To Phước: Nhận xét về dân Nga "ngày xưa" hoàn toàn không phải là do propaganda. Có lẽ do propaganda của Mỹ và của người Việt hải ngoại mạnh quá cho nên Phước nghĩ như vậy. Cảm nhận về LX ngày xưa là của những người Việt sống ở nước LX thời ấy, trong đó có nhiều phụ huynh của các thành viên ở đây. Bản thân anh ngày xưa cũng sống ở Nga hai năm, 83 và 84, thời kỳ mà phần đông dân thường có nằm mơ cũng chưa nghĩ tới sự sụp đổ của khối CS. Cho dù là hồi còn rất nhỏ nhưng kỷ niệm về LX hồi đó với anh là những kỷ niệm đẹp, những con người phúc hậu và thương người.
Người Việt hải ngoại đâu biết gì về Nga, mà propaganda được?
Nga là nước anh đã có dịp qua 2 lần, lần đầu cách đây cũng 16 năm rồi, và lần thứ hai sau đó ít năm thì ở lại khá lâu, nên anh có một số ý niệm & dư âm về nước Nga một thuở. Hè vừa rồi có dịp trở lại Nga 1 tuần, đi Moscow và St. Petersburg, dĩ nhiên chỉ
cưỡi ngựa xem hoa thôi, nhưng cũng thấy Nga có thật nhiều biến đổi. Bạn bè ở Nga cũng bảo chỉ trong vòng dăm năm nay, Nga đã có những biến đổi chóng mặt!
Vài cảm nhận sơ sơ, mang tính cá nhân, về nước Nga hiện tại.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, Nga ít còn dấu vết của một quốc gia cựu cộng sản. Những bảng, biển quảng cáo giăng đầy ngoài đường phố, cửa hàng, cửa hiệu của các hãng thế giới mọc lên nhan nhản ở hai thành phố lớn Moscow và St. Petersburg, hàng hóa không thiếu thứ gì, tuy nhiên giá cả nhiều khi cao ngất ngưởng trên mây (có những thứ gấp nhiều lần ở châu Âu). Nhà cửa mới được xây lên rất nhiều: xen kẽ với những tòa nhà hộp đặc thù của thời XHCN, đã có không ít những khu nhà được thiết kế hiện đại, có để ý cả đến những yếu tố Phong Thủy, không khác gì bên phương Tây. Đặc biệt, đường xá nói riêng và cơ sở hạ tầng nói chung được sữa chữa và nâng cấp rất nhiều: đi trên đa số những con đường trung tâm của Moscow hay St. Petersburg, mình không hề nghĩ được rằng cách đây không thật lâu, chúng còn ở trạng thái xập xệ đến mức nào.
Chính phủ Nga đã dồn tiền để trùng tu rất nhiều di tích lịch sử và văn hóa để biến hai thủ đô của Nga xưa và nay là Moscow và St.Petersburg thành những tụ điểm du lịch. Điều này có thể dễ dàng nhận ra, chẳng hạn, khi đến thăm những thắng cảnh hay di tích lịch sử, ví dụ Cung điện Mùa Hè hay Bảo tàng viện Hermitage ở cố đô St. Petersburg: du khách quốc tế - trong số đó, rất nhiều dân Á châu, như Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc... - đông đến mức tại mỗi phòng, chỉ có thể đứng ngắm và chụp hình cùng lắm là 2-3 phút, rồi phải tiếp tục đi nhường chỗ cho các đoàn du khách khác. Đặc biệt, St. Petersburg đã thay đổi chóng mặt trên phương diện này: thành phố có 300 năm tuổi này, vốn là nơi chôn nhau cắt rốn của tổng thống Nga Vladimir Putin, đã nhận được sự hỗ trợ vô cùng lớn của chính phủ Nga để trở thành một điểm du lịch rất hấp dẫn.
Thay đổi thứ nhì anh nhận thấy, mang tính xã hội, là xu hướng bảo hoàng, hoài niệm quá khứ, dân tộc chủ nghĩa và sùng bái tín ngưỡng đặc biệt lên cao ở Nga. Sách vở, tranh ảnh... về các vị Nga hoàng, đặc biệt là Nicolai Đệ nhị, Nga hoàng cuối cùng đã bị chính quyền Lenin giết hại, được bày bán khắp nơi; lăng tẩm, mộ... của họ là nơi hành hương của rất nhiều người Nga, và cũng là điểm du lịch được nước Nga để ý khai thác. Các nhà thờ, giáo đường Chính thống giáo rất kỳ vĩ được tu sửa và xây dựng lại nhiều, là nơi rất đông dân Nga đến thờ phụng. Điều anh muốn nhấn mạnh ở đây là: lịch sử và tôn giáo của thành trì cộng sản thuở nào, nay đã được tận dụng triệt để cho mục đích du lịch và kinh doanh!
Có thể chính xu hướng dân tộc lên mạnh trong những năm gần đây là lý do của nhiều vụ hành hung và phân biệt đối xứ với người nước ngoài, mà một số người Việt đã là nạn nhân. Các hướng viên du lịch Nga cho biết rằng chính quyền Nga cũng đã tìm cách ngăn chặn xu hướng này, mà họ coi chỉ là những lầm lỗi, bốc đồng con trẻ của các nhóm thanh niên mới lớn; tuy nhiên, cá nhân anh cho rằng cội rễ của nó có từ sự sụp đổ của một siêu cường trong quá khứ, dẫn đến sự bơ vơ về lý tưởng, cũng như mặc cảm về vị thế đại cường đã bị đánh mất của mình, của một số nhóm thanh niên theo chiều hướng tân phát-xít.
Tuy nhiên, nếu như bề ngoài của nước Nga đã thay đổi rất nhiều trong vòng một thập niên qua, thì dường như con người Nga cùng những lề thói cổ hủ, những cánh làm việc, thủ tục hành chính quan liêu, cứng nhắc, gây phiền hà... vẫn còn y nguyên. Bản thân anh, khi nhập cảnh, đã bị giữ tại phi trường St. Petersburg trong đêm khuya tới 3 tiếng mà không hề được biết lý do! Lính biên phòng, sau khi xem hộ chiếu anh, thì cầm hộ chiếu chuồn luôn đi đâu đó, và anh hỏi những tay còn lại ở đó, thì tất cả đều bảo "
bọn tao ko biết, mày chờ gặp cái thằng ấy mà hỏi!", "
bố ai biết nó đi đâu, cứ chờ đấy!"
Gọi điện cho người bạn bên Nga, thì được lời khuyên là cứ phải hỏi liên tục, dồn dập, chúng nó chán sẽ cho ra; nếu ko, có thể chúng nó đi ăn uống hay... đi ngủ rồi cũng nên
Sau đó, trước khi được ra, anh còn bị một nhân viên cảnh sát khu vực hỏi (để ghi vào một biên bản) những câu mà ngoài này, mình có thể thấy rất kỳ quặc và mang tính riêng tư, như: anh có tham gia các tổ chức khủng bố, chống hòa bình, chống Cộng hay không, anh có cảm tình với thể chế nào, v.v... Mấy bữa sau, khi đi chuyến tàu tốc hành từ St. Petersburg về Moscow, anh ngạc nhiên vì hệt như mười mấy năm trước, hành khách vẫn bị chặn ngay tại cửa lên của toa tàu và phải xuất trình vé cùng hộ chiếu cho người phụ trách mỗi toa ngay dưới sân ga, rồi mới được lên tàu! Cũng không rõ tại sao cho đến giờ, muốn mua vé tàu hỏa nội địa cũng cần trình hộ chiếu và tên hành khách cùng những dữ liệu nhân thân còn được ghi lại trên vé?
Người Nga, nói chung, ít có thói quen thông báo hay công khai những thông tin cho đại chúng. Chẳng hạn, tại Moscow, anh và mấy người bạn đồng hành muốn vào thăm lăng Lenin, nhưng người hướng viên du lịch tại đó cho biết lịch mở cửa của lăng rất thất thường, "
cứ khi nào họ mở thì vào thôi, chứ không có biết trước là khi nào mở, và mở đến khi nào". Một show diễn kéo dài một giờ, rất ngoạn mục, thường xuyên thu hút dăm bảy ngàn người xem - là cuộc diễu binh kỳ vĩ trước Hồng trường mỗi tháng chỉ có một lần, mà người tổ chức tour du lịch của bọn anh phải khó khăn mới thu xếp được vào lịch trình của đoàn - thì đột nhiên bị hoãn ở giây phút cuối mà không hề có thông báo, không ai biết lý do, và điểm đặc biệt là dân Nga cũng không hề cảm thấy ngạc nhiên về điều đó!
Nhiều bạn đồng hành của anh trong chuyến đi đã nhận xét: hơn một thập niên rưỡi sau khi thay đổi thể chế chính trị, người Nga vẫn không quen với nụ cười trên môi trong tiếp xúc! Mọi thủ tục hành chính còn nặng nề, ít nhiều vương vấn một thời "công an trị". Nga sẽ còn phải thay đổi nhiều về mặt cơ chế và con người, để đi kịp những phát triển và biển đổi về kinh tế, văn hóa, đời sống và du lịch.
L.