Lời nói dối vĩ đại

Nguyễn Anh Cường
(NguyenAnhCuong)

New Member
* Chủ đề tham gia: Người
* Tiêu đề: Lời nói dối vĩ đại
* Tên tác giả: Huệ Nhi (Post hộ bởi Nguyễn Anh Cường)
* Lớp học(lớp khóa trường cấp3):12A - Trường Chuyên Nguyễn Tất Thành - Yên Bái (1993-1994)
Email : [email protected]
Điện thoại: 0912.678515 (Của Nguyễn Anh Cường)
Địa chỉ: Chùa Phúc An - Yên Bái


Lời nói dối vĩ đại

...Chúng ta phải cảm nhận được bằng con mắt của người khác thì chúng ta mới thực sự lớn lên....
=Raxun Gamratop=

Kêu mà không nghe thấy tiếng
Đó là những nỗi đau sâu
Khóc mà không ra nước mắt
Đó là những nỗi đau lâu
Tôi sợ những nỗi đau như vậy
Như là dao, mà nào thấy dao đâu......

(Thơ Phạm Hổ)

Có lẽ tội lỗi lớn nhất của con là sinh ra trên đời này, nên con phải gắng chịu tất cả. Cho đến bây giờ con vẫn chưa thể hiểu nổi vì sao cha mẹ lại ruồng bỏ con. Có phải vì con mà cha và mẹ bất hoà, hay vì con sinh ra đã làm cản trở khát vọng và ước mơ của cha và mẹ?

Con chỉ tiếc rằng, hồi mẹ bỏ rơi con, con còn quá bé. Con chỉ nghe kể lại, con sinh ra ở hoàn cảnh cha mẹ còn chưa kết hôn. Con được nuôi dấu diếm ở đâu đó cho đến khi hơn 2 tuổi. Mẹ đã quyết định "đem trả" con, đứa con gái bé bỏng cho ông bà nội của con, khi mẹ chuẩn bị sinh em Tuấn, đứa em cùng mẹ khác cha của con.

Tại sao cha mẹ không lấy nhau, tại sao mẹ lại lấy người đàn ông khác? Tại sao cha con lại không nhận con là con của ông, để ông nội con đuổi cha đi khỏi nhà và từ mặt cha? Câu hỏi đó làm sao con trả lời được?

Con lớn lên trong vòng tay của ông bà nội nghèo hèn và khổ cực. Từ dạo ấy con quen với tìm cảm ông bà và không thể hình dung nổi tình mẫu tử, tình phụ tử, thứ tình cảm mà bao bài dân ca bà vẫn ru con.

Dù chỉ có một vư­ờn hoa nhỏ và đồng lương hư­u cựu chiến binh, nhưng ông bà vẫn cố tạo điều kiện hết mức để con được học hành tử tế. Chắc mẹ không thể hình dung nổi con có những trận ốm liệt giườ­ng, không phải vì bệnh tật mà vì đói. Có những đêm mưa gió con ốm, ông bà trông đến ngất xỉu phải cấp cứu cũng vì đói, vì không có tiền lo cho con....

Con đi học vẫn phải đóng đủ loại tiền, vì lý lịch của con trong sáng quá, đẹp đẽ quá, có bao nhiêu đứa ở vùng rừng núi này ư­ớc mơ được như con. Bố mẹ đều là cán bộ Nhà n­ước VN, gia đình quá ấm êm(?). Chắc mẹ không thể ngờ, để giữ cho dòng lý lịch ấy, ông bà phải sống trong dối trá, ai đến chơi, ông bà cũng hết lời ca ngợi mẹ của con, cha của con đã cho con được thứ này, thứ nọ. Nh­ưng tất cả những thứ ấy ông bà đã mất bao công sức làm lụng, dành dụm suốt cả cuộc đời.

Hồi đó, tất cả những gì hình dung của con về cha mẹ luôn là hình ảnh đẹp. Con sống trong tưởng tượng tình cảm đó, thứ tình cảm mà ngấm vào con trong sách báo, đài. Thứ tình cảm ấy đã làm con ngộ nhận quên đi mọi tủi hổ để học hành ngày càng tốt hơn. Con được đi thi học sinh giỏi về những bài văn ca ngợi cuộc sống gia đình, ca ngợi thứ tình cảm mà con không bao giờ có.

Năm con 12 tuổi, con đã có những đòi hỏi vô lý khóc lóc, giãy giụa bắt ông phải đưa con gặp mẹ. Ông đã cho con một trận roi nên thân vì những đòi hỏi ấy. Con nhất quyết nhịn cơm, bỏ học bắt ông phải chiều bằng được. Thế là ông phải đồng ý đưa con về Hà Nội. Tàu xe chen chúc, nóng bức nó không hề làm giảm, thậm chí còn làm con phấn chấn hơn, sung sướng hơn. Dù xuống tàu, ông cháu con đi bộ gần chục cây số, nhưng lúc ấy đối với con khoảng cách quá gần, con không hề muốn gì hơn ngay cả những nơi mà trước đây khi ở nhà con từng ước ao được đến.

Lúc ấy, con đến trước cổng nhà của mẹ vào buổi trưa. Một ngôi nhà quá sang trọng với giàn hoa tím. Ông bế con lên bấm chuông, cổng mở hai con chó béc giê xông ra và đứng đằng sau đó là một người phụ nữ trẻ tuổi. Lời nói đầu tiên của mẹ là mắng ông, không khác gì mắng một lão ăn mày. Con còn nhớ như in lời mẹ nói với ông, dành cho con lúc ấy: "Đối với tôi, nó đã chết rồi!". Rồi mẹ đóng sầm cổng lại. Con đứng ngây người như phỗng, không nói được câu nào nữa. Khi ấy con mới sực hiểu rằng, lời nói ấy đối với con còn đau hơn mọi trận đòn, đau hơn mọi thứ trên đời. Lời nói ấy đã làm con ốm liệt giư­ờng hàng tháng, nó ngấm thật sâu vào trái tim con, biến con từ một đứa con gái láu lỉnh, thông minh thành một đứa ít nói âm thầm, học hành sút kém.

Không ai hiểu được con, không ai có thể biết rằng con đã tủi thân đến mức nào. Nỗi khổ ấy, năm tháng nguôi ngoai thành sẹo, tuổi trẻ của con lớn lên tiếp tục vui tươi nh­ưng kín đáo hơn, vì con đã biết thân phận mình không bằng ngư­ời khác. Có thể có lúc nào đấy, con hận cha và mẹ sống trong giàu sang mà không cho con một xu, hận thứ tình yêu giả dối khi mà cha mẹ đến với nhau. Đã có lúc con muốn bỏ học để giúp đỡ ông bà, nh­ưng ông bà đã mang cho con một niềm tin phải sống để vươn lên, phải sống dù bất cứ hoàn cảnh nào đều phải cố gắng hết mình, sống trung thực với lòng nhân ái.

Rồi con cũng đỗ Đại học. Đó là sự kiện lớn bởi vì ở vùng rừng núi này những người đỗ Đại học rất hiếm, nếu không nói là cực kỳ hiếm. Con thi 3 trường và đỗ cả 3. Ông bà bảo, dù có bán tất cả gia tài thì cũng phải cho con học xong Đại học. Đó là niềm vui trong ngôi nhà tranh bé nhỏ của con. Con về Hà Nội học trong ký túc xá cùng các bạn gặp gỡ và chơi với rất nhiều bạn ở mọi vùng quê, mọi hoàn cảnh. Các bạn lúc đầu nhớ bố mẹ khóc tì tì còn con thì cười vui vẻ. Với con, tình cảm đó đã qua đi thật nhanh, một cơn gió cuộc đời con.

Con xinh đẹp nhất lớp, khéo tay nhất lớp, bạn bè quý con nhất lớp. Nh­ưng lời nguyền của ông luôn khắc vào tâm can của con và con vẫn tiếp tục lừa dối các bạn về cha mẹ mình, con nói về cha mẹ của con trong tưởng tượng. Con đã phải từ chối mọi lời đề nghị của các anh, tìm mọi cách kiếm tiền chính đáng trong thời gian ở ký túc xá như rao hàng, nhận gói những món quà lưu niệm để lấy ít tiền công, phụ vào khoản chu cấp của ông bà để đóng học phí và con đi làm gia sư.

Rất nhiều lần con đi qua, dừng lại và ngắm nghía toà nhà của mẹ. Con nghĩ cuộc đời vẫn đang thử thách con và những gì thuở ấu thơ của con có giận mẹ thì bây giờ cũng đã phai. Con biết mẹ quá giàu, khi mà con quá nghèo, nhưng con cũng biết dừng lại ở một điểm là con không bao giờ xin tiền mẹ, một người mẹ rất phúc hậu và tốt bụng như những người hàng xóm của mẹ từng ca ngợi.

Những năm cuối cùng của đời sinh viên Đại học, số tiền chi phí của con càng lớn, trong khi thời gian và khối lượng kiến thức cần tiếp thu của con ngày càng nhiều. Bà bị ốm, ông phải lo rất nhiều tiền thuốc thang chạy chữa. Con có ý định bỏ học, nên viết thư về xin ông cho con được tạm nghỉ, sau này nếu có điều kiện con xin học tiếp. Bạn bè con chẳng ai nghĩ rằng con muốn nghỉ học vì thiếu tiền, họ khuyên giải nhiều nhưng con không bao giờ nói cho họ biết về mẹ và cha của con, nên họ không hiểu. Có người nói con thất tình. Con không dám nói gì, chỉ nói rằng cám ơn, không phải thế. Thế thôi.

Có lẽ là những bức thư của bạn bè con gửi về mà ông phải lận đận tàu xe về Hà Nội để bắt con học tiếp. Và cũng chính vì con, mà ông đã bị tai nạn giao thông. Trước khi mất, ông chỉ kịp dặn lại rằng con không đ­ược bỏ học. Đó là động lực lớn nhất khiến con học tập như điên, làm việc như điên, quên ăn quên ngủ để có thể thực tập và tốt nghiệp.

Hồi con còn bé, nhiều lần cha về bất chợt để tránh gặp ông, vào những khi ông không có nhà, con đi học. Cha th­ường nói chuyện với bà ít thời gian và đi ngay. Sau thời gian ông mất, cha của con đã trở về. Cha cũng đã có chức vụ to to nên đi bằng ô tô. Con ra trường, thất nghiệp, không thể xin vào bất cứ một cơ quan nào vì không quen biết, cũng như dòng lý lịch gia đình quá ù ờ. Mấy lần cha về, con rất muốn gặp cha để xin cha tha lỗi, nhưng cha đều kiếm cớ không tiếp và bỏ đi một cách khó hiểu.

Thế là hàng ngày con vun xới vườn hoa và gánh hoa đi bán. Cuộc sống ngày càng nâng cao nên con bán được rất nhiều. Không những thế, con còn trồng và ươm thêm rất nhiều khu nữa. Con vay tiền bạn bè anh em, chỉ trong một hai vụ đã có lãi. Ngoài số tiền trả nợ, con còn sắm thêm cho mình một chiếc máy vi tính để học tập. Con còn xin làm giáo viên dạy Tin học ở một Trung tâm Thị xã. Con mắc điện thoại và học tập thêm trên Internet. Con viết báo, con tập dịch và viết các bài lên Website Lê Hoàn, những món tiền nhuận bút tuy ít nhưng nó làm con phấn chấn và quên đi mọi nhọc nhằn.

Cuộc đời đối với con sẽ tươi đẹp hơn, nếu vẫn êm đềm như thế. Con yêu đời, kết bạn khắp nơi. Vườn hoa được mở rộng hơn và trồng thêm nhiều giống hoa đẹp và quý. Thế mà tai hoạ ụp xuống đầu con khi con chưa đầy 24 tuổi.

Bà của con mất. Người thân yêu cuối cùng của con không còn trên cuộc đời này đã là một nỗi đau, nhưng đau hơn là con bị đẩy vào một bi kịch chưa từng có. Cha con trở về lo lễ tang cho bà xong. Chưa qua 49 ngày, ông tiến hành thể hiện quyền thừa kế. Ông phá bỏ toàn bộ ngôi nhà tranh mà cả tuổi ấu thơ của con gắn bó. Đồng thời phá tan hoang toàn bộ vườn ươm của con. Đó là n­ước mắt của con, mồ hôi của con và cuộc sống của con.

Nỗi đau mất bà, nỗi đau mất tài sản khiến con kêu không thành tiếng. Con khóc trong uất ức phải sống nhờ ở bạn bè. Nhưng không thể sống mãi như thế được con phải vào ngôi chùa để nương nhờ, con phải bán hết tài sản để sống và cầu cứu. Con đã gửi đi bao nhiêu báo, bao nhiêu tổ chức... thế nhưng chẳng có tổ chức nào giúp đỡ con. Con biết Luật thừa kế của Việt Nam không có điều nào giành cho con cả nhưng có vẫn cứ viết, viết để lấy đạo lý, viết để mọi người thấu hiểu sự công bằng đối với đứa con bị bỏ rơi.

Rồi cha đưa mẹ tới gặp con. Mẹ hứa giúp con xin việc. Con thấy mẹ nhân từ quá, tốt bụng quá. Nhưng mẹ lại bắt con phải viết cam kết không bao giờ được nhận mẹ là mẹ đẻ của con. Tại sao lại thế, con có lợi dụng gì mẹ đâu?

Tình thế bắt buộc con phải tiết lộ thân phận mình cho bạn bè được giúp đỡ. Con gửi rất nhiều thư cho bạn bè khắp nơi trên mạng. Con không cần tiền, con chỉ mong có những lời khuyên bổ ích. Bạn bè con kéo đến cùng bạn bè của ông bà. Các bác cựu chiến binh cũng giúp đỡ cho con, khiến con cảm động và thấy nhục nhã, bởi một thanh niên như con không làm nên trò trống gì, phải nhờ cậy vào mấy ông già. Con thấy thương cho mình, thương cho các bác vì các bác đổ bao xương máu mong muốn cho cuộc sống này tươi đẹp hơn, thế mà vẫn còn người bất hạnh như con.

Các bác cựu chiến binh cùng bạn bè con kéo đến nhà mẹ, nhà cha. Họ nói những gì con không biết, như­ng có lẽ sự lộ tẩy cái quá khứ xa xư­a ấy mà mẹ và cha cay cú. Mẹ đến gặp con khóc lóc xin tha lỗi vì những năm tháng mẹ không đoái hoài đến con. Mẹ hứa giúp đỡ con 150 triệu đồng để sống cho đỡ khó khăn với điều kiện con phải viết giấy biên nhận và không bao giờ đư­ợc nhận con là con của mẹ. Mẹ hứa cho con thêm 50 triệu đồng nữa để con đi khỏi mảnh đất này, để con đừng bao giờ đừng bao giờ xuất hiện trên bất cứ một trang báo nào.

Tất cả mọi hành động của con không còn tỉnh táo như­ng Luật sư Nguyễn Đăng Mạnh trên Internet, Luật sư Hoàng Cúc ở báo Phụ nữ Việt Nam đã khuyên con rất nhiều.

Con nhận tiền về xây dựng Trung tâm Tin học ABC và sống trong tình thương của nhà chùa và anh chị em bè bạn. Đối với con, cha mẹ của con coi như­ không còn nữa, nên có lúc thấy đau khổ tới tột cùng thì đến bây giờ con đã cảm thấy bình thường và không có ý kiến gì đâu mẹ ạ.

Mẹ có biết con mơ ước gì không?....
Xem bài liên quan - Anh chẳng còn nước mắt để thương em
Xem bài liên quan - Luận về tên
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Hiếm hiếm lắm em mới đọc được một câu truyện cảm động đến thế. Chưa bao giờ em tưởng tượng được ra xung quanh mình có những hoàn cảnh éo le đến vậy. Vậy mà xung quanh em, bạn bè đến từ mọi vùng, mọi miền, và hình như em vẫn đang vô tâm với bạn bè mình ...

Có ai đó phản đối ý nghĩa của việc học văn, họ cho rằng cái ý nghĩa "Học văn để làm người" rất sáo rỗng và thiếu thực tế. Thế nhưng tại sao không, "để làm người" ?, đâu cần những điều gì cao xa, khi người ta thấy buồn hoặc vui sau khi đọc xong một tác phẩm, khi người ta thấy cần phải chia sẻ cho người khác nỗi buồn hay niềm vui của mình, khi bạn bè gửi lại cho mình những cảm nghĩa đồng cảm, ... thế là đã học làm người rồi đấy, chỉ đơn giản thế thôi, đơn giản thế thôi ...
 
Back
Bên trên