Chuyện bạn chưa biết về đường sắt Việt Nam...
TTC - Thực trạng
Hệ thống đường sắt nước ta đang khai thác có chiều dài trên 3.100km, tuy nhiên:
* Chỉ được 1 lần nâng cấp duy nhất vào năm 1976 sau hàng trăm năm được người Pháp đầu tư xây dựng với tiêu chuẩn kỹ thuật của thế kỷ 19!
* Chỉ có 210km (6,65%) đường sắt khổ 1,435 đạt tiêu chuẩn quốc tế; đường lồng, đường 3 ray là 311km (9,9%).
* Số đường sắt khổ cổ lỗ - 1m - có tới 2.579 km (83,2%). Trong đó có 188km đang trong tình trạng xuống cấp!
* Có tới 187.675m đường tàu "đặc biệt nguy hiểm", tỉ lệ tai nạn cực cao, trong đó tuyến Hà Nội - TP.HCM có tới 98.638m.
Toàn mạng đường sắt có 1.814 cầu lớn nhỏ, tuy nhiên:
* Từ năm 1995 trở lại đây, chỉ mới có 297 cầu được sửa chữa. Tuyến Bắc - Nam có 39 hầm từ 45 cho tới 75 tuổi, nhưng chưa được cải tạo nâng cấp lần nào.
* Hầu hết cầu cống đã qua 25-60 năm khai thác.
* Tà vẹt gỗ dùng trên 25 năm, 40% đầu máy là công suất nhỏ đã sử dụng trên 30 năm.
* Trong gần 1.000 toa xe khách thì gần 50% đã qua sử dụng trên 20 năm, 118 toa đã sử dụng trên 30 năm, số còn lại là trên 40 năm.
Trên toàn mạng đường sắt có 1.427 đường ngang trong diện quản lý và 4.047 đường dân sinh vượt qua đường sắt:
Trong đó đường dân sinh và đường ngang không có người gác chiếm tới 74%.
Chỉ trong năm 2004, tổng doanh thu của ngành đường sắt sơ sơ chỉ có 4.800 tỉ, tuy nhiên:
* Ở Việt nam chưa được áp dụng thiết bị để giám sát tốc độ tức thì của tàu, vì thiếu kinh phí!
* Hiện nay, phương tiện liên lạc duy nhất giữa trưởng tàu ở toa cuối và lái tàu ở toa đầu là bằng… chân! Tức là phải đi bộ qua tất cả các toa.
* Theo kết quả một cuộc khảo sát trên 65 lái tàu tốc hành Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Đà Nẵng do Trung tâm Y tế dự phòng đường sắt và bệnh viện Tâm thần Trung ương tiến hành: 100% lái tàu có vấn đề về tâm lý, 33% ưu tư trầm cảm, 37% có tính cách không ổn định, 8% có khí chất nóng nảy. Chỉ có 5% lái tàu có tính khí linh hoạt.
Bệnh lãng phí, phô trương hình thức
Đã từng có:
* 17 toa xe 2 tầng (thế hệ 2) được Liên hiệp Đường sắt VN quyết định đóng vội vã bằng tiền vay vốn tín dụng ưu đãi (200 tỉ đồng).
Xài thử thì hỡi ôi: trên tầng 2 không có giá để hàng, không có hệ thống thông gió nên rất bí hơi. Đã vậy sàn lại thấp chủm nên công nhân kiểm tu không thể chui vào để khám, phát hiện sự cố dưới gầm toa. Nếu trục hoặc vành bánh bị nứt vỡ thì bó tay luôn! Vì thế toa 2 tầng chỉ được lôi ra sử dụng dịp hội hè là chính…
* Đoàn tàu kéo đẩy (Bn và 2CV-PĐ-HC) được chế tạo bằng công nghệ… chắp vá, lạc hậu, chưa có thiết kế đã … thi c ô n g , gây lãng phí hàng chục tỉ đồng. Điều trớ trêu là hôm chạy thử để báo cáo thành tích, ông tổng đã mời Phó Thủ tướng "đi thử", khi đi về kiểm tra kỹ thuật đầu máy thì mới phát hiện tải trọng lớn hơn tiêu chuẩn cho phép, phải dỡ bỏ bớt thiết bị, sửa chữa bổ sung!
* 244 bộ thiết bị cảnh báo đường ngang tự động được lắp đặt vội vã, nằm trong tiểu dự án "Lựa chọn loại hình tín hiệu đường ngang cảnh báo tự động trên đường sắt VN" với số vốn 30 tỉ đồng.
Sử dụng chưa bao lâu thì 222 bộ đã "mát" tập thể: Khi không có tàu đến thì đèn nháy loạn xạ, chuông reo ầm ĩ, giọng nói ào ào phát ra; khi tàu ầm ầm chạy đến thì thiết bị câm như hến! Đã thế việc xác định địa điểm lắp đặt còn sai be bét: Những đường ngang chưa cần lắp thì lại lắp đặt trước, những nơi trọng điểm thì lại không lắp!
* Dự án lập trình phần mềm bán vé tự động tàu Thống Nhất gây lãng phí trên 1 tỉ đồng! Đưa vào sử dụng chưa quyết toán được thì mọi thiết bị đã bị liệt và… chập mạch: vé trùng nhiều chỗ, bỏ nhiều chỗ gây lộn xộn trên tàu, bán vé chiều lẻ và khi mở thêm các cửa bán vé thì mở không được!
* Đoàn tàu du lịch Thăng Long 1/2 chạy vành đai Hà Nội vào các ngày nghỉ gồm 8 toa xe, 426 chỗ ngồi.
Trước đây, năm 1990 -1991 hành trình này đã được tổ chức chạy nhưng thất bại nên bị bãi bỏ. Nhưng 10 năm sau - 2001, để khuếch trương thành tích chào mừng Đại hội Đảng, Thăng Long 1/2 được ra đời để "giẫm lại vết xe đổ"! Sau 18 tháng chạy với lèo tèo 30 khách/chuyến, Liên hiệp Đường sắt VN buộc phải dừng hoạt động con tàu này vì lỗ sặc gạch!
Tuổi trẻ cười