mọi người tham khảo bài này ạ:
http://www3.vietnamnet.vn/psks/2006/10/624848/
Vụ giết sinh viên Vũ Anh Tuấn tại St. Peterburg:
Băng đảng của “Những người yêu nước” tại Nga
22:53' 20/10/2006 (GMT+7)
Điều tra của báo Izvestia (Nga) ra ngày 20.10, sau khi những nghi phạm giết sinh viên Vũ Anh Tuấn được tuyên trắng án. Bài do CTV VietNamNet tại Nga dịch giới thiệu tham khảo.
Lại một vụ án lớn trong chuỗi những vụ án giết hại người nước ngoài tại Nga đang bước vào hồi kết tại St. Peterburg. Vừa qua Hội đồng bồi thẩm nhân nhân đã đưa ra phán quyết cho những nghi phạm giết hại sinh viên Việt Nam Vũ Anh Tuấn, gây ra sự tranh cãi trong dư luận.
>> Toàn cảnh vụ Vũ Anh Tuấn bị giết ở Saint Petersburg
Hội đồng bồi thẩm đã dựa trên cơ sở nào để đưa ra quyết định này?
Những phán quyết của Hội đồng bồi thẩm nhân dân toà án St. Peterburg liên quan đến các vụ án mang màu sắc bài ngoại dường như luôn là đề tài tranh cãi. Sau phán quyết trắng án của hội đồng bồi thẩm cho các nghi phạm vụ án giết hại một bé gái 9 tuổi người Tadzhikistan, báo giới và đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật đã lên tiếng chỉ trích quyết định này. Có người đã đề nghị xoá bỏ hoàn toàn chế độ xử án thông qua Hội đồng bồi thẩm nhân dân ở nước Nga. Trong khi đó những bồi thẩm viên khăng khăng rằng: chưa đủ cơ sở để kết án các nghi phạm. Căn cứ vào quá trình xét xử vụ án sát hại sinh viên Vũ Anh Tuấn, có thể thấy rằng việc điều tra đã không chọn lọc đúng các bằng chứng. Chính xác hơn, lần này người ta bắt “hú hoạ” những người được cho là sát nhân.
Ngày 30/6 vừa qua cảnh sát đã phá vỡ một băng đảng do Vladimir Borovikov làm thủ lĩnh, chuyên gây ra các vụ án mạng mang màu sắc bài ngoại. Trong quá trình phá án, tên cầm đầu đã bị bắn chết, cảnh sát bắt được 9 thành viên còn lại của băng nhóm tội phạm này. Những lời khai của chúng gây bất ngờ cho các nhà điều tra: chính băng đảng này là thủ phạm của các vụ án giết hại người nước ngoài, trong đó có cả các vụ mà những người khác đang phải ngồi tù hay trở thành nghi phạm.
Scandal bắt đầu từ đây. Hoá ra phần lớn các vụ án liên quan đến sắc tộc mà người ta tuyên bố “được phá” chỉ là sự dàn dựng. Bản phán quyết vừa qua của Hội đồng bồi thẩm đã chứng minh cho nhận định này. Vấn đề ở chỗ, người của Borovikov cũng đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ sát hại sinh viên Việt Nam Vũ Anh Tuấn!
50 nhát dao
Vũ Anh Tuấn tại Nga.
Chàng sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Bách khoa St. Peterburg Vũ Anh Tuấn bị giết hại 2 năm trước đây. Chiều hôm đó Tuấn đi bộ từ ký túc xá trường Y đến bến metro. Trời đã tối mịt. Vết đâm bằng dao đầu tiên được thực hiện ở khu vực lối vào vườn hoa. Cậu sinh viên Việt Nam chạy bổ về phía các ngọn đèn cao áp trên phố L. Tolstoi. Nhưng nhóm thanh niên cầm dao và dùi đã đuổi kịp. Tuấn ngã xuống đường. Nhóm thanh niên này đã dùng chai lọ đánh vào đầu, dùng dao và dùi đâm nhiều nhát vào cơ thể cậu sinh viên Việt Nam nhỏ thó này. Các nhà điều tra đã đếm được ở lưng, bụng, ngực và chân nạn nhân 50 vết đâm.
Một nữ sinh trường Y đi qua, cô định đến giúp đỡ cậu sinh viên Việt Nam, nhưng đã quá muộn. Song, khi đó cô đã kịp nhìn thấy nhóm thanh niên kia đang bình tĩnh đi ra khỏi khu vực vườn hoa: toàn những người cao to, trông khoảng 18 đến 20 tuổi. Trong quá trình xét xử cô là một trong những nhân chứng buộc tội quan trọng.
Có cả những người khác đã nhìn thấy nhóm thanh niên này: người bảo vệ khu thể thao đang đi qua metro, một người phụ nữ đang dạo chơi cùng chú chó cảnh, một nữ sinh trường Y nữa... Theo lời kể của cô nữ sinh này, thậm chí cảnh sát đã tiến hành dựng lại nhân dạng của một trong những kẻ bị tình nghi. Một số nhân chứng nhìn thấy trong đám đông này có cả nữ giới.
Phục vụ cho công tác điều tra còn có cả băng video được ghi từ chiếc máy theo dõi trên phố L. Tolstoi. Xem cuốn băng các nhà điều tra dễ dàng nhận ra: 12 người, hầu như ai cũng cao, chỉ có một người trong số họ là thấp. Trong đoạn băng có ghi hình một cô gái mặc áo khoác trắng. Phía trước họ có 2 người nữa, nhưng liệu có liên quan đến nhóm thanh niên này hay không – chưa có câu trả lời.
Lời thú tội thành khẩn
Cái chết của Vũ Anh Tuấn đã làm bàng hoàng cả thành Peterburg. Viện kiểm sát và công an tìm mọi hình thức phá án thật nhanh. Vụ án xảy ra cũng chính vào thời điểm viện trưởng viện kiểm sát thành phố mới nhậm chức. Điều này đã đẩy nhanh tiến trình điều tra. Ba tháng sau, nghi phạm đã ngồi sau song sắt. Họ không chỉ ngồi mà còn đưa ra những lời thú nhận.
Aleksei Deberdeev, một thanh niên xuất thân từ gia đình đông con, đã viết “lời thú tội thành khẩn”, kể về việc đã cùng với bạn bè giết hại chàng trai Việt Nam như thế nào. Từ lời khai của Deberdeev cảnh sát biết được nhóm thanh niên này đã tụ tập tại câu lạc bộ thanh niên “Những trái tim nổi loạn”... Sau này, cậu ta sửa là câu lạc bộ “BS”. Chúng đã tụ tập tại đây để bàn tính chuyện đánh một người bán dưa hấu, nhưng trên đường đi lại bắt gặp người Việt Nam. “Một thằng mắt híp đang đi phía trước. Hãy đuổi theo. Tất cả đồng ý chứ”, Deberdeev viết.
Deberdeev liệt kê tên họ và biệt danh của tất cả những người đã tham gia giết hại chàng trai người Việt Nam; khai nhận họ đã dùng vũ khí gì để tấn công; nêu ra chính xác nơi mà chúng đã giấu vũ khí sau khi giết người: sông Karpovka, đối diện câu lạc bộ thuyền buồm; kể lại chúng đã rút lui khỏi nơi gây án như thế nào.
Người tiếp theo đưa ra lời thú tội là Maksim Spiridonov. Kết quả là 12 người trở thành bị cáo vụ án giết hại Vũ Anh Tuấn. Sau đó con số này được tăng thêm 2 người. Một người trong số họ được xác nhận mắc bệnh tâm thần, 13 người còn lại ra trước vành móng ngựa.
Những bí mật điều tra
Ngay từ đầu người ta nhận ra vụ án vẫn còn chưa “chín”. Deberdeev, nhân vật chính trong số những bị cáo đã nhận tội, gây sửng sốt cho tất cả mọi người ở phiên sơ thẩm. Anh ta thề rằng do bị bắt ép buộc nên đã khai man về bản thân và những bị cáo khác. Rất mong sự tha tội của những người “ngồi cùng”.
“Tao sẽ cho mày biết thế nào là xin lỗi!”, một trong số bị cáo đã bực tức kêu lên. Còn Deberdeev tiếp tục kể. Lúc đầu ba người đeo mặt nạ đã đánh anh ta ở đồn cảnh sát số 43, buộc phải ký tất cả những gì mà họ đưa ra. Sau đó có người lạ mặt đã gọi điện cho cha mẹ anh ta: doạ nạt và yêu cầu con của họ im lặng. Khi chưa kịp hoàn hồn thì cú điện thoại thứ hai vang lên, đầu dây bên kia là một người cảnh sát “tốt bụng” mách họ viết đơn đề nghị giữ con trai mình theo diện bảo vệ nhân chứng. Vui mừng trước lời mách bảo này và họ đã viết. Deberdeev được trở đi “bảo vệ” từ đồn số 43.
Anh ta bị giam giữ ở một “khách sạn bộ nội vụ” nào đó. Người ta đã trói, đã đánh đập và nuôi sống bằng rượu vodka.
- Cảnh sát thường xuyên uống rượu, nhưng ít hơn so với số rượu mà họ đã đưa cho tôi, Deberdeev thú nhận trước toà.
Khi người ta đưa ra trước hội đồng bồi thẩm đoạn băng quay quá trình dựng lại hiện trường vụ án, hoá ra bị cáo không làm sao để chỉ chỗ gây án được. Anh ta đưa cảnh sát đến một câu lạc bộ thanh niên nào đó và nói rằng đây là nơi đã cùng đồng bọn tụ tập để lên kế hoạch gây tội ác. Nhưng hoá ra lại là một câu lạc bộ hoàn toàn khác.
Sau đó Deberdeev dẫn các nhà điều tra đến hiện trường gây án. Nhưng máy quay trên phố không thể nào quay nổi phía mà anh ta dẫn mọi người tới. Chỗ gây án cũng không đúng so với điều tra.
Một đoạn băng nữa cũng được đưa ra: cảnh kiểm tra lời khai của bị cáo Spiridonov. Người này dẫn cảnh sát đến nơi gây án bằng con đường hoàn toàn khác, kết quả là anh ta đã bị lạc, đã bật khóc và nói rằng không biết gì cả. Ngày hôm sau, Spiridonov đã phủ nhận tất cả những lời khai trước đó.
…
Nhưng điều gây ngạc nhiên nhất không phải là công tác điều tra đã kết thúc mà chính ở những việc mà nó chưa đếm xỉa đến. Các nhà điều tra đã không lấy cung của người bán dưa hấu – rất có thể anh ta đã nhìn thấy những tình tiết tấn công chàng thanh niên Việt Nam. Họ cũng không đến điều tra cửa hàng, nơi mà những nghi phạm đã rẽ vào mua bia. Dòng sông Karpovka nơi mà các bị cáo ném hung khí xuống cũng không đến nỗi sâu. Nhưng việc lấy nó lên lại không được thực hiện.
Những tình huống như vậy được liệt kê trong nhiều giờ tại toà. Và người ta chỉ có thể đưa ra một kết luận duy nhất: Hội đồng bồi thẩm không còn cách khác ngoài việc ra phán quyết: “Chưa đủ cơ sở”.
Những nhân vật khó xử
Băng Borovikov – Voevodin bị bắt tháng 5 năm nay. Băng này được coi là một phần của tổ chức phát xít cực đoan Mad Crowd. Báo Izvestia gọi nó là băng đảng của “những người yêu nước”. Từ “yêu nước” được để trong ngoặc kép một cách có chủ định. Sau đấy, Izvestia còn công bố kết quả cuộc điều tra mới về băng đảng “những người yêu nước”- 2, nơi có những thanh niên bị nghi ngờ tham gia vụ nổ ở chợ Cherkizovsky.
Theo kết quả điều tra, băng nhóm tội phạm thành Peterburg gồm những thanh niên ở độ tuổi 20 – 21, chúng giết “ngoại chủng” để bảo vệ sự thanh sạch của dân tộc Nga. Đây hoàn toàn không phải là con cái những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở ngoại ô St. Peterburg. Tất cả bọn chúng đều được sống rất đầy đủ, hơi khép kín. Ví dụ như, Dmitri Borovikov sống ngay trong trung tâm thành phố, đam mê lịch sử và triết học. Bạn của hắn, Pavel Rumiansev tốt nghiệp trường trung học cho người Do Thái, đã đỗ vào trường đại học sư phạm.
Cuối tháng năm vừa qua các thành viên của băng đảng này đã thú nhận về 3 vụ giết người. 13 người bị kết án vì liên quan đến 2 trong 3 vụ trên. Một bé gái người Digan 6 tuổi bị chém bằng rìu cạnh sân ga Dachnoe, một cô bé người Tadjikistan bị đâm bằng dao, giống như Vũ Anh Tuấn. Rõ ràng, sơ đồ điều tra những vụ ấy giống một cách lạ lùng những gì các bồi thẩm viên trong vụ “người Việt Nam” nhìn nhận: một người nào đó đưa ra một tội chứng, những kẻ giả mạo bám lấy những tội chứng ây, ngoài lời nói, không có một chứng minh đặc biệt nào cả trong việc này cả.
Tháng 11 năm 2004 Hội đồng bồi thẩm đã công nhận tất cả bị cáo phạm tội giết hại bé gái người Digan. Lúc đó, mô hình Hội đồng bồi thẩm tồn tại chưa đầy 1 năm. Tháng 3 năm 2006, khi đưa ra phán quyết về vụ giết hại bé gái Tadzhikistan, ta có thể nhận thấy sự thay đổi của Hội đồng bồi thẩm tựa như “băng đã chuyển động”. Các bồi thẩm viên đã nhận ra rằng, tội danh giết người của những nghi phạm không được chứng minh, nên tuyên bố đó là tội côn đồ, gây rối.
Bịa đặt để được nổi danh?
Tội ác thứ ba mà các thành viên của băng đảng “những người yêu nước” thú nhận là giết hại một công dân Việt Nam. Viện kiểm sát cố gắng hết sức tránh những lời thú tội không mong đợi. Sau những loạt bài điều tra của Izvestia, một cuộc họp báo đã được tổ chức. Viện phó viện kiểm sát St. Peterburg Lavrenko tuyên bố, tất cả những kẻ bị bắt đều đã bịa đặt. Họ đã thỏa thuận với nhau từ trước về việc nhận tội để được nổi danh. Thông qua báo chí, họ đã nghiên cứu về các vụ án này, đã đi đến nơi xảy ra án mạng để trinh sát, vì thế, họ biết rất rõ các chi tiết.
Nếu như trước kia ai đó đã phân vân về việc có nên tin lời thú nhận của “những người yêu nước” hay không, thì sau cuộc báo họp báo, sự việc trở nên rõ ràng: nên tin. Viện phó viện kiểm sát đã tuyên bố thẳng thừng rằng, nhóm tội phạm này không chỉ “nhận về mình” tội ác, mà còn nói đến các chi tiết vụ án. Rõ ràng là đã xuất hiện những đặc điểm đáng ngờ.
Xin dẫn chứng một đặc điểm như sau: Nguồn tin từ cảnh sát St. Peterburg cho biết, những kẻ bị bắt thú nhận đã giết cậu sinh viên Việt Nam bằng dao và bằng vỏ chai. Họ không thể biết về điều này thông qua báo chí được. Ngay cả ở bộ phận hình sự, thông tin về cái chai cũng chỉ xuất hiện sau khi khám nghiệm. Thông tin này buộc Izvetstia phải xem xét tỉ mỉ hơn: trong vụ “người Việt Nam” có các dấu vết khác của băng nhóm “những người yêu nước” hay không?
Nguồn tin từ sở nội vụ St. Peterburg cho biết, những thành viên của “Những người yêu nước” đã nêu tên 5 kẻ đã giết hại sinh viên Việt Nam. Đã có 12 người tham gia. Những người làm chứng cũng nói đến con số ấy: các nữ sinh viên trường y, người canh gác, người phụ nữ dắt chó. Hai thủ lĩnh của nhóm, Borovikov và Voevodin, cùng 2 cô bạn gái của mình cũng có mặt tại nơi xảy ra vụ án. Như trên đã viết: các nhân chứng và băng video đều nhắc đến cô gái mặc áo khoác màu trắng. Trên băng ghi hình còn có một bóng dáng khác trong đám đông. Có lẽ đó là một người phụ nữ.
Tại tòa xét xử vụ “Người Việt Nam”, có một nhân chứng đã phát biểu. Anh nhìn thấy cạnh bến tàu điện ngầm Petrogradskaya (cách nơi xảy ra án mạng 5 phút đi bộ) một nhóm thanh niên ăn mặc như các cổ động viên bóng đá. Họ bị kích thích, hung hăng, hò la. “Tôi còn nghĩ, hình như hôm nay không có trận đấu nào” – nhân chứng nói thêm. Đúng là không có trận đấu nào diễn ra hôm đấy. Nhưng chiều 13 tháng 10 năm 2004, trước khi Vũ Anh Tuấn bị giết, đã có một buổi biểu diễn nhạc rock của ban nhạc mà những tên đầu trọc yêu thích. Izvetstia đã được nói chuyện với một trong những người đến xem buổi biểu diễn ấy.
- Borovikov và Voevodin chắc chắn đã có mặt, - Anh ta nói ngắc ngứ sau một hồi đắn đo, vẻ mặt sợ hãi, tỏ ra không thích thú với cuộc trò chuyện. - Thằng Chua (Borovikov) hình như đi cùng bạn gái, XVR (Voevodin), có lẽ, cũng thế... Họ đi khỏi vào khoảng 8 giờ tối, có thể muộn hơn một chút…
Nhiều người biết đến sự ngang ngược của các cổ động viên bóng đá, nhưng những người đến xem biểu diễn rock cũng không thua kém. Theo kết quả điều tra, các thành viên của tổ chức Mad Crowd, trong đó có Borovikov, Voevodin và vài tên khác trong băng “những người yêu nước” đã bị kết án vì tấn công “những kẻ ngoại chủng” sau các buổi biểu diễn nhạc rock. Hai nạn nhân rất may đều còn sống sót.
Vũ Anh Tuấn bị giết vào sau 9 giờ tối. Khoảng 15 – 20 phút sau, tại bến Gorky (cách bến Petrogradskaya” 5 phút đi xe), một người Azerbaijan bị đánh. Số phận vụ việc hình sự này tạm thời còn chưa rõ: người bị nạn không có giấy tờ hợp pháp và sau cuộc thẩm vấn đầu tiên đã biến mất.
Có thể thấy rõ ràng là, viện kiểm sát biết rất nhiều chi tiết chứng minh việc “Những người yêu nước” đã tham gia vào việc giết hại bé gái Digan, cô gái Tadzhikistan và cậu sinh viên Việt Nam. Tổ điều tra “Những người yêu nước” cũng chính là những cán bộ đã khám phá và chuẩn bị tài liệu để đưa ra tòa ba vụ án đang được chúng ta nói đến.
Izvetstia cho rằng, viện kiểm sát đang hết sức cố gắng chắp vá. Cách đây không lâu có mấy người mặc thường phục đã đến trại giam giữ để gặp một trong những kẻ bị kết án trong vụ giết em bé Digan. Họ kiên nhẫn đề nghị người này ký vào tờ khai rằng anh ta cũng thuộc nhóm Voevodin – Borovikov.
Nên báo cáo hay khám phá tiếp?
Ba bốn năm gần đây, St. Peterburg có vinh dự mang tên thủ đô “nâu”. Chính quyền đòi hỏi cơ quan cảnh sát: “Kết quả đâu?!”.
Và cảnh sát báo cáo. Họ run rẩy vì trách nhiệm được giao phó: ở đây không phải là chuyện mớ cá mớ rau, mà nó liên quan đến “vật tế thần”! Thế là một kiểu phá án mới xuất hiện ở St. Peterburg. Hoàn toàn không mang tính chuyên môn, nhưng gặt hái nhiều lợi nhuận. Chúng tôi tìm ra người đã từng sẵn sàng ký bất cứ giấy tờ gì. Hắn thú nhận và đem nộp “tòng phạm”. Nhất định phải là những vị thành niên nhằm nhanh chóng khép lại quá trình xét xử...
Nhưng những “lời thú tội thành khẩn” không thuyết phục Hội đồng bồi thẩm. Họ đòi hỏi bằng chứng. Vụ án trở nên “vỡ”. Cuối cùng, ai là người có lỗi? Tất nhiên là những bồi thẩm viên. Có người đã gọi họ là những bà bếp theo chủ nghĩa bài ngoại. Thâm chí có người còn đề nghị cấm họ xử những vụ án “quốc tế”...
Đến khi nào các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa bắt đầu đi tìm kẻ sát nhân thì việc kiểm tra những lời khai, những cái chết vẫn chưa kết thúc.
Bích Hạnh (CTV của VietNamNet tại Nga) lược dịch