Trí tuệ Việt Nam :D

Lương Kiến Quốc
(KKKK)

Thành viên danh dự
Đậu hủ làm bằng thạch cao

Đậu hũ là món ăn phổ biến vì rẻ tiền và lành tính nhất trong số các món ăn bổ sung nhiều chất đạm. Thế nhưng, mấy ai biết rằng, nhiều cơ sở chế biến đậu hũ vì lợi nhuận đã bỏ thạch cao vào để tăng độ đông kết và trọng lượng đậu thành phẩm.

Tại một căn nhà cấp 4 xập xệ ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP HCM, phía trước được dùng làm nhà ở, phía sau ngăn ra khoảng 30 m2 để làm "phân xưởng" sản xuất. Chừng đó diện tích mà được bố trí một máy xay, hai lò nấu, một giàn khung ép đậu, một bể nhỏ dự trữ nước và hơn chục thùng, xô, chậu lớn nhỏ bày tứ tung trên nền xi măng ướt, rêu mốc loang lổ, để sản xuất đậu. Mùi chua nồng, hôi hám của xác bã đậu để lâu lên men, của nền nhà ẩm ướt và của cả chuồng heo cách đó không xa... khiến ai đi vào đều không khỏi rùng mình.

Anh Hưng, chủ nhà xúc từng rổ đậu đã ngâm sẵn bỏ vào máy xay. Chưa đầy 10 phút sau, 10 kg đậu hạt đã biến thành một thùng nước cốt đậu trắng nõn nà. Hưng lấy chiếc xô nhỏ múc nước đậu mới xay đổ vào vạc đặt sẵn trên lò lửa đỏ rực. Đậu sôi, từng ca nước đậu lại được múc đổ vào chiếc thùng lúc nãy đựng nước đậu sống mà chẳng cần rửa, trong đó có để sẵn miếng vải xô đã ngả màu cháo lòng để lọc bã.

Khi đổ đầy thùng, Hưng túm bốn góc miếng vải kéo lên, lắc vài cái rồi ném cả miếng vải bọc bã vào chiếc thùng đầy bã đậu cũ gần đó. Trong lúc thùng nước đậu còn nóng hổi, Hưng lấy ca nhựa đến bên chiếc thùng ở góc xưởng, múc từ đây 3 thìa bột trắng mịn như xi măng trắng cho vào ca, đổ đầy nước, dùng tay hòa tan rồi đổ thẳng vào thùng nước đậu. Thật kỳ lạ, chỉ vài phút sau, cả thùng nước đậu bốc hơi nghi ngút từ từ đông đặc lại thành... cốt đậu. Rồi cứ thế, cốt đậu được múc lên những dãy khuôn chờ sẵn để ép thành những miếng đậu.

Thứ bột trắng mịn được Hưng cho biết là thạch cao. "Thay nước chua bằng thạch cao, độ đông kết vừa cao vừa nhanh, khi ép rất ít hao mà đậu thành phẩm lại rắn, lợi nhuận gấp 2-3 lần dùng nước chua mà người tiêu dùng lại rất thích" Hưng "bật mí". Hằng ngày, vợ chồng Hưng sản xuất từ 19h đến 2h sáng hôm sau, được khoảng 10 mẻ đậu, mỗi mẻ xay 10 kg đậu hạt và sử dụng khoảng trên dưới nửa ký thạch cao. Loại thạch cao này có thể tìm mua ở các cửa hàng vật liệu xây dựng với giá 60.000 đồng/bao 40 kg.

Đem chuyện thạch cao bỏ vào đậu hũ kể cho một chủ cơ sở ở phường Hiệp Thành, quận 12, thì ông này khẳng định đó là "chuyện nhỏ". Kiên, một chủ cơ sở sản xuất đậu hũ ở Thủ Đức, cho biết, anh ta cũng dùng thạch cao để sản xuất đậu hũ từ mấy năm nay. "Tôi học được bí quyết này từ một cơ sở trong Chợ Lớn. Lúc đầu không biết, lại tham pha nhiều nên nếm đậu cứ thấy tê cả lưỡi", Kiên nói.

Không chỉ dùng thạch cao để tăng lợi nhuận, Đức quê ở Bắc Giang, một chuyên gia sống bằng nghề bán "công nghệ" làm đậu hũ cho một số gia đình từ miền Bắc vào, cho biết để tận dụng cả bọt đậu (nước đậu khi nấu lên thường có nhiều bọt, nếu hớt đổ đi sẽ rất hao), một số cơ sở còn dùng hóa chất khử bọt. "Loại hóa chất này sền sệt như mỡ heo, mua ở chợ Kim Biên giá chỉ 12-15.000 đồng/lít dùng cho cả tấn đậu. Chỉ cần bỏ vài giọt hóa chất này pha loãng với nước rồi đổ vào là cả vạc đậu không có chút bọt nào" - Đức giải thích. Cũng theo Đức, dùng thạch cao thì đậu sẽ bớt béo, vì thế một số cơ sở còn sáng chế cách bỏ bột béo vào trong đậu để đánh lừa cảm giác người tiêu dùng.

Theo Giám đốc một công ty chuyên sản xuất thạch cao, công ty này vẫn thường bán thạch cao làm đậu hũ với giá đến các đại lý là 1.450 đồng/kg. Ông này cho rằng, về mặt kiểm nghiệm thì nguồn thạch cao từ xưa đến nay chưa cho đưa vào danh mục để kiểm nghiệm trong thực phẩm. Song vì nó nung ở nồng độ cao mấy nghìn độ thì nó cũng đảm bảo vệ sinh, không có gì mà ảnh hưởng. Tất cả các đậu hũ làm trên thị trường đều phải có thạch cao hết. Vì thạch cao làm chất xúc tác cho đậu hũ đông đặc. Cả các loại bánh kẹo, mứt cũng phải dùng thạch cao để tạo độ đông đặc.

Thử nghiệm mẫu thạch cao của cơ sở anh Hưng tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TT3), cho thấy, trong 1 kg thạch cao có 89,8% sulfat canxi, 17 mg kẽm, 8 mg đồng, 4 mg chì và 0,9 mg asen (thạch tín)...Theo quy định hiện hành, những chất như kẽm, đồng, chì, asen bị giới hạn rất thấp trong thực phẩm, như asen là 0,05 mg/l... vượt quá những giới hạn này có thể gây ngộ độc, gây ung thư.
Theo các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm có thể bị ô nhiễm các kim loại nặng (như: chì, asen, kẽm, đồng, thủy ngân...) do việc sử dụng các nguyên liệu, phụ gia để chế biến không tinh khiết, có hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép. Nếu bị ngộ độc cấp tính bởi asen (thạch tín), người bị ngộ độc có những biểu hiện như: khát nước dữ dội, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và tử vong nhanh chóng. Ngộ độc mạn tính các kim loại nặng là tình trạng thường gặp do ăn phải thức ăn có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng cao trong một thời gian dài. Kim loại nặng nhiễm từ từ vào cơ thể rồi tích lũy dần và gây hại cho cơ thể về sau. Kim loại nặng khi vào cơ thể thường tích lũy ở các cơ quan: gan, thận, não. Nếu cơ thể bị tích lũy một lượng chì đáng kể, dần dần sẽ xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc như: hơi thở hôi, sưng lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau các khớp xương, bại liệt ở tay, nước tiểu ít, thường gây sẩy thai ở phụ nữ.


(Tên nhân vật đã được thay đổi)




Sau phở bây giờ là đến đậu hủ, riết rồi chẳng dám ăn cái gì nữa... :((
 
Re: Có ai ăn thạch cao không nào.........

Ăn mãi... :))
Tại từ phocmon đến hàn the, thạch cao hay thạch tín (??!!) cũng ăn rồi, có sao đâu :)) Ăn tiếp càng tốt. Người vừa rắn như thạch cao, lại tiệt trùng + sống dai nhờ phocmon . Cái gì ở VN bây giờ lôi ra cũng thế thôi, chẳng qua là chưa lôi ra...
 
Re: Có ai ăn thạch cao không nào.........

cứ ăn tiêu hóa cho nó tốt:D
 
Re: Có ai ăn thạch cao không nào.........

Híc,công nhận là đồng tiền làm người ta mất đi nhân tính ghê.....ặc,mà nói thật nhiều chất khoáng ra phết:D:))Nghe mỗi cái kinh!!!!!!
 
Re: Có ai ăn thạch cao không nào.........

chất khoáng tốt cho cơ thể
:-"
_danglienhuong_
 
Re: Có ai ăn thạch cao không nào.........

Rượu dỏm miền Tây

Long làm rượu toàn bằng... nước lã. Nước máy xả vô thau, anh pha cồn vào, cho thêm một chút tinh mùi. Muốn cho rượu có màu đo đỏ, Long lấy cau khô ngâm vào, cho thêm một chút phẩm màu. Bợm nhậu uống vô nghe chan chát tưởng là rượu chuối hột. Lầm chết. Loại này bỏ mối cho các quán chỉ có 2.800 đồng/lít.

Cứ mỗi buổi sáng, đi ngang chợ Cao Lãnh, nếu để ý sẽ thấy một bà cụ lẳng lặng ngồi đập từng trái chuối hột rồi quăng ra đường phơi khô. Bất kể trời mưa hay nắng, đường lầy lội hay bụi bặm, chuối hột vẫn được vô tư phơi khô.

Có bữa mắc mưa, chúng ướt nhẹp rồi nổi rêu mốc lốm đốm, trắng ngời... Dù thế nào thì số chuối hột đó sẽ được vào keo rượu. Và dân nhậu vẫn cứ mãi vô tư mà uống.



Một lò nấu rượu ở xã Tân Thuận Tây.

Khi PV Tuổi Trẻ hỏi đường vào mấy lò kháp rượu, anh bác sĩ ở đội y tế dự phòng TX Cao Lãnh (Đồng Tháp) trợn mắt: “Ông vác xác vô đó coi chừng dân lấy chổi chà rượt. Đó là nồi cơm của họ”. Mấy anh công an thì lắc đầu: “Khó mà bắt quả tang các tay pha chế rượu lậu, bởi họ xóa dấu vết rất kỹ”.

Theo kết quả kiểm tra 51 mẫu rượu ở hai địa bàn TX Sa Đéc và TX Cao Lãnh (tháng 4) của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, có 30 mẫu rượu có hàm lượng furfurol cao hơn mức quy định. Đây là một loại tạp chất có tác động ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm nhức đầu, buồn nôn. Trong 46 mẫu rượu lấy từ các lò nấu, có 15 lò sử dụng men trôi nổi không rõ nguồn gốc, không có nhãn hiệu đăng ký. Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện hai cơ sở sản xuất men lậu và đề nghị thanh tra ngành y tế tiếp tục làm rõ. Ngoài ra, trong một số mẫu rượu lấy ngẫu nhiên ở các quán nhậu để xét nghiệm có hàm lượng furfurol vượt mức cho phép.
Phước trước đây từng kiếm sống bằng nghề bỏ mối rượu cho các quán nhậu, rồi kháp rượu tại nhà lấy hèm nuôi heo, hiện đã giải nghệ. Anh có mối quan hệ khá rộng với các chủ lò và “lái” rượu. Phước dẫn đi lòng vòng qua những xóm vườn xã Tân Thuận Tây. Tới nhà Ba Đúng, anh đưa thẳng ra phía sau. Ở đó có một cái lò, kiểu lò đắp đất thông ống khói lên nóc, đốt bằng trấu. Trên miệng lò bắc sẵn cái nồi to tướng, nắp nồi có một ống nhôm thông qua cái bình lớn để bên cạnh. Ba Đúng đang hứng rượu ra lò từ cái bình lớn. Anh than: “Mấy bữa nay gió nhiều, rượu thất quá. Một nồi 10 lít gạo nấu ra có 7 lít rượu. Rượu lại đục, khó bán”.

Rồi anh lấy đầu đũa nhúng vô chai thuốc trừ sâu để ở góc nhà. Anh đem tới can rượu vừa chiết ra từ lò, nhúng đầu đũa dính thuốc sâu vô. Lập tức can rượu từ đục bỗng chuyển sang màu trong veo, hệt như mắt mèo. Tôi hỏi: “Uống rượu này có bị trúng độc không?”. Ba Đúng thản nhiên: “Chút đỉnh mà, có sao đâu. Tui còn pha loãng ra nữa mà”.

Nói rồi anh mở lu nước mưa múc ra bốn ca đổ vô can rượu. Anh giải thích: “Thêm bốn lít nước nữa cho rượu nhẹ bớt. Mình vừa được lợi mà người uống cũng đỡ bị gắt. Một chút thuốc sâu sẽ làm cho nồng độ rượu tăng từ 18 lên 35 độ. Để vậy bị phát hiện liền, phải pha nước thêm”.

Phước cho biết trước đây nhà vườn kháp rượu bán cốt đủ vốn. Phần lời là hèm để dành nuôi heo, đỡ tốn tiền thức ăn. Bây giờ dân nhậu nhiều quá, các chủ lò cũng chạy theo lợi nhuận nên tìm mọi cách để có “năng suất rượu cao”. Trong xóm này mười lò thì pha hết chín.



Những quán rượu bình dân ở miền Tây đều bày đủ các loại rượu như thế này mà không biết chất lượng ra sao.

Băng qua sông Tiền tìm đến lò rượu ông Năm Thành ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (An Giang). Đây cũng là “mối” rượu quen thuộc của Phước. Nghe Phước nói đến đặt 40 lít rượu cho nhà làm đám cưới, ông Năm xăng xái tiếp đón niềm nở.

Ông không ngần ngại dẫn ra sau nhà, nơi có đặt hai lò nấu rượu và hàng dãy lu hũ lỉnh kỉnh. Lúc này bà Năm Thành đang vô men, rót một ly nước màu trắng đổ vô nồi nấu.

Phước nói nhỏ: “Cồn đó. Bây giờ người ta cho cồn vô nồi trước khi nấu, lúc ra rượu không còn mùi. Cồn đó là cồn công nghiệp, ra chợ mua thiếu gì. Có khi dân nấu rượu cho luôn cả cồn khô - một loại cồn dùng nấu bếp - vô cho gọn. Nó làm cho rượu lúc nào cũng có nồng độ cao, năng suất tăng lên 2-3 lít/nồi”.

Trước khi ra về, ông Năm tặng khách "sộp" một chai rượu “đặc biệt”. Ông rót một ly cho nhấp thử. Quả là có mùi thơm nếp mới rất hấp dẫn. Trên đường về, Phước đợi đò ra tới giữa sông thì lấy chai rượu quăng bỏ xuống nước. Anh giải thích: “Nếp mới con mẹ gì, toàn là tinh mùi, hương hóa chất không đó. Loại này bán tràn lan ở các quán nhậu bình dân cóc ổi lề đường. Một lít rượu pha vô một giọt là thơm nức mũi. Nhưng uống vô rồi qua bữa sau “ngặt mình” chịu không thấu”.

Hôm sau Phước lại dẫn tôi về phía huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Qua khỏi cầu Cần Lố, quẹo tay phải đường quốc lộ 30, anh tấp xe vô. Lần này không phải lò rượu mà là lò men. Phước trở ra với bịch men lủng lẳng trên tay. “Men là chuyện nhỏ, cái này mới là chuyện lớn”.

Nói rồi Phước móc trong túi quần ra một bịch nhỏ đựng bột màu trắng. “Phụ gia của men đó. Có cái này một kháp rượu sẽ tăng được 3-4 lít mà giá chỉ có 1.000 đồng/bịch. Nghe nói ở Trung Quốc đem về, và là “bí mật công nghệ” của các lò men. Chỉ những người tâm phúc mới mua được. Chủ lò không bao giờ bán cho người lạ. Độ độc hại thế nào không biết nhưng coi cái cách mua bán bí mật của chủ lò men, tôi thấy hơi ngờ ngợ vì có điều gì đó không bình thường”.

Ngồi nhậu thịt cầy ở quán Cây Ổi (phường 3, TX Vĩnh Long), một “lái” rượu chạy xe máy từ ngoài vô vác can rượu 20 lít. Tới bên quầy có để sẵn 6-7 keo rượu đã vơi hơn phân nửa, anh đổ ào vô keo cho đầy. Xong, chủ quán bước ra đưa tiền. Hai bên không ai nói với ai tiếng nào. Tay “lái” rượu lẳng lặng ra ngoài nổ máy xe vọt mất. Tất cả diễn ra chưa đầy hai phút.

Cô phục vụ đong rượu từ keo vừa đổ đầy khi nãy, nhỏ nhẹ giới thiệu: “Rượu chuối hột đó anh. Chú em ở vườn nấu rồi ngâm chuối hột, cả tháng mới dùng được đó”. Phước lại hỏi: “Có rượu gì khác không em? Cái gì “sung sung” ấy”. Cô gái sáng mắt lên: “Dạ có. Em có bìm bịp, ngọc dương, rắn, sâm cúc, cả hải mã nữa”. Các keo đều có dán nhãn in vi tính tên các loại rượu cô gái vừa kể. Bên trong quả là có chuối hột, rắn, bìm bịp thật, cả hải mã nữa. Nếu không tận mắt thấy anh chàng “lái” rượu khi nãy đổ rượu mới vô, chắc có lẽ ai cũng đều lầm tưởng đây là rượu ngâm thứ thiệt.

Phước đúc kết: “Rượu ngâm thứ thiệt không bao giờ có giá 8.000 đồng/lít như các quán thường bán. Hơn nữa, nếu ngâm thuốc bắc hoặc đồ bổ phải mất ít nhất ba tháng mới dùng được. Các quán bán cho khách nhậu hằng ngày không bao giờ ngâm kịp. Với tốc độ nhậu chóng mặt mỗi chiều của các bợm như hiện nay, rượu kháp trong lò cũng không thể đáp ứng đủ. Vậy nên, để “cung” đủ “cầu”, phải có cách!

Phước đi vô một con hẻm ở phường 8 (TX Vĩnh Long), nơi có một lò rượu lậu quen. Dừng xe trước một căn nhà cửa sắt đóng kín mít, Phước bắc loa tay lên miệng kêu vọng vô trong: “Long ơi! Long...”. Bên trong thò ra khuôn mặt xanh tái, bơ phờ của một người đàn ông ít ra ánh nắng mặt trời. Long tâm sự: “Mình cũng muốn giải nghệ thôi. Cái nghề này độc ác quá, sợ không để đức cho con”.


Men nấu rượu không rõ nguồn gốc. Hai gói nhỏ là “phụ gia”, bí mật nghề nghiệp của các lò men.
Trong gian nhà chật chội, tối tăm đầy thau, can nhựa, đặc biệt là một bao cau khô nằm rơi vãi. Phía trước nhà, hơn chục can nhựa đã vô rượu sẵn chờ đi bỏ mối. Phước kể: “Long làm rượu toàn bằng... nước lã. Nước máy xả vô thau, Long quậy cồn pha vô, cho thêm một chút tinh mùi. Muốn cho rượu có màu đo đỏ, Long lấy cau khô ngâm vào, cho thêm một chút phẩm màu. Bợm nhậu uống vô nghe chan chát tưởng là rượu chuối hột. Lầm chết. Loại này bỏ mối cho các quán chỉ có 2.800 đồng/lít. Quá dễ ăn”.

Phước lại dẫn tôi đi dọc bờ sông Tiền, tìm thằng bạn “rượu” của anh lúc trước. Khuất sau một con rạch nhỏ, chúng tôi tìm được một chiếc ghe “cóc” đang đậu. Thoạt nhìn ai cũng tưởng là ghe câu.

Phước rủ tôi xuống ghe chơi. Thành - bạn của Phước - đang loay hoay chiết rượu từ thau vô can. Rượu có màu trắng đục. Tôi để ý thấy có 4-5 cái bọc vải bằng trái bưởi để dưới sạp ghe. “Tro đó - Phước nói - mà phải là tro đốt từ rơm mới được nghen. Dùng để lọc nước trước khi chế”. “Nước ở đâu?”, “Thì dưới sông múc lên chớ đâu”. Công thức pha chế giống như ở Vĩnh Long: rượu = nước lã + cồn + cau khô + phẩm màu.

Riêng Thành còn có “chiêu” riêng: thêm gói bột trắng. Nó có tác dụng làm cho rượu trong lại và tăng độ. "Có phải gói bột trắng ở cầu Cần Lố không?”. Phước nói: “Không. Cái này mua ở tiệm thuốc bắc. Nghe nói cũng là hàng Trung Quốc”. Để tránh công an, Thành phải mò xuống ghe, nửa đêm ra sông Tiền múc nước lên chế. Được can nào anh bán hết can đó rồi lại chế. Nếu rủi ro bị khám xét bất ngờ, Thành chỉ cần quăng hết đồ nghề xuống sông phi tang là xong.
 
Re: Có ai ăn thạch cao không nào.........

Chuẩn bị còn có cả gạo giả ra đời nữa cơ :))
 
Hiểm họa từ sữa tươi không tên


Chất lượng sữa tươi không nhãn hiệu thường không đảm bảo nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nhờ giá rẻ.
Anh thanh niên xách hai chiếc xô nhựa bên ngoài bám đầy sình đất bước vào chuồng bò vương vãi phân, ruồi xanh nhiều như ong vỡ tổ. Anh đặt xô dưới bụng 2 con bò, đôi tay trần vừa vắt, vừa gãi... Sữa bò sau khi vắt xong được đổ vào một can nhựa bên trong can vẫn còn một ít sữa cũ...

Sữa tươi (sữa bò, dê) là loại sữa có giá trị dinh dưỡng cao nên được khá nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, các chuyên gia về dinh dưỡng cảnh báo: nếu sữa không được sản xuất theo đúng quy trình sẽ gây không ít bệnh cho người sử dụng, đặc biệt là các bệnh lây qua đường dịch tiết.

Gọi ly sữa tươi tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP HCM, cô gái ngậm ngùi trả 8.000 đồng mà không dám uống vì ly sữa nổi màng và lềnh bềnh trong đó là những “viên” sữa vón cục. Thắc mắc tại sao sữa bị vón cục như vậy, chị chủ quán thản nhiên: “Màng dinh dưỡng đó em! Sữa tươi mà để trong tủ lạnh bị đóng bợn, vón cục là thường, không sao đâu!”.

Tìm hiểu quy trình sản xuất, chế biến sữa tươi dạng thủ công, PV Người Lao Động có mặt tại ấp Nông Đức, xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Từ Quốc lộ 1A, chạy vào một con đường đất đỏ khoảng 2 km, đến một hộ nuôi bò sữa. Trong chuồng lúc này có 2 con bò cái đang trong thời kỳ cho sữa. Sàn chuồng, phân bò vương vãi, ruồi xanh nhiều như ong vỡ tổ.

Một thanh niên xách hai chiếc xô nhựa, bên ngoài xô còn bám đầy sình đất, lần lượt đặt dưới bụng 2 con bò để vắt sữa. Đôi tay trần vừa vắt, vừa gãi, miệng huyên thuyên đủ chuyện. Sữa bò sau khi vắt xong được đổ vào một can nhựa. Thấy trong can vẫn còn một ít sữa cũ, hỏi: "Sao không rửa can trước khi đổ sữa mới vào?". Người thanh niên trả lời tỉnh bơ: “Ngày nào cũng vắt, rửa làm gì, sữa hôm qua chứ có gì mà sợ...”. Giá sữa tươi tại lò là 4.000 đồng/lít, mỗi ngày 2 lần giao cho các mối gom hàng chuyển về TP HCM để chế biến và tiêu thụ.

Tại một cơ sở chế biến sữa bò tươi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, bà chủ cho biết, mỗi ngày nấu và đóng chai khoảng 1.500-2.000 chai sữa thành phẩm và chở đi bỏ mối cho tiệm ăn, quán giải khát ở TP HCM.

Nơi sản xuất là căn nhà bếp chật chội, ẩm thấp khoảng 2 m2 cũng là nơi nấu ăn cho cả gia đình. Trên sàn nhà (từ nhà bếp đến phòng khách) chai, nắp chất thành từng đống tràn cả lối đi. Vỏ chai nước ngọt Tribeco, Pepsi, Coca-Cola và các loại chai thủy tinh khác dùng đựng sữa còn dính đầy màng sữa, đáy chai bám đầy cặn lâu ngày nằm lăn lóc dưới nền nhà. Trong khu vực bếp chính, 3 can sữa bò tươi (loại can 20 lít) chưa nấu đã bốc mùi chua do để ngoài không khí quá lâu. Chủ nhà giả lả: "Do hồi khuya lấy hàng hơi nhiều mà mối đặt sữa ít quá nên còn dư chút đỉnh... để chiều nấu tiếp".

Rồi chị nhanh nhảu tiếp thị: “Sữa lấy tại chuồng giá 4.000 đồng/lít, trung bình 20 lít nấu được khoảng 110-120 chai. Vỏ chai mua ở vựa ve chai giá 500-800 đồng/cái, nắp chai các loại 2.000 đồng/kg, cộng tiền gas, đường, công nấu... bỏ mối 1.400 đồng/chai coi như lấy công làm lời”. Bà chủ cơ sở này cũng “tố”: "Nhiều cơ sở sẵn sàng bán 900- 1.000 đồng/chai, giá rẻ vậy là sữa “dỏm”, nấu bậy bạ từ sữa “ế” mới có giá đó”.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Kiều, Trưởng Khoa Nghiên cứu thực phẩm Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, đúng tiêu chuẩn thì từ khi vắt sữa cho đến lúc chế biến thành phẩm phải là một quá trình khép kín. Nếu không có đủ điều kiện thực hiện như vậy thì ít nhất sau khi lấy sữa xong, sữa phải được bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C trong suốt quá trình lưu trữ cũng như vận chuyển.

Tiến sĩ Minh Kiều phân tích, sữa khi còn trong cơ thể bò sẽ có những thành phần tự miễn dịch nên không sợ hư. Tuy nhiên, khi sữa đã được vắt ra thì không còn khả năng “tự bảo vệ” nên rất dễ nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn từ môi trường vắt sữa... Các loại sữa tươi trước khi sử dụng phải được thanh tiệt trùng với nhiệt độ thấp nhất là 100 độ C.

Người uống loại sữa tươi không bảo đảm quy trình sản xuất có nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao. Nhẹ thì bị tiêu chảy, nặng thì bị lao ruột, hay các bệnh lây qua đường tiết dịch, các bệnh về da. Bác sĩ Kiều đưa ra ví dụ: Khi một con bò bị bệnh lao ruột, vi trùng bệnh này sẽ theo dòng sữa ra ngoài. Nếu sữa không được nấu ở nhiệt độ an toàn (thấp nhất là 100 độ C), vi trùng sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể con người và sinh sôi. Bằng chứng là khi nghiên cứu về tiền căn của bệnh lao ruột, các chuyên gia về dinh dưỡng nhận thấy những bệnh nhân này đều có uống sữa tươi. Đó là chưa kể đến việc người vắt sữa có đeo găng tay hay không, hoặc người vắt sữa có những căn bệnh ngoài da như ghẻ, nấm... cũng là nguồn lây bệnh cho người uống sữa.

Các chuyên gia về dinh dưỡng đưa ra lời khuyên: người tiêu dùng nên hạn chế tối đa dùng loại sữa tươi chế biến dạng thủ công này. Vì theo họ, dinh dưỡng cũng có thể bổ sung qua nhiều thực phẩm khác, không nhất thiết phải dùng một loại sữa mà nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao.

Thạc sĩ Đào Mỹ Thanh, Trưởng Khoa Vệ sinh An toàn thực phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết: "Từ năm 2002 đến năm 2004, Sở Y tế TP HCM đã tiến hành điều tra chất lượng vệ sinh của các loại sữa tươi. Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM được giao nhiệm vụ thu thập mẫu và xét nghiệm vi sinh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hầu hết các loại sữa tươi đóng chai không nhãn hiệu đều không đạt chất lượng về vi sinh".

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Vệ sinh Y tế công cộng, cho biết mỗi năm viện đều có chương trình khảo sát thức ăn đường phố dạng nước. Tiêu biểu như năm 2003, với 12 mẫu sữa tươi được xét nghiệm thì hầu hết các mẫu đều nhiễm vi khuẩn Coliform (loại vi khuẩn gây đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, kiết lỵ, thương hàn, nhiễm trùng... nếu bị nhiễm nặng có thể gây tử vong). Trong đó, có 9 mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép (phổ biến vượt gấp 2 lần, có mẫu vượt gấp 12 lần).

Nguyên nhân bị ô nhiễm phần lớn là do vi khuẩn từ môi trường vắt sữa gây nên. Theo bác sĩ Mai, sữa tươi có dinh dưỡng rất cao cũng chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nếu không được bảo quản tốt.
 
Nhốn nháo trà sữa trân châu Đài Loan


Những gói trân châu được nhuộm phẩm màu sặc sỡ bán tại chợ Bắc Qua.
"Ở đây chị bán đủ tất cả nguyên liệu để làm trà Đài Loan, từ sữa béo, trân châu đến bột hoa quả. Em mua bao nhiêu cũng có, mua nhiều chị giảm giá cho. Nhiều người mua về bán, lãi lắm" - chị chủ kiốt Tâm Thu trên chợ Đồng Xuân đon đả nói với phóng viên VnExpress.

Mới chỉ có mặt tại Hà Nội hơn một năm nay, trà sữa trân châu Đài Loan đã nhanh chóng trở thành một đồ uống "ruột" của giới trẻ. Khắp phố phường đều có hàng trà sữa trưng biển trà Đài Loan. Hiệu nào cũng đông khách, đặc biệt là những ngày hè nắng nóng, đám học sinh, sinh viên chen nhau mua trà. Các thượng đế cứ hồn nhiên uống thứ nước ngoại nhập ấy mà chẳng hề biết cửa hàng đã lấy nguyên liệu ở đâu.

Trà Đài Loan tự chế

Với vai một người chuẩn bị mở cửa hàng bán trà sữa trân châu Đài Loan, phóng viên VnExpress hỏi chủ hàng Tâm Thu về các nguyên liệu cũng như cách pha chế. Đoán chừng khách làm ăn lâu dài chị chủ hiệu vui vẻ đưa cho xem mấy gói trân châu đủ màu xanh đỏ loại 1 kg và giảng giải: "Màu sắc này là dùng cho loại trà hoa quả, vàng là cam, tím là khoai môn, đỏ là đậu đỏ... Em muốn thêm sữa thì ra Hàng Buồm mua, còn ở đây chị bán bột béo, loại dùng cho chè thập cẩm, pha cái đấy thay sữa rẻ hơn nhiều".

Không chỉ một mình quầy Tâm Thu có bán nguyên liệu trà sữa Đài Loan mà hầu như gian hàng khô nào của chợ cũng bán mặt hàng này. Ở chợ Bắc Qua, sản phẩm này còn đa dạng hơn với bột trà sữa, hồng trà, trà đen, bột hoa quả và trân châu các loại.

Trân châu ở đây đa dạng cả về màu sắc, chủng loại và nhãn hiệu. Chúng được bán với giá 10-15 nghìn đồng một cân. Túi hàng nào cũng ghi là trân châu đặc biệt với hiệu Long Phú, Long Đạt, Long Thành. Điều đáng chú ý là trên các bao gói đều có hạn sử dụng 1 tháng. Song một chị chủ hàng lại hồn nhiên mách "mánh": "Hàng khô em cứ để thoải mái, giữ cả năm cũng không sao". Thậm chí túi trân châu hiệu Long Phú, loại không hút chân không ghi rõ hạn dùng một tháng nhưng không thấy ngày sản xuất. Phần ghi đăng ký chất lượng, đăng ký y tế đều được bỏ trống. Theo chị Thu thì sản phẩm này đều được làm tại Việt Nam. "Loại trân châu này chỉ cần luộc 10-15 phút là xong, ăn chẳng khác gì trân châu thật đâu" - chị chủ hàng hồn nhiên nói.

Những túi hồng trà, trà xanh, trà đen, được xếp chất ngất trên các sạp hàng. Nhưng nếu không được giới thiệu cũng chẳng ai biết là cái gì vì trên sản phẩm chỉ có mỗi dòng chữ loằng ngoằng mà chủ hàng thường nói là chữ Trung Quốc hoặc chữ Đài Loan. Các túi hương vị hoa quả thì được đóng gói bằng loại giấy kim loại, trên đó nguệch ngoạc những chữ Xoài, Cam, Dưa để phân loại... Loại này được bán với giá 80-100 nghìn đồng/kg. Còn bột sữa trà thì được đóng thành những túi 1 cân, miệng buộc dây nilon mà theo chị chủ kiốt Phương Thành: "Đây chỉ là hàng mẫu, còn sữa gốc được đóng trong bao tải, khách mua bao nhiêu sẽ đổ ra cân đong bấy nhiêu". Mặt hàng này chỉ có giá 30.000 đồng một ký.

Mỗi ngày một kiốt bán được khoảng 30-50 kg mỗi loại nguyên liệu. Hàng đặc biệt đắt khách vào những ngày nắng nóng. Khách mua chủ yếu là những quán giải khát nhỏ, những quán hàng bán tại cổng trường, một số cửa hàng ăn và các đại lý ngoại tỉnh.

Không chỉ chợ Đồng Xuân là đầu mối cung cấp nguyên liệu trà sữa mà hiện nay rất nhiều người cũng rao bán mặt hàng này trên các phương tiện đại chúng, tờ rơi. Giá của nguồn hàng này cũng tương đương với giá trên chợ nhưng thường được giới thiệu là hàng nhập chính hãng. Thử gọi điện theo quảng cáo cung cấp hồng trà trân châu trên mạng, chúng tôi được một người tên Nam trả lời rất nhiệt tình và giới thiệu chi tiết về sản phẩm này. Theo Nam thì hàng của anh là hàng nhập chính gốc từ Đài Loan. Song trên những gói trà có vỏ màu ghi nhạt chẳng có một chữ nào tiếng Anh (ngôn ngữ thường dùng cho hàng xuất khẩu) cũng như nhãn hiệu phụ bằng tiếng Việt như quy định của Bộ Thương mại về hàng nhập khẩu.

Khi VnExpress đề nghị cho xem giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm thì anh Nam liền thoái thác và nói: "Hàng này là hàng xách tay nên mới có giá rẻ như thế chứ.Yên tâm đi, tôi xin bảo đảm về chất lượng". Kiểm chứng tại các công ty nhập khẩu trà có thương hiệu chính thống cho thấy, giá nguyên liệu nhập từ Đài Loan, Hong Kong cao gấp 7-8 lần hàng bán trôi nổi. Một kg bột vị (bột hoa quả) nhập khẩu có giá khoảng 200 nghìn đồng, sữa trà là 55 nghìn đồng và trân châu là 80 nghìn đồng.

Lẫn lộn "vàng thau"

Theo anh Nguyễn Lâm Dũng, Giám đốc Công ty Lâm Minh Hồng – sở hữu thương hiệu Trà sữa trân châu Yela: "Các công ty có thương hiệu chính thống như Yela, phải nhập nguyên liệu chính gốc từ Đài Loan, phải chịu thuế nhập khẩu và các chi phí khác nên giá thành tăng cao. Tuy nhiên, sản phẩm đều được các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng cũng như an toàn vệ sinh hàng hóa nhập khẩu.

Với những người sành ăn thì trà trôi nổi và trà có thương hiệu vị khác hẳn nhau. Chị Thanh Phương, ngụ tại 221 Khâm Thiên, cho biết: "Trà sữa trân châu là món ruột của tôi và con trai. hai mẹ con đã uống thử trà sữa tại nhiều cửa hàng khác nhau và nhận thấy có sự khác biệt rõ ràng. Đối với những cửa hàng chính hiệu sản phẩm của họ đậm hơn có mùi trà, mùi hoa quả rõ nét, giá mỗi cốc là 7.000 đồng. Các cửa hàng giải khát trên phố Phan Bội Châu chỉ bán với giá 4.000 đồng nhưng chẳng thấy vị trà gì cả và đặc biệt thấy rõ vị ngọt sắc của đường".


Rất đông khách hàng đến mua trà sữa trân châu trong những ngày nắng nóng.
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 40-50 cửa hàng bán loại trà này nhưng thực tế chỉ có khoảng 2/3 trong số đó là hàng bán trà chính hãng với 10 thương hiệu như: Yela, Feeling, Puka, Hallo, Happy Cup, Happy Time, Flamenco.

Ông Phạm Bá Dục, Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong trường hợp các sản phẩm nhập từ nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt là vi phạm nghị định 178 và như thế chủ hàng sẽ bị phạt 1 triệu đồng, hộ kinh doanh không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm cũng sẽ bị phạt tiền tương ứng theo giá trị lô hàng, tối đa là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, ông cho biết, đến nay, chi cục vẫn chưa thấy đơn vị nào báo cáo kết quả kiểm tra loại mặt hàng này.

Cục phó An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Đáng cho biết, cơ quan này cũng chưa hề có thông tin và mẫu các nguyên liệu trà sữa trôi nổi nên chưa thể kiểm định chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nếu sản phẩm dùng phẩm màu hoặc hóa chất ngoài quy định của Bộ Y tế sẽ rất dễ gây ngộ độc, dùng lâu dài có thể gây ung thư.

Trong khi đó, để tự cứu mình trước khi nhà quản lý thực hiện chức năng, các công ty kinh doanh mặt hàng này đã có nhiều quy định chặt chẽ với các đại lý như: biển hiệu rõ ràng, giá cả niêm yết, cam kết về sử dụng nguồn hàng... "Yela đã yêu cầu các chủ đại lý khi ký hợp đồng phải cam kết sử dụng 100% sản phẩm do chúng tôi cung cấp và tuân theo quy trình pha chế chuẩn do công ty đưa ra. Ngoài ra, đại lý phải dùng đá sạch của các cơ sở sản xuất có đăng ký để pha chế. Bản thân Công ty cũng có đội quản lý chất lượng để đảm bảo chất lượng pha chế của từng cốc trà sữa khi đến tay người tiêu dùng" - ông Dũng nói.

Các công ty nhập khẩu trà khuyến cáo: Khách hàng cần cảnh giác với những hàng trà không rõ nguồn gốc rất dễ gây ngộ độc và ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
Bánh kẹo quá 'đát' tràn lan


Bánh hộp ngoại sửa "đát" bị phát hiện tại kho hàng số 77-79 đường Vành Đai Trong quận Bình Tân, TP HCM.
Gần đây lực lượng quản lý thị trường TP HCM liên tục phát hiện các vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh, trong đó nổi bật là mặt hàng bánh kẹo, sữa bột...

Theo nhận xét của giới kinh doanh, sở dĩ các mặt hàng bánh kẹo, sữa bột ngoại nhập đang tràn ngập thị trường trong nước là do gần đây, hàng nội tăng giá liên tục đã tạo điều kiện cho hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... lấn sân. Nguồn hàng kém chất lượng cũng được tuồn về ngày càng nhiều.

Khảo sát các chợ tại TP HCM như: Bình Tây (quận 6), Tôn Thất Đạm (quận 1), An Đông (quận 5), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)... nhận thấy bánh, kẹo ngoại được bày bán rất nhiều, nhiều hơn cả thời điểm cận tết.

Bà Nguyệt, chủ một sạp bánh kẹo tại chợ Bình Tây, cho biết: “Bánh kẹo, sữa của các hãng sản xuất trong nước từ tết đến nay cứ tăng giá liên tục, tính sơ sơ đã tăng đến 30%, trong khi phần lớn hàng ngoại cùng chủng loại đều không tăng giá nên giới kinh doanh đổ xô bán hàng ngoại”.

Giá nhiều loại bánh hộp thiếc ngoại nhập khá “mềm”, chỉ khoảng 35- 40 nghìn đồng/hộp (loại 800 gr), trong khi đó bánh nội giá 50-60 nghìn đồng/hộp. Các loại bánh ngoại giá rẻ được tiêu thụ rất mạnh, nhất là ở các chợ lẻ. Tuy nhiên, nếu xem kỹ loại hàng này dễ nhận thấy đa số đã gần quá “đát” hoặc “tìm đỏ con mắt” cũng không thấy “đát”. Nhiều loại còn được in lại “đát” rất lem nhem.

Ngày 25/4, Đội 4A Quản lý Thị trường (QLTT) TP HCM phát hiện tại kho số 4 thuộc cụm kho của Công ty Thiết bị Vật tư TP HCM (số 336/16/1 Nguyễn Văn Luông, quận 6) đang chứa 602 thùng bánh quy hiệu Fushilai, 55 thùng kẹo do Trung Quốc sản xuất đều không ghi ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng.

Trước đó, ngày 28/3, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện xe tải đang xuống hàng bánh ngọt tại trụ sở DNTN Phong Phong Sương (số 20 Trần Xuân Hòa, quận 5) do ông Tăng Xiêu Quyền làm giám đốc, phát hiện 28 thùng bánh ngọt (6 hộp/thùng) mang nhãn hiệu Happiness-Kerk do Malaysia sản xuất đều bị tẩy xóa, sửa lại “đát” đến ngày 4/3/2006.

Kiểm tra tiếp kho hàng số 77-79 đường Vành Đai Trong, xã Bình Trị Đông B, quận Bình Tân của Công ty TNHH TM Văn Hoa, cơ quan chức năng phát hiện thêm 429 thùng bánh cùng nhãn hiệu trên đều hết “đát” từ tháng 9 và tháng 11/2004.

Tại kho này, cơ quan chức năng còn phát hiện một hộp mực màu tím dùng để sửa “đát” và hàng nghìn thùng bánh hộp có xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia đều không có hóa đơn, chứng từ. Ông Quyền khai nhận ông chỉ là người đứng tên còn mọi hoạt động là do ông Chang (người Singapore) điều hành. Việc chỉnh sửa "đát" được thực hiện từ cuối năm 2004.

Mới đây, ngày 9/5, Đội 12B QLTT TP HCM phát hiện một xe tải của Công ty Thực phẩm Tiên Bửu đang vận chuyển 98 thùng sữa bột đi tiêu thụ đều không có hóa đơn, chứng từ. Kiểm tra tiếp trụ sở công ty (số 459/7 thuộc khu phố 3, phường Tân Thới Hiệp, quận 12) cơ quan chức năng phát hiện thêm 53 thùng sữa bột được đóng thành lon, hộp, bịch với 6 chủng loại khác nhau.

Các loại sữa này đều được giới thiệu khá hấp dẫn. Chẳng hạn loại sữa béo nhạt được giới thiệu có chức năng ngăn ngừa béo phì, tiểu đường và chống loãng xương. Sữa nguyên kem có DHA, Taurine dùng cho trẻ 1 - 15 tuổi. Sữa Dairy tăng cân, phát triển thể lực, thông minh hơn. Đặc biệt, loại sữa nguyên kem dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên trên bao bì ghi “Được nhượng quyền bởi tập đoàn Inter Milk, nguyên liệu nhập từ Australia” nhưng ngày sản xuất lại ghi “lố” đến cả tháng.

Công ty Tiên Bửu đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ về nguồn gốc nguyên liệu, cũng như giấy xác nhận nhượng quyền. Vì vậy ông Tạ Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Tiên Bửu, đã phải thừa nhận với cơ quan chức năng là tập đoàn nhượng quyền do ông... tưởng tượng ra. Vụ việc này đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra (đã lấy mẫu xét nghiệm) vì nghi ngờ nguyên liệu sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc (căn cứ trên sổ sách cho thấy giá nguyên liệu rất rẻ).

Mới đây, Đoàn Thanh tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm do Sở Y tế TP HCM tổ chức đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cửa hàng, công ty, cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn TP phát hiện nhiều trường hợp vi phạm các quy định hiện hành. Đa số nguyên liệu sữa đều không có hóa đơn chứng từ, không công bố chất lượng, không ghi địa chỉ sản xuất, không ghi hạn sử dụng... Thậm chí có cơ sở còn ghi tăng “đát”. Nhiều mẫu sữa sau khi kiểm tra không đạt chất lượng như đăng ký. Nhiều loại vitamin được ghi trên bao bì nhưng khi kiểm tra thì không có...

Bà Trần Bích Dương, Đội phó Đội 3A QLTT TP HCM, chuyên chống hàng giả, cho NLĐ biết trong quá trình kiểm tra mặt hàng này, QLTT đã phát hiện một số cơ sở còn sử dụng nguyên liệu sữa cận “đát” hoặc hết “đát” từ các bao 25 kg để sang chiết, đóng gói thành các bao, hộp nhỏ, ghi lại “đát” đưa ra thị trường tiêu thụ.
 
Ngộ độc rau


Người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận khi chọn mua rau xanh trong mùa nắng nóng.
Liên tiếp trong những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Tây) có nhiều người bị ngộ độc do ăn rau xanh. Đáng lo ngại là hiện nay, mỗi ngày tỉnh Hà Tây cung cấp hàng chục tấn rau xanh cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Hiện tượng này gây lo ngại không nhỏ cho người tiêu dùng, nhất là trong những ngày hè nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ về rau xanh rất lớn.

Ngày 14/5, tất cả mọi người trong gia đình chị Phan Thị Hòa ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đều bị đau bụng, buồn nôn và hơi khó thở sau khi ăn rau muống luộc. Riêng mẹ chồng chị bị ngộ độc nặng, phải đi cấp cứu tại bệnh viện mới vượt qua cơn hiểm nghèo.

Trước đó 3 ngày, gia đình các chị Nguyễn Thị Thảo, Lê Thị Hiền (gồm nhiều người) ở xã Cấn Hữu cũng bị ngộ độc nhẹ sau khi ăn dưa chuột không gọt vỏ và rau bắp cải luộc.

Các gia đình này đều cho biết, rau mà họ mua về trông bề ngoài vẫn xanh tươi như bình thường và trước khi ăn họ đều rửa kỹ nhiều lần và ngâm trong nước sạch từ 5 đến 10 phút.

Cán bộ y tế tại địa phương cho PV TTXVN biết, đây có thể là những loại rau mới được phun thuốc trừ sâu hoặc thuốc kích thích sinh trưởng, nhưng chưa đủ thời gian cho phép đã thu hoạch, đem bán cho người tiêu dùng.
 
oạch, thế này thì xong phim... bao nhiêu món ngon ngọt bây giờ gạch hết tên. Không hiểu trà sữa trân châu ở SG thế nào :((
Mình uống quen 1 hàng của ông già tàu nữa chứ... chẹp. kiểu này bây giờ cứ ăn chay là hay hơn cả... t.t
 
Khi rượu là thuốc độc


Quá nhiều “rượu Gò Đen” tại Gò Đen, Long An.
Người uống rượu trước đó chỉ biết chất lượng rượu thông qua người bán lẻ, người bán lẻ thì dựa vào người bỏ mối... Chỉ đến khi sự cố xảy ra, mọi người mới "té ngửa" ra rằng: không ai chịu trách nhiệm về chất lượng của các loại rượu đang được bày bán công khai!

"Có rất ít thương hiệu rượu đang bày bán trên thị trường có kiểm định về chất lượng, tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, quy định của nhà nước. Hầu hết các loại rượu vẫn được người dân sử dụng là do các cơ sở nhỏ, lẻ. Có cơ sở mặt bằng sản xuất chỉ 9m2, giá bán 1 lít rượu 7.000 đồng, luôn cả chai nhựa. Làm sao rượu gạo hay rượu nếp có giá thành như thế? Chỉ có một cách sản xuất những chai rượu giá bèo: cồn pha nước cộng với mùi! Muốn mùi gì ở chợ Kim Biên cũng có, kể cả mùi nếp, mùi men...", một chuyên gia về rượu đã khẳng định như thế.

Đi dạo một vòng qua những cửa hàng tạp hóa nhỏ, lẻ, những quán nhậu bình dân ở TP HCM... PV Thanh Niên không thể tìm ra một sự bảo chứng về các loại rượu đang được bày bán công khai cho khách nhậu.

Rượu nào khi được hỏi tới cũng được khẳng định là "rượu đế nếp nguyên chất", nhưng đến khi hỏi kỹ về nơi sản xuất thì người bán lại tỏ ra rất mù mờ...

Theo một cán bộ phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế TP HCM thì cơ quan chức năng (Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng) chỉ kiểm tra những cơ sở sản xuất rượu có đăng ký, có công bố chất lượng với cơ quan quản lý.

Trước đây, có tình trạng những người nấu rượu dùng thuốc trừ sâu "bắn" vào rượu để cải thiện tình trạng rượu bị đục sau khi nấu, còn hiện nay họ thường sử dụng cồn công nghiệp để pha thêm vào rượu. Cồn công nghiệp có chứa methanol (CH3OH) với hàm lượng lớn, trong khi methanol có thể gây ngộ độc cấp tính.

Đến nơi từng cho ra đặc sản đế Gò Đen nổi tiếng, giờ đây có cảm giác như rơi vào một mê cung của những thứ rượu trắng đáng ngờ.

Trên một đoạn Quốc lộ 1A chưa đầy 200m xuyên địa danh Gò Đen của huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đếm được hơn 50 cửa hàng bày bán rượu đế với bảng hiệu là một tấm carton kê đứng, mấy cái bình nhựa chứa đầy chất lỏng, đặt sát mép đường.

Tại tất cả các cửa hàng bán rượu ở đây, dù cố tìm cũng không lấy đâu ra được một thông tin về các lò nấu rượu ở Gò Đen. Không cửa hàng nào chứng minh được cho khách nguồn gốc loại rượu họ bày bán, chứng nhận rượu đã qua kiểm định chất lượng, thành phần...

Ông Lê Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cảnh báo: "Tất cả những tụ điểm kinh doanh rượu dọc tuyến Quốc lộ 1A đều không có đăng ký, nếu mua thì coi chừng rượu giả, không an toàn tính mạng. Tại đây, không một cơ sở sản xuất nào cho ra lò loại rượu mang thương hiệu Gò Đen. Tóm lại, các cửa hàng bán rượu ở khu vực Gò Đen không chịu bất kỳ một sự quản lý nào của cơ quan chức năng địa phương. Chúng tôi đến thì họ chạy, chúng tôi đi thì họ lại tiếp tục bày ra bán tiếp".

Cuối tháng 4, từ vụ 10 người liên tiếp chết vì bị ngộ độc methanol, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh An Giang đã lấy 100 mẫu rượu trắng từ các cơ sở sản xuất, điểm bán lẻ trên địa bàn 2 huyện Phú Tân, Tân Châu và TP Long Xuyên để xét nghiệm. Kết quả phân tích cho thấy có đến 99% mẫu rượu không đạt tiêu chuẩn. Điều này cho thấy rượu không đạt chất lượng đang là một nguy cơ thực sự đối với cộng đồng.

Theo một số chuyên gia trong ngành rượu, trong quy trình nấu rượu, khâu chưng cất chiếm một vị trí rất quan trọng. Nếu người nấu khống chế được nhiệt độ, áp suất thì sẽ tách được một số chất có hại trong rượu như: methanol, acid, furfurol, aldehyt, acétaldehyt... Nhưng tại một số lò nấu rượu thủ công, do thiết bị đơn sơ, thiếu kiến thức khoa học cần thiết, những chất này không được tách ra, hòa lẫn trong rượu thành phẩm. Chưa hết, trong quá trình xử lý nhiên liệu, nuôi cấy, ủ men... những loại tạp chất và men, mốc không cần thiết vẫn còn, tác động xấu đến chất lượng và độ ổn định của rượu. Rượu chứa quá nhiều methanol (uống vào làm môi hơi tê) chỉ cần 1 xị là đủ đe dọa tính mạng một người; rượu chứa nhiều chất gốc acid gây khát nước, tê họng, lở niêm mạc bao tử, xuất huyết bao tử; rượu chứa nhiều aldehyt sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương...
Ngày xưa, rượu thường được chôn dưới đất (làm thành rượu lâu năm) và trong quá trình lão hóa, những chất có hại trong rượu dần dần được chuyển hóa. Bây giờ, hầu hết các loại rượu vừa cất xong là xuất xưởng, tung ra thị trường để tiêu thụ ngay, chẳng ai quan tâm đến những chất độc hại còn trong rượu - kể cả người bán và người nấu rượu.

Các cơ quan chức năng địa phương cũng không thể kiểm tra ngay tại nơi sản xuất bởi các cơ sở (hoặc lò) nấu rượu không hề đăng ký và chịu bất cứ một sự ràng buộc pháp luật nào. Chưa kể việc những lít rượu trên đường từ lò đến tay người tiêu dùng còn được pha thêm với bao nhiêu là thứ để tăng lợi nhuận, giảm giá thành...
 
Làm giả sữa bột ngoại

Lúc 9h10 hôm qua, Đội Quản lý thị trường 12B (TP HCM) phối hợp bắt quả tang Công ty TNHH Tiên Bửu (459/7 khu phố 3, phường Tân Thới Hiệp, quận 12) đang xuất bán các loại sữa bột "ăn theo" các nhãn hiệu nước ngoài.

Các loại sữa bị làm giả gồm: sữa dành cho người gầy Gaunt Milk, sữa Úc béo nhạt, sữa Úc nguyên kem (hộp và lon), sữa Dairy, sữa Enter Milk nguyên kem.

Trên bao bì nhiều sản phẩm, ngày tháng sản xuất được "kê" lên đến một tháng (chẳng hạn ghi ngày sản xuất là 10/6/2005). Đặc biệt, trên lon sữa Úc có ghi dòng chữ "Được sự nhượng quyền của Tập đoàn Enter Milk”, song ông Tạ Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Tiên Bửu thừa nhận tên Tập đoàn "Enter Milk" là do công ty ông tự đặt chứ trên thực tế không có.

Theo dõi đợt kiểm tra này, Thanh Niên cho hay, tổng cộng gần 200 thùng sữa (với hơn 4.800 hộp và lon) đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để làm rõ.
 
Rau sạch sạch cỡ nào?

Tại quầy rau của Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu, khách hàng nhìn thấy một bắp cải úng lá, bên trên có cả một con sâu to tướng đang bò! Nghe phản ánh, một nhân viên siêu thị đến quan sát sâu, thản nhiên dùng tay bóp chết ném xuống đất rồi bỏ đi không một lời giải thích.

Đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, các siêu thị trên địa bàn TP HCM đều bố trí quầy kệ để kinh doanh rau sạch, rau an toàn. Đây là nguồn hàng ổn định lấy từ các trang trại, nhà vườn trồng rau sạch ở Đà Lạt, Củ Chi, Đồng Nai...Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng rau an toàn bày bán tại siêu thị bị úng thối, có sâu, vàng lá, ảnh hưởng đến chất lượng rau.

Chị Thanh Vân, nhà ở quận 11, kể: "Vừa qua tôi vào siêu thị Co.opMart Đầm Sen mua rau an toàn. Nhưng chọn lựa mãi, tôi đành về tay không vì rau ở đây quá xấu, cầm búp xà lách lên đã thấy sâu, bắp cải úng trong ruột, lá rau thơm vàng úa hơn phân nửa".



Không riêng gì Co.opMart Đầm Sen mà tại nhiều Co.opMart khác, kể cả tại Maximark, tình trạng tương tự cũng xảy ra. Trong vai một khách hàng đi siêu thị, tại quầy rau của Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu, PV Người Lao Động bất ngờ khi nhìn thấy một bắp cải úng lá, bên trên có cả một con sâu to tướng đang bò! Nghe phản ánh của chúng tôi, một nhân viên siêu thị đến quan sát sâu, thản nhiên dùng tay bóp chết ném xuống đất rồi bỏ đi không một lời giải thích.

Còn tại Maximark, trong trường hợp tương tự, một nhân viên đứng quầy vô tư “nhét” cây cải có sâu và úng vào trong, đưa cây cải tươi ngon ra ngoài và giả lơ không nói gì. Quan sát kỹ, không riêng rau xà lách có nhiều sâu mà trong các loại rau khác như rau dền, mồng tơi, cải xanh... tỷ lệ sâu, dập úng, hư hao cũng rất cao.

Co.opMart, Maximark cho rằng do thời tiết nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng rau, dẫn đến tình trạng rau mau bị úng thối, có sâu, chất lượng giảm sút. Thế nhưng, câu trả lời này vẫn chưa mang tính thuyết phục, vì thực tế cũng những mặt hàng này, nhưng tại hệ thống Big C, Citimart và các cửa hàng rau an toàn, rau bày bán vẫn rất tươi ngon. Qua tìm hiểu, PV Người Lao Động thấy rằng rau cải những nơi này được nhân viên sơ chế cẩn thận, phần có sâu và lá úng được cắt bỏ, lá úa và lá hư thì được tỉa sạch.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Maximark Cộng Hòa, cho biết hiện Maximark ký hợp đồng với 3 đơn vị cung cấp rau an toàn. Khi ký hợp đồng, Maximark dựa trên bảng công bố chất lượng sản phẩm của đơn vị cung cấp và thường xuyên có những đợt kiểm tra riêng. Mỗi đơn vị đều có đội ngũ tiếp thị trực tiếp trưng bày, giới thiệu, bán hàng và siêu thị có bố trí nhân viên siêu thị tại khu vực này để kiểm tra, giám sát. Để xảy ra sự việc như trên có lẽ do “sơ sót” của nhân viên đứng quầy.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, khẳng định từ khi kinh doanh rau an toàn đến giờ chưa từng nghe phàn nàn gì về chất lượng rau. Chủ trương của Ban Giám đốc Saigon Co.op là nâng cao chất lượng phục vụ, giảm giá thành sản phẩm đến mức thấp nhất. Để rau úng, rau sâu bán cho khách hàng là trách nhiệm của mậu dịch viên Co.opMart, tình trạng này sẽ nhanh chóng được chấn chỉnh.

Bà Hạnh cho biết thêm: “Hiện nay mỗi ngày toàn hệ thống Co.opMart tiêu thụ khoảng 7-8 tấn rau. Chúng tôi đã ký hợp đồng với 6 nhà cung cấp có giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn. Ngoài những đợt kiểm tra chung của các ban ngành, Saigon Co.op còn có những đợt kiểm tra riêng, tổ chức lấy mẫu rau xét nghiệm, nếu phát hiện sản phẩm của nhà cung cấp nào không đạt tiêu chuẩn an toàn thì sẽ lập tức ngưng đặt hàng. Thực tế là đã có nhiều trường hợp chúng tôi phải cắt hợp đồng với nhà cung cấp vì rau không đạt tiêu chuẩn (các chỉ tiêu vi sinh, hóa sinh, dư lượng thuốc trừ sâu)”.

Thực tế hiện nay là đa số người tiêu dùng vẫn tin rằng rau an toàn bán ở siêu thị an toàn. Nhiều người còn tin rằng rau... có sâu mới là rau an toàn (do không xịt thuốc trừ sâu). Có lẽ cần xem lại quan niệm này, bởi theo chúng tôi rau an toàn thì bên cạnh yếu tố an toàn, người tiêu dùng còn đòi hỏi rau phải sạch, cho dù tiêu chuẩn “sạch” chỉ được đánh giá thông qua mắt thường là không có lá úa, không có sâu...

Khu vực chợ tự phát xung quanh chợ Thị Nghè, Bà Chiểu (Bình Thạnh), Nhị Thiên Đường, Rạch ông (quận 8)... và các chợ nhỏ quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp là “thiên đường” của đối tượng buôn bán thực phẩm kém chất lượng. Vốn nổi tiếng là nơi tiêu thụ thịt heo nguội, thời gian gần đây chợ Nhị Thiên Đường còn là nơi tiêu thụ cá... ươn. Cá phi, cá tra, cá chép, cá cột cầu... của nhiều hộ nuôi ở quận 8, huyện Bình Chánh gặp nắng nóng bị sặc phèn, chết ngộp đều đổ đây bán. Cá tra, ba sa được làm sẵn, cắt khúc, ướp đá (giá 12.000-17.000 đồng/kg) trộn với huyết tươi nhưng do cá đã chết quá lâu, thịt có trắng bệch nên huyết heo và thịt cá không thể thấm vào nhau. Buổi chiều, dọc theo đường Bùi Hữu Nghĩa (đoạn chợ Bà Chiểu), người bán kê hàng san sát nhau và lấn ra gần đến nửa đường. Nhìn bằng mắt thường cũng đủ nhìn thấy đây là hàng tồn đã được người bán sơ chế. Tôm, cá chủ yếu là hàng ướp lạnh, đổ đống trên mâm lẫn với nước đá. PV chứng kiến nhiều người bán lôi ra từ thùng mốp từng tảng thịt heo, gà còn nghi ngút khói lạnh và cho vào từng túi ni lông. Điều lạ là tuy được ướp lạnh nhưng nhìn bề ngoài, thịt vẫn giữ được sắc tươi hồng giống như thịt mới.
 
Gà lưu kho 3 tháng

Theo kết quả kiểm nghiệm của Chi cục thú y thành phố với mẫu thịt gà trong số 1,5 tấn gà bị bắt giữ, các tiêu chuẩn về vi sinh vật đều không đạt: Có khuẩn Salmonella (không được phép có trong thực phẩm), vi khuẩn hiếu khí, ecoli vượt mức. Số gà này nằm trong lô hơn 26 tấn đã được giết và nhập kho từ tháng 1.


Gà kém chất lượng bị phát hiện.
Tuy nhiên, khi tường trình với cơ quan chức năng, ông Trương Trường Sơn, chủ cơ sở cùng tên, cũng là chủ 19 tấn thịt gà và lòng gà đang trữ lạnh tại kho Panasato trong khu công nghiệp Sóng Thần và lô thịt gà bị bắt tại TP HCM, cho biết, trước khi xuất kho, lô hàng này vẫn đảm bảo chất lượng, không bị dịch cúm gia cầm, có chứng nhận kiểm dịch động vật của thú y Đồng Nai.

Ông Sơn cho VnExpress biết thêm, thủ tục đưa hàng ra khỏi kho, phương tiện vận chuyển, bảo quản và chất lượng hàng sau khi xuất kho do phía Hoàng Anh chịu trách nhiệm. "Đối với các sản phẩm thực phẩm qua giết mổ, bảo quản cấp đông, sản phẩm đầu vào tốt vẫn có thể bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, nếu như các khâu tiếp theo không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Nhưng trong suốt quá trình từ khi cơ sở Hoàng Anh nhận hàng, chúng tôi không nhận được phản hồi về chất lượng hàng không đảm bảo của cơ sở Hoàng Anh và của người tiêu dùng", ông Sơn nói.

Cũng theo tường trình của ông Sơn, số hàng trên có nguồn gốc từ gà sống mua của Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam tại Trảng Bom, Đồng Nai. Nhưng do gà sống không tiêu thụ được nên cơ sở buộc phải giết mổ, cấp đông, chờ nhu cầu thị trường. Từ ngày 18/1 đến 30/1, ông Sơn đã nhập kho cấp đông Panasato tổng cộng 26,6 tấn gà đã qua giết mổ. Đến ngày 20/4, cơ sở bắt đầu bán hàng cho cơ sở Hoàng Anh, quận Phú Nhuận, TP HCM với phương thức giao hàng tại kho lạnh, giá 12.500 đồng/kg. Hoàng Anh vận chuyển hàng bằng xe tải 57H-5047, do ông Nguyễn Thanh Quang lái, đã nhận tổng cộng 7,58 tấn thịt gà từ ngày 20 đến 29/4. Đây cũng là xe chở 1,5 tấn thịt gà kém chất lượng bị các cơ quan chức năng TP.HCM bắt giữ vào trưa 30/4.

Theo ông Nguyễn An Hòa, Phó Chánh Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM, kết quả điều tra đến nay số liệu gà tồn kho khác xa so với khai báo ban đầu của Công ty Trương Trường Sơn và kho lạnh tại Bình Dương. Tổng hợp từ các phiếu nhập kho, số gà tồn trong kho còn 18.944,5 kg, gấp hơn 6 lần khai báo ban đầu. Tính tới phiếu xuất kho cuối thì lượng hàng xuất ra là 10.163 kg. Ông An Hòa cho biết thêm, ngoài vận chuyển cho công ty Trương Trường Sơn, Công ty Hoàng Anh cũng có gà gửi tại kho lạnh.
 
Xử lý vụ gạo mốc Ninh Thuận

Ngày 6/5, Tổng công ty Lương thực Miền Nam đã có biện pháp xử lý đối với các cá nhân trong Xí nghiệp lương thực Thuận Ninh liên quan đến vụ cung cấp gạo cứu trợ kém chất lượng cho dân.

Tổng công ty quyết định tạm đình chỉ chức vụ Phó Giám đốc công ty lương thực Bình Thuận, kiêm Giám đốc Xí nghiệp lương thực Ninh Thuận đối với bà Hoàng Trang Thanh trong thời hạn 3 tháng. Chỉ đạo công ty lương thực Bình Thuận tạm đình chỉ chức vụ trong 3 tháng đối với Châu Kim Cường, Phó phòng Tổng hợp và Nguyễn Đình Hải, nhân viên Phòng Tổng hợp Xí nghiệp lương thực Ninh Thuận. Quyền Giám đốc công ty lương thực Bình Thuận phải tự kiểm điểm trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh đơn vị trực thuộc.

Tổng công ty thống nhất với thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh chuyển vụ việc sang cơ quan pháp luật làm rõ và xử lý.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có kết luận về vụ việc này: Số gạo kém chất lượng đã phát cho dân thuộc nguồn gạo Xí nghiệp lương thực Ninh Thuận cung cấp theo yêu cầu của UBND tỉnh, chứ không phải nguồn gạo dự trữ của Chính phủ hỗ trợ.

Theo Lao Động, trong quá trình bảo quản, xí nghiệp đã không tuân thủ đầy đủ các quy trình kỹ thuật, khi phát hiện gạo kém chất lượng lại xử lý không dứt điểm và không báo cáo kịp thời.

Về phía UBND tỉnh, Chủ tịch sẽ nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong khâu chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát để báo cáo Thường vụ Tỉnh uỷ và báo cáo Thủ tướng.

Chủ tịch UBND các huyện Ninh Hải, Ninh Phước phải kiểm điểm trách nhiệm của mình và các cá nhân, đơn vị trực thuộc, báo cáo UBND tỉnh.
 
Ngộ độc rượu dân tộc

Tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) hầu như ngày nào cũng phải tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu cấp (mức độ nguy kịch). Chỉ tính từ 16/1 đến 12/3 đã có 38 bệnh nhân ngộ độc rượu cấp, chủ yếu là ở độ tuổi sung sức nhất 20-40.

Các bác sĩ ở đây cho biết hầu như các loại rượu dân tộc được bày bán tràn lan ở Hà Nội hiện nay chưa được kiểm định về độ an toàn.

Bước chân vào bất kỳ một quán rượu dân tộc nào, cảnh tượng đập vào mắt là các hũ rượu, chum rượu dán giấy hồng với các hàng chữ Hoa bằng mực Tàu ghi tên các chủng loại rượu. Nào là tên của các vị hoàng đế Trung Quốc như rượu Minh Mạng, rượu Càn Long cho đến tên các loại sản vật quý hiếm như rượu bìm bịp, rượu ngọc dương, rượu ong chúa, ngũ xà, cửu xà, bọ cạp, bạch cúc tửu, trường xuân tửu... Loại nào cũng đủ các thành phần quý, hiếm và đặc biệt là rất bổ, đầy gọi mời như "thập toàn đại bổ", "cường dương bổ thận", "tráng thận, tráng dương", "trường sinh bất lão"... Một số loại còn được chủ quán "chua" thêm: "Đây là thứ rượu ông uống bà khen". Giá dao động 20.000-60.000 đồng/be hoặc chai.

Bên trong quán là những dãy bàn ghế gỗ, ghế mây được mô phỏng theo các không gian quán xá ngày xưa... và rất đông thực khách. Bây giờ, ở Hà Nội, cùng với bia hơi thì rượu dân tộc dường như đã trở thành một cái "mốt" của tầng lớp 20-40 tuổi. Người ta uống rượu vì bất cứ lý do gì: buồn, vui, sinh nhật, lâu lâu gặp nhau, mừng thắng lợi sau một phi vụ làm ăn, hay chỉ đơn giản là đang mưa gió không biết đi đâu, làm gì... Nguyễn Giao, công ty Xây dựng Hà Nội, là một trong những khách quen của quán rượu quê trên đường Âu Cơ. Giải thích lý do hay đến quán, Toàn bảo ở đó có nhiều món ăn lạ ở nông thôn như rạm om lá nốt, rô ron rán giòn, sung, khế chấm với tương..., toàn những thứ không dễ tìm ở chốn đô thị. Minh, nhân viên một công ty phần mềm thì chọn quán rượu dân tộc vì thích không gian yên tĩnh và đồ ăn ngon với giá cả phải chăng.

Theo quan sát của PV Kinh Tế Đô Thị, trong hàng trăm quán rượu dân tộc đang mọc lên nhiều như nấm sau mưa ở đất Hà Nội này, không nhiều quán có nguồn rượu "xịn". Chủ một quán rượu đã giải nghệ cho biết, thậm chí có tới cả chục quán cùng nhập chung rượu từ một "đầu nậu". Nguồn sản xuất thì lấy từ đủ các nơi Sơn Tây, Hoà Bình, Lai Châu, Thanh Hoá... đủ cả. Có thể khẳng định chất lượng rượu làm đảm bảo ngon và an toàn bởi nếu không đạt được các yếu tố như vậy, người giao hàng sẽ mất mối làm ăn ngay. Chỉ có điều sau khi nhập về hầm rồi, khâu pha chế tỷ lệ cồn, nước lã và các hương liệu làm tăng mùi thơm là bao nhiêu để bán cho khách mới nảy sinh ra những nguy hiểm. Khách hàng tinh ý chỉ cần nếm rượu trong các bình thuỷ lớn quảng cáo trên quầy với rượu để trong các be, chai bán cho khách là phân biệt được ngay. Rất ít khi khách có thể yêu cầu chủ quán cho uống loại rượu chắt trực tiếp từ bình lớn vì giá thường chênh lệch gấp đôi so với trong be, chai đóng sẵn và các ông chủ quán cũng không muốn bán như vậy.

Hầu hết rượu sau khi pha chế đều không được kiểm định chặt chẽ nên tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao. Một ông chủ quán rượu "bật mí": "Dăm thì mười hoạ cán bộ y tế dạo qua kiểm tra lấy lệ, "nháy" nhau một cái là xong liền! Tại một số vùng nông thôn, để cho rượu thêm độ trong vắt, người ta còn cho thêm cả một ít... thuốc trừ sâu". Cho nên chuyện ngộ độc rượu cấp đến mức tử vong cũng không phải là lạ.

Là một trong những người nằm trong danh sách các bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu của Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tháng 3 vừa qua, anh Mạnh (Cầu Giấy) kể: "Mới uống được vài chén, thấy choáng váng thì chỉ nghĩ là do trong người không được khoẻ. Về được đến nhà rồi thì nôn oẹ liên tục, mấy tiếng sau chân tay run lên, không tự điều khiển được nữa. May mà gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời".

Người bị ngộ độc rượu có triệu chứng như vã mồ hôi, huyết áp cao, không tự điều khiển cơ thể, chân tay co giật, mê sảng... Khi phát hiện người bị ngộ độc rượu nếu còn tỉnh thì móc họng bệnh nhân cho nôn ra. Còn khi đã hôn mê thì cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay và cần được giữ ấm và tránh để bệnh nhân bị nôn. Tốt nhất là để bệnh nhân nằm nghiêng về bên trái để tránh bị nôn sặc vào phổi.
 
Lộn xộn làng rượu Gò Đen

Ở làng “danh tửu” Gò Đen, nhà nhà nấu rượu không đăng ký, nhà nhà kinh doanh rượu không kiểm nghiệm. Hàng chục nghìn lít rượu ra lò bán trôi nổi mỗi ngày. Tại chợ Gò Đen, chỉ trong khu vực khoảng 200m dọc quốc lộ đã có gần 50 tiệm bán rượu.

Anh Bắc, chủ một tiệm rượu ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An, chào hàng: “Muốn lấy rượu giá nào cũng có. Nếu bán cho nhà hàng thì lấy loại 15.000-20.000đ/ lít. Bán cho quán nhậu bình dân thì loại 5.000-6.000 đồng. Loại nào cũng 40-45 độ!”.

PV Tuổi Trẻ trong vai dân đi cất rượu ra vẻ “sành”: “Loại 5.000 đồng/lít là anh phải pha khéo, không ngửi thấy mùi cồn sống tui mới chịu. Sau vụ mấy ông ở An Giang chết vì ngộ độc rượu, khách cẩn thận lắm”.

Chủ quán giải thích: “Đó là những chỗ khác người ta chấm thuốc rầy vô rượu, kiểu đó xưa rồi. Ở đây dùng men nấu rượu của Trung Quốc. Cồn có sẵn trong men luôn, vừa trong vừa nặng độ lại không nghe mùi cồn”.

Anh còn dặn thêm: “Loại rượu rẻ tiền này thì lúc nào cũng có. Còn rượu nếp đặc biệt ngon mua để uống, tặng bạn bè thì phải gọi điện thoại đặt trước một tuần lễ. Loại này phải ủ lâu và nấu kỹ lắm. Rượu này mà pha nước lã vô không bị chua. Hễ bán thì 20 lít cô pha ra 25 lít, để hoài cũng không sao”.



Trong khoảng 200 m dọc quốc lộ đã có gần 50 tiệm bán rượu.

“Thượng vàng hạ cám đều có cả!", ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lợi, thở dài. Nguồn rượu dỏm chủ yếu bán cho khách đi đường, bán lên Sài Gòn và các tỉnh. Đã vậy các thương lái còn pha thêm nước lã với cồn. Ở làng rượu hàng trăm năm này chỉ có dân kinh doanh rượu là giàu, còn những ông bà già nấu có tiếng xưa nay giờ đã úp kháp bỏ nghề gần hết.

Ông Tám Minh, một trong ít lão nông “nặng nợ” với những “giọt nước mắt quê hương”, ngậm ngùi: “Rượu Gò Đen có hương vị độc đáo. Nó thành di sản, là một phong cách văn hóa ẩm thực. Nếu người Nga có rượu vodka, người Nhật có sake, dân Pháp tự hào với bordeaux thì người Việt cũng có rượu đế".

Nhiều đoàn khách nước ngoài đến nghiên cứu, kể cả bỏ đôla để mua bí quyết. Nhưng có khéo bắt chước cách mấy, họ cũng không sao cất được hương vị giọt rượu Gò Đen. Vậy mà chính người Gò Đen đang đánh mất đặc sản của quê hương. "Nhìn làng rượu ngày càng buôn bán rầm rộ nhưng hương vị lạt dần, đau lòng lắm! Còn một cái kháp nhỏ tui cũng ráng giữ nghề cho con cháu”, ông Minh quả quyết.

Ông Tám đưa khách tham quan gian bếp ấm nồng men rượu. Đúng là gian bếp chỉ còn mỗi một cái kháp tròn nhỏ đặt trên ba ông đầu rau cùng ba chiếc thùng ủ. “Ngày trước nấu ba bốn kháp, còn bây giờ nấu cầm chừng cho đỡ nhớ. Chủ yếu là nấu cho đám tiệc”.

Ông Tám vốc một nắm nếp tròn mẩy, giải thích: “Rượu Gò Đen có nhiều nhưng uống một lần để ngất ngây say, để mềm môi nhớ đời thì rượu phải được nấu bằng chính loại nếp trồng tại địa phương (nếp mỡ, nếp mù u, nếp hương, nếp thổ địa, nếp than đen tuyền cả hạt...)”.

Sau khi chọn nếp ngon nấu thành cơm nếp, để nguội thì rắc men vào ủ bằng loại men mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc: quế khâu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương...

Sau ba đêm tiếp tục chan nước rồi để ba đêm sau nữa nấu. Chỉ riêng khâu ủ men truyền thống đã mất gần một tuần (trong khi ủ bằng men Trung Quốc chỉ mất ba ngày).

Ông Tám nói: “Đặc biệt hơn nữa, cái thứ chắt lọc tinh túy của thời gian, men nồng, nếp thơm, lửa đượm này phải được chan bằng nước Gò Đen, nấu trong không khí Gò Đen mới có mùi vị đặc sắc”.

Khu vực Gò Đen, huyện Bến Lức hiện có ba xã nấu rượu nhiều nhất: Phước Lợi, Phước Hiệp, Mỹ Yên với hơn 2.000 hộ nấu rượu bán. Hàng nghìn hộ nấu rượu, hàng trăm hộ kinh doanh rượu, không biết chính xác bao nhiêu hộ nấu, bán rượu dỏm vì chưa ai kiểm tra và thống kê, nhưng ở làng rượu, số hộ nấu đàng hoàng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Riêng xã Mỹ Yên có khoảng 800 hộ nấu rượu và mỗi ngày cho ra thị trường khoảng 7.000 lít. Thường rượu từ đây được chở đi bỏ mối bằng can, thùng lớn. Các tiệm bán lẻ lại chiết ra bình nhỏ rồi chế biến. Nhiều người tiếp tục pha chế lại để kiếm lời. Có nơi chế biến rượu pha cồn kiểu “trời ơi”, vô chai rồi dán mác “đế Gò Đen” bán tràn lan.
 
Back
Bên trên