chuyện ngược lại nè
Mối tình muộn của họa sĩ Trần Văn Cẩn
Hạnh phúc riêng tư đến với ông quá muộn màng, nhưng ông được bù đắp bởi sự xanh tươi, trong lành mà người thiếu nữ ấy mang đến. Khi nhắm mắt, họa sĩ để lại di chúc: "Xin cô Trần Thị Hồng nhận lấy gia tài hội họa của tôi như một chút quà mọn".
Vợ chồng hoạ sĩ Trần văn Cẩn năm 1992
Vợ chồng hoạ sĩ Trần Văn Cẩn năm 1992.
Mồ côi mẹ từ khi còn ẵm ngửa, cha đi chiến trường Campuchia, cuộc sống tự lập tạo cho cô bé Trần Thị Hồng một cá tính quyết liệt. 13 tuổi, cô rời quê hương Quảng Ngãi cùng các học sinh miền Nam ra Bắc học tập. Có năng khiếu đặc biệt về hội họa, Trần Thị Hồng được chọn vào lớp sơ trung hệ 7 năm của Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Hiệu trưởng của trường lúc bấy giờ là hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, tên tuổi lớn của nền mỹ thuật nước nhà. Cô bé cứ lớn lên từng ngày, vô tư, hồn nhiên và yêu ngôi trường như mái nhà của mình.
Trong trường Mỹ thuật có một công viên nhỏ, Hồng và các bạn mình thường ra đó học bài, đan len, ngồi hý hoáy tập vẽ ký hoạ. Thỉnh thoảng, thày hiệu trưởng lại ghé qua, trò chuyện cùng học sinh. Qua những câu chuyện dung dị, ông đã vun đắp lên tình yêu nghệ thuật, cái nhìn đời sống an lành trong tâm hồn non nớt của những cô cậu học trò nhỏ. Ông hiền lành, gần gũi và lớn lao. Các học sinh của trường Mỹ thuật bên cạnh sự yêu quý, còn ngưỡng mộ thày như một thần tượng.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn có một gương mặt đẹp và biểu cảm về tạo hình. Khi Trần Thị Hồng làm bài thi tốt nghiệp đại học chuyên ngành điêu khắc, cô đã tới xin nặn tượng chân dung ông. Hằng ngày, cô đều dành thời gian ngồi cạnh ông để hoàn thành bức chân dung. Khi cô nặn tượng thì họa sĩ cũng tranh thủ ký họa nét thanh xuân của cô. Qua những câu chuyện và sự gần gũi, càng ngày trong lòng cô, hình ảnh thày hiệu trưởng càng trở nên thân thiết. Ngược lại, ông cũng quyến luyến cô học trò hồn nhiên có đôi mắt bồ câu trong veo. Ông không còn là thần tượng xa cách. Cô thương ông bao năm sống lủi thủi một mình, tự cơm nước giặt giũ trong căn nhà lạnh lẽo ở phố Nguyễn Thượng Hiền. Ông sống rất đạm bạc, ngoài những đồ đạc để vẽ, gia tài của ông hầu như chẳng có gì.
Một ngày, Trần Thị Hồng nhận ra mình đã đem lòng yêu người đàn ông luống tuổi và đơn độc. Tình yêu ấy không giấu giếm âm ỉ, nó quyết liệt, dữ dội như cá tính con gái vùng biển. Cô đã nhìn thẳng vào mắt ông để nói: "Em yêu thày". Họa sĩ choáng váng. 61 tuổi, ông đang về chiều. Còn cô 25 tuổi, mới bắt đầu đi tìm cuộc đời mình, làm sao cô có thể chia sẻ được gánh nặng năm tháng ông đang mang. Thoạt đầu, họa sĩ đã từ chối. Ông ngại làm phiền cô, sợ cô không chịu được những dị nghị từ dư luận và áp lực từ bạn bè, người thân. Ông không muốn cô hy sinh tuổi trẻ vì mình.
Cô bướng bỉnh không chấp nhận sự ngần ngại của ông. Cô biết chắc rằng tình yêu dành cho ông ở trong tim cô lớn lao như thế nào. Cô chủ động đi về chăm lo việc nhà cửa, cơm nước giặt giũ cho ông. Từng ngày cô thuyết phục ông hãy tin vào tình yêu của cô không phải sự bồng bột của tuổi trẻ. Đối với cô tình yêu là số phận. Những ngày xanh tươi cô mang đến đã thắp sáng lại cuộc đời nhiều u buồn của ông. Quá nửa đời người ông mới có một gia đình thực sự của mình, hạnh phúc muộn màng ấy đôi khi ông vẫn chưa dám tin rằng mình thật sự có nó.
Năm 1975, cô Trần Thị Hồng chuyển về ở hẳn với hoạ sĩ. Để tránh những lời xì xào, cô nhập hộ khẩu vào căn hộ ở khu tập thể số 10 Nguyễn Thượng Hiền với danh nghĩa cháu ruột ông Trần Văn Cẩn. Tuy nhiên, chuyện tình "kinh thiên động địa" của họ vẫn bị bạn bè, người quen bàn ra tán vào. Người ta nói cô Hồng điên, cũng không ít kẻ cho rằng cô Hồng tham danh hám lợi đến nỗi đánh đổi cả tuổi trẻ của mình.
Không có đám cưới, nhưng cô Hồng chưa bao giờ tủi thân vì những thiệt thòi ấy. Cô nói: "Mỗi người như một mảnh thiên thạch rơi lang thang, nếu may mắn, khi rơi đúng chỗ sẽ ráp vào nhau vừa khít. Cuộc đời tôi để ráp được với ông, được sống với nhau đã là quà tặng của số phận. Đám cưới là chuyện hình thức, tôi bằng lòng với tình yêu của ông và chỉ cần ông". Bởi họa sĩ đã cao tuổi nên hai người không có con. Rất nhiều năm sau, khi chứng kiến cô Hồng hết lòng chăm sóc tận tụy với ông Cẩn, những người nói cô "tham danh hám lợi" mới thấy sự nhẫn tâm của họ trước người phụ nữ chưa từng được làm mẹ ấy.
Họa sĩ - nhà điêu khắc Trần Thị Hồng có 30 năm làm giảng viên khoa Điêu khắc - Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sự nghiệp của bà chịu ảnh hưởng lớn từ họa sĩ Trần Văn Cẩn. "Ông là nhân cách lớn, là người thày tuyệt vời. Từ sự uyên bác và trí tuệ, từ sự bao dung và nhân hậu của ông, tôi đã nhìn cuộc đời này rộng mở và an hòa hơn. Ông cho tôi tấm gương lớn về sáng tạo và sự cẩn thận trong lao động nghệ thuật", cô Hồng nhớ lại. Trong 25 năm chung sống, ngoài tình yêu, họ đã ở bên nhau như hai người tri kỷ. Cô ngồi làm mẫu cho ông trong rất nhiều bức tranh. Mỗi bức hoạ của Trần Văn Cẩn đều thấp thoáng hình ảnh người phụ nữ thương yêu đời ông. Ông bắt đầu yếu dần từ năm 1990, lúc ấy họa sĩ đã 80 tuổi. Hầu như chỉ có thể đi lại ở trong nhà, ông vẫn vẽ. Bức tranh sơn dầu cuối cùng, Trần Văn Cẩn vẽ về người vợ của mình. Nhưng sức quá yếu, ông không đẩy nổi sơn, tới giờ bức họa ấy vẫn còn dang dở. Bốn năm cuộc đời ông gần như chỉ nằm trên giường. Tối nào cô Hồng cũng giúp ông xem lại tranh, bức nào chưa hoàn thành cô giúp ông vẽ nốt.
Họa sĩ đã trở về với cõi vĩnh hằng được 10 năm. Trong căn phòng cũ kỹ trên gác 3, giờ đây chỉ còn một mình bà Hồng sống giữa thế-giới-ông. Căn phòng chừng 20 m2, chật chội bởi tranh. Hơn 1.000 bức tranh lớn nhỏ phải buộc thành từng bó. Mấy năm trước trần bị nứt, mỗi khi mưa xuống lại dột, ẩm mốc và nước mưa đã làm hỏng vài bức. Bà dành dụm tiền làm thêm được cái mái tôn, thật may là qua cả mùa mưa vừa rồi, căn phòng vẫn khô ráo.
Trong những câu chuyện kể về ông, bà cười và khóc rất nhiều. Bà rạng rỡ khi nhắc lại những kỷ niệm rằng tính ông hóm hỉnh, hay đùa, lúc nào cũng sợ bà buồn; rằng ông hay ký tên H-C (Hồng - Cẩn) vào những bức tranh vẽ tặng bà; rằng ông chu đáo đến nỗi, đi công tác xa hay sơ tán mỗi khi trở về, bà đều thấy trong cái túi để sau cánh cửa luôn có sẵn tem phiếu và những điều ông dặn dò bà... Rồi bà bật khóc khi kể về những năm tháng đạm bạc của ông, đến tận lúc sắp mất, bà mới mua cho ông được chiếc TV đen trắng. Bây giờ, bầu bạn với bà Hồng là hai chú mèo nhỏ. Trên sân thượng có những chậu rau và rổ đất bé xíu gieo vào cây ớt, dăm khóm đậu... Bà vẫn sáng tác, nặn tượng.
Trong di chúc, ông để lại cho bà toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình, với mong mỏi bà hãy thay ông gìn giữ, bảo quản số tranh ấy để công chúng sau này vẫn đến được với tranh ông. Nhiều người thấy bà Hồng sống đạm bạc đã khuyên bà bán đi vài bức để sửa sang nhà cửa, bà nhất định không nghe. "Cuộc đời tôi đã chết một nửa mang theo ông. Giờ tôi chỉ có nguyện vọng làm sao để nghệ thuật của họa sĩ Trần Văn Cẩn tái sinh. Khi sống, ông chỉ có mong muốn những người dân bình thường nhất cũng đến được với tranh ông. Ông tin cậy gửi gắm tôi ước nguyện ấy, tôi phải làm bằng được". Bà Hồng đã tính đến nước "xót ruột" nhất, là nếu không tìm được những mạnh thường quân yêu nghệ thuật hay sự hỗ trợ của nhà nước, bà sẽ phải bán đi một số lượng tranh Trần Văn Cẩn để lấy tiền làm nhà cho ông.
Ở buổi chiều của cuộc đời mình, người đàn bà chưa một lần làm mẹ ấy ngồi đếm lại những năm tháng đi qua: "Dù rằng khoảng thời gian họa sĩ bỏ tôi lại một mình quá dài, nhưng tôi vẫn biết ơn ông, vì ông đã cho tôi mối tình đẹp đẽ thế trong đời".
__________________