Hiểu chính mình

Đỗ Việt
(doviet)

Thành viên danh dự
Mọi điều xảy ra đều có lí do, không có gì là ngẫu nhiên, và rất ít khi do may mắn vô cớ (bởi bản thân sự may mắn trong nhiều trường hợp cũng không hề ngẫu nhiên).

Nếu một cái gì đó bị hỏng thì chắc chắn là có nguyên nhân đặc biệt, chứ không phải do nó được làm ra là để bị hỏng.
Hãy suy nghĩ và bạn sẽ thấy điều này đúng cả với chính bạn, tức là cơ thể và tâm hồn của bạn.

Mọi cảm xúc yêu, ghét, buồn, giận, dỗi, chán nản, thất vọng... đều xuất phát từ một (hoặc nhiều) nguyên nhân, cho dù người ta có nhận ra và chấp nhận nó hay không.
Mọi bệnh tật (về tinh thần hay thể xác) đều có nguồn gốc, cho dù người ta có tìm ra và công nhận nó hay không.

Con người nói riêng và mọi sinh vật nói chung đều sẽ phải chết, tất cả chúng ta đều hiểu sự thật cơ bản này. Nhưng nhiều người trong số chúng ta lại dựa vào chân lí "ai cũng phải chết" ấy để áp đặt cho mình những quan niệm sống đôi khi rất bi quan hoặc bất cần, dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại trong cuộc sống (không chỉ đối với bản thân mà cả với những người xung quanh).

Trong xã hội hiện đại ngày nay, đa số chúng ta đều mắc chứng nghiện ngập. Có thể bạn không hoàn toàn đồng ý với nhận định này của tôi, vậy hãy cùng tôi xem xét một số khía cạnh dưới đây.

Rất nhiều người trong chúng ta:
  • Nghiện chất kích thích: ma túy (heroine, cocaine, cần sa...), thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia, cà phê... Các chất này tác động trực tiếp vào thần kinh và các bộ phận trên cơ thể. Tùy vào mức độ sử dụng và đặc điểm của cơ thể mà các "con nghiện" bị phụ thuộc ở các mức độ khác nhau. Biểu hiện khi thiếu các chất kích thích này ở những người bị phụ thuộc là cảm giác bồn chồn, thèm muốn, thậm chí nóng nảy và dẫn đến cáu gắt. Đây là sự phụ thuộc mang tính bản năng, bởi không chỉ con người mà các loài động vật khác cũng có thể bị nghiện nếu tiếp xúc với các chất kích thích. Vậy nếu bạn muốn phân biệt mình với các loài động vật khác, điều trước tiên mà bạn nên xem xét lại là "mình có bị phụ thuộc vào một chất kích thích nào không, mình có muốn thoát khỏi sự phụ thuộc này không, và làm thế nào để thoát khỏi sự phụ thuộc ấy?". Có rất nhiều người đã thành công, nhiều người khác thất bại. Và trong số những người thất bại, có không ít thất bại từ khi chưa bắt đầu, bởi họ hoàn toàn không có ý muốn cố gắng.

  • Nghiện cảm xúc (một phần của quan điểm này tôi học từ ông Mike George): những người này có một ảo tưởng là cuộc đời rất tẻ nhạt nếu thiếu các cảm xúc mãnh liệt, họ tìm nhiều cách để thỏa mãn cơn nghiện của mình, ví dụ như ham muốn chơi các trò cảm giác mạnh, xem các bộ phim kinh dị gây căng thẳng hoặc các bộ phim tình cảm gây xúc động tột độ, nghe các bản nhạc ầm ỹ và lộn xộn, đọc các tác phẩm chứa đầy sự căng thẳng và sợ hãi... Rồi họ cho rằng làm như thế là rất tốt cho việc rèn luyện cảm xúc của mình, hoặc họ làm những việc ấy chỉ đơn giản bởi... họ thấy hay và không thấy có lí do gì để không làm. "Nghiện cảm xúc" là một hiện tượng nghiện ở mức độ sâu hơn, không chỉ mang tính bản năng đơn thuần mà còn có ảnh hưởng bởi ý thức. Sự ảnh hưởng này bắt nguồn từ việc họ không nhận thức được là cơ thể mình cần gì và không hiểu được các ảnh hưởng mà cơ thể (vật lí, sinh lí) có thể gây ra cho tinh thần. Hãy dành ít phút để suy ngẫm xem bạn có ở trong trường hợp này không, và đừng để mình chìm đắm vào những cơn nghiện cảm xúc! Hãy nghĩ xem: tại sao mình thường xuyên có những giấc mơ đầy bạo lực, đầy mệt mỏi, tại sao mình quá dễ xúc động khi xem những bộ phim tình cảm, dễ hốt hoảng khi xem những bộ phim kinh dị, bị ám ảnh sau khi xem phim (mà vẫn muốn xem), dễ bị kích động và nổi nóng trước người khác hoặc trước một sự việc không vừa ý, hay... (ở một số người) đâu là nguyên nhân khiến mình bị viêm loét dạ dày?

  • Nghiện chiến thắng (một phần của quan điểm này tôi rút ra từ quá khứ của bản thân): ảo tưởng về sức mạnh thể chất hay về sự hiểu biết của chính mình khiến chúng ta luôn muốn chứng tỏ năng lực của bản thân và mong muốn người khác công nhận. Điều này được thể hiện rất rõ ở những người ưa bạo lực, thích ganh đua, thèm tranh cãi. Họ có nhiều quyết tâm trong việc tranh giành một vị thế có lợi hơn, và nhiều khi bằng những cách tiêu cực như thủ đoạn hay bạo lực. "Nghiện chiến thắng" là một "căn bệnh" nguy hiểm, vì nó ở mức độ nghiêm trọng hơn "nghiện chất kích thích". Nó không chỉ đánh thức cảm giác thèm muốn của bản thân, mà còn dẫn đến chủ đích mang lại kết quả bất lợi cho những người khác.
Hãy tưởng tượng khi trong chúng ta tồn tại mầm mống của cả 3 dạng "nghiện" này. Chúng ta sẽ là những người vô cùng bất hạnh và đáng thương, bởi không thể dùng lí trí (yếu tố phân biệt chúng ta với các loài động vật khác) để kiểm soát và điều khiển bản năng để phục vụ cho những nhu cầu chính đáng và có lợi cho chính mình.

Nếu bạn đã từng dùng luận điểm "ai cũng phải chết" để bào chữa cho những cơn nghiện của mình và để cho cơ thể của bạn chịu đựng những sức ép mà chính bạn mang tới, thì một lúc nào đó (chắc chắn) bạn sẽ phải hối hận. Và lúc ấy có thể cũng đã là quá muộn.

Nếu bạn cho rằng bạn yêu thương chính mình (nên như thế!), hãy quan tâm đến cảm xúc và các nhu cầu thiết yếu của bản thân, hơn là chạy theo các ham muốn phù du và không có lợi cho bạn. Hãy tìm hiểu nhiều hơn về chính bạn, bởi bạn là cả vũ trụ, bên trong bạn còn rất nhiều điều mà bạn vẫn chưa khám phá tới. Những điều ấy cũng kì diệu và thú vị như (hay thậm chí hơn) bất cứ điều kì diệu và thú vị nào khác trên đời.
Hãy dành nhiều thời gian để "du lịch trong chính mình" hơn thời gian bạn du lịch thế giới, bạn sẽ tìm thấy bình yên và hạnh phúc đích thực; qua đó bạn cũng sẽ mang bình yên và hạnh phúc đến cho rất nhiều người khác!

Sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, đấy không phải mong muốn của bạn sao?


(HNK12)
 
Back
Bên trên