[Tham khảo] Vịnh Xuân Thốn kình xung quyền

Nguyễn Quí
(SauXao)

New Member
Đây là "đòn đấm không cần lấy đà" (the one-inch punch) đã làm nổi danh Lý Tiểu Long tại Long Beach vào năm 1964. Đòn nầy thật sự không khó, chỉ cần nắm vửng vài yếu quyết. Hai tác giả thời xưa thường hay biểu diễn đòn đấm nầy với bạn bè.
Người biểu diễn đưa thẳng tay ra, để nắm tay đụng vào người đối thủ, đối thủ đứng hai chân ngang bằng. Sau đó, kéo tay về sau cỡ một centimét (như chúng ta sẽ thấy sau đây, ta càng ít kéo tay về sau cuộc biểu diễn càng ngoạn mục bây nhiêu). Rồi phát đòn đấm gần như không lấy đà làm cho đối thủ bị văng ra xa.
Sự kiện là người bị đấm văng ra sau thay vì ngã tại chỗ chứng tỏ đây là một đòn đẩy chớ không phải là một đòn đánh ! Trong những cuộc tranh tài quyền Anh, chúng ta từng thấy võ sỉ trúng đòn gần như ngả gục tại chỗ, chính những phim ảnh võ thuật đả đưa ra hình ảnh giả tạo của người võ sỉ bị đánh văng ra xa.
Dỉ nhiên trước khi muốn đẩy, chúng ta không cần rời nắm tay khỏi người địch thủ. Và muốn cho cuộc biểu diễn nầy thành công hơn, chúng ta phải cho khán giả lầm tưởng là ta dùng một đòn đánh.
Nhiều yếu quyết khác được sử dụng. Như khi đẩy, ta đặt nắm tay vào chấn thủy của đối phương, như vậy lúc bị đẩy, sự đau nhói tại chấn thủy cho đối phương cảm tưởng là bị đánh !
Điểm thứ nhì là trước khi phát đòn, ta đẩy nhẹ đối thủ về sau làm cho y đứng trên gót chân, đòn xô của ta sau đó dể thực hiện và ngoạn mục hơn. Như vậy chúng ta dể hiểu là rút tay lại trước khi đánh sẽ giúp cho đối phương, lúc đó đặt trọng tâm trên đầu ngón chân, chống lại sức đẩy của ta! Chủ yếu của thuật biểu diễn là làm cho khán giả lầm tưởng là những điều thật sự giúp ta thực hiện cuộc biểu diễn, làm trở ngại cho cuộc biểu diễn!
Một cách khác làm cho đối thủ đứng trên đầu ngón chân và cho tay mình hơi cong nơi cùi chỏ là sau lúc chạm vào người đối phương, ta hơi cong cổ tay, như vậy chỏ tự nhiên cong lại. Lúc phát đòn, ta dùng lực phát xuất từ chỏ và cổ tay, vì vậy, đòn nầy còn được gọi là "Uyển lực xung quyền" hay thế đấm dùng lực phát từ cổ tay.
Cuối cùng ta có thể đặt một cái ghế sau lưng đối phương. Khán giả lầm tưởng ta thận trọng muốn tránh cho đối phương khỏi bị thương sau khi chịu đòn của ta. Nhưng thật sự cái ghế chặn đối phương lui lại. Nếu đối thủ để giữ thăng bằng, muốn lùi chân thì chạm vào chân ghế và té trên ghế!
Chúng tôi xin nhắc lại là lực dùng trong đòn đẩy nêu trên phát xuất từ :
- sự di chuyển của trọng tâm thân thể từ chân sau tới chân trước,
- sự chuyển động của eo,
- sự co duỗi của cột xương sống,
- sự mỡ ra và khép lại của lòng ngực.
Tay chỉ dùng để chuyển lực đó tới người địch thủ.
Để kết thúc bài báo nầy, chúng tôi nhấn mạnh là một đòn đấm chỉ dùng để đánh, áp dụng một kình lực tàn phá, tay đấm chỉ chạm vào người địch thủ trong một thời gian rất ngắn, lúc chỏ đã hoàn toàn thẳng, khi kình lực tàn phá được phát huy tới mức độ cao nhất. Địch thủ bị trúng đòn, ngã gục tại chỗ.
Hiện nay, vì một mục đích biểu diễn, có võ sỉ sử dụng đòn đấm để đẩy, thật trái hẳn với nguyên lý của một thế đấm. Muốn đẩy thì ta nên sử dụng bàn tay vì tay đẩy phải dính liền với người đối thủ từ lúc cùi chỏ còn cong tới lúc thẳng ra, kình lực đẩy mới truyền hết qua người địch. Đối thủ lúc đó bị hất ra xa.


Nguyễn Jacques và Dufresne Thomas
Báo Sổ Tay Võ Thuật
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Re: Vịnh Xuân Thốn kình xung quyền

Em (thấy Việt xưng hô với "anh" là "em" nên em cũng xin mạn phép xưng hô với "anh" là "em" vậy, mong "anh" đừng giận ;) ) đã từng được nghe thày nói về kĩ thuật đánh trong phạm vi rất nhỏ đó là nguyên tắc đi người cả khối của Vĩnh Xuân (cả người đóng thành một khối, chuyển tấn bằng cách đạp chân về phía sau để phát lực về phía trước (lực được truyền từ chân qua người lên tay)). Lý giải điều này rất đơn giản: nếu một người đi bộ bị 1 chiếc xe đạp đâm vào thì ảnh hưởng chắc chắn sẽ khác xa với cùng khoảng cách ấy, cùng vận tốc ấy nhưng cái đâm vào lại là một cái ... ô tô :D, đơn giản vì khối lượng cái ôtô lớn hơn nhiều so với cái xe đạp nên động năng sinh ra lớn hơn nhiều (để nó dừng lại công cản phải tương đương). Nên thay vì khối lượng của 1 cánh tay (đấm trong 1 phạm vi nhỏ chẳng hiệu quả tí nào vì công quá nhỏ), người ra đòn có thể sử dụng trọng lượng của cả cơ thể, và sức đạp của chân sau xuống đất (nếu cộng hưởng được 1 chút lực tay đưa về phía trước thì tốt nhưng cái này quá khó(vì người đã đóng thành khối rồi mà :D)). Nói thì dễ nhưng làm được điều này (1 cách tương đối thôi chứ thành công thực sự thì ... còn lâu :D) thì ko đơn giản 1 chút nào cả. Đây là nguyên tắc ra đòn trong pham vi nhỏ trong số 1 đống nguyên tắc em học được từ thầy còn phần giải thích thì em ... bịa :D, ko biết có giống với nguyên tắc anh Quí nói ko, em thấy đây là Vịnh Xuân thốn kình quyền ( em cũng chưa hiểu cái đầu đề ) lại cùng là ra đòn trong phạm vi nhỏ nên có thể có sự tương đồng gì chăng :D
 
Re: Vịnh Xuân Thốn kình xung quyền

Đúng đó !
Nhưng Thốn (=nhỏ) kình xung quyền là đòn đấm dùng tiểu kình (đòn đấm không cần lấy đà). Trong mấy môn phái tỉnh Phước Kiến, vì chuyên đánh cận chiến nên ưa dùng đòn đánh ngắn. Vì không có đà (vì quá gần địch thủ), nên sử dụng cột xương sống trồi lên sụp xuống để thêm kình lực vào đòn công.
Cách phát kình nầy (tiếng kỷ thuật là Trầm phù thôn thổ) không phải của riêng các môn phái tỉnh Phước Kiến, miền Bắc có nhiều môn củng có : Trần Gia Thái Cực Quyền, Mai Hoa Đường Lang, Tâm Ý...

Vứa bước tới vừa đấm để sử dụng nguyên tắc phát kình mà Khoa vừa nói, là sở trường của môn Hình Ý tỉnh Hà Bắc. Còn Vịnh Xuân không dùng nguyên tắc đó tới mức tối đa.
 
"nên sử dụng cột xương sống trồi lên sụp xuống để thêm kình lực vào đòn công"
Anh Quý có thể giải thích giúp em về đoạn này không, tập võ được 1 thời gian rồi nhưng chưa được biết phương pháp tập luyện này. Nếu anh chỉ luôn được cách tập nên đây giúp em thì tốt. Em cảm ơn trước
 
Cách phát kình nầy làm không khó chỉ cắt nghĩa mới khó.
Phân chia thành :
- phù : cột xương sống đứng thẳng lên, mông đưa về sau, bụng hơi đưa tới trước, ngực ưỡn,
- trầm : cột xương sụp xuống, mông đưa tới trước, bụng hóp lại, lưng gù.

Có danh từ kỷ thuật khác là Hàm hung bạt bối.
 
Phù có nghĩa là lúc cột xương sống trồi lên,Trầm là lúc cột xương sống sụp xuống hả anh.
Khi thực hiện đòn đánh có thể Phù trước hoặc Trầm trước, hay là phải thực hiện theo đúng quy tắc như đã đọc
 
Nếu lúc đở là phù, thì lúc phản công dùng trầm.
Nếu lúc đở là trầm, thì lúc phản công dùng phù.
Muốn công liên hoàn, liên tiếp trầm phù ! Nhưng không bắt buốc, thì theo thời cơ.
 
Nói tóm gọn lại có phải đòn này dùng nội lực không ạ?
 
- phù : cột xương sống đứng thẳng lên, mông đưa về sau, bụng hơi đưa tới trước, ngực ưỡn,
- trầm : cột xương sụp xuống, mông đưa tới trước, bụng hóp lại, lưng gù.
Khu cột sống có chi phối cả cử động ngắn của hai vai; ở trường hợp "phù", vai sẽ đưa về phía sau nhiều hơn, nên sẽ thích hợp để thủ hơn, còn khi "trầm" thì xương sống dồn xuống, đưa vai ra trước truyền lực, như thế sẽ thích hợp để công hơn. Em không hiểu tại sao anh Quí lại nói:
Nếu lúc đở là phù, thì lúc phản công dùng trầm.
Nếu lúc đở là trầm, thì lúc phản công dùng phù.
Sự biến đổi linh hoạt là cần thiết, nhưng về cơ bản thì phương pháp vẫn phải được tôn trọng chứ nhỉ ?
Ở trường hợp "phù", xương sống thẳng, ngực ưỡn, tức là sự tác dụng lực về phía trước hay phía sau cũng đều gần như nhau, mà nó lại giống như một sự "lấy đà" để tấn công, hiển nhiên là yếu hơn trường hợp "trầm", xương sống "trầm" xuống, hơi nghiêng ra trước (hoặc nghiêng nhiều, tùy đòn đánh) tạo thành một dạng khung chắc chắn hơn, tác dụng lực chủ yếu về phía trước. Nếu lấy "trầm" làm thủ rồi thì còn công thế nào nữa nhỉ ? làm như thế thì lực (lấy kình qua việc chuyển đổi "phù" - "trầm") đưa ra không tới hết, mà sau đấy cũng chẳng biết phải dùng kình để công tiếp thế nào cả :-/
Việc phát lực nhờ kình từ xương sống là để tận dụng tối đa sức mạnh có thể có khi chuyển từ "phù" sang "trầm", nếu đi quá xa thì sẽ sử dụng tới lực của cánh tay, mà như thế là không chỉ có kình từ xương sống rồi. Thế nên em không hiểu tại sao lại lấy "trầm" ra để thủ.

--------------------
chị Dương Hà đã viết:
Nói tóm gọn lại có phải đòn này dùng nội lực không ạ?
anh Quí đã viết:
Tùy theo định nghĩa danh từ nội công...
Công phu tiềm tàng trong cơ thể thì là "nội công", nếu không chủ ý phát lực từ "nội công" thì sẽ không có "nội lực". Một người có nội công nhưng không vận kình thì lực phát ra từ tay và chân gọi là "ngoại lực" thôi, không có "nội lực" trong ấy.
Theo em đòn đánh mà anh Quí nói ở đây thì là có dùng nội lực, vì "kình" nằm trong "nội lực".
 
Tuy rằng phù tiện cho công hơn trầm, nhưng phù trầm không bắt buộc dành cho công hay phản. Mình đang niêm thủ ở tư thế phù, nếu có dịp công thì liền trầm và công !
Thí dụ trong Bạch Mi Cửu bộ thôi có hai thế công dùng phù rồi trầm.
Trần gia TCQ luân phiên hai tư thế phù trầm.

Nếu định nghĩa nội công của Việt là vậy, thì đây là nội công. Vì chuyện nầy rắc rối nên khó bàn trong hai ba câu được...
Nhưng thường ta nói là kình là nội công còn lực là ngoại công.
 
ĐV đã viết:
Công phu tiềm tàng trong cơ thể thì là "nội công", nếu không chủ ý phát lực từ "nội công" thì sẽ không có "nội lực". Một người có nội công nhưng không vận kình thì lực phát ra từ tay và chân gọi là "ngoại lực" thôi, không có "nội lực" trong ấy.
anh Quí đã viết:
thường ta nói là kình là nội công còn lực là ngoại công.
---> Okie, thế tức là em nói không nhầm :)

Về sự chuyển đổi "phù" và "trầm" trong công và thủ thì đúng là không nên gò bó, nên linh hoạt. Cảm ơn anh.
 
Em đọc mãi vẫn chưa hinh dung ra "phù" và "trầm" như thế nào.
Nhưng sao em thấy anh Quý không đả động đến chuyện đưa lực từ chân lên nữa ạ?
Em tưởng tượng lúc ra lực là người mình đóng thành 1 khối chứ. Có đúng không ạ?
 
Lúc mình có thời giờ, thì mình vận dụng tất cả yếu quyết của sự lưu hành của kình : chân duổi chân co đưa kình lên eo, eo xoay cột xương sống trồi lên sụp xuống dẩn kình lên vai, vai mở ra hay đóng lại đưa kình ra tay, tay duổi ra đưa kình vào thân địch...
Nhưng lúc đánh cận chiến, mình không thời giờ, nên chỉ sử dụng được 1 hay 2 yếu quyết trên. Vậy mình nên duổi chân hay duổi tay ?
Môn phái tỉnh Phước Kiến chọn co duổi tay hợp với thu thân lại (trầm) hay "giương" thân ra (phù).
Tôi sử dụng danh từ giương như giương cung vì trong Thái Cực Quyền, có lý Ngũ cung hợp nhất (thân người là năm cây cung giương ra để bắn mủi tên).

Còn Thốn kình xung quyền thật sự chỉ dùng kình cổ tay, chỏ và có lúc cột xương sống.
Vì Vịnh Xuân trên lý thuyết ưa đanh nhanh hơn đánh mạnh !
The one inch punch của họ Lý chỉ là biến thức của TKXQ áp dụng trong biểu diễn.
 
Xin phép em được góp ý với anh Quý một chút. Anh có tập từng tập Vĩnh Xuân hay Thái Cực chưa ạ? Hay chỉ đơn thuần là Thái Cực toàn tập của Nguyễn Anh Vũ hay Thái Cực của Võ Đông???
Bởi nếu anh dậy mọi người Phù trầm với gù lưng thì em xin nói rõ là bất cứ tài liệu nào dậy Thái Cực cũng đều viết rõ Hàm hung bạt bối không phải là gù lưng.
Đơn cử như người mở đầu Thái Cực Trần gia (em quên tên rùi) được gọi là bài vị đại vương. Đến sau này Dương Lộ Thiền theo học mở ra chi Dương gia Thái Cực thì vẫn lấy lập thân trung chính là cơ bản. Xin hỏi bài vị có gù ở giữa không và trung chính thì gù thì là luồn cúi rồi còn gì???
Còn nếu nói về phát lực thì cứ hỏi môn sinh Vĩnh Xuân xem có ai gù lưng không, Lý Tiểu Long kết hợp võ thuật hiện đại đặc biệt là thế thủ quyền Anh nên mới hơi gù chút xíu.
Aikido cũng là nhu quyền nhưng xin hỏi Aiki hay Thái Cực mà @ thì đưa tay kéo một cái là ngã dập mặt rồi chứ đánh đấm gì cho mệt.
Còn về kình lực liền một khối của Vĩnh Xuân hay 9 khớp cùng động của Thái Cực chưa vội bàn.
Chỉ xin anh đừng sinh đẻ ra một trường phái gù lưng phát lực đấy là sai về cơ bản đến các cụ tập Thái Cực dưỡng sinh cũng không sai thế. Tập võ mà gù lưng với những môn như Thái Cực hay Vĩnh Xuân đưa con người về với gôc tự nhiên thả lỏng nghe đã thấy vô lý rồi. Lấy một cái khuôn cứng gù như thế làm sao được. Nếu có đọc sách thì cũng là hiểu sai ý của người viết.
Mong anh lần sau cân nhắc về thông tin, Vĩnh Xuân là của Thiếu Lâm, còn Thái Cực cùng Bát Quái hay Hình ý tuy cùng là môn nội gia nhưng chưa phái nào nảy sinh được nhân tài kiệt xuất phát lực lưng tôm đừng để người khác sai theo mình tập không những hỏng người mà còn làm người ta hỏng theo.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Phù trầm là hai động tác tự nhiên của thân thể. Lúc mình hít thở, lúc người mẹ sinh con, lúc người nông dân làm ruộng, vân vân đều dùng một phần của lý nầy.
Phù trầm lúc mô tả hay lúc mới tập thì có trạng thái gù lưng, nhưng khi nhìn những bậc thầy Trần Gia Thái Cực thì phải chú ý lắm mới biết chuyện đó. Vì cột xương sống trồi lên sụp xuống rất ít ! Ta phải hiểu danh từ Hàm hung bạt bối theo lý động, chớ không theo lý tĩnh.

Trở lại lịch sử. Thái Cực quyền bắt nguồn từ gia đình họ Trần ở làng Trần gia câu. Điều nầy ai cũng đều công nhận. Và Dương Lộ Thiền đã học với gia đình họ Trần.
Gia đình họ Trần không có từ Hàm hung bạt bối, và không có bài Thái Cực quyền luận mà Võ Vũ Tường « khám phá » ra sau khi ông trở về từ Trần gia câu.
Nhưng hiện nay ta biết là có môn phái tỉnh Hà Bắc có ít nhất từ « hàm hung bạt bối » và đó là lý thuyết hai động tác Trầm phù (là danh từ miền Nam Trung Hoa). Và ta chú ý là những võ sư Trần Gia TCQ, Yang Zhenduo (con của Dương Trừng Phủ) đều sử dụng Trầm phù... Trong lý thuyết của Dương Gia TCQ, có câu Kình do tích phát (kình từ xương sống phát ra)…
Tôi không nghỉ là lúc danh sư Trần gia TCQ một thời đi bao tiêu, lúc cần phải ra tay, sử dụng kéo hay đẩy mà thôi. Thôi thủ chỉ là một phương pháp tập luyện thính kình, theo như danh sư Trần gia đều kể, lúc xưa có xài đả (đấm và đá) thêm vào với đẩy kéo. Vì quá nguy hiểm nên sau chỉ còn luyện kéo đẩy…

Riêng về Vịnh Xuân, ngoài chi nhánh Nguyễn Tế Công tại VN, chi nhánh Diệp Vấn tại Hương Cảng, còn nhiều chi nhánh khác tại Trung Quốc, trong đó có người thầy sử dụng Trầm phù.

Về lịch sử hai môn TCQ và Thiếu Lâm, xin anh Vinh đọc lại bài viết về lịch sử quyền thuật Trung quốc (phân chia VT TH, gốc và sự liên hệ giữa hai môn TCQ và TL). Và tôi mong anh có dịp đi Trung Quốc trò chuyện với những võ sư lịch sử gia, lúc đó chắc anh tin hơn ?
Vì sau nầy tại Trung Quốc có võ sư lịch sử gia nghiên cứu lịch sử bằng cách tìm kiếm, so sánh tài liệu xưa, so sánh kỷ thuật… Lại có lý thuyết gia võ thuật nghiên cứu và ghi lại sự tương đồng giữa các môn phái.

Riêng tôi không có hân hạnh đọc hai quyển sách anh Vinh nhắc tới. Tôi chỉ có học Dương gia rồi Trần gia TCQ, có học Hương Cảng VX và có tiếp xúc (để tìm hiểu) với Hà Nội và Tp HCM Vịnh Xuân, và vài chi nhánh VX khác tỉnh Quảng Đông.
 
He he nếu không học thì không nói bác đã có học và nói như vậy thì thui.
Bởi theo em võ thuật để dậy cho người khác ít ra phải kinh qua thì mới nói đến dạy được, không nên trọng về sách vở.
Còn về trầm phù theo sự phóng trương của chuyển động sống lưng là có nhưng bàn về phương pháp phát kình thì TCQ và VX có những khác nhau cơ bản nhất đó là Thái Cực chia âm dương trên người thành 2 nửa trái phải thân còn VX thì là trước sau. Nguyên lý khác ngoài ra còn chưa kể vòng VX nhỏ hơn vòng TCQ nhiều.
Còn bảo sang TQ hay không thì nói thật võ thuật ở TQ đâu chả có người dậy, còn chính thống hay không còn nhiều tranh cãi. Nếu định dơ mác nhập ngoại ra thì xin nói thẳng thày TQ không bao giờ dạy người Việt chân truyền cả. Nếu có chăng chúng ta phải tự ngộ lấy mô phật
 
Anh có thể nói thêm về "Thái Cực chia âm dương trên người thành 2 nửa trái phải thân còn VX thì là trước sau." ?
Anh có đọc Thái Cực quyền phổ chưa ?
 
b-) He he em có đọc qua rồi. Nhưng không có quyền phổ nào nói đến cách phát kình hay vận kình đó cả.
:-/ Trong Thái Cực Quyền toàn tập của Nguyễn Anh Vũ có nói đến Khinh trọng Trầm phù. Trong đó viết Thái Cực cần khinh (nhẹ) không cần phù (nổi), cần trầm (chìm) không cần trọng (nặng). Đây là nói về phép phân hư thực giữa hai chân chứ không liên quan đến phát kình gì cả.
;) Kình lực của thái cực là triền ty kình, kình lực vặn xoắn trong vận kình. Cách vận kình trầm phù như anh nói không những không phù hợp với tiêu chí vặn xoắn mà với triết lý lấy eo là chủ tể cũng sai. Khi lưng gù thì bộ pháp tất loạn, nhìn tất cả các phái Nam Quyền không phái nào dậy gù lưng cả. Còn phát lực từ eo thì cả Karate cũng có.
:) Còn nói về kình phát từ cột sống câu này hoàn toàn đúng. Giảm nhẹ sự chuyển động của tay, tăng cường vặn xoắn ở thân là dĩ nhiên. Còn nói rằng gù lưng là không được vì đó là kình lực đứt gãy đi ngược với cấu tạo cơ thể cũng như bài bản cơ bản của võ thuật
 
Back
Bên trên