Trần Thanh Hưng
(Theliar)
New Member
Đổi Mới (hiện nay nhiều học giả gọi là Đổi Mới 1) được bắt đầu năm 1986 và là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế của nước ta. Gia nhập WTO được coi như đỉnh cao của bước thứ nhất này. Sau khi đặt chân lên ngưỡng cửa WTO, nhu cầu bổ sung các bộ luật, thực hiện cam kết với các đối tác, cải cách hành chính và thể chế đòi hỏi VN nâng cao quá trình Đổi Mới lên một mức độ mới (Các học giả gọi là Đổi Mới 2). Topic này mở ra để mọi người có thể hiểu hơn về Đổi Mới 1 cũng như đóng góp ý kiến của mình về quá trình Đổi Mới 2.
Đầu tiên xin được giới thiệu một bài viết của Nguyễn An Nguyên về Đổi Mới 1.
Những tư tưởng của Đổi mới I
Nguyễn An Nguyên (1)
Nghiên cứu sinh Kinh tế học
Rice University
[email protected]
Đã có một dòng sông ngầm chảy bên dưới các cuộc cải cách thời kì Đổi mới I: sự đổi thay trong tư tưởng phát triển. Ngược với bi kịch chậm phát triển do thiếu tư tưởng của nhiều quốc gia khác, Đổi mới I của Việt Nam lại là nỗ lực vượt ra ngoài hệ thống lý luận đồ sộ đã từng bao trùm thời kì trước đó. Sự đồng thuận mới về một con đường phát triển cho dân tộc mới chỉ đạt được ở một số lĩnh vực. Từ những nền móng tư tưởng dang dở của Đổi mới I, ta sẽ tìm thấy những đơn đặt hàng tư tưởng cho thời kì Đổi mới II.
1. Cải cách tư tưởng kinh tế
1.1. Tấm lá chắn “thời kì quá độ”
Cải cách kinh tế trong thời kì Đổi mới I có lẽ đã không thể thành công nếu không có sự du nhập của kinh tế học hiện đại (kinh tế học tân cổ điển, kinh tế học phát triển, lý thuyết thể chế v.v.), dần thay thế cho hệ thống lý luận về quản lý tập trung thời kì trước đó.
Giai đoạn đầu tiên của cải cách (trong thập niên 1980) chứng kiến hai nỗ lực lớn: một là “phá băng” tư tưởng kinh tế chính thống lúc bấy giờ. Trường Chinh và nhóm nghiên cứu do ông thành lập (năm 1982) đã nâng Chính sách kinh tế mới (NEP) của Lê-nin lên thành lý luận về thời kì quá độ. Chiến thuật này đã đã đi vào Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng VI (1986), tạo ra chính danh cho quá trình phá rào đang diễn ra trên thực tế.
Nỗ lực thứ hai là tích lũy các ý tưởng cho cải cách kinh tế. Kể từ đầu thập niên 80, dưới sự hậu thuẫn của một số nhà chính trị có tư tưởng đổi mới, các nhóm nghiên cứu "tư nhân” về đường lối cải cách xuất hiện. Chẳng hạn, một nhóm các kinh tế gia đào tạo ở phương Tây như Vũ Quang Việt được ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch bảo trợ (2). Ở Trung ương, một nhóm nghiên cứu về cải cách khác của các nhà lý luận chính thống như ông Tố Hữu, Trần Phương cũng ra đời. Còn ở Tp HCM, nhóm "Thứ Sáu”, nơi quy tụ các nhà kinh tế của chế độ cũ cũng được Thành ủy trọng dụng (3). Dù thành công hay thất bại, những ý tưởng của các nhóm nhỏ này cũng đã để lại dấu tay mình trong lịch sử kinh tế của Việt Nam những năm đầu Đổi mới I.
1.2 Tư tưởng kinh tế mới-bức tranh dang dở
Khi đã được thừa nhận trong các văn kiện chính thức, định hướng kinh tế thị trường không còn bị tấn công trực diện về lí luận. Vì thế, cải cách tư tưởng kinh tế cũng diễn ra công khai và nhiều đối thoại hơn. Một số viện nghiên cứu chính thức đã tham gia sâu vào định hướng cải cách. Chẳng hạn, những cải cách về thể chế như luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp mang nhiều dấu ấn của các nhà kinh tế của Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Đồng thời, khi VN tham gia ngày càng sâu hơn vào cộng đồng quốc tế, vai trò của các tổ chức phát triển quốc tế (như UNDP, WB, IMF), và các nước như Nhật, Úc, Đan Mạch v.v. trong việc định hướng phát triển của Việt Nam cũng tăng lên. Cơ sở lý thuyết mạnh, bề dày kinh nghiệm tư vấn các nước đang phát triển của họ đã giúp mài sắc các nỗ lực cải cách của Việt Nam (như định hướng xóa đói giảm nghèo, về chiến lược phát triển con người v.v.) Tuy thế, tác dụng của “Đồng thuận Washington” (4), vốn được coi là kim chỉ nam của họ, với Việt Nam vẫn đang gây tranh cãi.
Tư tưởng mới được du nhập cũng đa dạng hơn, có khi đến từ ngoài bộ máy nhà nước. Các lí thuyết kinh tế mới được tổ chức quốc tế, trường ĐH hay viện nghiên cứu, thậm chí cả những nhóm sinh viên dịch và truyền bá.
Điểm đáng kinh ngạc là những lý thuyết được truyền bá sớm nhất lại là những nhánh nhỏ của kinh tế học hiện đại, nhưng lại có ảnh hưởng khá nhanh vào chính sách. Chẳng hạn, kinh tế học thể chế, chỉ với một tác phẩm tóm lược,(5) có lẽ đã ảnh hưởng khá sâu đến định hướng xây dựng thể chế của các nhà cải cách cuối Đổi mới I. Thậm chí, trào lưu còn đang manh nha về “kinh tế tri thức” đã nhanh chóng được đưa vào Báo cáo Chính trị của Đại hội IX và tiếp tục ở Đại hội X.
Dường như đến nay, kinh tế học hiện đại (với nhiều chi phái của nó) đã in dấu chân vào phần lớn các chính sách kinh tế (tài khóa, tài chính, tiền tệ, đầu tư v.v.). Sự áp dụng quá nhanh chóng các lý thuyết kinh tế mới vào chính sách một mặt cho thấy cơn khát về tư tưởng cho cải cách kinh tế. Mặt trái của nó là hàm ý rằng nền móng khoa học kinh tế của Việt Nam còn chưa vững chãi.
Trong khi đó, hệ thống tư tưởng kinh tế-chính trị cũ ngày càng thu hẹp phạm vi ảnh hưởng trong các chính sách thực tiễn, để rút lên tầng lý luận chung. Tuy thế, nó vẫn được giảng dạy trong các trường Đại học song song với kinh tế học hiện đại, trong khi tiếp tục giữ vị thế độc quyền trong chương trình trung học. Vai trò của khu vực nhà nước trong nền kinh tế là “cấm địa” cuối cùng mà nó còn chiếm giữ. Nhưng dường như chính ở đây, cuộc tranh luận lớn cuối cùng giữa hai hệ thống tư tưởng kinh tế sẽ không sớm chấm dứt.
1.3 Hình thành đồng thuận xã hội
Tư tưởng kinh tế hiện đại được truyền bá cho dân chúng muộn hơn, thông qua giáo dục và báo chí. Trước năm 1992, chỉ có duy nhất một cuốn kinh tế học hiện đại được dịch ra tiếng Việt vào năm 1989 (6). Đến giữa thập kỉ 90 thì kinh tế học hiện đại bắt đầu được giảng dạy ở bậc đại học, tạo ra các thế hệ trí thức trẻ hiểu biết về kinh tế thị trường.
Có lẽ từ chính thế hệ này, khi đi vào xã hội (làm báo, nghiên cứu, giảng dạy) đã tạo ra một cuộc thay đổi tư duy vĩ đại cho công chúng (nhất là ở miền Bắc): trong khoảng mười năm, mỗi người dân Việt Nam bình thường đã quen thuộc với những thuật ngữ “thị trường”, “cung cầu”, “cạnh tranh”, “độc quyền” v.v. Sau hai thập kỉ ngắn ngủi, điều cấm kị đã trở thành cái hiển nhiên!
Kết quả là, từ một mệnh lệnh chính trị, định hướng chuyển sang kinh tế thị trường đã được mở rộng ra thành đồng thuận xã hội. Chính sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ người dân đã giúp cuộc cải cách kinh tế của Đổi mới I vượt qua những trở lực của hệ thống lý luận cũ, vốn vẫn ảnh hưởng lớn trong giới lãnh đạo thời đó.
2. Cải cách ngoại giao- hai đường ray không song song
Đằng sau cuộc cải cách ngoại giao thời kì Đổi mới I là một cuộc cách mạng tư tưởng không êm ả xoay quanh câu hỏi: Thế giới mà Việt Nam đang sống là gì?
Cho đến giữa thập kỉ 80, câu trả lời của Việt Nam vẫn là quan điểm của Quốc tế Cộng sản, hình thành từ những năm 30 dưới thời Stalin: thế giới là cuộc đấu tranh một mất một còn giữa hai phe, với thắng lợi tất yếu của phe XHCN đối với phe tư bản. Hệ quả chính trị-quân sự của nó là Việt Nam coi mình là tiền đồn trong cuộc đấu tranh này, và về mặt kinh tế thì tự mình cắt rời khỏi nền kinh tế năng động ngoài khối XHCN.
Đến thập niên 80, sự tương phản giữa tốc độ phát triển thần kì của các nước công nghiệp mới ở châu Á với khủng hoảng kinh tế của cả Việt Nam lẫn khối XHCN đã buộc các Việt Nam phải sửa đổi cách nhìn thế giới của mình.
Trong những năm tháng đen tối nhất sau chiến tranh, các nhà cải cách ngoại giao, trong đó có ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đã soi sáng tình thế khủng hoảng bằng câu trả lời hoàn toàn mới: thế giới đang tiến đến một nền kinh tế chung, trong cơn lốc của cách mạng khoa học công nghệ mới.
Hệ quả của nó với Việt Nam ngay lập tức hiện rõ: 1. VN buộc phải tham gia vào nền kinh tế chung đó (tức là bình thường hóa quan hệ với các nước, thu hút đầu tư và tăng xuất khẩu). 2. Việt Nam có một con đường mới để công nghiệp hóa nhờ vào cuộc cách mạng ấy. Viễn kiến sáng suốt này mở ra con đường phát triển thênh thang cho hai thập kỉ của Đổi mới I. Nó không chỉ cải biến chính sách ngoại giao trong 20 năm qua, mà đã và sẽ tiếp tục thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống dân tộc: kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự v.v. trong nhiều thập kỉ nữa.
Chính trong đáy của khủng hoảng mà tư tưởng mang tính cách mạng đó nhanh chóng chiến thắng. Phác thảo của tầm nhìn mới đã được nêu ra từ Hội nghị Trung ương 6 (1984), mở rộng ra trong Đại hội IV và được hoàn thiện ở Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (1988) (7). Cuộc “đổi mới tư duy” ở Liên Xô lúc đó đã cộng hưởng với tư tưởng cải cách ở Việt Nam. Trong những năm tháng sôi nổi ấy (dường như khác với hiện nay ?), các bài viết “cách mạng” thường lên thẳng Tạp chí Cộng sản (8).
Sự sụp đổ của Đông Âu và tan vỡ của Liên Xô (1991) dù không ảnh hưởng về kinh tế cho Việt Nam, nhưng đã tạo ra một cơn động đất trong nhận thức. Cách nhìn “hai phe” trở lại dưới một hình dạng mới: cuộc tấn công của một phe với phe kia thông qua nhiều “chiêu thức” mới để thích nghi với điều kiện quốc tế mới. Kể từ đây, chính sách ngoại giao (và hệ quả của nó trong các chính sách đối nội) của Việt Nam được đặt trên hai đường ray không song song.
Sự va chạm giữa hai cách nhìn thế giới này đã hóa thân thành những tranh luận dai dẳng về hầu hết các vấn đề trọng yếu của dân tộc: từ lộ trình bình thường hóa, mối quan hệ với các cường quốc, cho đến vai trò của khu vực nhà nước trong nền kinh tế, đến vai trò của của xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền v.v. Những hệ lụy của cuộc hôn phối lịch sử giữa hai tầm nhìn này sẽ còn ảnh hưởng lên những thế hệ tương lai.
3. Tranh luận về pháp quyền và nửa cuộc cải cách về tổ chức nhà nước (9)
Những lời kêu gọi xây dựng nhà nước pháp quyền đã vang lên từ đầu cuộc Đổi mới I, và trở nên nóng bỏng trong các cuộc tranh luận để soạn thảo Hiến pháp 1992. Nhưng đến nay,vẫn chưa đạt được đồng thuận về cả về tên gọi lẫn nội dung của nó (một ví dụ là cuộc tranh luận gần đây về “pháp quyền” hay “pháp trị”) (10).
Toàn bộ cuộc tranh luận hai mươi năm về pháp quyền có thể tóm gọn bằng một câu hỏi cốt tử: Có đối trọng và chế ước quyền lực, trên nền tảng coi Hiến pháp là tối cao hay không?
Không trả lời dứt khoát được câu hỏi này, sẽ không có một quy hoạch tổng thể về xây dựng hệ thống luật pháp của quốc gia. Nhưng để trả lời thì cần một nền tảng lý luận mới về nhà nước trong tương quan với xã hội, cái sẽ đưa đến những thay đổi quá to lớn cho lịch sử mà lúc này chưa ai dám đảm đương. Vì thế, đã không thể tránh khỏi những bước đi ngập ngừng quanh co, do sự dùng dằng trong tư tưởng: Ý tưởng về Tòa án Hiến pháp đã manh nha từ nửa đầu của Đổi mới I. Bẵng đi một thời gian, đến gần đây, nó lại được đưa vào Dự thảo Báo cáo Chính trị dưới cái tên “cơ chế bảo hiến” (11), cùng những đề xuất khá thận trọng (12).
Chưa có đồng thuận về quy hoạch tổng thể, lộ trình làm luật trở nên bị động dưới sức ép hội nhập, trong khi nội dung của nó chịu ảnh hưởng của nhiều nhóm lợi ích khác nhau: Các luật về các ngành kinh tế đặc biệt (như Luật Dầu khí, Luật Xây dựng, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông v.v.) lại do chính các ngành đó soạn thảo. Vì lợi ích cục bộ của ngành, những luật này có thể xô lệch khung luật pháp để tạo ra những vùng độc quyền, những ngoại lệ đáng lẽ không được phép tồn tại trong một chính sách quốc gia thống nhất. Việc tạo ra những “rào cản” mới của Dự thảo Luật Đầu tư mới cho thấy: ngay cả những cuộc cải cách pháp luật thành công cũng có thể bị đảo ngược dưới ảnh hưởng của các nhóm lợi ích.
Sức ép ngày càng tăng từ quốc tế do hội nhập (như Hiệp định thương mại Việt Mỹ, chuẩn bị tham gia WTO) có thể khiến các nhà làm luật Việt Nam không làm chủ được lộ trình. Thêm vào đó, các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế (ADB, WB, UNDP) hay quốc gia (KAS, FES của Đức, JICA của Nhật Bản, SIDA của Thụy Điển v.v.) đều mong muốn có ảnh hưởng vào hệ thống pháp luật của Việt Nam. Như thế là, về nội dung, hệ thống pháp luật của Việt Nam vừa lai tạp khá nhiều hệ thống luật, lại vừa bị chia cắt bởi các nhóm lợi ích.
Có một khó khăn khách quan to lớn dẫn đến sự trễ hẹn của cải cách pháp quyền so với cải cách kinh tế: Khác với kinh tế với những quy luật phổ quát mà mọi nền kinh tế phải tuân theo, cải cách hệ thống nhà nước và pháp luật mang tính đặc thù quốc gia rất cao, chịu nhiều ràng buộc chính trị của mỗi nước.
Nhưng xét đến cùng, sự chậm chân của cải cách tư tưởng pháp quyền trong Đổi mới I là hệ quả tất yếu của nền luật học non trẻ. (Năm 1977, trường ĐH Luật đầu tiên mới được thành lập, muộn hơn ĐH Kinh tế đầu tiên tới hơn 20 năm). Yếu hơn nhiều so với kinh tế học, tư tưởng pháp quyền hiện đại hầu như chưa được truyền bá, chưa nói gì đến giảng dạy trong trường Đại học (13). Những thế hệ luật gia mới vì thế cũng chưa sẵn sàng để "đào tạo lại” dân chúng trong tinh thần mới.
4. Đồng thuận cho Đổi mới II: tầm nhìn nào?
Trong khi luôn phải ý thức rằng chỉ những sức ép “vật chất” (như khó khăn kinh tế, bất ổn xã hội v.v.) quyết định “hoàn cảnh” của cải cách ( tức là chi phí và lợi ích của nó), thì tư tưởng và nhận thức quyết định cách mà cá nhân và xã hội ứng xử trước hoàn cảnh ấy. Những mâu thuẫn về tư tưởng không giải quyết được bằng tranh luận sẽ tự phát biểu thành xung đột xã hội.
Hai mươi năm tìm kiếm đồng thuận mới về con đường phát triển của Việt Nam chưa phải trải qua những đảo lộn xã hội như nội chiến Mỹ, cách mạng Pháp hay biến động chính trị của Đông Âu. Liệu VN có tiếp tục theo được lộ trình phát triển hài hòa như Nhật Bản thời kì Minh Trị hay không?
Lịch sử phức tạp trong suốt thế kỉ 20 đã tạo ra vô vàn những khác biệt trong nhận thức của từng người dân Việt Nam. Không có tư tưởng nào, dù tiến bộ đến đâu, có thể đem áp đặt ngay cho tất cả. Chỉ qua học hỏi liên tục từ dòng chảy lịch sử của nhân loại, liên tục đối thoại giữa các thế hệ, tầng lớp, các nhóm lợi ích và vùng miền khác nhau, người Việt Nam mới xây dựng được một tầm nhìn chung cho dân tộc.
Những mảnh ghép cho một đồng thuận như thế đã được hình thành trong Đổi mới I.
Hiện đại hóa tư tưởng phát triển của dân tộc dựa trên tri thức tiên tiến của nhân loại, hình thành những kênh đối thoại mới để ghép chúng thành bức tranh hoàn chỉnh là nhiệm vụ của Đổi mới II. Nó cần đến những nỗ lực của cả các nhà cải cách bên trong nhà nước, những nhà cải cách ngoài xã hội, giới trí thức và mỗi người dân đương thời.
Notes
(1).Tác giả xin cảm ơn Ts Vũ Quang Việt, Ts Vũ Thành Tự Anh đã góp ý cho phần kinh tế của bài viết. Ths Bùi Nguyên Khánh đã nhận xét về phần luật và Ts Vũ Hồng Lâm phê bình cho phần ngoại giao.
(2)Xem bài viết của Vũ Quang Việt trong “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2003
(3)Xem bài “Đêm trước” đổi mới: Chuyển đổi vô hình, đăng trên Tuổi trẻ Online, 10/12/2005
(4)Vũ Quang Việt đã tóm tắt 10 điểm chính của Đồng thuận Washington là: (1) cân bằng ngân sách nhà nước, (2) chuyển hướng tài chính công, (3) cải cách thuế, (4) tự do hoá tài chính, (5) dùng một hối suất thị trường tự do, (6) tự do hoá thương mại, (7) xoá bỏ rào cản đầu tư nước ngoài, (8) tư hữu hoá doanh nghiệp nhà nước, (9) xoá bỏ các luật lệ kiểm soát thị trường, (10) bảo vệ quyền tư hữu. Xem bài Về thập kỉ suy thoái kinh tế ở Nhật, Tạp chí Thời đại mới, số tháng 3/2004.
(5)Các thể chế, sự thay đổi thể chế và hoạt động kinh tế, Douglass North, do Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ dịch
(6)Giáo trình Kinh tế học của Paul A. Samuelson, William D. Nordhaus do Viện Quan hệ Quốc tế và Bộ Ngoại giao dịch.
(7)Nhiều nhà phân tích nước ngoài cho rằng Nghị quyết 13 chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà cải cách Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao thời đó. Ví dụ, xem Gareth Porter, The transformation of Vietnam’s world view: from two camps to interdependence, Contemporary Southeast Asian, June 1990
(8)“Một vài suy nghĩ về đổi mới tư duy đối ngoại”, tiểu luận quan trọng của Phan Doãn Nam, một cộng sự của ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch được đăng trên Tạp chí Cộng sản số 8 (tháng 8/1988)
(9)Trong bài “Giữa hai thời kì Đổi mới: những cải cách đã qua và sắp tới” đăng trên TTCN từ 2/4/2006, tác giả gọi tên “ nửa cuộc cải cách hành chính” vì cho rằng các cuộc cải cách khác ngoài lĩnh vực hành chính (lập pháp và tư pháp) chưa có nhiều bước tiến lớn. Trong bài này, chúng tôi dùng cụm từ “cải cách tổ chức nhà nước” để phù hợp hơn với quy mô của cải cách mà tư tưởng pháp quyền có thể đem lại.
(10)Chẳng hạn, xem tranh luận về “pháp quyền hay pháp trị” của Luật sư Lưu Công Định, và Tiến sỹ Lê Đăng Thanh trên báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh, 15/3/2006, hay bài của Ts. Nguyễn Sỹ Dũng về chế độ pháp trị, Tuổi trẻ, 22/3/2006
(11)Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X nói: "Xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp, định rõ cơ chế, cách thức bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và luật trong đời sống kinh tế - xã hội.”
(12)Xem ba đề xuất về cơ quan bảo vệ hiến pháp trong bài Ai “huýt còi” khi hiến pháp bị xâm phạm? đăng trên Tuổi trẻ Online, 25/3/2006
(13)Cuốn Tinh thần pháp luật được dịch và in lần đầu năm 1996; Trích dịch Khế ước xã hội được in năm 1992. Cả hai cuốn này lại chỉ do 1 tác giả dịch - Hoàng Thanh Đạm.
Đầu tiên xin được giới thiệu một bài viết của Nguyễn An Nguyên về Đổi Mới 1.
Những tư tưởng của Đổi mới I
Nguyễn An Nguyên (1)
Nghiên cứu sinh Kinh tế học
Rice University
[email protected]
Đã có một dòng sông ngầm chảy bên dưới các cuộc cải cách thời kì Đổi mới I: sự đổi thay trong tư tưởng phát triển. Ngược với bi kịch chậm phát triển do thiếu tư tưởng của nhiều quốc gia khác, Đổi mới I của Việt Nam lại là nỗ lực vượt ra ngoài hệ thống lý luận đồ sộ đã từng bao trùm thời kì trước đó. Sự đồng thuận mới về một con đường phát triển cho dân tộc mới chỉ đạt được ở một số lĩnh vực. Từ những nền móng tư tưởng dang dở của Đổi mới I, ta sẽ tìm thấy những đơn đặt hàng tư tưởng cho thời kì Đổi mới II.
1. Cải cách tư tưởng kinh tế
1.1. Tấm lá chắn “thời kì quá độ”
Cải cách kinh tế trong thời kì Đổi mới I có lẽ đã không thể thành công nếu không có sự du nhập của kinh tế học hiện đại (kinh tế học tân cổ điển, kinh tế học phát triển, lý thuyết thể chế v.v.), dần thay thế cho hệ thống lý luận về quản lý tập trung thời kì trước đó.
Giai đoạn đầu tiên của cải cách (trong thập niên 1980) chứng kiến hai nỗ lực lớn: một là “phá băng” tư tưởng kinh tế chính thống lúc bấy giờ. Trường Chinh và nhóm nghiên cứu do ông thành lập (năm 1982) đã nâng Chính sách kinh tế mới (NEP) của Lê-nin lên thành lý luận về thời kì quá độ. Chiến thuật này đã đã đi vào Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng VI (1986), tạo ra chính danh cho quá trình phá rào đang diễn ra trên thực tế.
Nỗ lực thứ hai là tích lũy các ý tưởng cho cải cách kinh tế. Kể từ đầu thập niên 80, dưới sự hậu thuẫn của một số nhà chính trị có tư tưởng đổi mới, các nhóm nghiên cứu "tư nhân” về đường lối cải cách xuất hiện. Chẳng hạn, một nhóm các kinh tế gia đào tạo ở phương Tây như Vũ Quang Việt được ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch bảo trợ (2). Ở Trung ương, một nhóm nghiên cứu về cải cách khác của các nhà lý luận chính thống như ông Tố Hữu, Trần Phương cũng ra đời. Còn ở Tp HCM, nhóm "Thứ Sáu”, nơi quy tụ các nhà kinh tế của chế độ cũ cũng được Thành ủy trọng dụng (3). Dù thành công hay thất bại, những ý tưởng của các nhóm nhỏ này cũng đã để lại dấu tay mình trong lịch sử kinh tế của Việt Nam những năm đầu Đổi mới I.
1.2 Tư tưởng kinh tế mới-bức tranh dang dở
Khi đã được thừa nhận trong các văn kiện chính thức, định hướng kinh tế thị trường không còn bị tấn công trực diện về lí luận. Vì thế, cải cách tư tưởng kinh tế cũng diễn ra công khai và nhiều đối thoại hơn. Một số viện nghiên cứu chính thức đã tham gia sâu vào định hướng cải cách. Chẳng hạn, những cải cách về thể chế như luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp mang nhiều dấu ấn của các nhà kinh tế của Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Đồng thời, khi VN tham gia ngày càng sâu hơn vào cộng đồng quốc tế, vai trò của các tổ chức phát triển quốc tế (như UNDP, WB, IMF), và các nước như Nhật, Úc, Đan Mạch v.v. trong việc định hướng phát triển của Việt Nam cũng tăng lên. Cơ sở lý thuyết mạnh, bề dày kinh nghiệm tư vấn các nước đang phát triển của họ đã giúp mài sắc các nỗ lực cải cách của Việt Nam (như định hướng xóa đói giảm nghèo, về chiến lược phát triển con người v.v.) Tuy thế, tác dụng của “Đồng thuận Washington” (4), vốn được coi là kim chỉ nam của họ, với Việt Nam vẫn đang gây tranh cãi.
Tư tưởng mới được du nhập cũng đa dạng hơn, có khi đến từ ngoài bộ máy nhà nước. Các lí thuyết kinh tế mới được tổ chức quốc tế, trường ĐH hay viện nghiên cứu, thậm chí cả những nhóm sinh viên dịch và truyền bá.
Điểm đáng kinh ngạc là những lý thuyết được truyền bá sớm nhất lại là những nhánh nhỏ của kinh tế học hiện đại, nhưng lại có ảnh hưởng khá nhanh vào chính sách. Chẳng hạn, kinh tế học thể chế, chỉ với một tác phẩm tóm lược,(5) có lẽ đã ảnh hưởng khá sâu đến định hướng xây dựng thể chế của các nhà cải cách cuối Đổi mới I. Thậm chí, trào lưu còn đang manh nha về “kinh tế tri thức” đã nhanh chóng được đưa vào Báo cáo Chính trị của Đại hội IX và tiếp tục ở Đại hội X.
Dường như đến nay, kinh tế học hiện đại (với nhiều chi phái của nó) đã in dấu chân vào phần lớn các chính sách kinh tế (tài khóa, tài chính, tiền tệ, đầu tư v.v.). Sự áp dụng quá nhanh chóng các lý thuyết kinh tế mới vào chính sách một mặt cho thấy cơn khát về tư tưởng cho cải cách kinh tế. Mặt trái của nó là hàm ý rằng nền móng khoa học kinh tế của Việt Nam còn chưa vững chãi.
Trong khi đó, hệ thống tư tưởng kinh tế-chính trị cũ ngày càng thu hẹp phạm vi ảnh hưởng trong các chính sách thực tiễn, để rút lên tầng lý luận chung. Tuy thế, nó vẫn được giảng dạy trong các trường Đại học song song với kinh tế học hiện đại, trong khi tiếp tục giữ vị thế độc quyền trong chương trình trung học. Vai trò của khu vực nhà nước trong nền kinh tế là “cấm địa” cuối cùng mà nó còn chiếm giữ. Nhưng dường như chính ở đây, cuộc tranh luận lớn cuối cùng giữa hai hệ thống tư tưởng kinh tế sẽ không sớm chấm dứt.
1.3 Hình thành đồng thuận xã hội
Tư tưởng kinh tế hiện đại được truyền bá cho dân chúng muộn hơn, thông qua giáo dục và báo chí. Trước năm 1992, chỉ có duy nhất một cuốn kinh tế học hiện đại được dịch ra tiếng Việt vào năm 1989 (6). Đến giữa thập kỉ 90 thì kinh tế học hiện đại bắt đầu được giảng dạy ở bậc đại học, tạo ra các thế hệ trí thức trẻ hiểu biết về kinh tế thị trường.
Có lẽ từ chính thế hệ này, khi đi vào xã hội (làm báo, nghiên cứu, giảng dạy) đã tạo ra một cuộc thay đổi tư duy vĩ đại cho công chúng (nhất là ở miền Bắc): trong khoảng mười năm, mỗi người dân Việt Nam bình thường đã quen thuộc với những thuật ngữ “thị trường”, “cung cầu”, “cạnh tranh”, “độc quyền” v.v. Sau hai thập kỉ ngắn ngủi, điều cấm kị đã trở thành cái hiển nhiên!
Kết quả là, từ một mệnh lệnh chính trị, định hướng chuyển sang kinh tế thị trường đã được mở rộng ra thành đồng thuận xã hội. Chính sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ người dân đã giúp cuộc cải cách kinh tế của Đổi mới I vượt qua những trở lực của hệ thống lý luận cũ, vốn vẫn ảnh hưởng lớn trong giới lãnh đạo thời đó.
2. Cải cách ngoại giao- hai đường ray không song song
Đằng sau cuộc cải cách ngoại giao thời kì Đổi mới I là một cuộc cách mạng tư tưởng không êm ả xoay quanh câu hỏi: Thế giới mà Việt Nam đang sống là gì?
Cho đến giữa thập kỉ 80, câu trả lời của Việt Nam vẫn là quan điểm của Quốc tế Cộng sản, hình thành từ những năm 30 dưới thời Stalin: thế giới là cuộc đấu tranh một mất một còn giữa hai phe, với thắng lợi tất yếu của phe XHCN đối với phe tư bản. Hệ quả chính trị-quân sự của nó là Việt Nam coi mình là tiền đồn trong cuộc đấu tranh này, và về mặt kinh tế thì tự mình cắt rời khỏi nền kinh tế năng động ngoài khối XHCN.
Đến thập niên 80, sự tương phản giữa tốc độ phát triển thần kì của các nước công nghiệp mới ở châu Á với khủng hoảng kinh tế của cả Việt Nam lẫn khối XHCN đã buộc các Việt Nam phải sửa đổi cách nhìn thế giới của mình.
Trong những năm tháng đen tối nhất sau chiến tranh, các nhà cải cách ngoại giao, trong đó có ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đã soi sáng tình thế khủng hoảng bằng câu trả lời hoàn toàn mới: thế giới đang tiến đến một nền kinh tế chung, trong cơn lốc của cách mạng khoa học công nghệ mới.
Hệ quả của nó với Việt Nam ngay lập tức hiện rõ: 1. VN buộc phải tham gia vào nền kinh tế chung đó (tức là bình thường hóa quan hệ với các nước, thu hút đầu tư và tăng xuất khẩu). 2. Việt Nam có một con đường mới để công nghiệp hóa nhờ vào cuộc cách mạng ấy. Viễn kiến sáng suốt này mở ra con đường phát triển thênh thang cho hai thập kỉ của Đổi mới I. Nó không chỉ cải biến chính sách ngoại giao trong 20 năm qua, mà đã và sẽ tiếp tục thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống dân tộc: kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự v.v. trong nhiều thập kỉ nữa.
Chính trong đáy của khủng hoảng mà tư tưởng mang tính cách mạng đó nhanh chóng chiến thắng. Phác thảo của tầm nhìn mới đã được nêu ra từ Hội nghị Trung ương 6 (1984), mở rộng ra trong Đại hội IV và được hoàn thiện ở Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (1988) (7). Cuộc “đổi mới tư duy” ở Liên Xô lúc đó đã cộng hưởng với tư tưởng cải cách ở Việt Nam. Trong những năm tháng sôi nổi ấy (dường như khác với hiện nay ?), các bài viết “cách mạng” thường lên thẳng Tạp chí Cộng sản (8).
Sự sụp đổ của Đông Âu và tan vỡ của Liên Xô (1991) dù không ảnh hưởng về kinh tế cho Việt Nam, nhưng đã tạo ra một cơn động đất trong nhận thức. Cách nhìn “hai phe” trở lại dưới một hình dạng mới: cuộc tấn công của một phe với phe kia thông qua nhiều “chiêu thức” mới để thích nghi với điều kiện quốc tế mới. Kể từ đây, chính sách ngoại giao (và hệ quả của nó trong các chính sách đối nội) của Việt Nam được đặt trên hai đường ray không song song.
Sự va chạm giữa hai cách nhìn thế giới này đã hóa thân thành những tranh luận dai dẳng về hầu hết các vấn đề trọng yếu của dân tộc: từ lộ trình bình thường hóa, mối quan hệ với các cường quốc, cho đến vai trò của khu vực nhà nước trong nền kinh tế, đến vai trò của của xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền v.v. Những hệ lụy của cuộc hôn phối lịch sử giữa hai tầm nhìn này sẽ còn ảnh hưởng lên những thế hệ tương lai.
3. Tranh luận về pháp quyền và nửa cuộc cải cách về tổ chức nhà nước (9)
Những lời kêu gọi xây dựng nhà nước pháp quyền đã vang lên từ đầu cuộc Đổi mới I, và trở nên nóng bỏng trong các cuộc tranh luận để soạn thảo Hiến pháp 1992. Nhưng đến nay,vẫn chưa đạt được đồng thuận về cả về tên gọi lẫn nội dung của nó (một ví dụ là cuộc tranh luận gần đây về “pháp quyền” hay “pháp trị”) (10).
Toàn bộ cuộc tranh luận hai mươi năm về pháp quyền có thể tóm gọn bằng một câu hỏi cốt tử: Có đối trọng và chế ước quyền lực, trên nền tảng coi Hiến pháp là tối cao hay không?
Không trả lời dứt khoát được câu hỏi này, sẽ không có một quy hoạch tổng thể về xây dựng hệ thống luật pháp của quốc gia. Nhưng để trả lời thì cần một nền tảng lý luận mới về nhà nước trong tương quan với xã hội, cái sẽ đưa đến những thay đổi quá to lớn cho lịch sử mà lúc này chưa ai dám đảm đương. Vì thế, đã không thể tránh khỏi những bước đi ngập ngừng quanh co, do sự dùng dằng trong tư tưởng: Ý tưởng về Tòa án Hiến pháp đã manh nha từ nửa đầu của Đổi mới I. Bẵng đi một thời gian, đến gần đây, nó lại được đưa vào Dự thảo Báo cáo Chính trị dưới cái tên “cơ chế bảo hiến” (11), cùng những đề xuất khá thận trọng (12).
Chưa có đồng thuận về quy hoạch tổng thể, lộ trình làm luật trở nên bị động dưới sức ép hội nhập, trong khi nội dung của nó chịu ảnh hưởng của nhiều nhóm lợi ích khác nhau: Các luật về các ngành kinh tế đặc biệt (như Luật Dầu khí, Luật Xây dựng, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông v.v.) lại do chính các ngành đó soạn thảo. Vì lợi ích cục bộ của ngành, những luật này có thể xô lệch khung luật pháp để tạo ra những vùng độc quyền, những ngoại lệ đáng lẽ không được phép tồn tại trong một chính sách quốc gia thống nhất. Việc tạo ra những “rào cản” mới của Dự thảo Luật Đầu tư mới cho thấy: ngay cả những cuộc cải cách pháp luật thành công cũng có thể bị đảo ngược dưới ảnh hưởng của các nhóm lợi ích.
Sức ép ngày càng tăng từ quốc tế do hội nhập (như Hiệp định thương mại Việt Mỹ, chuẩn bị tham gia WTO) có thể khiến các nhà làm luật Việt Nam không làm chủ được lộ trình. Thêm vào đó, các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế (ADB, WB, UNDP) hay quốc gia (KAS, FES của Đức, JICA của Nhật Bản, SIDA của Thụy Điển v.v.) đều mong muốn có ảnh hưởng vào hệ thống pháp luật của Việt Nam. Như thế là, về nội dung, hệ thống pháp luật của Việt Nam vừa lai tạp khá nhiều hệ thống luật, lại vừa bị chia cắt bởi các nhóm lợi ích.
Có một khó khăn khách quan to lớn dẫn đến sự trễ hẹn của cải cách pháp quyền so với cải cách kinh tế: Khác với kinh tế với những quy luật phổ quát mà mọi nền kinh tế phải tuân theo, cải cách hệ thống nhà nước và pháp luật mang tính đặc thù quốc gia rất cao, chịu nhiều ràng buộc chính trị của mỗi nước.
Nhưng xét đến cùng, sự chậm chân của cải cách tư tưởng pháp quyền trong Đổi mới I là hệ quả tất yếu của nền luật học non trẻ. (Năm 1977, trường ĐH Luật đầu tiên mới được thành lập, muộn hơn ĐH Kinh tế đầu tiên tới hơn 20 năm). Yếu hơn nhiều so với kinh tế học, tư tưởng pháp quyền hiện đại hầu như chưa được truyền bá, chưa nói gì đến giảng dạy trong trường Đại học (13). Những thế hệ luật gia mới vì thế cũng chưa sẵn sàng để "đào tạo lại” dân chúng trong tinh thần mới.
4. Đồng thuận cho Đổi mới II: tầm nhìn nào?
Trong khi luôn phải ý thức rằng chỉ những sức ép “vật chất” (như khó khăn kinh tế, bất ổn xã hội v.v.) quyết định “hoàn cảnh” của cải cách ( tức là chi phí và lợi ích của nó), thì tư tưởng và nhận thức quyết định cách mà cá nhân và xã hội ứng xử trước hoàn cảnh ấy. Những mâu thuẫn về tư tưởng không giải quyết được bằng tranh luận sẽ tự phát biểu thành xung đột xã hội.
Hai mươi năm tìm kiếm đồng thuận mới về con đường phát triển của Việt Nam chưa phải trải qua những đảo lộn xã hội như nội chiến Mỹ, cách mạng Pháp hay biến động chính trị của Đông Âu. Liệu VN có tiếp tục theo được lộ trình phát triển hài hòa như Nhật Bản thời kì Minh Trị hay không?
Lịch sử phức tạp trong suốt thế kỉ 20 đã tạo ra vô vàn những khác biệt trong nhận thức của từng người dân Việt Nam. Không có tư tưởng nào, dù tiến bộ đến đâu, có thể đem áp đặt ngay cho tất cả. Chỉ qua học hỏi liên tục từ dòng chảy lịch sử của nhân loại, liên tục đối thoại giữa các thế hệ, tầng lớp, các nhóm lợi ích và vùng miền khác nhau, người Việt Nam mới xây dựng được một tầm nhìn chung cho dân tộc.
Những mảnh ghép cho một đồng thuận như thế đã được hình thành trong Đổi mới I.
Hiện đại hóa tư tưởng phát triển của dân tộc dựa trên tri thức tiên tiến của nhân loại, hình thành những kênh đối thoại mới để ghép chúng thành bức tranh hoàn chỉnh là nhiệm vụ của Đổi mới II. Nó cần đến những nỗ lực của cả các nhà cải cách bên trong nhà nước, những nhà cải cách ngoài xã hội, giới trí thức và mỗi người dân đương thời.
Notes
(1).Tác giả xin cảm ơn Ts Vũ Quang Việt, Ts Vũ Thành Tự Anh đã góp ý cho phần kinh tế của bài viết. Ths Bùi Nguyên Khánh đã nhận xét về phần luật và Ts Vũ Hồng Lâm phê bình cho phần ngoại giao.
(2)Xem bài viết của Vũ Quang Việt trong “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2003
(3)Xem bài “Đêm trước” đổi mới: Chuyển đổi vô hình, đăng trên Tuổi trẻ Online, 10/12/2005
(4)Vũ Quang Việt đã tóm tắt 10 điểm chính của Đồng thuận Washington là: (1) cân bằng ngân sách nhà nước, (2) chuyển hướng tài chính công, (3) cải cách thuế, (4) tự do hoá tài chính, (5) dùng một hối suất thị trường tự do, (6) tự do hoá thương mại, (7) xoá bỏ rào cản đầu tư nước ngoài, (8) tư hữu hoá doanh nghiệp nhà nước, (9) xoá bỏ các luật lệ kiểm soát thị trường, (10) bảo vệ quyền tư hữu. Xem bài Về thập kỉ suy thoái kinh tế ở Nhật, Tạp chí Thời đại mới, số tháng 3/2004.
(5)Các thể chế, sự thay đổi thể chế và hoạt động kinh tế, Douglass North, do Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ dịch
(6)Giáo trình Kinh tế học của Paul A. Samuelson, William D. Nordhaus do Viện Quan hệ Quốc tế và Bộ Ngoại giao dịch.
(7)Nhiều nhà phân tích nước ngoài cho rằng Nghị quyết 13 chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà cải cách Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao thời đó. Ví dụ, xem Gareth Porter, The transformation of Vietnam’s world view: from two camps to interdependence, Contemporary Southeast Asian, June 1990
(8)“Một vài suy nghĩ về đổi mới tư duy đối ngoại”, tiểu luận quan trọng của Phan Doãn Nam, một cộng sự của ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch được đăng trên Tạp chí Cộng sản số 8 (tháng 8/1988)
(9)Trong bài “Giữa hai thời kì Đổi mới: những cải cách đã qua và sắp tới” đăng trên TTCN từ 2/4/2006, tác giả gọi tên “ nửa cuộc cải cách hành chính” vì cho rằng các cuộc cải cách khác ngoài lĩnh vực hành chính (lập pháp và tư pháp) chưa có nhiều bước tiến lớn. Trong bài này, chúng tôi dùng cụm từ “cải cách tổ chức nhà nước” để phù hợp hơn với quy mô của cải cách mà tư tưởng pháp quyền có thể đem lại.
(10)Chẳng hạn, xem tranh luận về “pháp quyền hay pháp trị” của Luật sư Lưu Công Định, và Tiến sỹ Lê Đăng Thanh trên báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh, 15/3/2006, hay bài của Ts. Nguyễn Sỹ Dũng về chế độ pháp trị, Tuổi trẻ, 22/3/2006
(11)Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X nói: "Xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp, định rõ cơ chế, cách thức bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và luật trong đời sống kinh tế - xã hội.”
(12)Xem ba đề xuất về cơ quan bảo vệ hiến pháp trong bài Ai “huýt còi” khi hiến pháp bị xâm phạm? đăng trên Tuổi trẻ Online, 25/3/2006
(13)Cuốn Tinh thần pháp luật được dịch và in lần đầu năm 1996; Trích dịch Khế ước xã hội được in năm 1992. Cả hai cuốn này lại chỉ do 1 tác giả dịch - Hoàng Thanh Đạm.