Đi Sapa tất nhiên ai cũng ghé qua Thác Bạc, Cầu Mây, vào làng Cát Cát, rồi ra cổng trời. Nhưng nói chung mấy địa điểm này chỉ dành cho những người đến Sapa để nghỉ dưỡng là chính, lấy việc loanh quanh thị trấn bé bằng mắt muỗi hết ra chợ nhìn nhìn ngó ngó thì đi bộ mấy chục phút hết cái làng Cát Cát nhỏ bằng nắm tay (đã thế lại là cái làng do người ta dựng lên, lùa 1 ít người dân tộc Mông vào ở theo kiểu tiền trao cháo múc, làng chẳng ra làng, không có ruộng nương, không làm ăn sinh hoạt, chẳng chăn trâu, thả lợn thả gà...chỉ có mấy em bán hàng sành sỏi ngồi trong mấy quán đồ lưu niệm chả khác gì quán nước của người Kinh...nói cung là ...chán!). Hết đó thì người ta bắt cuốc xe ôm đến Thác Bạc, của đáng tội bác nào ở trên kia bảo là nó bé tí chẳng hoành tráng thì tội cho nó quá. Thật lòng em thấy nó cũng xứng với cái tên của nó, ít nhất là hơn cái thác cùng tên ở Tam Đảo nhiều. Nhưng chỉ thế thôi, nhìn ngắm một tiếng là đủ chán, không có gì để tìm hiểu, thám hiểm cả, người ta xây lan can vịn tay bằng sắt đồng thời cũng là rào chắn khỏi mạo hiểm luôn. Còn cái vũng nhỏ ở trong ngách với một dòng nhánh của thác chảy vào thì nước lạnh như băng, giữa mùa hè mà nhúng chân vào đó thấy giật đùng đùng chứ không phải là rùng mình nữa -> nản.
Nếu chỉ đi Sapa theo kiểu đó thì chả ai việc gì phải hỏi kinh nghiệm. Nếu bạn thật lòng muốn tìm hiểu Sapa thì hãy làm tour trekking (đi bộ xuyên rừng) vào bản, ngủ đêm ở bản và thăm thú cảnh sống thực của người Mông, Dao, Dáy ra sao. Sẽ cực kỳ thú vị. Cái giá của nó không quá đắt so với những gì bạn được nếm trải. Chỉ cần mua tour ở chính khách sạn bạn ở, những khách sạn từ hạng trung ở Sapa trở lên đều có dịch vụ bán tour trekking cho khách du lịch. Bạn hãy chọn cung đường vừa với sức khỏe và khả năng tài chính của mình nhất., gần nhất và cũng rẻ nhất và ngắn ngày nhất có tour đi Tả Van hai ngày một đêm ngủ bản. Dài ngày hơn và đi xa hơn là tour Tả Phìn 3 ngày hai đêm ngủ bản. Thích hơn nữa là tour Tả Van - Tả Phìn kết hợp, bạn sẽ đi Xuyên từ Tả Van sang Tả Phìn 5 ngày 4 đêm sướng ngất người.
Đáng buồn là hầu như chẳng có khách Việt nào đi những tour này cả. Tôi và bạn trai của tôi đã lọt thỏm giữa một đoàn mười mấy Tây Balô đủ quốc tịch Pháp, Italia và Tây Ban Nha (buồn cười thật toàn mấy nước gần nhau). Thực ra đó là cả mấy đội của mấy khách sạn gộp vào vì đi cùng cung đường nên tất cả chúng tôi chẳng ai bảo ai tự nhập vào cho vui. Mỗi đội của mỗi khách sạn có một tourist guide người bản xứ, hầu hết là người Mông và là con gái, suốt quãng đường ngần ấy ngày chúng tôi chỉ gặp duy nhất một đoàn khách Hàn Quốc có anh hướng dẫn viên chắc là người Kinh (tội nghiệp anh chàng chẳng có đồng nghiệp nào cùng giới, dọc đường chỉ biết xì xồ với mấy ông khách Hàn nói tiếng Anh cực tệ. Còn các cô gái guider của chúng tôi thì ríu rít với nhau như chim bằng tiếng Mông của các cô và mỗi khi có khách nào hỏi han gì đó tất nhiên các cô nói tiếng Anh như gió. Tôi thấy khả năng nghe nói của các cô này rõ ràng là khá hơn chính tôi, nhưng tôi chẳng buồn lắm vì dù sao tôi cũng không phải là dân Ngoại ngữ, đi du lịch cùng một đoàn Tây mà không cần phải dùng ngôn ngữ bàn tay là khá lắm rồi.
Bọn tôi rong ruổi qua những vạt nương lúa đang ngậm sữa thơm ngát cả thung lũng, có chỗ lúa đã hươm vàng làm mấy vạt đồi như mặc áo hoa. Đầu tiên là đến Tả Van, đi xuyên qua rừng tre trúc nên con đường được gọi là đường tre Tả Van, chỉ có một lối mòn vừa một người đi kể cũng hơi lép nhép vì luôn ẩm ướt, phải hết sức cẩn thận nếu không muốn chụp ếch do đường rất trơn. Đi hết con đường tre, qua một sườn núi nữa thì mở ra một thung lũng đẹp mơ mộng nhấp nhô những đỉnh tam giác vắt vẻo mấy dải mây trắng như tơ sống. Tớ hỏi hướng dẫn viên của đội tớ là đấy có phải đỉnh Phanxipan không nhưng cô ấy chỉ tay ra tít đằng sau lưng cả đoàn đã bị che bởi mấy dãy núi nhấp nhô bọn tớ vừa mới vượt qua, bảo Phanxipan ở tận đấy cơ. Hóa ra đỉnh chóp cao lừng lững trước mặt vưỡn chả là gì vì nó không phải là nóc nhà Asian. Dù sao nó vẫn thật đẹp và gây cho chúng tôi cảm giác thèm muốn. Đành bằng lòng với việc chụp những tấm ảnh cùng nhau ở nút thắt của con đường tạo ra bởi hai quả núi đứng sát nhau ở cuối đường vô tình làm thành hai bức vách ngăn cách tầm nhìn của mắt để mở ra phía sau đó là những đỉnh nhấp nhô xanh mờ vì bị mây bao bọc, sườn núi lốm đốm những vạt nương uốn lượn đủ kiểu màu chuyển từ xanh ngắt đến vàng hươm, đẹp không bút nào tả xiết. Cứ luyến tiếc mãi nhưng phải đi tiếp vì chặng đường còn xa, đến được bản đầu tiên thì còn đi lâu lắm.
Bọn tôi lại đi hết vạt nương này sang vạt nương khác, qua bãi đá cổ, qua cả con suối hiền lành có một cái vũng sâu và trong leo lẻo, bọn đàn ông thi nhau tụt áo nhảy xuống bơi ào ào và té nước trêu các cô hướng dẫn viên người Mông nhí nhảnh. Nhưng không cô gái nào bắt chước bọn họ, tất cả đều le lưỡi vì nước lạnh thấu xương dù đang là mùa hè. Ha ha hóa ra bọn con gái người nước ngoài cũng chả bạo dạn hơn gì mình. Tôi cứ tiếc mãi vì không chụp được ảnh bãi đá cổ Sapa.
Đi ào ào và chỉ dừng khoảng một tiếng để nghỉ và ăn trưa, vậy mà từ sáng đến tận 4h chiều bọn tôi mới đến được bản đầu tiên trong chuyến thăm thú. Đấy là bản của người Dáy, họ ăn mặc hơi giống người Dao, lại pha người Thái, nhà họ rất sạch sẽ lợp mái ngói và nền đất nện (đấy là đội chúng tôi ở nhà vào loại giàu có vào hạng nhất nhì bản) còn các nhà khác vẫn lợp mái lá hoặc mái bằng gỗ xẻ ra như tấm ngói nhưng to gấp 3-4 lần). Nếu bạn đi trên con đường vòng vèo bằng đất trong bản sẽ gặp thường xuyên những chuồng trâu làm bằng gỗ có những con trâu béo mập hiền lành, đặc biệt rất nhiều con (có lẽ đến 30% chúng) là trâu trắng. Bình thường lúc nằm trong chuồng nhai lại cỏ trông chúng hiền lành hết cỡ vậy mà khi bạn gặp phải chúng được thả ngoài nương thì khôn hồn đi cho mau xa ra khỏi chúng và đừng có nhìn, chúng nó phì mũi, ngoắc sừng và sầm sập lao đến chỗ bạn từ xa để cảnh cáo là đừng có lại đây trêu bọn này, khiếp lắm, mà bọn trâu ở Sapa con nào con nấy to vật vã chứ không nhỏ con như trâu dưới đồng bằng.
Bạn sẽ rất ngạc nhiên thấy hệ thống dẫn nước hết sức tự nhiên của người dân bản xứ: đó chính là dòng suối chảy ngang qua bản được bà con bắt ra một nhánh nhỏ cho chảy tự nhiên về bản chạy len lỏi qua hết nhà này sang nhà khác dẫn nước cho tất cả, thật là nước trời cho, chả cần mua, không cần sở nào đến lắp dồng hồ đào đường đặt ống nước cả. Nhà nào tiện thì thậm chí còn đắp một con đập be bé tạo ra một cái vũng nhỏ trở thành chỗ giặt giũ, rửa ráy, và nhất là để nuôi vịt hay là ngan cũng không rõ nữa, trông chúng nó rõ ràng là vịt bầu, nhưng mà to đến mức không tin được. Tôi nghĩ cả đoàn mười người chúng tôi mà ăn cũng chỉ cần thịt một con.
Khắp nơi trong bản vang lên tiếng rền rền của dòng suối, thi thoảng đây đó có tiếng thình thình đều đặn của một cái cối giã gạo nào đó chậm rãi làm công việc của mình (ở đây người ta tận dụng dòng suối để lẩy sức nước giã gạo luôn). Tôi cứ tự hỏi chả hiểu có bao giờ gạo trong cối bị ăn trộm không, vì làm gì có người canh những cái cối đó? Nước cứ đều đều chảy qua và làm việc nện cối, rất chậm rãi và khoan thai. Người trong bản đi làm, ban ngày lang thang trong bản bạn chẳng mấy khi gặp được người nào. Chiều tối mới thấy khói bếp lan ra khắp nơi cộng với mùi khói thơm nói với bạn rằng đó là cuộc sống. Bạn sẽ cùng với cả đội của mình thưởng thức những món ăn được nấu bằng bếp củi có mùi ám khói ngon tuyệt vời đối với cái dạ dày chỉ chực nhảy lên đớp lấy thức ăn của bạn. Chúng tôi có ba đội của ba khách sạn khác nhau với ba quốc tịch: Pháp, Ý và Việt Nam ở cùng một nhà, thế là cả bọn ghép bàn lại cùng ăn uống vui vẻ, nói chuyện phiếm và đội của chúng tôi, của khách sạn Đặng Trung gồm có một đôi vợ chồng trẻ người Pháp, tôi và bạn trai tôi được khen là Best team vì toàn những bộ giò khỏe, đi nhanh và dai sức nhất (ha ha đơn giản vì đội chúng tôi toàn người trẻ và không béo phục phịch như hai đội còn lại, thế thôi).
Sau bữa tối, bạn chắc chắn sẽ được mời chơi bài (những người bạn nước ngoài của bạn chắc chắn là những người lịch sự và thích vui vẻ, hơn nữa tôi nghĩ có lẽ chơi bài là lựa chọn tiêu khiển phổ biến của khách du lịch hay sao ấy, bằng chứng là nhà chủ đã tích sẵn mấy cỗ bài và khách vừa ăn cơm xong, dọn bàn sạch sẽ là họ đưa ra cho khách luôn. Nếu bạn không giỏi chơi bài cũng chẳng vấn đề gì, những người bạn đi cùng sẵn sàng dạy bạn, tôi và bạn trai còn học được một kiểu chơi bài hoàn toàn mới để về nhà dạy lại bạn bè. Cuộc sống không internet, không điện thoại té ra chẳng hề nhàm chán khi cả ngày bạn đã lội bộ quãng đường ngót nghét chục cây số, bạn sẽ buồn ngủ díp mắt chỉ sau chục ván bài. Giường không được êm, chiếu không được sạch chẳng là vấn đề (sự thực là bạn được người nhà chủ dẫn lên gác, ở đó xếp những tấm đệm đủ cho một người nằm lần lượt cạnh nhau từ đầu đến cuối phòng, mỗi người một cái gối và một tấm chăn bông, đúng là không thơm tho lắm nhưng chúng tôi vẫn ngủ như chết). Sáng ra bạn sẽ quên mất là hôm qua mình đã bị đau nhức hết cả bắp và mấy đầu ngón chân, buổi sáng cực kỳ trong lành cũng có mùi khói bếp thoang thoảng nhưng nó vẫn khác hẳn mùi khói buổi chiều. Bạn sẽ thèm đi ra suối, chẳng xa lắm chỉ chục phút đi bộ đến cuối bản, bờ suối với những phiến đá nằm ngồi lổm ngổm đang chờ bạn ra trèo lên chúng và tận hưởng tiếng ầm ào xen lẫn róc rách, dùng một vốc nước ấy để làm tỉnh ngủ sẽ cực kỳ hiệu nghiệm. Rồi bạn lại trở về ăn sáng cùng các bạn trong đoàn và lại cùng nhau tiếp tục lên đường, có thể sẽ chia tay với vài người bạn mới quen vì họ sẽ đi con đường khác bạn nếu hành trình của họ là ngắn hơn.
Nhưng mà kể đến đây thì tay mỏi dừ rồi. Nhớ Sapa quá nên gõ liền tù tì một mạch đến nỗi cứng đờ cả mấy ngón tay. Oài không tưởng tượng nổi mình đã nói nhiều đến thế. Thôi vậy nhé, các chỗ khác thì để mọi người tự đi và tự cảm nhận, kẻo mình nói nhiều quá thì còn gì mà khám phá. Chỉ cần sức khỏe cộng với niềm ham mê khám phá, thêm một chút tiền (mua tour của khách sạn Đặng Trung 200k/người/1 ngày 1 đêm, 5 ngày chơi đã đời hết 1 tê, không phải quá đắt đúng không). Đi đi rồi về kể chuyện Sapa để người khác thấy ham. Chúc đi vui vẻ.