Trịnh Công Sơn và những “dòng suối nhỏ” - Đoàn Trang (biên tập)

Đoàn Trang
(Ms_Independent)

Điều hành viên
Re: Giới thiệu những thread hay và có chất lượng trong diễn đàn

Trịnh Công Sơn và những “dòng suối nhỏ”

Hoàng Thắng

“Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa”

Trịnh Công Sơn được xem là nhạc sĩ Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỷ XX. Hơn 40 năm qua, người ta đã hát, đã say mê những giai điệu của Trịnh Công Sơn. Hơn 40 năm, những bản tình ca của anh đã làm bao trái tim rung động, thổn thức. Bao người đặt câu hỏi: Vì sao Trịnh Công Sơn viết tình ca hay đến vậy? Có lẽ một trong những cảm hứng làm nên “suối nguồn” nhạc Trịnh không vơi là những người con gái đi qua đời nhạc sĩ – “ Những mối tình một thoáng mây bay” :

Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ.
Ôi những dòng sông nhỏ.
Lời hẹn thề là những cơn mưa…”

(Tình xa)

Suốt cuộc đời, Trịnh Công Sơn băn khoăn vì một chữ “Tình” : Tình xa, tình nhớ, tình buồn, tình sầu…mà anh chưa thể nào đi hết. Trong tình khuc của anh luôn có bóng dáng những người con gái khi gần gụi, lúc xa xưa.

Dường như tình yêu trong Trịnh Công Sơn là một thứ cảm xúc vừa lạ, vừa quên, như dành cho một người mà rồi khhông phải.

Trịnh đã từng kể, năm 18 tuổi anh đã bắt đầu có những rung động đầu đời. Chàng học sinh trường Providence đã rung động trước một người con gái mà chưa ai từng nghe người nhạc sỹ gọi tên. Đó là một cô bạn cùng trường nhưng sau mấy lớp, một cô gái đẹp, hiền, ngoan và rất nghèo, vừa học vừa gánh nước thuê kiếm sống. Đó dường như là những rung động xuất phát từ sự cảm thông thân phận và mong ước sẻ chia – chưa hẳn đã gọi là tình yêu (mà Trịnh Công Sơn chưa gọi ai là người yêu bao giờ). Nhưng nó đã là những rung động khơi nguồn cho mạch suối nhạc Trịnh hơn 600 ca khúc lừng danh với khúc “Ướt Mi” khởi đầu: “ Nước mắt buồn mi em ngây thơ”.

“Dòng sông nhỏ” thứ hai đi qua đời Trịnh Công Sơn là người con gái mà anh đã viết trong những dòng “Hồi ức” là: “ Một người con gái rất mong manh, di qua những hàng cây long não lá li ti xanh muối đổ đến trường”. Đó chính là Diễm – Diễm của “Diễm Xưa”.

Thời gian học ở trường Providence, chàng trai tài hoa Trịnh Công Sơn đã yêu con gái của người thầy dạy văn. Mối tình học trò đã kéo dài từ khi Trịnh Công Sơn còn ở Huế cho đến khi vào Sài Gòn trọ học. Tuy vậy, gia đình Diễm lại không muốn gửi con gái của mình cho một người lãng tử sống kiếp “túi thơ – bầu rượu”. Đây là quãng thời gian mà Trịnh Công Sơn đau khổ nhất: “ Tôi nén mọi sự khổ đau trong im lặng. Sự đau khổ và nhớ nhung dày vò tôi từng đêm, tôi viết “Diễm Xưa” để trút bỏ nỗi đau khổ trong lòng”. Những nỗi nhớ khắc khoải vẫn đeo đuổi Trịnh, rút lòng anh thành tình khúc “Diễm Xưa” nổi tiếng sau này. Anh gửi vào từng nốt nhạc những cảm xúc vừa như nhơ thương lại vừa như đớn đau, nhớ tiếc – vừa như mong mỏi lại vừa như nuối tiếc xót xa: “ Chiều nay còn mưa. Sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi, Làm sao có nhau…?” Trong thẳm sau trái tim người nghệ sỹ lãng du gọi lên một tiếng thở của “xướng ca vô loài”. “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” – Nó trở thành một lời tình bất hủ.

Sau này, trong một dịp trở lại Sài Gòn, Trịnh Công Sơn đã tìm đến nơi ở của Diễm, gửi tặng nàng bản nhạc làm kỷ niệm. Khi Trịnh vừa đi một quãng thì nghe tiếng Diễm gọi “Anh Sơn, Anh Sơn” nhưng anh không ngoái lại và tự nhủ phải quên “Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy chính là Diễm của những ngày xưa”. Những nỗi nhớ trong lòng một chút mong mannh như sương như khói và anh lắng lòng mình vào lẵng du:

“Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du”.

Sau Diễm của ngày xưa, tâm hồn Trịnh Công Sơn chưa có ý định dừng ở bất cứ nơi nào. Dường như anh yêu rất nhiều, yêu tất cả, yêu bằng tất cả rung động – nhưng anh là một người nghệ sỹ lãng du. Có một vài người bước vào cuộc đời Trịnh Công Sơn nhưng không ai dừng lại lâu. Có lẽ họ nhận ra anh không thuộc về mình họ, tình yêu của anh là tình yêu của tất cả tình yêu.

Vào năm 1983, một phụ nữ có tên là C.N.N sinh năm 1944 từ Paris về Việt Nam dự định tổ chức lễ cưới với Trịnh Công Sơn nhưng không thành. Rồi Á hậu báo Tiền Phong – Vân Anh – người con gái mà trong lần gặp gỡ đầu tiên Trịnh Công Sơn đã phải thốt lên “Đẹp quá”. Họ đã chuẩn bị cho hôn lễ - nhưng phút cuối cùng, Trịnh Công Sơn lại từ chối hạnh phúc của chính mình. Không một lời thanh minh, không một lời biện hộ, anh lặng lẽ - dường như anh còn do dự - do dự vì chưa hiểu hết chữ “Tình”. Trịnh Công Sơn đã cho tình yêu và đã yêu nhưng không nhận hạnh phúc cho mình – dường như anh hiểu rằng mình sinh ra là kiếp lãng tử “xướng ca vô loài”.

Trong đoạn cuối cuộc đời, niềm đam mê lớn nhất Trịnh Công Sơn dành hết cho ca sĩ Hồng Nhung, theo anh là “một người gần gũi quá, không biết gọi là ai!”. Hồng Nhung đến bên đời Trịnh, mang cho anh một sức sống mới, cảm hứng mới để anh viết lên những: “ Bống Bồng ơi”, “Thủa bống là người”… tặng riêng cho Bống của lòng mình. Ca sĩ Hồng Nhung kể: “Lần đầu tiên…người đàn ông nhỏ bé hồn nhiên bước qua cái cổng sắt lớn, bước vào đời tôi, anh đội chiếc mũ bạc màu…Vừa đi vừa đá nhẹ mấy hòn sỏi dưới chân”. Hồng Nhung đến mang cho đời Trịnh Công Sơn một ánh nắng vàng, một cơn mưa lạ từ cõi vu vơ:

“Nắng vàng em đi đâu mà vội
Mà vội,
Nắng vàng. Nắng vàng ơi…”

Chính những nốt nhạc đầy yêu thương của Trịnh Công Sơn đã “khai sinh” một Hồng Nhung hoàn toàn mới, một Hồng Nhung sâu lắng, dịu dàng và Bống của lòng người cũng mang đến một hơi thở mới cho nhạc Trịnh, một hơi thở thôi thúc – dư âm.

Huyền Thoại về “dòng sông nhỏ” cuối cùng.

Người viết bài này xin dành một phần riêng để nhắc nhớ một mối tình mà những người yêu Trịnh Công Sơn cho là huyền thoại. Huyền thoại không bởi vì nó là nơi mà Trịnh Công Sơn gửi nhiều tình cảm nhất, mà là vì đây được xem như là một tình yêu đích thực hướng đến Trịnh Công Sơn – một âm thanh trong trẻo mà người ta dám khẳng định. Trong khi không ít người vây quanh Trịnh Công Sơn tìm danh tiếng hay mong kiếm được một tấm giấy “thông hành” bước vào sân khấu âm nhạc thì tình cảm của người con gái ấy đáng quí biết bao và thật sự là chữ “tình” mà đời dành cho người nghệ sỹ lãng du, thực sự là “mưa qua miền đất rộng” để cho “người phiêu lãng quên mình lãng du”.

Cô gái sinh năm 1974 đã hiện diện trong đời sống người nhạc sỹ tài hoa có trước và sau khi Hồng Nhung đến. Đây là một cô gái trẻ và khá xinh đẹp, cô đến với Trịnh Công Sơn thực sự bằng tất cả tình yêu và đức hi sinh. Không vây quanh, không bộc lộ tình cảm một cách mạnh mẽ, trực tiếp như những người khác mà chỉ đứng từ xa lặng lẽ ngắm nhìn, ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn bằng cả trái tim. Trong những ngày Trịnh ốm đau, cô luôn là người ở bên chăm sóc anh. Không biết có phải hình ảnh người con gái lặng lẽ, dịu hiền ấy đã gợi nên những cảm xúc để cứ mỗi năm đến ngày 7/4 – sinh nhật cô là Trịnh Công Sơn lại vẽ lên lụa hình người con gái đẹp – mà buồn.

Ngày Trịnh Công Sơn giã biệt cõi trần, không ruột rà, máu mủ nhưng cô đã xin được quàng lên đầu một vành tang trắng và lặng lẽ đi bên linh cữu của anh. Khi đám tang kết thúc, cô ở lại sau cùng, rải hoa trắng lên mộ và một mình đứng lặng giờ lâu. Trong khi không ít người đã bày tỏ nỗi buồn của mình trước công chúng trong các Album ca nhạc, trong các chương trình tưởng niệm… thì cho đến bây giờ cũng không nhiều người biết về người con gái ấy – cô không muốn được nêu tên, chỉ lặng lẽ và không nguôi nhớ!


Phạm Quang Minh
 
Re: Giới thiệu những thread hay và có chất lượng trong diễn đàn

Lâu lắm mới thấy lại "Điều giản dị" của anh Minh nhé.
Nói về nhạc Trịnh thì chẳng bao giờ hết cả. Mình chỉ muốn nói là nhiều khi nghĩ đến nhạc Trịnh, người ta hay nghĩ đến những giai điệu buồn nẫu ruột, sầu thảm và bế tắc. Quả có thế thật, nhưng giai đoạn sau, khi "Bống nhảy lên bờ Bống đi chơi phố," nhạc Trịnh có nhiều nét mới. Những người VN xa nhà đã lâu chỉ quen với nhạc Trịnh u buồn qua giọng hát liêu trai của Khánh ly bảo mình rằng nhạc Trịnh giờ xuống lắm rồi, nhưng mình không nghĩ thế. Mình nghĩ nhạc Trịnh về giai đoạn sau hợp với cuộc sống mới hơn và đi đến những triết lý cao hơn và sâu lắng hơn. Ví dụ thế này:

..Người vinh quang mơ ước địa đàng
Người gian nan mơ ước bình thường
Làm sao thấy được hy vọng cuộc vui chung...
(Như tiếng thở dài)

Hoặc có bài hát này vui vẻ lắm nhé:

Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi
Về giữa đời, về hót giữa đời tôi
Hôm nay tôi nghe, tôi cười như đứa bé
Mới lớn lên giữa đời sống kia
Tôi thấy màu xanh hát trong lời gió
Và thấy bình minh thắp trên ngọn lá
Tôi thấy ngày thật lạ
Xao xuyến từng nỗi nhớ
Cho nên tôi yêu, trái tim không nặng nề
Những con tim bạn bè bao la...

(Hôm nay tôi nghe)


Lê Diệu Linh ( Anh[SUB]1[/SUB] 98-01)
 
Re: Giới thiệu những thread hay và có chất lượng trong diễn đàn

Originally Posted by nghé
Anh ơi, em tưởng bài Điều giản dị là của Phú Quang chứ ạ ?

Đúng rồi em, "Càng xa em anh càng thấy yêu em" là của Phú Quang...

Anh nghe mãi rồi nhưng vẫn không thích được nhạc Trịnh, anh thấy tính "triết" trong các bài hát của Trịnh Công Sơn hay hơn tính nhạc. Nên chỉ thích phần lời thôi (lấy làm chữ kí ..). Mà đôi khi để hiểu được nhạc sĩ định nói gì đã phải vò tai bứt tóc rồi. (=>nghe nhiều nhạc Trịnh dẫn đến hói đầu )

Nhạc Trịnh mang tính triết lý sâu sắc và... khó hiểu. Nhưng có lẽ chính điều này lại làm cho nhạc Trịnh gần gũi với mỗi người. Vì rất nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta là những con người...khó hiểu và...khó tính... Những lúc đó chúng ta tìm ra chân lý trong nhạc Trịnh... chúng ta cảm thấy biết ơn...nghe nhiều hơn rồi yêu nhạc Trịnh lúc nào không biết.

Tuy nhiên, anh thấy tiếc cho mối tình của nhạc sĩ TCS với "dòng sông nhỏ" cuối cùng...Giá như cái lúc mà "và anh biết rằng nói yêu em là điều khó khăn"...nhạc sĩ dũng cảm như giới trẻ ngày nay: "Rằng anh YÊU em..ế ồ ồ ế ô.." thì có phải cuộc sống trở nên đơn giản không? Hay cứ phải để cho nhau đau khổ, tình yêu không trọn vẹn thì mới đạt đến tận cùng của cõi yêu......thế thì mệt phết nhỉ

Trong sự vật vã và thất vọng đấy để tự an ủi mình nhạc sĩ lại luôn nghĩ về những điều tốt đẹp "Tôi chợt biết vì sao tôi sống...", luôn nghĩ về những con người bất hạnh để thấy mình hạnh phúc... Nhạc sĩ sống để trải nghiệm... thân làm khổ đời, đời làm khổ thân... Anh vẫn không hiểu tại sao phải thế ??? (em nào trả lời hộ anh một cái cho điểm A+)

Tại vì không hiểu được tại sao cứ phải làm khổ mình, khổ người khác nên anh không thể yêu được nhạc Trịnh.

Đầu óc anh chỉ có thể lĩnh hội được những cái đơn giản thôi.

Bé:

"Riêng ông mặt trời chỉ có một mà thôi, và mẹ em chỉ có một trên đời..."

Lớn:

"Anh mang thương nhớ gửi vào trong gió..."

Già:

Bài gì nhỉ ?? hay là...

"Bà già bắn máy bay...."



...Nhưng mà vẫn sẽ có những lúc phải tự hỏi mình "Mình sống để làm gì nhỉ ?" và vì thế những triết lý của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ còn được nhiều người yêu thích, chẳng riêng gì mình ...


Phạm Quang Minh
 
Re: Giới thiệu những thread hay và có chất lượng trong diễn đàn

Về dòng sông nhỏ, Trịnh Công Sơn có nhiều mối tình kiểu đó. Em nhớ trong cuốn sách "Một đời thi ca, một đời nghệ sĩ" (hay gì gì đó), một người bạn nào đó của Trịnh đã có nói là Trịnh đã một lần suýt kết hôn với 1 nữ ca sĩ trẻ đẹp nào đó tên là Thúy, nhưng mà rồi cũng không thành. Hay bài Biển Nhớ cũng là tặng 1 nữ sinh ở Quy Nhơn tên là Khê ".. Trời cao níu bước Sơn Khê.." Maybe he's too gentle for this material world.

Yêu là 1 chuyện, đến với nhau được không là chuyện khác , nhất là khi tuổi đã lớn rồi thì việc đến với nhau hay không càng không quan trọng, còn nhiều thứ khác nữa chứ, có thể như thế tốt hơn cho "dòng suối nhỏ," tốt hơn cho cả nhạc sĩ nữa.
Còn em nghĩ triết lý sống của Trịnh không phải là sống làm khổ mình, làm khổ người khác đâu (anh Minh cố tình bẻ cong đấy à ). Sướng hay khổ là trong quan niệm mỗi người, có người thích nhận và có người thích cho đi, nhỡ TCS thấy sống theo kiểu giving như vậy có ý nghĩa hơn thì sao?

Cái profile của anh Minh hay đấy nhỉ, mình bắt chước cái :

Bé:
Chích choè chích choè, nó đậu cành tre
Véo von mà nó hót mùa xuân cho em nghe
Cúc cu, tiếng chim gọi lúa thu, giữa trưa hè gió ru lũy tre làng
Sáo sậu, nó đậu mình trâu, đất rộng lên trong veo
Êm ái trời chiều
Em nghe, chim ca trong nắng mai, yêu quê hương biết mấy

Lớn:
...Ta nghe trong gió bao nhiêu là chuyện lạ
Ngày ta đi học em nói thích nghề gì
..Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ
Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi..

Già:

Hà Nội những năm 2000
Trẻ em không còn ăn xin
Cụ già ngồi trong công viên
Ngắm bà già nhớ tuổi thanh niên (Trần Tiến đấy nhé)


Lê Diệu Linh (Anh[SUB]1[/SUB] 98-01)
 
Re: Giới thiệu những thread hay và có chất lượng trong diễn đàn

Mình cũng là một trong những người rất thích nhạc Trịnh Công Sơn. Giai điệu trong những bài hát của ông có lúc thật nhẹ nhàng, sâu lắng, mang đầy triết lý về cuộc đời và con người: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không..." Lại có những lúc trăn trở, suy tư và như tiếng thở dài, buông xuôi theo số phận: "Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi. Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời..." Nhưng có những khi lại đầy tin yêu và hy vọng trong giai điệu nhạc trầm lắng như lời tự nhắn nhủ mình: "Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng. Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông..." Hay có khi tiếng nhạc lại vang lên rộn rã, nhộn nhịp, vui tươi "Con chim ở trọ cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn..." Và còn rất, rất nhiều những giai điệu như thế, rất nhiều những tâm tư, tình cảm của một người nhạc sỹ "đa tình" gửi gắm vào từng nốt nhạc, lời ca. Và cũng vẫn là một Trịnh Công Sơn như thế, luôn suy tư và sâu lắng, trăn trở về đời người. Mình tìm thấy trong những bài hát của ông thật nhiều ý nghĩa về cuộc sống cho riêng mình...


Thanh Hà
 
Re: Giới thiệu những thread hay và có chất lượng trong diễn đàn

Nghe nhạc Trịnh, cảm giác như đang "đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa"...

Những hôm Hà Nội vừa mưa vừa rét như hôm nay, đóng cửa sổ để chặn cái lạnh ùa vào, nhìn một màu xam xám âm u qua khung kính mà nghe

Đêm ta nằm bóng tối che ngang
Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm
gọi thì thầm..gọi thì thầm...gọi thì thầm
Đêm nghe trời như hú như than
Ta nghe đời như có như không
Còn lại mình
Đời bồng bềnh
Đời buồn tênh

thì thật não nề lắm thay, ngồi nghe cái nỗi đồng cảm của Trịnh với lòng mình, đó là con người duy nhất trước bạn hiền mình vẫn tìm đến trong sự mệt mỏi và sợ hãi trước cõi người rộng lớn này....giờ mới thấm thía tại sao ông lại là người tình của cuộc đời, sự thấu hiểu của ông quả rộng lớn mà sâu sắc...ông thở dài và suy tư về cuộc đời trong cái triết lý dịu dàng và vị tha của mình...Trịnh nhìn thấy, nhưng ông chỉ Im lặng thở dài mà thôi...

Đời đã cho tôi một ngày
Nhìn thấy gian manh loài người
Từ đó
Tôi chìm dưới mênh mông

Đó là con người đã trải nghiệm nhiều, ông nhìn, nghe và đau những nỗi đau rất nhân bản, từ "tình yêu như trái phá con tim mù lòa" đến nỗi đau của "Người con gái Việt Nam da vàng"....Trong những nỗi đau ấy, ông vẫn hiểu " Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng" và Trịnh mỉm cười, hát lên khúc ca về cuộc sống, về sự sinh sôi nảy nở mỗi ngày, khổ đau và hạnh phúc như một vòng luân hồi ko tránh khỏi của trời đất, mỗi con người dù muốn dù không đều phải đón nhận, và đều phải sống " vì đất nước này cần một trái tim" , " Và như thế tôi đến trong cuộc đời, và như thế tôi sống vui từng ngày, vẫn yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi"...

Không hẹn mà đến
Không chờ mà đi
Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta
Bên trời xanh mãi
Những nụ mầm mới
Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười...


Zzang Trần (Anh[SUB]1[/SUB] 02-05)
 
Re: Giới thiệu những thread hay và có chất lượng trong diễn đàn

"Một ngày, như mọi ngày",
Đi về trên phố vắng
Lòng chợt nghe hiu quạnh
Bâng khuâng một nỗi buồn.

Có một đoạn đường nhỏ, có lẽ là đoạn đường yên tĩnh, thanh bình và lãng mạn nhất Sài gòn, tôi vẫn thường tìm đến mỗi khi cảm thấy buồn và cô đơn. Tôi cũng chẳng biết tại sao nhưng đi qua đây, tôi vẫn thường chạy xe chầm chậm, thả hồn mình trong không gian, quện theo những tán lá đang rì rào nô đùa trò chuyện với nhau, vờn theo những tia nắng, đuổi theo những ngọn gió, bổng bay mơ mộng.... Chạy hết dọc phố, tôi lại rẽ sang đường khác để vòng ngược lại đoạn đường đó. Tôi cứ đi đi, lại lại cho đến lúc nào thấy lòng mình thanh thản thì mới đi về nhà.

Cũng vào một ngày buồn thật buồn, tôi lại tìm đến con đường này, nhưng sao hôm nay tôi không tìm được cái yên bình mọi lần vẫn gặp. Tôi cảm thấy bất an trong lòng. Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Một tấm biển treo trước cổng ngôi nhà mà bao lần qua đây, chưa bao giờ tôi để ý tới. "Tưởng nhớ Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn..." Một điều gì đó vỡ òa trong tôi. Chẳng bao giờ tôi có thể nghĩ rằng trên chính con đường này, nơi biết bao lần tôi đi qua lại là nơi mà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng sống. Còn bây giờ khi tôi biết thì ông đã không còn nữa.

Chưa có một nhạc sỹ, ca sỹ, nghệ sỹ nào mà sự ra đi của họ lại khiến tôi cảm thấy hụt hẫng như chính mình vừa bị mất một cái gì đó quan trọng lắm, thân thương lắm. Chưa một lần được gặp ông, nhưng tôi lại thấy ông như một người hiểu về tôi rất rõ. Đối với tôi, những bài hát của ông, dường như không chỉ để viết cho bao người khác, mà như ông đã giúp tôi viết lên những tâm sự của chính tôi. Tôi tìm thấy mình trong những lời ca buồn của ông, lời ca khóc cho những cuộc tình đã lỡ, lời ca của một người cô đơn ngay cả khi xung quanh mình vẫn có rất nhiều người - cái cô đơn mà chẳng ai có thể lấp đầy và cũng chẳng thể chia sẽ cho ai, lời ca của một người đau khổ vì yêu, ấy vậy mà vẫn rất yêu, vẫn sẵn sàng cho đi rất nhiều dù chẳng được nhận là bao nhiêu. Mỗi bài hát của ông, tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần, nghe đến thuộc từng câu, ngấm từng lời...

Ông ra đi, cũng vào đúng khi tôi đánh mất một mảnh đời mình. Tôi chẳng còn ai để mà ngóng đợi những lời ca an ủi, những lời ca nói giúp nỗi lòng của tôi. Tôi muốn dứt bỏ tất cả những gì trong quá khứ, muốn chạy trốn khỏi hiện tại, run rẩy, mò mẫm tìm đường đi cho mình trong tương lai. Những băng nhạc, đĩa nhạc của ông tôi cất vào góc tủ. Tôi không dám nghe nhạc của ông nữa vì tôi sợ những quá khứ xưa lại tìm về, lại cứa vào những vết thương của lòng tôi. Bài hát duy nhất mà tôi giữ lại là bài "Ru tình", ru cho quá khứ một thời ngủ yên, ru cho lòng ai thanh thản, ru cho khát vọng cuộc đời...

Ru em tình khi nhớ
Ru em tình lúc xa...
Ru em hoài bé dại...
Ru em ngồi yên đấy
Ru tình à ơi...
Ru người ngồi mãi cùng tôi...
Ru em ngồi yên nhé
Tôi tìm cuộc tình cho...


Ngô Tố Giao (Hóa[SUB]2[/SUB] 86-89)
 
Re: Giới thiệu những thread hay và có chất lượng trong diễn đàn

Tuần trước vào một phòng trà ở Huế, chúng tôi ngồi bên nhau. Họ hát Mưa Hồng.

"Em đi về Cầu Mưa ướt áo
Đường Phượng Bay mù ko lối về
Hàng cây lá xanh gần với nhau"

Hồi đó, anh thường đi bộ đến trường còn tôi thong dong xe đạp. Đúng 7h kém 10 là hai đứa lại gặp nhau dưới tán long não trên đường Phượng Bay. Tôi cố guồng xe thật nhanh, hình như cố đuổi kịp nhịp tim của chính mình. Còn anh, ko hiểu sao lại chầm chậm bước chân, thong thả. Xa mà gần nhau đến thế. Có lẽ do hàng cây lá xanh như lồng vào nhau. Năm đó tôi học lớp 7, còn anh lên lớp 9.

Hôm nay, chúng tôi ngồi bên nhau, kể cho nhau nghe về nửa kia của mình. Nghe Mưa Hồng và hẹn nhau ngày mưa sẽ về Bao Vinh. Cầu Mưa nằm trên con lộ về dưới đó. Cây cầu chỉ dành cho người đi bộ thì phải, anh bảo thế.

Hồi đó đường Phượng Bay ko lối về cho tôi lỗi nhịp.

Giờ đây, Cầu Mưa và áo tôi đã ướt. Tôi ko đi bộ. Tôi đạp xe, tất bật.
Anh vẫn thả bước một mình thong dong trên cầu ấy. Và hình như, hạnh phúc đang mờ ảo phía bờ bên kia.

Một lần nữa tôi lỗi nhịp.

Ps: khi nào mọi người vào Huế em chỉ đường Phượng Bay và Cầu Mưa cho.


Thụy Miên (Lớp khác[SUB]1[/SUB] 95-98)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên