Saigon Phong vị - Một

Hoàng Đạo Hiệp
(Hoang-Dao Hiep)

New Member
Saigon Phong vị

Một

Nhiều người Bắc chẳng bao giờ quen với khẩu vị của Saigon, đơn giản vì khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt nhau quá. Quanh năm nóng nực có mùa khô và mùa mưa, không rét bao giờ, thành ra nước dùng chẳng bao giờ đủ nóng, rau sống ngò gai cả đĩa sum suê lổng chổng, đồ ăn luôn kèm theo ly trà đá tổ chảng nữa, lại thêm cái tục nêm đường vào tất cả các món ăn. Nhưng mà, bao giờ cũng thế, địa phương nào sinh phong vị ấy, ông nào cứ khư khư cái kiểu cách miền Bắc thì xin mời ra Bắc mà xơi, ở trong này kêu than không hợp mà làm gì.

Chu Thường tiên sinh, hay được âu yếm gọi là “tay nhà văn ở cơ quan tôi”, đậm đặc chất sĩ phu Bắc Hà, thân giai dặm trường dọn vào miền Nam sống được hai năm nay, có lần ra Bắc về đã phát biểu một câu thế này “Mình ra đây lại không buồn ăn phở, thế nào mà sáng ngày ra lại lẩm bẩm biết ăn mì ở đâu bây giờ”.

Đấy là bạn tôi nói đến món mì Tầu, đồ ăn sáng hoàn hảo của người Hoa, hay của một phần tư thế giới. Hàng mì có ngon hay không, nếm qua sợi mì là đủ biết, mỗi gia đình người Hoa bán mì (hay có chữ Ký, hoặc Mì Gia ở sau – Hòa Ký, Sáng Ký, Vân Ký, hay Lục Ký Mì Gia đủ cả) đều tự làm sợi mì tươi, làm ngày nào dùng ngày ấy. Bột mì được nhào nặn (tung lên vật xuống véo ra ném vào kịch tính thích mắt lắm) thành sợi, búi vào từng “vắt” con con, tiêu chuẩn tô mì bình thường là ba vắt, ít thì hai vắt. Khái niệm này lắm lúc báo hại các bạn Hà Nội mới vào chưa quen, bị ông bán mì giọng người Hoa lơ lớ hỏi cậu ăng mấy “dzắc” dzậy, lúng túng cuống cuồng tưởng hỏi ăn mấy bát, tức thì bảo là cháu ăn một thôi ạ, thế là có một vắt bé tin hin lọt thỏm ai ăn ai đừng trong lòng tô mì.

Mì Tầu (sợi lớn, sợi nhỏ, rồi thì cả hủ tiếu – giống bánh phở nhưng tráng dầy và to bản hơn) tốt nhất nên gọi “mì khô”, mì sợi nhỏ trần và nêm đúng độ không nát không dính không nhão không khô cùng tí dầu hào và vài cây xà lách, dọn ra với bát nước dùng để riêng (được cái rất nóng, người Hoa mà lại) có thịt heo, gan, cật, rồi tôm, cá nữa tùy bạn chọn. Cũng nên lưu ý rằng, dầu hào nêm đúng khẩu vị người Hoa có thể hơi mặn, nêm cay không dùng tương ớt mà dùng sa tế với ớt tươi, chai nút đỏ là chai dấm – đã ăn món Hoa thì không thể thiếu dấm đỏ, chai nút xanh lá cây mới là nước tương (xì dầu).

Chỗ ăn sáng ưa thích của mình là Ký Hòa Mì Gia ở 64 đường Ký Hòa, trong khu Chợ Lớn (quận Năm), kiểu Hồng Kông – cực sạch sẽ, ít dầu mỡ, không bột ngọt (mình đã ăn mì ở đúng Tsim Sha Shui, kêu là ngon nhất Hồng Kông, cũng chẳng ngon hơn là bao). Nhà hàng chỉ bán buổi sáng, phần lớn là khách quen, ngồi xuống khỏi phải dặn dò, xung quanh om sòm tuyền tiếng Quảng của cả nhà hàng lẫn thực khách, biển bảng thì chữ Hoa ở trên chữ Việt ở dưới. Ăn mì đúng kiểu dân Hồng Kông phải biết khéo léo chỉ một tay dùng đôi đũa kẹp lại mà ngắt được búng mì mới gọi là sành. Đến ăn ở đây đã lâu, mà mỗi lần ăn không thể nào không ngắm sự thuần thục trước mấy cái nồi nghi ngút khói của cặp bài trùng nấu mì cùng vận quần soóc áo sơ mi cháo lòng, vai chính béo tốt phương phi chuyên nêm nếm cùng các thao tác kết hợp liên quan đến thịt, vai phụ nhỏ bé quắt queo chuyên tung vợt trần mì, cả hai tay làm cứ thoăn thoắt phối hợp ăn ý ghê gớm, với tinh thần mỗi tô mỳ phải là một tác phẩm như ý mới được.

Khúc Mạc Thị Bưởi cắt Hai Bà Trưng quận Nhất có hàng mì của ba anh em người Hoa, quán bé tí tị tì ti, ngồi ăn chen chúc khổ lắm, nhưng mà mì rất ngon nên cũng bõ công. Nhà này đắt hàng món hoành thánh (vằn thắn) tươi khách ăn đến đâu làm đến đấy. Chính ba ông Tầu này làm Chu Thường tiên sinh của chúng ta ăn sáng quên tiệt món phở quê hương.

Mì / hủ tiếu là món có thể gọi là phổ biến nhất ở miền Nam, thường xuất hiện dưới dạng xe mỳ có mái che ở đầu hẻm, ô kính sơn vẽ trang trí tích truyện Tầu xưa kiểu như Quan Công quá ngũ quan trảm lục tướng hay hình người đẹp mắt to lông mi cong uốn éo kiểu Sài Gòn. Có ông em Hà Nội sành ăn ngày trước lại còn kỳ công mang theo tới bẩy suất mì vịt tiềm lên máy bay mang ra vẫn còn nóng. Hủ tiếu còn thêm một nhánh nữa là hủ tiếu Nam Vang, nguyên gốc từ Phnom Penh, sợi nhỏ và dai, nhiều tỏi nhiều đường nêm nhiều nhiều tương đen, điển hình có anh giai Ty Lum người Miên thậm chí còn phát triển theo hướng franchise nhượng quyền thương hiệu hoành tráng mầu chủ đạo cứ gọi là tím ngăn ngắt. Hủ tiếu Nam Vang ăn đêm ngon nhất theo ý mình là ở trên đường Võ Văn Tần quận Ba, qua khỏi ngã ba với Trần Quốc Thảo nhìn sang phải là thấy. Nhà này bán đến 2-3 giờ sáng, có món đặc sản là “xí-quách” – từa tựa như bát bốc mả gặm xương ngoài mình.

“Ăn quận Năm nằm quận Ba vào ra quận Nhất cướp giật quận Tư”. Người ta cứ bảo là ăn món Hoa thì phải vào Chợ Lớn mới ngon, đồng ý, nhưng đa phần là các món có tính dân dã thôi. Góc Châu Văn Liêm và Nguyễn Trãi quận Năm có hàng lẩu đầu cá, lò than đỏ rực, rất đông. Ngay đối diện đấy là nhà Đồng Nguyên, điển hình có cơm hấp lá sen thịt chưng cá mặn, và đậu hũ Mapo nấu bằng nồi đất vừa cay vừa nóng. Xuôi đường Nguyễn Trãi có nhà hàng nấu kiểu Sơn Đầu chính hiệu, nhưng cũng vì đồ ăn quá nguyên gốc nên cũng không nên thử nếu bạn không quen lắm với khẩu vị Trung Hoa. Đồ ăn kiểu Đài Loan, thì có nhà hàng ở đường Trần Hưng Đạo cũng rất ngon. Đầu Nguyễn Tri Phương có dầu-cháo-quẩy với sữa đậu nành nóng.

Nhà hàng Hoa ngon và sang trọng hơn thì lại tập trung ở quận Nhất. Đắt nhất và ngon nhất là nhà hàng Hoa trong khách sạn Legend, không thể chê được ở điểm nào. Món Quảng Đông và Tứ Xuyên ngon, thì có nhà hàng Zheng Plaza ngay cạnh Norfolk Mansion 91-93 Lý Tự Trọng. Nhà hàng Li Bai trong khách sạn Sheraton có buffet lẩu rất ngon vào mỗi tối thứ Bảy. Rất nhiều nhà hàng Hoa khác nữa ở Saigon nhưng không nêu ở đây, vì mình không ưa lắm khẩu vị Trung Hoa lục địa. Hà Nội ta, lạ thay, là không có một nhà hàng Hoa nào có đồ ăn ngon cả, ít nhất là theo ý kiến chủ quan của mình.

Điểm cuối cùng trong phần này là nhà hàng Hoa mình yêu thích nhất, Hải Huê trên lầu 2 tòa nhà Lucky Plaza, 35 Nguyễn Huệ quận Nhất, cửa sau thông ra Đồng Khởi, ở đây bán cả ngày nhưng mà thích nhất là điểm tâm (Dim Sum hay “tỉm-sắm”) dành cho ăn sáng muộn cuối tuần – weekend brunch điển hình Hồng Kông. Sinh hoạt ưa thích này các bạn Hồng Kông kêu bằng “yam-cha”, tức là “ẩm trà” đấy, sáng chủ nhật dậy muộn, khoảng mười một rưỡi đến ăn điểm tâm uống trà, một nhóm mấy người thân hay bạn hàng buôn bán nhẩn nha vừa ăn uống vừa nói chuyện kéo dài một buổi tới ba bốn tiếng. Gần như không cuối tuần nào nhà mình lại không đến ăn. Tầng dưới Lucky Plaza là Russian Market, bán sỉ bán lẻ quần áo giầy dép xuất khẩu (hàng hóa không lắm hàng ‘lên” như bên Sà-Goòng-Hình-Vuông – tức Saigon Square), ăn xong tha hồ mà săn đồ hay, vốn không phải hôm nào cũng có.

Điểm tâm một bữa thường ăn cả mười mấy món, không hề ngấy vì nấu rất thanh, chủ yếu là chưng hấp, xào nấu cũng rất ít mỡ màng, và tuyệt nhiên không bột ngọt. Hoàn toàn không nên dùng tí thủy tinh mầu nào vì đồ ăn và giờ giấc không hợp với bia rượu. Đồ uống duy nhất nên là trà nóng, có nhiều loại, nhưng Thiết Quan Âm là loại ưa dùng. Bí quyết là chiêu ngụm trà nóng giữa mỗi món điểm tâm sẽ không làm bạn quá no. Gia vị có sốt XO, đấy hôm trước 8790 tụ tập ăn ở khách sạn Hà Nội cũng thấy có bán riêng cái chai ấy, nhưng dứt khoát không thể nào ngon bằng ở đây. Sốt XO là hỗn hợp của ớt sa tế, bacon, tôm khô, và sò điệp. Người nhận các món bạn gọi, hay cố vấn cho bạn món ngon (dĩ nhiên “lói-pằng-tiếng-Việt-á”), là một ông Tầu già đóng bộ chỉnh tề, đã phục vụ ở đây quãng hai chục năm.

Nếu bạn không đến đây cùng với anh Hiệp, thì xin mời cứ tự tin thoải mái gọi các món điểm tâm, đơn cử một bữa điển hình nhé: Há cảo tôm (ở đây ngon nhất đấy), bánh cuốn tôm, dền cảo hay bó xôi cảo (há cảo có rau), tàu hũ ki chiên (đậu phù trúc bọc ngoài rong biển nhân tôm), bánh củ cải, xíu mại bò (thực khách sành ăn ở đây vào phải gọi ngay món này vì làm hơi lâu), chân gà sốt tàu xì, xôi gà cuốn lá sen, cháo trắng và trứng vịt muối – làm rất cầu kỳ và lâu đấy, vì đầu bếp rất khắt khe với chất lượng của trứng vịt muối, mì xào với sò điệp và jambon Vân Nam, bánh bao Thượng Hải nhỏ – bạn phải khéo léo dùng đũa nhể một lỗ ở trên mà không làm vỡ cái bánh mỏng mảnh, để rót vào đấy tí dấm và gừng ngâm thái chỉ, rồi đỡ lên thìa ăn hết cả cái, ngon tuyệt… Tráng miệng, thì có món chè hạnh nhân trôi nước nổi tiếng nấu với sữa tươi, chưa quen sẽ thấy mùi hạnh nhân hơi hăng hăng nhưng mà ngon đến không quên được đấy.

Thôi, viết đến đây thì mình quỵ rồi, ngon quá, Người nó cứ cồn cào thế nào ấy.
Nhung xù ơi, thôi thì nếu cậu đi Sà Goòng mà không gặp tớ, cứ in cái rì-vưu này ra, cầm lăm lăm trong tay mà đi ăn hưởng nhá.

Phần sau mình sẽ rì-vưu cho các bạn mấy vụ ăn uống khác nữa ở Saigon. Chao ôi tâm hồn ăn uống đến thế này, biết đến bao giờ mới vươn được tới những gì lớn lao như câu nói ưa thích của Hồng Thủy?
 
Chỉnh sửa lần cuối:
chú Hiệp xa Sài Gòn mấy hôm đã nhớ thế sao? cháu Nga cứ trộm nghĩ, người đi nhiều như chú, qua bao nhiêu nơi rồi, làm sao còn sức mà thương nhớ nổi một con đường nhỉ? :) cháu mới chỉ đi có một chút, làm sao sánh bằng với con người quảng giao, đi lại nhiều như chú, mà cháu thề, không một ngày nào cháu nhớ. thật ra, giống như một vở kịch, một sân khấu, mỗi ngày ở một nơi khác nhau là một trải nghiệm duy nhất, không lặp lại. vì thế không nên nhung nhớ, không nên luyến tiếc. trân trọng nó như một thứ mình từng trải qua, chỉ vậy thôi.

cháu không bao giờ quay lại những buổi biểu diễn của mình. mỗi đêm diễn một khác, mỗi vai diễn có một cuộc đời riêng. không nên nhìn lại, không nên tiếc nuối. qua là qua, vậy thôi. dù thật ra, sau mỗi vở kịch đều rất nhớ. nhớ câu chuyện trong đó, nhân vật của mình, bạn diễn, và nhất là tình yêu của nhân vật của mình. dù thật ra, đôi khi những thứ đó trở nên thật hơn mình tưởng.
 
Re: Saigon Phong vị

chú Hiệp xa Sài Gòn mấy hôm đã nhớ thế sao? cháu Nga cứ trộm nghĩ, người đi nhiều như chú, qua bao nhiêu nơi rồi, làm sao còn sức mà thương nhớ nổi một con đường nhỉ? :) cháu mới chỉ đi có một chút, làm sao sánh bằng với con người quảng giao, đi lại nhiều như chú, mà cháu thề, không một ngày nào cháu nhớ. thật ra, giống như một vở kịch, một sân khấu, mỗi ngày ở một nơi khác nhau là một trải nghiệm duy nhất, không lặp lại. vì thế không nên nhung nhớ, không nên luyến tiếc. trân trọng nó như một thứ mình từng trải qua, chỉ vậy thôi.

cháu không bao giờ quay lại những buổi biểu diễn của mình. mỗi đêm diễn một khác, mỗi vai diễn có một cuộc đời riêng. không nên nhìn lại, không nên tiếc nuối. qua là qua, vậy thôi. dù thật ra, sau mỗi vở kịch đều rất nhớ. nhớ câu chuyện trong đó, nhân vật của mình, bạn diễn, và nhất là tình yêu của nhân vật của mình. dù thật ra, đôi khi những thứ đó trở nên thật hơn mình tưởng.

Ơ ơ ơ chú đang chưa hiểu thế nào cả cháu ạ... :eek: :eek: :eek:
Gần đây, đôi khi chuyện vãn với Hồng nọ hay Hồng kia, cứ bảo là hôm nào rì-vưu món ăn Sài Gòn đúng tinh thần tham ăn tham uống phết bơ dầy, nhưng lắm việc quá chẳng lúc nào ngồi yêm mà viết được. Hôm nọ nằm khàn trong phòng khách sạn Phom Penh sáng trong dịu hiền mới có thời gian mà tâm hồn ăn uống...
Cháu du học ở đất nước cờ hoa xa xôi có nâng quan điểm thế nào chăng? Đọc lại bài ấy chú đâu có thấy nhớ nhung đâu thấy thương nhớ đâu thấy luyến tiếc gì đâu, vả lại Saigon vẫn là nơi đi đi về về sinh hoạt thường xuyên đâu có xa xôi gì...
Xa hơn nữa, chú không công tác trong ngành sân khấu, đâm ra cũng chưa hiểu thế nào về những trải nghiệm nhân vật, vai diễn, bạn diễn "thật hơn mình tưởng"... lại càng hoang mang tợn.
Nhưng đúng là có một cái chú rất cần dặn bản thân là "không nên": có tuổi rồi, không nên ăn nhiều quá, không nên uống lắm quá, không nên phết bơ dầy quá... tốt nhất là cứ mấy tháng ăn thật lực uống thật lực phết bơ thật dầy lại nên có một tháng detox hẳn hoi uống nước rau nằm dựa ngửa trên ghế mà nghe Day Tripper :)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Re: Saigon Phong vị

Chỗ ăn sáng ưa thích của mình là Ký Hòa Mì Gia ở 64 đường Ký Hòa, trong khu Chợ Lớn (quận Năm), kiểu Hồng Kông – cực sạch sẽ, ít dầu mỡ, không bột ngọt (mình đã ăn mì ở đúng Tsim Sha Shui, kêu là ngon nhất Hồng Kông, cũng chẳng ngon hơn là bao).
Có cái Dòn Chín Mì Gia, không nhớ tên đường (vì toàn đi cùng cửu vạn), ở Q.5. Món mì vịt tiềm ở đấy ngon dã man luôn. =P~

Ở đường Cống Quỳnh thì có hủ tiếu Vĩnh Ký, quán nhỏ xíu. Bi giờ nhà đấy cho thuê, quán dọn ra ngay vỉa hè bán mà vẫn rất đông khách. Nước dùng ở đấy vừa thanh vừa ngọt, gấp tỉ lần cái hủ tiếu Hồng Phát dở hơi trên đường Võ Văn Tần, lều bều váng mỡ và ngọt đến phát rồ.

Góc Châu Văn Liêm và Nguyễn Trãi quận Năm có hàng lẩu đầu cá, lò than đỏ rực, rất đông. Ngay đối diện đấy là nhà Đồng Nguyên, điển hình có cơm hấp lá sen thịt chưng cá mặn, và đậu hũ Mapo nấu bằng nồi đất vừa cay vừa nóng.
Đông Nguyên chứ chú nhỉ:-/ Ở đấy có món cơm gà và cơm tôm rất ngon. Với cả canh củ sen hầm bắp bò, nước trong vắt mà vẫn ngọt lừ, ăn phê không tả được.

Nhưng nói chung cháu không bồ kết đồ ăn của các bạn khựa. Ngấy lắm! Ăn đồ khựa ở Sing thì càng hãi hùng tợn:-ss Thi thoảng cưỡi ngựa xem hoa ăn uống lớt phớt thay đổi khẩu vị thì được.

Chao ôi tâm hồn ăn uống đến thế này, biết đến bao giờ mới vươn được tới những gì lớn lao như câu nói ưa thích của Hồng Thủy?
Chú cứ ăn ăn uống uống thế chả mấy mà đắc đạo đâu. Các cụ ngày xưa vẫn bảo "có thực mới vực được đạo" mà :D
 
chú Hiệp xa Sài Gòn mấy hôm đã nhớ thế sao? cháu Nga cứ trộm nghĩ, người đi nhiều như chú, qua bao nhiêu nơi rồi, làm sao còn sức mà thương nhớ nổi một con đường nhỉ? :)
Hehehe, em Nga là nâng tầm quan điểm, đề cao ông chú anh quá rồi nhá.

Ông chú Trẻ-Đẹp-Phong-Độ-Bo-Đì-Ngon của anh thì chỉ ăn ăn uống uống, thuỷ tinh màu này nọ kia khác thôi. Chứ còn, sức đâu mà nhớ nổi một con đường. Có nhớ, thì nhớ mấy cái sự hồng tuyết tuyết hồng hai chân lâng lâng không chạm đất thôi em ạ :D

Tất nhiên là, một đoàn tàu thì rõ lắm sân ga. Có ga chính và có ga xép. Cho dù tâm hồn dạt dào, có muốn ôm hết các thể loại đất trời ga lớn ga vừa ga nhỏ vào lòng thì tim cũng không đủ chỗ. Đành lòng vậy! Cầm lòng vậy! :D

Dưng mà, dù ga lớn hay ga nhỏ, dù đi qua hay dừng lại lúc lâu, thì... theo một cách nào đó, người ta vẫn để lại một mùi hương, một tiếng động, một ánh nhìn. Và đôi khi là cả trái tim.

Nhờ, chú Hiệp nhờ.

Kiểu dư là: "Bác ơi tim Bác mênh mông quá, chứa cả cành đa lẫn củ đa"

=)) =)) =))
 
Hehehe, em Nga là nâng tầm quan điểm, đề cao ông chú anh quá rồi nhá.

Ông chú Trẻ-Đẹp-Phong-Độ-Bo-Đì-Ngon của anh thì chỉ ăn ăn uống uống, thuỷ tinh màu này nọ kia khác thôi. Chứ còn, sức đâu mà nhớ nổi một con đường. Có nhớ, thì nhớ mấy cái sự hồng tuyết tuyết hồng hai chân lâng lâng không chạm đất thôi em ạ :D

Tất nhiên là, một đoàn tàu thì rõ lắm sân ga. Có ga chính và có ga xép. Cho dù tâm hồn dạt dào, có muốn ôm hết các thể loại đất trời ga lớn ga vừa ga nhỏ vào lòng thì tim cũng không đủ chỗ. Đành lòng vậy! Cầm lòng vậy! :D

Dưng mà, dù ga lớn hay ga nhỏ, dù đi qua hay dừng lại lúc lâu, thì... theo một cách nào đó, người ta vẫn để lại một mùi hương, một tiếng động, một ánh nhìn. Và đôi khi là cả trái tim.

Nhờ, chú Hiệp nhờ.

Kiểu dư là: "Bác ơi tim Bác mênh mông quá, chứa cả cành đa lẫn củ đa"

=)) =)) =))

Ôi giời ôi chết cười với ông cháu... :D :D :D

Chú rất hâm mộ cái người khéo kết hợp hai cái câu thơ ấy đấy. Thật xứng đáng một hôm chú cháu ta lại tổ chức thủy tinh mầu thôi... à mà lần này ta không chơi singlemalt nữa, ta chuyển sang đời hào hoa nhã nhặn giữ gìn sức khỏe bạn nam ta khui chai vang đỏ xứ Sardegna thật đượm thật nồng thật ấm ra cho chú Vinh cháu ở Nga La Tư cứ gọi là lồi hết cả mắt cả mũi cả này nọ kia khác ra nhá.
 
chú cháu ta lại tổ chức thủy tinh mầu thôi... à mà lần này ta không chơi singlemalt nữa, ta chuyển sang đời hào hoa nhã nhặn giữ gìn sức khỏe bạn nam ta khui chai vang đỏ xứ Sardegna thật đượm thật nồng thật ấm ra

Sardegna đượm-nồng-ấm chỉ hợp với bánh mì phết bơ dày thôi, hoặc giả là nhắm với foie gras poélé trong ánh nến dịu dàng sực nức hương hoa cam. Chứ còn dùng để thết đãi hotboy thì có vẻ không hợp lắm. Thôi chú cháu mình cứ cafe 2 nhát ngồi xổm vỉa hẻ mà "cá nhà táng" cho lành.

P/S: nhắc đến sự hào hoa nhã nhặn, thì cháu nhã nhặn kéo áo ông chú nhắc nhở phát. Kính đề nghị ông chú chuyển phát nhanh quả Hoài Cảm của anh Bằng Kiều về cho cháu bằng đường chim đi bất cứ thứ gì, để cho châu về hợp phố ngọc bích về triệu. Sắp hết năm rồi mà cứ dây dưa mãi :p
 
Ông chú ông cháu chúng mày sành ăn thế, làm tao vô cùng hoang mang về cái khẩu vị của mình. Bao giờ Hiệp lại đi Phnompenh để bọn tao lại có vì vưu 2 mà đọc đấy?
 
Sardegna đượm-nồng-ấm chỉ hợp với bánh mì phết bơ dày thôi, hoặc giả là nhắm với foie gras poélé trong ánh nến dịu dàng sực nức hương hoa cam. Chứ còn dùng để thết đãi hotboy thì có vẻ không hợp lắm. Thôi chú cháu mình cứ cafe 2 nhát ngồi xổm vỉa hẻ mà "cá nhà táng" cho lành.

P/S: nhắc đến sự hào hoa nhã nhặn, thì cháu nhã nhặn kéo áo ông chú nhắc nhở phát. Kính đề nghị ông chú chuyển phát nhanh quả Hoài Cảm của anh Bằng Kiều về cho cháu bằng đường chim đi bất cứ thứ gì, để cho châu về hợp phố ngọc bích về triệu. Sắp hết năm rồi mà cứ dây dưa mãi :p

Ngồi xổm thì ngồi xổm, ta ra Lương Văn Can ông cháu nhá, tiện thể ông chú giao hàng luôn quả Hoài Cảm bằng đường chim đi bộ đi cho nó xong.

Hoa ơi sẽ cố gắng có Saigon Phong vị - Hai trong thời gian sớm nhất.
 
Ông chú cho thằng cháu order quả Saigon Bar-Pub nhá, để khi nào vào đấy còn nổ cho bọn ở trỏng nó lé mắt :D

Mà nhá, mấy thằng hotboy bắc kỳ ăn rau muống hay có trò vào SG rủ mấy anh Hai đi discotheque, xong dao găm mấy quả thuốc ho màu hồng bé bé xinh xinh trong bóp, xong dzô vài phát thì lôi ra mời "chơi không?". Hehe, các bạn miền nồm cứ gọi là táng đởm kinh hồn lắc đầu quầy quậy. Mấy thằng bắc kỳ cười khẩy: đồ cù lần, tao mua cả mấy trăm ngàn 1 viên đấy. Xong dồi ném thuốc vào mồm rất sành điệu, xong rồi nhảy nhót hú hét điên cuồng. Bọn kia đầy vẻ ghê rợn pha chút ngưỡng mộ và ganh tị. Chết cười :))
 
Ớ ờ, hôm nay mới để ý là đồng chí Hiệp viết văn hay cũng như nói tiếng Tây í nhở !!! Tập 2 đi mày :D
 
Saigon Phong vị - Hai

Ớ ờ !!! Tập 2 đi mày :D

Có nhời khuyên thiết thực thế này: Những sĩ phu hay nữ sĩ Bắc Hà sành ăn phở vào Nam thì tuyệt đối không nên vì nhớ phở quá mà thử "phở Bắc" ở Saigon. Có thể nói là không có bất kỳ chỗ nào ra cái gì cả, mình đã thử ở khá nhiều chỗ, thường xuyên hậu vị là nỗi thất vọng ghê gớm mà thôi. Cứ xơi hẳn "phở miền Nam" lại thích. Dĩ nhiên trước hết phải dẹp bỏ các định nghĩa phở ngon theo sách của cụ Nguyễn Tuân hay cụ Vũ Bằng sang một bên đi đã. Bây giờ, mình cá là phần rất lớn các bạn quốc tế biết về phở có còn là bát phở như trong sách của các cụ nữa đâu.

Phở Sà Goòng, vì tiết giời nắng nóng quanh năm, nên tô phở loe ra và nông hơn ngoài Bắc, nước dùng nguội hơn và, dĩ nhiên, ngọt hơn - nhiều nhà người ta làm ngọt nước bằng củ cải, thực ra nước dùng kiểu này được nêm nếm cho phù hợp với thói quen của phần đông thực khách cứ vặt từng đám húng quế ngò gai bỏ vào lùm lùm, rồi ra tay dốc thật lực tương đen (mặn và ngọt) cũng như tương đỏ (cay và ngọt nốt) vào tô phở.

Phở Saigon ngon có nhà Thanh Cảnh ngay ngã ba Cống Quỳnh và Nguyễn Cư Trinh. Tương truyền nhà này bán phở rất lâu năm, từ dạo năm-tư. Nay vẫn có bà cụ già mình hạc vóc mai tóc phi-dê trắng xóa ngồi đấy sai bảo con cháu. Nhưng giám đốc điều hành lại chính là Thanh Cảnh tiên sinh, Phật tử cứng, vô cùng mộ đạo, trên tường ôi thôi là hình chụp chung (la-mi-nây-xường hoành tráng chú thích thật to rõ ràng) với đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam đi dự Đại Lễ Phật Đản các kỳ. Cũng như nhiều hàng phở miền Nam khác, Thanh Cảnh có món "hột gà nước tiết" - trứng gà trần với nước phở nước tiết bò đảo qua dấm đỏ hành tím, vừa ngon vừa tha hồ mà tăng năng lượng cho một ngày vất vả.

Saigon, tiếc thay, với mình lại không phải là thành phố “ăn quà”. Không hề thiếu thức ăn vặt, cơ mà dưng thức ăn vặt không hợp với mấy cái mồm ăn quà ngoài Hà Nội. Gì chứ mấy cái anh bột chiên hay bắp xào, chuối chiên, hột vịt lộn không gừng ngâm thái chỉ là không ổn rồi. Nhưng xin đảm bảo với bạn rằng nhậu ở Saigon thì “khí thế” hơn Hà Nội ta rất nhiều. Chập tối là khắp cái thành phố rộng lớn mênh mông này các quán nhậu phố xá lên đèn từ bình dân cho đến cao cấp, thấy mà ham. Người Bắc vốn thích hải sản, khoái đến khúc Nguyễn Tri Phương, có liên hoàn mấy nhà hàng vựa hải sản Phụng Vỹ, thỉnh thoảng nghe đồn có băng nhóm Hải Phòng mới vô xách cả AK-47 rượt uýnh nhau chơi, nhưng mà nghe đồn thế thôi, chứ ra đây yên tâm lắm. Bạn không thể thấy sự khác biệt của 7h tối và 2h đêm ở khu này, lúc nào cũng đông nghịt người nhậu tưng bừng gái cũng như giai, đèn đuốc sáng trưng kéo theo các ca sĩ vỉa hè ôm ghi-ta lả lướt, hay mấy ông ranh đầu trọc phun lửa nuốt rắn tung hứng bình gốm.

Nhưng khoái hơn cả là chiều đi làm về kéo anh em đông thiệt là đông tới quán Bà Ngoại, 22A Nguyễn Thi Diệu, quận Ba, kế bên Yoko chuyên hát hò nhạc rốc. Gọi là Bà Ngoại, vì đúng là có một bà ngoại thường xuyên bắc ghế ngồi chơi ở nhà ngoài, một bà ngoại nữa ngồi hễu ở sân trong. Nhà biệt thự kiểu Mỹ cũ, che mái cho thực khách nhậu ngoài hiên và sân. Cả gia đình con cháu đầy đàn dì Hai anh Út thằng Sáu thằng Ba con Tư rồi bạn giai con Tư đến chơi nữa, đều tham gia trông coi phục vụ. Nhậu ở đây không thể bỏ qua hai món “số dzách” – anh em ngoài Bắc vào đây mê lắm – là riêu cá chép, không đâu ngon bằng, và sườn heo nướng ăn với xôi nếp. Ngay đầu đường là hàng phở Trương Minh Ký cũ, có lẩu bò rất ngon, nhưng theo thiển ý của mình thì lẩu bò bình dân trong hẻm 132 Trần Phú, quận Năm, là ngon nhất. Chỗ này hiểm hóc chỉ có dân Sà Goòng lâu năm mới biết thôi nha, vô hẻm một khúc quẹo phải thấy liền, che cái mái trong hẻm cạnh bức tường trống, kê thêm mấy cái bàn ghế sứt sẹo là xong. Ngồi đây hồ hởi “lắc kêu” (dốc ngược ly bia Sài Gòn Đỏ vào họng rồi lắc cho mấy cục đá kêu lanh canh) bàn nọ cụng với bàn kia, thấy hết cái vẻ hồn nhiên, dễ thương, thiệt tình và hào sảng của dân thành phố.

Rì vưu các món đặc Sài Gòn nhé, dĩ nhiên nhớ đến đâu thì rì-vưu đến đấy chả theo thứ tự nào:

Bánh tráng Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương quấn ăn với giò heo luộc thái mỏng tang và rất nhiều rau sống các loại, dĩ nhiên đến Trảng Bàng đằng Tây Ninh mới đúng ổ, nhưng mà anh em quê Tây Ninh bảo là trên đường Võ Văn Tần ngay đối diện trường đại học là ngon nhất. Còn thích có cảnh quan sông nước nọ kia thì sang bán đảo Thanh Đa – Bình Qưới, nhà hàng Hoàng Ty to đùng ngay mép sông. Bên ấy cũng có cháo vịt nổi tiếng, nhưng mình không thích môn này. Gỏi vịt thì có nhà Chín Lượng ở hẻm cuối đường Võ Văn Tần đằng sau thông sang Cao Thắng quận Ba.

Lẩu cá kèo, ở nhà Rau Đắng đường Nguyễn Thị Diệu, bạn Thủy Minh đã mô tả đấy, nhưng đúng như ông em Hoài đã cải chính, cá kèo tươi giẫy đành đạch rồi úp thẳng vào nồi nước cơ, chứ ai đập chết trước làm gì. Bạn nào không ăn được rau đắng là thiệt thòi, vì rất ngon và hợp vị, không chỉ cho món lẩu cá kèo. Còn thương rau đắng mọc sau hè… Nói chung lẩu cá kèo thì các nhà hàng chất lượng đều na ná nhau cả, ngay đầu đường ấy khúc cắt với Bà Huyện Thanh Quan cũng ngon, còn đường Sư Thiện Chiếu bên hông chùa Xá Lợi thành ra cả phố lẩu cá kèo.

Ốc các loại, ốc len xào dừa, ốc biển chem chép vèm vẹm các kiểu nướng mỡ hành rồi thì vô vàn thứ mút mát lằng nhằng của chị em, có nhà Ốc Gái trên đường Hùng Vương quận Mười, chuyên phục vụ “dân chơi”, dễ nhận thấy lắm vì Bentley với chả Bê-mờ-vê-đúp đời mới đậu kín một khúc đường. Nhưng hai chỗ chị em Saigon hâm mộ hơn là ở Bến Chương Dương và trong đường Nguyễn An Ninh chợ đêm Bến Thành.

Lẩu dê thì nổi tiếng có anh Bẩy Hồng, truyền miệng gọi là Seven-Pink cho nó quốc tế (!) ở đường Bạch Đằng phường Hai, Tân Bình, sát với A75 sân bay. Có ông bạn già phi công Việt-Nam-A-lin biết mình mê món vú dê nướng ở đấy có năm còn lọ mọ mang ra mấy bịch lích kích tương chao cho mình làm quà sinh nhật. Nhân tiện đây lại tha thẩn quành sang cái khu Phường-Hai-Tân-Bình mến thương, mà dân Bắc trong này gọi là CHXHCN Sân Bay, vì hiếm khi bạn nghe thấy giọng miền Nam ở đây. Đường dọc tên núi đường ngang tên sông lằng nhằng – Trường Sơn, Yên Thế, Tản Viên, Hồng Hà, Cửu Long, Sông Đà… đủ cả - thức ăn ba miền, nào là bánh cuốn Bắc, lươn Nghệ An, bánh đa cua của chị gái người Huế (nhưng gần đây mình “ly dị” chỗ này vì có hôm về đau bụng quá thể), thực phẩm Liên Xô vốt-ka sa-lơ bánh mì đen, bánh trôi bánh chay xôi vò của tiểu thương đã từng đi tù nhưng nay đã hòa nhập thoải mái với cộng đồng… Còn ở 33 Nguyễn Trung Trực quận Nhất, quán Saigon Xưa, trưa nào cũng thấy đủ mặt cái gọi là Trung đoàn Thủ Đô, gồm mấy tay người Bắc làm cho mấy công ty quảng cáo ma-két-ting nọ kia.

Thôi, buồn ngủ quá rồi, mình ngưng ở đây. Đêm trước ở Viêng Chăn nhậu với nhân dân các bộ tộc Lào, đêm nay đã ở Huế thương, lại ngồi viết lẩm cẩm Saigon Phong Vị, thật là lan man quá. Hẹn cháu Hưng và các bạn các Hồng khác (nếu đủ kiên nhẫn) ở phần Ba với bar với pub với thủy tinh mầu cùng các món Pháp món Ý món Tây Ban Nha món Hàn Quốc vân vân (không dám rì-vưu món Nhật vì hãi các Hồng) ở Sà Goòng nhá.
 
Đêm trước ở Viêng Chăn nhậu với nhân dân các bộ tộc Lào, đêm nay đã ở Huế thương...


Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên
;)


Chú Hiệp ở Huế đã được thưởng thức ẩm thực cung đình Huế theo 3 cách: "khẩu thực", "nhãn thực" và "tâm thực" chưa? Các bạn hoàng tộc ngày xưa giàu sang phú quý nên chuyện ăn uống cũng phải phân chia ra thành ba bậc: "khẩu thực" là cách ăn bằng miệng để tồn tại, "nhãn thực" là thưởng thức bằng mắt và "tâm thực" là ăn bằng cả tấm lòng mình.

Hehe, chỉ có mỗi ăn thôi mà cũng nhiêu khê nhỉ? Có lần cháu được bám càng các bạn nước ngoài thưởng thức cơm cung đình ở khách sạn Morin ngay chân cầu Trường Tiền nh. Thôi thì đủ món: Nem Công Chả Phượng, Cơm Gói Lá Sen, Gà Quý Phi, Cua Hoàng Đế, Rau Xào Hoàng Hậu, Tôm Ngự Thuyền Hoa... Ăn rồi thì thấy mình cũng chả khác quái gì Trư Bát Giới ăn nhân sâm. Nghĩa là thực bất tri kỳ vị, nghĩa là ăn mà chả hiểu nó ngon ở chỗ nào. Thịt gà giả làm nem công, thịt lợn giả làm chả phượng, tôm cua gà cá thì đâu mà chả thế. Chỉ có điều, đúng là nhãn thực no nê, vì đồ ăn bày biện trang trí công phu tỉ mỉ cực kỳ bắt mắt.

Về sau được gặp một "mệ" (hoàng tử) thuộc hàng chữ Vĩnh, hậu duệ đời thứ 16 của chúa Nguyễn Hoàng. Về vai vế, mệ gọi Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại) và Vĩnh San (Duy Tân) là anh. Mệ bảo: cơm cung đình ở Huế bây giờ chỉ là cái vỏ bên ngoài thôi, mới nhìn thì thủ cũng giống thủ, xôi cũng giống xôi, nhưng cái tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực cung đình thì làm gì còn nữa, thật chả khác gì kỹ nữ mà khoác lên mình xiêm áo Quý phi.


Xong rồi mệ dắt đi ăn các món ăn dân dã của Huế và giải thích: ẩm thực cung đình thực ra là ẩm thực dân gian được chế biến khéo léo, tinh xảo hơn mà thôi. Quan trọng là ở người chế biến. Chỉ cần người đầu bếp khéo tay và dốc hết tâm sức khi nấu ăn, thì bất cứ món tầm thường nào cũng có thể trở thành quốc yến.

Cháu đã từng được ăn một bữa cơm Huế, toàn những món dân dã thôi: canh mít non nấu tôm tươi, rau dền luộc chấm mắm ruốc, tôm chua thịt heo, cá bống kho khô... nhưng mà ngon đến độ bây giờ mỗi khi nhớ lại, vẫn thấy thòm thèm, vẫn ước ao được ăn lần nữa.

Nhưng mà nhắc đến Huế, thì người ta thường hay nhắc đến các thức quà vặt sáng-trưa-chiều-tối. Chú Hiệp đang lang thang trong đấy thì cháu rì-viu cho chú cả loạt, chú bảo cửu vạn nó dắt đi ăn nhá.


Bún bò, trên đường Trần Cao Vân đối diện với Thành đội là ngon nhất xứ Huế. Tiết trời se lạnh, tô bún nghi ngút khói, nước dùng đỏ au màu điều thơm lừng mùi mắm ruốc, lá sả với những miếng giò heo búp, chả cua đồng, tiết heo, ăn kèm với hoa chuối xắt mỏng và giá trụng.


Bánh canh, có mấy loại. Bánh canh Nam Phổ ăn với chả tôm. Bánh canh An Cựu thì thập cẩm da lợn, chả cua đồng, tiết vịt. Nhưng ngon nhất là bánh canh cá lóc ở trên đường Đống Đa đối điện với khách sạn Đống Đa. Bánh canh cá lóc thì phải ăn thật nóng, khi ăn cho thật nhiều ớt bột và hạt tiêu cay xé lưỡi mới sướng.

Bánh khoái Lạc Thiện, ở cửa Thượng Tứ chỗ chợ Đông Ba. Bánh khoái giống với bánh xèo của miền nam nhưng sự độc đáo nằm ở nước lèo và rau sống ăn kèm. Rau sống ăn bánh khoái phải có đủ: cải con, rau thơm, khế, chuối chát, trái vả... Trái vả là đặc sản xứ Huế nên bánh khoái có hương vị rất riêng. Nước lèo thì chế biến từ tương, chao, gan lợn giã nhỏ, bột bánh khảo, đậu phộng rang, vừng rang, gừng, tỏi, ớt, gia vị... vừa đủ. Nước lèo này ăn với nem nướng hoặc vịt luộc cũng ngon bá cháy. Cháu đã từng táng hết 3/4 con vịt với cái nước lèo này

Bánh ướt thịt nướng ở đường Kim Long. Bánh ướt là loại bánh tráng làm bằng bột gạo pha bột lọc, tráng xong dùng luôn chứ không phơi khô như bánh tráng. Thịt heo ba chỉ thái mỏng ướp tiêu, hành, nước mắm, vừng... nướng trên than hoa rồi kẹp với rau sống làm nhân để cuốn với bánh ướt, chấm nước mắm tỏi ớt rất ngon.

Trên đường Nguyễn Huệ sát với cung An Định thì có quán bà Bê bán các loại bánh bèo, bánh ít, bánh nậm, bánh lọc, bánh lá... Chú Hiệp có tiện tay dắt dê trước giờ lên máy bay bảo thằng cửu vạn nó vác cho một thùng bánh rồi hoả tốc mang ra đây thì đảm bảo đến HN mở ra bánh vẫn thơm ngon nóng hổi. Có gì cháu mời cafe, nhể :D

Tạm thời liệt kê thế nhỉ. Nếu ông chú còn nhu cầu mấy cả cháu có thời gian thì cháu lại rì-viu tiếp.

À mà nếu chú tìm được đối tác ăn tối La Mã thì có cái Biệt phủ Thảo Nhi gần chỗ Đàn Nam Giao đồ ăn Huế khá ngon. Xong trên đường về ghé qua Đình Vũ Di trên đường Minh Mạng nối dài thưởng thức trà Quý phi, trà Trạng Nguyên. Cơ mà, lưu ý đối tác không mặc váy nhá. Biệt phủ Thảo Nhi là nhà vườn nên cơ man là muỗi :D

Thêm một đặc sản xứ Huế nữa không nên bỏ qua: cafe nhạc Trịnh :p
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Chú Hiệp ở Huế đã được thưởng thức ẩm thực cung đình Huế theo 3 cách: "khẩu thực", "nhãn thực" và "tâm thực" chưa?

anh Hưng, chú Hiệp em tinh tế, biết phân biệt ăn theo 3 cách vân vi. cơ mà còn gái, chú chỉ biết phân biệt theo 1 cách. không phải "khẩu", chả phải "nhãn", cũng chẳng có "tâm" bao giờ đâu, chú Hiệp em là chỉ biết "thực" (hay nói trại đi là "xực") mà thôi.
 
chú Hiệp em tinh tế, biết phân biệt ăn theo 3 cách vân vi. cơ mà còn gái, chú chỉ biết phân biệt theo 1 cách. không phải "khẩu", chả phải "nhãn", cũng chẳng có "tâm" bao giờ đâu, chú Hiệp em là chỉ biết "thực" (hay nói trại đi là "xực") mà thôi.
em Nga nhá,
tí nữa thì làm anh chết sặc

Thế không xực thì làm gì hả em? Chả nhẽ lại Xuân Diệu, chả nhẽ lại ôm nhau rồi đọc thơ :-/

Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới =))
 
anh Hưng, chú Hiệp em tinh tế, biết phân biệt ăn theo 3 cách vân vi. cơ mà còn gái, chú chỉ biết phân biệt theo 1 cách. không phải "khẩu", chả phải "nhãn", cũng chẳng có "tâm" bao giờ đâu, chú Hiệp em là chỉ biết "thực" (hay nói trại đi là "xực") mà thôi.

Ha ha...
Cháu Nga trẻ mà tinh đời ghê cơ.
Mà "xực" thế thì không phân biệt vị này vị kia, vị nam vị bắc, vị ngọt vị chua... gì phải không cháu? Thế thì là "xực bất tri kỳ vị" nhỉ?
 
Chỉnh sửa lần cuối:
xực "Ô Mai" đi, nam bắc ngọt chua đủ vị hết, Hiệp ạ.


Nho nhã tý đi nào.
Công tử nhà ta lướt qua vuốt tóc nàng thơ, lướt lại nâng giày nàng thử...
Rồi công tử nâng ly thủy tinh màu, đỏ má, đỏ mắt...
Công tử làm thơ
Chứ ai lại xực...hừng hực...

Đặt hàng Công tử rì-viu cảm xúc 3 giây một Sàgềnh nhé !:eek:
 
xực "Ô Mai" đi, nam bắc ngọt chua đủ vị hết, Hiệp ạ.

Đây này, Vinh này, Ô Mai phong vị 1 nhé. Nguồn baovietnam nhé.

"Chỉ hai từ "ô mai" vang lên là khối người đã tứa nước miếng và dù có ghét ăn vặt đến đâu thì cũng phải công nhận món này dễ nhấm nháp. Lúc đọc sách, lúc xem phim hay chỉ ngồi bâng quơ mà có tý ô mai là thấy đỡ nhạt hẳn.

Có cả khu phố Hàng Đường bán ô mai, dọc Hàng Ngang Hàng Đào cũng nô nức những cửa hàng đầy những lọ thủy tinh trong veo, trong đó bày đủ loại, mận, mơ, sấu xào gừng, mơ chua ngọt, mứt hồng bì. Có lẽ kể tên cho đủ thì phải hơn 100 loại ô mai, chỉ riêng mơ thôi, thì đủ mơ xào gừng, mơ chua ngọt cam thảo, mơ dẻo tách hột... Và ô mai ở Hà Nội nó cũng có hồn vía khác hẳn xí muội ở miền Nam. Có độ ngọt đậm của đường, vị cay nồng của gừng hoặc vị cam thảo nhẹ chứ không ngọt dai dẳng kéo dài như các loại xí muội. Các hàng ở Ngõ Gạch, Hàng Đường chất lượng xêm xêm nhau, nói chung là vào đó, mua được nhiều loại và ăn tạm được. Nhưng những hàng bóng bẩy đó dành cho khách đến Hà Nội là chủ yếu, còn kén ăn thì mê loại ô mai nào thì phải đến đúng hàng bán ngon loại đó mua mới được.

Khế tươi xào ngon nhất là một hàng ngồi vỉa hè giữa phố Hàng Đào. Miếng khế vàng trong óng ả dày mình vì được xào kỹ với gừng tươi, ăn hơi dai dai chứ không dai nhoách như khế khô xào. Hàng này có có me xào chấm với muối ớt cũng rất đỉnh. Mận và mơ xào chua ngọt ngon nhất là hàng Vạn Lợi, gần ngã tư Hàng Bông, Hàng Da. Cửa hàng nhỏ xíu, lại còn chắn một tủ kính ngay trước cửa, người béo là không lọt qua được, chủ hàng lại còn khó tính. Nhưng hôm nào vắng khách, cố lách mình qua thử cái cửa hẹp ấy thì cả một thế giới ô mai lung linh, ăn thử thoải mái. Ở đây đặc biệt các loại mơ, mận xào rất ngon. Quả mận dày, khía đều, dẻo cắn ngập răng, vị ngọt vừa, hơi chua, hơi cay, ăn rất vào. Cả hộp mận tươi nửa cân mà chỉ ba cô bạn ngồi với nhau thì tý là hết vì quả mận to lại nặng. Mơ xào màu vàng hơn, óng, dẻo quẹo ăn dôi hơn mận tý, có lẽ thế mà giá đắt hơn. Ô mai Vạn Lợi so với các hàng khác, giá đắt hơn nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Ô mai hồng bì tận 15.000 đồng một lạng nhưng ăn mãi mới hết lạng hồng bì cay cay, thơm thơm. Món hay được "bạn hiền Hà Nội" mua làm quà gửi đi khắp nơi nhiều nhất là sấu. Các bạn ở Sài Gòn hay ở nước ngoài mà nhận được sấu dẻo, sấu xào, sấu bao tử ngâm thì quý phải biết"


Bạn Vinh ơi, ô mai là món ăn chơi, lúc nào thư thả thanh nhàn thì nhấm nháp, thưởng thức, chứ có phải món để mà xực lấy xực để đâu :) Mà cũng không ăn nhiều được, vì ăn lắm thì mất hết cảm giác, vị giác khi ăn những món khác.
 
Cháu có một quả bạn, nó đang than phiền là độ này cứ phải ăn kiểu Trư Bát Giới, ngủ kiểu Đường Tam Tạng nên người càng ngày càng bụ bẫm. Thế, hì hì, chú Hiệp ở Huế đang ăn kiểu gì, ngủ kiểu gì hả chú? ;;)
 
Back
Bên trên