Hoạt động báo chí ở Việt Nam chúng ta hiện nay đã được luật hóa. Mọi hoạt động báo chí trên phạm vi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam sẽ được điều chỉnh bởi 2 luật: Luật Báo chí được Quốc hội thông qua ngày 28-12-1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí được Quốc hội thông qua ngày 12-6-1999.
Luật Báo chí là luật chuyên ngành. Mọi vi phạm của nhà báo trước hết phải được áp vào Luật Báo chí để xem xét, sau đó mới được áp tiếp các luật và bộ luật khác. Thí dụ, nếu vi phạm về hình sự thì sẽ áp tiếp vào BLHS, vi phạm về dân sự thì sẽ được áp tiếp vào BLDS để xem xét. Việc chưa áp vào Luật Báo chí để xem xét mà đã kết luận rằng nhà báo vi phạm hình sự hay dân sự đều là không đúng với quy định của pháp luật.
Báo chí có quyền gì? Điều 2 Luật Báo chí quy định, báo chí có 6 quyền và nhiệm vụ, trong đó Khoản 4 quy định như sau: “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác”.
Như vậy, nếu một nhà báo viết bài phanh phui những tiêu cực trong một trường hợp cụ thể như vụ PMU 18 chẳng hạn, là khi đó anh ta đang thực hiện quyền mà pháp luật đã trao cho anh ta. Thế nhưng, pháp luật trao cho nhà báo quyền ấy, thì đồng thời cũng có những quy định để chế tài, nhằm không để xảy ra tình trạng hỗn loạn. Chế tài ấy là gì? Điều 10 của Luật Báo chí nêu như sau:
1. Không được kích động nhân dân chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân.
2. Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác.
3. Không được tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định.
4. Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Vụ việc của nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải chính là liên quan đến Khoản 4, tức liên quan đến vấn đề “đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống”.
Tới đây, một vấn đề tối quan trọng cần làm rõ để xem xét, đó là: Như thế nào thì được coi là đưa tin sai sự thật? Muốn làm rõ vấn đề này, trước hết chúng ta phải làm rõ khái niệm sự thật, vì khái niệm này rất dễ bị hiểu nhầm và vận dụng sai.
Đối với cơ quan điều tra hay tòa án, thì sự thật ở đây là sự thật của vụ án. Còn đối với báo chí, thì sự thật ở đây phải được hiểu là thông tin đó có thật. Bởi vì, nhiệm vụ của cơ quan điều tra là tìm ra thủ phạm của vụ án, nhiệm vụ của tòa án là xét xử đúng người, đúng tội, còn nhiệm vụ của báo chí chỉ là thông tin về diễn biến của vụ án chứ không phải là điều tra phá án.
Lấy ví dụ, cơ quan điều tra cung cấp cho phóng viên thông tin rằng ông Bùi Tiến Dũng có tham ô chẳng hạn, và phóng viên đăng tải thông tin ấy lên mặt báo, nhưng về sau phát hiện ra rằng ông Bùi Tiến Dũng không tham ô, thì ở đây sẽ có 2 loại sự thật. Loại sự thật thứ nhất là sự thật về thông tin, tức là phóng viên không phịa ra thông tin ấy mà nó được cung cấp bởi nguồn tin có thật, nên phóng viên không vi phạm vấn đề “thông tin sai sự thật”. Nhưng đối với cơ quan điều tra thì sự thật lại khác. Sự thật ở đây phải là sự thật ông Bùi Tiến Dũng có tham ô hay không.
Như vậy, sự thật của mỗi loại hoạt động sẽ khác nhau. Với hoạt động điều tra xét xử, thì sự thật phải là sự thật của vụ án, còn với hoạt động báo chí, thì sự thật chỉ là sự thật có thông tin ấy hay không.
Trong vụ việc 2 nhà báo bị bắt, giả sử 2 nhà báo vi phạm Khoản 4 Điều 10 Luật Báo chí thì khi áp dụng BLHS để xử lý thì việc vận dụng Điều 281 của BLHS vào đây là sai. Việc áp dụng BLHS phải tương thích với Luật Báo chí. Điều 281 quy định về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không tương thích với vi phạm ở Khoản 4 Điều 10 Luật Báo chí.
Với báo chí, còn có thêm một quyền mà nhiều ngành khác không có. Đó là quyền được cải chính trên mặt báo. Chẳng hạn, khi thông tin chưa chính xác, báo chí có thể thông tin tiếp cho chính xác hơn hoặc cải chính thông tin cũ. Điều 9 của Luật Báo chí nêu rõ: “Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả”.
Ở vụ án PMU 18, các nhà báo đã liên tục cải chính, vì thế không thể nói là họ đã lợi dụng tự do báo chí để xâm phạm đển các cá nhân hoặc tổ chức. Trên thực tế, các nhà báo hoạt động vì lợi ích xã hội, của nhà nước là chống tiêu cực, theo như quy định ở Khoản 4 Điều 6 Luật Báo chí. Theo chúng tôi, về sau nếu cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi vi phạm nào khác của các nhà báo này, mà chỉ căn cứ theo như những gì công khai trên mặt báo hiện nay, thì sẽ rất khó quy kết được phạm tội.