Nguyễn Kim Vũ
(NguyenKimVu)
Thành viên<br><a href="http://www.hn-ams.org/forum
Chương 3
Naoko gọi tôi hôm thứ Bảy, và chúng tôi hẹn sẽ đi chơi với nhau vào Chủ nhật đó. Có lẽ tôi có thể gọi đó là một cuộc hẹn hò. Tôi chẳng tìm được từ nào thích hợp hơn.
Cũng như lần trước, chúng tôi đi bộ ngoài phố. Chúng tôi ghé qua uống cà-phê ở đâu đó, rồi đi tiếp, rồi ăn tối với nhau, rồi chia tay. Cũng như lần trước, nàng chỉ trò chuyện nhát gừng, nhưng có vẻ không thấy lúng túng gì về chuyện ấy, mà tôi cũng chẳng mấy bận tâm duy trì câu chuyện. Chúng tôi nói đến bất kỳ cái gì hiện đến trong đầu mình - những việc thường ngày, chuyện ở trường, chuyện gì cũng chỉ là những mảnh vụn nho nhỏ chẳng đi đến đâu. Chúng tôi không đả động gì đến quá khứ. Và phần lớn thời gian chúng tôi chỉ cắm cúi đi, cứ thế bước, đi mãi. May mà Tokyo là một thành phố rộng lớn và chúng tôi không thể đi hết mọi chỗ.
Hầu như cuối tuần nào chúng tôi cũng đi bộ như thế. Nàng sẽ đi trước, còn tôi thì theo sát đằng sau. Naoko có nhiều dải buộc tóc khác nhau nhưng luôn luôn buộc theo kiểu để lộ tai bên phải. Tôi nhớ nàng rõ nhất như thế, nhìn từ phía sau. Hễ lúng túng chuyện gì là nàng lại có lối nghịch dải buộc tóc của mình. Và lúc nào cũng chấm chấm một cái khăn tay lên miệng. Hễ nói gì là nàng lại làm vậy. Càng quan sát những thói quen ấy của nàng, tôi càng thấy thích nàng hơn.
Naoko học ở một trường nữ sinh đại học tại một vùng ven đô thôn đã ở phía tây Tokyo, một trường nhỏ rất nổi tiếng về đào tạo Anh ngữ. Gần trường có một con kênh đào hẹp nước rất sạch và trong, chúng tôi thường đi bộ dọc hai bên bờ của nó. Có khi Naoko mời tôi lên căn hộ của nàng và nấu cơm cho tôi ăn. Hình như chẳng bao giờ nàng bận tâm về chuyện hai đứa chúng tôi gần gụi nhau trong một nơi chật hẹp như thế. Căn phòng nhỏ, gọn gàng và thiếu những thứ rườm rà đến mức chỉ có mấy đôi tất phơi ở góc phòng gần cửa sổ là cho thấy có một cô gái đang sống ở đó. Nàng sống thật tùng tiệm và đơn giản, và hầu như không có bạn. Không ai đã từng biết nàng hồi trung học có thể tưởng tượng nàng lại như vậy. Hồi đó nàng ăn vận rất đỏm dáng và có vô số bạn bè vây quanh. Khi thấy phòng nàng ở, tôi nhận ra rằng cũng như tôi, nàng muốn đi đại học để bắt đầu một cuộc sống mới thật xa những người mà nàng đã biết.
"Biết tại sao mình chọn chỗ này không? Nàng hỏi, miệng mỉm cười. "Bởi vì những người ở nhà sẽ không ai tìm đến đây. Ai cũng nghĩ mình sẽ phải ở một chỗ nào đó sành điệu hơn. Cậu hiểu mình nói gì không?"
Dù sao, quan hệ của tôi với Naoko không phải là không tiến triển. Dần dà, nàng quen thuộc với tôi hơn, và tôi cũng vậy. Đến cuối hè và vào học kỳ mới, Naoko bắt đầu sánh vai cùng tôi như thể đó là một việc tự nhiên nhất trên đời. Nàng đã coi tôi là bạn rồi, tôi kết luận vậy và sánh bước cùng một cô gái đẹp như vậy hoàn toàn chẳng nặng nhọc gì đối với tôi. Chúng tôi vẫn tiếp tục đi bộ khắp Tokyo theo một lộ trình ngoằn ngoèo, lên đồi, qua sông và những con đường tàu, cứ thế bước đi mà không hề nghĩ sẽ đến đích ở nơi nào. Chúng tôi cứ nhằm thẳng phía trước mà đi, như thề việc đi bộ là một nghi lễ tôn giáo sẽ chữa lành đôi linh hồn bị tổn thương của chúng tôi. Nếu trời mưa, chúng tôi dùng ô che, nhưng vẫn sẽ đi cho dù thế nào.
Rồi mùa thu đến. Sân trong khu học xá phủ đầy lá zelkova. Hương thơm nhè nhẹ của buổi sang mùa đượm trong không gian khi tôi mặc lên người chiếc áo len đầu tiên. Sau khi đã đi mòn một đôi giày, tôi mua thêm hẳn vài đôi da lộn.
Tôi vẫn không thể nhớ lại hai đứa đã nói với nhau những chuyện gì. Chẳng có gì đặc biệt, có lẽ vậy. Chúng tôi tiếp tục tránh không nhắc đến quá khứ và hiếm khi nói về Kizuki. Chúng tôi có thể đối diện nhau khi uống cà phê trong im lặng hoàn toàn.
Naoko thích nghe tôi kể chuyện về Quốc-xã. Một lần hắn đi chơi với một sinh viên cùng lớp (một cô gái học dịa lý, tất nhiên rồi) nhưng còn sớm đã thấy về với bộ mặt ỉu xìu. "Này, W-W-Watanabe, với bọn con g-gơ-gơ gái thì cậu nói những chuyện gì?" Không nhớ là tôi đã trả lời hắn thế nào, nhưng rõ ràng là Quốc-xã đã chọn lầm người để hỏi chuyện đó. Hồi tháng Bảy, có kẻ trong khu học xá đã bỏ cái ảnh con kênh đào ở Amsterdam của Quốc-xã xuống và treo thay vào đó một bức ảnh chụp cây Cầu Cổng vàng. Hắn bảo tôi hắn muốn biết xem Quốc-xã có thủ dâm được với cái Cầu Cổng vàng hay không.
"Nó sướng rơn," tôi báo cáo lại mấy hôm sau đó. Và thế là có kẻ lại thay vào đó một bức ảnh chụp núi băng trôi ngoài biển. Mỗi lần bị thay ảnh như thế, Quốc-xã đều khó chịu.
"Đứ đứ đứa nào làm cái trò này thế?" hắn hỏi.
"Tớ cũng đang thắc mắc đây," tôi đáp. "Nhưng có sao đâu? Đều là ảnh đẹp cả. Cậu phải biết ơn mới phải."
"Ờ tớ cũng nghĩ thế, nhưng cũng kì thật."
Những mẩu chuyện của tôi về Quốc-xã lúc nào cũng làm cho Naoko phì cười. Không dễ gì làm được chuyện đó, nên tôi thường xuyên nói đến hắn, mặc dù không mấy tự hào vì đã dùng hắn vào việc ấy. Quốc-xã chỉ là đứa con trai út trong một gia đình chẳng giàu có gì và tình cờ lớn lên với thái độ quá coi trọng việc tu dưỡng bản thân của chính mình. Làm bản đồ là một mơ ước nhỏ nhoi của cuộc đời nhỏ nhoi của hắn. Ai có quyền gì đem hắn ra làm trò cười như vậy?
Thế nhưng đến lúc ấy thì những mẩu chuyện đùa bỡn về Quốc-xã đã trở thành nguồn đề tài tán dóc trong khu học xá, và chẳng cách gì để tôi có thể cứu vãn được chuyện đó. Ngoài ra, hình ảnh gương mặt mỉm cười của Naoko đã trở thành nguồn khoái lạc đặc biệt của tôi. Và tôi tiếp tục cũng cấp cho thiên hạ những mẩu chuyện mới.
Một lần Naoko đã hỏi tôi, chỉ một lần thôi, rằng tôi đã có cô gái nào ưa thích chưa. Tôi kể cho nàng nghe về cô gái tôi đã bỏ lại ở Kobe. "Cô ta tốt," tôi nói, "mình thích ngủ với cô ta, và đôi lúc vẫn còn nhớ cô ta, nhưng nói cho cùng thì cô ta không làm mình xúc động. Mình không biết, đôi khi mình nghĩ trong lòng mình có một cái nhân cứng ở đây này, và không gì có thể thâm nhập nó. Có lẽ mình không thể thực sự yêu ai."
"Thế cậu đã từng yêu chưa? Naoko hỏi.
"Chưa bao giờ," tôi đáp.
Và nàng không hỏi thêm nữa.
Khi mùa thu đã tàn và những cơn gió lạnh bắt đầu tràn về qua thành phố, Naoko sẽ thường nép chặt vào cánh tay tôi. Tôi có thể cảm thấy hơi thở của nàng qua lần vải dày của chiếc áo khoác nàng mặc. Nàng sẽ khoác chặt lấy tay tôi, hoặc thọc tay vào túi áo tôi, hoặc nếu trời thật lạnh thì nàng run rẩy bám chặt lấy cánh tay tôi.
Những cái đó chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt. Tôi vẫn tiếp tục bước, hai tay đút túi. Giày có đế cao-su của chúng tôi không gây tiếng động nào trên mặt vỉa hè, trừ những tiếng lạo xạo khô khốc mỗi khi chúng tôi giẫm phải những đám lá khô héo trên đường. Mỗi khi nghe tiếng động ấy, tôi thương cảm cho Naoko lắm. Cánh tay tôi không phải là cánh tay nàng cần, mà là tay người khác kia. Hơi ấm của tôi không phải là cái nàng cần, mà là hơi ấm của người khác kia. Tôi thấy gần như có tội vì đã là chính mình.
Càng vào sâu mùa đông, cái vẻ trong vắt của đôi mắt Naoko hình như cũng rõ ràng mãi lên. Đó là một thứ rõ ràng không biết sẽ dẫn tới đâu. Đôi khi Naoko khoá chặt tia nhìn của nàng vào mắt tôi mà không có lí do gì rõ rệt. Hình như nàng đang tìm kiếm một cái gì, và điều đó khiến tôi tràn ngập một cầm giác vô vọng và cô đơn kì lạ.
Tôi tự hỏi có phải là nàng đang cố truyền đạt một điều gì đó cho tôi, một điều gì đó mà nàng không thể nói nên lời - một điều gì đó có trước cả ngôn từ mà nàng không thể nắm bắt và do đó không thể hy vọng sẽ biến nó thành lời. Và thế là nàng sẽ nghịch cái dải buộc tóc, chấm chấm chiếc khăn tay lên miệng, hoặc nhìn vào mắt tôi với một vẻ vô nghĩa như thế. Tôi những muốn ôm chặt lấy nàng những lúc ấy, nhưng lại do dự và khựng lại. Tôi sợ mình sẽ làm nàng đau đớn. Và thế là hai chúng tôi cứ đi mãi trên những con phố Tokyo, trong khi Naoko cứ tìm kiếm lời lẽ trong không gian trống vắng.
Tụi con trai trong khu học xá luôn trêu chọc tôi mỗi khi tôi nhận điện thoại của Naoko hoặc ra đi vào một sáng Chủ nhật. Chúng đồ rằng, mà cũng tự nhiên thôi, tôi đã có bồ. Không thể giải thích sự thật cho chúng, và cũng chẳng cần phải thế, nên tôi để mặc cho chúng muốn nghĩ sao thì nghĩ. Tối về tôi phải chịu trận với hàng loạt các câu hỏi tọc mạch của chúng: Bọn tôi đã thử những động tác gì? Chỗ ấy của con bé nó ra sao? Đồ lót của nó hôm ấy màu gì? Chúng muốn nghe gì thì tôi trả lời theo thế.
Cứ như thế, tôi đi từ tuổi mười tám sang tuổi mười chín. Ngày nào mặt trời cũng mọc lên rồi lặn xuống, lá cờ cũng được kéo lên rồi hạ xuống. Chủ nhật nào tôi cũng đi chơi với cô gái của đứa bạn quá cố. Tôi không biết mình đang làm gì hoặc sẽ làm gì. Ở lớp thì tôi đọc Claudel và Racine và Eisenstein, nhưng họ hầu như chẳng có nghĩa lý gì với tôi. Ở lớp không đánh bạn với ai, và cũng hầu như chẳng quen ai trong khu học xá. Mọi người tưởng tôi muốn trở thành nhà văn vì lúc nào tôi cũng chỉ một mình với một cuốn sách, nhưng tôi đâu có tham vọng ấy. Tôi chẳng muốn thành một cái gì cả.
Tôi định nói về cảm giác ấy với Naoko. Ít ra thì nàng cũng có thể hiểu được tôi đang cảm thấy gì với một mửc độ chính xác nào đó, tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi không bao giờ tìm được từ để diễn đạt mình. Lạ thật. Có vẻ như tôi đã lây căn bệnh thiếu lời của nàng.
Những tối thứ Bảy, tôi sẽ ngồi cạnh máy điện thoại ở dưới sảnh, đợi cú gọi của Naoko. Hầu hết mọi người đều đi cả nên sảnh nhà thường vắng teo. Tôi sẽ nhìn chăm chú những hạt sáng lửng lơ trong cái không gian im lìm ấy, cố sức nhìn vào chính cõi lòng mình. Tôi muốn gì? Và những người khác muốn gì ở tôi? Nhưng chẳng bao giờ tôi tìm được lời đáp. Đôi khi tôi sẽ đưa tay ra cố bắt lấy những hạt sáng kia, nhưng ngón tay tôi chẳng chạm thấy cái gì hết.
Tôi đọc nhiều, nhưng không nhiều sách khác nhau. Tôi thích đọc đi đọc lại những tác giả mà mình ưa thích nhất. Hồi đó là Truman Capote, John Updike, E Scott Fiagerald, Raymond Chandler, nhưng tôi không thấy có ai ở lớp hoặc trong khu học xá cũng đọc những tác giả ấy. Họ thích Kazumi Takahashi, Kenzaburo Oe, Yukio Mishima, hoặc những tiếu thuyết gia đương đại Pháp. Đó cũng là lí do tại sao tôi chẳng có gì nhiều để chuyện trò với ai mà chỉ lui thui với những cuốn sách của mình. Tôi thường nhắm nghiền mắt lại, chạm tay vào một cuốn sảch quen thuộc rồi rút lấy hương vị của nó vào sâu thẳm lòng mình. Thế là đủ để tôi hạnh phúc.
Tuổi mườì tám, cuốn sách yêu thích nhất của tôi là cuốn Nhân mã của John Updike, nhưng sau khi đã đọc nó một số lần, nó bắt đầu mất dần ánh hào quang ban đầu và phải nhường ngôi trên ấy cho cuốn Gatsby vĩ đại. Gatsby ở ngôi ấy một thời dài sau đó. Tôi thường rút nó ra khỏi giá sách mỗi lúc hứng chí và đọc một đoạn bất kì. Chưa bao giờ nó làm tôi thất vọng. Không có một trang buồn tẻ nào trong cuốn sách ấy. Tôi muốn nói cho mọi người biết rằng đó là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, nhưng xung quanh tôi chưa có ai đã từng đọc Gatsby vĩ đại hoặc có ý muốn đọc nó. Mà giới thiệu và khuyến khích người khác đọc E Scott Fitzgerald, mặc dù không phải là một hành vi phản động, thật sự là một việc không thể làm được hồi 1968.
Khi cuối cùng gặp được một người trong thế giới của tôi đã từng đọc Gatsby vĩ đại, chúng tôi lập tức thành bạn của nhau. Tên hắn là Nagasawa. Hắn hơn tôi hai tuổi và, vì đang học luật tại Đại học Tokyo danh tiếng, hắn đã thuộc loại được đặc tuyển để sẽ gia nhập hàng ngủ lãnh đạo quốc gia. Chúng tôi ở cùng trong khu học xá và chỉ mới biết mặt nhau, cho đến một hôm tôi ngồi đọc Gatsby vĩ đại ở một chỗ sáng trong nhà ăn. Hắn ngồi xuống cạnh tôi và hỏi tôi đang đọc gì. Tôi bảo hắn, và hắn hỏi tôi có thích cuốn sách không. "Tôi đang đọc nó lần này là lần thứ ba" tôi đáp, "và lần nào cũng thấy có cái gì đó mới mẻ thích thú hơn lần trước."
"Người này nói hắn đã đọc Gatsby vĩ đại ba lần," hắn nói như thể độc thoại. "Hãy nghe đây, bất kì người bạn nào của Gatsby vĩ đại cũng là bạn của tôi."
Và thế là chúng tôi thành bạn. Chuyện đó diễn ra hồi tháng Mười.
Càng biết thêm về Nagasawa, hắn càng có vẻ lạ lùng hơn. Trong đời tôi đã gặp khối kẻ lạ lùng, nhưng không ai lạ bằng Nagasawa. Hắn mọt sách hơn tôi rất nhiều, nhưng hắn có lệ không bao giờ động đến một cuốn sách nếu tác giả của nó chết chưa được ba mươi năm. "Chỉ có sách loại ấy tớ mới tin được," hắn nói.
"Không phải tớ không tin vào văn học đương đại," hắn nói thêm, "nhưng tớ không muốn phí ngày giờ quý báu để đọc những thứ chưa được thời gian chấp nhận. Đời ngắn lắm."
"Cậu thích những tác giả kiểu gì?" tôi hỏi ngưởi trên mình hai tuổi bằng giọng cung kính.
"Balzac, Dante, Joseph Conrad, Dickens," hắn đáp liền.
"Không được thời thượng cho lắm."
"Chính thế nên tớ mới đọc họ. Nếu đọc những sách mọi người đều đang đọc, cậu sẽ chỉ nghĩ nhưng gì mọi người đang nghĩ mà thôi. Đó là thế giới của bọn cà tầm và rởm đời. Người chân chính sẽ rất xấu hổ nếu phải làm như vậy. Cậu không thấy thế sao hở Watanabe? Cậu với tớ là những con người đích thực duy nhất trong cái khu học xá này. Những thằng khác đều là đồ bỏ đi hết."
Tôi thật sự choáng. "Sao cậu có thể nói như vậy được?"
"Vì đó là sự thật. Tớ biết. Tớ có thể thấy rõ điều đó. Giống như chúng ta có dấu hiệu đặc biệt ở trên trán vậy. Và ngoài ra, cả hai ta đều đọc Gatsby vĩ đại."
Tôi tính nhẩm thật nhanh. "Nhưng Fitzgerald mới chết được hai mươi tám năm," tôi nói.
"Thì đã sao? Hai năm ư? Với Fitzgerald thì tính thêm lên thế được rồi."
Không có ai khác trong khu học xá biết chuyện Nagasawa là một độc giả bí mật của tiểu thuyết cổ điển, mà nếu họ có biết cũng chẳng làm sao. Nagasawa nổi tiếng thông minh. Hắn đỗ vào Đại học Tokyo như đi chơi, hắn được toàn điểm tốt, hắn sẽ thi hành chính quốc gia, vào Bộ Ngoại giao và trở thành một chính khách. Gia đình hắn giàu có. Cha hắn là chủ một bệnh viện lớn ở Nagoya, anh hắn cũng đã tốt nghiệp ở Tokyo, theo học y khoa, và một ngày nào đó sẽ thừa hưởng cái bệnh viện.
Nagasawa lúc nào cũng có đầy tiền trong túi, và hắn cư xử rất đường hoàng đĩnh đạc. Mọi người đều tôn trọng hắn, ngay cả ông giám đốc khu học xá. Khi hắn nhờ ai làm việc gì, người ấy sẽ cũng cúc làm ngay. Chuyện ấy không có lựa chọn nào khác.
Nagasawa có một phẩm chất tự nhiên nào đó hấp dẫn được mọi người và khiến mọi người phải theo mình.
Hắn biết phải làm đầu đàn ra sao, biết đánh giá tình thế, biết ra những mệnh lệnh vừa chính xác vừa lịch thiệp khiến người khác phải tuân thủ. Trên đầu hắn lơ lửng một vòng sáng tiết lộ quyền lực của hắn giống như vòng hào quang của thiên thần, và chỉ nhìn thấy thế cũng đủ làm người ta phải khiếp sợ con người siêu việt này. Cũng chính vì thế mà mọi người đều choáng khi thấy Nagasawa chọn tôi, một kẻ chẳng có phẩm chất gì nổi bật, làm người bạn đặc biệt của hắn. Vì thế mà có những người tôi hầu như không quen biết lại đối xử với tôi có phần rất trọng thị, nhưng điều dường như họ không nhận ra lại đơn giản thế này thôi: sở dĩ Nagasawa chọn tôi là vì tôi cư xử với hắn hoàn toàn chẳng có tí e dè nể sợ như hắn vẫn thấy ở tất cả những người khác. Đúng là tôi có thích thú với những phương diện phức tạp lạ lùng trong bản chất của hắn, nhưng chẳng có gì trong những thứ kia - nào điểm tốt, nào hào quang, nào vẻ ngoài của hắn – có được tí ấn tượng gì với tôi. Chắc điều đó phải là cái gì mới mẻ đối với hắn.
Trong nhân cách của Nasagawa có những cái cực kì mâu thuẫn với nhau. Có nhiều lần chính tôi cũng phải cảm động vì lòng tốt của hắn, nhưng hắn cũng có thể nhẫn tâm và đểu cáng không kém. Hắn vừa là một đạo linh hồn cao thượng tuyệt vời, vừa là một hạng rác rưởi cống rãnh vô phương cứu chuộc. Hắn có thể vẫn xốc tới như một vị lãnh tụ lạc quan trong khi chính con tim hắn đang khô héo giữa một đầm lầy cô độc. Ngay từ đầu tôi đã thấy những phẩm chất đầy nghịch lý này của hắn, và tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao chúng lại không hiển hiện rõ ràng trong mắt mọi người khác. Hắn sống trong cõi địa ngục đặc biệt của riêng mình.
Dù sao, có lẽ tôi đã luôn cố gắng nhìn hắn dưới một ánh sáng rõ ràng nhất. Cái phẩm giá lớn nhất của hắn là lòng trung thực. Không những hắn không bao giờ nói dối, hắn còn luôn sẵn sàng nhận khuyết điểm của mình. Không khi nào hắn định che giấu những gì có thể gây lúng túng cho bản thân. Và đối với tôi, hắn lúc nào cũng tử tế và sẵn sàng giúp đỡ. Nếu không có hắn, cuộc sống của tôi trong khu học xá sẽ buồn chán hơn rất nhiều. Thế nhưng tôi vẫn chưa một lần nào cởi mở lòng mình với Nagasawa, và trong chuyện này thì quan hệ của tôi với hắn hoàn toàn trái ngược với quan hệ của tôi với Kizuki.
Lần đầu tôi thấy Nagasawa say rượu và hành hạ một cô gái, tôi đã thề với mình sẽ không bao giờ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, được cởi mở lòng mình với hắn.
Khu học xá lan truyền nhiều "truyền thuyết" về Nagasawa. Một truyền thuyết nói đã có lần hắn ăn liền ba con ốc sên. Một truyền thuyết nữa nói hắn có một bộ củ khổng lồ và đã ngủ với hơn một trăm cô gái.
Câu chuyện ốc sên là có thật. Chính hắn kể vậy với tôi "Ba con mẹ to đùng," hắn nói. "Nuốt chửng tất cả một lúc."
"Để làm cái quái gì vậy?"
"À, chuyện đó xảy ra trong năm đầu tiên tớ đến sống ở đây," hắn nói. "Có vài chuyện như cứt xảy ra giữa bọn năm đầu và bọn năm thứ ba. Bắt đầu từ tháng Tư và đến tháng Chín thì căng thẳng cực độ. Vì là đại diện cho bọn năm đầu, tớ đi dàn hoà với bọn năm thứ ba. Một bọn hữu khuynh khốn nạn thực sự. Chúng đều đeo kiếm gỗ kendo, và rõ ràng chẳng có tí ý định dàn hoà. Thế là tớ bảo, "Thôi được, ta hãy chấm dứt sự việc ở đây. Bọn bay muốn làm gì tao thì làm, nhưng hãy để cho bọn năm đầu được yên thân". Thế là chúng nó bảo, "Ôkê, hãy nuốt chửng vài con ốc sên cho chúng tao xem". "Được thôi," tớ nói, "đem chúng đến đây." Bọn khốn ra ngoài và đem về ba con to dùng. Và tớ nuốt chửng cả ba."
"Nó ra làm sao?"
"Nó ra làm sao hả? Cậu phải tự nuốt chúng thì mới biết được. Cái cách nó chuồi vào cuống họng rồi trôi dần xuống tận bụng… lành lạnh, và sau đó thì có một dư vị rất kinh khủng… yyyyặc! Chỉ nghĩ đến thôi tớ cũng thấy lạnh cả người. Tớ muốn nôn lắm nhưng cố nhịn. Bởi vì nếu mà nôn ra, tớ sẽ phải nuốt tất cả chúng lại một lần nữa. Thế là tớ nhịn bằng được. Cả ba con nằm im trong bụng."
"Rồi thì sao?"
"Tớ về phòng mình và uống một xô nước muối. Làm thế đếch nào được nữa."
"Ờ tớ cũng đoán thế."
"Nhưng sau đó, không ai có thể nói gì được tớ. Cả bọn năm thứ ba cũng vậy. Tớ là thằng duy nhất ở đây có thể nuốt chửng liền ba con ốc sên."
"Chắc chắn rồi."
Tìm xem bộ củ của hắn to cớ nào thì dễ ợt. Tôi chỉ việc vào tắm chung với hắn trong nhà tắm công cộng của khu học xá. Công nhận là hắn có một bộ củ thực to. Nhưng một trăm cô gái thì có thế là thậm xưng.
"Có thể là bảy mươi lăm, hắn nói. "Tớ không thể nhớ hết bọn chúng, nhưng chắc chắn ít nhất cũng phải là bảy mươi."
Khi tôi bảo hắn tôi mới chỉ ngủ với một cô gái, hắn nói:
"Ôi dào, mình sẽ điều chỉnh việc đó, dễ mà. Lần sau cậu đi với tớ. Tớ sẽ kiếm ngay một đứa cho cậu, dễ lắm."
Tôi không tin hắn, nhưng hoá ra hắn nói đúng. Dễ thật. Hình như còn hơi dễ quá, khi đã lên men với những cốc bia đã hả. Chúng tôi đến một chỗ như là một quầy bar ở Shibuya hoặc Shinjuku gì đó (hắn có những địa điểm ưa thích riêng), thấy một cặp bạn gái (thế giới đầy những cặp bạn gái), nói chuyện với chúng, uống, về một khách sạn, và làm tình với chúng. Hắn tán chuyện cực giỏi. Không phải là hắn có những chuyện hay ho gì, mà là bọn con gái hễ cứ nghe tiếng hắn nói là mê tơi, rồi uống rõ nhiều, và cuối cùng thì ngủ với hắn. Tôi đoán chúng thích được ở bên cạnh một người hay như vậy, đẹp trai và thông minh như vậy. Và điều đáng kinh ngạc nhất là, chỉ vì tôi đi cùng với hắn, tôi có vẻ cũng trở nên hấp dẫn hệt như hắn. Nagasawa thường giục tôi tán chuyện đi, và bọn con gái sẽ quay sang tôi với những nụ cười khâm phục hệt như đối với hắn. Hắn sử dụng phép thuật của mình, một tài năng thực sự vẫn luôn gây ấn tượng với tôi. So với Nagasawa, tài nói chuyện của Kizuki chỉ là trò trẻ con. Đây hoàn toàn là một đẳng cấp khác. Ấy thế mà dù có thấy mình bị quyền phép của Nagasawa chi phối đến mấy, tôi vẫn nhớ tiếc Kizuki. Tôi có một cảm xúc khâm phục mới mẻ đối với tính trung thực của Kizuki. Cậu chỉ chia sẻ tất cả tài năng của mình cho tôi và Naoko, trong khi Nagasawa lại thích phân phát những món quà quý giá của hắn cho tất cả mọi người xung quanh. Không phải vì hắn thèm được ngủ với những cô gái hắn tìm thấy, mà đó chỉ là một trò chơi với hắn vậy.
Tôi không quá máu mê trong chuyện ngủ với những cô gái không quen biết. Dĩ nhiên đó là cách giải toả bức xúc xác thịt của tôi, và tôi cũng thích tất cả những trò ôm ấp đụng chạm kia, nhưng tôi ghét những buổi sáng hôm sau thậm tệ. Tôi sẽ thức giấc và thấy cô gái lạ ấy nằm ngủ ngay cạnh mình, gian phòng thì sặc mùi rượu, còn cái giường cùng với đèn đóm và rèm cửa thì đều lòe loẹt chướng mắt theo kiểu các "khách sạn tình yêu" và đầu tôi thì mụ mị như trong sương mù sau một đêm bí tỉ. Thế rồi cô gái sẽ thức giấc và bắt đầu mò mẫm xung quanh tìm những đồ bà rằn của mình và trong khi xổ bít-tất cô ta sẽ nói những câu đại loại như, "Em hy vọng đêm qua anh có dùng cái ấy. Tháng này thì đây là ngày tệ nhất của em đấy." Rồi cô ta sẽ ngồi xuống trước gương và bắt đầu lầu bầu về cơn nhức đầu hoặc về sự lủng củng của các món đồ trang điểm trong lúc tô lại môi hoặc dính lại hàng mì giả. Tôi vẫn thích không phải ở cả đêm với họ, nhưng ta không thể lo đối phó với lệnh cấm trại ban đêm của khu học xá trong khi đi ve gái (dù sao thì nó cũng trái với các quy luật vật lý), Và bao giờ tôi cũng phải mang theo giấy thông hành qua đêm. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ phải ở lại bên ngoài cho đến sáng và trở về khu học xá với đầy những thất vọng và ghê tởm bản thân trong khi nắng sáng như dao đâm vào mắt, mồm miệng khô như ngậm cát, còn đầu óc thì như của ai khác vậy.
Khi đã ngủ với ba hoặc bốn cô gái theo kiều ấy, tôi hỏi Nagasawa, "Sau khi cậu đã làm chuyện này bảy mươi lần, nó có bắt đầu trở nên vô nghĩa không?"
"Điều đó chứng tỏ cậu là một người đàng hoàng tử tế", hắn nói. "Xin chúc mừng. Dứt khoát là chẳng được gì hết khi ta ngủ với hết đàn bà lạ này sang đàn bà lạ khác. Nó chỉ làm ta kiệt sức và khiến ta ghê tởm chính mình. Với tớ cũng thế thôi."
"Vậy thì vì lí do quái gì mà cậu cứ tiếp tục như thế?"
"Khó nói thật. Mà này, chắc cậu đã biết Dostoyevski viết gì về cờ bạc rồi chứ? Nó như vậy đấy. Khi ta bị vây quanh bởi vô vàn những cơ may, việc khó làm nhất là để tuột mất chúng. Hiểu điều tớ nói không?"
"Vậy vậy thôi."
"Nghe đây. Mặt trời lặn xuống. Bọn con gái ra ngoài và uống rượu. Chúng lang thang xung quanh và tìm kiếm cái gì đó. Tớ có thể cho chúng cái đó. Đó là việc dễ dàng nhất thế giới, như uống nước vặn ở vòi ra vậy. Chưa kịp nghĩ ngợi gì thì tớ đã đè chúng ra rồi. Đó là cái chúng mong đợi. Đó là cái mà tớ gọi là cơ may. Nó đầy rẫy xung quanh. Làm sao có thể phớt lờ nó được? Ta có khả năng và cơ hội để tận dụng nó. Cậu có thể cứ ngậm miệng và để nó tuột mất chăng?
"Tớ không biết, tớ chưa bao giờ ở trong một tình huống như thế," tôi nói vớỉ một nụ cười. "Tớ không thể tưởng tượng nó ra làm sao."
"Thật may mắn cho cậu," Nagasawa nói.
Máu ham gái là lí do Nagasawa sống trong khu học xá mặc dù gia đình hắn rất giàu có. Sợ rằng Nagasawa sẽ không làm một việc gì khác khi sống một mình ở Tokyo, cha hắn đã buộc hắn phải sống cả bốn năm đại học trong khu học xá. Chuyện đó cũng chẳng nhằm nhò gì lắm với Nagasawa. Hắn chẳng chịu để một vài điều kỷ luật quấy rầy đến mình. Hễ khi nào thích, hắn sẽ lấy một thông hành qua đêm và đi săn gái hoặc ngủ lại ở căn hộ cô bồ của hắn. Những giấy thông hành này lấy được cũng không dễ gì, nhưng với hắn thì chúng cứ như giấy cho không - cả với tôi nữa cũng thế, nếu hắn là người đứng ra xin.
Nagasawa cũng có một cô bồ bền chặt mà hắn đã cặp ngay từ năm thứ nhất. Tên cô ta là Hatsumi, và cô cùng tuổi với Nagasawa. Tôi đã gặp cô vài lần và thấy cô rất hay. Cô ta không có cái vẻ ngoài nhìn một cái là thấy hấp dẫn ngay, và quả thực cô bình thường đến mức khi gặp lần đầu tôi đã phải tự hỏi tại sao Nagasawa không tìm một ai xinh đẹp hơn, nhưng hễ ai đã có dịp chuyện trò với cô cũng đều lập tức thích cô ngay. Ít nói, thông minh, dí dỏm, biết quan tâm đến người khác, lúc nào cô cũng ăn vận với một thị hiểu không thể chê vào đâu được. Tôi thích cô ghê lắm và biết rằng nếu tôi có thể có được một bạn gái như Hatsumi, tôi sẽ không lang chạ với đám gái linh tinh lang tang kia làm gì. Cô cũng thích tôi, và đã cố sức gán ghép tôi với một cô bạn năm thứ nhất trong cùng câu lạc hộ với cô để cả bốn đứa có thể cùng đi chơi với nhau, nhưng tôi thường bịa lí do để tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Hatsumi học ở một đại học nữ cao giá nhất nước, và không có cách gì để tôi có thể chuyện trò được với một trong những nữ chúa siêu giàu có ấy.
Hatsumi biết thừa là Nagasawa lang chạ lung tung, nhưng cô không bao giờ ca thán gì với hắn. Cô thực sự yêu nhưng không bao giờ đòi hỏi.
"Tớ không xứng với một cô gái như Hatsumi," Nagasawa có lần nói với tôi. Tôi phải đồng tình với hắn thôi.
Mùa đông ấy tôi kiếm được một việc làm thêm trong một tiệm bán đĩa nhạc ở Shinjuku. Tiền chẳng được mấy, nhưng công việc dễ dàng - chỉ có canh chừng cửa hàng ba đêm một tuần - và họ cho tôi được mua đĩa giá rẻ. Dịp Giáng sinh tôi mua cho Naoko một bộ đĩa Henry Mancini trong đó có bài "Trái tim Yêu dấu ưa thích của nàng. Tôi tự tay gói ghém món quà, đính cả một dải ruy-băng đỏ rực. Nàng tặng tôi một đôi găng tay len nàng đan. Ngón cái hơi bị ngắn, nhưng chúng giữ đôi bàn tay tôi ấm áp.
"Ôi chao, xin lỗi nhé," nàng nói, mặt ửng đỏ, "Mình đan kém quá!"
"Có sao đâu, chúng rất vừa mà," tôi nói, giơ cả hai bàn tay đi găng ra cho nàng.
"Cũng được, ít nhất thì cậu cũng không phải hai tay đút túi quần mãi nữa, phải không nào?"
Naoko không về nhà ở Kobe kỳ nghỉ đông ấy. Tôi cũng ở lại Tokyo, làm việc ở tiệm đĩa nhạc cho đến tận cuối năm. Tôi chẳng có gì đặc biệt vui vẻ để làm ở Kobe, cũng chẳng có ai tôi muốn gặp ở đó. Nhà ăn khu học xá đóng cửa trong kỳ nghỉ, và tôi đến ăn cơm ở căn hộ của Naoko. Đêm Giao thừa, hai đứa ăn bánh gạo và súp như tất cả mọi người.
Rất nhiều chuyện xảy ra từ cuối tháng Giêng đến tháng Hai năm ấy, 1969.
Cuối tháng Giêng, Quốc-xã liệt giường vì một trận sốt cấp tính. Có nghĩa là tôi phải thất hứa với Naoko đúng ngày hôm đó. Tôi đã phải chạy vạy mãi mới có được mấy tấm vé hoà nhạc không mất tiền. Nàng đã rất khấp khởi muốn đi nghe vì dàn nhạc sẽ chơi một trong những bản nhạc ưa thích nhất của nàng là Giao hưởng số Bốn của Brahm. Nhưng với Quốc-xã đang vật vã trên giường và có vẻ như đang sắp chết một cách đớn đau, tôi không thể bỏ mặc hắn ở đó, và cũng không thể tìm được ai ngu xuẩn đến mức thay tôi chăm sóc hắn. Tôi mua ít nước đá và dùng nhiều lớp túi nilông để chườm đá lên trán hắn, lau mồ hôi trên mặt hắn bằng khăn ướp lạnh, cặp nhiệt độ hàng giờ cho hắn, và thay cả áo chẽn cho hắn. Cơn sốt kéo dài một ngày, nhưng sáng hôm sau hắn đã nhảy ra khỏi giường và tập thể dục như không có chuyện gì xảy ra. Thân nhiệt hắn lại hoàn toàn bình thường. Khó có thể tin hắn là một con người.
"Lạ thật," Quốc-xã nói. "Suốt đời tớ có bao giờ sốt siếc gì đâu." Gần như là hắn đang đổ lỗi cho tôi vậy.
Đíều đó làm tôi phát điên. "Nhưng mà cậu vừa bị một cơn sốt xong," tôi khăng khăng, cho hắn coi hai tấm vé bị bỏ phí.
"May mà chúng không mất tiền mua," hắn nói. Tôi đã định giật lấy cái đài của hắn và quẳng nó ra ngoài cửa sổ, nhưng lại lên giường nằm với một cơn nhức đầu.
Tuyết rơi nhiều lần trong tháng Hai.
Gần cuối tháng, tôi sa vào một trận cãi cọ ngu xuẩn với một gã năm thứ ba ở cùng tầng với tôi và ra tay đấm hắn. Hắn bị dập đầu vào tường bêtông, nhưng bị thương không nặng lắm, và Nagasawa đã ra tay giải quyết sự vụ ổn thổa cho tôi. Nhưng tôi vẫn bị gọi lên văn phòng giám đốc khu học xá và bị cảnh cáo. Sau đó, cuộc sống trong khu học xá mỗi ngày một thêm khó chịu đối với tôi.
Năm học kết thúc vào tháng Ba, nhưng tôi bị thiếu một vài học phần. Kết quả thi của tôi trung bình - hầu hết là C với D, chỉ có vài con B. Naoko có được đủ những điểm cần thiết để sang học kỳ mùa xuân của năm thứ hai.
Chúng tôi đã xong được một chu kỳ đầy đủ của bốn mùa.
Đến giữa tháng Tư thì Naoko tròn hai mươi tuổi. Nàng hơn tôi bảy tháng. Sinh nhật tôi là vào tháng Mười một.
Có cái gì đó là lạ trong việc nàng đã tròn hai mươi. Tôi cảm thấy dường như chỉ có duy nhất một thứ có ý nghĩa với Naoko cũng như với tôi, và đó là cứ tiếp tục qua lại mãi giữa tuổi mười tám và mười chín. Sau tuổi mười tám sẽ là tuổi mười chín, và sau mười chín lại đến mười tám, tất nhiên rồi. Nhưng nàng đã tròn hai mươi. Và đến mùa thu thì tôi cũng vậy. Chỉ có người chết mới mãi mãi ở tuổi mười bảy mà thôi.
Trời mưa hôm sinh nhật nàng. Sau giờ học tôi mua một cái bánh gatô ở gần đó rồi lên tàu điện đến căn hộ của nàng. "Chúng ta phải ăn mừng chứ," tôi bảo nàng.
Có thể tôi cũng sẽ muốn như thế nếu ở địa vị nàng. Sinh nhật lần thứ hai mươi mà chỉ có một mình thì sợ quá. Tàu điện chật ních người và chạy giật cục kinh hồn đến nỗi khi tôi đến nơi thì cái bánh trông như toà đấu trường La Ma đổ nát chứ không ra hình thù gì khác. Dù sao, lúc tôi đã cắm được hai mươi cái nến đem theo, thắp sáng chúng, kéo rèm cửa và tắt đèn đi thì chúng tôi cũng vẫn có đầy đủ một buổi liên hoan mừng sinh nhật. Naoko mở một chai vang. Chúng tôi uống, ăn một ít bánh, và thương thức một bữa tối giản dị.
"Mình không biết nữa, thật ngu xuẩn khi hai mươi tuổi, nàng nói. "Mình chưa sẵn sàng. Là lạ thế nào ấy. Giống như có ai cứ đẩy mình từ sau lưng."
"Mình còn bảy tháng nữa để sẵn sàng," tôi nói và cười vang.
"Cậu thật may mắn! Vẫn mười chín tuổi!" Naoko nói hơi có giọng ganh tị.
Trong lúc ăn tôi kể cho nàng về cái áo len cộc tay mới của Quốc-xã. Từ trước hắn vẫn chỉ có độc một cái màu xanh thuỷ quân, nên bây giờ có cái thứ hai là cả một chuyển biến lớn. Bản thân cái áo thì cũng hay, màu đỏ và đen, đan có trang trí hình con hươu, nhưng mặc vào người hắn thì ai thấy cũng phải phì cười. Hắn không hiểu ra làm sao cả.
"C cơ cai-cái gì mà họ cười thế hả, Watanabe?" hắn hỏi, ngồi xuống cạnh tôi trong nhà ăn. "Có cái gì dính trên trán tớ à?"
"Có gì đâu," tôi nói, cố giữ vẻ mặt bình thường.
"Có gì buồn cười đâu. Cái áo len đẹp đấy."
"Cảm ơn," hắn nói, mặt rạng rỡ.
Naoko thích chuyện ấy quá. "Mình phải gặp anh chàng đó mới được," nàng bảo. "Chỉ một lần thôi."
"Không thể được," tôi nói. "Cậu sẽ phì cười vào mặt hắn thôi."
"Cậu nghĩ thế à?"
"Mình cuộc là vậy. Ngày nào mình cũng thấy hắn và nhiều khi vẫn không thể nhịn được cười."
Chúng tôi dọn bàn rồi ngồi xuống sàn, nghe nhạc và uống nốt chỗ rượu vang. Khi tôi uống hết một cốc thì nàng đã cạn hết hai.
Đêm ấy Naoko nói nhiều khác thường. Nàng kể cho tôi về thời thơ ấu của nàng, trường học và gia đình nàng. Chuyện nào cũng dài, mà kể thật tỉ mỉ chi tiết như một bức tiểu hoạ. Tôi kinh ngạc thấy kí ức nàng mạnh đến vậy, nhưng khi ngồi lắng nghe nàng, tôi bỗng chợt thấy có cái gì đó không ổn trong lối kể chuyện của nàng, một cái gì đó lạ lùng, thậm chí méo mó. Mỗi câu chuyện đều có cái logic riêng của nó, nhưng mối liên hệ của chúng với nhau thì lại bất thường. Chưa kịp nghe thủng thì chuyện A đã nhập vào với chuyện B, vốn đã có ở A rồi, và sau đó thì chuyện C lại xuất hiện từ cái gì đó ở chuyện B, cứ thế không bao giờ dứt. Lúc đầu tôi còn cố tìm cách đối đáp, nhưng một lúc sau thì chịu chết. Tôi đặt một đĩa hát lên máy và khi hết thì nhấc kim ra và thay một đĩa khác vào đó. Chạy hết đã cuối cùng thì tôi quay lại đĩa đầu tiên. Nàng chỉ có sáu đĩa tất cả. Chu kỳ âm nhạc bắt đầu bằng bài Băng nhạc câu lạc bộ những trái tim cô đơn của Sgt. Pepper và kết thúc bằng bản Điệu Van-xơ cho Debbie của Bill Evan. Mưa cứ rơi ngoài cửa sổ.
Thời gian chầm chậm trôi. Naoko tiếp tục nói chuyện một mình.
Cuối cùng thì tôi đã hiểu ra cái gì không ổn: Naoko đang hết sức cảnh giác không động đến một số điều gì đó trong khi nàng kể chuyện. Một là Kizuki, tất nhiên rồi, nhưng còn hơn thế nữa. Và mặc dù đã có một số chủ đề nàng cương quyết lảng tránh, Naoko vẫn cứ nói mãi và tỉ mẩn không thể tưởng tượng được về những thứ linh tinh vụn vặt và tầm thường nhất. Tôi chưa bao giờ nghe nàng nói hùng hồn đến thế nên không dám ngắt lời.
Khi đồng hồ điểm mười một giờ thì tôi bắt đầu thấy bồn chồn. Naoko đã nói liền tù tì hơn bốn tiếng rồi. Tôi cần phải lo đến chuyến tàu cuối cùng của mình cũng như lệnh giới nghiêm nửa đêm của khu học xá. Tôi chộp lấy một cơ hội và cắt lời nàng.
"Đã đến lúc lính tráng phải về," tôi nói, mắt nhìn đồng hồ đeo tay. "Sắp đến chuyến tàu cuối rồi."
Lời tôi nói có vẻ không đến được tới nàng. Hoặc nếu được thì nàng đã không thể hiểu chúng có nghĩa gì.
Nàng ngậm chặt miệng chưa đến một giây, rồi lại tiếp tục nỏi. Tôi đầu hàng, sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái hơn và uống nốt chỗ vang còn lại của cái chai thứ hai. Tôi nghĩ cứ nên mặc nàng nói cho hả thì thôi. Lệnh giới nghiêm và chuyến tàu cuối cùng sẽ phải tự chúng giải quyết với nhau.
Nhưng nàng cũng không tiếp tục lâu nữa. Khi tôi để ý thì nàng đã ngừng rồi. Phần cuối tơi tả của lời nàng dường như đang bồng bềnh trong không gian, nơi chúng đã bị bóc xuống từ nãy đến giờ. Nàng không thực sự kết thúc những gì đang nói. Chỉ đơn giản là lời nàng đã biến thành không khí hết cả. Nàng vẫn muốn tiếp tục, nhưng chẳng còn gì ở đó nữa. Một cái gì đó vừa biến mất, và có thể tôi đã là kẻ gây ra điều tàn hại ấy. Lời tôi nói có thể cuổi cùng đã đến được tới nàng, chờ ở đó để được nàng hiểu, và tiêu diệt hết phần năng lượng đã khiến nàng nói chuyện được lâu đến thế. Đôi môi hơi hé mở, nàng quay cặp mắt chưa biết nhìn vào đâu về phía tôi. Trông nàng giống như một cỗ máy đang chạy đều thì bị người rút mất điện. Mắt nàng có vẻ mờ mịt, như bị một thứ màng mỏng và trong veo kéo qua che kín.
"Mình xin lỗi đã ngắt lời cậu," tôi nói, "nhưng đã muộn rồi, và…"
Một giọt lệ lớn từ mắt nàng tràn ra, trôi xuống má và rơi xuống một cái vỏ đĩa hát. Sau giọt đầu tiên ấy, nước mắt nàng trào ra như suối. Naoko gập người bò xuống nền nhà, úp cả bàn tay xuống chiếu và bắt đầu kêu khóc quằn quại như một người đang nôn thốc nôn tháo vậy.
Trong đời tôi chưa bao giờ thấy có ai khóc dữ dội như thế. Tôi vươn tới và đặt một bàn tay lên bờ vai đang rung bần bật của nàng. Thế rồi, hoàn toàn chỉ là bản năng, tôi ôm nàng vào lòng. Nép chặt vào tôi, toàn bộ thân thể nàng run lên, và nàng tiếp tục khóc không ra tiếng. Sơ-mi tôi ướt đẫm, sũng nước mắt nàng và hơi thở nóng hổi của nàng. Chẳng mấy chốc những ngón tay nàng bắt đầu chạy khắp qua lưng tôi như thể tìm kiếm một thứ gì, một thứ gì đó quan trọng vẫn luôn ở đó. Đỡ nàng bằng tay, tôi dùng tay phải vuốt ve mái tóc thẳng và mềm mại của nàng. Và tôi chờ đợi. Trong tư thế ấy, tôi chờ đợi cho Naoko nín khóc. Và tôi cứ đợi như thế mãi. Nhưng Naoko chẳng bao giờ ngừng khóc.
Đêm đó tôi đã ngủ với Naoko. Làm vậy có phải không ư? Tôi không biết nữa. Ngay cả bây giờ, gần hai mươi năm đã qua, tôi vẫn không biết chắc. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ biết. Nhưng lúc bấy giờ, tôi chỉ có thể làm được có vậy mà thôi. Nàng đang trong tình trạng căng thẳng và rối trí cao độ, và nàng nói rõ rằng nàng muốn tôi giải toả cho nàng. Tôi hạ bớt ánh sáng đèn và bắt đầu cởi bỏ quần áo nàng, từng thứ một, với những động chạm nhẹ nhàng nhất. Rồi tôi cởi quần áo mình. Trời đủ ấm, cái đêm mưa tháng Tư ấy, để chúng tôi có thể bám chặt lấy sự trần trụi của nhau mà không thấy lạnh lẽo.
Chúng tôi khám phá thân thể nhau trong bóng tối, không nói một lời. Tôi hôn nàng và nâng đôi vú mịn màng của nàng trong tay. Nàng siết chặt lấy sự cương cứng của tôi. Châu thân nàng mở ra nóng âm, ướt át và mong ngóng tôi.
Thế mà khi tôi vào đến trong nàng, Naoko bỗng cứng người lại vì đau đớn. Đây là lần đầu của nàng ư? tôi hỏi, và nàng gật đầu. Giờ thì đến lượt tôi thấy rối trí. Tôi vẫn tưởng rằng Naoko đã ngủ với Kizuki trong suốt thời gian ấy. Tôi tìm vào nàng thật sâu, đến tận cùng của chính mình, và ở lại đó một lúc lâu, im lìm ôm ấp nàng.
Thế rồi, khi nàng đã bắt đầu có vẻ bình tĩnh hơn, tôi thả cho mình chuyển động bên trong nàng với những động tác thật chậm rãi và nhẹ nhàng để phải thật lâu mới tới vùng cực cảm. Lúc ấy nàng mới phá vỡ sự im lặng của mình và siết chặt lấy tôi bằng cả hai cánh tay. Tiếng kêu của nàng là âm thanh cực cảm buồn thảm nhất mà tôi đã từng nghe.
Khi mọi thứ đã xong, tôi hỏi Naoko tại sao nàng lại chưa bao giờ ngủ với Kizuki. Đó thực là một sai lầm.
Tôi vừa dứt lời thì nàng liền bỏ tay ra và lại bắt đầu khóc không thành tiếng. Tôi lấy chăn nệm từ trong hộc tủ, trải chúng xuống sàn nhà lót chiếu, và đặt nàng vào giữa lần chăn nệm ấy. Vừa hút thuốc, tôi vừa ngắm nhìn màn mưa tháng Tư đang rơi như không bao giờ ngừng ở bên ngoài cửa sổ.
Mưa đã tạnh khi trời hửng sáng. Naoko đang nằm ngủ quay lưng về phía tôi. Hoặc giả nàng đã chẳng ngủ tí nào.
Thức hay ngủ, nàng cũng chẳng còn lời nào trên môi nữa, và thân xác nàng giờ đây có vẻ cứng nhắc, gần như đóng băng vậy. Tôi đã cố nói với nàng nhiều lần, nhưng nàng không hề đáp lại, không hề động cựa. Tôi ngắm nhìn bờ vai trần của nàng rất lâu, nhưng cuối cùng thì hết hy vọng có thể làm cho nàng đáp lại mình và quyết định phải dậy.
Sàn nhà vẫn lăn lóc những vỏ đĩa hát, chai, cốc, và chiếc gạt tàn tôi đã dùng. Một nửa cái bánh sinh nhật nhàu nát vẫn ở trên bàn. Hình như thời gian đã dừng lại.
Tôi nhặt nhạnh mọi thử ở dưới sàn lên và uống hai cốc nước vặn ở vòi ra. Trên bàn học của Naoko có một cuốn tự điển và một biểu đồ chia động từ tiếng Pháp. Tường phía trên bàn có treo một tờ lịch, loại không có hình minh hoạ hoặc ảnh chụp, chỉ có ngày tháng với các con số. Không có một ghi nhớ hoặc đánh dấu nào viết trên các ô ngày tháng của tờ lịch ấy.
Tôi nhặt quần áo mặc vào người. Ngực chiếc sơ-mi vẫn còn ẩm và lạnh. Nó có mùi Naoko. Tôi viết lên tập giấy ghi chú để trên bàn: Mình muốn nói chuyện với cậu thật dài và cẩn thận khi nào cậu đã bình tĩnh lại. Làm ơn gọi mới sớm nhé. Chúc mừng sinh nhật. Tôi quay lại nhìn bờ vai Naoko lần nữa, rồi bước ra ngoài và nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Không có cú gọi nào mặc dù một tuần lễ đã trôi qua. Chỗ Naoko ở không có hệ thống gọi mọi người ra nhận điện thoại, và thế là sáng Chủ nhật tôi lên tàu đi Kokubunji.
Nàng không có đó, và tên nàng đã không còn thấy niêm yết ngoài cửa. Các cửa sổ đều đóng chặt cả kính lẫn chớp.
Người quản lí bảo tôi Naoko đã dọn đi ba ngày trước đó. Ông ta không biết nàng dọn đi đâu.
Tôi trở về khu học xá và viết cho Naoko một bức thư dài, đề gởi đến địa chỉ gia đình nàng ở Kobe. Nàng ở đâu thì họ cũng sẽ chuyển nó đến cho nàng. Tôi hy vọng thế.
Tôi viết cho nàng thật trung thực về những cảm xúc của mình. Có rất nhiều điều tôi vẫn chưa hiểu, tôi viết thế, và mặc dù là tôi đang cố gắng để hiểu, việc đó cần có thời gian. Hiện tại tôi không thể biết khi đã hiểu hết mọi chuyện thì tôi sẽ ra sao, cho nên tôi không thể hứa hẹn hoặc đòi hỏi gì, cũng không thể viết ra những lời hoa mỹ được. Có một điều là chúng ta biết quá ít về nhau. Tuy nhiên, nếu nàng cho tôi có thời gian, tôi sẽ dùng nó cho những nỗ lực tốt đẹp nhất của mình, và hai đứa chúng mình sẽ hiểu rõ nhau hơn. Trong hoàn cảnh nào đi nữa, tôi rất muốn được gặp lại nàng và nói chuyện thật lâu với nàng. Khi tôi mất Kizuki, tôi đã mất một người có thể chia sẻ những tình cảm trung thực nhất của mình, và tôi nghĩ rằng Naoko cũng như vậy. Nàng và tôi cần đến nhau nhiều hơn là chúng tôi tưởng. Và điều đó, không nghi ngờ gì nữa, chính là lí do tại sao quan hệ của chúng tôi đã có một bước ngoặt lớn như vậy, và theo một nghĩa nào đó, đã trở nên vênh váo.
Có lẽ mình không nên làm vậy, nhưng mình vẫn tin rằng mình chỉ có thể làm được đến thế. Những tình cảm ấm áp và gần gũi mà mình có với cậu vào lúc đó là một cái gì đó mình chưa bao giờ được nếm trải. Mình cần cậu đáp lại bức thư náy. Dù lời đáp của cậu là thế nào đi nữa, mình vẫn cần có nó.
Vẫn không có một lời phúc đáp nào.
Một cái gì đó bên trong tôi đã rơi ra mất, và chẳng gì đến lấp cho tôi chỗ trống ấy trong lòng. Thân thể tôi bỗng nhẹ nhõm bất thường, và bất kì âm thanh nào cũng có một tiếng vọng cồn cào đuổi theo. Tôi đến lớp đều đặn chưa từng thấy. Lớp nào cũng tẻ ngắt, tôi chẳng bao giờ chuyện trò với bạn cùng lớp, nhưng tôi chẳng có việc gì khác để làm. Tôi chỉ ngồi một mình ở ngay hàng ghế trên cùng của giảng đường, không nói năng với ai, và ăn một mình. Tôi bỏ thuốc lá.
Cuộc bãi khoá của sinh viên nổ ra vào cuối tháng Năm. "Giải tán Đại học" tất cả chúng đều gào thét như vậy. Phải đấy, cứ làm đi, tôi nghĩ. Giải tán đi. Phá mẹ nó đi. Đập vụn nó ra. Việc đếch gì đến tôi. Có khi thế lại dễ thở chưa biết chừng. Tôi cũng sẵn sàng rồi đây. Nếu cần thì tôi cũng giúp một tay. Cứ việc làm tới đi.
Trường bị bao vây và các lớp học bị đình chỉ, tôi bèn đi làm cho một công ty chuyên giao hàng. Ngồi cạnh tài xế, chất hàng dỡ hàng lên xuống các xe tải, đại loại thế.
Công việc nặng nhọc hơn tôi tưởng. Lúc đầu tôi tưởng không thể nhấc được mình ra khỏi giường vì nhức mỏi. Nhưng tiền kiếm lại khá, và chừng nào thân xác tôi được hoạt động liên tục thì tôi còn có thể quên được khoảng rỗng trong người mình. Tỏi đi làm theo xe tải năm ngày một tuần, và vẫn tiếp tục làm ba đêm một tuần ở tiệm ca nhạc. Những đêm không đi làm thì tôi tiêu thời gian bằng rượu whisky và đọc sách. Quốc-xã không chịu đụng đến whisky và không chịu được mùi rượu, nên khi tôi nằm dài trên giường tu thẳng từ chai thì hắn phàn nàn là mùi rượu làm hắn không thể học bài được và đề nghị tôi mang cái chai ra bên ngoài.
"Có cậu cút ra ngoài thì có," tôi lầu bầu.
"Nhưng cậu biết uống rượu trong khu học xá là vi ph-phơ-phờ-phạm nội quy mà?"
"Tớ đếch cần. Cậu cút đi."
Hắn không phàn nàn nữa, nhưng tôi lại thay áy náy. Tôi lên mái nhà và uống một mình ở đó.
Tháng Sáu, tôi viết cho Naoko một lá thư dài nữa, cũng gửi đến địa chỉ gia đình nàng ở Kobe. Nó cũng nói những chuyện gần giống hệt như trong bức thư đầu tiên, nhưng ở cuối thư tôi viết thêm:
Chờ cậu trả lời là một trong những việc đau đớn nhất mà mình đã từng phải chịu đựng. Ít nhất thì cũng cho biết là mình có làm cậu đau khổ hay không?
Khi gửi lá thư đó đi, tôi cảm thấy cái lỗ trống trong người mình lại lớn thêm ra.
Tháng Sáu ấy tôi lại đi chơi gái hai lần nữa với Nagasawa. Cả hai lần đều dễ. Cô gái thứ nhất chống cự ghê gớm lúc tôi cố lột quần áo và ấn cô lên giường khách sạn, nhưng khi thấy không đáng phải làm thế, tôi bèn lấy sách ra nằm đọc một mình, và lúc ấy thì cô ta lại trở lại nũng nịu với tôi. Còn sau khi đã ngủ với cô thứ hai thì cô này lại bắt đầu hỏi tôi rặt những chuyện riêng tư - Tôi đã ngủ với bao nhiêu cô rồi? Quê quán ở đâu? Học đại học nào? Thích nhạc gì? Đã bao giờ đọc tiểu thuyết của Osamu Dazai chưa? Nếu được đi chơi nước ngoài thì thích đi đâu? Tôi có thấy đầu vú cô quá to không? Tôi bịa vài câu trả lời rồi lăn ra ngủ, nhưng sáng hôm sau cô ta nói muốn được ăn sáng với tôi, và lại tiếp tục hỏi liên miên trên món trứng vô vị với bánh mì nướng và cà-phê. Cha tôi làm công việc gì? Ở trường tôi có được điểm tốt không? Tôi sinh tháng nào? Đã bao giờ ăn thịt ếch chưa? Cô ta làm tôi nhức đầu, và vừa ăn xong tôi bèn nói là tôi phải đi làm ngay.
"Liệu em có gặp lại anh nữa không?" cô ta hỏi, về mặt buồn rầu.
"Ồ, nhất định là chúng mình sẽ sớm gặp lại nhau ở đâu đó mà," tôi nói, rồi bỏ đi. Tôi đang làm cái trò gì vậy?
Vừa một mình là tôi đã tự hỏi và thấy ghê tởm bản thân quá. Nhưng mà tôi chỉ có thể làm được có vậy. Thân thể tôi đói đàn bà. Trong suốt những lần ngủ với những cô gái kia, tôi đều nghĩ đến Naoko, đến dáng hình trăng trắng của tấm thân trần truồng của nàng trong bóng tối, những tiếng thở dài của nàng, tiếng mưa rơi. Càng nghĩ đến những cái đó, thân xác tôi càng thêm thèm muốn.
Tôi lên mái nhà với chai whisky và tự hỏi không biết cuộc đời mình đang đi về đâu.
Cuối cùng, vào đầu tháng Bảy, tôi nhận được một lá thư của Naoko. Một lá thư ngắn ngủi.
"Làm ơn tha lỗi cho mình đã không trả lời sớm hơn. Nhưng hãy cố hiểu cho mình. Sau một thời gian dài mình mới có tâm trạng để có thể viết, ít nhất mình đã viết bức thư này đến hàng chục lần. Với mình, viết là một quá trình đau đớn. Cho phép mình bắt đầu bằng một kết luận nhé.
Mình đã quyết định nghỉ học một năm. Chính thức thì là nghỉ, nhưng có lẽ mình sẽ không bao giờ quay lại nữa. Chuyện này có thể làm cậu ngạc nhiên, nhưng thực ra mình đã nghĩ đến nó từ rất lâu rồi. Đã có một vài lần mình cố nói cho cậu biết, nhưng không biết mở đầu cách nào. Mình sợ cả việc phát phát âm ra. Hay cố đừng để mọi thứ làm mình căng thẳng.
Cho dù có chuyện gì đi nữa, hoặc chẳng có chuyện gì đi nữa, thì kết cục cũng như nhau cả thôi. Nói thế này có lẽ không phải là cách tốt nhất, nhưng xin lỗi đã làm cậu phải đau đớn. Điều mình đang cố nói với cậu là: mình không muốn cậu đổ lỗi cho bản thân vì những gì đã xảy đến với mình. Đó là chuyện mình phải tự quyết định lấy. Mình đã trì hoãn nó trong hơn một năm, và cuối cùng thì lại làm khó cho cậu. Có lẽ không thể trì hoãn thêm được nữa.
Sau khi dọn đi, mình về nhà ở Kobe và đi bác sĩ một thời gian. Ông ta bảo có một chỗ trên vùng núi bên ngoài Kyoto có thể là hoàn hảo cho mình, và mình đang nghĩ sẽ lên đó một thời gian ngắn xem sao.
Đó không hẳn là một bệnh viện, mà giống một khu an dưỡng và cách điều trị cũng phóng khoáng hơn nhiều. Thư sau mình sẽ kể chi tiết hơn. Cái mình cần bây giờ là để cho thần kinh được nghĩ ngơi ở một nơi yên tĩnh cách biệt hẳn với thế giới.
Mình biết ơn cậu, theo cách riêng của mình, vì đã dành cho mình cả một năm trời. Cậu làm ơn hãy tin mình chuyện này nếu như cậu không tin gì khác.
Cậu không phải là người làm cho mình đau khổ. Chính mình là người làm chuyện đó. Mình thực sự cảm thấy thế.
Dù sao, bây giờ mình vẫn chưa sẵn sàng để gặp cậu đâu. Không phải mình không muốn gặp cậu. Chỉ đơn giản là mình chưa thể. Khi nào có thể, mình sẽ viết cho cậu. Như lời cậu nói, đây có lẽ là việc chúng ta nên làm: hãy tìm cách hiểu nhau hơn.
Tạm biệt."
Tôi đọc đi đọc lại lá thư của Naoko, và lần nào cũng thấy mình chìm ngập trong cùng một nỗi buồn không thể chịu đựng nổi mà tôi vẫn cảm thấy mỗi khi Naoko chăm chú nhìn vào mắt mình. Tôi không có cách gì đương đầu với nỗi buồn ấy, không biết đem nó đi đâu, giấu nó vào đâu.
Giống như gió thổi qua thân xác tôi, nó không có hình thù, cũng không có sức nặng, và tôi cũng không thể quấn nó quanh mình. Những vật thể trong cảnh trí ấy sẽ bồng bềnh trôi qua ngay bên tôi, nhưng lời chúng nói không bao giờ đến được tai tôi.
Tôi tiếp tục ngồi lì suốt những tối thứ Bảy dưới sảnh nhà. Không hy vọng sẽ có cú điện thoại nào gọi mình, nhưng tôi chẳng biết dùng thời gian ấy vào việc gì khác. Tôi sẽ vặn chương trình bóng chày lên và giả vờ xem, rồi cứ thế cắt khoảng không giữa tôi và cái TV ra làm hai, rồi lại cắt mỗi nửa ấy ra làm hai nữa, cứ thế cho đến lúc có một khoảng không đủ nhỏ trong lòng bàn tay mình.
Tôi sẽ tắt TV lúc mười giờ, về phòng mình, rồi đi ngủ.
Cuối tháng ấy, Quốc-xã cho tôi một con đom đóm. Nó ở trong một cái lọ vẫn đựng cà-phê tan, nắp có đục lỗ thông hơi, với mấy cọng cỏ và một ít nước. Trong phòng có đèn sáng, con đom đóm trông như một thứ côn trùng bình thường đen xì vẫn thường thấy ở ao hồ, nhưng Quốc-xã khăng khăng nó là đom đóm thứ thiệt. "Đom đóm thì tớ nhìn là biết liền", hắn nói, và tôi chẳng có lí do hoặc cơ sở gì để không tin hắn.
"Được rồi," tôi bảo. "Đom đóm thì đom đóm."
Trông nó như buồn ngủ, nhưng nó cứ không ngừng trèo lên thành thuỷ tinh trơn tuột của cái lọ rồi lại ngã xuống.
"Tớ thấy nó ở ngoài sân," hắn nói.
"Ở đây? Cạnh nhà mình à?"
"Ứ. Cậu biết cái khách sạn ở cuối phố chứ? Họ thả đom đóm trong vườn để hầu khách mùa hè. Con này chắc bay lạc đến đây."
Vừa nói, Quốc-xã vừa loay hoay nhét quần áo sách vở vào cái túi xách Boston màu đen của hắn.
Chúng tôi nghỉ hè đã được nhiều tuần. Có lẽ chỉ còn có tôi và hắn ở lại trong khu học xá. Tôi tiếp tục đi làm chứ không muốn về Kobe. Hắn ở lại theo một lớp thực tập. Lớp ấy vừa xong, nên hắn sắp sửa về nhà ở vùng núi Yamanashi.
"Cậu có thể tặng nó cho bạn gái cậu," hắn bảo. "Nhất định là cô ta thích đấy."
"Cám ơn," tôi nói.
Tối đến, khu nhà ngủ im lìm như một nơi hoang phế. Lá cờ đã được hạ xuống và chỉ có đèn sáng ở cưa sổ nhà ăn. Còn ít sinh viên ở lại quá, người ta đã tắt bớt nửa số đèn trong khu học xá, nửa bên phải thì tối còn nửa bên trái thì sáng. Nhưng vẫn ngửi thấy mùi từ nhà ăn bay ra, một món thịt hầm xốt kem gì đó.
Tôi đem lọ đom đóm lên mái nhà. Không có ai trên đó Một cái áo chen phơi trên dây của ai bỏ quên đang phất phơ trong gió như cái vỏ lột của một con côn trùng khổng lồ. Tôi trèo cái thang sắt ở góc mái lên hẳn nóc bể chứa nước của khu nhà. Cái bể vẫn còn ám vì đã phơi nắng cả ngày. Tôi ngồi trên khoảng nóc bể chật hẹp, dựa vào lan can và thấy mình trực diện với vầng trăng gần tròn bệch bạc. Những ánh đèn của khu Shinjuku nhấp nhoáng phía bên phải, Ikebukuro phía bên trái. Đèn ô-tô chạy thành những dòng dài sáng rực từ vùng sáng này sang vùng sáng kia. Những tiếng động hỗn độn của thành phố hoà vào nhau thành một âm thanh âm ỉ như mây lơ lửng trên không trung.
Con đom đóm hơi lóe lên dưới đáy lọ, ánh sáng của nó quá yếu, màu sắc của nó quá nhợt nhạt. Đã bao nhiêu năm rồi tôi mới lại thấy một con đom đóm, nhưng trong kí ức của tôi, ánh sáng của chúng xuyên thủng màn đêm mùa hạ mạnh mé hơn nhiều, và chính hình ảnh rực rỡ chói sáng ấy mới là cái luôn đọng lại trong tôi.
Có lẽ con đom đóm này sắp chết. Tôi lắc lắc cái lọ. Nó bị văng đập vào thành lọ và cố cất cánh bay, nhưng ánh sáng nó le lói thật yếu ớt.
Tôi cố nhớ xem mình đã thấy đom đóm lần cuối là bao giờ, và ở đâu. Tôi có thể thấy lại quang cảnh ấy trong đầu, nhưng không thể nhớ là ở đâu và lúc nào. Tôi có thể nghe tiếng nước chảy trong bóng tối và thấy một cái cửa cống xây bằng gạch theo kiểu cổ. Nó có tay nắm để ta có thể xoay và mở hoặc đóng cửa. Dòng nước nó điều khiển nhỏ đến mức bị cỏ lác hai bên bờ che khuất cả. Trời tối, tối đến mức khi tắt đèn pin tôi không thể nhìn thấy cả bàn chân của mình. Hàng trăm con đom đóm lập lòe trên mặt ao đọng lại bên cửa cống, phản chiếu như một trận mưa sao sáng rực và nóng hổi trên mặt nước.
Tôi nhắm mắt và đắm mình vào cái bóng tối xa vời ấy của quá khứ. Tôi nghe tiếng gió rõ ràng lạ thường.
Một làn gió ào qua tôi, để lại sau những dải lấp lánh lạ kì trong bóng tối. Tôi mở mắt và thấy đêm hè tối hơn trước rất nhiều.
Tôi vặn mở nắp lọ, lấy con đom đóm ra, đặt nó lên cái mép rộng bốn năm phân của bể nước. Nó có vẻ chưa biết mình đang ở đâu. Nó lập cập bò quanh đầu một cái bu-lông, vướng chân vào một chỗ sơn tróc vẩy. Nó bò sang bên phải cho đến khi thấy hết đường, rồi lại bò vòng về phía bên trái. Cố mãi rồi cuối cùng nó cũng trèo lên được đầu cái bu-lông và nằm phục ở đó một lúc, không động cựa gì, như thể đã hết hơi.
Vẫn dựa vào lan can, tôi chăm chú theo dõi con đom đóm. Cả tôi và nó đều không động đậy một hồi rất lâu. Gió vẫn tiếp tục thổi qua hai chúng tôi trong lúc vô vàn cành lá của cây zelkova cứ xạc xào trong đêm tối.
Tôi đợi, tưởng chừng như vô tận.
Rất lâu sau đó con đom đóm mới bay lên không trung. Như thể chợt nghĩ ra điều gì đó, nó giương cánh, và nhoáng một cái đã bay vượt qua lan can và trôi vào bóng đêm nhợt nhạt. Nó vẽ một vòng cũng chớp nhoáng bên cạnh bể nước như cố lấy lại khoảng thời gian đã mất. Và rồi, sau khi chập chờn ở đó một vài giây như muốn đợi cho vòng cung sáng của nó tan lẫn vào gió, cuối cùng nó bay về hướng đông.
Rất lâu sau khi con đom đóm đã biến mất, vệt sáng của nó vẫn còn lại trong tôi, lập lòe nhợt nhạt trong bóng tối dày đặc sau hai mí mắt như một linh hồn lạc lối.
Nhiều lần tôi đã thử với tay ra bóng tối, nhưng chẳng chạm thấy gì. Cái lập lòe nhợt nhạt kia vẫn còn đó, ngay ngoài tầm với của tôi.
Naoko gọi tôi hôm thứ Bảy, và chúng tôi hẹn sẽ đi chơi với nhau vào Chủ nhật đó. Có lẽ tôi có thể gọi đó là một cuộc hẹn hò. Tôi chẳng tìm được từ nào thích hợp hơn.
Cũng như lần trước, chúng tôi đi bộ ngoài phố. Chúng tôi ghé qua uống cà-phê ở đâu đó, rồi đi tiếp, rồi ăn tối với nhau, rồi chia tay. Cũng như lần trước, nàng chỉ trò chuyện nhát gừng, nhưng có vẻ không thấy lúng túng gì về chuyện ấy, mà tôi cũng chẳng mấy bận tâm duy trì câu chuyện. Chúng tôi nói đến bất kỳ cái gì hiện đến trong đầu mình - những việc thường ngày, chuyện ở trường, chuyện gì cũng chỉ là những mảnh vụn nho nhỏ chẳng đi đến đâu. Chúng tôi không đả động gì đến quá khứ. Và phần lớn thời gian chúng tôi chỉ cắm cúi đi, cứ thế bước, đi mãi. May mà Tokyo là một thành phố rộng lớn và chúng tôi không thể đi hết mọi chỗ.
Hầu như cuối tuần nào chúng tôi cũng đi bộ như thế. Nàng sẽ đi trước, còn tôi thì theo sát đằng sau. Naoko có nhiều dải buộc tóc khác nhau nhưng luôn luôn buộc theo kiểu để lộ tai bên phải. Tôi nhớ nàng rõ nhất như thế, nhìn từ phía sau. Hễ lúng túng chuyện gì là nàng lại có lối nghịch dải buộc tóc của mình. Và lúc nào cũng chấm chấm một cái khăn tay lên miệng. Hễ nói gì là nàng lại làm vậy. Càng quan sát những thói quen ấy của nàng, tôi càng thấy thích nàng hơn.
Naoko học ở một trường nữ sinh đại học tại một vùng ven đô thôn đã ở phía tây Tokyo, một trường nhỏ rất nổi tiếng về đào tạo Anh ngữ. Gần trường có một con kênh đào hẹp nước rất sạch và trong, chúng tôi thường đi bộ dọc hai bên bờ của nó. Có khi Naoko mời tôi lên căn hộ của nàng và nấu cơm cho tôi ăn. Hình như chẳng bao giờ nàng bận tâm về chuyện hai đứa chúng tôi gần gụi nhau trong một nơi chật hẹp như thế. Căn phòng nhỏ, gọn gàng và thiếu những thứ rườm rà đến mức chỉ có mấy đôi tất phơi ở góc phòng gần cửa sổ là cho thấy có một cô gái đang sống ở đó. Nàng sống thật tùng tiệm và đơn giản, và hầu như không có bạn. Không ai đã từng biết nàng hồi trung học có thể tưởng tượng nàng lại như vậy. Hồi đó nàng ăn vận rất đỏm dáng và có vô số bạn bè vây quanh. Khi thấy phòng nàng ở, tôi nhận ra rằng cũng như tôi, nàng muốn đi đại học để bắt đầu một cuộc sống mới thật xa những người mà nàng đã biết.
"Biết tại sao mình chọn chỗ này không? Nàng hỏi, miệng mỉm cười. "Bởi vì những người ở nhà sẽ không ai tìm đến đây. Ai cũng nghĩ mình sẽ phải ở một chỗ nào đó sành điệu hơn. Cậu hiểu mình nói gì không?"
Dù sao, quan hệ của tôi với Naoko không phải là không tiến triển. Dần dà, nàng quen thuộc với tôi hơn, và tôi cũng vậy. Đến cuối hè và vào học kỳ mới, Naoko bắt đầu sánh vai cùng tôi như thể đó là một việc tự nhiên nhất trên đời. Nàng đã coi tôi là bạn rồi, tôi kết luận vậy và sánh bước cùng một cô gái đẹp như vậy hoàn toàn chẳng nặng nhọc gì đối với tôi. Chúng tôi vẫn tiếp tục đi bộ khắp Tokyo theo một lộ trình ngoằn ngoèo, lên đồi, qua sông và những con đường tàu, cứ thế bước đi mà không hề nghĩ sẽ đến đích ở nơi nào. Chúng tôi cứ nhằm thẳng phía trước mà đi, như thề việc đi bộ là một nghi lễ tôn giáo sẽ chữa lành đôi linh hồn bị tổn thương của chúng tôi. Nếu trời mưa, chúng tôi dùng ô che, nhưng vẫn sẽ đi cho dù thế nào.
Rồi mùa thu đến. Sân trong khu học xá phủ đầy lá zelkova. Hương thơm nhè nhẹ của buổi sang mùa đượm trong không gian khi tôi mặc lên người chiếc áo len đầu tiên. Sau khi đã đi mòn một đôi giày, tôi mua thêm hẳn vài đôi da lộn.
Tôi vẫn không thể nhớ lại hai đứa đã nói với nhau những chuyện gì. Chẳng có gì đặc biệt, có lẽ vậy. Chúng tôi tiếp tục tránh không nhắc đến quá khứ và hiếm khi nói về Kizuki. Chúng tôi có thể đối diện nhau khi uống cà phê trong im lặng hoàn toàn.
Naoko thích nghe tôi kể chuyện về Quốc-xã. Một lần hắn đi chơi với một sinh viên cùng lớp (một cô gái học dịa lý, tất nhiên rồi) nhưng còn sớm đã thấy về với bộ mặt ỉu xìu. "Này, W-W-Watanabe, với bọn con g-gơ-gơ gái thì cậu nói những chuyện gì?" Không nhớ là tôi đã trả lời hắn thế nào, nhưng rõ ràng là Quốc-xã đã chọn lầm người để hỏi chuyện đó. Hồi tháng Bảy, có kẻ trong khu học xá đã bỏ cái ảnh con kênh đào ở Amsterdam của Quốc-xã xuống và treo thay vào đó một bức ảnh chụp cây Cầu Cổng vàng. Hắn bảo tôi hắn muốn biết xem Quốc-xã có thủ dâm được với cái Cầu Cổng vàng hay không.
"Nó sướng rơn," tôi báo cáo lại mấy hôm sau đó. Và thế là có kẻ lại thay vào đó một bức ảnh chụp núi băng trôi ngoài biển. Mỗi lần bị thay ảnh như thế, Quốc-xã đều khó chịu.
"Đứ đứ đứa nào làm cái trò này thế?" hắn hỏi.
"Tớ cũng đang thắc mắc đây," tôi đáp. "Nhưng có sao đâu? Đều là ảnh đẹp cả. Cậu phải biết ơn mới phải."
"Ờ tớ cũng nghĩ thế, nhưng cũng kì thật."
Những mẩu chuyện của tôi về Quốc-xã lúc nào cũng làm cho Naoko phì cười. Không dễ gì làm được chuyện đó, nên tôi thường xuyên nói đến hắn, mặc dù không mấy tự hào vì đã dùng hắn vào việc ấy. Quốc-xã chỉ là đứa con trai út trong một gia đình chẳng giàu có gì và tình cờ lớn lên với thái độ quá coi trọng việc tu dưỡng bản thân của chính mình. Làm bản đồ là một mơ ước nhỏ nhoi của cuộc đời nhỏ nhoi của hắn. Ai có quyền gì đem hắn ra làm trò cười như vậy?
Thế nhưng đến lúc ấy thì những mẩu chuyện đùa bỡn về Quốc-xã đã trở thành nguồn đề tài tán dóc trong khu học xá, và chẳng cách gì để tôi có thể cứu vãn được chuyện đó. Ngoài ra, hình ảnh gương mặt mỉm cười của Naoko đã trở thành nguồn khoái lạc đặc biệt của tôi. Và tôi tiếp tục cũng cấp cho thiên hạ những mẩu chuyện mới.
Một lần Naoko đã hỏi tôi, chỉ một lần thôi, rằng tôi đã có cô gái nào ưa thích chưa. Tôi kể cho nàng nghe về cô gái tôi đã bỏ lại ở Kobe. "Cô ta tốt," tôi nói, "mình thích ngủ với cô ta, và đôi lúc vẫn còn nhớ cô ta, nhưng nói cho cùng thì cô ta không làm mình xúc động. Mình không biết, đôi khi mình nghĩ trong lòng mình có một cái nhân cứng ở đây này, và không gì có thể thâm nhập nó. Có lẽ mình không thể thực sự yêu ai."
"Thế cậu đã từng yêu chưa? Naoko hỏi.
"Chưa bao giờ," tôi đáp.
Và nàng không hỏi thêm nữa.
Khi mùa thu đã tàn và những cơn gió lạnh bắt đầu tràn về qua thành phố, Naoko sẽ thường nép chặt vào cánh tay tôi. Tôi có thể cảm thấy hơi thở của nàng qua lần vải dày của chiếc áo khoác nàng mặc. Nàng sẽ khoác chặt lấy tay tôi, hoặc thọc tay vào túi áo tôi, hoặc nếu trời thật lạnh thì nàng run rẩy bám chặt lấy cánh tay tôi.
Những cái đó chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt. Tôi vẫn tiếp tục bước, hai tay đút túi. Giày có đế cao-su của chúng tôi không gây tiếng động nào trên mặt vỉa hè, trừ những tiếng lạo xạo khô khốc mỗi khi chúng tôi giẫm phải những đám lá khô héo trên đường. Mỗi khi nghe tiếng động ấy, tôi thương cảm cho Naoko lắm. Cánh tay tôi không phải là cánh tay nàng cần, mà là tay người khác kia. Hơi ấm của tôi không phải là cái nàng cần, mà là hơi ấm của người khác kia. Tôi thấy gần như có tội vì đã là chính mình.
Càng vào sâu mùa đông, cái vẻ trong vắt của đôi mắt Naoko hình như cũng rõ ràng mãi lên. Đó là một thứ rõ ràng không biết sẽ dẫn tới đâu. Đôi khi Naoko khoá chặt tia nhìn của nàng vào mắt tôi mà không có lí do gì rõ rệt. Hình như nàng đang tìm kiếm một cái gì, và điều đó khiến tôi tràn ngập một cầm giác vô vọng và cô đơn kì lạ.
Tôi tự hỏi có phải là nàng đang cố truyền đạt một điều gì đó cho tôi, một điều gì đó mà nàng không thể nói nên lời - một điều gì đó có trước cả ngôn từ mà nàng không thể nắm bắt và do đó không thể hy vọng sẽ biến nó thành lời. Và thế là nàng sẽ nghịch cái dải buộc tóc, chấm chấm chiếc khăn tay lên miệng, hoặc nhìn vào mắt tôi với một vẻ vô nghĩa như thế. Tôi những muốn ôm chặt lấy nàng những lúc ấy, nhưng lại do dự và khựng lại. Tôi sợ mình sẽ làm nàng đau đớn. Và thế là hai chúng tôi cứ đi mãi trên những con phố Tokyo, trong khi Naoko cứ tìm kiếm lời lẽ trong không gian trống vắng.
Tụi con trai trong khu học xá luôn trêu chọc tôi mỗi khi tôi nhận điện thoại của Naoko hoặc ra đi vào một sáng Chủ nhật. Chúng đồ rằng, mà cũng tự nhiên thôi, tôi đã có bồ. Không thể giải thích sự thật cho chúng, và cũng chẳng cần phải thế, nên tôi để mặc cho chúng muốn nghĩ sao thì nghĩ. Tối về tôi phải chịu trận với hàng loạt các câu hỏi tọc mạch của chúng: Bọn tôi đã thử những động tác gì? Chỗ ấy của con bé nó ra sao? Đồ lót của nó hôm ấy màu gì? Chúng muốn nghe gì thì tôi trả lời theo thế.
Cứ như thế, tôi đi từ tuổi mười tám sang tuổi mười chín. Ngày nào mặt trời cũng mọc lên rồi lặn xuống, lá cờ cũng được kéo lên rồi hạ xuống. Chủ nhật nào tôi cũng đi chơi với cô gái của đứa bạn quá cố. Tôi không biết mình đang làm gì hoặc sẽ làm gì. Ở lớp thì tôi đọc Claudel và Racine và Eisenstein, nhưng họ hầu như chẳng có nghĩa lý gì với tôi. Ở lớp không đánh bạn với ai, và cũng hầu như chẳng quen ai trong khu học xá. Mọi người tưởng tôi muốn trở thành nhà văn vì lúc nào tôi cũng chỉ một mình với một cuốn sách, nhưng tôi đâu có tham vọng ấy. Tôi chẳng muốn thành một cái gì cả.
Tôi định nói về cảm giác ấy với Naoko. Ít ra thì nàng cũng có thể hiểu được tôi đang cảm thấy gì với một mửc độ chính xác nào đó, tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi không bao giờ tìm được từ để diễn đạt mình. Lạ thật. Có vẻ như tôi đã lây căn bệnh thiếu lời của nàng.
Những tối thứ Bảy, tôi sẽ ngồi cạnh máy điện thoại ở dưới sảnh, đợi cú gọi của Naoko. Hầu hết mọi người đều đi cả nên sảnh nhà thường vắng teo. Tôi sẽ nhìn chăm chú những hạt sáng lửng lơ trong cái không gian im lìm ấy, cố sức nhìn vào chính cõi lòng mình. Tôi muốn gì? Và những người khác muốn gì ở tôi? Nhưng chẳng bao giờ tôi tìm được lời đáp. Đôi khi tôi sẽ đưa tay ra cố bắt lấy những hạt sáng kia, nhưng ngón tay tôi chẳng chạm thấy cái gì hết.
Tôi đọc nhiều, nhưng không nhiều sách khác nhau. Tôi thích đọc đi đọc lại những tác giả mà mình ưa thích nhất. Hồi đó là Truman Capote, John Updike, E Scott Fiagerald, Raymond Chandler, nhưng tôi không thấy có ai ở lớp hoặc trong khu học xá cũng đọc những tác giả ấy. Họ thích Kazumi Takahashi, Kenzaburo Oe, Yukio Mishima, hoặc những tiếu thuyết gia đương đại Pháp. Đó cũng là lí do tại sao tôi chẳng có gì nhiều để chuyện trò với ai mà chỉ lui thui với những cuốn sách của mình. Tôi thường nhắm nghiền mắt lại, chạm tay vào một cuốn sảch quen thuộc rồi rút lấy hương vị của nó vào sâu thẳm lòng mình. Thế là đủ để tôi hạnh phúc.
Tuổi mườì tám, cuốn sách yêu thích nhất của tôi là cuốn Nhân mã của John Updike, nhưng sau khi đã đọc nó một số lần, nó bắt đầu mất dần ánh hào quang ban đầu và phải nhường ngôi trên ấy cho cuốn Gatsby vĩ đại. Gatsby ở ngôi ấy một thời dài sau đó. Tôi thường rút nó ra khỏi giá sách mỗi lúc hứng chí và đọc một đoạn bất kì. Chưa bao giờ nó làm tôi thất vọng. Không có một trang buồn tẻ nào trong cuốn sách ấy. Tôi muốn nói cho mọi người biết rằng đó là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, nhưng xung quanh tôi chưa có ai đã từng đọc Gatsby vĩ đại hoặc có ý muốn đọc nó. Mà giới thiệu và khuyến khích người khác đọc E Scott Fitzgerald, mặc dù không phải là một hành vi phản động, thật sự là một việc không thể làm được hồi 1968.
Khi cuối cùng gặp được một người trong thế giới của tôi đã từng đọc Gatsby vĩ đại, chúng tôi lập tức thành bạn của nhau. Tên hắn là Nagasawa. Hắn hơn tôi hai tuổi và, vì đang học luật tại Đại học Tokyo danh tiếng, hắn đã thuộc loại được đặc tuyển để sẽ gia nhập hàng ngủ lãnh đạo quốc gia. Chúng tôi ở cùng trong khu học xá và chỉ mới biết mặt nhau, cho đến một hôm tôi ngồi đọc Gatsby vĩ đại ở một chỗ sáng trong nhà ăn. Hắn ngồi xuống cạnh tôi và hỏi tôi đang đọc gì. Tôi bảo hắn, và hắn hỏi tôi có thích cuốn sách không. "Tôi đang đọc nó lần này là lần thứ ba" tôi đáp, "và lần nào cũng thấy có cái gì đó mới mẻ thích thú hơn lần trước."
"Người này nói hắn đã đọc Gatsby vĩ đại ba lần," hắn nói như thể độc thoại. "Hãy nghe đây, bất kì người bạn nào của Gatsby vĩ đại cũng là bạn của tôi."
Và thế là chúng tôi thành bạn. Chuyện đó diễn ra hồi tháng Mười.
Càng biết thêm về Nagasawa, hắn càng có vẻ lạ lùng hơn. Trong đời tôi đã gặp khối kẻ lạ lùng, nhưng không ai lạ bằng Nagasawa. Hắn mọt sách hơn tôi rất nhiều, nhưng hắn có lệ không bao giờ động đến một cuốn sách nếu tác giả của nó chết chưa được ba mươi năm. "Chỉ có sách loại ấy tớ mới tin được," hắn nói.
"Không phải tớ không tin vào văn học đương đại," hắn nói thêm, "nhưng tớ không muốn phí ngày giờ quý báu để đọc những thứ chưa được thời gian chấp nhận. Đời ngắn lắm."
"Cậu thích những tác giả kiểu gì?" tôi hỏi ngưởi trên mình hai tuổi bằng giọng cung kính.
"Balzac, Dante, Joseph Conrad, Dickens," hắn đáp liền.
"Không được thời thượng cho lắm."
"Chính thế nên tớ mới đọc họ. Nếu đọc những sách mọi người đều đang đọc, cậu sẽ chỉ nghĩ nhưng gì mọi người đang nghĩ mà thôi. Đó là thế giới của bọn cà tầm và rởm đời. Người chân chính sẽ rất xấu hổ nếu phải làm như vậy. Cậu không thấy thế sao hở Watanabe? Cậu với tớ là những con người đích thực duy nhất trong cái khu học xá này. Những thằng khác đều là đồ bỏ đi hết."
Tôi thật sự choáng. "Sao cậu có thể nói như vậy được?"
"Vì đó là sự thật. Tớ biết. Tớ có thể thấy rõ điều đó. Giống như chúng ta có dấu hiệu đặc biệt ở trên trán vậy. Và ngoài ra, cả hai ta đều đọc Gatsby vĩ đại."
Tôi tính nhẩm thật nhanh. "Nhưng Fitzgerald mới chết được hai mươi tám năm," tôi nói.
"Thì đã sao? Hai năm ư? Với Fitzgerald thì tính thêm lên thế được rồi."
Không có ai khác trong khu học xá biết chuyện Nagasawa là một độc giả bí mật của tiểu thuyết cổ điển, mà nếu họ có biết cũng chẳng làm sao. Nagasawa nổi tiếng thông minh. Hắn đỗ vào Đại học Tokyo như đi chơi, hắn được toàn điểm tốt, hắn sẽ thi hành chính quốc gia, vào Bộ Ngoại giao và trở thành một chính khách. Gia đình hắn giàu có. Cha hắn là chủ một bệnh viện lớn ở Nagoya, anh hắn cũng đã tốt nghiệp ở Tokyo, theo học y khoa, và một ngày nào đó sẽ thừa hưởng cái bệnh viện.
Nagasawa lúc nào cũng có đầy tiền trong túi, và hắn cư xử rất đường hoàng đĩnh đạc. Mọi người đều tôn trọng hắn, ngay cả ông giám đốc khu học xá. Khi hắn nhờ ai làm việc gì, người ấy sẽ cũng cúc làm ngay. Chuyện ấy không có lựa chọn nào khác.
Nagasawa có một phẩm chất tự nhiên nào đó hấp dẫn được mọi người và khiến mọi người phải theo mình.
Hắn biết phải làm đầu đàn ra sao, biết đánh giá tình thế, biết ra những mệnh lệnh vừa chính xác vừa lịch thiệp khiến người khác phải tuân thủ. Trên đầu hắn lơ lửng một vòng sáng tiết lộ quyền lực của hắn giống như vòng hào quang của thiên thần, và chỉ nhìn thấy thế cũng đủ làm người ta phải khiếp sợ con người siêu việt này. Cũng chính vì thế mà mọi người đều choáng khi thấy Nagasawa chọn tôi, một kẻ chẳng có phẩm chất gì nổi bật, làm người bạn đặc biệt của hắn. Vì thế mà có những người tôi hầu như không quen biết lại đối xử với tôi có phần rất trọng thị, nhưng điều dường như họ không nhận ra lại đơn giản thế này thôi: sở dĩ Nagasawa chọn tôi là vì tôi cư xử với hắn hoàn toàn chẳng có tí e dè nể sợ như hắn vẫn thấy ở tất cả những người khác. Đúng là tôi có thích thú với những phương diện phức tạp lạ lùng trong bản chất của hắn, nhưng chẳng có gì trong những thứ kia - nào điểm tốt, nào hào quang, nào vẻ ngoài của hắn – có được tí ấn tượng gì với tôi. Chắc điều đó phải là cái gì mới mẻ đối với hắn.
Trong nhân cách của Nasagawa có những cái cực kì mâu thuẫn với nhau. Có nhiều lần chính tôi cũng phải cảm động vì lòng tốt của hắn, nhưng hắn cũng có thể nhẫn tâm và đểu cáng không kém. Hắn vừa là một đạo linh hồn cao thượng tuyệt vời, vừa là một hạng rác rưởi cống rãnh vô phương cứu chuộc. Hắn có thể vẫn xốc tới như một vị lãnh tụ lạc quan trong khi chính con tim hắn đang khô héo giữa một đầm lầy cô độc. Ngay từ đầu tôi đã thấy những phẩm chất đầy nghịch lý này của hắn, và tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao chúng lại không hiển hiện rõ ràng trong mắt mọi người khác. Hắn sống trong cõi địa ngục đặc biệt của riêng mình.
Dù sao, có lẽ tôi đã luôn cố gắng nhìn hắn dưới một ánh sáng rõ ràng nhất. Cái phẩm giá lớn nhất của hắn là lòng trung thực. Không những hắn không bao giờ nói dối, hắn còn luôn sẵn sàng nhận khuyết điểm của mình. Không khi nào hắn định che giấu những gì có thể gây lúng túng cho bản thân. Và đối với tôi, hắn lúc nào cũng tử tế và sẵn sàng giúp đỡ. Nếu không có hắn, cuộc sống của tôi trong khu học xá sẽ buồn chán hơn rất nhiều. Thế nhưng tôi vẫn chưa một lần nào cởi mở lòng mình với Nagasawa, và trong chuyện này thì quan hệ của tôi với hắn hoàn toàn trái ngược với quan hệ của tôi với Kizuki.
Lần đầu tôi thấy Nagasawa say rượu và hành hạ một cô gái, tôi đã thề với mình sẽ không bao giờ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, được cởi mở lòng mình với hắn.
Khu học xá lan truyền nhiều "truyền thuyết" về Nagasawa. Một truyền thuyết nói đã có lần hắn ăn liền ba con ốc sên. Một truyền thuyết nữa nói hắn có một bộ củ khổng lồ và đã ngủ với hơn một trăm cô gái.
Câu chuyện ốc sên là có thật. Chính hắn kể vậy với tôi "Ba con mẹ to đùng," hắn nói. "Nuốt chửng tất cả một lúc."
"Để làm cái quái gì vậy?"
"À, chuyện đó xảy ra trong năm đầu tiên tớ đến sống ở đây," hắn nói. "Có vài chuyện như cứt xảy ra giữa bọn năm đầu và bọn năm thứ ba. Bắt đầu từ tháng Tư và đến tháng Chín thì căng thẳng cực độ. Vì là đại diện cho bọn năm đầu, tớ đi dàn hoà với bọn năm thứ ba. Một bọn hữu khuynh khốn nạn thực sự. Chúng đều đeo kiếm gỗ kendo, và rõ ràng chẳng có tí ý định dàn hoà. Thế là tớ bảo, "Thôi được, ta hãy chấm dứt sự việc ở đây. Bọn bay muốn làm gì tao thì làm, nhưng hãy để cho bọn năm đầu được yên thân". Thế là chúng nó bảo, "Ôkê, hãy nuốt chửng vài con ốc sên cho chúng tao xem". "Được thôi," tớ nói, "đem chúng đến đây." Bọn khốn ra ngoài và đem về ba con to dùng. Và tớ nuốt chửng cả ba."
"Nó ra làm sao?"
"Nó ra làm sao hả? Cậu phải tự nuốt chúng thì mới biết được. Cái cách nó chuồi vào cuống họng rồi trôi dần xuống tận bụng… lành lạnh, và sau đó thì có một dư vị rất kinh khủng… yyyyặc! Chỉ nghĩ đến thôi tớ cũng thấy lạnh cả người. Tớ muốn nôn lắm nhưng cố nhịn. Bởi vì nếu mà nôn ra, tớ sẽ phải nuốt tất cả chúng lại một lần nữa. Thế là tớ nhịn bằng được. Cả ba con nằm im trong bụng."
"Rồi thì sao?"
"Tớ về phòng mình và uống một xô nước muối. Làm thế đếch nào được nữa."
"Ờ tớ cũng đoán thế."
"Nhưng sau đó, không ai có thể nói gì được tớ. Cả bọn năm thứ ba cũng vậy. Tớ là thằng duy nhất ở đây có thể nuốt chửng liền ba con ốc sên."
"Chắc chắn rồi."
Tìm xem bộ củ của hắn to cớ nào thì dễ ợt. Tôi chỉ việc vào tắm chung với hắn trong nhà tắm công cộng của khu học xá. Công nhận là hắn có một bộ củ thực to. Nhưng một trăm cô gái thì có thế là thậm xưng.
"Có thể là bảy mươi lăm, hắn nói. "Tớ không thể nhớ hết bọn chúng, nhưng chắc chắn ít nhất cũng phải là bảy mươi."
Khi tôi bảo hắn tôi mới chỉ ngủ với một cô gái, hắn nói:
"Ôi dào, mình sẽ điều chỉnh việc đó, dễ mà. Lần sau cậu đi với tớ. Tớ sẽ kiếm ngay một đứa cho cậu, dễ lắm."
Tôi không tin hắn, nhưng hoá ra hắn nói đúng. Dễ thật. Hình như còn hơi dễ quá, khi đã lên men với những cốc bia đã hả. Chúng tôi đến một chỗ như là một quầy bar ở Shibuya hoặc Shinjuku gì đó (hắn có những địa điểm ưa thích riêng), thấy một cặp bạn gái (thế giới đầy những cặp bạn gái), nói chuyện với chúng, uống, về một khách sạn, và làm tình với chúng. Hắn tán chuyện cực giỏi. Không phải là hắn có những chuyện hay ho gì, mà là bọn con gái hễ cứ nghe tiếng hắn nói là mê tơi, rồi uống rõ nhiều, và cuối cùng thì ngủ với hắn. Tôi đoán chúng thích được ở bên cạnh một người hay như vậy, đẹp trai và thông minh như vậy. Và điều đáng kinh ngạc nhất là, chỉ vì tôi đi cùng với hắn, tôi có vẻ cũng trở nên hấp dẫn hệt như hắn. Nagasawa thường giục tôi tán chuyện đi, và bọn con gái sẽ quay sang tôi với những nụ cười khâm phục hệt như đối với hắn. Hắn sử dụng phép thuật của mình, một tài năng thực sự vẫn luôn gây ấn tượng với tôi. So với Nagasawa, tài nói chuyện của Kizuki chỉ là trò trẻ con. Đây hoàn toàn là một đẳng cấp khác. Ấy thế mà dù có thấy mình bị quyền phép của Nagasawa chi phối đến mấy, tôi vẫn nhớ tiếc Kizuki. Tôi có một cảm xúc khâm phục mới mẻ đối với tính trung thực của Kizuki. Cậu chỉ chia sẻ tất cả tài năng của mình cho tôi và Naoko, trong khi Nagasawa lại thích phân phát những món quà quý giá của hắn cho tất cả mọi người xung quanh. Không phải vì hắn thèm được ngủ với những cô gái hắn tìm thấy, mà đó chỉ là một trò chơi với hắn vậy.
Tôi không quá máu mê trong chuyện ngủ với những cô gái không quen biết. Dĩ nhiên đó là cách giải toả bức xúc xác thịt của tôi, và tôi cũng thích tất cả những trò ôm ấp đụng chạm kia, nhưng tôi ghét những buổi sáng hôm sau thậm tệ. Tôi sẽ thức giấc và thấy cô gái lạ ấy nằm ngủ ngay cạnh mình, gian phòng thì sặc mùi rượu, còn cái giường cùng với đèn đóm và rèm cửa thì đều lòe loẹt chướng mắt theo kiểu các "khách sạn tình yêu" và đầu tôi thì mụ mị như trong sương mù sau một đêm bí tỉ. Thế rồi cô gái sẽ thức giấc và bắt đầu mò mẫm xung quanh tìm những đồ bà rằn của mình và trong khi xổ bít-tất cô ta sẽ nói những câu đại loại như, "Em hy vọng đêm qua anh có dùng cái ấy. Tháng này thì đây là ngày tệ nhất của em đấy." Rồi cô ta sẽ ngồi xuống trước gương và bắt đầu lầu bầu về cơn nhức đầu hoặc về sự lủng củng của các món đồ trang điểm trong lúc tô lại môi hoặc dính lại hàng mì giả. Tôi vẫn thích không phải ở cả đêm với họ, nhưng ta không thể lo đối phó với lệnh cấm trại ban đêm của khu học xá trong khi đi ve gái (dù sao thì nó cũng trái với các quy luật vật lý), Và bao giờ tôi cũng phải mang theo giấy thông hành qua đêm. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ phải ở lại bên ngoài cho đến sáng và trở về khu học xá với đầy những thất vọng và ghê tởm bản thân trong khi nắng sáng như dao đâm vào mắt, mồm miệng khô như ngậm cát, còn đầu óc thì như của ai khác vậy.
Khi đã ngủ với ba hoặc bốn cô gái theo kiều ấy, tôi hỏi Nagasawa, "Sau khi cậu đã làm chuyện này bảy mươi lần, nó có bắt đầu trở nên vô nghĩa không?"
"Điều đó chứng tỏ cậu là một người đàng hoàng tử tế", hắn nói. "Xin chúc mừng. Dứt khoát là chẳng được gì hết khi ta ngủ với hết đàn bà lạ này sang đàn bà lạ khác. Nó chỉ làm ta kiệt sức và khiến ta ghê tởm chính mình. Với tớ cũng thế thôi."
"Vậy thì vì lí do quái gì mà cậu cứ tiếp tục như thế?"
"Khó nói thật. Mà này, chắc cậu đã biết Dostoyevski viết gì về cờ bạc rồi chứ? Nó như vậy đấy. Khi ta bị vây quanh bởi vô vàn những cơ may, việc khó làm nhất là để tuột mất chúng. Hiểu điều tớ nói không?"
"Vậy vậy thôi."
"Nghe đây. Mặt trời lặn xuống. Bọn con gái ra ngoài và uống rượu. Chúng lang thang xung quanh và tìm kiếm cái gì đó. Tớ có thể cho chúng cái đó. Đó là việc dễ dàng nhất thế giới, như uống nước vặn ở vòi ra vậy. Chưa kịp nghĩ ngợi gì thì tớ đã đè chúng ra rồi. Đó là cái chúng mong đợi. Đó là cái mà tớ gọi là cơ may. Nó đầy rẫy xung quanh. Làm sao có thể phớt lờ nó được? Ta có khả năng và cơ hội để tận dụng nó. Cậu có thể cứ ngậm miệng và để nó tuột mất chăng?
"Tớ không biết, tớ chưa bao giờ ở trong một tình huống như thế," tôi nói vớỉ một nụ cười. "Tớ không thể tưởng tượng nó ra làm sao."
"Thật may mắn cho cậu," Nagasawa nói.
Máu ham gái là lí do Nagasawa sống trong khu học xá mặc dù gia đình hắn rất giàu có. Sợ rằng Nagasawa sẽ không làm một việc gì khác khi sống một mình ở Tokyo, cha hắn đã buộc hắn phải sống cả bốn năm đại học trong khu học xá. Chuyện đó cũng chẳng nhằm nhò gì lắm với Nagasawa. Hắn chẳng chịu để một vài điều kỷ luật quấy rầy đến mình. Hễ khi nào thích, hắn sẽ lấy một thông hành qua đêm và đi săn gái hoặc ngủ lại ở căn hộ cô bồ của hắn. Những giấy thông hành này lấy được cũng không dễ gì, nhưng với hắn thì chúng cứ như giấy cho không - cả với tôi nữa cũng thế, nếu hắn là người đứng ra xin.
Nagasawa cũng có một cô bồ bền chặt mà hắn đã cặp ngay từ năm thứ nhất. Tên cô ta là Hatsumi, và cô cùng tuổi với Nagasawa. Tôi đã gặp cô vài lần và thấy cô rất hay. Cô ta không có cái vẻ ngoài nhìn một cái là thấy hấp dẫn ngay, và quả thực cô bình thường đến mức khi gặp lần đầu tôi đã phải tự hỏi tại sao Nagasawa không tìm một ai xinh đẹp hơn, nhưng hễ ai đã có dịp chuyện trò với cô cũng đều lập tức thích cô ngay. Ít nói, thông minh, dí dỏm, biết quan tâm đến người khác, lúc nào cô cũng ăn vận với một thị hiểu không thể chê vào đâu được. Tôi thích cô ghê lắm và biết rằng nếu tôi có thể có được một bạn gái như Hatsumi, tôi sẽ không lang chạ với đám gái linh tinh lang tang kia làm gì. Cô cũng thích tôi, và đã cố sức gán ghép tôi với một cô bạn năm thứ nhất trong cùng câu lạc hộ với cô để cả bốn đứa có thể cùng đi chơi với nhau, nhưng tôi thường bịa lí do để tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Hatsumi học ở một đại học nữ cao giá nhất nước, và không có cách gì để tôi có thể chuyện trò được với một trong những nữ chúa siêu giàu có ấy.
Hatsumi biết thừa là Nagasawa lang chạ lung tung, nhưng cô không bao giờ ca thán gì với hắn. Cô thực sự yêu nhưng không bao giờ đòi hỏi.
"Tớ không xứng với một cô gái như Hatsumi," Nagasawa có lần nói với tôi. Tôi phải đồng tình với hắn thôi.
Mùa đông ấy tôi kiếm được một việc làm thêm trong một tiệm bán đĩa nhạc ở Shinjuku. Tiền chẳng được mấy, nhưng công việc dễ dàng - chỉ có canh chừng cửa hàng ba đêm một tuần - và họ cho tôi được mua đĩa giá rẻ. Dịp Giáng sinh tôi mua cho Naoko một bộ đĩa Henry Mancini trong đó có bài "Trái tim Yêu dấu ưa thích của nàng. Tôi tự tay gói ghém món quà, đính cả một dải ruy-băng đỏ rực. Nàng tặng tôi một đôi găng tay len nàng đan. Ngón cái hơi bị ngắn, nhưng chúng giữ đôi bàn tay tôi ấm áp.
"Ôi chao, xin lỗi nhé," nàng nói, mặt ửng đỏ, "Mình đan kém quá!"
"Có sao đâu, chúng rất vừa mà," tôi nói, giơ cả hai bàn tay đi găng ra cho nàng.
"Cũng được, ít nhất thì cậu cũng không phải hai tay đút túi quần mãi nữa, phải không nào?"
Naoko không về nhà ở Kobe kỳ nghỉ đông ấy. Tôi cũng ở lại Tokyo, làm việc ở tiệm đĩa nhạc cho đến tận cuối năm. Tôi chẳng có gì đặc biệt vui vẻ để làm ở Kobe, cũng chẳng có ai tôi muốn gặp ở đó. Nhà ăn khu học xá đóng cửa trong kỳ nghỉ, và tôi đến ăn cơm ở căn hộ của Naoko. Đêm Giao thừa, hai đứa ăn bánh gạo và súp như tất cả mọi người.
Rất nhiều chuyện xảy ra từ cuối tháng Giêng đến tháng Hai năm ấy, 1969.
Cuối tháng Giêng, Quốc-xã liệt giường vì một trận sốt cấp tính. Có nghĩa là tôi phải thất hứa với Naoko đúng ngày hôm đó. Tôi đã phải chạy vạy mãi mới có được mấy tấm vé hoà nhạc không mất tiền. Nàng đã rất khấp khởi muốn đi nghe vì dàn nhạc sẽ chơi một trong những bản nhạc ưa thích nhất của nàng là Giao hưởng số Bốn của Brahm. Nhưng với Quốc-xã đang vật vã trên giường và có vẻ như đang sắp chết một cách đớn đau, tôi không thể bỏ mặc hắn ở đó, và cũng không thể tìm được ai ngu xuẩn đến mức thay tôi chăm sóc hắn. Tôi mua ít nước đá và dùng nhiều lớp túi nilông để chườm đá lên trán hắn, lau mồ hôi trên mặt hắn bằng khăn ướp lạnh, cặp nhiệt độ hàng giờ cho hắn, và thay cả áo chẽn cho hắn. Cơn sốt kéo dài một ngày, nhưng sáng hôm sau hắn đã nhảy ra khỏi giường và tập thể dục như không có chuyện gì xảy ra. Thân nhiệt hắn lại hoàn toàn bình thường. Khó có thể tin hắn là một con người.
"Lạ thật," Quốc-xã nói. "Suốt đời tớ có bao giờ sốt siếc gì đâu." Gần như là hắn đang đổ lỗi cho tôi vậy.
Đíều đó làm tôi phát điên. "Nhưng mà cậu vừa bị một cơn sốt xong," tôi khăng khăng, cho hắn coi hai tấm vé bị bỏ phí.
"May mà chúng không mất tiền mua," hắn nói. Tôi đã định giật lấy cái đài của hắn và quẳng nó ra ngoài cửa sổ, nhưng lại lên giường nằm với một cơn nhức đầu.
Tuyết rơi nhiều lần trong tháng Hai.
Gần cuối tháng, tôi sa vào một trận cãi cọ ngu xuẩn với một gã năm thứ ba ở cùng tầng với tôi và ra tay đấm hắn. Hắn bị dập đầu vào tường bêtông, nhưng bị thương không nặng lắm, và Nagasawa đã ra tay giải quyết sự vụ ổn thổa cho tôi. Nhưng tôi vẫn bị gọi lên văn phòng giám đốc khu học xá và bị cảnh cáo. Sau đó, cuộc sống trong khu học xá mỗi ngày một thêm khó chịu đối với tôi.
Năm học kết thúc vào tháng Ba, nhưng tôi bị thiếu một vài học phần. Kết quả thi của tôi trung bình - hầu hết là C với D, chỉ có vài con B. Naoko có được đủ những điểm cần thiết để sang học kỳ mùa xuân của năm thứ hai.
Chúng tôi đã xong được một chu kỳ đầy đủ của bốn mùa.
Đến giữa tháng Tư thì Naoko tròn hai mươi tuổi. Nàng hơn tôi bảy tháng. Sinh nhật tôi là vào tháng Mười một.
Có cái gì đó là lạ trong việc nàng đã tròn hai mươi. Tôi cảm thấy dường như chỉ có duy nhất một thứ có ý nghĩa với Naoko cũng như với tôi, và đó là cứ tiếp tục qua lại mãi giữa tuổi mười tám và mười chín. Sau tuổi mười tám sẽ là tuổi mười chín, và sau mười chín lại đến mười tám, tất nhiên rồi. Nhưng nàng đã tròn hai mươi. Và đến mùa thu thì tôi cũng vậy. Chỉ có người chết mới mãi mãi ở tuổi mười bảy mà thôi.
Trời mưa hôm sinh nhật nàng. Sau giờ học tôi mua một cái bánh gatô ở gần đó rồi lên tàu điện đến căn hộ của nàng. "Chúng ta phải ăn mừng chứ," tôi bảo nàng.
Có thể tôi cũng sẽ muốn như thế nếu ở địa vị nàng. Sinh nhật lần thứ hai mươi mà chỉ có một mình thì sợ quá. Tàu điện chật ních người và chạy giật cục kinh hồn đến nỗi khi tôi đến nơi thì cái bánh trông như toà đấu trường La Ma đổ nát chứ không ra hình thù gì khác. Dù sao, lúc tôi đã cắm được hai mươi cái nến đem theo, thắp sáng chúng, kéo rèm cửa và tắt đèn đi thì chúng tôi cũng vẫn có đầy đủ một buổi liên hoan mừng sinh nhật. Naoko mở một chai vang. Chúng tôi uống, ăn một ít bánh, và thương thức một bữa tối giản dị.
"Mình không biết nữa, thật ngu xuẩn khi hai mươi tuổi, nàng nói. "Mình chưa sẵn sàng. Là lạ thế nào ấy. Giống như có ai cứ đẩy mình từ sau lưng."
"Mình còn bảy tháng nữa để sẵn sàng," tôi nói và cười vang.
"Cậu thật may mắn! Vẫn mười chín tuổi!" Naoko nói hơi có giọng ganh tị.
Trong lúc ăn tôi kể cho nàng về cái áo len cộc tay mới của Quốc-xã. Từ trước hắn vẫn chỉ có độc một cái màu xanh thuỷ quân, nên bây giờ có cái thứ hai là cả một chuyển biến lớn. Bản thân cái áo thì cũng hay, màu đỏ và đen, đan có trang trí hình con hươu, nhưng mặc vào người hắn thì ai thấy cũng phải phì cười. Hắn không hiểu ra làm sao cả.
"C cơ cai-cái gì mà họ cười thế hả, Watanabe?" hắn hỏi, ngồi xuống cạnh tôi trong nhà ăn. "Có cái gì dính trên trán tớ à?"
"Có gì đâu," tôi nói, cố giữ vẻ mặt bình thường.
"Có gì buồn cười đâu. Cái áo len đẹp đấy."
"Cảm ơn," hắn nói, mặt rạng rỡ.
Naoko thích chuyện ấy quá. "Mình phải gặp anh chàng đó mới được," nàng bảo. "Chỉ một lần thôi."
"Không thể được," tôi nói. "Cậu sẽ phì cười vào mặt hắn thôi."
"Cậu nghĩ thế à?"
"Mình cuộc là vậy. Ngày nào mình cũng thấy hắn và nhiều khi vẫn không thể nhịn được cười."
Chúng tôi dọn bàn rồi ngồi xuống sàn, nghe nhạc và uống nốt chỗ rượu vang. Khi tôi uống hết một cốc thì nàng đã cạn hết hai.
Đêm ấy Naoko nói nhiều khác thường. Nàng kể cho tôi về thời thơ ấu của nàng, trường học và gia đình nàng. Chuyện nào cũng dài, mà kể thật tỉ mỉ chi tiết như một bức tiểu hoạ. Tôi kinh ngạc thấy kí ức nàng mạnh đến vậy, nhưng khi ngồi lắng nghe nàng, tôi bỗng chợt thấy có cái gì đó không ổn trong lối kể chuyện của nàng, một cái gì đó lạ lùng, thậm chí méo mó. Mỗi câu chuyện đều có cái logic riêng của nó, nhưng mối liên hệ của chúng với nhau thì lại bất thường. Chưa kịp nghe thủng thì chuyện A đã nhập vào với chuyện B, vốn đã có ở A rồi, và sau đó thì chuyện C lại xuất hiện từ cái gì đó ở chuyện B, cứ thế không bao giờ dứt. Lúc đầu tôi còn cố tìm cách đối đáp, nhưng một lúc sau thì chịu chết. Tôi đặt một đĩa hát lên máy và khi hết thì nhấc kim ra và thay một đĩa khác vào đó. Chạy hết đã cuối cùng thì tôi quay lại đĩa đầu tiên. Nàng chỉ có sáu đĩa tất cả. Chu kỳ âm nhạc bắt đầu bằng bài Băng nhạc câu lạc bộ những trái tim cô đơn của Sgt. Pepper và kết thúc bằng bản Điệu Van-xơ cho Debbie của Bill Evan. Mưa cứ rơi ngoài cửa sổ.
Thời gian chầm chậm trôi. Naoko tiếp tục nói chuyện một mình.
Cuối cùng thì tôi đã hiểu ra cái gì không ổn: Naoko đang hết sức cảnh giác không động đến một số điều gì đó trong khi nàng kể chuyện. Một là Kizuki, tất nhiên rồi, nhưng còn hơn thế nữa. Và mặc dù đã có một số chủ đề nàng cương quyết lảng tránh, Naoko vẫn cứ nói mãi và tỉ mẩn không thể tưởng tượng được về những thứ linh tinh vụn vặt và tầm thường nhất. Tôi chưa bao giờ nghe nàng nói hùng hồn đến thế nên không dám ngắt lời.
Khi đồng hồ điểm mười một giờ thì tôi bắt đầu thấy bồn chồn. Naoko đã nói liền tù tì hơn bốn tiếng rồi. Tôi cần phải lo đến chuyến tàu cuối cùng của mình cũng như lệnh giới nghiêm nửa đêm của khu học xá. Tôi chộp lấy một cơ hội và cắt lời nàng.
"Đã đến lúc lính tráng phải về," tôi nói, mắt nhìn đồng hồ đeo tay. "Sắp đến chuyến tàu cuối rồi."
Lời tôi nói có vẻ không đến được tới nàng. Hoặc nếu được thì nàng đã không thể hiểu chúng có nghĩa gì.
Nàng ngậm chặt miệng chưa đến một giây, rồi lại tiếp tục nỏi. Tôi đầu hàng, sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái hơn và uống nốt chỗ vang còn lại của cái chai thứ hai. Tôi nghĩ cứ nên mặc nàng nói cho hả thì thôi. Lệnh giới nghiêm và chuyến tàu cuối cùng sẽ phải tự chúng giải quyết với nhau.
Nhưng nàng cũng không tiếp tục lâu nữa. Khi tôi để ý thì nàng đã ngừng rồi. Phần cuối tơi tả của lời nàng dường như đang bồng bềnh trong không gian, nơi chúng đã bị bóc xuống từ nãy đến giờ. Nàng không thực sự kết thúc những gì đang nói. Chỉ đơn giản là lời nàng đã biến thành không khí hết cả. Nàng vẫn muốn tiếp tục, nhưng chẳng còn gì ở đó nữa. Một cái gì đó vừa biến mất, và có thể tôi đã là kẻ gây ra điều tàn hại ấy. Lời tôi nói có thể cuổi cùng đã đến được tới nàng, chờ ở đó để được nàng hiểu, và tiêu diệt hết phần năng lượng đã khiến nàng nói chuyện được lâu đến thế. Đôi môi hơi hé mở, nàng quay cặp mắt chưa biết nhìn vào đâu về phía tôi. Trông nàng giống như một cỗ máy đang chạy đều thì bị người rút mất điện. Mắt nàng có vẻ mờ mịt, như bị một thứ màng mỏng và trong veo kéo qua che kín.
"Mình xin lỗi đã ngắt lời cậu," tôi nói, "nhưng đã muộn rồi, và…"
Một giọt lệ lớn từ mắt nàng tràn ra, trôi xuống má và rơi xuống một cái vỏ đĩa hát. Sau giọt đầu tiên ấy, nước mắt nàng trào ra như suối. Naoko gập người bò xuống nền nhà, úp cả bàn tay xuống chiếu và bắt đầu kêu khóc quằn quại như một người đang nôn thốc nôn tháo vậy.
Trong đời tôi chưa bao giờ thấy có ai khóc dữ dội như thế. Tôi vươn tới và đặt một bàn tay lên bờ vai đang rung bần bật của nàng. Thế rồi, hoàn toàn chỉ là bản năng, tôi ôm nàng vào lòng. Nép chặt vào tôi, toàn bộ thân thể nàng run lên, và nàng tiếp tục khóc không ra tiếng. Sơ-mi tôi ướt đẫm, sũng nước mắt nàng và hơi thở nóng hổi của nàng. Chẳng mấy chốc những ngón tay nàng bắt đầu chạy khắp qua lưng tôi như thể tìm kiếm một thứ gì, một thứ gì đó quan trọng vẫn luôn ở đó. Đỡ nàng bằng tay, tôi dùng tay phải vuốt ve mái tóc thẳng và mềm mại của nàng. Và tôi chờ đợi. Trong tư thế ấy, tôi chờ đợi cho Naoko nín khóc. Và tôi cứ đợi như thế mãi. Nhưng Naoko chẳng bao giờ ngừng khóc.
Đêm đó tôi đã ngủ với Naoko. Làm vậy có phải không ư? Tôi không biết nữa. Ngay cả bây giờ, gần hai mươi năm đã qua, tôi vẫn không biết chắc. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ biết. Nhưng lúc bấy giờ, tôi chỉ có thể làm được có vậy mà thôi. Nàng đang trong tình trạng căng thẳng và rối trí cao độ, và nàng nói rõ rằng nàng muốn tôi giải toả cho nàng. Tôi hạ bớt ánh sáng đèn và bắt đầu cởi bỏ quần áo nàng, từng thứ một, với những động chạm nhẹ nhàng nhất. Rồi tôi cởi quần áo mình. Trời đủ ấm, cái đêm mưa tháng Tư ấy, để chúng tôi có thể bám chặt lấy sự trần trụi của nhau mà không thấy lạnh lẽo.
Chúng tôi khám phá thân thể nhau trong bóng tối, không nói một lời. Tôi hôn nàng và nâng đôi vú mịn màng của nàng trong tay. Nàng siết chặt lấy sự cương cứng của tôi. Châu thân nàng mở ra nóng âm, ướt át và mong ngóng tôi.
Thế mà khi tôi vào đến trong nàng, Naoko bỗng cứng người lại vì đau đớn. Đây là lần đầu của nàng ư? tôi hỏi, và nàng gật đầu. Giờ thì đến lượt tôi thấy rối trí. Tôi vẫn tưởng rằng Naoko đã ngủ với Kizuki trong suốt thời gian ấy. Tôi tìm vào nàng thật sâu, đến tận cùng của chính mình, và ở lại đó một lúc lâu, im lìm ôm ấp nàng.
Thế rồi, khi nàng đã bắt đầu có vẻ bình tĩnh hơn, tôi thả cho mình chuyển động bên trong nàng với những động tác thật chậm rãi và nhẹ nhàng để phải thật lâu mới tới vùng cực cảm. Lúc ấy nàng mới phá vỡ sự im lặng của mình và siết chặt lấy tôi bằng cả hai cánh tay. Tiếng kêu của nàng là âm thanh cực cảm buồn thảm nhất mà tôi đã từng nghe.
Khi mọi thứ đã xong, tôi hỏi Naoko tại sao nàng lại chưa bao giờ ngủ với Kizuki. Đó thực là một sai lầm.
Tôi vừa dứt lời thì nàng liền bỏ tay ra và lại bắt đầu khóc không thành tiếng. Tôi lấy chăn nệm từ trong hộc tủ, trải chúng xuống sàn nhà lót chiếu, và đặt nàng vào giữa lần chăn nệm ấy. Vừa hút thuốc, tôi vừa ngắm nhìn màn mưa tháng Tư đang rơi như không bao giờ ngừng ở bên ngoài cửa sổ.
Mưa đã tạnh khi trời hửng sáng. Naoko đang nằm ngủ quay lưng về phía tôi. Hoặc giả nàng đã chẳng ngủ tí nào.
Thức hay ngủ, nàng cũng chẳng còn lời nào trên môi nữa, và thân xác nàng giờ đây có vẻ cứng nhắc, gần như đóng băng vậy. Tôi đã cố nói với nàng nhiều lần, nhưng nàng không hề đáp lại, không hề động cựa. Tôi ngắm nhìn bờ vai trần của nàng rất lâu, nhưng cuối cùng thì hết hy vọng có thể làm cho nàng đáp lại mình và quyết định phải dậy.
Sàn nhà vẫn lăn lóc những vỏ đĩa hát, chai, cốc, và chiếc gạt tàn tôi đã dùng. Một nửa cái bánh sinh nhật nhàu nát vẫn ở trên bàn. Hình như thời gian đã dừng lại.
Tôi nhặt nhạnh mọi thử ở dưới sàn lên và uống hai cốc nước vặn ở vòi ra. Trên bàn học của Naoko có một cuốn tự điển và một biểu đồ chia động từ tiếng Pháp. Tường phía trên bàn có treo một tờ lịch, loại không có hình minh hoạ hoặc ảnh chụp, chỉ có ngày tháng với các con số. Không có một ghi nhớ hoặc đánh dấu nào viết trên các ô ngày tháng của tờ lịch ấy.
Tôi nhặt quần áo mặc vào người. Ngực chiếc sơ-mi vẫn còn ẩm và lạnh. Nó có mùi Naoko. Tôi viết lên tập giấy ghi chú để trên bàn: Mình muốn nói chuyện với cậu thật dài và cẩn thận khi nào cậu đã bình tĩnh lại. Làm ơn gọi mới sớm nhé. Chúc mừng sinh nhật. Tôi quay lại nhìn bờ vai Naoko lần nữa, rồi bước ra ngoài và nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Không có cú gọi nào mặc dù một tuần lễ đã trôi qua. Chỗ Naoko ở không có hệ thống gọi mọi người ra nhận điện thoại, và thế là sáng Chủ nhật tôi lên tàu đi Kokubunji.
Nàng không có đó, và tên nàng đã không còn thấy niêm yết ngoài cửa. Các cửa sổ đều đóng chặt cả kính lẫn chớp.
Người quản lí bảo tôi Naoko đã dọn đi ba ngày trước đó. Ông ta không biết nàng dọn đi đâu.
Tôi trở về khu học xá và viết cho Naoko một bức thư dài, đề gởi đến địa chỉ gia đình nàng ở Kobe. Nàng ở đâu thì họ cũng sẽ chuyển nó đến cho nàng. Tôi hy vọng thế.
Tôi viết cho nàng thật trung thực về những cảm xúc của mình. Có rất nhiều điều tôi vẫn chưa hiểu, tôi viết thế, và mặc dù là tôi đang cố gắng để hiểu, việc đó cần có thời gian. Hiện tại tôi không thể biết khi đã hiểu hết mọi chuyện thì tôi sẽ ra sao, cho nên tôi không thể hứa hẹn hoặc đòi hỏi gì, cũng không thể viết ra những lời hoa mỹ được. Có một điều là chúng ta biết quá ít về nhau. Tuy nhiên, nếu nàng cho tôi có thời gian, tôi sẽ dùng nó cho những nỗ lực tốt đẹp nhất của mình, và hai đứa chúng mình sẽ hiểu rõ nhau hơn. Trong hoàn cảnh nào đi nữa, tôi rất muốn được gặp lại nàng và nói chuyện thật lâu với nàng. Khi tôi mất Kizuki, tôi đã mất một người có thể chia sẻ những tình cảm trung thực nhất của mình, và tôi nghĩ rằng Naoko cũng như vậy. Nàng và tôi cần đến nhau nhiều hơn là chúng tôi tưởng. Và điều đó, không nghi ngờ gì nữa, chính là lí do tại sao quan hệ của chúng tôi đã có một bước ngoặt lớn như vậy, và theo một nghĩa nào đó, đã trở nên vênh váo.
Có lẽ mình không nên làm vậy, nhưng mình vẫn tin rằng mình chỉ có thể làm được đến thế. Những tình cảm ấm áp và gần gũi mà mình có với cậu vào lúc đó là một cái gì đó mình chưa bao giờ được nếm trải. Mình cần cậu đáp lại bức thư náy. Dù lời đáp của cậu là thế nào đi nữa, mình vẫn cần có nó.
Vẫn không có một lời phúc đáp nào.
Một cái gì đó bên trong tôi đã rơi ra mất, và chẳng gì đến lấp cho tôi chỗ trống ấy trong lòng. Thân thể tôi bỗng nhẹ nhõm bất thường, và bất kì âm thanh nào cũng có một tiếng vọng cồn cào đuổi theo. Tôi đến lớp đều đặn chưa từng thấy. Lớp nào cũng tẻ ngắt, tôi chẳng bao giờ chuyện trò với bạn cùng lớp, nhưng tôi chẳng có việc gì khác để làm. Tôi chỉ ngồi một mình ở ngay hàng ghế trên cùng của giảng đường, không nói năng với ai, và ăn một mình. Tôi bỏ thuốc lá.
Cuộc bãi khoá của sinh viên nổ ra vào cuối tháng Năm. "Giải tán Đại học" tất cả chúng đều gào thét như vậy. Phải đấy, cứ làm đi, tôi nghĩ. Giải tán đi. Phá mẹ nó đi. Đập vụn nó ra. Việc đếch gì đến tôi. Có khi thế lại dễ thở chưa biết chừng. Tôi cũng sẵn sàng rồi đây. Nếu cần thì tôi cũng giúp một tay. Cứ việc làm tới đi.
Trường bị bao vây và các lớp học bị đình chỉ, tôi bèn đi làm cho một công ty chuyên giao hàng. Ngồi cạnh tài xế, chất hàng dỡ hàng lên xuống các xe tải, đại loại thế.
Công việc nặng nhọc hơn tôi tưởng. Lúc đầu tôi tưởng không thể nhấc được mình ra khỏi giường vì nhức mỏi. Nhưng tiền kiếm lại khá, và chừng nào thân xác tôi được hoạt động liên tục thì tôi còn có thể quên được khoảng rỗng trong người mình. Tỏi đi làm theo xe tải năm ngày một tuần, và vẫn tiếp tục làm ba đêm một tuần ở tiệm ca nhạc. Những đêm không đi làm thì tôi tiêu thời gian bằng rượu whisky và đọc sách. Quốc-xã không chịu đụng đến whisky và không chịu được mùi rượu, nên khi tôi nằm dài trên giường tu thẳng từ chai thì hắn phàn nàn là mùi rượu làm hắn không thể học bài được và đề nghị tôi mang cái chai ra bên ngoài.
"Có cậu cút ra ngoài thì có," tôi lầu bầu.
"Nhưng cậu biết uống rượu trong khu học xá là vi ph-phơ-phờ-phạm nội quy mà?"
"Tớ đếch cần. Cậu cút đi."
Hắn không phàn nàn nữa, nhưng tôi lại thay áy náy. Tôi lên mái nhà và uống một mình ở đó.
Tháng Sáu, tôi viết cho Naoko một lá thư dài nữa, cũng gửi đến địa chỉ gia đình nàng ở Kobe. Nó cũng nói những chuyện gần giống hệt như trong bức thư đầu tiên, nhưng ở cuối thư tôi viết thêm:
Chờ cậu trả lời là một trong những việc đau đớn nhất mà mình đã từng phải chịu đựng. Ít nhất thì cũng cho biết là mình có làm cậu đau khổ hay không?
Khi gửi lá thư đó đi, tôi cảm thấy cái lỗ trống trong người mình lại lớn thêm ra.
Tháng Sáu ấy tôi lại đi chơi gái hai lần nữa với Nagasawa. Cả hai lần đều dễ. Cô gái thứ nhất chống cự ghê gớm lúc tôi cố lột quần áo và ấn cô lên giường khách sạn, nhưng khi thấy không đáng phải làm thế, tôi bèn lấy sách ra nằm đọc một mình, và lúc ấy thì cô ta lại trở lại nũng nịu với tôi. Còn sau khi đã ngủ với cô thứ hai thì cô này lại bắt đầu hỏi tôi rặt những chuyện riêng tư - Tôi đã ngủ với bao nhiêu cô rồi? Quê quán ở đâu? Học đại học nào? Thích nhạc gì? Đã bao giờ đọc tiểu thuyết của Osamu Dazai chưa? Nếu được đi chơi nước ngoài thì thích đi đâu? Tôi có thấy đầu vú cô quá to không? Tôi bịa vài câu trả lời rồi lăn ra ngủ, nhưng sáng hôm sau cô ta nói muốn được ăn sáng với tôi, và lại tiếp tục hỏi liên miên trên món trứng vô vị với bánh mì nướng và cà-phê. Cha tôi làm công việc gì? Ở trường tôi có được điểm tốt không? Tôi sinh tháng nào? Đã bao giờ ăn thịt ếch chưa? Cô ta làm tôi nhức đầu, và vừa ăn xong tôi bèn nói là tôi phải đi làm ngay.
"Liệu em có gặp lại anh nữa không?" cô ta hỏi, về mặt buồn rầu.
"Ồ, nhất định là chúng mình sẽ sớm gặp lại nhau ở đâu đó mà," tôi nói, rồi bỏ đi. Tôi đang làm cái trò gì vậy?
Vừa một mình là tôi đã tự hỏi và thấy ghê tởm bản thân quá. Nhưng mà tôi chỉ có thể làm được có vậy. Thân thể tôi đói đàn bà. Trong suốt những lần ngủ với những cô gái kia, tôi đều nghĩ đến Naoko, đến dáng hình trăng trắng của tấm thân trần truồng của nàng trong bóng tối, những tiếng thở dài của nàng, tiếng mưa rơi. Càng nghĩ đến những cái đó, thân xác tôi càng thêm thèm muốn.
Tôi lên mái nhà với chai whisky và tự hỏi không biết cuộc đời mình đang đi về đâu.
Cuối cùng, vào đầu tháng Bảy, tôi nhận được một lá thư của Naoko. Một lá thư ngắn ngủi.
"Làm ơn tha lỗi cho mình đã không trả lời sớm hơn. Nhưng hãy cố hiểu cho mình. Sau một thời gian dài mình mới có tâm trạng để có thể viết, ít nhất mình đã viết bức thư này đến hàng chục lần. Với mình, viết là một quá trình đau đớn. Cho phép mình bắt đầu bằng một kết luận nhé.
Mình đã quyết định nghỉ học một năm. Chính thức thì là nghỉ, nhưng có lẽ mình sẽ không bao giờ quay lại nữa. Chuyện này có thể làm cậu ngạc nhiên, nhưng thực ra mình đã nghĩ đến nó từ rất lâu rồi. Đã có một vài lần mình cố nói cho cậu biết, nhưng không biết mở đầu cách nào. Mình sợ cả việc phát phát âm ra. Hay cố đừng để mọi thứ làm mình căng thẳng.
Cho dù có chuyện gì đi nữa, hoặc chẳng có chuyện gì đi nữa, thì kết cục cũng như nhau cả thôi. Nói thế này có lẽ không phải là cách tốt nhất, nhưng xin lỗi đã làm cậu phải đau đớn. Điều mình đang cố nói với cậu là: mình không muốn cậu đổ lỗi cho bản thân vì những gì đã xảy đến với mình. Đó là chuyện mình phải tự quyết định lấy. Mình đã trì hoãn nó trong hơn một năm, và cuối cùng thì lại làm khó cho cậu. Có lẽ không thể trì hoãn thêm được nữa.
Sau khi dọn đi, mình về nhà ở Kobe và đi bác sĩ một thời gian. Ông ta bảo có một chỗ trên vùng núi bên ngoài Kyoto có thể là hoàn hảo cho mình, và mình đang nghĩ sẽ lên đó một thời gian ngắn xem sao.
Đó không hẳn là một bệnh viện, mà giống một khu an dưỡng và cách điều trị cũng phóng khoáng hơn nhiều. Thư sau mình sẽ kể chi tiết hơn. Cái mình cần bây giờ là để cho thần kinh được nghĩ ngơi ở một nơi yên tĩnh cách biệt hẳn với thế giới.
Mình biết ơn cậu, theo cách riêng của mình, vì đã dành cho mình cả một năm trời. Cậu làm ơn hãy tin mình chuyện này nếu như cậu không tin gì khác.
Cậu không phải là người làm cho mình đau khổ. Chính mình là người làm chuyện đó. Mình thực sự cảm thấy thế.
Dù sao, bây giờ mình vẫn chưa sẵn sàng để gặp cậu đâu. Không phải mình không muốn gặp cậu. Chỉ đơn giản là mình chưa thể. Khi nào có thể, mình sẽ viết cho cậu. Như lời cậu nói, đây có lẽ là việc chúng ta nên làm: hãy tìm cách hiểu nhau hơn.
Tạm biệt."
Tôi đọc đi đọc lại lá thư của Naoko, và lần nào cũng thấy mình chìm ngập trong cùng một nỗi buồn không thể chịu đựng nổi mà tôi vẫn cảm thấy mỗi khi Naoko chăm chú nhìn vào mắt mình. Tôi không có cách gì đương đầu với nỗi buồn ấy, không biết đem nó đi đâu, giấu nó vào đâu.
Giống như gió thổi qua thân xác tôi, nó không có hình thù, cũng không có sức nặng, và tôi cũng không thể quấn nó quanh mình. Những vật thể trong cảnh trí ấy sẽ bồng bềnh trôi qua ngay bên tôi, nhưng lời chúng nói không bao giờ đến được tai tôi.
Tôi tiếp tục ngồi lì suốt những tối thứ Bảy dưới sảnh nhà. Không hy vọng sẽ có cú điện thoại nào gọi mình, nhưng tôi chẳng biết dùng thời gian ấy vào việc gì khác. Tôi sẽ vặn chương trình bóng chày lên và giả vờ xem, rồi cứ thế cắt khoảng không giữa tôi và cái TV ra làm hai, rồi lại cắt mỗi nửa ấy ra làm hai nữa, cứ thế cho đến lúc có một khoảng không đủ nhỏ trong lòng bàn tay mình.
Tôi sẽ tắt TV lúc mười giờ, về phòng mình, rồi đi ngủ.
Cuối tháng ấy, Quốc-xã cho tôi một con đom đóm. Nó ở trong một cái lọ vẫn đựng cà-phê tan, nắp có đục lỗ thông hơi, với mấy cọng cỏ và một ít nước. Trong phòng có đèn sáng, con đom đóm trông như một thứ côn trùng bình thường đen xì vẫn thường thấy ở ao hồ, nhưng Quốc-xã khăng khăng nó là đom đóm thứ thiệt. "Đom đóm thì tớ nhìn là biết liền", hắn nói, và tôi chẳng có lí do hoặc cơ sở gì để không tin hắn.
"Được rồi," tôi bảo. "Đom đóm thì đom đóm."
Trông nó như buồn ngủ, nhưng nó cứ không ngừng trèo lên thành thuỷ tinh trơn tuột của cái lọ rồi lại ngã xuống.
"Tớ thấy nó ở ngoài sân," hắn nói.
"Ở đây? Cạnh nhà mình à?"
"Ứ. Cậu biết cái khách sạn ở cuối phố chứ? Họ thả đom đóm trong vườn để hầu khách mùa hè. Con này chắc bay lạc đến đây."
Vừa nói, Quốc-xã vừa loay hoay nhét quần áo sách vở vào cái túi xách Boston màu đen của hắn.
Chúng tôi nghỉ hè đã được nhiều tuần. Có lẽ chỉ còn có tôi và hắn ở lại trong khu học xá. Tôi tiếp tục đi làm chứ không muốn về Kobe. Hắn ở lại theo một lớp thực tập. Lớp ấy vừa xong, nên hắn sắp sửa về nhà ở vùng núi Yamanashi.
"Cậu có thể tặng nó cho bạn gái cậu," hắn bảo. "Nhất định là cô ta thích đấy."
"Cám ơn," tôi nói.
Tối đến, khu nhà ngủ im lìm như một nơi hoang phế. Lá cờ đã được hạ xuống và chỉ có đèn sáng ở cưa sổ nhà ăn. Còn ít sinh viên ở lại quá, người ta đã tắt bớt nửa số đèn trong khu học xá, nửa bên phải thì tối còn nửa bên trái thì sáng. Nhưng vẫn ngửi thấy mùi từ nhà ăn bay ra, một món thịt hầm xốt kem gì đó.
Tôi đem lọ đom đóm lên mái nhà. Không có ai trên đó Một cái áo chen phơi trên dây của ai bỏ quên đang phất phơ trong gió như cái vỏ lột của một con côn trùng khổng lồ. Tôi trèo cái thang sắt ở góc mái lên hẳn nóc bể chứa nước của khu nhà. Cái bể vẫn còn ám vì đã phơi nắng cả ngày. Tôi ngồi trên khoảng nóc bể chật hẹp, dựa vào lan can và thấy mình trực diện với vầng trăng gần tròn bệch bạc. Những ánh đèn của khu Shinjuku nhấp nhoáng phía bên phải, Ikebukuro phía bên trái. Đèn ô-tô chạy thành những dòng dài sáng rực từ vùng sáng này sang vùng sáng kia. Những tiếng động hỗn độn của thành phố hoà vào nhau thành một âm thanh âm ỉ như mây lơ lửng trên không trung.
Con đom đóm hơi lóe lên dưới đáy lọ, ánh sáng của nó quá yếu, màu sắc của nó quá nhợt nhạt. Đã bao nhiêu năm rồi tôi mới lại thấy một con đom đóm, nhưng trong kí ức của tôi, ánh sáng của chúng xuyên thủng màn đêm mùa hạ mạnh mé hơn nhiều, và chính hình ảnh rực rỡ chói sáng ấy mới là cái luôn đọng lại trong tôi.
Có lẽ con đom đóm này sắp chết. Tôi lắc lắc cái lọ. Nó bị văng đập vào thành lọ và cố cất cánh bay, nhưng ánh sáng nó le lói thật yếu ớt.
Tôi cố nhớ xem mình đã thấy đom đóm lần cuối là bao giờ, và ở đâu. Tôi có thể thấy lại quang cảnh ấy trong đầu, nhưng không thể nhớ là ở đâu và lúc nào. Tôi có thể nghe tiếng nước chảy trong bóng tối và thấy một cái cửa cống xây bằng gạch theo kiểu cổ. Nó có tay nắm để ta có thể xoay và mở hoặc đóng cửa. Dòng nước nó điều khiển nhỏ đến mức bị cỏ lác hai bên bờ che khuất cả. Trời tối, tối đến mức khi tắt đèn pin tôi không thể nhìn thấy cả bàn chân của mình. Hàng trăm con đom đóm lập lòe trên mặt ao đọng lại bên cửa cống, phản chiếu như một trận mưa sao sáng rực và nóng hổi trên mặt nước.
Tôi nhắm mắt và đắm mình vào cái bóng tối xa vời ấy của quá khứ. Tôi nghe tiếng gió rõ ràng lạ thường.
Một làn gió ào qua tôi, để lại sau những dải lấp lánh lạ kì trong bóng tối. Tôi mở mắt và thấy đêm hè tối hơn trước rất nhiều.
Tôi vặn mở nắp lọ, lấy con đom đóm ra, đặt nó lên cái mép rộng bốn năm phân của bể nước. Nó có vẻ chưa biết mình đang ở đâu. Nó lập cập bò quanh đầu một cái bu-lông, vướng chân vào một chỗ sơn tróc vẩy. Nó bò sang bên phải cho đến khi thấy hết đường, rồi lại bò vòng về phía bên trái. Cố mãi rồi cuối cùng nó cũng trèo lên được đầu cái bu-lông và nằm phục ở đó một lúc, không động cựa gì, như thể đã hết hơi.
Vẫn dựa vào lan can, tôi chăm chú theo dõi con đom đóm. Cả tôi và nó đều không động đậy một hồi rất lâu. Gió vẫn tiếp tục thổi qua hai chúng tôi trong lúc vô vàn cành lá của cây zelkova cứ xạc xào trong đêm tối.
Tôi đợi, tưởng chừng như vô tận.
Rất lâu sau đó con đom đóm mới bay lên không trung. Như thể chợt nghĩ ra điều gì đó, nó giương cánh, và nhoáng một cái đã bay vượt qua lan can và trôi vào bóng đêm nhợt nhạt. Nó vẽ một vòng cũng chớp nhoáng bên cạnh bể nước như cố lấy lại khoảng thời gian đã mất. Và rồi, sau khi chập chờn ở đó một vài giây như muốn đợi cho vòng cung sáng của nó tan lẫn vào gió, cuối cùng nó bay về hướng đông.
Rất lâu sau khi con đom đóm đã biến mất, vệt sáng của nó vẫn còn lại trong tôi, lập lòe nhợt nhạt trong bóng tối dày đặc sau hai mí mắt như một linh hồn lạc lối.
Nhiều lần tôi đã thử với tay ra bóng tối, nhưng chẳng chạm thấy gì. Cái lập lòe nhợt nhạt kia vẫn còn đó, ngay ngoài tầm với của tôi.