Chu Anh Duy đã viết:
ôi ... ngượng quá ... thôi thì không post nữa vậy
... đang định đưa lên truyện mới
..... xin lỗi mọi người vì đã post quá nhiều ...
bye
(
Có ai trách em post quá nhiều đâu... Cũng tại những người khác post quá ít đấy chứ!
Định đợi đến khi nào rỗi mới vào viết, nhưng chẳng biết bao giờ mới rỗi nên cứ nhảy vào viết bừa vài chữ
.
Chị không được học nhiều mỹ thuật ở VN, lại càng học ít hơn ở nước ngoài, nhưng cũng xin mạo muội làm thầy bói xem voi. Có gì thiếu sót, rất mong mọi người "chỉnh" giúp
.
Trước hết, mình xác định lại cái ranh giới
Việt Nam và
nước ngoài cái nhể. Nếu như so sánh việc đào tạo mỹ thuật ở VN & các nước châu Á lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì sự khác biệt có lẽ không lớn lắm. Nhưng có lẽ những khác biệt sâu xa hơn chủ yếu tồn tại giữa Mỹ thuật phương Tây và mỹ thuật phương Đông. Ở đây xin phép cả nhà cho mình thu hẹp cái phạm vi "nước ngoài" ở các nước phương Tây.
Còn nhớ lúc bé, khi bắt đầu tập toẹ cầm bút vẽ, thỉnh thoảng được mọi người khen: "Vẽ đẹp nhỉ, cứ như thật ấy!" Những lời khen ấy vô hình chung đã tạo cho mình một quan niệm thẩm mỹ khó xê dịch: giống thật mới là đẹp!!! Và có lẽ mình không phải là người duy nhất chịu ảnh hưởng của tư tưởng "lệch lạc" ấy. Ở Việt Nam và một số nước phương Đông, cái đẹp thường được đánh giá dựa trên những khuôn mẫu và ước lệ.
Chẳng thế mà vở mỹ thuật của trẻ con mẫu giáo & tiểu học luôn có những phần vẽ, tô màu, cắt hay xé dán
theo mẫu hay
trang trí, và những bài mỹ thuật theo chủ đề thường thiên về xu hướng
tả thực, chứ hãn hữu lắm mới có một bài "vẽ theo đề tài tự do". Và theo cách đánh giá của các thầy cô mẫu giáo hay tiểu học thì những bài làm đẹp, được điểm cao là những bài cắt hình vuông thật vuông, hình tròn thật tròn, tô màu đường nét thật ngay ngắn, và tả thực thật giống thật (hoặc giống mẫu).
Thế nên đa số trẻ con khi vẽ nhà thì đều vẽ một hình tam giác úp lên trên hình vuông, và bên trong là mấy hinh vuông, hình chữ nhật bé hơn tượng trưng cho cửa sổ và cửa ra vào; và khi vẽ ông mặt trời thì bao giờ cũng là một hình tròn với các đoạn thẳng toé ra xung quanh. Sự "sáng tạo" của các "họa sĩ" có chăng được thể hiện ở số hình vuông, hình chữ nhật nhỏ trong mỗi hình vuông to, hay độ dài ngắn của các "tia nắng mặt trời".
Sách tập vẽ lớp 2 có một bài "vẽ cây đu đủ". Để hoàn thành bài tập, mình đã phải cất công tìm một nhà hàng xóm trong vườn trồng đu đủ và ngồi vẽ hì hục suốt một buổi chiều. Kết quả cây đu đủ của mình bị cô giáo cho điểm 6, với nhận xét: "Sao em lại vẽ lá to thế này? Còn quả sao lại đỏ chót như thế? Trong vở có mẫu cây đu đủ đẹp thế kia, sao không biết đường nhìn đấy mà học tập?" Trong khi đó, thằng bạn ngồi cùng bàn lĩnh trọn điểm 10 đơn giản bằng cách căn-ke cây đu đủ từ sách sinh học của anh nó. Giống y như thật. Điểm 10 dành cho sự khéo tay và tỉ mỉ.
Sau này khi đi học vẽ đầu lâu và chai lọ để luyện thi kiến trúc, bài học đầu tiên và duy nhất nhận được từ ông thầy là làm thế nào để dựng và đánh màu khối lập phương một cách chính xác (là bài học đầu tiên vì cả tháng đầu, thầy chỉ ngồi đợi học trò vẽ xong rồi sửa những chỗ mà thầy cho là sai, và là duy nhất vì mình quyết định bỏ học ngay sau đó). Theo thầy, khi đã thành "thợ vẽ", người ta sẽ không cần nhìn vào vật mẫu mà vẫn biết được chính xác độ dài tương quan của các cạnh, độ mở của các góc, và độ sáng tối của các mặt. "Khi vào phòng thi, các cô cậu không phải vẽ bằng những gì mình nhìn thấy, mà chủ yếu dựa vào những gì mà các cô cậu biết về đối tượng mình đang vẽ, cụ thể ở đây là những tính chất của khối lập phương trong không gian ba chiều."
Được biết ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hiện vẫn còn những "lò" dạy mỹ thuật tương tự như ở Việt Nam. Những sinh viên được tuyển vào những trường mỹ thuật hàng đầu là những người có kĩ năng vẽ đầu lâu giống như ảnh chụp, hoặc chép tranh hệt như photocopy.
Trong khi đó, bài học nhập môn của lớp studio art của mình ở Mỹ là về các hình tròn. Học trò dùng những mẩu gỗ nhỏ hình trụ giống như nút chai rượu vang, chấm vào mực và in lên giấy một cách tùy ý. Sau đó các "tác phẩm" được trưng bày, và thầy trò cùng bình phẩm, phân tích về những tác động trực giác (visual effects) và tác động xúc cảm (emotional effects) khác nhau mà số lượng và vị trí tương quan khác nhau giữa các chấm tròn ấy đem lại. Chẳng hạn, nhiều chấm tròn tụ lại với nhau, chiếm phần lớn bề mặt trang giấy tạo cảm giác nặng nề, căng thẳng; một hình tròn nhỏ giữa một trang giấy trắng rộng tạo cảm giác chơi vơi, đơn lẻ, v.v... Dựa vào đó, học trò dùng các hình tròn bằng nhiều chất liệu, kích cỡ, màu sắc... khác nhau để diễn tả các trạng thái & cảm xúc khác nhau: light, darkness, weight, anger, harmony, loneliness, fear, love, joy, etc... để rồi sau đó áp dụng vào các tác phẩm cụ thể. Thậm chí, giáo viên còn thưởng điểm cho những ai có thể dùng những hình tròn ấy để xây dựng nên một câu chuyện bằng hình ảnh, mà người xem không nhất thiết phải interprete nó một cách như nhau.
Trong quá trình của khóa học, người học tìm hiểu thêm các visual & emotional effects của đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, chất liệu... bằng cách tương tự như trên.
Một phần hết sức quan trọng của lớp foundation này tập trung vào việc quan sát và cảm nhận về đối tượng mà mình vẽ, thông qua các bài tập blind contour (vẽ mà chỉ nhìn vào vật mẫu, không nhìn vào giấy), dựng hình bằng stripes, vẽ/nặn theo miêu tả của người khác về một vật nào đó mà mình không biết, v.v... Và một điều luôn được nhấn mạnh là: "Để tác phẩm của mình có cảm xúc và cá tính, không nên vẽ theo những gì mình
biết về đối tượng, mà phải dựa vào những gì mình
cảm nhận được về đối tượng ấy."
Cuối cùng, sau khi đã nắm được những lý thuyết căn bản này, người học mới đi vào việc luyện các kỹ năng dựng hình, pha màu, điều chỉnh độ sáng tối... thông qua các bài tập vẽ tả thực, chép tranh, phối màu v.v... bằng nhiều chất liệu khác nhau.
Một điều quan trọng nữa là điểm cho các tác phẩm không dựa trên đánh giá xấu/đẹp chủ quan của người dạy, mà dựa trên khả năng tiếp thu và vận dụng lý thuyết một cách sáng tạo của người vẽ & nhận xét của những người cùng học.
Đương nhiên, mỗi người dạy có một phương pháp riêng, nhưng nhìn chung các lớp học mỹ thuật ở bên này (hoặc ít nhất là ở Swarthmore) đều mở đầu bằng những bước căn bản như thế.
Không biết mọi người có nhận xét gì về cách dạy & học này nhỉ?