Chuyện chưa hết về những Oriundi
(Juventus) - Hơn 100 năm trước, đất nước Italia sau khi thống nhất xác xơ và nghèo đói. Hàng triệu người đã phải tha hương đến khắp nơi trên thế giới để kiếm tìm cuộc sống mới. Ngày nay, con cháu của họ được gọi là những Oriundi.
Một quá khứ lẫy lừng
Olympic 1928 chứng kiến những cuộc công phá mãnh liệt đến từ Nam Mỹ trong môn bóng đá. Uruguay giành HCV sau những màn trình diễn tuyệt vời, nhưng cầu thủ chơi hay nhất lúc ấy lại đến từ đất nước láng giếng Argentina. Raimundo Orsi được công nhận ở khắp nơi như là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Sự toả sáng của ông đã đánh động BLĐ Juve. Mặc dù tất cả mọi người đều biết ông ấy giỏi như thế nào, nhưng chỉ vài người tin vào tai mình khi nghe Juve đề nghị một mức lương 8.000 lira cộng một chiếc xe Fiat cùng lái xe cho ông sử dụng, một sự xa xỉ hiếm có, đổi lấy việc chơi cho đội bóng áo đen-trắng. Tất nhiên là Orsi không cần suy nghĩ lâu và ông lập tức kí hợp đồng. Nhưng ông vẫn phải vắng mặt ở mùa giải 28/29 vì luật lao động đối với cầu thủ nước ngoài của liên đoàn bóng đá Italia (FIGC) rất khắt khe. Chỉ những cầu thủ có nguồn gốc Italia mới được chơi tại giải vô địch Italia. Chính vì điều ấy Orsi đã mất đi trọn một mùa bóng trước khi Juve chứng minh được rằng Orsi là một Oriundo thực sự.
Đó là một thời điểm đặc biệt. Mùa giải 29/30 là lần đầu tiên giải VĐQG Italia được tổ chức với 18 đội thi đấu vòng tròn 2 lượt trong khi hệ thống cũ với việc chia làm 2 nhóm cho miền Bắc và miền Nam được xóa bỏ. Orsi cũng trở thành Oriundo đầu tiên thi đấu trong màu áo đen-trắng của Juve. Sau đó ông đã chơi những mùa bóng tuyệt diệu nhất ở Italia và giành vô số danh hiệu. Người ta không chỉ biết đến tài năng của Orsi ở phạm vi Olympic và Juve.
Ông đã được gọi vào đội tuyển của độc tài Mussolini tham dự World Cup '34. Theo quy định của thời đó mà Orsi có thể tham gia đội tuyển Italia, do vậy huấn luyện viên Pozzo đã có đến 4 Oriundi là Monti, Orsi, Guaita và Demaria đều là người Argentina. Họ là những cầu thủ nòng cốt của Italia trong suốt giải đấu đó. Monti là cầu thủ độc nhất vô nhị từ trước đến nay có mặt ở 2 trận chung kết liên tiếp '30 và '34 với 2 đội tuyển khác nhau. Guaita đã ghi bàn thắng duy nhất tại bán kết còn Orsi đã là người ghi bàn cho Italia trong trận CK gặp Tiệp Khắc: một cú sút bất ngờ từ khoảng cách 30 mét chỉ 9 phút trước khi hết giờ. Trong khoảng thời gian đá bù, Italia làm những người Tiệp Khắc sụp đổ hoàn toàn.
Sau này Juve và Serie A còn sở hữu những Oriundi khác nữa, nhiều người cũng đã chọn thi đấu cho đội tuyển áo thiên thanh và nhiều người trong số họ cũng đã trở thành huyền thoại. Lần lượt là Sivori, Cesarini, Montuori, Lojacono, Angelillo (Argentina), Ghiggia (Uruguay), Sormani, Altafini (Brazil) hay Platini (Pháp), hơn 10 người đã chơi cho đội tuyển Italia (Platini chỉ chơi cho tuyển Pháp). Trong số này nổi tiếng nhất có lẽ là Sivori và Altafini. Giai đoạn không thể quên của Sivori gắn liền với màu áo Juve, nơi ông đã cùng với John Charles lập thành bộ đôi tấn công huỷ diệt và giúp Bà đầm già thống trị Serie A những năm cuối thập kỉ '50 đầu '60 ở thể kỉ trước.
Đối với những tifosi thành Turin, họ gọi ông âu yếm với biệt danh 'Thiên thần với bộ mặt xấu xí' (Angeli dalla faccia sporca). Bởi dù không được điển trai, nhưng lối chơi của Sivori đã khiến những tifosi phát cuồng, khiến các nhà vật lý phải "kiểm tra" lại vài định luật vì có thể đi bóng lướt qua mặt cỏ, để lại đằng sau đối phương xoay tròn như chong chóng. Sau này người ta gọi ông là Maradona thập kỷ '60. Cùng thời gian đó thì "Mazzola Brazil" Altafini cũng trở thành huyền thoại ở cả Milan, Napoli lẫn Juve. Từ năm '58 đến '76, Altafini đã chơi 459 trận đấu ở Serie A và ghi đến 216 bàn thắng (hầu hết số bàn thắng đến trong thời gian chơi ở Milan). Ông cũng tham dự World Cup '62 trong màu áo Italia khi trước đó đã lên ngôi cùng Brazil năm '58. Những tifosi thế hệ sau này không được tận mắt chứng kiến màn trình diễn của các Oriundi ấy. Nhưng qua những băng video, những câu chuyện "cổ tích" ở Calcio, họ vẫn có một vị trí xứng đáng trong trái tim họ. Đó là lịch sử, và 72 năm sau ngày Orsi nâng cao cup vàng thế giới, có một Oriundo khác cũng làm được điều tương tự và có vẻ như anh sẽ không dừng lại.
Câu chuyện của kẻ lạnh lùng Camoranesi.
Trận đấu đầu tiên của Juve ở Serie B là ngày 9/9/06 ở Rimini. Lúc đó, vài trăm cổ động viên Juve ngồi gọn trong một phần của khán đài cũ kỹ. Họ không quan tâm đến những CĐV Rimini, không quan tâm đến trận đấu mà treo những tấm biểu ngữ chỉ trích những cầu thủ đã ra đi, cả những cầu thủ miễn cưỡng ở lại như Camo và Trezegol. Đối với các cổ động viên, họ chỉ là những kẻ hám lợi không có lòng tự trọng. Trong những trận đấu đầu mùa, vì "lí do thể lực" mà HLV Deschamps cũng không dám đưa Camo vào sân thi đấu mà chỉ cho ngồi dự bị. Những trận đấu ở Coppa Italia trước đó cũng vậy. Đến lúc được vào sân, với mái tóc bù xù không thèm búi, Camo nhận ngay một thẻ đỏ và Juve bị Napoli đá bay khỏi Coppa Italia, từ giã giấc mơ trở lại châu Âu qua cửa Uefa cup. Sau những tuyên bố nằng nặc đòi đến Lyon hay Man.Utd hồi mùa hè, ánh mắt bất cần lúc họp báo cho mùa bóng mới, không ai nghi ngờ rằng Camo sẽ là một Ibra thứ hai ở Juve, cầu thủ đã liên tục cãi vã để được ra đi.
Nhưng đến bây giờ thì cầu thủ lớn lên tại Argentina này đã chuyển Ý. Trước khi Serie B khởi tranh vài ngày, cả Del Piero, Trezeguet và Camo đã cùng nhau đi nghỉ thoải mái ở Sardegna. Những cuộc tiếp xúc liên tục giữa anh và HLV Deschamps cũng như chủ tịch Gigli đã khiến anh thay đổi. Camo có lẽ cũng có tư tưởng của Buffon, người tỏ ra thông cảm: "Bạn không thể phủ nhận rằng Camo có cơ hội để ra đi. Anh ấy năm nay đã 30 tuổi và hoàn toàn đúng khi yêu cầu được có tên trong danh sách chuyển nhượng. Tôi cũng đã có suy nghĩ phải ra đi, nhưng sau khi nói chuyện với BLĐ thì tôi đồng ý ở lại để cứu lấy hình ảnh của Juve".
Ở lại là một quyết định khá khó khăn và có phần khác lạ với chính Camo. Bởi vì anh là một cầu thủ lạnh lùng và hai từ "trung thành" như không có trong từ điển. Nhớ lại lúc quyết định khoác lên mình chiếc áo màu thiên thanh tháng 2/03 (trận thắng Bồ Đào Nha 1-0 dưới thời Trap), Camo đã thẳng thừng thừa nhận: "Tôi không phải là kẻ phản bội tổ quốc, tôi vẫn cảm thấy mình 100% là người Argentina. Việc chọn đội tuyển Italia đơn thuần chỉ là vấn đề thể thao, không có gì khác". Điều đó là sự thực nếu bạn biết thêm rằng sau 6 năm ở Italia, anh không hề cố gắng học nói tiếng Italia và còn tự nhiên tuyên bố "các con tôi nói tiếng Italia giỏi hơn tôi".
Kết quả của những thay đổi của "gã mặt lạnh" gần như là tức thời. Phong độ cao của anh trong ba trận đấu vừa qua đã giúp Juve có liên tiếp những trận thắng và hi vọng mạnh mẽ vào một vị trí thăng hạng trực tiếp. Sau những chiến thắng 3-0 trước Crotone, Camo lập tức nhận được những lời khen ngợi từ chủ tịch Gigli cũng như HLV Deschamps, 18 nghìn CĐV ở Comunale trong trận gặp Modena đã đứng lên vỗ tay tán thưởng, Donadoni quyết định gọi anh trở lại ĐTQG cho vòng loại Euro (anh đã ghi một bàn trong chiến thắng trước Georgia).
Người ta đang nói về một Juve đích thực và một Camo đích thực còn anh thì nói: "Tôi sẽ không ra đi vào tháng một". Rõ ràng quyết định gắn bó với Juve có lợi cho Camo vào lúc này. Ít nhất thì anh cũng không phải có một mùa bóng bỏ đi ở Torino. Nếu như BLĐ Juve làm căng, Camo sẽ mất tất cả: cơ hội được thi đấu, tình cảm của tifosi và thành công ở ĐTQG chỉ dừng lại ở 28 lần ra quân và 3 bàn thắng. Nhiều người trở về đã trở thành những người hùng như Orsi, Sivori, Altafini và nếu cứ tiếp tục con đường đã chọn này "gã mặt lạnh" cũng sẽ được như vậy. Vì anh là một Oriundo cả khi không nói được nhiều tiếng Italia.
http://www.badamgia.com/index.php?act=view&code=post&pid=3&cid=16&id=8855