[B]Thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng:[/B]
Nhiều thuận lợi để thông qua PNTR
Nhìn chung cả quốc hội, chính quyền, DN và dư luận Hoa Kỳ ủng hộ dành cho VN qui chế PNTR. Đa số nghị sĩ cho rằng PNTR là vấn đề thuộc chính sách đối ngoại nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước. Tuy nhiên, ta cũng gặp khó khăn khi vấp phải sự phản đối của một số nghị sĩ và DN, một số nhóm ở Mỹ có lợi ích liên quan đến VN.
TT - Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng (ảnh) vừa tiến hành chuyến thăm Mỹ từ 22 đến 24-5 trong nỗ lực vận động Hoa Kỳ thông qua kết quả đàm phán song phương về việc VN gia nhập WTO và dành cho VN qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). "Nhìn chung cả quốc hội, chính quyền, DN và dư luận Hoa Kỳ ủng hộ dành cho VN qui chế PNTR. Tuy nhiên, ta cũng vấp phải sự phản đối của một số nghị sĩ và DN, một số nhóm ở Mỹ có lợi ích liên quan đến VN".
Thứ trưởng Lê Văn Bàng đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về kết quả của chuyến đi.
* Thưa thứ trưởng, phản hồi của giới chính khách và kinh doanh tại Mỹ về bản thỏa thuận mở đường cho VN gia nhập WTO mà hai nước vừa đạt được ra sao?
- Về chính quyền, ngay sau khi kết thúc đàm phán về việc VN gia nhập WTO, đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã tổ chức buổi trao đổi về kết quả đàm phán cho một số doanh nghiệp (DN) Mỹ, đồng thời cho phát hành trên mạng của USTR hai văn bản bao gồm tóm tắt những cam kết chính của VN trong đàm phán với Hoa Kỳ và tóm tắt sự ủng hộ của một số giới làm chính sách và DN Mỹ đối với thỏa thuận.
Ngoài ra, đại diện thương mại Rob Portman phát biểu với báo chí đánh giá đây là một thỏa thuận tốt cho Mỹ và VN vì mở ra một thị trường mới đang nổi lên cho hàng hóa và dịch vụ Mỹ, giúp VN hội nhập sâu hơn nền kinh tế thế giới, đặc biệt là hoàn tất những bước cuối cùng về bình thường hóa quan hệ VN - Hoa Kỳ.
Đồng thời đại diện thương mại R. Portman khẳng định sẽ tiếp tục làm việc tích cực với VN để hoàn thành tiến trình gia nhập WTO của VN trong tương lai gần. Qua các động thái trên, có thể thấy chính quyền Hoa Kỳ tỏ thái độ tích cực đối với kết quả đàm phán.
Về quốc hội, các thượng nghị sĩ hàng đầu như Max Baucus (Dân chủ) và thượng nghị sĩ John McCain (Cộng hòa) ra thông cáo báo chí riêng ủng hộ việc kết thúc đàm phán và cam kết thúc đẩy ở thượng viện để có thể thông qua qui chế PNTR trước kỳ nghỉ hè tháng tám tới.
Hai hạ nghị sĩ Rob Simmons và Lane Evans, đồng chủ tịch Nhóm hữu nghị Mỹ - Việt trong Quốc hội Hoa Kỳ, đã gửi thư đến các đồng nghiệp kêu gọi tham gia nhóm để tạo thêm sự ủng hộ thúc đẩy quốc hội thông qua PNTR.
Đối với các hiệp hội, các DN Hoa Kỳ: đến thời điểm này có khoảng 20 tổ chức, hiệp hội và các tập đoàn lớn đại diện cho các công ty của Mỹ chính thức ra thông cáo báo chí hoặc viết thư bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận. Riêng Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đã thành lập “Liên minh ủng hộ VN”, đến nay đã có hơn 100 công ty đăng ký làm thành viên.
Liên minh bày tỏ sự ủng hộ, mong muốn hai bên sớm ký kết chính thức và khẳng định sẽ phối hợp thường xuyên với Đại sứ quán VN tại Hoa Kỳ để vận động Quốc hội Hoa Kỳ thông qua thỏa thuận và dành qui chế PNTR cho VN trước kỳ nghỉ hè tới.
Tuy nhiên, tại các cuộc tiếp xúc, nhiều nghị sĩ cũng như một số quan chức chính quyền Hoa Kỳ cũng nêu lên những quan tâm của họ như việc thực thi các tiêu chuẩn lao động, tình hình tôn giáo, nhân quyền ở VN...
Nhóm nghị sĩ hỗ trợ ngành dệt đã có thư gửi đại sứ Portman đề nghị áp đặt hệ thống tự vệ đặc biệt cho hàng dệt may hoặc tiếp tục áp quota cho hàng dệt may của VN. Khi nội dung chi tiết của hiệp định được công bố, số người chống việc dành PNTR cho VN có thể gia tăng do thấy các yêu cầu của mình không được đáp ứng.
Tình hình này cùng với nhiều diễn biến phức tạp do nội bộ Hoa Kỳ có bầu cử giữa kỳ tạo ra những thách thức đối với việc ta giành được qui chế PNTR trong năm nay.
* Qua trao đổi với các quan chức tại Mỹ, thứ trưởng nhận định tiến trình đưa vấn đề PNTR ra Quốc hội Mỹ được hoạch định ra sao? Những thuận lợi, khó khăn của VN khi tìm kiếm sự ủng hộ của các nghị sĩ ở cả hai cấp hạ viện và thượng viện đối với việc thông qua PNTR?
- Theo tôi được biết, sau khi hai bên ký chính thức thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương thì khoảng đầu tháng 6-2006, USTR sẽ họp báo tại quốc hội với sự có mặt của một số nghị sĩ bảo trợ và đồng bảo trợ dự luật và đại diện DN. Sau đó, dự luật sẽ được giới thiệu và thông qua ở cấp ủy ban của hai viện và tiếp theo là thông qua ở toàn hạ viện và thượng viện.
Tùy tiến triển ở từng viện, dự luật có thể thông qua đồng thời hoặc thông qua trước tại hạ viện rồi mới đến thượng viện hay ngược lại. Trong trường hợp dự luật được thông qua đồng thời tại hạ viện và thượng viện, nội dung văn bản sẽ có những điểm khác nhau. Sau đó, hai viện sẽ chỉ định một nhóm làm báo cáo chỉnh sửa (conference report) để đi đến một nội dung thống nhất, trình tổng thống ký thành luật.
Trong tình hình trên, một mặt chúng ta đang tích cực cùng với phía Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường quan hệ mọi mặt, đưa quan hệ hai nước lên bước phát triển mới; đồng thời hai bên cũng phối hợp giải quyết những vấn đề cùng quan tâm.
Mặt khác, chúng ta cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác vận động tại Hoa Kỳ, nhấn mạnh việc Hoa Kỳ thông qua qui chế PNTR cho VN là vì lợi ích của cả VN và Hoa Kỳ, góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hai nước và vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
* Xin cảm ơn thứ trưởng.