Những ngày Tết cũ

Lê Diệu Linh
(dieulinhle)

New Member
Những ngày Tết cũ

Hà Nội mùa nào cũng đẹp. Nhưng Hà Nội cái thời khắc giao mùa từ năm cũ sang năm mới đẹp ngỡ ngàng và tiếc nuối như người thiếu phụ lúc nào đó chợt giật mình nhớ lại những ngày tháng thanh xuân. Cái thời khắc ấy, guồng quay cuộc sống chậm lại, thong thả và thanh bình; lòng người mềm lại, lắng xuống cho thiên nhiên và hoài niệm ùa vào. Để rồi giật mình thấy trên những vòm cao hôm nào còn rực rỡ sắc lá đỏ mùa đông, nay đã bắt đầu những lộc non mơn mởn, tươi tắn như ngọn lửa mới khêu. Sắc lá đỏ da diết rụng về cội như còn chưa cháy hết một điều gì.

Tôi yêu những thời khắc chuyển mình trong lòng Hà Nội ấy từ tấm bé. Khi cái lạnh cuối đông bắt đầu bớt sắc nhọn và mưa bụi về lây rây ngoài phố, bao giờ trong tôi cũng dấy lên một mong đợi nào đó. Ngày thơ ấu, đó là nỗi mong đợi được thấy bánh chưng pháo đỏ, được lê la hết từ nhà này sang nhà khác, ngồi trên lòng người lớn, được lì xì và khen áo đẹp. Năm nào cũng thế, những chiếc áo mẹ tặng bao giờ cũng có sắc vàng rực rỡ mẹ yêu. Màu áo vàng là màu đặc biệt cho những ngày tết ấy. Áo vàng, nơ vàng, dép vàng,cứ như bông cúc nhỏ. Lớn lên tôi bắt đầu được chọn màu áo cho riêng mình, cái màu vàng ấy đã trở thành một thói quen khó dứt, sắc vàng gợi nhớ về những niềm hân hoan trong sáng ấu thơ.

Những ngày 30 Tết thường bận rộn đến lạ lùng. Từ sáng đến tối trong nhà sực nức mùi xào nấu, đường phố thật hối hả. Mẹ giao cho hai chị em quét cầu thang và sân thượng. Có lẽ trí tưởng tượng trẻ con đã khiến tôi cho rằng đó là một công việc rất thiêng liêng. Thế nào tôi cũng sẽ mất cả buổi sáng kì cạch bên cái cầu thang, săm soi như một bà lão khó tính tìm từng hạt bụi. Bạn đừng hỏi vì sao lại thế, chính tôi cũng không biết, chỉ biết rằng ngày bé, tôi luôn cho rằng cầu thang là nơi thú vị nhất trong nhà.
Chiều 30 Tết có cái gì đó xao xuyến kì lạ khi cùng bạn bè len lỏi qua những con phố nhỏ ngày thường vẫn xám xịt và hun hút tối, giờ đột nhiên sáng lên vì cờ và hoa, vì màu vôi mớí khập khiễng với cái cũ kĩ và ẩm mốc của khu phố cổ già nua, tựa hồ như cô gái lần đầu trang điểm chót son phấn quá tay. Cái điểm trang vội vàng và nông nổi ấy có cái gì tội nghiệp và day dứt cho đến giờ vẫn không quên được. Lác đác thềm nhà ai đã có xác pháo, hồng như một niềm vui đến sớm. Ngang qua chợ Châu Long đã vắng tanh vắng ngắt, mùi đất ẩm trong mưa, mùi mưa bụi, mùi hương, mùi khói bếp, mùi pháo dây pháo tép, mùi lá mùi thơm náo nức. Cái hỗn hợp mùi ấy gợi nên một nét yên ấm mà bây giờ không có nữa.

Chiều nay bắt gặp bức ảnh Hà Nội Tết; giữa ngổn ngang bài vở, tự nhiên thấy nhớ nhói lòng cái bình yên của phố và thong thả của những ngày Tết cũ, nhớ những cảm giác náo nức mong đợi một điều gì. Khi tiếng pháo giao thừa râm ran làm giật mình những đứa trẻ ngủ gật trước chương trình TV, mùa xuân sẽ ùa về từ mọi ngả, từ nồi bánh chưng bên cái cầu thang ám khói, từ những lọ ô mai trong cái tủ cũ kĩ của bà hàng xén bên đường, từ cái cười trẻ lại của bà lão khó tính hàng ngày vẫn uống rượu và chửi thề, từ dòng người hối hả lên chùa hái lộc. Và giữa cái nhốn nháo của phố phường ấy, đài nhà ai chợt vút lên " Em ơi mùa xuân đến rồi đó, xúc động lòng ta đến bồi hôi..."
 

Đính kèm

  • TetHN.jpg
    TetHN.jpg
    52.5 KB · Xem: 104
Chỉnh sửa lần cuối:
Chắc cô yellow phải cảm ơn bác MTH nhỉ :) Sao ở bên đó tham lắm nick thế
không biết nữa :p

Chẳng có bài mình viết góp vui với Linh. Tự nhiên lại nhớ đến truyện ngắn này mình giữ trong máy tính. Lời văn đơn giản và gọn gàng, mà cái cảm giác đau đáu của kẻ đi giữa hai đời sống, luôn quay trở về trên sợi dây hoài niệm cũ kỹ, cũng làm người đọc đau đáu nỗi xót xa.


Mùa Xuân Đi Giữa Hai Đời Sống



Ngày đầu của tháng 12, trời lạnh buốt của cơn bão nào
đó đang đi qua thành phố. Những giọt mưa lặng lẽ nhỏ
giọt. Buổi trưa trở về nhà, loay xoay bên cái sink,
chị chợt nghe thấy ngàn tiếng rào rào khe khẽ như
tiếng nước chẩy bên ngoài. Mưa đột nhiên lớn, có
phải? Chị nhìn qua khung cửa. Ô không, bầy chim sẻ
của chị đã trở về. Chúng đậu đen khắp các ngọn
cây trụi lá ở sân sau. Tiếng gọi nhau ríu rít, bồng
bềnh như sóng vỗ. Mùa đến, mùa đi, cuộc đời vẫn
quay đều bình thản, như bầy chim thân yêu âm thầm
dừng chân nơi thành phố này hằng năm chẳng đổi.
Tâm chị ở đâu nhỉ? - những tình cảm thân thương
bỗng một ngày trở thành xa lạ? - một gặp gỡ tình
cờ mà cõi lòng nhói đau? - một đời sống đôi khi
ấp tràn hạnh phúc mà lắm khi xót xa đến độ không
dám đối diện? Tháng 12, một năm lại sắp sửa đi qua.


Từ một lúc nào đó, những ngày cuối năm gây cho chị
nhiều nỗi xao xuyến buồn bã. Chị mang cảm giác của
người đi đóng lại những cánh cửa, từng cánh và
từng cánh, mỗi năm là khép lại một quá khứ - cái quá
khứ dù buồn dù vui thì cũng đã mất đi và không bao
giờ còn trở lại như câu danh ngôn: Người ta không
thể uống nước hai lần trên cùng một dòng sông.
Tháng 12 chỉ mới bắt đầu mà chị đã nhìn thấy quả
banh tròn tại Times Squares xuất hiẹn. Quả banh rơi xuống
cùng lúc với những con số được đếm hào hứng nhỏ
xuống dần: Bốn...Ba... Hai...Một... Tiếng pháo bông
nổ bùng, những đoá hoa lửa rực sáng, vạn tiếng reo
hò: " Happy New Year" . Trong căn nhà quen thuộc của gia
đình người bạn thân, chai champagne cũng bung ra tiếng reo
to, và mọi người cùng nâng ly chúc mừng lẫn nhau," Happy
New Year " . Ðã nhiều năm, chị và gia đình đón " giao
thừa Mỹ" như thế, trong không khí ấm cúng của bạn bè
cùng nỗi ngùi ngùi chưa bao giờ thoát khỏi trong chị.
Ngày mới đến Mỹ, nghe tiếng " Happy New Year" chị chỉ
muốn khóc. Mùa Xuân nào? Quê hương nào? Ngày tết
của Mỹ chỉ thu gọn trong đêm New Year Eve. Sang mùng một
năm mới, mọi người đổ xô đi mua hàng sale, chen chúc
trong các shopping center, đổi, trả, mua trữ quà cho...năm
tới. Và hết tết. Tết Mỹ đi qua không một âm vọng
nhường chỗ cho Tết Viẹt Nam sửa soạn bước đến.


Ðã 16 năm sống ở xứ người, dù bận rộn cách mấy,
mâm cơm cúng đêm giao thừa của chị cũng phải đầy đủ
những món chính: xôi vò chè đường, bát canh nấm
hương nhồi giò sống nấu cùng với bóng và các loại
rau, măng khô hầm chân giò và thịt gà/miến, chả giò,
cá kho, thịt kho trứng. Chỉ lạ là cúng ông Táo chị
lại hay quên. Hầu như năm nào cũng thế, chị chỉ nhớ
ra khi bạn bè hỏi đã tiễn ông Táo đêm qua chưa? Khi
chị tìm ra chân lý thì ông Táo đã chễm chẹ nhỏ to
cùng Ngọc Hoàng đâu đó nơi thiên đình mất rồi. Có
lẽ vì vậy mà ông Táo không vui với chị, gia đình chị
hầu như năm nào cũng có chuyẹn. Hết tiểu hao, đến
đại hao, chưa đủ, hai cái hao đó cùng hợp ca lại thành
món song hao. Và cuối năm, hai vợ chồng nhìn
nhau...hư hao. Anh lại chép miệng: Của đi thay người.
Thói quen có một mâm cơm đêm 30 đủ các món của chị
cũng là ảnh hưởng ở mẹ. Ngay từ ngày chị còn nhỏ
xíu, năm nào cũng thế, tối 28 tết, mẹ đã ngâm một
thau đậu xanh to tướng.



Sáng 29, con nhỏ ngồi lụi cụi đãi vỏ đậu cho mẹ.
Ðậu xanh phải nhặt thật sạch, không sót mảnh vỏ
nào.( Cái công việc tỷ mỷ con nhỏ đã thề mai mốt
lớn, có lỡ...lấy chồng, chồng đánh cũng không ngu mà
nấu xôi vò). Sau đó, đậu được " đồ" cho chín.


Ðang khi đậu chín còn nóng hổi, phải múc bỏ qua cối
đá giã lập tức. Chỉ cần vài ba chầy là đậu đã
nhừ và được vét bỏ vào cái khăn vải ẩm, vo thành
từng nắm tròn lớn để qua đêm. Sớm 30, mẹ " tải"
nếp (đã được ngâm từ đêm trước) ra từng rổ, rải
mỏng cho nếp mau ráo. Ðộ 2 tiếng sau, mẹ xắt đậu
xanh thật mỏng cho vào nếp. Chỉ một nửa số đậu
thôi. Rồi nếp, đậu xanh, một chút muối, vài lát
gừng, mỡ gà được mẹ xóc đều, bỏ vào " nồi chõ" ,
xôi lên. Ðộ chừng 10 phút, khi nếp còn nửa chín
nỏũa sống, mẹ đổ xôi ra cái chậu nhôm, con nhỏ
đứng bên cạnh quạt lấy quạt để trong khi mẹ vừa
đánh cho nếp tơi ra, vừa trộn hết phần đậu còn lại
vào. Xong xuôi, mẹ lại cho tất cả vào nồi, xôi thêm
lần nữa cho thật chín. Khi xôi đã chín, mẹ trút
từng ít ra cái rổ lớn, dùng tay vò cho những hột
nếp rời nhau, con bé vẫn ngồi bên cạnh mẹ, quạt...
phành phạch để xôi mau nguội, dễ tơi thành từng hạt.
Ðợi xôi nguội một chút, mẹ mới khẽ khàng đơm xôi
thành từng đĩa vun sau khi đã gắp bỏ ra ngoài những
lát gừng cùng những phần xôi bị " vón" . Ðây là cái
màn hấp dẫn nhất mà con bé chờ đợi. Những miếng
xôi vón dẻo còn âm ấm được con nhỏ nhanh tay " thầu"
ngay, cho vào khoảng một muỗng đường lớn, cứ thế con
nhỏ nhào bóp trong lòng tay cho đến khi những hột nếp
nát nhuyễn, trộn cùng vị đường ngọt lịm, deo dẻo
như...bánh dẻo, và cũng thường khi, đến giai đoạn
đó, xôi đã không còn mầu vàng mà trở nên...nâu nhờ
nhờ vì những chất vô danh còn sót trong lòng tay con
nhỏ, nhưng vì là tay...mình nên ăn, chao ơi là " đã" .


Món cá kho của mẹ thì lại càng tuyệt. Cá phải là cá
thu nướng, kẹp trong hai thanh tre dài.Dường như chỉ
chợ tết mới có loại cá đặc biẹt này. Mẹ cắt
từng khúc, kho cùng thịt ba chỉ, nước mắm, chút nước
mầu, một nhúm trà tầu, tiêu, nấu cho đến khi cá vừa
khô. Chỉ có thế mà sao ăn miếng cá thơm ngọt lạ
kỳ. Món thịt bò bắp của mẹ, cho đến bây giờ, chị
cũng chưa thấy ai làm giống như mẹ. Mẹ mua nguyên cái
phần bắp của con bò, ướp cùng nước mắm, chút ngũ
vị hương độ vài tiếng. Sau đó, mẹ dùng dây quấn
quanh cái bắp, bó thật chặt, cũng đem kho cho đến khi
cạn nước. Khi ăn, mẹ thái thành từng lát thật mỏng,
xếp miếng quanh nền đĩa men trắng. Mầu trắng của
chất men làm tôn lên cái sẫm nâu của khoanh thịt bò
với những vòng vân trong bóng của gân bò cộng với
mầu tím của những củ hành hương mà mẹ muối nén từ
cả hơn ba tuần trước, được đặt ở giữa trông
thật bắt mắt và đầy mỹ thuật. Mẹ gọi đó là món
thịt bò...hoa. Mẹ còn mua cả một cái đầu con heo
để làm giò thủ nữa. Chị vẫn còn phục những đòn
giò thủ bọc trong lá chuối xanh , mẹ gói bằng tay mà
chặt cứng, tròn vo như cái gối ôm của con nít. Ðòn
giò thủ được nẹp bằng hai thanh " đũa cả" hai bên
thật chặt cho chẩy bớt mỡ, sau chót, mẹ buộc hai
thanh đũa lại bằng sợi lạt và treo lủng lẳng trên sợi
dây kẽm chăng trong bếp khiến con bé mỗi khi ngang qua
lại càng mong cho sớm đến mùng một Tết.


Chiều 30, khi mâm cơm cúng tổ tiên xong xuôi, mẹ thay
áo dài thật đẹp, bắt bầy con và cả chồng nữa cũng
phải ăn mặc đàng hoàng, mẹ nhường cha châm ba nén
nhang cúng trước. Tới phiên mẹ, năm nào cũng thế,
nước mắt mẹ bắt đầu chẩy ra theo những nén nhang
vừa bén lửa. Mẹ nhìn thẳng vào hình cụ Nội mặc
áo dài khăn đống, trên ngực áo cụ là một hàng huy
chương, gương mặt cụ vuông vức uy nghiêm với chòm
râu dài bạc trắng, mẹ lầm thầm lôụi khấn nguyẹn
trong lúc những giọt lẹ mẹ vẫn lặng lẽ chẩy dài.
Con nhỏ bối rối nhìn mẹ khóc mỗi năm, vào đúng giờ
phút đó, mà không làm sao hiểu nổi tại sao mẹ lại
buồn, lại phải khóc như thế. Sau đó là đến lượt
những đứa con thắp nhang, theo thứ tự từ lớn đến
nhỏ. Có một năm, không ngăn nổi sự tò mò, con bé
đã kéo khẽ áo dài mẹ ngay sau khi bà cúng xong và đang
cắm cây nhang vào lư hương: " Mẹ ơi, tại sao mẹ khóc
vậy?" Bà quay laỉ nhìn con bé, mỉm cười dịu dàng
với ánh mắt buồn bã: " Mẹ không khóc đâu! Chỉ tại
khói nhang làm mẹ cay mắt thôi " . Câu trả lời của mẹ
đã đủ khiến con nhỏ yên tâm suốt một thời tuổi
thơ.


Thói quen đi lễ chùa đêm 30 của chị cũng chỉ là lập
lại những đêm giao thừa cũ với mẹ. Mỗi năm, sau khi
cúng và cơm nước dọn dẹp xong, cha sửa soạn đưa cả
nhà đi lễ Phật cùng xin xâm đầu năm. Dạo đầu, mẹ
hay xin xâm ở Lăng Ông, nhưng sau nhiều năm chiêm
nghiẹm, mẹ tin xâm ở đền thờ Ðức Thánh Trần đúng
hơn nên dù người có chật như nêm cối ở đây, mẹ
cũng ráng kiên nhẫn xếp hàng, đợi xin cho được quẻ
xâm mới yên tâm. Cũng chính mẹ daảy cho chị xin quẻ
xâm đầu đời năm chị 17 tuổi. " Ðừng cầm ống
thẻ thẳng đứng như mấy anh chàng kia. Cũng đừng
lắc xoành xoạch hùng hục như thế, có mà bao nhiêu thẻ
rớt chỏng cả ra ngoài. Con nghiêng ống thẻ đi một
chút. Lắc đều tay, không cần mạnh lắm. Khi thấy thẻ
bắt đầu đi lên, lúc ấy mới lắc mạnh tay hơn..."


Ðêm 30 của chị thơm ngát hương trầm, bâng khuâng theo
từng tuổi lớn. Ðêm 30 của chị còn là cảm giác xôn
xao khó tả khi nghe tiếng pháo rộn rã khắp nơi đúng
vào giây phút thiêng liêng của trời và đất, của năm
cũ đi qua nhường chỗ cho năm mới khởi đầu. Mùi
pháo thơm ngát không gian như mùi của quê hương chị mãi
mang theo cùng cuộc sống của mình, ngát hương...ngát
hương...


Mười sáu năm xa xứ, 15 lần chị thấy mình đi trở
về con đường cũ, lập lại đúng những hình ảnh chị
nhìn thấy ở mẹ trong những đêm 30 xa xưa, kể cả
những giọt nước mắt. Trái tim chị cứ thắt lại khi
đứng trước mâm cơm cúng ông bà mỗi năm, nước mắt
chị cũng lặng lẽ chẩy dài theo nén nhang vừa bén lửa,
tỏa hương thơm ngát. Bây giờ thì chị hiểu được
tại sao mẹ khóc. Cái quê hương theo những làn khói
nhang toả rộng, cứ nhoi nhói nơi phía ngực trái chị.
Cái quê hương chị thương yêu hết mực mà cách đây
hơn hai năm trở về thăm lại, cô em chồng hỏi: " Anh
chị có định trở về sống luôn không?" , chị đã trả
lời dứt khoát là không.



Chị yêu mảnh đất chị đã sanh ra, đã lớn lên. Yêu
từ mùi hơi đất ngai ngái khi đất gặp mưa, từ tiếng
rao bán hàng trưa hè lảnh lót, mùi khói xăng, hơi bụi
bậm...Tất cả đều đáng yêu, nhưng có điều gì vẫn
làm chị ngại ngùng mà chị biết chị không thể hoà
nhập được nữa. Cái bấp bênh của một xã hội?
Cái thay đổi kỳ lạ về tất cả mọi quan niẹm, mọi giá
trị về nhân bản, đạo đức? Chị mang cảm giác của
một người xa lạ ngay giữa quê hương mình và chị
biết, chị không thể về sống lại ở đó vĩnh viễn,
để rồi nơi đây, chị lại thấy mình vẫn cứ đi
trên một sợi dây đã cũ, những hoài niệm mỗi ngày
mỗi tăng theo thời gian. Nhưng biết đâu chừng, một
ngày nào đó, đối diện với chút nắng thoi thóp của
đời mình, chị lại chẳng muốn được làm chiếc lá
bay về cội cũ, chết dưới gốc cây mình đã được
tạo ra?Tháng 12. Tháng Giêng. Năm nay tết đến sớm,
cuối tháng Một dương lịch là Tết Viẹt Nam lại trở
về. Tôi lại sắp sửa đi đóng thêm một cánh cửa cho
đời mình. Mở ra một cánh cửa khác, có điều gì vui
chờ đợi không?


Chị chợt thấy mắt cay cay. Ðứa con gái nhỏ đứng
cạnh chị từ lúc nào. Nó vòng tay ôm cổ mẹ: Mẹ
ơi, sao mẹ khóc vậy? Chị nghe tiếng chị ( hay tiếng
của mẹ chị nhỉ?), Mẹ không khóc đâu. Chỉ tại khói
nhang làm cay mắt mẹ thôi. Nhưng ô hay, đã có nén
nhang nào được thắp và mùa xuân đã tới đâu?


Trầm Hương
Lấy từ www.dactrung.com
 
Vầng có khi em phải cám ơn bác đấy thật chị ạ :), cái bức ảnh này ám ảnh quá cơ. Cám ơn cả truyện ngắn của chị nữa, rất đặc trưng cho người xa xứ. Đọc truyện này tự nhiên nhớ đến dì em bên này, lễ lạt nào cũng lụi cụi nấu nướng rồi quát um mấy đứa cháu nhỏ nhỏ vì cứ đòi ăn hamburger :-s
 
Chi Hà Chi và Linh đang không ở Việt Nam .Em cũng như Linh ,lúc nào cũng thế ,cái tiết giao mùa làm lòng người ta ngơ ngẩn ,hoài niệm ,chợt nao nao ,nhưng ma kỳ lạ lắm ,không buồn,không rầu rĩ ủ dột mà thênh thang lắm.
Lúc đấy chỉ thấy nhớ ,cái gì cũng nhớ ,nhớ người cũ,nhớ chuyện cũ ,nhớ mình cũ ....
Hà Nội mấy hôm nay giao mùa .Hình như ở Hà Nội lâu lâu ,thuộc luôn cả tính đỏng đảnh của thời tiết.
Hà Nội bây giờ tháng 11,nắng hanh lắm .Mấy cô hàng hoa gánh cả mùa xuân trên khắp các phố.
Linh còn nhớ cái mùi ẩm ẩm của cây ,của đất hòa vào không khí .Sắp Tết rồi ...
 
Hà Nội đã lập đông,chẳng mấy nữa là đến Tết,ngắm bức ảnh của chị Linh mà thấy gợi lên bao nhiêu kỉ niệm của những mùa xa...
 
Tết hồi này chán phèo, chung qui vì không được đốt pháo. Và nhà ai cũng giàu có, ăn bánh chưng cả ngày thường, chả còn gì là háo hức nữa.

Anh nghĩ cấm đốt pháo là sai lầm. Cái bọn ngu mà hay nhồi lấy pháo bằng cách kẹp vào đùi thì chúng nó đã không còn cách nào sinh sản ra thế hệ sau để làm trò ngu đó nữa rồi. Vậy mà làm cho cả 1 thế hệ khôn sau này không biết pháo là cái gì cả, lãng phí quá.

Hồi xưa Tết là cả 1 sự thay đổi nhớn, thay đổi từ bo bo hoặc cơm trộn sắn sang bánh chưng thuần gạo nếp (đôi khi có thêm 1 tẹo thịt và cả đỗ xanh), từ đốt pháo giấu diếm thành ngang nhiên ngay trước cửa nhà mình, từ ngửa cổ xin tiền thành chổng mông cho người ta nhét 5 hào mừng tuổi vào đít. Vui vật

Bây giờ Tết đến hoặc ngỏng cổ lên xem nhà nước bắn pháo hoa, hoặc chen bẹp ruột lên Bờ Hồ để cho vỏ pháo hoa rơi vào đầu lấy may, hoặc cố gắng uống sữa Cô bé Hà lan cả năm để giao thừa cao thêm 2.3cm và hái được cành lộc mà bọn lùn xung quanh chịu chết đứng ngó... đúng là ngớ ngẩn.
 
Em biết có một người hay đón giao thừa bằng những bức tranh .Lặng lẽ với những mảng màu ,những xúc cảm thiêng liêng của năm mới .Không phải chen bẹp ruột ở đâu cả .sau đó đi chùa ,đi trong cái lây rây của mưa bụi :)
Thú vị lắm ah .
Đúng là Hà Nội giờ không có pháo ,kể cả trong đám cưới ,cũng chán hẳn đi.Nhưng đón nhận ,mỗi người một cách.Tùy tâm mà có được những xúc cảm khác nhau .:)
 
cái thread này lâu rồi , nhưng mà kệ , tại em mới tham gia vào diễn đàn mà , nên bây giờ lục lọi CLB đọc ngấu nghiến ...Eo bài Tết của chị Linh viết hay thế, các mạch ý nó nối với nhau rất tự nhiên nhá , em cũng thích mấy cái hình ảnh so sánh của chị nữa, các chi tiết , màu sắc trong bài cũng nhẹ nhàng, thong thả như cái không khí giao mùa chị tả... Mà chị giỏi nhỉ , nắm bắt được cảm xúc ở những cái khoảnh khắc đặc sắc như thế , em bao nhiêu lần những hôm Giáp Tết cũng thấy Hà Nội như thay áo mới và có 1 cái gì đấy rất bình yên, rất Hà Nội mà chẳng bao giờ chịu thật sự lắng nghe cảm xúc của mình , đọc bài chị viết, em như cũng thấy mình trong đó...Công nhận Tết không có pháo buồn thật, nhớ mùi khói pháo hăng hăng, thơm thơm , nhớ những quả pháo mặc giấy hồng hồng, cầm êm êm mềm ,nhớ xác pháo nằm hồng ắp cả những đường phố quanh co,nhớ những khi bọn trẻ con chúng em khi người lớn đốt pháo xong , thì lon ton , hí hửng chạy ra đua nhau tìm những quả pháo trong đấy còn xót thuốc pháo, rồi lột lớp vỏ pháo hồng ra, dốc thuốc pháo còn xót cứ thế thành 1 hàng dài, rồi châm lửa đốt, nó xì xì sáng loé kéo 1 vệt, trông đẹp và hay lắm, nhớ Tết cầm mấy cây hương châm lửa , đứng ở cầu thang đốt pháo tép lạch tạch, tay đốt pháo những lần đầu còn run run sợ, lúc vứt quả pháo tép quăng xa thì thấy hồi hộp, vui vui, những khi mấy anh em tụ tập lại không đủ tiền mua pháo tép , thì đi vơ 1 đống pháo dây hồng hồng , mềm oặt, đốt sáng 1 tí là hết , toàn cằm hơ hơ nguech ngoạc vẽ chữ nó cháy đen xì xì dưới đất, tự bao giờ pháo đã trở thành 1 cái gì đó rất rất đỗi gắn bó và mang hương Tết, bọn trẻ con bây giờ thiệt thòi đón Tết mà thiếu pháo , thấy mình may mắn quá...hihihi
 
Back
Bên trên