Wladyslaw Szpilman ( Adrien Brody ) là một nhạc công dương cầm tài năng người Do Thái Ba Lan nhưng cuộc đời bị biến đổi bởi chính sách bắt bớ của quân Phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai. Gia đình anh bị bắt đi trại tập trung trong khi anh may mắn trốn thoát nhưng phải lẩn trốn không ngừng trước sự truy lùng ráo riết của quân lính. Tuy sống một cuộc sống tù túng, chui lủi, trong anh vẫn đầy nhiệt huyết, niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc.
Cốt truyện phim dựa trên hồi ký cuộc đời của Szpilman, không có twist, không có thắt mở, cũng chẳng có những pha chạy trốn rượt đuổi gay cấn nhưng vẫn khiến cho người xem dán chặt mắt vào màn hình. Những đoạn ngắt đột ngột nhưng đúng lúc khiến người ta ngẩn ngơ suy nghĩ.
Những ngón đàn điêu luyện lả lướt trên mặt phím trắng của cây đàn, như dìu dắt tâm hồn ta bay bổng lên không trung... Viên chỉ huy Đức vào những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến đã bị chính tiếng đàn ấy chinh phục. Giờ đây khi kí những văn kiện mà nó có thể giết hàng ngàn người, viên chỉ huy kia không còn tự tin nữa, một cảm giác khác lạ đã len lỏi trong tim ông... Sự xuất hiện rất ngắn ngủi của Hosenfield - tên viên chỉ huy cao cấp, tựa như một điểm nhấn nhân văn nhẹ nhàng trong giữa vũng bùn ôi ám đầy tội ác của Đức Quốc Xã.
Tôi chợt thấy đau xót cho những người Do Thái vô tội bị hành hình một cách dã man, những xác trẻ em vươn vãi trên mặt đường. Tôi lại thấy nghẹn ngào khi thấy người cha bị chen lấn xô đẩy giữa dòng người vội vả, tay vẫn níu giữ chiếc đàn violin bên mình, mắt vẫn dáo dác cố tìm thấy hình ảnh người thân.... Ngoài Szpilman, còn biết bao nghệ sĩ tài ba phải chịu những tủi nhục cay đắng, những gian khổ mà họ không đáng phải gánh chịu. Và có biết bao người có cơ may sống sót được như Szpilman ? Câu hỏi vẫn còn đó, lịch sử đã khép lại. Đã bao năm trôi qua, những nấm mồ tập thể vẫn còn đó mà những tội ác chiến tranh vẫn còn tiếp diễn.
Phải chăng một cuộc sống thanh bình, không có chết chóc, chiến tranh, đố kị, là điều không tưởng ?
Một bộ phim hay xứng đáng có mặt trong tủ phim của mình