn chứng cho quan điểm của mình là việc chữ Quốc Ngữ từ khi được phát triển vào thế kỉ 17 đến nay đã trải qua rất nhiều thay đổi, bổ sung có và loại bỏ cũng có.