Trung thu

Nguyễn Hữu Cầu
(cau)

New Member
Trẻ con ở Việt Nam một năm có hai ngày của mình, quốc tế thiếu nhi và tết trung thu. Ngày tôi còn được xếp vào loại nhi đồng thối tai, ngày 1/6 là ngày đưa giấy khen học sinh tiên tiến để lĩnh phần thưởng ở cơ quan bố mẹ. Khi đó học sinh tiên tiến trong lớp còn ít chứ không như bây giờ cả lớp toàn học sinh xuất sắc. Ngày 1/6 hội phụ huynh lớp thường tổ chức một buổi tiệc ngọt có bánh kẹo và nước đun sôi tinh khiết. Nói chung chỉ có ăn uống mà không có chơi bời nên không đáng nhớ bằng Trung thu.

Tết Trung thu lại khác. Từ trước đó cả tuần lễ, bọn trẻ con đã náo nức với mặt nạ, đèn ông sao và vài thứ đồ chơi khác. So với bây giờ thì nghèo nàn, nhưng lúc đó đứa nào có một cái đèn ông sao hay cái mặt nạ đẹp là hãnh diện lắm rồi. Ví dụ như tôi có một chiếc đầu sư tử thì đúng là đỉnh của đỉnh. Khi dùng xong sẽ cất lên gác xép, năm sau lại lấy xuống để chơi, liên tục vài năm như thế. Chiếc đèn ông sao là một thứ đồ chơi vô cùng lấp lánh và đẹp đẽ. Thời bấy giờ nhà cửa chưa san sát như bây giờ, trong trường tôi ở toàn nhà tranh, đất trống, vườn cây, đường đi rộng thênh thang tha hồ cho trẻ con chơi. Khoảng mười đứa thì chắc chỉ một đứa có đèn ông sao. Nó sẽ cắm một cái nến nhỏ vào trong đèn rồi giơ cao cây đèn ông sao đi đầu. Cả bọn trẻ con sẽ rồng rắn đi theo sau. Sẽ có đứa nào đó hát những bài hát như thế này:

Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài cán cao quá đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sáng tươi màu của đêm rằm trung thu

Thường là con gái hát. Thời đấy chỉ có bọn con gái mới thích hát hò và rước đèn ông sao. Bọn con trai sẽ tìm cách té nước cho tắt nến. Đến khi đứa con gái khóc về mách bố mẹ thì cả bọn lại chạy đi trốn, chơi trốn tìm, bắn bùm bảy mét, đeo mặt nạ doạ nhau, ngồi kể chuyện ma, chuyện công an bắt gián điệp, hay chỉ cho nhau những vì sao trên trời, đâu là chòm sao Đại hùng tinh, đâu là chòm sao Tiểu hùng tinh, đâu là sao Bắc cực.

Bọn con gái hay lấy hạt bưởi xâu vào dây thép rồi đốt lên giả làm nến. Dầu trong hạt bưởi cháy nổ lép bép, thơm thơm. Ngày đấy tôi không quan tâm đến con gái, ăn bưởi xong cầm một nắm hạt bưởi cho bọn con gái, chứ nếu chịu khó ngồi bóc ra, xâu thành xâu rồi đem đi tặng thì chắc thế nào cũng có bạn gái nhi đồng nào đấy mê. Thế mới thấy không biết ga lăng với con gái nhiều khi cũng thiệt thòi.

Thỉnh thoảng có múa sư tử. Tiếng trống múa sư tử rất rộn ràng. Cả bọn trẻ con xúm xít xem múa sư tử vui lắm. Tôi vẫn nhớ một bài hát hay được hát vào dịp trung thu

Thùng thình thùng thình nghe rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử nó múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng rực đường làng
Dưới ánh trăng vàng là em cất tiếng hát vang

Thời thơ ấu, ánh sáng đêm trung thu là ánh trăng rằm dịu mát, là lửa nến trong đèn ông sao khi tỏ khi mờ tuỳ theo mỗi cơn gió, là xâu hạt bưởi cháy bập bùng, là những vì sao lấp lánh trên trời cao. Bây giờ điện đã sáng khắp nơi, trung thu không thấy ánh trăng dịu mát, không có ánh nến mờ tỏ trong đèn ông sao, không có xâu hạt bưởi bập bùng, nhưng có những vì sao mãi lấp lánh trên trời cao.

Trung thu nào cũng đẹp!
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Em định viết tiếp về những ảnh hưởng của ký ức lên hiện tại và tương lai, nhưng buồn ngủ rồi, mai chắc bận không viết nữa. Thôi các bác vào đây kể chuyện trung thu vậy.
 
Trung thu em...

Trung thu em 1, 2, 3, 4, 5 tuổi, em chẳng nhớ gì!!! Trí nhớ em thời đấy tệ ghê lắm cơ, chậc, tại chẳng có En-fa-gờ-râu để uống mà phát triển não í mà, cực cực là. Chính vì thế cho nên tóm lại, cơ bản mọi chuyện em chẳng nhớ chứ chả cứ gì cái Trung Thu nó tròn vuông méo lệch thế nào! hè hè

Trung thu em 6, 7 tuổi, nhà em chuyển từ thị xã nhỏ lên thành phố! Nhà em gần Tháp Rùa nên em được đi Hàng Mã nhiều lắm, trước Trung Thu mấy hôm em cũng được đi rồi í, sướng kinh!

Trung thu em 8 tuổi, nhà mới có thêm em bé được vài tháng bọ đâm thành ra mẹ chả có thời gian để ý đến em mấy, bố thì ở xa. Em lại lếch thếch theo đuôi thằng anh họ bằng tuổi ra chơi với bọn trẻ con khu Hoàng Cầu đầu gấu có mấu! Chúng nó có bưởi cún xù, có đèn ông sao, có bánh dẻo bánh nướng. Cơ mà em là em cóc thích hai cái món sau, em chỉ cần có đèn ông sao mới con cún bưởi. Thế đủ lắm rồi. Nhưng nói vậy thôi em chả dám tỏ thái độ bất cần với chúng nó, hồi đấy em hiền ghê lắm cơ! Các bạn có gì hơn em cũng chả dám mè nheo, tại cứ sợ bị mọi người cho ra rìa vì có em bé, mà em bé lại là con zai nữa chứ!

Trung thu em 9, 10, 11, 12, em chuyển về nhà mới, nhà xa Tháp Rùa lắm, cỡ 7 cây số đấy, hồi đấy em bé nên quãng đường S Tháp Rùa-nhà em là cả một vấn đề chứ chả như giờ em phóng 15 phút cũng đã chạm Tháp Rùa rồi. Hồi đấy trẻ con trong xóm bé hơn em nhiều quá, mà của đáng tội hồi ấy cái miệng em nó còn be bé xinh xinh ko gào to được nên em đành lủi thủi bám đít bố lết cái đèn ông sư lên bà ngoại nhập hội quân khu Hoàng Cầu tiếp tục truyền thống thi nhau đẩy đèn ông sư mới cả rước đèn ông sao xem đèn đứa nào sáng nhất, nhung nhinh nhất mới lại to nhất nữa! Một trong mấy năm này, em nhớ có lần bố mẹ cho đi chơi xong đang đi thấy đèn xe chiếu vào cái gì ở bụi cây ven đường mà lại lấp la lấp lánh nữa chứ, thế là em đòi dừng lại, tưởng là đom đóm, hóa ra là hẳn một cái mũ Kim Sa nhé, trời ạ, em gọi đấy là một Trung Thu hạnh phúc và thành công! Còn nữa, Hàng Mã kia làm sao em có thể bỏ qua chứ, lẵng thiên nga bông bông đang chờ em này, bộ ly màu bé xíu xíu đang cười toe với em này, những chiếc thuyền sắt đỏ xanh trắng be bé này, rồi lại cả Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới với Sa tăng, Hồng Hài Nhi v.v... đang chờ em nữa chứ (à, em chúa ghét Đường Tăng đấy). Hồi ấy em còn nhớ hay xem vi-đi-eo ca nhạc thiếu nhi toàn các bạn Sài Gòn ấy, các bạn ấy có nhiều đèn Trung Thu đẹp lắm í. Ở Tháp Rùa thì cũng có nhưng mà ít. Các đèn cá chép, đèn con thỏ, đèn con bướm v.v... là toàn ở chỗ nhà hàng Thủy Tạ ý, làm sao em có thể bỏ qua cái Hàng Mã Sài Gòn này được chứ.

Tiếp, trung thu em 13, 14, 15, em chuyển sang đam mê súng phun nước. Căn bản hồi cấp 2 ko hiểu sao em chỉ chơi được với mỗi 1 đứa con gái là bạn thân, còn lại thì rặt con zai là con zai. hìhìhì, hồi ấy chúng em chết mê chết mệt mấy khẩu súng vàng vàng chanh chanh í....bự!!! em nhớ hình như 50 hay 100 nghìn cơ đấy, cả 1 gia tài, cả lũ chúng em góp mới đủ 1 khẩu đấy, còn lại dân dã hay dùng vẫn là súng đen :D, khẩu kia chúng em chỉ để ... nâng niu choảng nhau trong nhà thôi, mang đi chơi sợ bị trấn lột hihihihi. Băng băng phi xe đạp, tuyến đường thân quen của chúng em là Quang Trung (đơn giản bởi lẽ trường chúng em nằm trên con đường này) - Trần Hưng Đạo hoặc Lý Thường Kiệt - Hàng Bài - Đinh Liệt - Hàng Mã (ợp-cót-xờ) - Lý Thái Tổ (em ko chắc lắm có phải ko đâu, chỉ nhớ đường này hồi xưa có cái Nhà thiếu nhi mà lúc bé em được xem bạn nào ấy múa "Ngẫu hứng thiên nga" thôi...ồi, hồi đấy cái từ "ngẫu hứng" với em nó mới qui mô cao siêu biết bao, nghe rất chuyên nghiệp mới cả người lớn nhớ. hihi, lan man quá, à em nhớ rồi, đấy là đường có nhà hàng Thủy Tạ ấy, có phải Lý Thải Tổ ko nhỉ?) - Cung Thiếu Nhi trên đường Lê Thái Tổ (hic, em mãi ko nhớ được đâu là Lê đâu là Lý, các bác đính chính hộ em, nhé!). Vầng, cả lũ chúng em phi đến CTN phá cỗ với chị Hằng mới cả chú Cuội ... và trận chiến của chúng em bắt đầu với tiếng súng phun nước bẹt bẹt choẹt choẹt. Chúng em thường được nghe các mẹ là lá la la vì kết quả sau một đêm Trung Thu của chúng em là những kiệt tác được phôi thai đồng thời ra đời luôn trên những chiếc áo ... trắng. (Thì bỡi, thích mặc áo đồng phục ạ! Để khỏi lạc nhau í mà, đâu ra "Thiên Lý Thông Thiên Thoại" như thời nay mà con-tách nhau chứ!)

Trung thu em 16, 17, 18, em ít đi với bạn bỡi các bạn cấp 3 của em chẳng thương yêu nhau gì cả, mãi cuối năm lớp 12 các bạn mới yêu thương nhau hơn (may chán!) Nên vào năm đó các bạn cũng đi chơi Trung Thu nhưng mới hẩm hiu cho em làm sao bởi lẽ đã chọn đúng ngày Rằm tháng 8 mà ốm. Em nằm nhà xem TV phá cỗ buồn chảy nước mắt. Còn hai năm kia thì vì lớp em chưa vui nên em toàn nhập hội chíp nhà em, nhà em lúc đó tổng chíp lên tới 9 mống kể cả em mới thằng anh họ em nhớn nhất. Chú em cẩu cả 9 cái loa phóng thanh phường rồng rắn từ Hoàng Cầu đệ nhất khu cập mép Tháp rùa rồi lại tiếp tục Hàng Mã nhưng em ko còn được mua nhiều như trước nữa. Vả lại thời bấy giờ đồ Tàu chổi xể đã xâm nhập thị trường Hàng Mã của ta nên em cũng chẳng khoái nữa. Đến mức quay sang chán cả những Tôn Ngộ Không với Hồng Hài Nhi cơ mà. Em đã trưởng thành, suy nghĩ em chín chắn hơn, em đã biết yêu quê hương đất nước từ những con người bình dị nhất như chị Nở anh Chí, từ những nhân vật mang đậm bản sắc dân gian như chú Tễu ú núng nính bầu bĩnh dễ thương luôn toét miệng cười. Em hiểu được rằng em không nên chơi đồ Tàu chổi xể vì thế là em không yêu nước, và đã vô tình nhúng tay vào việc kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế trong nước! hihihihi Quay lại với phái đoàn chíp nhà em, phải nói rằng bằng những làn điệu tân cổ giao duyên từ nhạc thiếu nhi đến xanh đỏ vàng, từ nhạc ngoại quốc đến cải lương, chèo, quan họ với tiếng trống và tu huýt đệm, chúng em đi đến đâu gây sự tập trung chú ý đến đấy. Tỉ dụ một câu các bác nhận xét nhá: "Maiiiiiiiiiiiii Liêng ơi xin em đừng cắc đức dây chungggg mà luồng dâyyyyyyy điệnnnnn. Từng tưng từng tưng tửng từng tứng tưngggggggg từng". Sau đó chúng em ngược về với mâm cỗ được chuẩn bị đầy đủ bởi bàn tay của các mẹ các cô ở nhà! Em khoái nhất bánh dẻo chay để giả vờ ngậm ngậm rồi nhả khói, ôi chao là người lớn! hịhịhị...

Trung thu em 19, 20 và 21, em vào đại học. Cứ ngỡ sẽ bắt đầu một cuộc đời Sinh viên buồn tẻ theo như kinh nghiệm của các bậc đàn anh. May thay, lớp em lại hiền hết biết. Vâng, Trung Thu năm nào cũng vậy, tụ tập nhau chán chê mê mỏi rồi lê lết chốn Vườn Hồng với các trò truyền thống như ủn đẩy, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê (luật chơi: chống chỉ định ngoài các vùng tay, cổ, mặt và tóc). Cũng bưởi, cũng bánh dẻo bánh nướng như ai nhưng có đứa nào ăn? Toàn châu đầu vào bim bim zon zon mới cả thịt bò khô ... híc! Kế, chúng em bị các chú bộ đội xua như xua vịt vì mất trật tự quá! híc...chúng em bèn đành lòng vậy cầm lòng vậy rủ nhau chơi trò "trí tuệ"...cơ mà chẳng đứa nào chịu cả, tất cả nhất nhất phải hoạt động chân tay mới hay ho cơ! Một ý kiến đưa ra: thuê xe đạp đôi! Thú vị đấy nhưng..."tiền không, cháy túi có ai hiểu cho?" :D Vậy là cuối cùng quyết định với màn tập cơ miệng với nhau vậy! hihihi....mỗi đứa một hộp xôi gà, à ko phải, mua ít hơn số người thế là lại ăn chung, xúc hộp này ít, hộp kia ít, y như các buổi sáng trên lớp vậy, chúng em ăn hơn chết đói, khổ ghê cơ!

Năm nay lớp em ko đi đúng ngày, vậy nên ngày Trung Thu năm nay của em ko có gì đặc biệt. Lũ chíp nhà em vẫn theo truyền thống vác loa đi hành thiên hạ, thiếu em với thằng anh họ em thôi nhưng số lượng thì chỉ hụt có 1 đơn vị bởi lẽ đã kịp bổ sung thêm một cái loa mới. Còn em, em với bạn em đi chơi, bạn ở xa về nhưng lại quá bận. Hơn nữa bạn không còn cảm giác với Trung Thu nữa. Chúng em không phải là đi chơi Trung Thu mà là đi ăn tối đơn thuần! Cũng có lẽ em không được đặt vào không khí Trung Thu nên em không cảm thấy Trung Thu...Còn điều nữa, một người bạn em vừa đi xa, rất xa và không còn ngắm trăng tròn tháng Tám nữa. Em thiếu mất một người chúc Trung Thu vui vẻ! ...

Và cho đến giờ...em vẫn chưa được sở hữu một chiếc đèn kéo quân nào!!! Từ bé đến giờ....em gọi Trung Thu này là Trung Thu buồn!

.....ánh trăng vàng vội đem đổ đi đâu......

Em,
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Cẩm Hà tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
 
Quá khứ giống như một gương mặt của thời gian. Gương mặt ấy có thể mịn màng đẹp đẽ nhưng cũng có thể đầy trứng cá tàn nhang. Khi đứng ở khoảng cách đủ xa, người ta không còn nhận thấy những vết tàn nhang hay những mụn trứng cá nữa mà chỉ còn nhìn thấy những đường nét, hình khối. Khi nhìn lại quá khứ đủ xa, người ta dễ dàng bỏ qua những bực mình, thất vọng hàng ngày. Như khi xem một bức tranh, cần phải đứng ra đủ xa mới có thể nhìn thấy vẻ đẹp của bức tranh. Đối với người bình thường, quá khứ bao giờ cũng đẹp đẽ hơn so với sự thực. Kiểu như trăng ngày xưa sáng hơn trăng bây giờ, cảnh ngày xưa đẹp hơn cảnh bây giờ. Tuy nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ. Như tôi thấy, Tố Giao của hai năm về trước không đẹp bằng Tố Giao bây giờ. Tôi cũng tin rằng Tố Giao sau hai năm nữa sẽ đẹp hơn cả bây giờ.
 
Hé hé , buồn cười quá , bác này đang văn chương chảy tồ tồ xong đùng cái lại tranh thủ tót cái à ơi con nhà người ta , phục thật... Ờ mới lại cái quan điểm "đứng đủ xa để thấy được vẻ đẹp của bức tranh" của bác ý mà , em chẳng hiểu , hội họa , nghệ thuật của người ta phải thật gần , soi xét kĩ lưỡng mới có thể nghiệm và thấy được những nét đẹp và màu sắc của nó chứ , em thấy ví dụ so sánh khập khiễng thì phải , hê hê , nEway , thích bài Trung thu của bác, trẻ con bao giờ cũng đẹp và ngây thơ thế nhỉ...
 
Hé hé, cảm ơn em Trang.

Xem tranh đứng gần quá sẽ nhìn thấy từng nét vẽ mà khó nhìn toàn bộ bức tranh nên thường người ta đứng cách một khoảng nhất định, không quá gần. Đấy là người ta bảo anh thế.
 
Back
Bên trên