Thế giới, thời gian, vũ trụ và con người

Nguyễn Khánh Duy
(vincent_valentine)

New Member
Những câu chuyện nhỏ về những suy nghĩ của cá nhân tôi, và của mọi người ở đây. Đôi chút sẽ liên quan đến khoa học và những phương trình, điều mà tôi thích tìm hiểu – không gian và thời gian, sự tồn tại.
Nó cũng sẽ chỉ là hạt muối nhỏ nhoi của biển cả. Nhưng cả các bạn và tôi có lẽ đều thích vị mặn mòi của đại dương.
Xin bạn góp cùng tôi vài dòng bé nhỏ riêng mình.
 
Con người

Tôi muốn mở đầu với chủ đề thời gian, nhưng khi trằn trọc đêm qua thì lại nghĩ rằng : con người thật kì diệu. Khi ấy tôi lại nghĩ về con người. Vì thế giới, thời gian hay vũ trụ thì cũng xoay quanh con người mà thôi.

Quả thật con người là một điều kì diệu trên hành tinh xanh.Chúng ta vượt trên mọi loài sinh vật khác, vì chúng ta có thể lao động và cải tạo tự nhiên. Chúng ta có trí não không máy móc nào sánh kịp, vì chúng ta có tư duy trừu tượng. Không nghi ngờ gì nữa, con người là dạng sống hoàn hảo nhất.
Vậy tại sao lại có con người?
Tại sao chúng ta tồn tại ở đây?

Nếu đó là câu hỏi bạn đặt cho tôi, thì có thể tôi sẽ trả lời rằng: Chúng ta tồn tại để có thể tự đặt những câu hỏi như thế. Thú thật tôi rất thích thú với nguyên lý vị nhân, nhưng có lẽ đó là một câu trả lời đúng. Khi đã có những câu hỏi như vậy, nghĩa là con người đã ý thức được rõ ràng về sự tồn tại của mình, có vũ trụ quan riêng biệt.

Tôi còn nhớ một đoạn phim trên Discovery Channel cổ động cho chương trình bảo vệ môi trường sống. Trong hàng ngàn, hàng vạn loài sinh vật trên trái đất, tại sao chỉ có con người có được ý thức và trí khôn - những điều đã khiến con người trở thành sinh vật mạnh nhất. Tại sao con người lại có mặt? Đơn giản là vì chỉ có con người mới có đủ khả năng để bảo vệ những sinh vật khác, bảo vệ ngôi nhà chung của muôn loài.

Con người là người bảo vệ, hay là kẻ phá hoại?

Có thể là cả hai. Đã từ lâu khi con người tự thiết lập trật tự xã hội cho riêng mình, họ cũng đã đi ngược lại với tự nhiên. Và rồi con người cũng sẽ rời bỏ cái nôi của mình, như xưa kia sinh vật đã từ dưới nước lên sống ở trên cạn.
Tôi không biết là từ bao giờ, nhưng con nguời là sinh vật thích nhìn ngắm bầu trời nhất, đặc biệt là bầu trời đêm. Trong hằng hà sa số những vì lấp lánh trên kia… chúng ta quá cô đơn trong vũ trụ. Trái đất và con người còn bé hơn những hạt cát trong vũ trụ bao la kia, nhưng dường như chúng ta là những thực thể duy nhất biết được những điều nhỏ nhặt về vũ trụ. Những bộ phim khoa học viễn tưởng có liên quan đến du hành vũ trụ hay người ngoài Trái đất luôn làm tôi thích thú. Thật đáng ngạc nhiên là con người có thể tự vẽ ra tương lai cho mình. Trí tưởng tượng của con người là thứ duy nhất không bị giới hạn tương đối của Einstein kìm hãm. Có lẽ chúng ta thực sự có được một vị trí đặc biệt trong vũ trụ. Phải chăng vũ trụ đã được xếp đặt dành cho con người – những kẻ nhỏ nhoi quan sát vũ trụ bằng đầu óc trống rỗng của mình?

Con người bị chi phối bởi những điều kiện xã hội do chính họ đặt ra. Những mắt xích trong đời sống, cả thế giới hùng vĩ. Văn hóa, nghệ thuật, khoa học… thế giới nhân tạo của con người rồi sẽ phong phú hơn cả thế giới tự nhiên?
Có câu chuyện vui tôi đã đọc được trong sách: Một lý do để chúng ta không thấy người ngoài trái đất đến thăm là vì một nền văn minh có trí tuệ khi phát triển đến ngưỡng nào đó thì sẽ tự hủy diệt. Tôi không thích ý tưởng của câu chuyện đó, và cũng không tin vào nó.
Đã quá dài. Có lẽ chúng ta sẽ tạm dừng về con người ở đây để còn có dịp quay trở lại với những khía cạnh khác. Còn lần sau nhất định tôi sẽ nói về thời gian.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
sanh lão bệnh tử, có sinh cũng sẽ có diệt; chúng ta mất đi để tạo cơ hội cho những sinh loài khác phát triển, cũng chỉ là quá trình của tự nhiên thôi.
Mình nghĩ, cuộc sống nên dựa vào ý nghĩa hơn là thời gian; chúng ta sống trên đời này để làm gì? Nếu chúng ta tìm câu trả lời cho câu hỏi đó, và sống cái câu trả lời đó, thì cuộc sống mới trọn vẹn;
Mỗi người đều có 1 ước mơ, 1 ước mơ mãnh liệc mà họ muốn thực hiện; nhưng sống lâu trên cuộc đời, họ thường cảm thấy ước mơ đó xa vời và không thực tế; hay là chúng ta đã quá bận rộn với cuộc sống mà quên đi cả chính bản thân mình thích gi`.
Theo mình, con người tồn tại vì những ước mơ của họ, cái đó là nguồn sống, và là thứ cho con người hy vọng.
 
Trước hết cảm ơn bạn Long ở phía trên. Còn bây giờ là những suy nghĩ tiếp theo:

Thời gian – ngươi là ai?

Thời gian, thời gian, ngươi là ai?

Charles Lamb viết: Không gì làm tôi bối rối bằng thời gian và không gian. Và cũng không có gì ít quấy rầy tôi hơn là thời gian và không gian, vì tôi không bao giờ nghĩ đến chúng.

Thời gian là khái niệm siêu hình, thật khó có thể vẽ hay diễn tả nó. Nhưng chúng ta cảm thấy một cách mạnh mẽ thời gian đang trôi qua, nhờ có ngày đêm. Nói cách khác, thời gian vừa tồn tại tự nhiên, vừa là một khái niệm gắn liền với thế giới con người trực tiếp cảm nhận nó. Tôi muốn nói đến một điều mà chắc tôi sẽ còn nhắc lại: sự tồn tại của vũ trụ cũng như thời gian chỉ có ý nghĩa khi có được những thực thể cảm nhận được nó.

Ngày nay ta biết rằng thời gian và không gian làm nên thế giới 4 chiều của chúng ta. Tuy thuyết tương đối ra đời đã lâu, nhưng những ấn tượng về thời gian tuyệt đối vẫn còn mạnh mẽ, và quả thật trong cuộc sống thường ngày thì người ta chỉ cần biết đến chuyện xem dồng hồ để biết giờ đi làm. Trước khi Einstein đưa ra bài báo của mình và lật đổ nhiều quan niệm cổ điển thì H.G.Wells đã biết rằng không gian và thời gian không thể tách rời được với nhau (The time machine). Mỗi người trong chúng ta có đồng hồ đo thời gian cho riêng mình, vậy thì ta sẽ sử dụng thời gian như thế nào? Vâng đúng thế, chúng ta sử dụng thời gian vào những mục đích của mình.

Thời gian chỉ có ý nghĩa khi vũ trụ ra đời khoảng 15 tỷ năm trước đây, và nó có thể có cuộc đời xác định: bắt đầu tại vụ nổ Big Bang, và kết thúc tại Big Crunch – khi vũ trụ co lại (nếu như nó co lại thật). Tuy nhiên, không-thời gian có thể kết thúc trong lỗ đen. Các lỗ đen cũng là chìa khóa cho việc du hành ngược thời gian, mà hi vọng tôi có thể sớm có một vài ý tưởng hay về nó. Wells cũng nói rằng chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Nếu điều này là sự thật thì hơi buồn, nhưng nó sẽ tránh cho chúng ta nhiều rắc rối. Nhưng chúng ta luôn có thể thay đổi được tương lai, và đó là chìa khóa của vấn đề.
Thời gian là thế lực khủng khiếp mà con người chưa thể chinh phục. Nó trôi qua không ngừng nghỉ, và chẳng chờ đợi ai bao giờ. 100 năm tuổi thọ của con người, hình như là quá ít. Tôi còn nhớ câu thơ Pháp: “Thời gian ăn cuộc đời”. Thật đáng sợ nếu như vài chục năm sau ta giật mình nhận ra rằng mình chưa làm được điều gì có ích.

Mặt trời có tuổi thọ 10 tỷ năm, nhưng rồi mặt trời cũng sẽ bốc cháy cùng với hệ hành tinh của nó, trở thành sao lùn trắng và rồi chìm vào quên lãng, vì sự tồn tại của nó không còn có ích nữa. Tôi biết con người có nhiều tham vọng hơn thế, chúng muốn vượt xa tuổi thọ của mặt trời và đến lúc đó có lẽ con người sẽ thấu hiểu được vũ trụ.

Hãy nhớ câu chuyện của Edison: một hôm khi đi trên phố, ông chợt nhận ra thời gian đang trôi qua, và ông đã rảo bước đi nhanh hơn trên đường. Và bạn cũng không nên quên rằng Einstein đã nói cho chúng ta biết, nếu chúng ta chuyển động càng nhanh thì thời gian của chúng ta càng chậm hơn, và chúng ta sẽ có thêm thời gian để làm nhiều việc có ích (thật ra đó chỉ là chuyện hão huyền, nhưng điều tôi muốn nói là chúng ta không thể điều khiển thời gian, vì vậy hãy cố tiết kiệm thời gian cho mình).

Thời gian là vốn quý của mỗi người. Nó cũng là kẻ sẽ hủy diệt mọi thứ. Tuy nhiên chúng ta không quên câu nói của người Ai Cập: “Con người sợ thời gian, nhưng thời gian sợ các kim tự tháp”. Và ước mơ chinh phục thời gian vẫn là ước mơ muôn thuở của con người.

Tôi đã lại viết quá dài. Xin tạm dừng ở đây và chờ sự phản hồi của các bạn. Đừng quên rằng khi bạn đọc bài viết này, vũ trụ vẫn đang tiếp tục giãn nở.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Nhờ Mod. chuyển hộ chủ đề này sang bên Khoa học Kĩ thuật. Tôi cũng không muốn đi sâu vào khía cạnh khoa học, nhưng để chủ đề này ở đây không phù hợp lắm.
 
:-/ nghe thấy cái thread này là tớ đã nghĩ ngay đến cuốn " Lược sử thời gian của Stephen Hawking rồi
nhân tiện quote một vài đoạn trích nhé, hay tuyệt, nhưng để hiểu đc cả quyển sách thì :(, trình độ mình còn kém quá :(
Lược sử thời gian (phần 4)
[...] Cả Aristotle lẫn Newton đều tin vào thời gian tuyệt đối. Nghĩa là, họ tin rằng người ta có thể đo chính xác khoảng thời gian giữa hai sự kiện, rằng thời gian đó hoàn toàn như nhau dù bất kỳ ai tiến hành đo nó, miễn là họ dùng một chiếc đồng hồ tốt. [...] Tuy nhiên, đến lúc chúng ta phải thay đổi những ý niệm của chúng ta về không gian và thời gian. [...]
Chương II: Không gian và thời gian
Những ý niệm của chúng ta hiện nay về chuyển động của vật thể bắt nguồn từ Galileo và Newton. Trước họ, người ta tin Aristotle, người đã nói rằng trạng thái tự nhiên của một vật là đứng yên, và nó chỉ chuyển động dưới tác dụng của một lực hoặc một xung lực. Từ đó suy ra rằng, vật nặng sẽ rơi nhanh hơn vật nhẹ, bởi vì nó có một lực kéo xuống đất lớn hơn.

Truyền thống Aristotle cũng cho rằng người ta có thể rút ra tất cả các định luật điều khiển vũ trụ chỉ bằng tư duy thuần túy, nghĩa là không cần kiểm tra bằng quan sát. Như vậy, cho tới tận Galileo không có ai băn khoăn thử quan sát xem có thực là các vật có trọng lượng khác nhau sẽ rơi với vận tốc khác nhau hay không. Người ta kể rằng Galieo đã chứng minh niềm tin của Aristotle là sai bằng cách thả những vật có trọng lượng khác nhau từ tháp nghiêng Pisa. Câu chuyện này chắn hẳn là không có thật, nhưng Galileo đã làm một việc tương đương: ông thả những viên bi có trọng lượng khác nhau trên một mặt phẳng nghiêng nhẵn. Tình huống ở đây cũng tương tự như tình huống của các vật rơi theo phương thẳng đứng, nhưng có điều nó dễ quan sát hơn vì vận tốc của các vật nhỏ hơn. Các phép đo của Galileo chỉ ra rằng các vật tăng tốc với một nhịp độ như nhau bất kể trọng lượng của nó bằng bao nhiêu. Ví dụ, nếu bạn thả một viên bi trên một mặt phẳng nghiêng có độ nghiêng sao cho cứ 10 m dọc theo mặt phẳng thì độ cao lại giảm 1m, thì viên bi sẽ lăn xuống với vận tốc 1m/s sau 1 giây, 2m/s sau 2 giây... bất kể viên bi nặng bao nhiêu. Tất nhiên, viên bi bằng chì sẽ rơi nhanh hơn một chiếc lông chim, nhưng chiếc lông chim bị làm chậm lại chỉ vì sức cản của không khí mà thôi. Nếu thả hai vật không chịu nhiều sức cản không khí, ví dụ như hai viên bi đều bằng chì, nhưng có trọng lượng khác nhau, thì chúng sẽ rơi nhanh như nhau.

Những phép đo của Galileo đã được Newton sử dụng làm cơ sở cho những định luật về chuyển động của ông. Trong những thực nghiệm của Galileo, khi một vật lăn trên mặt phẳng nghiêng, nó luôn luôn chịu tác dụng của cùng một lực (là trọng lực của nó) và kết quả là làm cho vận tốc của nó tăng một cách đều đặn. Điều đó chứng tỏ rằng, hậu quả thực sự của một lực là luôn luôn làm thay đổi vận tốc của một vật, chứ không phải là làm cho nó chuyển động như người ta nghĩ trước đó. Điều này cũng có nghĩa là, bất cứ khi nào vật không chịu tác dụng của một lực, thì nó vẫn tiếp tục chuyển động thẳng với cùng một vận tốc. Ý tưởng này đã được phát biểu một cách tường minh lần đầu tiên trong cuốn Principia Mathematica (Các nguyên lý toán học), được công bố năm 1867, của Newton và sau này được biết như định luật thứ nhất của Newton. Định luật thứ hai của Newton cho biết điều gì sẽ xảy ra đối với một vật khi có một lực tác dụng lên nó. Định luật này phát biểu rằng vật sẽ có gia tốc, hay nói cách khác là sẽ thay đổi vận tốc tỷ lệ với lực tác dụng lên nó. (Ví dụ, gia tốc sẽ tăng gấp đôi, nếu lực tác dụng tăng gấp đôi). Gia tốc cũng sẽ càng nhỏ nếu khối lượng (lượng vật chất) của vật càng lớn.(Cùng một lực tác dụng lên vật có khối lượng lớn gấp hai lần sẽ tạo ra một gia tốc nhỏ hơn hai lần). Một ví dụ tương tự lấy ngay từ chiếc ô tô: động cơ càng mạnh thì gia tốc càng lớn, nhưng với cùng một động cơ, xe càng nặng thì gia tốc càng nhỏ.

Ngoài những định luật về chuyển động, Newton còn phát minh ra định luật về lực hấp dẫn. Định luật này phát biểu rằng mọi vật đều hút một vật khác với một lực tỉ lệ với khối lượng của mỗi vật. Như vậy lực giữa hai vật sẽ mạnh gấp đôi nếu một trong hai vật (ví dụ vật A) có khối lượng tăng gấp hai. Đây là điều bạn cần phải trông đợi bởi vì có thể xem vật mới A được làm từ hai vật có khối lượng ban đầu, và mỗi vật đó sẽ hút vật B với một lực ban đầu. Như vậy lực tổng hợp giữa A và B sẽ hai lần lớn hơn lực ban đầu. Và nếu, ví dụ, một trong hai vật có khối lượng hai lần lớn hơn và vật kia có khối lượng ba lần lớn hơn thì lực tác dụng giữa chúng sẽ sáu lần mạnh hơn. Bây giờ thì ta có thể hiểu tại sao các vật lại rơi với một gia tốc như nhau: một vật có trọng lượng lớn gấp hai lần sẽ chịu một lực hấp dẫn kéo xuống mạnh gấp hai lần, nhưng nó lại có khối lượng lớn gấp hai lần. Như vậy theo định luật 2 của Newton, thì hai kết quả này bù trừ chính xác cho nhau, vì vậy gia tốc của các vật là như nhau trong mọi trường hợp.

Định luật hấp dẫn của Newton cũng cho chúng ta biết rằng các vật càng ở xa nhau thì lực hấp dẫn càng nhỏ. Ví dụ, lực hút hấp dẫn của một ngôi sao đúng bằng một phần tư lực hút của một ngôi sao tương tự, nhưng ở khoảng cách giảm đi một nửa. Định luật này tiên đoán quỹ đạo của trái đất, mặt trăng và các hành tinh với độ chính xác rất cao. Nếu định luật này khác đi, chẳng hạn, lực hút hấp dẫn của một ngôi sao giảm theo khoảng cách nhanh hơn, thì quỹ đạo của các hành tinh không còn là hình elip nữa, mà chúng sẽ là những đường xoắn ốc về phía mặt trời. Nếu lực đó lại giảm chậm hơn, thì lực hấp dẫn từ các ngôi sao xa sẽ lấn át lực hấp dẫn từ mặt trời.

Sự khác biệt to lớn giữa những tư tưởng của Aristotle và những tư tưởng của Galileo và Newton là ở chỗ Aristotle tin rằng trạng thái đứng yên là trạng thái được “ưa thích” hơn của mọi vật - mọi vật sẽ lấy trạng thái đó, nếu không có một lực hoặc xung lực nào tác dụng vào nó. Đặc biệt, ông cho rằng trái đất là đứng yên. Nhưng từ những định luật của Newton suy ra rằng không có một tiêu chuẩn đơn nhất cho sự đứng yên. Người ta hoàn toàn có quyền như nhau khi nói rằng, vật A là đứng yên và vật B chuyển động với vận tốc không đổi đối với vật A hoặc vật B là đứng yên và vật A chuyển động. Ví dụ, nếu tạm gác ra một bên chuyển động quay của trái đất quanh trục của nó và quỹ đạo của nó xung quanh mặt trời, người ta có thể nói rằng trái đất là đứng yên và đoàn tàu trên nó chuyển động về phía bắc với vận tốc 90 dặm một giờ hoặc đoàn tàu là đứng yên còn trái đất chuyển động về phía nam cũng với vận tốc đó. Nếu người ta tiến hành những thí nghiệm của chúng ta với các vật chuyển động trên con tàu đó thì tất cả các định luật của Newton vẫn còn đúng. Ví dụ, khi đánh bóng bàn trên con tàu đó, người ta sẽ thấy rằng quả bóng vẫn tuân theo các định luật của Newton hệt như khi bàn bóng đặt cạnh đường ray. Như vậy không có cách nào cho phép ta nói được là con tàu hay trái đất đang chuyển động.

Việc không có một tiêu chuẩn tuyệt đối cho sự đứng yên có nghĩa là người ta không thể xác định được hai sự kiện xảy ra ở hai thời điểm khác nhau có cùng ở một vị trí trong không gian hay không. Ví dụ, giả sử quả bóng bàn trên con tàu nảy lên và rơi xuống chạm bàn ở cùng một chỗ sau khoảng thời gian 1 giây. Đối với người đứng cạnh đường ray thì hai lần chạm bàn đó xảy ra ở hai vị trí cách nhau 40 m vì con tàu chạy được quãng đường đó trong khoảng thời gian giữa hai lần quả bóng chạm bàn. Sự không tồn tại sự đứng yên tuyệt đối, vì vậy, có nghĩa là người ta không thể gán cho một sự kiện một vị trí tuyệt đối trong không gian, như Aristotle đã tâm niệm. Vị trí của các sự kiện và khoảng cách giữa chúng là khác nhau đối với người ở trên tàu và người đứng cạnh đường ray và chẳng có lý do gì để thích vị trí của người này hơn vị trí của người kia.

Newton là người rất băn khoăn về sự không có vị trí tuyệt đối, hay như người ta vẫn gọi là không có không gian tuyệt đối, vì điều đó không phù hợp với ý niệm của ông về Thượng đế tuyệt đối. Thực tế, Newton đã chối bỏ, không chấp nhận sự không tồn tại của không gian tuyệt đối, mặc dù thậm chí điều đó đã ngầm chứa trong những định luật của ông. Ông đã bị nhiều người phê phán nghiêm khắc vì niềm tin phi lý đó, mà chủ yếu nhất là bởi Giám mục Berkeley, một nhà triết học tin rằng mọi đối tượng vật chất và cả không gian lẫn thời gian chỉ là một ảo ảnh. Khi người ta kể cho tiến sĩ Johnson nổi tiếng về quan điểm của Berkeley, ông kêu lớn: “Tôi sẽ bác bỏ nó như thế này này!” và ông đá ngón chân cái vào một hòn đá lớn.

Cả Aristotle lẫn Newton đều tin vào thời gian tuyệt đối. Nghĩa là, họ tin rằng người ta có thể đo một cách đàng hoàng khoảng thời gian giữa hai sự kiện, rằng thời gian đó hoàn toàn như nhau dù bất kỳ ai tiến hành đo nó, miễn là họ dùng một chiếc đồng hồ tốt. Thời gian hoàn toàn tách rời và độc lập với không gian. Đó là điều mà nhiều người xem là chuyện thường tình. Tuy nhiên, đến lúc chúng ta phải thay đổi những ý niệm của chúng ta về không gian và thời gian. Mặc dù những quan niệm thông thường đó của chúng ta vẫn có kết quả tốt khi đề cập tới các vật như quả táo hoặc các hành tinh là những vật chuyển động tương đối chậm, nhưng chúng sẽ hoàn toàn không dùng được nữa đối với những vật chuyển động với vận tốc bằng hoặc gần bằng vận tốc ánh sáng.

Năm 1676, nhà thiên văn học Đan Mạch Ole Christensen Roemer là người đầu tiên phát hiện ra rằng ánh sáng truyền với vận tốc hữu hạn, mặc dù rất lớn. Ông quan sát thấy rằng thời gian để các mặt trăng của sao Mộc xuất hiện sau khi đi qua phía sau của hành tinh đó không cách đều nhau như người ta chờ đợi, nếu các mặt trăng đó chuyển động vòng quanh sao Mộc với vận tốc không đổi. Khi trái đất và sao Mộc quanh xung quanh mặt trời, khoảng cách giữa chúng thay đổi. Roemer thấy rằng sự che khuất các mặt trăng của sao Mộc xuất hiện càng muộn khi chúng ta càng ở xa hành tinh đó. Ông lý luận rằng điều đó xảy ra là do ánh sáng từ các mặt trăng đó đến chúng ta mất nhiều thời gian hơn khi chúng ta ở xa chúng hơn. Tuy nhiên, do những phép đo của ông về sự biến thiên khoảng cách giữa trái đất và sao Mộc không được chính xác lắm, nên giá trị vận tốc ánh sáng mà ông xác định được là 140.000 dặm/s, trong khi giá trị hiện nay đo được của vận tốc này là 186.000 dặm/s (khoảng 300.000 km/s). Dù sao thành tựu của Roemer cũng rất đáng kể, không chỉ trong việc chứng minh được rằng vận tốc của ánh sáng là hữu hạn, mà cả trong việc đo được vận tốc đó, đặc biệt nó lại được thực hiện 11 năm trước khi Newton cho xuất bản cuốn Principia Mathematica.

Một lý thuyết đích thực về sự truyền ánh sáng phải mãi tới năm 1865 mới ra đời, khi nhà vật lý người Anh James Clerk Maxwell đã thành công thống nhất hai lý thuyết riêng phần cho tới thời gian đó vẫn được dùng để mô tả riêng biệt các lực điện và từ. Các phương trình của Maxwell tiên đoán rằng có thể có những nhiễu động giống như sóng trong một trường điện từ kết hợp, rằng những nhiễu động đó sẽ được truyền với một vận tốc cố định giống như những gợn sóng trên hồ. Nếu bước sóng của những sóng đó (khoảng cách của hai đỉnh sóng liên tiếp) là một mét hoặc lớn hơn, thì chúng được gọi là sóng radio (hay sóng vô tuyến). Những sóng có bước sóng ngắn hơn được gọi là sóng cực ngắn (với bước sóng vài centimet) hoặc sóng hồng ngoại (với bước sóng lớn hơn mười phần ngàn centimet). Ánh sáng thấy được có bước sóng nằm giữa bốn mươi phần triệu đến tám mươi phần triệu centimet. Những sóng có bước sóng còn ngắn hơn nữa là tia tử ngoại, tia - X và các tia gamma.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
nhân tiện, tớ có sẵn bản " Lược sử thời gian" đây, bạn nào cần cứ nói nha :)) , tớ gửi cho :))
 
Gửi cho tớ xem với, hôm nọ định mua quyển này rồi nhưng mà đắt quá, những 40 đô lận :(
 
Đỗ Bá Khoa đã viết:
Gửi cho tớ xem với, hôm nọ định mua quyển này rồi nhưng mà đắt quá, những 40 đô lận :(
:* vậy để tớ gửi cho nha :)) , bản tiếng việt thôi :))
 
năm ngoái nghe thầy lí wang? cáo thấy hay hay mà lười chưa tìm mua. Ban HA gửi cho cả tớ nữa nhá :D
 
Hải Anh à... em post nguyên văn lên đấy à? Anh cũng rất thích cuốn này nhưng muốn em và mọi người đưa ra suy nghĩ của mình cơ.

Bản Lược sử thời gian khá cũ rồi (năm 88 thì phải) tên tiếng Anh là "Brief History of Time" - có thể tìm đọc cuốn Universe in a Nutshell năm 2001 sẽ dễ hiểu và có nhiều kiến thức mới hơn.

Có vẻ như chủ đề này không được quan tâm lắm... có lẽ nhờ MOD xóa luôn thể. Hừm!
 
@em Khánh Duy
anh nghĩ là em nên post tiếp những suy nghĩ của em
mình làm gi nhiều lúc cũng không nên quan tâm đến việc người khác nghĩ gì hay phản hồi của họ như thế nào, như thế thì mình sẽ sống thật hơn với chính mình, và tất nhiên cũng bớt fải chông chờ điều này hay điều kia để rồi có thể thất vọng !

về vấn đề thời gian, theo chủ quan của anh, anh nghĩ sẽ là không sai nếu nói thời gian chưa bao giờ thực sự tồn tại, cũng như tất cả các lý thuyết khoa học chưa bao giờ thực sự tồn tại. Ở một khía cạnh nào đó, chỉ là vạn vật đều thay đổi, và thời gian là trí tưởng tựong của con người, hay la hình chiếu có sự thay đổi đó lên bộ não con người mà thôi. Nhưng vì nó là sản fẩm của chính con người nên ta cũng không thể bảo nó là không tồn tại, hay thực có được.
Con người cho mình là thông minh nhất, nhưng nhiều lúc anh lại thấy con người thật trẻ con và khờ khạo (hồi bé ai nói gì cũng tin - ngu ngu !!!), có thể do khả năng tưởng tượng, suy diễn của con người cao hơn so với những sinh vật khác cũng nên. Khi một người nhìn thấy mọi sự đang chuyển mình, đang thay đổi, anh ta kết luận ngay rằng đó là dấu vết của cái gọi là thời gian, có biết đâu mọi thứ thay đổi là tự tính, còn có cái gì gọi là thời gian?
Hay như trong mọi sinh hoạt thường ngày, ta cũng có thể bắt gặp cái ngây thơ dại khờ của con người. cái dại khờ đấy quá to đến nỗi tất cả đều tin rằng nó là hiển nhiên, là sự thực. Ví dụ nho nhỏ: Khi một người bị cháy nhà, hay bị người yêu đá, anh ta lập tực chìm trong đau khổ và thường là chẳng bao giờ anh ta hỏi nguyên nhân thực sự làm cho anh ta khổ là gì, có fải vì cái nhà đang cháy kia hay vì người yêu cặp bồ mới thật không!!! tóm lại ,anh ta hoạt động một cách "vô thức" ( từ này không được hay lăm vì sẽ dễ gây nhầm lẫn sang một thứ "vô thức " khác, nhưng mà chả biết từ nào dễ diễn tả hơn) cháy nhà ---> đau khổ (và mình nói: "Bị lừa rồi bạn ơi")

Còn về khía cạnh con người, anh nghĩ chỉ có thể nói là khác nhau thôi, không thể nói con người hơn các sinh vật khác, hay con người chính là trung tâm của vạn vật được.
Hãy thử xem, con người đâu có biết bay đâu, đừng nói ngồi trong máy bay la biết bay nhé, trẻ con nó không tin đâu. Và nếu con chim có suy nghĩ như người, nó sẽ cười và bảo nó mới là động vật thượng đẳng. Con người hay tự mãn về trí thông minh của mình, nhưng ví dụ trên cũng có thể cho mọi người thấy: con người không thực sự thông minh như họ nghĩ. khy biết suy tư, biết sáng tác thì đồng thời con người cũng bi trói buộc bởi cái khả năng đó, và ho cũng se biết đến thất vọng , đau khổ, khi đó nhìn một con bướm đang thoải mái chơi đùa cùng một bông hoa, ai sẽ nghĩ con người có trí tuệ hơn con bướm hồn nhiên kia?
Cũng khá dài rồi
chúc em theo đuổi đam mê của em về vũ trụ nhé
Anh đồng quan điểm và thích cái lý thuyết trong đó mọi điểm của vũ trụ đều là trung tâm của vụ trụ, và trong vũ trụ đấy, chẳng có sinh vật nào là trung tâm vượt hơn mọi loài, nhưng tất cả, tất cả đều là trung tâm, chỉ có điều là để thực sự hiểu được như vậy thì mỗi sinh vật sẽ fải tiếp tục con đường mà nó đi, có thể sẽ là rất lâu. Một đứa nhỏ sẽ tiếp tục đến trường đi học, một nhà khoa học tiếp tục say mê với những thứ mà tất cả các nhà khoa học khác đã và đang xây dựng, và một con chim sẽ tiếp tục bay hót. Nhưng thời gian có bao giờ thực sự tồn tại....
 
Mọi người ơi,mời mọi người phát biểu giả thuyết của mình về Thượng đế ,tôi hiện chưa có thời gian,khi nào rảnh tôi sẽ trình bày ý kiến của mình,mọi người cứ suy nghĩ qua đi nhé
 
Cảm ơn bạn Hiệp. Hiện tôi cũng đang bận quá, vả lại đang đọc cuốn "Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ" để có thêm kiến thức. Về thượng đế, nhiều nhà khoa học lớn đều có xu hướng muốn tìm câu trả lời cho đấng sáng tạo, thật ra mục đích lớn của vật lý học hiện đại là tìm ra thuyết thống nhất để trước tiên là giải quyết được bài toán vũ trụ khi mới hình thành.

Hi vọng tuần sau tôi sẽ có được một bài viết nhỏ. Còn tiện đây xin dẫn lời hầu tước Laplace khi nói với Napoleon: "Thần không cần giả thuyết về Chúa".
 
Duy viết bài hay quá nhỉ ! Mình rất thích ! Có lẽ Duy ko biết mình là ai chỉ vì mình là 1 thành viên "cô độc" đến - rồi đi. Nếu có dịp mình sẽ tìm những bài thật hay để post lên cho các bạn xem. Mình hi vọng chủ đề này sẽ phát triển hơn nữa. Mình muốn kết bạn với Duy có được ko?
 
Ừm... thế này bạn Thành Trung ạ. Sao lại post bài buồn cười vậy? Gửi tin nhắn cho mình về vấn đề này là được rồi.
Còn về bài hay, nếu bạn có nguồn thì nên gửi link hoặc cái gì đó để mọi người tự tìm. Trong chủ đề này, mình muốn mọi người đưa ra cách nhìn riêng của mình.

Sau thời gian tìm hiểu về Phật giáo, mình có nhiều suy nghĩ khá thú vị. Về chủ đề Thượng đế, hi vọng sẽ sớm hoàn thành bài viết.

Mặc dù những thảo luận này có thể nằm ngoài nội dung của Khoa học - kĩ thuật. Nhưng thật khó để có thể tìm ra chỗ nằm cho chủ đề này. Triết học, khoa học và nghệ thuật ngày nay luôn gắn liền với nhau. Mình muốn chủ đề này là nơi cho mọi người cùng trao đổi mọi ý kiến có liên quan đến thế giới quan cá nhân.

Hi vọng nhận được sự ủng hộ.
 
Chạy ngang qua có đọc được bài của anh Duy về con người, cũng là thứ mà em hay nghĩ ngợi (chắc ai cũng thế), nhưng em thấy không được đồng tình lắm.

Nếu quả thật thuyết tiến hóa của Darwin là đúng, thì con người cũng chỉ là từ loài vật mà ra, và cũng chỉ là bước tiến hóa cao hơn của loài vật. Hiểu nhiều hơn, biết nhiều hơn, tự phong cho mình là "sinh vật thượng đẳng". Nhưng thực sự thì con người là cái gì. Điều gì làm con người khác biệt so với các loài khác thì nhiều người phân tích rồi. Nhưng ngoài những thứ chúng ta vẫn tự hào thì sao.

Suy cho cùng thì ta cũng vẫn chỉ là những sinh vật ăn bám thiên nhiên, như các loài khác. Tất cả các loại năng lượng cũng chỉ trông vào mặt trời. Ta tự cho mình cái quyền là chủ trái đất, là người bảo vệ trái đất. Em từng tự hỏi nếu không có con người thì trái đất sẽ trở nên như thế nào cho muôn loài, xấu đi hay đẹp hơn lên. Ta bảo vệ trái đất khỏi cái gì, con người chăng?

Chúng ta lặn xuống biển sâu, nơi những con cá săn mồi làm vua, ngắm nhìn chúng để rồi cười rằng mình thông minh hơn, hiểu biết hơn. Nhưng ta thì khác gì chúng. Chúng nghĩ mình là bá chủ. Chúng không hề biết rằng có người đang ngắm nhìn mình, cũng không hề biết rằng có thế giới phía trên mặt biển. Khám phả thế giới trên cạn nằm ngoài khả năng hiện tại loài cá cho phép. Nếu một ngày chúng đủ khả năng vượt cạn để rồi nhận ra có một loài gọi là con người còn quyền phép hơn. Chúng sẽ nghĩ gì.

Con người nghĩ ra câu "ếch ngồi đáy giếng", chê con ếch chỉ nhìn thấy trời bằng cái vung mà đã bắng nhắng. Nhưng liệu miệng giếng của con người đã rộng đến đâu : 1/1000 , 1/ 1000 000 000, hay 1/10000000000000000.... của cái gọi là vũ trụ bao la.

Con người quá tinh vi, quá tự cao. Con người thừa cả thời gian để quay ra chém giết lẫn nhau, hủy hoại chính cái mà con người đôi khi quên mất là ngôi nhà của mình. Thừa trí não để tạo ra những thứ như bom hạt nhân, bom nguyên tử. Tự diệt vong là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Con người mơ ước chinh phục thiên nhiên, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì con người chẳng qua cũng chỉ là một phần của thiên nhiên, có muốn tách ra cũng không được. Biết đâu một triệu năm sau một loài khác nhìn lại ta hiện nay, ta liệu khác gì con vượn trong mắt chúng.

Chậc, đang viết mấu lại phải chạy ra đây chút, các bác cứ chỉ trích em về viết tiếp ...

peace out ^_^
 
Trần Hoàng Giang đã viết:
...., nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì con người chẳng qua cũng chỉ là một phần của thiên nhiên, có muốn tách ra cũng không được.
Câu này của em thật là hay. Nếu mà thực sự hiểu và làm chủ được nó thì không phải người thường.
Topic này là một chủ đề hay.
 
Back
Bên trên