Quê Hương

Đóm Lửa Hầu Tàn Của Tranh Hàng Trống

--- Ngọc Quanh ---




Gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên nằm ẩn mình trong một ngõ nhỏ ở phố Cửa Đông. Ông năm nay đã bước sang tuổi 55, cái tuổi còn khá trẻ so với dòng tranh Hàng Trống đã tồn tại cả trăm năm, nhưng tuổi nghề của ông cũng xấp xỉ tuổi đời. Bằng một giọng trầm trầm đầy luyến tiếc ông kể...

Tranh Hàng Trống vốn nổi tiếng là tranh thờ với những: Bạch hổ, Hắc hổ hay Ngũ hổ uy nghi, các bà chúa mẫu Thượng Thiên, Thánh Thiên... nhưng bên cạnh đó còn có khá nhiều tranh Tết thể hiện những ước vọng của nhân dân như tranh Tam đa, Tử tôn vạn đại, Thất đồng, Chợ quê, Canh nông chi đồ, Tứ quý, Tố nữ,...

... Thời điểm khó khăn của tranh Hàng Trống bắt đầu vào khoảng những năm 60, khi mà cả phố hầu như chỉ còn có gia đình họ Lê nhà ông tiếp tục vẽ tranh, còn lại hầu hết các gia đình trên phố đều đã chuyển nghề và từ đấy người ta biết đến tranh Hàng Trống như là cái tên gắn liền với dòng họ Lê.

Theo ông Nghiên, trong cả nước từ bắc vào nam có nhiều nơi làm tranh khắc gỗ nhưng có hai vùng nổi tiếng và có truyền thống lâu đời hơn cả: tranh Đông Hồ thuộc làng Đông Hồ, Bắc Ninh và nơi sản xuất tranh được mệnh danh là tranh Hàng Trống. Mặc dù khâu sản xuất của cả tranh Đông Hồ và Hàng Trống đều phải trải qua các giai đoạn như: sáng tác mẫu tranh, khắc ván và in tranh nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa hai dòng tranh này là ở khâu in, nếu như tranh Đông Hồ từ đầu đến cuối cả nét lẫn mầu hoàn toàn được in bằng bản khắc gỗ thì tranh Hàng Trống chỉ in nét đen bằng bản khắc gỗ còn mầu vẽ tranh là phẩm mầu và được các nghệ nhân tô vẽ bằng bút lông tạo cho những bức tranh vẻ đẹp nhẹ nhàng, uyển chuyển. So với tranh Hàng Trống xưa thì kỹ thuật vẽ tranh Hàng Trống nay không có nhiều thay đổi, vẫn những mầu chủ đạo như: đỏ, vàng, đen, mực nho, xanh lục, xanh lam, hoa hiên cùng các mầu pha: mầu đỏ vàng trộn với phẩm điều thành mầu son, mầu son trộn với đen thành nâu, mầu xanh trộn với vàng thành mầu hoa lý. Đặc biệt, ông vẫn giữ được các kỹ thuật tạo mầu trên một số tranh thờ, tứ bình, tứ quý, mầu sắc được "vờn" một cách công phu, lối vờn mầu bên đậm bên nhạt này gọi là "cản mầu" khiến cho chỉ bằng một nhát bút, một lần lấy mực là có thể diễn tả mầu sắc thành đậm nhạt, sáng tối, hình khối của mây, nước, người, vật trong tranh nổi lên một cách lưu loát, nghệ thuật.

... Việc đào tạo ra được một người vẽ tranh Hàng Trống hoàn chỉnh phải mất cả chục năm và tất cả niềm hy vọng của ông lại đè nặng lên cậu con trai út hiện mới bước sang tuổi... 12.
 
Cá Niên Miền Tây Quãng Ngãi

--- Thanh Thảo ---




Cá niên là một loại cá nhỏ có thân hình dẹt, có mầu trắng bạc, chỉ bé bằng nửa bàn tay.

Nơi những ngọn thác trắng xóa tận nguồn sông Liêng, sông Giang, sông Trà Bồng ở Quảng Ngãi vào độ con nước tháng giêng hai, thỉnh thoảng người ta thấy lấp lánh một quầng sáng bạc dưới nắng xuân. Quầng sáng bạc ấy là lũ cá niên đang nô đùa với bọt nước.

Câu cá niên là cả một nghệ thuật bởi cá niên không ham mồi vì thế người câu cá niên phải kiên trì. Các quán ăn, nhà hàng ở Quảng Ngãi, cá niên được bán với giá đắt gấp hai, ba lần các loại cá khác. Nhưng đắt thì đắt, người ta sẽ rất vui khi nhìn thấy trên tấm bảng của nhà hàng đề: "Hôm nay có cá niên". Có những phẩm vật vì hiếm mà trở nên quý, nhưng cũng có phẩm vật như con cá niên này, vừa hiếm lại vừa ngon một cách lạ lùng, nên càng quý. Cá niên có thể nấu nhiều kiểu, nhưng thông thường món cá niên nướng vẫn là món ngon nhất và cũng đơn giản nhất. Ăn cá niên nướng, trước nhất nên thưởng thức mùi thơm của cá nướng. Có lẽ chưa loại cá nào, kể cả cá lăng hay cá nheo lại có một mùi thơm lạ lùng như thế. Con cá niên dẹt, ít thịt, nhưng khi nướng lại tỏa một mùi thơm quyến rũ.

Món cá niên nướng phải ăn một cách đơn giản, và càng đơn giản thì càng ngon. Khi con cá nướng đã chuyển từ mầu trắng bạc sang mầu vàng ươm, thân mình tươm mỡ, người ta cho vào chiếc đĩa đã có sẵn mắm ngon và ớt tỏi. Ăn cá niên nướng lại không nên kèm với bất cứ thứ rau gì, dù là rau thơm. Bởi chỉ riêng mùi thơm của cá nướng là quá đủ. Cá niên nướng có thể là món nhậu, nhưng theo tôi, ngon nhất là ăn chúng với cơm, sau khi đã uống xong. Cơm ngon nhất để ăn với cá niên nướng là cơm gạo rẫy giã bằng cối chày tay còn nguyên vỏ lụa mầu đỏ hồng.

Hương vị miếng cá nhỏ thơm và béo như tan trong miệng người thưởng thức, một mùi thơm thanh khiết, một vị béo nhẹ nhàng lưu lại trong tận cùng cảm giác. Bên một quán nhỏ ven sông, gần ngọn thác, nơi mắt ta có thể chạm vào mầu xanh của núi, da thịt ta được ve vuốt bởi ngọn gió từ nguồn sông, ăn một miếng cá niên nướng trong khung cảnh ấy thì còn gì thú bằng. Nếu trên những ngọn thác sông Đà có cá anh vũ, loài cá ngon vì chuyên ăn rêu đá, thì ở miền tây Quảng Ngãi quê tôi có cá niên, loài cá biết ăn tất cả những hương vị của mùa xuân để tạo cho mình một mùi thơm quyến rũ.
 
Hoa Ban Tây Bắc

--- Nguyễn Thăng Hoa ---




Mỗi vùng trên đất nước ta có một sắc hoa ấn tượng, đặc trưng: Hoa mai vàng miền nam, hoa đào đỏ thắm miền bắc, "Mơ nở trắng vùng" Việt Bắc, hoa Pơ lang đỏ Tây Nguyên... và rất riêng Tây Bắc, ấy là hoa ban nở trắng mỗi độ xuân về.

Nói đến hoa ban, người Tây Bắc bao giờ cũng nhớ đến một huyền thoại đẹp về nguồn gốc loài hoa. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, ở một bản làng nọ, có một đôi trai gái yêu nhau. Nàng - con nhà Phìa tạo giàu có, còn chàng mồ côi nghèo khó. Cha mẹ nàng tìm mọi cách ngăn cản, nhưng tình yêu của họ vẫn cứ nồng nàn.

Bỗng một ngày kia, quân giặc kéo tới xâm lăng bờ cõi, tất cả trai bản phải ra đi giữ nước. Trong đoàn quân ấy, chàng trai đã mang theo lời hẹn ước thủy chung. Nhưng rồi ở nhà, cha mẹ nàng đã ép gả nàng cho một nhà Phìa tạo giàu có ở trong vùng. Đành trái lời cha mẹ, một hôm nàng quyết chí ra đi tìm chàng. Nàng đi mãi, đi mãi đến nơi chiến trận đang xảy ra. Đau buồn thay, chàng đã hy sinh cùng nhiều người khác. Đoàn quân tiếp tục chiến đấu đuổi giặc. Nàng đã chôn cất các nghĩa sĩ và gục xuống mộ chàng mà than khóc, kể lể về tình yêu của mình với chàng. Khóc mãi, ngày này qua ngày khác, cho đến khi kiệt sức, thể xác nàng đã hòa tan vào lòng đất cùng chàng.

Chẳng bao lâu trên ngôi mộ ấy mọc lên một loài cây lạ. Khi đoàn quân chiến thắng trở về, cây trên mộ chàng đã đơm hoa. Những bông hoa năm cánh trắng mỏng dịu dàng ở giữa điểm sắc tím, hương thơm thoang thoảng. Lá cây thật đặc biệt mang hình hai trái tim ghép lại. Chàng trai và cô gái cùng tình yêu của họ đã hóa thành loài hoa này. Hương sắc của loài hoa là tình yêu trong trắng, thủy chung và trái tim của họ đã hóa thân thành chiếc lá xanh. Kỳ lạ hơn, khi ngắt những cánh hoa và lá non đưa lên miệng ai cũng thấy vị ngọt chát và đặt tên là hoa ban - loài hoa ngọt ngào (ban trong tiếng Thái xứ Tây Bắc có nghĩa là ngọt).

Cây ban thân gỗ, mọc hoang dại thành rừng. Hoa nở vào đầu mùa xuân, trở thành tín hiệu thời gian của vùng núi Tây Bắc ngàn đời nay. Người yêu nhau, lấy mùa hoa làm hẹn ước. Người làm nương, lấy mùa hoa để chọn thời điểm cuốc nương, tra hạt. Hoa nở suốt mùa xuân là mùa dọn nương. Hoa tàn vào đầu mùa hạ khi những cơn mưa đầu mùa đã đến, đất có độ ẩm là thời điểm tra hạt.

Hiếm có loài hoa rừng nào có giá trị vật chất phổ biến như hoa ban Tây Bắc. Lá non và hoa có vị ngọt chát nên người ta dùng như một món ăn rau quả tươi - dùng để ăn sống, nấu canh...

Đã một thời, người ta bán lá, hoa ban ở chợ như những loại rau khác, và mùa xuân ấm áp, hoa ban nở trắng rừng cũng là lúc bầy ong rừng ùa bay đi hút mật. Hoa ban nở nhiều, báo hiệu mùa mật ngọt.

Hiện nay, hoa ban đã lùi vào những cánh rừng xa. Giá như một ngày nào đó, giữa lòng thị xã, thị trấn vùng Tây Bắc có những công viên xanh, nở trắng hoa ban mỗi độ xuân về, để lưu giữ lại sắc thắm hồn Tây Bắc thì đáng quý biết bao.
 
Tết Nhớ Ổ Rơm

--- Đoàn Nhất Trí ---




Khác với mọi năm, năm nay cả nhà tôi từ Hà Nội về quê ăn Tết. Vì thế ngôi nhà xây ba gian chưa đầy ba mươi mét vuông ngày thường là rộng rãi với bố mẹ tôi. Tết bỗng đầy ắp người. Bốn đứa em trai, một cô em gái của tôi tết này cũng lục tục đưa vợ, chồng và các con về... Tất cả là hai mươi người. Nhiều năm mới có dịp quây quần bên cha mẹ, ông bà nên chúng tôi vô cùng hạnh phúc và vui vẻ, chẳng coi cái sự chật chội của ngôi nhà nhỏ bé là gì. Thế nhưng, đến tối mới nảy sinh ra vấn đề nan giải. Bố trí thế nào cũng thừa ra ba người chưa có chỗ ngũ. Tôi bèn đề xuất dùng rơm trải ổ bên cạnh nồi bánh chưng để canh luôn một thể. Mọi người chưa biết xử trí ra sao, tôi lặng lặng ra sân lựa rút từ trong ruột đống rơm một ôm to về trải xuống nền trước ngọn lửa đun bánh chưng đang bập bùng cháy rồi trải lên trên chiếc chiếu hoa còn mới. Nhìn sắc vàng óng của những cọng rơm mùa hòa vào sắc đỏ của ngọn lửa lúc mờ lúc tỏ vẽ lên từng mảng sáng, mảng tối của gian bếp, trong tôi bỗng ùa về những cảm giác như còn mới nguyên của thuở nào. Tôi gieo mình xuống chiếc ổ rơm. Rơm như giang rộng cánh tay ra đón. Rơm dìm tôi xuống rồi lại nâng tôi lên bồng bềnh, bồng bềnh trong ngây ngất hương thơm mùa vàng trĩu hạt, trong ngai ngái mùi rạ rơm, bùn đất muôn thuở của quê nhà ngày vào mùa. Cảm giác ấm nóng thơm tho từ rơm lan tỏa sang lưng rồi chan hòa khắp người tôi, xua tan cái giá lạnh cố hữu đeo bám suốt mùa đông khắc nghiệt, đưa tâm hồn tôi quay trở lại thời khắc trẻ thơ ngày nào.

Ngày ấy quê hương vẫn còn chìm trong đói khổ, mới sáu, bảy tuổi đầu, mẹ đi gặt thuê, tôi cặp cái mẹt cũ theo sau mót những giẻ lúa còn sót lại hay những bông thóc lép thợ gặt bỏ đi. Hai bàn tay non nớt của tôi thóc và rơm cứ ngang dọc nứt nẻ như mặt ruộng tháng mười. Tôi có cảm tưởng ngày ấy, cây lúa cũng có đời sống khốn khó giống như con người. Gié lúa gầy, ít hạt, tuốt hết thóc rồi con trơ lại cọng rơm xác xơ. Tối về, ngồi cạnh mẹ, nhìn bà chăm chút nâng niu nhặt nhạnh, gắn, sảy chắt chiu lấy những hạt thóc có thể cho gạo ăn được, tôi bâng quơ tưởng tượng trong cái đầu non nớt của mình hình ảnh hững cọng rơm gầy tôi đã tuốt để trơ ra ở những thửa ruộng đã đi qua ban ngày. Chúng như những con người xanh xao, gầy còi ra đồng loạt ngửa mặt, giang tay lên trời xanh, không hiểu là để than vãn hay cầu xin điều gì. Thế nhưng dầu sao, ngày mùa vẫn là ngày mùa, vẫn là những ngày ai ai cũng trông đợi đến thắt lòng. Những ngày ấy, từ trong nhà, ngoài đồng, đến đường đi, ngõ xóm đâu đâu cũng một mầu vàng óng. Bọn trẻ con chúng tôi được ăn căng tròn bụng bằng những bát cơm gạo mới ngọt lịm và thơm lừng. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng nói: "Cho các con ăn no bụng vài ba ngày mùa để đỡ tủi chứ thóc đâu mà ăn mãi thế được". Chúng tôi chơi trận giả, vật nhau, trồng cây chuối, chơi trốn tìm trong rơm không biết mệt. Chơi chán, chúng tôi nằm ôm nhau ngủ ngay trên sân rơm. Đêm khuya, trời lạnh, đứa nào đứa ấy mới lò cò về nhà. Có đứa khoét một lỗ to trong đống rơm làm thành cái ổ ấm áp ngủ ngon lành đến sáng.

Quê tôi ngày nay nhà nào cũng nhà xây, mái đỏ, nhiều gia đình đã dùng đệm, số nhà không có đệm mút thì dùng chăn bông, đệm bông. Không ai nằm ổ rơm, đắp chiếu nữa. Biết rằng đời sống vật chất và tinh thần của chúng ta ngày càng no đủ là mừng nhưng tôi vẫn cứ thấy tiêng tiếc như mất đi một cái gì đó vô cùng quý giá, vô cùng thiêng liêng mà không thể nào lấy lại được. Thế hệ trẻ ngày nay họ đâu có như tôi ngày xưa, yêu lắm lắm một cô gái nhà bên mà cũng chỉ dám dón tay đỡ cọng rơm còn vương trên mái tóc cô để rồi then đỏ bừng mặt. Và rồi để mãi sau này thầm yêu, trộm nhớ tới mức:

... bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống rơm.


Tết này, bọn trẻ đâu biết được tôi đã sung sướng đến nhường nào khi lại được nằm ổ rơm mà ngủ ngon lành, thanh thản để ngày mai đón một ngày mới, một năm mới, để hương thơm và hơi ấm ổ rơm làm dịu ngọt và lắng đọng tâm hồn tôi đến tận mùa sau.
 
Chợ Hoa Tết Nam Bộ

--- Khiếu Quang Lân ---




Đã thành thông lệ, khi khí tiết trời bắt đầu se lạnh cùng cái hanh heo đến khô người, thì những chiếc ghe chất đầy hoa, trái kiểng từ các miệt vườn danh tiếng lại bắt đầu dọc ngang sông rạch xuôi về các chợ hoa góp phần tô điểm thêm hương sắc cho mùa xuân phương nam. Chợ hoa Tết đã có từ, khi dấu chân người đến khẩn hoang, lập ấp nơi đây. Chợ hoa Tết, ngoài ý nghĩa như là những dấu hiệu đặc thù của Tết cổ truyền phương nam, nó còn là cái thú chơi tao nhã thể hiện cốt cách lãng mạn của những người dân Nam Bộ. Thật ít ai, những ngày cuối năm lại bỏ lỡ cơ hội dạo chợ hoa Tết và cũng thật khó có nhà nào đón Xuân lại thiếu một nhành mai vàng và vài chậu hoa kiểng.

Theo truyền thống, các chợ hoa Tết thường khai trương vào hạ tuần tháng Chạp. ở hầu hết trung tâm các quận, huyện của các tỉnh, thành phố phía nam đều tổ chức chợ hoa Tết. Tuy nhiên, có quy mô lớn, được tổ chức chu đáo với chủng loại hoa phong phú và quang cảnh đông vui nhộn nhịp vẫn là những chợ hoa Tết trên các thị xã và thành phố, tỉnh lỵ. Dân thương hồ miệt sông nước Cửu Long và nhân dân Nam Bộ thường truyền tụng nhau về những chợ hoa Tết nổi tiếng: chợ hoa Thống Linh (thị xã Cao Lãnh), chợ hoa 30-4 (TP Mỹ Tho), chợ hoa Nguyễn Thị Minh Khai (TP Đà Lạt), chợ hoa Quảng trường Trung tâm (TP Biên Hòa), chợ hoa Ninh Kiều (Cần Thơ), chợ hoa Phạm Hồng Thái (TP Long Xuyên), chợ hoa Hùng Vương (thị xã Bến Tre), chợ hoa Châu Văn Liêm (Chợ Lớn), chợ hoa Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh)...

Tụ hội nơi chợ hoa Tết, phần lớn là hoa, trái và cây kiểng từ những miệt vườn danh tiếng: Cái Mơn (Bến Tre) có tắc kiểng, đào tiên, cà hồng; Cái Bè (Tiền Giang) góp mặt cúc mâm xôi, vạn thọ, huệ, sứ Thái-lan, mai chiếu thủy, tắc kiểng; Sa Đéc (Đồng Tháp) có cúc Nhật Bản, vạn thọ, cúc mâm xôi, sứ ngũ sắc; Gò Vấp, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) với mãn đình hồng, thược dược, mào gà, sống đời, hướng dương, ớt kiểng; Thủ Đức, Bình Quới (TP Hồ Chí Minh) giới thiệu các loại mai,... và dĩ nhiên không thể thiếu vắng "vương quốc của các loài hoa" - Đà Lạt với hồng bạch, hồng nhung, hồng cam, tuy-líp, địa lan, lưu ly, bát tiên, cẩm tú cầu, xương rồng...

Chiếm diện tích và thị phần đáng kể ở những chợ hoa Tết, bao giờ cũng là những gian hàng mai kiểng. Người bán đông và người mua, người xem lúc nào cũng tấp nập. Mai vàng từ xưa đã là loài hoa đặc trưng của mùa xuân phương nam, tương tự như hoa đào phương bắc. Và với người Nam Bộ thì hoa mai vàng còn đồng nghĩa với sự may mắn, thành thử mỗi nhà dù chật chội, nghèo túng thì ngày Tết cũng không thể thiếu một cành hoặc một gốc mai vàng. Để hoa mai trổ bông đúng vào những ngày đầu năm: từ giữa tháng chạp, nhà vườn đã bắt đầu ngắt lá và ngưng tưới nước. Mai vàng dự chợ gồm cả mai cành, mai gốc lẫn mai bon-sai - mà nhiều người thường gọi là mai cổ thụ. Mai cành được đốn tỉa từ những gốc mai lớn, dày nhánh, sai nụ, thường được bán với giá từ mười nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/cành. Khách hàng chính của những cành mai phần lớn là giới lao động có thu nhập thấp. Mai gốc bứng tỉa từ những vườn mai "chuyên canh". Tất cả những gốc mai phải bảo đảm sum suê cành nhánh, dày nụ, ít búp, đôi khi được uốn thành vòm hoặc hình những con thú cho đẹp mắt. Giá bán của những gốc mai khá cao, gốc nhỏ cũng phải 100 nghìn đồng và những gốc lớn, đẹp có khi tới cả triệu đồng một gốc. Thường thì chỉ có các cơ quan, xí nghiệp, công sở và những gia đình có nhà cửa rộng rãi mới chưng loại mai gốc. Mai bon-sai là loài mai quý hiếm đã xuất hiện từ rất lâu bởi tài nghệ của những nghệ nhân trồng hoa kiểng. Những năm gần đây chúng thường xuyên góp mặt với số lượng khá nhiều tại các gian hàng mai kiểng. Mai cổ thụ được trồng trong những chậu sứ quý, có thời gian sinh trưởng khá lâu, có khi tới mấy chục năm, gốc cây rất lớn, thân cây thấp, cành ngắn và nụ thì dày đặc. Loài mai này gần như không có búp, thành thử khi nở hoa, vàng rực cả cây trông cứ như là hoa giấy. Giá bán của những chậu mai này: thấp cũng phải vài trăm nghìn, còn loại đặc biệt có khi tới cả chục triệu đồng. Thành thử, chỉ những nghệ nhân, những gia đình giàu có mới thật sự có điều kiện "chơi" mai bon-sai. Một số gốc mai bon-sai, để tăng vẻ độc đáo hấp dẫn, các nghệ nhân thường ghép thêm một số nhành mai có bông mầu xanh, mầu trắng, mầu lục, mầu đồng,... thành những chậu mai nhị sắc, tam sắc, tứ sắc, ngũ sắc,...

Nét đô hội và sự rực rỡ những sắc mầu, ở các chợ hoa Tết, có lẽ là nơi những gian hàng tắc kiểng. Từ sáng đến tận khuya, khách hàng lúc nào cũng đông đúc. Trái tắc ở Nam Bộ - còn gọi là trái hạnh với ước vọng mang đến niềm hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà trong những ngày đầu năm mới. Tắc Nam Bộ rất sai quả, trái mọng, lớn, có mầu vàng hoặc mầu xanh. Mỗi chậu tắc được ghép từ rất nhiều nhành tắc. Dưới bàn tay "phù phép" của những nghệ nhân trồng vườn, trái được xếp hết trên bề mặt thành hình chóp, ngôi sao, trái tim hoặc những con thú của 12 con giáp: gà, chuột, trâu, rồng,... trông thật ngộ nghĩnh, hấp dẫn. Vài năm trở lại đây, chen vai cùng với chậu tắc kiểng còn có những chậu đào tiên vàng rực. Loại trái kiểng này mới xuất hiện ở miệt vườn Nam Bộ, nhưng dường như chúng lại rất hợp đất Cái Mơn, Cái Bè, thành thử trái thật sai và người ta lại khéo léo ghép chúng thành hình những con thú hết sức độc đáo, đẹp mắt. Tùy vào kích thước, mức độ trái, nét cầu kỳ khi uốn kết mà giá bán những chậu tắc, đào tiên từ 100 nghìn đồng đến vài triệu đồng/chậu.

Sự phong phú, đa dạng, rực rỡ và nhộn nhịp ở các chợ hoa Tết, tất nhiên còn phải kể đến sự góp mặt đáng kể của các gian hàng: thược dược, cúc mâm xôi, mào gà, hướng dương, sống đời, mãn đình hồng, lys, vạn thọ đuôi chồn, hồng bạch, hồng nhung, cà hồng,... Ngay cả những cây ớt, đu đủ, thơm, gốc Thanh Long cũng được các nhà vườn bứng vào các chậu bày bán. Chợ hoa Tết gần đây, còn xuất hiện những chậu hoa hồng vàng, tuy-líp, lưu ly Hà Lan được ươm, trồng ở Đà Lạt. Những chậu hoa, giỏ hoa loại này có giá từ mười nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/chậu, thành thử người mua lúc nào cũng tấp nập. Những chậu hoa này thật sự góp phần tô điểm thêm hương sắc của những ngày Xuân ở mỗi nhà.

Chợ hoa Tết chỉ họp tới chiều 30 tháng Chạp. Người dân Nam Bộ, Việt kiều về quê ăn Tết, khách nước ngoài vào du Xuân đã quá quen thuộc với sự hiện diện của những chợ hoa mỗi độ Xuân về và thật sự khẳng định nó như là một nét đẹp của truyền thống văn hóa ngày Xuân phương Nam.
 
Tay Ngang Năm Hiếu với 'Mai Không Rụng'

--- Phù Sa Lộc ---



Miền Tây Nam Bộ có vài chuyện "thần kỳ". Ai cũng biết đến ông "thần Đèn" Nguyễn Cẩm Lũy, "tay không" dời nhà cửa từ nơi này sang nơi khác hay "kỹ sư tay ngang" Hai Đến ở Đồng Tháp chế tạo được máy nông ngư cơ. Lại còn "nhà ngư học chân đất" ở Đồng Tháp lại nghiên cứu sao để "bắt" cá ba sa, cá tra phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản xuất khẩu. Và chưa hết, ở đây còn có"nhà thực vật học ngang xương" Năm Hiếu, làm cho những đóa hoa mai nở không bị rụng cánh lả tả như vẫn gặp.

Chơi mai Tết không phải chuyện đơn giản, dù là mai nhánh. Lựa một cành dáng vẻ đẹp, đem về thui gốc, cho vào độc bình. Vậy mà gần đến giao thừa, những búp mai xanh tơ, những búp mai hàm tiếu hé cánh vàng lại rơi rụng lộp độp đến nao lòng xót dạ! Là bởi mai khó tính: nóng bức không ưa, gió đưa không chịu... Mai khó là thế, nên người chơi mai phần lớn đều rất thắc thỏm lo âu trước cuộc chơi "đầy bất trắc" mà mỗi năm chỉ duy nhất được chơi có một lần.

Anh Phạm Văn Hiếu (Năm Hiếu) ở ấp Bình Phó, xã Long Tuyền, thành phố Cần Thơ giúp người chơi mai Tết hoàn toàn an tâm bằng cách làm cho mai nở không rụng. Anh tươi cười khoe: "Nó chẳng những không rụng mà còn đậu trên cành suốt mười đến mười bốn hôm rồi héo ngay trên đó". Thêm cái tuyệt nữa là việc vặt lá mai vốn là điều ngán ngẩm của rất nhiều người. Vặt lá một cây mai đã... oải, hà huống vặt cả "rừng" mai như ở vườn nhà anh. Đến kỳ vặt lá (tùy thời tiết mỗi năm), trước đó ba ngày, anh dùng bình xịt phun hóa chất lên cây. Ngộ một điều, hóa chất làm lá mai rụng ba ngày sau đó (do gió thổi hoặc người lay, lắc nếu cây nằm nơi khuất kín gió), còn những lá cây khác không suy suyển gì. Phun hóa chất như vậy còn nhằm mục đích diệt nấm bệnh và côn trùng ăn bám trên cây, bảo vệ sức sống và mầm hoa. Cách vặt lá mai "hiện đại" này vừa đỡ tốn nhân công vừa không làm gãy nhánh, rụng nụ. Mà nụ mai vườn nhà anh Năm Hiếu thì toàn những búp bụ bẫm.

Để có được như vậy, trước đó khoảng hai, ba tháng (tùy thời tiết), anh xử lý bằng đợt phun hóa chất nhằm kích thích cho mai ngậm nụ đều và đồng loạt ra nụ. Rồi khi búp bằng mút đũa, anh phun thêm đợt hóa chất khác nhằm kích thích nụ hoa to hơn để cho ra những cánh hoa to, nở đồng loạt, có sắc mầu đậm rực, nở lâu ngày và đặc biệt không rơi rụng như những đóa hoa mai bình thường. Cá biệt, có năm hoa mai của anh nở to bằng miệng lon sữa bò. Anh chặc lưỡi tiếc rẻ: "Tôi đang cố gắng cho nó to đều như thế, đều cả nhánh, cành và đều cả mỗi năm". Anh lại chặc lưỡi. Vâng, để có được những bông mai nở không rụng, anh Năm Hiếu đã mày mò rất nhiều. Là một nông dân, ham thích chơi mai nên anh nghĩ đến chuyện làm... khoa học. Anh "vọc" hóa chất trên mai vườn nhà "bao la" của tổ phụ để lại. Làm khoa học đâu phải là chuyện một sớm một chiều đối với nhà khoa học khoa bảng, thì đối với anh, một nhà "khoa học tay ngang" lại càng gian nan, vất vả trăm bề. Suốt thời gian dài hơn mười năm trước, về sau có sự giúp đỡ của một vài cán bộ khoa nông nghiệp Trường đại học Cần Thơ, anh mới đạt được ước nguyện: những cánh mai tươi thắm rung rinh trên cành như "bất tử" trước "môi trường khắc nghiệt" đối với loài mai thường. Anh sung sướng trước thành công và sung sướng hơn là đã thị trường hóa nó thu về khoản lợi nhuận đáng kể. Càng về những năm gần đây, thu nhập từ mai chậu, mai cành của anh càng ngày một cao nhờ nhiều
người biết tiếng, nhất là qua các cuộc hội thi. Anh đã đưa mai tham dự Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ 1995 được tặng một bằng khen. Cũng trong hội chợ này vào năm 1997, anh được giải thưởng Bông lúa vàng vẫn với mặt hàng "mai nở không rụng".

Tết vừa qua, "mai nở không rụng" của anh đã vượt địa giới thành phố Cần Thơ, đặt chân lên thành phố Hồ Chí Minh, tại Công viên Hoàng Văn Thụ. Người thành phố đã có dịp thưởng lãm một "kỳ công" của người nông dân Năm Hiếu. Năm nay mai nở không rụng của anh xuất hiện thêm ở Công viên Văn hóa Tao Đàn và Chợ Lớn và còn "lấn" ra miền duyên hải Vũng Tàu.
 
Thức Uống Hội An

--- Chi Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam ---




Thức uống Hội An (Quảng Nam) khá nhiều loại, trước hết loại nước uống thường ngày, phổ biến hơn cả của người Hội An là nước chè. Chè ở đây không phải là chè búp, chè móc câu được pha chế và uống như ở miền bắc. Người dân thường ở Hội An vẫn thích uống một hơi hết sạch một bát hoặc một gáo nước chè thì mới đã cơn khát. Để nấu nước chè người ta dùng loại chè lá phơi khô (chè đen) hoặc chè công, chè Huế, chè Biển Hồ (được làm từ lá, thân hoặc cọng chè, phơi khô, bỏ vào từng bao lớn). Người ta nấu chè trong nồi đồng, ấm đất hoặc ấm nhôm. Khi uống, rót chè hoặc dùng gáo dừa có cán để múc ra bát. Bát (tô) uống chè là loại bát tròn, lớn, bằng đất nung, tráng men thô. Ngày nay, đồ sứ có mặt nhan nhản khắp nơi, nhưng các hàng nước chè vẫn giữ nguyên những chiếc bát thô vẽ ngoằn ngoèo vài nét men xanh đơn giản.

- Nước chè đậu ván

Người ta mua vỏ đậu ván ở các quán chè về phơi khô, cho vào chảo rang vàng rồi đem trộn với chè lá nấu thành nước uống. Loại nước này có một mùi thơm khó tả, phải chính tay bưng bát nước thưởng thức mới cảm hết được cái hương vị hấp dẫn của nó. Uống chè này không cần ly tách sang trọng mà chỉ dùng chiếc bát sành hoặc chiếc gáo dừa khô mới thấy ngon.

- Nước chè tươi (chè xanh). Chè tươi thường được bày bán từng bó nhỏ ở chợ Hội An. Chè mua về, rửa sạch, cho vào cối giã nát, sau đó ủ khoảng một ngày cho chè chín (chè tươm nước, chuyển mầu do hơi nóng toát ra). Cho vào nồi hoặc ấm nấu thật kỹ. Bỏ thêm vào nồi một củ gừng giã dập cho thơm.

- Nước lá Lao (nước lá Cù Lao Chàm) là loại nước uống khá đặc biệt ở Hội An.

Nước được nấu từ một số loại lá sẵn có ở Cù Lao Chàm như lá ngấy, bồ đề, bình lời, é rừng, dây lăng, gừng núi... Lá bẻ về, phơi khô, chặt nhỏ và trộn lẫn. Đối với người không quen, nước lá Lao có vị chát, vừa có mùi của thuốc bắc, thuốc nam, vừa có mùi ngai ngái của một số lá cây rừng nhưng dùng lâu sẽ nghiện. Một số người địa phương đã dùng lá Lao nấu uống thay chè. Nước lá Lao uống rất tốt, vừa kích thích tiêu hóa, vừa có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể, chắc bụng, vì vậy các sản phụ thường chuẩn bị một bao lớn lá Lao để dùng sau khi sinh. Cùng với các loại trái như sim, dâu, trâm, ươi, loại tro củi dùng để chế biến cao lâu, loại cây già, cây chàm để nhuộm lưới, Cù Lao Chàm còn mang đến cho Hội An một loại nước uống khá độc đáo, hiếm có là nước lá Lao.

- Nước mồng 5

Trước tết Đoan Ngọ (5-5 Âm lịch), tại chợ Hội An bày bán nhiều loại lá cây, khô có tươi có, hầu hết là những loại cây thuốc có tác dụng chữa nhiều loại bệnh. Đó là lá mã đề, râu bắp, gương sen, mơ, cỏ ống có tác dụng lợi tiểu, bổ thận, giải nhiệt; lá sả, bạc hà, é, tía tô, tần, gừng để tăng sức đề kháng, chống các bệnh thời tiết, cảm ho; lá dỏ dẻ, chành nành để kích thích tiêu hóa; lá ổi để chắc bụng; lá ngủ ngày, bổ đường, tim sen, vông (dông) để an thần... Tất cả được phơi khô để đúng ngọ ngày mồng 5 dồn chung lại thành một đống giữa sân. Dùng dao chặt nhỏ, trộn đều rồi bỏ vào bao, cất ở nơi khô ráo. Người dân tin rằng uống nước lá này sẽ trừ được một số bệnh tật, nhất là các bệnh do thời tiết. Nhìn vào danh mục lá mồng 5 chúng ta thấy niềm tin này được xác lập có cơ sở vững chắc từ đặc tính y dược của cây cỏ mọc chung quanh nhà, ở ngoài vườn, trong các bụi rào giậu. Tục hái lá thuốc mồng 5 như một lời nhắc nhở để mọi người lưu ý hái một ít lá cây - vị thuốc có sẵn để dùng khi cần thiết. Người dân còn tin rằng vào trưa mồng 5 chỉ cần ra ngoài vườn bẻ một vài loại lá cây đem phơi khô nấu uống cũng có thể chữa được bệnh.

Do tác dụng chữa bệnh nên lá mồng 5 được sử dụng khi thời tiết nóng nực, dịch bệnh lây lan, hoặc gia đình có người đau ốm, đặc biệt là mệt mỏi, suy nhược nhưng chưa đến mức phải dùng thuốc. Nhiều gia đình chuẩn bị lá mồng 5 để nấu uống suốt năm.
 
Ngày Xuân Thăm Làng Gốm Bát Tràng

--- Giáng Vân ---




Gốm Bát Tràng mộc mạc mà tinh tế, tài hoa mà hồn nhiên. Mầu men, xương gốm, nhưng họa tiết trang trí được vẽ bằng tay từng chiếc một, nung qua lửa quyện với nhau, dù đồ gia dụng - bát đĩa, ấm chén, bình hoa, chân đèn... hay gốm mỹ nghệ - những con giống, đĩa treo tường, độc bình trang trí... đều có một vẻ quyến rũ riêng. Từ những thế kỷ trước, gốm Bát Tràng đã theo tàu buôn đến nhiều nước. Về gốm cổ Bát Tràng, một chuyên gia khảo cổ học nổi tiếng đã nhận xét "... có một hạng đồ gốm rõ rệt Việt Nam là đồ gốm Bát Tràng". Trải qua thăng trầm, buồn vui, khi suy, lúc thịnh, hồn đất hồn người gửi gắm trong gốm chưa bao giờ mất.

Nhưng có thể nói, cơn trăn trở của làng gốm nổi tiếng này đã bắt đầu rất lâu từ trong tâm hồn những người con của làng, manh nha và nung nấu từ những năm nghề gốm ở Bát Tràng có nguy cơ thất truyền. Những năm đó, cả làng chỉ còn lại mấy lò nung của hợp tác xã, chỉ làm ra một thứ sản phẩm duy nhất là những chiếc bát ăn méo mó, xấu xí, xám ngoét. Những lò gốm gia đình đã biến mất tự lúc nào. Kinh tế thị trường mở cửa, có một người làm nghề giáo ở Hải Phòng tên là Bùi Xuân Hải vì yêu gốm Bát Tràng đã bỏ nghề về Bát Tràng lập nghiệp. Ông bỏ ra khá nhiều tiền của nhưng phần vì không phải người làng gốm, không nắm được nghề, thị trường về gốm lại còn rất mờ mịt, nên đã thất bại. Tuy vậy sự thất bại của gã Don Quixote này giống như một cú hích vào tâm thức của những người dân làng gốm. Những người cao tuổi và còn nắm nhiều bí mật về nghề gốm của Bát Tràng bắt đầu vào cuộc. Dần dà, gốm bắt đầu sống lại, nhịp đập của cái cơ thể làng gốm lâu đời này bắt đầu lại, thiết tha, và bức xúc. Mỗi một thành công nhỏ của ai đó đều được cả làng bàn tán, theo dõi quan tâm, phấn khích, người kín đáo, người công khai. Hóa ra, đã là dân Bát Tràng, ai cũng đều mong mình được sống trong gốm, gửi gắm mình trong gốm. Chính vì vậy, điều diệu kỳ đã xảy ra: gốm Bát Tràng chẳng những sống lại, mà còn bắt đầu một sinh khí mới với việc tạo ra tên tuổi của những nghệ nhân gốm thế hệ mới.

Trần Độ - người được mệnh danh là vua của "vương quốc men" tuổi chỉ ngoài 40. Đó là một người đàn ông giản dị, ăn nói nhỏ nhẹ. Vẻ ngoài này khiến không ai hình dung được khối lượng công việc đổ lên vai anh mỗi ngày. Ngôi nhà nơi gia đình anh sống giống như một công trường nhỏ. Phòng khách, hành lang, tất cả các phòng la liệt các loại đồ gốm: bát đĩa, ấm chén, âu, liễn, độc bình, các mầu, các kích thước... được đặt một cách vô tội vạ, bụi đất phủ mù mịt. Bên trong là tất cả những công việc của một lò gốm: luyện đất, tạo dáng gốm, vẽ trang trí, sửa chữa, chồng lò, nung... còn bên ngoài, tiếp khách và bán hàng. Mỗi ngày, làng Bát Tràng có từ 5-7000 nhân công từ nơi khác đến làm thuê thì gia đình anh có khoảng 17, 18 người, vợ chồng anh đào tạo nghề cho thợ, quán xuyến mọi công đoạn. Lò nung gốm nhà Trần Độ đốt bằng ga. Cứ ba ngày một lần ra lò, nhưng khoảng hai năm nay, anh làm không kịp cho khách mua.

Học nghề từ năm lên 9, nhưng bên cạnh việc kiếm sống hằng ngày, lúc nào anh cũng canh cánh bên lòng: làm sao và có cách gì để bứt lên được? Nếu cứ lầm lụi làm lụng cật lực mà không có phương pháp như những người dân trong làng thì không sao thoát khỏi cảnh nghèo. Bởi vậy, hễ có thời gian, Trần Độ lại lân la học hỏi những người giỏi nghề. Sự tiếp xúc với các nghệ sĩ điêu khắc của trường Đại học Mỹ thuật quốc gia như Trần Tuy, Tạ Quang Bạo, Vương Học Báo, Huy Oánh... đã cho Trần Độ một cách nhìn dài rộng, một đường hướng lớn cho những suy nghĩ và tìm tòi của anh. Đó là lúc Trần Độ nhận thức ra rằng: nắm được những bí mật về men sẽ tạo được mũi đột phá cho gốm. Anh kiên trì mầy mò với đủ thứ công thức về men. Bao nhiêu thất bại mới có một thành công. Đến giờ, gia tài Trần Độ đã có 69 bài men. Riêng một dòng men ngọc, anh có tới mười hai công thức khác nhau, tạo ra 12 biến tấu của loại men này. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen... Men nâu, đặc biệt là mầu nâu trầm rất lạ chưa thấy có ở Bát Tràng, Trần Độ đã tìm ra cách đây sáu năm và đến bây giờ mới thực sự hoàn thiện. Nếu như với men ngọc, Trần Độ thắng lớn trong những hợp đồng với châu Âu nhiều năm vừa qua, thì men nâu của anh mới đây đã lọt vào cặp mắt xanh của các doanh nhân người Nhật qua cuộc triển lãm gốm Việt - Nhật tại Hà Nội vào giữa tháng 11-2000. Triển lãm xong họ theo anh về tận nhà và chọn mang đi 150 mẫu để giới thiệu ở các nước.

Tôi hỏi Trần Độ.

- Anh tự thấy mình thành đạt khi nào?

- Học nghề đã 30 năm nay, nhưng thành thật mình chỉ dám cho là đã thành công khoảng tám năm. Nhưng ăn nên làm ra thì mới được hai năm thôi.

- Nghe nói anh được người sành về gốm tôn và "vua về men" với 69 bài men trong gia tài, vậy là nhiều hay ít?

- Thực tình so với di sản còn lại của gốm Bát Tràng thì mình đã phong phú hơn, đẹp hơn, nhưng cũng còn nhiều thứ xưa các cụ làm được mà nay trên mặt chưa ra.

Những con đường riêng

Hóa ra trong cái cộng đồng không lấy gì làm đông đảo của làng gốm này, cái tôi của mỗi người rất mạnh. Sức mạnh của những cái tôi đó lớn chừng nào thì sức mạnh cộng đồng lớn lên chừng đó. Cũng làm gốm nhưng Bát Tràng có hàng chục cách thức để góp mặt, để tồn tại.

Thoạt đầu, lúc làng gốm bắt đầu hồi sinh, người thổi lên niềm hứng khởi cho nó là những họa sĩ hoặc từ Hà Nội yêu thích gốm. Cảm quan về cái đẹp của họ, ít nhiều ảnh hưởng qua lại với cảm quan về cái đẹp truyền thống của người làng gốm. Trong số này, nếu không thạo nghề gốm thì họ vẽ thuê cho các lò gốm. Từ đây xuất hiện kiểu những chủ lò đứng ra làm người nung thuê. Người chơi gốm tài tử có thể đến đây, sẵn vật liệu, sẵn công cụ, tha hồ vắt nặn tùy thích, chủ lò sẽ nung với một giá không quá đắt. Lại có người, mọi công đoạn đều thuê, anh ta chỉ vẽ trang trí và mang đi bán. Loại sản phẩm này bán khá chạy nhờ những họa tiết rất sống động, tinh tế, kỹ lưỡng và mang đậm phong cách người vẽ. Dân học mỹ thuật ra, ngoài lối vẽ theo các mô-típ truyền thống như tôm cá, chim muông, hoa lá... họ còn đưa vào các phong cách ấn tượng, lập thể, tạo các mảng miếng mầu rất táo bạo trên một sản phẩm. Phong cách này tạo nên một khuynh hướng mới trong gốm Bát Tràng hiện đại.

Bên cạnh khuynh hướng sản xuất hàng đại trà của nhiều lò gốm lớn, Bát Tràng vẫn có những tay được coi là "gàn dở". Tuấn "đồng nát" là một đại diện tiêu biểu. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, nhưng vì nghèo nên Tuấn không có lò ga. Với chiếc lò than, tất cả thời gian anh dùng để tạo ra những thạp giả cổ, chum chóe và những chiếc chân đèn, lư hương giả cổ. Ngoài thứ đồ gốm giả cổ, các đồ khác của anh đều bị bóp méo, vặn vẹo không kiểu này cũng kiểu kia, những ngôi nhà bằng đất nung nhại kiểu phố cổ Hội An, hay phố cổ Hà Nội... Nói chung, là những thứ trông rất "đồng nát". Tuấn cho biết, thỉnh thoảng anh cũng bán được mấy cái cho ai đó thích với giá cực đắt, bù lại bao công lao khó nhọc. Lại còn không biết thực hay hư, Tuấn bảo, triển lãm Cổ vật Thăng Long, phần về gốm cổ, người ta đã thuê một số đồ của anh với giá rất được.

Nếu Trần Độ đột phá bằng men, thì gốm Quang lại gây ấn tượng bằng lối tạo hình độc đáo. Khác với lối tạo hình truyền thống: cân đối, tròn trịa, vững chãi, gốm Quang chú ý nhiều về đường thẳng, tam giác, so le, cắt vát. Đi với lối tạo hình này là các nước men sáng mầu, ít vẽ trang trí. Tất nhiên, gốm Quang cũng rất chú ý đến những loại men mới, kiểu tráng men hai lớp khác nhau trong một sản phẩm.

Gốm Chi cũng có nét đặc biệt. Khởi nghiệp của ông không ở Bát Tràng mà ngay trong lòng Hà Nội, phố Mai Hắc Đế, nhưng gốm Chi làm theo phong cách, kỹ thuật truyền thống của gốm Bát Tràng. Sản phẩm chủ yếu là những đồ gốm thô, gốm men chảy. Cách tạo hình của gốm Chi rất phong phú. Những chiếc lọ cắm hoa, không chiếc nào giống chiếc nào về mầu sắc, hình dáng, kích cỡ. Những tay chơi gốm thích gốm Chi và biết tiếng ông từ giữa những năm 80 ở vẻ đẹp rất mộc, rất thuần khiết, và có hồn. Nguyễn Văn Chi vừa rồi cũng có mặt trong triển lãm gốm Việt - Nhật tại Hà Nội vào tháng 11. Ngoài những sản phẩm mang phong cách nhiều người đã thuộc, lần này, ông trình bày một thứ đồ gốm rất mỏng. Loại gốm mỏng, xưa nay chỉ mới thấy người Tàu làm được, thường gọi là gốm "thấu minh", nghĩa là soi lên thấy được ánh sáng. Còn gốm Bát Tràng cổ có đặc trưng là khá dày, nặng rất dễ nhận ra. Đây cũng là một nhược điểm trong sự cạnh tranh trên thị trường với các loại sản phẩm khác. Việc tạo những sản phẩm mỏng nhẹ, cộng với những ưu việt khác của gốm là một bước đột phá và là sự đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Văn Chi.

Trang mới của gốm Bát Tràng được đánh dấu bằng sự xuất hiện của những chiếc lò nung bằng ga. Thoạt đầu vào khoảng giữa năm 1998, một công ty của quân đội đem công nghệ lò ga nung gốm từ Đài Loan để lắp đặt cho Hợp tác xã Song Cường với giá 35.000 USD. Chiếc lò ga này có dung tích 2,5m3 về sau một kỹ sư của Viện Silicát tên là Nguyễn Đình Vần, nghiên cứu mẫu lò này và tự chế tạo ra được nó. Anh lắp đặt cho khoảng 20 gia đình tại Bát Tràng với giá thành chỉ còn 60 đến 70 triệu đồng/chiếc. Bây giờ thì Bát Tràng có gần 200 chiếc lò ga. Chiếc vĩ đại nhất là của gia đình Nguyên Ly có dung tích 15m3.

So với lò nung bằng than, lò ga có nhiều ưu việt. Đầu tiên phải kể đến khả năng kiểm soát được nhiệt độ. Trong nghề gốm truyền thống, ai điều khiển được lửa, nắm được phép nhiệm màu của men, coi như nắm được những bí mật quan trọng nhất. Lửa, men, đất giống như ba đại lượng trong một phương trình. Chỉ cần thay đổi một thì sẽ cho ra một kết quả khác.

Trước đây, với lò than, lửa là yếu tố khó kiểm soát nhất. Chỉ những người giỏi nghề, và lâu năm trong nghề mới đủ kinh nghiệm điều khiển được nó. Nhưng bây giờ với lò ga, việc đó trở nên đơn giản hơn nhiều. Điểm chốt được mở, thế là khả năng được giải phóng, cùng với sự ra đời của vô vàn mẫu mã, mầu sắc khác nhau của gốm.

Ưu việt thứ hai là ở nước men: bóng, sáng, đẹp hơn nhiều so với nước men nung bằng lò than. Mỗi sản phẩm có thể tráng hai mầu men trong và ngoài khác nhau. Trước đây điều này rất khó thực hiện.

Ưu việt thứ ba, cũng do kiểm soát được lửa, nên không sợ nó làm biến dạng phần xương của sản phẩm, nên một công đoạn vô cùng phiền phức được bỏ hẳn. Đó là những chiếc bao thâu dùng để bảo vệ sản phẩm khỏi bị biến dạng. Trước khi chồng lò, các sản phẩm gốm được xếp rất cẩn thận vào giữa những bao thâu, rồi giữa các bao thâu lại được chèn bằng gạch. Không còn các bao thâu, những thợ gốm có thể tùy thích tạo ra những sản phẩm có kích cỡ lớn, có chiều cao gần bằng chiều cao của lò. Có những lọ độc bình cao tới tận trần nhà, nửa trần nhà, được làm vô cùng tinh xảo kỹ lưỡng. Đó là sản phẩm của các lò ga dung tích lớn. Thêm nữa, bỏ đi những bao thâu, số sản phẩm mỗi lần nung tăng lên đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ hàng phế phảm giảm từ 30% xuống chỉ còn 5%.

Ưu việt thứ tư, mở ra khả năng giải quyết nạn ô nhiễm môi trường vốn rất trầm trọng ở cái làng gốm này. Đến giờ, tuy mới có gần 200 lò ga trên tổng số 3.000 lò ở Bát Tràng, nhưng dương như đường làng đã phong quang hơn, không khí đỡ bức bối ngột ngạt hơn, nhà cửa, bộ mặt của làng đỡ nhem nhuốc hơn.

Những lò nung hiện đại đã thực sự tạo ra một trang mới của gốm Bát Tràng.

Thay cho lời kết

Có nhiều người nghi ngại: "Liệu Bát Tràng có còn là Bát Tràng nữa không khi xuất hiện những chiếc lò ga". Có lẽ, đó là nỗi lo của những người bẩm sinh có thiên hướng hoài cổ. Tôi rất thích nhìn những chiếc xe đạp thồ hàng gốm Bát Tràng đi bán rong, những thứ phẩm của Bát Tràng cũng đã thấy đẹp hơn xưa. Còn nếu muốn, bạn hãy một lần, luồn lách chiếc xe máy hiện đại của bạn vào khu làng Bát Tràng cổ một vòng, rồi dạo thăm vài ba cửa hàng, vài ba lò nung của gia đình để cảm thấy cái sinh khí mới của làng. Rồi chắc chắn bạn sẽ bị thứ đồ gốm "rất rõ rệt Việt Nam" của Bát Tràng quyến rũ, và mừng cho Bát Tràng hôm nay khách khứa vào ra tấp nập. Tài hoa Bát Tràng đang ở trong giai đoạn tỏa sáng.

Tuy nhiên, người viết bài này, bên cạnh niềm vui, vẫn còn điều day dứt: Phần đông người Bát Tràng còn nghèo lắm. Kiếm sống hằng ngày còn chật vật lấy đâu ra tiền làm lò ga. Từ khi xuất hiện lò ga với bao thứ hơn hẳn như vậy, những đồ gốm nung bằng lò than của họ càng lép vế, khó tiêu thụ ở thành phố. Tiền bán sản phẩm đã chậm thu về, lại chẳng hơn mấy so với tiền mua nguyên vật liệu, than củi. Nên chăng, thành phố Hà Nội dành kinh phí đầu tư phát triển để hỗ trợ cho những hộ nghèo ở Bát Tràng lắp đặt lò ga. Điều này còn giúp thành phố giải quyết vấn đề nhức nhối về môi trường đã kéo dài bao nhiêu năm nay. Về phía các doanh nghiệp làm ăn với Bát Tràng, thiết nghĩ cũng nên đầu tư kinh phí, hỗ trợ thêm cho họ. Chẳng hạn, Tổng công ty Petrolimex, đơn vị chuyên cung cấp ga đốt cho Bát Tràng, hằng tháng hiện đã cấp cho các lò ga ở đây tới 300 tấn ga, tại sao không nghĩ tới việc hỗ trợ đầu tư lắp đặt lò ga cho các gia đình nghèo, kèm theo là các hợp đồng cung cấp ga cho họ.

Nghe nói cũng đã có nhiều dự án đầu tư cho làng gốm, nhưng không hiểu vướng mắc từ đâu mà vẫn chưa được thực hiện. Hy vọng một mùa xuân mới, sẽ đem đến cho Bát Tràng những cơ hội mới để làm tỏa rạng hơn nữa nết đất, nết người Thăng Long qua bàn tay tài hoa của những người thợ gốm.
 
Tiếng Đàn Môi Mùa Xuân

--- Bạch Dương ---



Mùa xuân trên rẻo cao, bắt đầu từ những cánh hoa đào khoe sắc trên triền núi biếc xanh. Đất trời như chợt bừng sáng lên, bởi muôn ngàn chồi non nảy lộc mơn mởn trên cành. Thoảng trong làn gió, nghe văng vẳng tiếng đàn môi dìu dặt, tiếng sáo gọi bạn tình da diết. Đó chính là những lời nhắn gửi, trao duyên của trai gái người Mông mỗi khi trời đất vào xuân.

Đàn môi là một loại nhạc cụ khá độc đáo của đồng bào Mông. Nó được chế tác từ một thanh tre nhỏ mỏng thành đàn có gờ, lưỡi gà và hai cánh. Khi sử đụng, người ta đưa đàn lên môi thổi nhẹ, vòm miệng sẽ cộng hưởng tới lưỡi gà và dùng ngón tay cái gảy, tùy theo hơi dài ngắn và cách điều khiển của ngón tay mà âm thanh đàn môi sẽ trầm bổng theo các giai điệu khác nhau.

Từ xa xưa, người Mông đã dùng đàn môi để thổ lộ tâm tư tình cảm, làm cầu nối trong những buổi đầu gặp gỡ. Đàn môi được sử dụng mọi nơi mọi lúc, từ những buổi xuống chợ phiên, lên nương, lên rẫy hay các dịp lễ tết. Ngày thường, những cô gái Mông sống rất có nề nếp, mỗi khi màn đêm buông xuống, họ ít ra khỏi nhà. Các chàng trai thường đến đầu hồi nhà người con gái mình thích, dùng đàn môi để tỏ tình. Nếu cô gái ưng thuận, họ cũng dùng đàn môi trả lời người thương:

Ơi anh, nhà em không có rào
Ơi anh, nhà em cửa không cao
Anh yêu, anh cứ vào, cứ vào...

Tết đến, người Mông tưng bừng mở hội "Gầu tào", "Sải sán" (Đi chơi núi), những chàng trai Mông mạnh khoẻ, da nâu bóng trong bộ quần áo chàm đen, dập dìu bên những thiếu nữ váy áo sặc sỡ, cổ đeo vòng bạc trắng lấp lóa, nói cười ríu rít, cùng nhau trảy hội mùa xuân. Dưới những gốc đào đỏ thắm, người con gái e ấp ngồi, váy hoa xòe rộng như cánh bướm xuân. Ngồi đối diện với họ là những chàng trai, tay cầm sáo trúc hoặc kèn bè. Bỗng điệu "khâu xìa plềnh" (tình ca) vút lên, mở đầu buổi giao duyên:

Trong lòng anh, em là bông hoa đẹp nhất
Là tiếng chim hót buổi sớm mai,
Là ngôi sao đầu núi
Anh mê mẩn trong lòng

Bằng giai điệu và âm sắc của chiếc đàn môi, cô gái sẽ thổ lộ tiếng lòng mình, đủ cho bạn tình nhận biết:

Anh ơi! Em chẳng chê anh nghèo
Em yêu anh vì anh là chàng trai khỏe mạnh
Ta sẽ cưới nhau...

Đáp lại người con trai cũng dùng đàn môi, hoặc tiếng khèn bè du dương, thể hiện nỗi khao khát muốn được tâm tình cùng cô gái:

Ớ sao em đẹp thế
Người đâu lung linh ánh bạc,
Em biết không con nai ngơ ngác
Xuống núi tìm hang đâu có hang,
Em đừng cậy có nhiều bạc trắng
Không có anh bạc tuột khỏi tay...

Trả lời người yêu qua tiếng đàn môi, cô gái gửi gắm tình yêu một cách ý nhị mà sâu sắc. Con gái Mông khi đã yêu, đã say tình cảm của họ thật nồng nàn mãnh liệt. Cứ thế trai gái Mông say sưa trao gửi tâm tình, giữa khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên tươi đẹp. Rồi những đôi tình nhân như tan biến vào trong núi, chỉ còn tiếng đàn môi nhẹ như hơi thở mùa xuân, càng về sau càng bịn rịn lưu luyến:

Kìa mưa về hoa dưa nở tươi
Kìa nắng đến hoa dưa buồn khô
Yêu chàng em yêu lắm,
Ra về, thương nhớ mãi chàng ơi!

Trong thực tế, nhờ những dịp gặp gỡ ở hội xuân mà bao người đã nên vợ nên chồng, đàn môi cũng góp phần không nhỏ vun đắp cho tình yêu đôi lứa. Bởi đàn môi gọn nhẹ, dễ làm, dễ sử dụng, nên đến ngày nay, nó vẫn được trai gái Mông yêu thích. Mỗi khi thổi đàn môi, người ta quên đi bao nỗi vất vả lo toan thường nhật, để đắm mình trong hạnh phúc ngọt ngào.

Cứ mỗi độ xuân về, cùng với những phong tục đặc sắc, tiếng đàn môi quả là một thứ ngôn ngữ tình yêu độc đáo của dân tộc Mông, hòa quyện với âm hưởng hoang dã của núi rừng, khiến ai đã từng được nghe còn nhớ mãi.
 

Áo Dài Việt Nam Trước Làn Sóng Cách Tân

--- Phạm Kim Trang ---



Với thế hệ phụ nữ chúng tôi, những người đã ở cái tuổi ngoài "thất thập cổ lai hy", hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, có thể gọi là "quốc hồn, quốc túy".

Vừa qua, tôi có xem một số chương trình biểu diễn thời trang, trong đó có chiếc áo dài thân quen [...]. Công bằng mà nói, có những nhà thiết kế đã làm cho chiếc áo dài Việt Nam sang trọng hơn, lộng lẫy, đài các, quý phái hơn, thể hiện được sự phát triển của nền kinh tế đất nước (theo đúng câu "phú quý sinh lễ nghĩa"), nhưng rất tiếc, đó chỉ là những trường hợp hãn hữu... Tôi xin nói lên đây một vài suy nghĩ của mình.

Chiếc áo dài Việt Nam ra đời vào đầu thế kỷ 20 là do công lao của cố họa sĩ Cát Tường. Ông đã nghiên cứu từ chiếc xườn sám của Trung Hoa, kết hợp với một số trang phục truyền thống của người Việt Nam để tạo thành bộ quần áo dài vừa tha thướt, kín đáo, lại vừa tôn tạo được đường nét, vóc dáng của người phụ nữ Việt Nam. Mặc dù khi đó, chiếc váy đầm cũng như những chiếc váy dạ hội lộng lẫy quý phái đã dược người Pháp du nhập vào Việt Nam, song chiếc áo dài mới xuất hiện, đã được giới nữ từ già đến trẻ, từ giàu tới nghèo, từ quý phái đến bình dân chấp nhận ngay. Và điều đặc biệt đáng ghi nhận là nó hoàn chỉnh ngay từ khi mới ra đời. Theo thời gian, chiếc áo dài có thay đổi một số tiểu tiết phù hợp với thời đại. Sở dĩ có hiện tượng này là vì bản thân chiếc áo dài gắn liền với tâm lý, tình cảm, đạo đức, văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Cái "tài" và cái "trí" của ông Cát Tường thể hiện hoàn chỉnh qua sáng tạo trang phục cho người phụ nữ Việt Nam chính là ở đặc điểm này.

Đặc trưng áo dài Việt Nam là ôm lấy thân hình người phụ nữ và tôn những đường nét của người phụ nữ một cách kín đáo. Chính vì thế, một số họa phẩm của các danh họa thời tiền chiến vẽ các thiếu nữ trong trang phục áo dài đã trở thành những họa phẩm "bất tử". Còn chất liệu vải để tạo nên chiếc áo dài có lụa, gấm, nhung... Hiện nay có thêm chất liệu thổ cẩm nữa, cũng là một chất liệu hợp với chiếc áo dài Việt Nam.

Trở lại những cuộc thi mẫu áo dài thời trang và trình diễn áo dài thời trang có nhiều cái gọi là "cách tân", "đột phá", "biến tấu" thật là khủng khiếp. Chất liệu để tạo nên chiếc áo dài thì cũng đủ thứ "hầm bà lằng" khiến cho thế hệ chúng tôi không thể nào chịu nổi. ở đây chỉ xin nói một điều nhỏ thôi: Tại sao hàng khuy bấm lại cài ở phía bên tay trái chiếc áo dài, ấy là bởi vì người tạo nên chiếc áo đã tính toán đến trường hợp chẳng may người mặc nó vô ý bị tung một vài chiếc khuy bấm ra (tất nhiên thời đó do chưa sản xuất được dây kéo như bây giờ nên phải dùng khuy bấm). Hơn nữa, sử dụng khuy bấm bên hông tay trái thì chính người mặc có thể tự mặc cho mình một cách dễ dàng. Giờ các nhà "cách tân" lại tạo dây kéo phía sau lưng, như vậy mỗi lần mặc lại phải nhờ người khác kéo giúp. Chưa hết, tôi không hiểu "thẩm mỹ thời đại" thế nào mà có những chiếc áo dài lại không có cả hai tay, có chiếc thì không có một bên tay. Ngoài ra, nhiều chiếc lại bị "xé tay" ra rồi còn "lai" lung tung với các kiểu áo dạ hội Tây phương nữa. Thiết nghĩ, thời trang làm sao để mọi người đều có thể mặc được chứ không phải chỉ để trình diễn. Có những chương trình được giới thiệu là "đậm đà bản sắc dân tộc" tôi thật sự không hiểu những người sáng tạo ra kiểu thời trang đó lấy đâu ra cái gọi là "bản sắc dân tộc"? Với những guốc mộc to đùng, nón mê và bộ quần áo dài tả tơi cứ như là những chiếc áo tơi mà ngày xưa người nông dân mặc khi trời mưa vậy.

Thay lời kết, tôi chỉ muốn nói với mọi người, nhất là các bạn trẻ, các bạn hãy thử nghĩ xem, nếu có ai đó mặc cái gọi là "thời trang" áo dài của các bạn đi ra ngoài đường thì liệu thiên hạ có thể chấp nhận được không? Hơn nữa, chiếc áo dài Việt Nam đã có vị trí vững vàng trên trường quốc tế về phương diện trang phục. Hình ảnh áo dài và cái tên "áo dài" cũng đã được quốc tế hóa, vì thế cho nên tôi muốn nói một điều: Đã đến lúc để yên cho chiếc áo dài Việt Nam được rồi, bởi nó đã tồn tại và đứng vững cả thế kỷ chứng tỏ tính ổn định, bất di, bất dịch của nó. Nếu các bạn muốn sáng tạo, xin hãy sáng tạo những mẫu trang phục mới, đừng nên đụng chạm tới chiếc áo dài nữa kẻo không chỉ làm "đau lòng người sống" mà còn làm "tủi phận" những người đã khuất. Có thể tôi đã lớn tuổi cho nên có những suy nghĩ bảo thủ, mong các bạn lượng thứ. Song để kết bài này, tôi mượn hai câu thơ của nhà thơ Nguyên Sa là:

"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông"

Tôi biết chắc rằng, cô gái mặc áo lụa Hà Đông đó đã mặc chiếc áo dài cổ truyền được may bằng lụa Hà Đông của dân tộc.
 
Đôi Điều Về Lễ Hội

--- Nguyễn Sĩ Đại ---



Vào khoảng 1959, 1960, khi tôi đặt những bước chân đầu tiên từ nhà ra ngõ, hòa vào với làng thì làng đã có nhiều đổi khác. Tuy nhiên, làng vẫn còn một ngôi đình, một cái đền thiêng gọi là Đền Cả, một ngôi chùa gọi là chùa Già thuộc làng Già Lam có đầu từ thế kỷ 12, 13 và mộ đạo chắc cũng từ đó. Vì thế, chùa Già có hàng trăm tượng Phật, đó là chùa to nhất huyện. Nhưng ngôi chùa cổ kính lúc ấy chỉ còn là kho tượng, còn vỏ chùa (kiến trúc) thì đã bị hủy hoại nhiều do chiến tranh chống thực dân Pháp.

Nuối tiếc là rất nuối tiếc, những di tích lịch sử văn hóa ấy. Nhưng không phải cuộc sống thời đó mất đi những giá trị thiêng liêng. Trong tâm hồn, trong quan hệ con người đã có sự thiêng liêng và cao cả. Nó thay được cho nhu cầu tâm linh. Con người tin ở cuộc sống thực tại, tin ở tương lai một niềm tin thần thánh.

Tôi lớn lên không còn biết lễ hội ở quê nhà nhưng còn biết lễ, Tết. "Đi Tết" là Tết ông bà và những người cao tuổi. Vì ông bà nội tôi mất sớm cho nên có hai người mà hai anh em chúng tôi hay được theo mẹ đi "Tết", đó là ông ngoại và bà Kính, em ruột ông nội. Lễ, Tết đơn giản, có khi chỉ là quả tim lợn đèo thêm buồng gan, con cá thu nướng, hoặc cốm mới rang giòn, giã ra trộn với đường kính.

Không chỉ về ông ngoại mà về các ông bà là anh, chị em ruột bà nội, lúc nào các ông, bà cũng chào: "Các con đã về đấy à". Và trong tôi luôn luôn đậm đà một tình cảm máu mủ, một sự về nguồn. Có lẽ một phần vì thế chăng mà các anh em họ hàng cứ cưu mang nhau, đứa nọ học sách và mặc quần áo đứa kia, dù đi trong nam ngoài bắc cũng tìm lấy để yêu thương, sở cậy. Với một chữ "về" ấy mà nhen lên trong tôi một tình yêu tiếng Việt.

Dịp đi lễ, Tết, thường khi theo thời vụ, thời tiết của trời đất và khi nhà có việc đáng mừng. Để nhớ về gốc rễ và tri ân người tạo dựng. Mới một thế hệ trôi qua, thời gian chẳng mấy mà về quê, cũng như ở phố vẫn người ấy mà tình xưa thay đổi. Con cháu phát đạt mà từ đường có khi hoang lạnh. Anh em mải mốt mưu sinh, mỗi nhà một kén.

Không thể nói đúng, không thể nói sai nhưng ngẫm ra thì cũng mang những nỗi ngậm ngùi.

Phàm cái gì mà người ta phải quy định và ra công giáo dục, thậm chí thành điển lễ, là cái con người có bản tính ấy, có thể noi theo nhưng mà cũng là chỗ con người hay vi phạm. Vi phạm thì phải ước chế. Ước chế thì không chi bằng nêu cao điều thiện và làm cho mỗi con người được cảm thấy giải phóng, cảm thấy có sự an lạc trong nghĩa vụ đối với người khác, cảm thấy "có trời" đang soi thấu mọi hành vi. Mục đích của lễ, hội một phần đạt được cái đó chăng?

Vài mươi năm gần đây, lễ hội không chỉ được phục hồi mà còn phát triển. Đó là ý nguyện của dân, là sự tham góp tích cực của Nhà nước, của ngành kinh tế du lịch. Ngoài những cái được, phải chăng vẫn còn những điều vương vấn?

Đó là sự sống dậy tư tưởng mê tín dị đoan mà xuất phát có lẽ là từ thành phố, từ giới doanh thương và một phần không nhỏ các quan chức Nhà nước.

Vào đầu những năm 80, tôi đi dự lễ giỗ Tổ Vua Hùng. Tôi lắng nghe một bà dân quê mắt toét chuyên làm nghề khấn thuê. Khấn cho một bà sắp mở hiệu, rằng: "Cầu cho công an, thuế vụ có mắt như mù, đưa người cửa trước, rước người cửa sau, tứ thời xuân vui, tiền vào như nước, tiền ra từ từ".

Ở đền chợ Củi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bây giờ, xe Hà Nội cứ 300 cây số nườm nượp đổ về. Một dân quê dưới ruộng tâm sự: "Bây giờ chẳng biết theo ai, cán bộ nói một đằng, làm một nẻo. Lẽ nào trời phật, thánh thần chỉ phù hộ nhà giàu". Nhiều người không biết Bà Chúa Kho là ai nhưng năm nào cũng đi xin, đi vay; người này huyên truyền người khác - tự nhiên thành mắc nợ, đầu năm đi xin, cuối năm đi trả, có người đốt cả tiền thật, đô-la thật. Rồi bói toán đầy đường, những việc ấy phải đâu tín ngưỡng? Một nhà sư ở chùa Bối Khê (Hà Tây) lẩm bẩm: "Tranh nhau thắp hương, tranh nhau cầu xin, phúc đâu chả thấy, chỉ thấy họa". Đến với lễ hội, không thành tâm dâng cúng, chỉ xin điều tư lợi, cái tâm lý ấy, lòng tham ấy lẽ nào lại hợp với đạo trời chăng? Đâu đó là tham ô tiền công đức, coi lễ hội như một dịp "đánh quả", thật chẳng còn trời đất gì nữa.

Tôi có một ước mong: mỗi người, mỗi nhà trước hết phải chăm lấy cái gốc của lễ, lo hồi phục, tôn tạo các di sản văn hóa quê hương, lo xây dựng cuộc sống thường thành cuộc sống luôn mang không khí vui tươi, lành mạnh.

Đi hết hội này sang hội khác, tốn tiền và bê trễ công việc, phải chăng là nhiễm vào cái thói xa xỉ, chơi sang, dễ đâu thành thiện nhân, chính quả!
 
Back
Bên trên