1 bài viết về Gái nhảy
Hành trình từ Gái nhảy đến Lọ Lem hè phố của đạo diễn Lê Hoàng (Hãng phim Giải phóng) suốt năm qua luôn được cập nhật và đánh bóng ồn ĩ, coi như sự kiện của điện ảnh nước nhà được rồi. Cũng phải thôi, đó là bộ phim ăn khách, doanh thu của nó đã làm người ta phải nhọc lòng suy nghĩ về đường hướng làm phim bây giờ và tới đây. Xét về khía cạnh ăn theo Gái nhảy, thì mô-típ số phận các cô gái nhảy trong Lọ Lem hè phố (tức Gái nhảy II) tiếp tục gây được tò mò nhờ đó lại thành công về doanh thu, ngoại trừ sự lỏng lẻo và có phần cẩu thả trong logic tình tiết, sự thiếu sáng tạo và nhàn lặp trong cách cường điệu tính cách nhân vật vẫn không được trau chuốt, rút kinh nghiệm từ Gái nhảy I.
Khởi chiếu tại Hà Nội từ 29 Tết, nhìn chung các buổi chiếu đều khá đông khách. Tại rạp Tháng Tám ngày 29 Tết có 4 buổi chiếu, thu 23 triệu 745.000đ, 30 Tết giảm buổi chiếu nên doanh thu giảm: 8 triệu 90.000đ, nhưng từ Mùng 1 Tết lại tăng dần: 18 triệu 340.000đ, Mùng 2 Tết: 40 triệu 370.000đ, Mùng 3 Tết: 55 triệu 505.000đ, Mùng 4 Tết 58 triệu 670.000đ... Rạp này đang hy vọng Lọ Lem kéo dài 1 tháng nữa, và cứ đà này doanh thu có thể đạt được như Gái nhảy: 1,5 tỷ. Tại Trung tâm chiếu bóng quốc gia "ma lực" của Lọ Lem không được như Gái nhảy nhưng vẫn là bộ phim nội ăn khách cùng với Yêu thực sự, Rock học trò của Mỹ. Trung bình 5-6 buổi chiếu/ngày (10h, 12h, 15h, 15h30, 20h, 20h30), cũng được gần kín phòng chiếu. Có nhiều lý do đưa ra để giải thích Lọ Lem đông khách: người ta tò mò xem Lọ Lem khác gì Gái nhảy, xem các cô gái chân dài đến đâu, tình tiết có gì mới lạ hơn không và ca sỹ Quang Dũng diễn xuất ra sao? Phản ứng của người xem chứng thực điều này: nhiều tiếng cười hơn là sự xúc động, sẻ chia với số phận những cô gái trong bóng tối, nhiều tiếng xuýt xoa "chân đẹp quá" hơn là tấm tắc với các đoạn thoại... Và không chỉ xem tình yêu lãng mạn giữa ca sỹ Khang Dũng (Quang Dũng) và cô cave Hoa (Mỹ Duyên) mà còn được thấy cả quảng cáo điện thoại di động, đồ lót thời trang... lồng vào phim!
Trong buổi ra mắt báo chí tại Hà Nội ngày 16/1, ông Lê Đức Tiến - GĐ Hãng phim Giải phóng tin tưởng "Lọ Lem hè phố sẽ vào mùa gặt hái bội thu". Chi phí sản xuất của Lọ Lem là 1 tỷ 550 triệu, in 22 bản chiếu trong dịp Tết tốn 450 triệu, chi phí quảng cáo ban đầu 150 triệu, ước tính Lọ Lem phải thu được 4,4 tỷ mới hoà vốn. Sáng Mùng 6, Hãng phim Giải phóng khai xuân, qua điện thoại giọng ông Thái Hoà, Phó GĐ Hãng hồ hởi "Phim thu được đến ngày hôm nay là 2,9 tỷ rồi, riêng TP.HCM thu 2 tỉ, còn 9 trăm triệu thuộc về Hà Nội và các tỉnh". Khán giả Hà Nội dĩ nhiên vẫn giữ được vẻ thận trọng và e dè vốn có. Không tạo được cơn sốt lớn như Gái nhảy, nhưng Lọ Lem vẫn là bộ phim nội thành công về mặt khán giả. Tháng 4/2004 Hãng phim Giải phóng tiếp tục phát hành bộ phim hài hước có chiều hướng ăn khách dành cho thiếu nhi U14 Đội bóng trong mơ. Và sáng Mùng 8 Tết đoàn làm phim Tiếng dương cầm trong mưa sẽ khai máy. "Ngôi sao" của đạo diễn Lê Hoàng: Minh Thư tiếp tục được đẩy qua phim này. Và một phát hiện cũng từ Lê Hoàng nữa là ca sĩ Quang Dũng đang được thương lượng tiếp tục tham gia Tiếng dương cầm trong mưa vì suy luận gương mặt của chàng ca sĩ Quy Nhơn này có thể tiếp tục ăn khách trong năm 2004