Em gop' vui cái
(
thích nhất thịt cầy mà cuối cùng nó thế này hu hu
Các lò giết mổ đều bẩn thỉu chật chội, nước thải lông chó đều được thải ra cống. Nói là thịt cầy tơ thực chất nhiều phần hàng là chó già, chó bệnh, chó bị đánh bả chết, bị ghẻ lở, bị lác “khô”, lác “ướt”... được “phù phép", mông má.
Cánh cổng sắt căn nhà sâu trong một con hẻm trên đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình (TP HCM) vừa hé mở, một mùi hôi tanh rờn rợn đã thốc vào mũi. Gian nhà bên dưới, nơi chủ nhà dùng làm lò “sát cẩu”, bốn người đàn ông ở trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại đang cạo lông chó. Bốn con chó được đặt ngay trên nền nhà dơ bẩn, ướt nhèm nhẹp do nước và lông quyện vào nhau.
Xung quanh có khoảng 20 chú cẩu đang nằm thiêm thiếp trong chuồng. Chuồng được thiết kế bằng chấn song sắt áp vào vách tường, thoạt nhìn như những gian xà lim. Ông chủ lò nói giọng trọ trẹ, ngừng tay quệt mồ hôi hỏi khách mua hàng: “Trước giờ lấy ở đâu?”.
Đóng mặt tỉnh: “Dạ em mới mở quán, chưa lấy đâu hết”. Ông chủ lò nhát gừng: “Hôm nay có mối đặt hết rồi, muốn gì thì ngày mai tới”. Thấy mấy chú cẩu già nua, ghẻ lở đầy mình nằm im như đang hấp hối, lấy thử cây viết bi chọc vào chúng cũng không buồn phản ứng.
Khi khách mua thắc mắc: “Thịt có chất lượng không anh, sao thấy chó bệnh không vậy”. Ông chủ lò gầm gừ: “Bệnh gì mà bệnh, còn sống là tốt rồi, mấy chỗ khác toàn loại đánh bả, ăn vào có ngày méo cả mồm đấy”.
Đến lò của bà Thu trên đường Lê Văn Sĩ, phường 12, quận 3, tình trạng ở lò đây còn tồi tệ hơn. Trước đây từng bị chính quyền địa phương xử lý, bà Thu cũng đã làm cam kết không tái phạm. Sau đó bà ngụy trang bằng cách tiếp tục thu gom chó, những con bị đánh bả thì bà chuyển cho các lò khác để hưởng hoa hồng, còn loại chó tốt, chó cảnh thì bà để lại chờ chủ đến chuộc hoặc gửi ra khu Lê Hồng Phong bán.
Nhưng dù gì cũng không bằng giết mổ, chế biến nên gần đây bà đã quay lại mổ chó. Chó được giết mổ thủ công ngay trên nền đất. Nước và chất thải được tống thẳng xuống cống. Một người dân ở cạnh lò than thở: “Nước hôi tanh, dơ bẩn cứ thải ra ngập đường. Chúng tôi có báo địa phương nhưng cũng không giải quyết được gì”.
Chó ghẻ sau khi mông má trông như chó được thui vàng bằng rơm.
Theo lái Tấn, những thủ thuật phù phép chó già, chó chết còn đơn giản hơn nhiều so với chó ghẻ. “Đối với loại chó ghẻ khô, da đóng vẩy (thường gọi chó lác lông), lông mọc không đều thì chỉ cần cạo sạch lông, phết một chút mật ong lên rồi đem đi hơ lửa thì đố trời biết đó là chó ghẻ”, Tấn nói.
Đối với loại chó bị ghẻ ướt thì cực hơn một chút, nhưng ngược lại các chủ lò rất khoái mua vì lợi nhuận cao. Chứng kiến chủ lò Nam “Béo” biến chó ghẻ ướt thành cầy tơ: Sau khi cạo lông, những vết lở loét trên mình chó được ông “vá” lại bằng một loại bột hóa chất dẻo như bột mì. Ông dùng một miếng nhựa quệt hóa chất rồi rịt vào những vết loét, động tác thuần thục như một người thợ sơn nước lành nghề đang trét sơn lên tường.
Sau đó ông phết khắp mình chú cẩu một hợp chất khác có màu đồng. Đợi lớp hóa chất vừa khô, ông dùng bình gas “khò” qua một lượt. Như một trò ảo thuật, chú cẩu trắng nhợt, lở loét đầy mình khi nãy đã biến thành chú “cầy thui rơm” vàng ươm, bóng mỡ!
Do hoạt động lén lút nên hầu hết các lò “sát cẩu” đều nằm sâu trong các con hẻm. Một số lò còn ngụy trang bên ngoài bằng biển hiệu đấm bóp giác hơi, may đồ, giặt ủi...
Những lò này tập trung nhiều nhất ở các khu vực như: đường Lê Văn Sĩ (phường 12, quận 3), cổng xe lửa số 6 (Phú Nhuận), khu Bùi Phát, Phạm Văn Hai, khu Bùi Thị Xuân (phường 2, Tân Bình).
Tuy không tập trung nhiều bằng khu Ông Tạ (Tân Bình) nhưng mức độ dơ và lậu thì khu Lê Đức Thọ - Phạm Văn Chiêu (phường 12, Gò Vấp), khu Cầu Đỏ (quận Bình Thạnh) phải được liệt vào hàng chiếu trên.
Lái Tấn cho biết: “Hầu hết các chủ lò đều không ngần ngại “hô biến” chó chết, chó già thành cầy tơ, chó ghẻ lở loét thành chó vàng ươm bóng mỡ”. Thật vậy, chỉ cần điểm sơ qua một vài công nghệ “mông má” chó cũng đủ thấy rùng mình.
Khuya 29/5, đến lò mổ chó của ông Nguyên ở khu Bình Triệu. Lúc này lò đang giết ba con chó chết từ một lái ở Bình Phước mang xuống.
Tấn nói: “Mấy con chó này chết hơn một ngày rồi, có thể do dân trộm đánh bả hoặc bắn súng xung điện, nhưng không sao, chỉ cần một ít bí quyết là chó chết thành chó tươi ngay”.
Quả vậy, sau khi cạo lông sạch, moi bỏ bộ lòng, ông Nguyên lấy khăn khô lau sạch nước bên ngoài chú cẩu rồi ngồi bệt xuống đất lôi ra một cái mâm đựng một hỗn hợp sền sệt quết khắp bên trong lẫn bên ngoài chú chó.
Chờ hỗn hợp trên ngấm đều, ông lấy vòi phun gas “khò” khắp mình chó cho thứ hỗn hợp đó cháy lên.
Tấn cho biết thứ hỗn hợp trên là một “bí quyết gia truyền” của các lò “sát cẩu”, gồm ớt khô, nước riềng cô đặc, sả khô, tỏi, trộn với một lượng lớn ngũ vị hương và trên mười thứ hóa chất không tên khác được mua về từ chợ Kim Biên.
Đối với loại chó già “hết xí quách”, thịt dai như lốp xe nhưng chỉ cần một ít bột muối diêm là các chủ lò có thể làm thứ thịt ấy mềm nhũn như... cầy sữa.
Một số chủ lò khác thì dùng thuốc muối trộn với một loại hóa chất màu trắng có ký hiệu HEC, mua ở chợ Kim Biên. Cách làm cũng hết sức đơn giản, chỉ cần hòa tan loại hóa chất này trong nước, bỏ thịt cầy vào ngâm cho ngấm trong khoảng 30 phút, bảo đảm sau đó đem ra chế biến món gì cũng mềm như cầy tơ.
Cẩn thận hơn, sau khi ngâm một số chủ lò còn bơm trực tiếp hóa chất vào từng thớ thịt để làm mềm nhanh hơn.
(Theo Tuổi Trẻ)