Mod cho copy báo nhé
Quốc Vượng và Văn Quyến nói gì trong trại giam?
00:49:00, 23/12/2005
Lan Phương ( Thanh niên )
Chiều 22/12, chương trình truyền hình Công an nhân dân đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Phạm Văn Quyến và Lê Quốc Vượng tại trại giam T16 Bộ Công an (sẽ phát nay mai). Chúng tôi xin đăng tải toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn này.
Văn Quyến: "Em đã lỡ bước vào chuyện dàn xếp tỷ số... Em rất hối hận"
*
Quyến nghĩ thế nào về chiến dịch làm sạch bóng đá Việt Nam của cơ quan điều tra và LĐBĐVN?
- Em rất ủng hộ chiến dịch của cơ quan điều tra, Ủy ban TDTT và LĐBĐVN. Những người có liên quan đến tiêu cực sẽ bị làm sáng tỏ và xử lý nghiêm khắc, tùy theo mức độ của những người ấy mà cơ quan điều tra sẽ có xử lý hợp lý.
* Vậy tại sao là một cầu thủ nổi tiếng mà Quyến lại dính đến tiêu cực?
- (Cười gượng và ngọ nguậy trên ghế) Cái này thật sự em không biết trả lời thế nào. Vì em trẻ. Em đã lỡ bước vào chuyện dàn xếp tỷ số nhưng không phải dàn xếp cho VN thua. Em nghĩ mình trẻ, chưa chín chắn, còn bồng bột. Nhưng mà chuyện em dàn xếp vẫn cho đội thắng chứ không như những người bán độ khác trước đây vẫn làm. Em không biết phải giải thích như thế nào. Em chỉ mong cơ quan điều tra, Ủy ban, LĐ xem xét việc làm của em và tạo mọi điều kiện cho em làm lại từ đầu, để em sửa sai những gì mình vấp phải.
* Quyến có đề đạt gì với cơ quan điều tra không?
- Vì em còn trẻ nên em mong muốn cơ quan điều tra, Ủy ban TDTT, LĐBĐVN, người hâm mộ hãy tha thứ và cho em con đường trở lại. Em hứa sẽ không bao giờ dính dáng đến tiêu cực nữa. Em sẽ đá thật. Em mong muốn một ngày nào đó được quay lại sân cỏ. Em cũng muốn quay lại từ đầu, từ trước khi đá với trận Myanmar. Em muốn chuộc lại lỗi lầm của mình, chuộc lại những gì mình đã làm. Em muốn tạo dựng lại sự nghiệp của mình, thề không bao giờ tiêu cực và dàn xếp tỷ số, em sẽ chứng minh mình trong sạch.
* Quyến có biết rằng đối với mẹ, Quyến quan trọng đến mức nào không? Nếu Quyến không bán độ thì niềm vui và hạnh phúc của hai mẹ con đã rất lớn. Quyến có tưởng tượng ra cảnh đó không? Quyến muốn nói gì với mẹ không?
- (Khóc) Em bây giờ không cần giàu sang. Giàu đến mấy cũng không bằng có mẹ bên cạnh. Em sẵn sàng đánh đổi tất cả để quay lại cuộc sống xưa kia, để có thể làm công việc khác và quay về với mẹ ngay lúc này. Tiền bây giờ không có giá trị gì cả. Em sẽ cố gắng chịu đựng tất cả để sớm quay về với mẹ. Em rất hối hận vì sự việc này. Em sẽ chấp nhận những gì em phải gánh chịu. Cơ quan điều tra, Ủy ban và LĐ cho em bản án thế nào em sẽ chấp nhận. Em không biết nói gì hơn, chỉ mong một ngày nào đó được trở lại sân cỏ và thi đấu. Em muốn chứng minh vẫn còn khát khao đá bóng và không bao giờ làm cái gì để đạt bằng được tỷ số như mình làm! (khóc).
Quốc Vượng: "Em nghĩ đội mình kiểu gì cũng thắng, nhưng thắng làm sao chỉ cách biệt một bàn..."
* Tâm trạng của Vượng lúc này thế nào?
- Đêm em không ngủ được, cứ chợp mắt một lúc là lại thức dậy. Em nghĩ đến người thân, gia đình và bạn gái của mình. Em tin bố mẹ và bạn gái sẽ hiểu cho em. Em định cưới vợ 3 năm nữa. Sau khi bị bắt, em mới thấy nhận thức của bọn em về vấn đề này không được tốt cho lắm, nghĩ đơn giản quá, không nghĩ đến cái sâu xa. Em còn trẻ nên chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, không lường hết được hậu quả nguy hiểm của nó.
* Thế Vượng có thể nói lại những sai phạm của mình được không?
- (Vượng liếc mắt nhìn máy quay phim) Cái này lên truyền hình, mọi người đều xem à? Em không muốn nói (rồi nhất quyết im lặng).
* Vậy trong CLB Sông Lam Nghệ An, ai là người có ảnh hưởng nhất đối với em?
- Anh Hữu Thắng, vì anh đá bóng hay và ngoài đời sống chuẩn mực, có cái gì đó cho mình nể phục. Ở CLB của em, mọi người đều sống tình cảm cả.
* Thế còn đội U.23, ai là người khiến Vượng khâm phục nhất?
- Em nể phục HLV Riedl. Còn trong số cầu thủ, Tài Em đáng cho em học tập nhất cả về chuyên môn lẫn tác phong sinh hoạt. Tài Em là đội trưởng. Em và Văn Trương là đội phó. Trong đội, em không thân nhất với ai cả, kể cả 4 cầu thủ kia (Quyến, Hải Lâm, Bật Hiếu, Văn Trương - TN) em cũng bình thường. U.23 là một tập thể đoàn kết, yêu thương nhau nên không có chuyện em thích ai thì chuyền bóng cho người đó. Từ LG Cup đến Agribank Cup chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Chỉ có mỗi SEA Games...
* Trước trận đấu VN và Myanmar, em đã nói gì ?
- Em bảo với anh em là trận này cố gắng thắng để vào bán kết, kiểu gì mỗi người cũng được thưởng hai mấy triệu. Em không nghĩ đến chuyện để cho đội mình hòa hay thua. Mà em nghĩ đội mình kiểu gì cũng thắng, nhưng thắng "làm sao" chỉ cách biệt một bàn như 1 - 0 hay 2 - 1.
* Nếu "chẳng may" thắng cách biệt hai, ba bàn thì Vượng có "sợ" không ?
- Dạ, em cũng sợ! Nhưng em chỉ làm trận Myanmar, không bao giờ em nói với bất kỳ cầu thủ nào về chuyện chỉ cần hòa trong 90 phút trận gặp Malaysia. Mọi người có thể đi hỏi các cầu thủ trong đội. Nếu em nói trước trận này thì em xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.
* Trước trận chung kết đã xảy ra chuyện tranh cãi về tiền thưởng rồi Văn Trương đã đòi tiền. Là một đội phó, Vượng có nghĩ rằng đầu óc đã bị phân tán như thế thì VN sẽ thua Thái Lan không?
- Em là đội phó nên cũng động viên anh em, trận chung kết cố mà đá, nếu thắng được 6 tỉ đồng còn thua chỉ được 2,3 tỉ đồng thôi (số tiền mà LĐBĐVN hứa - TN). Đối với em, đây là lần cuối đá SEA Games nên càng phải cố. Còn chuyện đòi tiền thưởng, chúng em có đòi thì đòi thật đấy nhưng vẫn sống chết để đá trận cuối. Chết cũng đá. Trận này tiền là thứ yếu, danh dự là đầu tiên đã. Ban đầu, chúng em đá rất tốt nhưng vì pha lộn xộn trước cầu môn dẫn đền bàn thua đầu. Hiệp 2 mình ào lên nên bị phản công và cuối cùng do không tỉnh táo bị vỡ trận, thua liền 2 quả.
* Trước khi Vượng bị bắt, thầy của Vượng là HLV Nguyễn Thành Vinh rồi trọng tài Trương Thế Toàn cũng đã bị bắt vì tội dàn xếp tỷ số. Vượng có nhất trí với cơ quan điều tra và LĐBĐVN là làm trong sach bóng đá Việt Nam không?
- (Vượng hơi cúi mặt). Em đã nghĩ đến chuyện sẽ cố gắng hết sức trong năm nay để giành HCV SEA Games 23 rồi Quả bóng vàng 2005. Em đã hứa với gia đình và bạn gái em sẽ cố gắng giành Quả bóng vàng. Nhưng bây giờ em nhận thấy mình quá sai lầm, vì còn trẻ nên không lường trước được hậu quả. Em chỉ nghĩ đơn giản là đội mình vừa thắng mà mình lại có ít tiền để tiêu. Không ngờ hậu quả lại lớn thế. (Vượng nói chậm lại, mắt rơm rớm). Nếu có cơ hội, em mong được quay lại một môi trường bóng đá sạch. Cá nhân em xin chịu trách nhiệm về những việc làm em đã gây ra và xin người hâm mộ hiểu cho em vì bọn em đang còn trẻ. Hãy cho bọn em cơ hội làm lại vì đằng sau em còn gia đình, người thân và bạn gái em nữa.
Đại tá Trần Trọng Lượng - Phó cục trưởng C14: "Những cá nhân đằng sau Quyến và Vượng nên ra đầu thú vì chúng tôi đã có bằng chứng"
.......
Quốc Anh sẽ trở về Đà Nẵng chiều nay
Cuối cùng thì mọi chuyện về tiền vệ cánh trái Huỳnh Quốc Anh cũng đã dần sáng tỏ khi cầu thủ này không còn bị cơ quan điều tra "cầm chân" ở Hà Nội nữa. Lẽ ra Quốc Anh đã có thể về ngay chiều qua, nhưng do không có vé máy bay nên tuyển thủ U.23 này sẽ bay về Đà Nẵng vào 17 giờ chiều nay. Tối qua, trao đổi với Thanh Niên, Quốc Anh cho biết: "Tôi rất nóng lòng về lại Đà Nẵng. Mấy ngày qua, nhiều người đã gọi điện hỏi han, chia sẻ, lo lắng cho tôi. Tôi rất cảm ơn. Thật sự tôi không có vấn đề gì. Chuyện hợp tác để tìm ra sự thật với cơ quan điều tra là chuyện bình thường mà bất cứ công dân nào cũng phải có trách nhiệm. Tôi cũng đã nói hết những gì mình biết...". Sau đó, Phó giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cho biết Quốc Anh có gọi điện nói: "Thầy ơi, mọi chuyện xong rồi, mai con về. Thầy yên tâm nhé".
NỐT....
Báo chí nước ngoài: Việt Nam mở chiến dịch "nắm đấm sắt" để chống tiêu cực bóng đá
Vụ bán độ của các tuyển thủ U.23 Việt Nam tại SEA Games 23 đang trở thành đề tài nóng hổi của báo chí từ Thái Lan đến Úc, từ Mỹ đến Uganda, từ Hàn Quốc đến Pakistan. Mỗi tờ báo có một cách bình luận khác nhau nhưng tất cả đều chung nhận xét: "Đây là xì-căng-đan tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam".
Trên tờ New Straits Times của Malaysia số ra hôm qua, tác giả Vijesh Rai viết: "Đối với Việt Nam, vụ bắt giữ các cầu thủ là cú sốc mới nhất của một nền bóng đá vừa trải qua quá nhiều bê bối. Trước đó, hơn 20 trọng tài, HLV và quan chức thể thao đã đối mặt với lệnh truy tố liên quan đến nạn dàn xếp tỷ số". New Straits Times còn trích dẫn lời của Tổng thư ký LĐBĐ nước này, ông Ibrahim Saad, rằng nếu cần thì Malaysia sẽ triệu tập 20 tuyển thủ U.23 vừa tham dự SEA Games 23 để chất vấn.
"Giờ đây, khi mà Việt Nam đã bắt giữ 2 cầu thủ bán độ, có lẽ người ta nên nghĩ tới việc trao huy chương bạc cho chúng tôi", ông Saad nói thêm. Malaysia từng trải qua một "đêm đen bóng đá" vào giai đoạn 1994-1995 khi có hơn 100 cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số bị phát hiện. Tại SEA Games 23 vừa qua, nước này cũng đặc phái chuyên gia an ninh đi kèm đội tuyển.
Sau khi đưa thông tin về vụ bán độ liên quan đến các cầu thủ Văn Quyến và Quốc Vượng, Hãng tin AP của Mỹ bình luận: "Bệnh tiêu cực có vẻ như đã trở nên quá phổ biến trong làng thể thao Việt Nam, đến nỗi vị quan chức đầu ngành thể thao nước này, ông Nguyễn Danh Thái, đã phát biểu trên Báo Thanh Niên rằng: "Tôi không bất ngờ trước thông tin một số cầu thủ dàn xếp tỷ số". AP còn dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Olympic Philippines R.Aventajado: "Tôi buồn khi biết rằng có những vận động viên như thế tham dự SEA Games. Tuy nhiên, tôi cũng rất phấn khởi khi Việt Nam quyết điều tra rõ vụ việc".
Báo điện tử OhmyNews của Hàn Quốc đã nhắc đến pha ghi bàn của Văn Quyến trong chiến thắng lịch sử của Việt Nam trước Hàn Quốc hồi năm 2004 rồi nhận xét: "Vụ xì-căng-đan này là tồi tệ nhất trong lịch sử (bóng đá) Việt Nam tại các giải quốc tế. Đây cũng là năm thảm họa của bóng đá Việt Nam sau khi đã có hàng chục trọng tài bị điều tra. Rất nhiều người hâm mộ Việt Nam đã lặn lội sang Philippines để cổ vũ đội tuyển và họ đã cực kỳ thất vọng khi bị phản bội". Hãng tin AFP của Pháp trích lại lời bình luận của tác giả Thanh Thảo trên Báo Thanh Niên: "Người Việt Nam rất đau đớn khi đất nước mình bị xếp vào loại "đèn-đỏ-tham-nhũng". Bây giờ mới thấy, có thể bóng đá chính là "khâu yếu nhất" của mạng lưới tham nhũng hối lộ - bán độ đang giăng khắp xã hội ta". AFP còn viết: "Bóng đá Việt Nam đang bị soi kỹ lưỡng sau khi cảnh sát mở cuộc điều tra các cáo buộc về bán độ và nhận hối lộ liên quan tới 90 trọng tài, HLV, cầu thủ tại giải V-League. Ngay từ khi khởi đầu vào mùa bóng 2000-2001, giải đấu này luôn bị nạn móc ngoặc, dàn xếp tàn phá. Bất chấp bị cấm, cá độ vẫn rất phổ biến tại Việt Nam với hàng triệu USD tiền cược trong các trận quốc nội và quốc tế". Hãng tin BBC của Anh nhận định: "Vụ bán độ tại SEA Games lần này chắc sẽ dẫn tới việc lật lại hồ sơ của những vụ nghi ngờ bán độ tại nhiều giải của các năm trước và do vậy, số người liên quan sẽ lớn hơn dự đoán rất nhiều đồng thời có thể lên tới các cấp cao trong làng bóng đá". BBC sau đó kết luận: "Bóng đá Việt Nam rất cần được thay một luồng máu mới và sạch".
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc nhận xét: "Việt Nam đang mở chiến dịch nắm đấm sắt để chống tiêu cực bóng đá. Từ tháng 8, nhà chức trách đã phát hiện 50 vụ tiêu cực liên quan đến trọng tài, giám đốc điều hành và HLV các câu lạc bộ".
Có thể nói, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam được giới truyền thông quốc tế đưa tin rầm rộ như những ngày qua. Buồn thay, điều hấp dẫn báo chí quốc tế ở đây lại là một "xì-căng-đan tồi tệ nhất" chứ không phải là một thành tích ngoạn mục nào đó.
Đỗ Hùng ( Thanh niên )