[Nhân Vật] Võ sư Ngô Sỹ Quý

Trần Thế Phong
(darkglory)

New Member
Nghiêm Vịnh Xuân...

Hà Nội đầu những năm 40. Trên bãi đất rộng, người xem đứng quây thành vòng tròn. Bên trong một gánh mãi võ đang biểu diễn. Vị sư phụ to lớn vung tay ném phi tiêu vào tấm bia cách xa mười bước chân. Các mũi tên nhỏ chen chúc cắm vào hồng tâm, quả là giỏi! Bỗng từ đám người xem một thanh niên mảnh dẻ bước ra, hỏi nếu kéo tấm bia xa thêm mấy bước có ném trúng không. Nhà trò không dám nhận. Nên biết, công phu phóng phi tiêu ở mức độ thông thường người ta chỉ luyện ném trúng trong một khoảng cách cố định. Dù thay đổi khoảng cách dù gần lại hoặc xa ra một hai bước chân đã là khó mà ném chính xác. "Vậy để tôi thử xem" – Thanh niên đó kẹp nắm phi tiêu nghiêng người phất tay áo phóng ra. Các mũi tên không ăn ngay vào hồng tâm mà lần lượt trúng từ vòng ngoài, dần vào các vòng trong, riêng mũi cuối cùng trúng vào chính giữa! Cả gánh võ lẫn người xem đều sững sờ. Tuy đây chỉ là tiểu công phu nhưng để đạt đến độ chính xác cao như vậy không phải ai cũng có thể làm được. Những tràng pháo tay rào rào thán phục, người thanh niên hơi tủm tỉm cười bước đi. Người đó sau này là một chiến sỹ cách mạng nổi tiếng trong giới võ thuật về môn quyền thuật Vĩnh Xuân. Tên ông là Ngô Sỹ Quý.

Sinh ra trong một dòng họ khoa bảng (ông nội là tiến sĩ) nhưng anh thanh niên Quý không ham nghiệp bút nghiên. Người có chữ sống trong thời bảo hộ vinh ít nhục nhiều. Tuy vậy anh vẫn mang trong mình dòng máu nghệ sĩ. Anh yêu thiên nhiên, đam mê âm nhạc và là một cây violon được nhiều người biết tới ở Hà Nội. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng học nhạc dưới sự hướng dẫn của thầy Quý ở khu học xa Quế Lâm (Trung Quốc), nhưng đó là chuyện sau này.

Âm nhạc, nói theo ngôn ngữ huyền học, đã mang đến cho anh Quý một nhân duyên. Khoảng cuối năm 1939 anh quen một thanh niên người Hoa tên Cam Túc Cường. Cường cũng là người mê âm nhạc và đang học sáng tác. Tuổi còn trẻ (anh Quý cỡ 16-17, Cường cỡ 18-20), lại chung một đam mê nên họ nhanh chóng thân nhau. Cường đưa anh Quý về nhà giới thiệu với thày dạy võ kiêm quản gia của gia đình là ông Nguyễn Tế Công.

Trong buổi gặp đầu tiên ông Tế Công múa một đoạn bài "Thủ đầu quyền" rồi yêu cầu anh Quý múa lại. Anh Quý múa lại được. Ông Công nhận lời dạy và nói riêng với Cường: "Quý nó học được đấy, cậu chủ à !". Ý tứ của câu nói đó có lẽ chỉ có mình Cường hiểu. Thời gian anh Quý học dưới sự truyền thụ trực tiếp của ông Công không nhiều, quãng ba năm: bao gồm quyền thuật, vũ khí và chiến đấu trên ngựa. Nhưng anh có may mắn được luyện thường xuyên với Cam Túc Cường. Đây chính là thời gian quyết định vì võ thuật của Cường rất cao và anh ta được coi là học trò số một của Nguyễn Tế Công. Sau này nhân một lần nói chuyện với học trò, bác Quý đánh giá: "Bấy giờ, về kỹ thuật tôi không thua anh ta bao nhiêu nhưng về nội lực thì kém khá xa...". Có những thời kì tập lực người luyện phải kiêng ăn một số thứ, kiêng làm một số việc trong vòng 100 ngày.

Ông Tế Công sống ẩn mình không mưu sinh bằng nghề dạy võ nên rất hạn chế nhận học trò. Những phương pháp luyện tập bí truyền không thể truyền thụ cho người ngoài một cách tuỳ tiện. Bằng khả năng mẫn cảm và khái quát bẩm sinh, anh Quý đã thực hiện xuất sắc các bài học, tới mức dường như phần nào tác động tới quan điểm dạy võ của ông Tế Công. Khi ấy anh mới chỉ biết mình đang học "võ Tàu", vì theo giới luật của môn phái tên gọi của môn phái được giữ kín.
Đầu năm 1945, cả dân tộc bưng bừng trong cơn bão cách mạng đang tới, anh Quý bắt đầu tham gia các hoạt động đoàn thể. Quan hệ giữa anh và Cường có dấu hiệu rạn nứt. Thương gia người Tàu vốn ưa ổn định để làm ăn, không thích dính dáng đến chính trị. Gia đình Cường dự định chuyển địa bàn làm ăn vào miền Nam. Ông Tế Công có sai học trò đến nhắn anh Quý cùng theo vào trong đó. Anh khẳng khái từ chối. Theo chuẩn mực của người tập võ thời bấy giờ thì lời từ chối này đồng nghĩa với lời vĩnh biệt.

"Rồi cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến trường kỳ" như một nhà thơ đã viết. Anh Quý là tự vệ thành chiến đấu bảo vệ thủ đô. Sau khi rút khỏi Hà Nội anh tham gia hoạt động ở vùng Nam Định, Ninh Bình. Đầu năm 1950, anh cùng đoàn thiếu sinh quân Việt Nam đầu tiên sang khu học xá Quế Lâm và làm giáo viên âm nhạc. Vào những kì nghỉ, bạn cho giáo viên và học sinh đi tham quan một số trung tâm võ thuật lớn tại Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải. Một trong những lần đó, anh phát hiện môn võ mình ngẫu nhiên học đang được đánh giá rất cao ở Trung Quốc có tên là Vĩnh Xuân Quyền. Đó là món "đặc sản" lúc bấy giờ người ta muốn giữ kín vì tích chất đặc biệt của nó.

Khoảng năm 1955-1956 anh Quý về nước, chuyển sang công tác ngành giáo dục để có nhiều thời gian nghiên cứu võ thuật. Anh suy luận, mình không phải là học trò người Việt duy nhất được học thày Tế Công, vậy phải đi tìm những vết tích của thày lưu lại miền Bắc. Dò hỏi mãi mới biết võ sư Tiển là người có võ thuật cao đang mở lò dạy võ, anh tìm đến xin học. Thấy anh tỏ vẻ rụt rè, võ sư Tiển động viên "Người anh gầy nhỏ học cái này tốt lắm. Nào, thử vào tay với tôi một lúc..." Dạo qua vài đường ông Tiển hỏi ngay "Anh đã học môn này bao giờ chưa ?", anh Quý đáp chưa. Lại nói "Vậy thì lạ. Lối tay của anh rất giống lối tay của thày tôi". Anh Quý hỏi người thày đó là ai? – "Ông Tế Công". Thế là nhận ra nhau, ông Tiển lập tức sai người trả lại tiền học phí: "Chúng ta là huynh đệ tôi không dám là thầy của bác".

Sau một thời gian dài nghiên cứu, đến năm 1969 bác Ngô Sỹ Quý đã khôi phục lại hệ thống chiến đấu 108 và các bài quyền Vĩnh Xuân mang sắc thái sáng tạo của người Việt. Tại sao lâu vậy ? Vì lúc bấy giờ đất nước còn chiến tranh không có môi trường thuận lợi cho võ môn phát triển. Khi đã hoàn thiện kiến thức bác Quý mới dạy những học trò đầu tiên.

Năm 1976 tại hội nghị võ thuật toàn quốc do Bộ giáo dục tổ chức, bác Quý đọc bài phát biểu: "Kết hợp thể dục hiện đại có chọn lọc với các hình thức vận động cổ truyền để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện". Bắt đầu từ thời gian này bác dành toàn bộ công sức và trí tuệ để đào tạo các thế hệ học trò, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về vận động. Phương pháp vận động này đã đem lại cho những người luyện tập nghiệp dư khả năng vận động liên tục và bền bỉ, độ thư dãn và nhạy cảm cao mà nhiều vận động viên chuyên nghiệp không có được.
Nếu hiểu từ "võ" một cách toàn diện thì nó không chỉ là những bài quyền đẹp mắt hoặc phần đấu đối kháng với nhiều qui tắc hạn chế các miếng đánh nguy hiểm. Võ trước hết là hình thức vận động kết hợp hài hòa giữa tính thẩm mỹ (nghệ thuật) và tính chiến đấu (hiệu quả). Người giỏi võ chân chính còn là người có tinh thần thượng võ và thấm nhuần cái "đạo" của võ.

Thời trẻ bác Quý là một thanh niên cương cường và kiêu hãnh. Bác từng bảo học trò: "Các chú phải nhớ trên đầu mình không có gì ngoài chính nghĩa!". Đấy là lối nói của người có võ cách.

Khi còn dạy ở khu học xa Quế Lâm, trong lớp của bác Quý có một học sinh dân tộc rất ngỗ nghịch. Anh này buổi tối đi chơi, ban ngày ở nhà ngủ không chịu lên lớp. Giáo viên ai cũng ngại vì anh này là đối tượng chính sách, bản tính hung hăng lại giỏi võ. Sở trường của anh ta là phép đánh địa đạo rất lợi hại. Bác Quý góp ý, anh ta giở cái lý của người dân tộc: "Nếu đánh thắng được tôi thì bảo gì tôi mới nghe". Hào khí nổi lên, bác Quý nhận lời.
Bác Quý vốn quen dùng dao quai, nhưng hôm nay bác sử dụng gậy - tương tự như cây côn tề mi. Qua lại vài thế, anh kia liền hạ địa, một tay xoa khiên đỡ các đòn bên trên, tay còn lại vung đao lăn vào chém vào chân đối phương. Bác Quý nhận định rất nhanh: phép đánh này tuy lợi hại nhưng có một điểm yếu là giống cách đi của con rùa. Rùa muốn làm gì phải thò cổ ra ngoài, lại không thể hất được vật trên lưng mình xuống. Vút một cái bác nhảy đứng đè lên khiên của đối phương đang xoa là là mặt đất. Cây gậy trong tay bác như một con rắn lớn vụt, mổ, chọc đẩy. Đối phương hễ thò đầu hoặc chân tay ra là bị dính đòn. Trước lối đánh táo bạo và quả cảm đó "con rùa" đã phải rụt hết vào trong mai và chịu thua.

Cuộc đời của một võ sư vốn nhiều chuyện ly kì hấp dẫn. Nhưng nếu nói về quan niệm sống và giáo dục của bác Quý thì chỉ gói gọn trong hai chữ "làm chủ". Con người vốn khó nhất là làm chủ lấy bản thân. Bác Quý chủ trương đạt được điều đó thông qua luyện tập. Trong khi rèn luyện võ thuật, người ta đồng thời tu thân, sửa mình, trau dồi bản lĩnh. Một người không có bản lĩnh giải quyết được các mâu thuẫn cá nhân thì không mong gì giải quyết được các mâu thuẫn cuộc đời. Với học thuật, bác đề cao sự trung thực, kịch liệt phê phán lối giáo dục theo đuôi. Sùng ngoại hay bài ngoại đều bất cập, phải có dũng khí của người tử vì đạo để hoàn thiện tri thức. Bác quan niệm sự hiểu biết cũng là một mặt của hạnh phúc. Tuy không phải người am hiểu cổ học nhưng bác Quý thường nhắc học trò hai chữ. Thứ nhất là thận (trong chữ thận trọng). Thận trọng trong lời nói và việc làm thì khi hành động sẽ đỡ sai. Thận trọng nhìn nhận ra con người để khuyên răn người ta cho phải và lúc luyện tập đánh người cho đúng lối. Kiến thức cổ á đông vốn rất cô đọng, người thận trọng mới đi được đến nơi, không lấy thừa mà cũng không bỏ sót...
Thứ hai là chữ thiện (trong chữ thiện của nhà Phật). Làm việc thiện thì thường khó, lâu, cá nhân lại hay bị thiệt. Làm việc ác thì thường dễ, nhanh, cá nhân thường lợi. Nói thiện bao giờ cũng thắng ác lá nói theo nhân quả, chưa hẳn đã thuyết phục được người nghe. Nhưng có điều chắc chắn là người đời thường chỉ nhớ người thiện, không mấy nhớ kẻ ác.

Trong suốt cuộc đời của một võ sư, chưa bao giờ bác Quý coi võ là nghề nghiệp. Nếu nói là thú chơi thôi thì cũng không phải. Một nhà thơ đã nói: Chỉ để chơi thôi thì cả một cuộc đời cũng không đủ. Đối với bác Quý võ với đời là một. Bác đặc biệt chú ý phần ứng dụng học thuật vào cuộc sống. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từng có thời gian luyện tập dưới sự hướng dẫn của võ sư Ngô Sỹ Quý. Bác sĩ rất tâm đắc nguyên tắc: "mềm là tối đa, cứng là tối thiểu", coi đó như là một tinh hoa của vận động và ứng xử trong cuộc sống. Ngày võ sư Ngô Sỹ Quý từ trần cũng là ngày bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vật lộn trên giường bệnh trong cuộc đấu cuối cùng với thần chết. Ông nhờ con: "...Vào thắp hương... Thay cha lạy thày một lạy..." Phải chăng giờ này nơi thế giới bên kia hai ngươi bạn già - thày trò - có dịp cùng nhau đi những đường quyền trong gió lạnh ?

Võ sư Ngô Sỹ Quý đã đi vào mùa xuân vĩnh viễn như tên gọi của võ phái mà ông đã dành cả cuộc đời học tập, nghiên cứu và truyền bá. Nếu có kiếp sau thì hẳn ông đang là đám mây phiêu du muôn nẻo như tâm hồn phóng khoáng và nhân hậu của ông còn ở lại với đời.

(Trích Tiền phong chủ nhật)
*Tác giả bài viết là nhà báo Trần Hữu Việt, đệ tử của võ sư Ngô Sỹ Quý
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên