Đổi tên trường????

Đổi tên trường Ams: Nghìn năm có nhớ
Cập nhật lúc 15:24, Thứ Sáu, 05/02/2010 (GMT+7)
,

Câu chuyện đổi tên Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam vẫn được bàn tán không ngớt trên các diễn đàn và trong nhiều phản hồi gửi về VietNamNet.

Từ cách đặt vấn đề: Liệu chúng ta muốn xây dựng những giá trị mới mang tính trường tồn thiên niên kỷ, để sánh với những tên Văn Miếu, Quốc Tử Giám hay chỉ đơn giản là sự viết tiếp một cách vụng về những trang sử còn sót lại một cách "đáng thương" của Hà Nội - Amsterdam sắp mãi mãi đi vào dĩ vãng?", bạn Minh Thuỳ - "một người Hà Nội tâm huyết với giáo dục" theo cách tự giới thiệu - đã phân tích tình trạng và đưa ra một giải pháp khác so với 2 đề xuất hiện tại.

Dù dung lượng bài viết hơi dài (1.3000 chữ), nhưng với tinh thần "rộng đường dư luận", VietNamNet đăng tải ý kiến này.

Mô tả ảnh.
Học sinh hệ THCS của Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đổi tên trường hay không - chắc chắn đó là cuộc tranh luận đã kéo dài từ lâu. Các ý kiến trái ngược nhau đều có lý lẽ thuyết phục riêng. Tôi đoán chắc, sự mâu thuẫn nằm ngay trong bản chất giải pháp cho vấn đề theo chiều hướng quá cực đoan. Là một người Hà Nội tâm huyết với giáo dục, tôi không khỏi cảm thấy bồn chồn về kết quả cuộc tranh luận hình như sắp ngã ngũ, nên cũng xắn tay mạo muội góp vài suy nghĩ.

Sự cực đoan khi giải quyết vấn đề là ở chỗ: chỉ ra hai phương án cuối cùng kiểu "bắt chẹt" yêu cầu câu trả lời "có" hoặc "không". Trong các tình huống phức tạp với quan hệ nhiều chiều, các quyết định cần thể hiện tính mở và sáng tạo. Đó cũng là kinh nghiệm được chính người Việt Nam chúng ta đúc kết được trong lịch sử dân tộc đầy bi hùng, chống lại những kẻ thù gấp bội về sức mạnh. Chúng ta đã thắng vì sức sáng tạo linh hoạt không theo một khuôn mẫu logic cứng nhắc. Liệu cái "sức mạnh mềm" đó có thể vận dụng trong tình huống này chăng? Tôi muốn bàn luận về hai vấn đề : tình trạng và giải pháp.

TÌNH TRẠNG

Người Hà Nội viết nên lịch sử trường Ams

Trước hết tôi không đồng ý với từ "thương hiệu" dành cho tên một trường học. Bản thân chữ "logo" không có nghĩa là thương hiệu; Tên gọi này dành cho các tổ chức hay cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến thương mại. Một trường học chỉ nên mang một tên, gắn liền với lịch sử, nó trở thành một "tên tuổiI", đúng như tên tuổi Hà Nội- Amsterdam đã hình thành trên phạm vi quốc tế sau 25 năm qua.

Một tên tuổi luôn mang hai cảm nhận: trực giác ở bề nông và tri giác theo chiều sâu. Những trang sử đầu tiên mang tên Hanôi-Amsterdam mặc dù chưa dài nếu so với những tên tuổi nổi tiếng một thời như Chu Văn An, Thái Phiên, hay quá ngắn so với Stuyvesant, Bronx, hay Thomas Jefferson ở Mỹ, nhưng đã được viết lên bằng những chữ vàng với tất cả sự trân trọng.

Ai là người viết nên lịch sử đó? Chính là NGƯỜI HÀ NỘI. Bằng tâm huyết và sức lực của nhiều thế hệ thầy và trò, bằng sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, và điều quí giá hơn nứa, bằng sự cưu mang và tình cảm của thành phố nước bạn, đã giúp đỡ chúng ta viết lên trang sử đầu tiên Hà Nội - Amsterdam.

Tôi nhớ lại những năm tháng đầy khó khăn của đất nước sau chiến tranh, khi mọi người bươn chải chỉ để tồn tại, khi đất nước đang bị thế lực bên ngoài làm cô lập, khi cuộc sống đang nghẹt thở trong toan tính và lo âu, một bàn tay bạn đầy ân tình đã DÁM cưu mang và giúp ươm mầm những hạt giống cho ngày mai - những người bạn từ Amsterdam.

Cuốn sách lịch sử nào cũng phải có trang đầu tiên. Một giá trị trường tồn chỉ có thể xây dựng bằng những lý tưởng và tầm nhìn hoàn toàn xa rời chủ nghĩa thực dụng. Chúng ta xóa tên Hà Nội - Amsterdam cũng đồng nghĩa với sự chấm hết những trang sử do chính con NGƯỜI HÀ NỘI chúng ta tạo nên, sự tự mâu thuẫn? Thử hỏi, nếu một ngày Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô, Việt Nam-Cu Ba được xây dựng lại hoàn toàn, chúng ta sẽ bỏ các tên cũ chăng?

Không ai ngây thơ nghĩ rằng, Trường Harvard giữ tên tuổi gần 400 năm vì tôn thờ ông Harvard hay đó là trường của ông ta xây nên ở tình trạng hiện nay. Chỉ có ý thức trân trọng và nhận thức đúng lịch sử mới có thể làm nên lịch sử. Dù đứng ở góc độ nào, xóa tên Hà Nội - Amsterdam trong danh sách trường là một quyết định đầy bất ổn cả về mặt tình và lý, mang nặng tính cực đoan và thấm đẫm chủ nghĩa mệnh lệnh.

Trường chuyên của Hà Nội sẽ là công trình trường tồn thiên niên kỷ

Đứng ở góc độ Hà Nội sắp đại lễ nghìn năm văn hiến, việc xây dựng một ngôi trường tầm cỡ để kỷ niệm mang một ý nghĩa thời đại.

Liệu chúng ta muốn xây dựng những giá trị mới mang tính trường tồn thiên niên kỷ, để sánh với những tên Văn Miếu, Quốc Tử Giám của Hà Nội, hay chỉ đơn giản là sự viết tiếp một cách vụng về những trang sử còn sót lại một cách "đáng thương" của Hà Nội - Amsterdam sắp mãi mãi đi vào dĩ vãng?

Chắc chắn, việc nhận thức một cách phiến diện "quyền thừa hưởng" đâ dẫn đến phương án chuyển trường xóa tên và đặt tên hiện nay.

Lẽ nào, ngành giáo dục sợ rằng không thể tạo ra một tên tuổi mới HÀ NỘI một cách độc lập, không đủ tiềm lực về trí tuệ thầy và trò, để có thể viết nên những trang sử mới cho Hà Nội?

Có lẽ, chúng ta sẽ tự hào hơn nếu trang sử đó bắt đầu từ niên giám "1001" của Hà Nội, được viết bởi chính người Hà Nội chúng ta. Trong hoàn cảnh Hà Nội đang thiếu trường chuyên như hiện nay, việc tạo một đối trọng với Hà Nội - Amsterdam chắc chắn là một tín hiệu tích cực và khởi sắc của thiên niên kỷ mới.

Với một tư duy táo bạo và một tầm nhìn xa, việc gặp những khó khăn ban đầu là rất nhỏ so với một tên tuổi Chuyên Hà Nội, cùng với Hà Nôi- Amsterdam, sẽ tự hào đứng vững trong tương lai không xa. Tiềm lực của Hà Nội nay đã khác xưa 25 năm trước. Con người Hà Nội nay năng động hơn, sức mạnh trí tuệ và lòng quyết tâm của chúng ta đang được chắp cánh bằng sức mạnh của cả thời đại. Lẽ nào người Hà nội không dám bắt tay viết nên những kỳ tích mới.

GIẢI PHÁP

Điều kiện cơ sở vật chất của Hà Nội - Amsterdam hiện nay so với nhiều trường trong nước vẫn đang đứng ở những vị trí hàng đầu. Lịch sử trường vẫn đang viết tiếp những trang thành tích đáng ghen tỵ. Nên chăng phải chuyển hoàn toàn?

Một bộ phận nòng cốt giáo viên ở đó có thể đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng trường mới Hà Nội. Với chính sách khuyến khích và ưu tiên đúng mức, không thiếu giáo sư đại học sẽ đâm đơn về dậy học ở trường mới. Quyền đó năm trong tay chính Hà Nội. Việc bắt đầu bằng một số lớp chuyên của Amsterdam được tham dự các buổi học theo chương trình của chuyên Hà Nội trong điều kiện cần trang thiết bị thí nghiệm hiện đại có thể trong một khuôn khổ hợp tác toàn diện của hai trường. Bằng một chính sách tuyển chọn đầu vào đúng, ưu đãi thầy giáo giỏi, chỉ trong vòng một vài năm, CHUYÊN HÀ NỘI sẽ là một đối thủ đáng gờm của mọi trường phổ thông không chỉ ở Việt Nam.

Tiềm lực con người được xây dựng vài năm là sự đầu tư cần thiết và hết sức ý nghĩa để xây dựng một nền tảng vững chắc cho một tượng đài nghìn năm văn hiến Thăng Long, để người Hà Nội chúng ta có thể tự hào vì những "Hanoist" của tương lai sẽ minh chứng những giá trị trường tồn của Thủ đô , những giá trị không cần vay mượn. Sự dũng cảm dám đương đầu không chỉ cần cho thời chiến.

*
Minh Thuỳ (40, Trần Phú, Hà Nội)

http://vietnamnet.vn/giaoduc/201002/Ha-Noi-se-co-Quoc-Tu-Giam-2-893325/
 
Back
Bên trên